Những nhà văn quốc ngữ tiên phong là những người
đã dùng chữ quốc ngữ để phổ biến văn chương, học thuật trước tiên mà cũng là
những người hô hào truyền bá chữ quốc ngữ đến đại chúng vào thời kỳ sơ khai.
Những nhà văn tiền phong ấy là Trương Vĩnh Ký, Hình Tịnh Của, Trương Minh Ký,
đã sáng tác văn chương, đẩy mạnh việc truyền bá chữ quốc ngữ.
1. Sự Ðóng
Góp Của Các Nhà Văn Tiền Phong.
Trương Vĩnh Ký đáng được người đời tôn vinh lên
hàng bác học như người ta đã làm, chính ông là học giả, là nhà văn tiền phong
đã nhìn thấy khả năng chữ Quốc ngữ và ông đã phổ biến chữ Quốc ngữ đến quảng
đại quần chúng.
Trước ông, chưa có ai làm việc nầy,
cho đến thời đại của ông và công việc ông làm, cho thấy chữ Quốc ngữ đã được
công chúng dùng đến. Như vậy nó đã được phổ biến chớ không phải chờ đợi đến
người Pháp, người Pháp chỉ là kẻ nhúng tay vào cho nó tiến nhanh, ngõ hầu giúp
cho việc cai trị của họ được dễ dàng.
Trong phần nầy, trước tiên chúng tôi muốn dành
một chỗ xứng đáng cho học giả Trương Vĩnh Ký, vì ông chính là người tiền phong
dùng chữ Quốc ngữ và cổ vũ cho phong trào học Quốc ngữ.
Trương Vĩnh
Ký (1837-1898)
Từ năm 1886-1888, Trương Vĩnh Ký được bổ nhậm
chức Giám đốc và dạy ngôn ngữ Ðông Phương ở Trường Thông Ngôn ( Collège des
Interprètes).
Ngày 16/9/1869, ông được Thống soái Nam Kỳ Ohier
bổ nhiệm Chánh Tổng Tài tờ Gia Ðịnh Báo. Ông đã điều hành tờ báo nầy cho đến
năm 1872, năm nầy ông được thăng Tri Huyện và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng
trường Sư Phạm (Ecole Normal). Năm 1874, ông là giáo sư dạy chữ Quốc ngữ và chữ
hán ở Trường Hậu Bổ (Collège des Stagiaires).
Từ 1866-1886, khoảng thời gian 20 năm nầy, ông
chuyên về vấn đề văn hóa và giáo dục. Nhưng năm 1886, người bạn cũ của ông là
Paul Bert sang làm Thống Ðốc Nam Kỳ, vì tình bạn ông đã bước sang sân khấu
chánh trị, một bước phù du mà cuối cùng cuộc đời ông nghèo nàn, danh vọng một
thời đã mai một!
Cộng tác với Pháp, nhưng chắc chắn Trương Vĩnh Ký
không thích con đường chính trị, ông lại thiết tha với nền văn học chữ quốc
ngữ, ông có chủ đích quay về sự nghiệp văn chương của mình, khi Paul bert mất,
ông không ngần ngại từ bỏ sân khấu chánh trị, trở lại nghề dạy học, viết sách
dạy các thứ tiếng Ðông phương, về phương diện nầy, ông là nhà ngôn ngữ học
quảng bác, vì ông có thể nói và viết 15 ngôn ngữ Tây phương và 11 ngôn ngữ Ðông
phương.
Viết sách dạy người Pháp học tiếng Việt và ngược
lại, dịch bộ Tứ Thư (Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử), cũng như một số
sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ, cốt để phổ biến ngôn ngữ và tư tưởng Ðông phương,
chính ở phương diện nầy chúng ta thấy ông là nhà văn hóa, ở sân khấu chánh trị
ông mong tạo sự thông cảm giữa người Việt và người Pháp, giữa những xung đột
lớn lao về chánh trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
b) Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)
Huỳnh Tịnh Paulus Của hay Huỳnh Tịnh Của người
tỉnh Bà Rịa, ông thông thạo Hán và Pháp Văn. Năm 1881, được bổ ngạch Ðốc phủ
sứ, phụ trách công việc phiên dịch các văn án cho nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam.
Ông cũng là nhà văn quốc ngữ tiền phong cộng tác
với Gia Ðịnh báo. Tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp của ông rất có giá trị,
đó là quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị, in thành 2 tập, tập I in năm 1895 từ mẫu tự
A đến L, tập II in năm 1896 từ M đến X, cả hai quyển đều in tại Sàigòn do nhà
in Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Rues Catinat & dOrmay. Năm 1983, nhà
sách Khai Trí có in lại 2 tập của quyển tự vị nầy.
Cách hành văn của ông rất mộc mạc và bình dân,
cho đến nay chưa tìm thấy tác phẩm nào ông viết bằng Pháp Văn, các tác phẩm của
ông cho chúng ta thấy, ông đã chú trọng vào việc điển chế và phổ biến chữ quốc
ngữ.
c) Trương Minh Ký (1855-1900)
Trương Minh Ký có biệt hiệu là Thế Tải, ông sanh
ngày 23/10/1855 tại Gia Ðịnh, là học trò của Trương Vĩnh Ký. Ông thông Hán và
giỏi Pháp văn, làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh
Ký trên tờ Gia Ðịnh báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách dạy Pháp văn.
Trương Minh Ký không được người ta chú ý nhưng
vừa là môn đệ, vừa là người cộng tác thân cận với Trương Vĩnh Ký, xét qua văn
nghiệp, cũng xứng đáng dành cho ông một chỗ đứng trong các nhà văn tiền phong
chữ quốc ngữ.
Ông hành văn cũng bình dân, mộc mạc như Trương
Vĩnh Ký và Huình Tịnh Của, chuyên dịch chữ Hán ra quốc ngữ và sử dụng văn vần
nhiều hơn văn xuôi.
2. Việc
thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ của người Pháp
Từ năm 1867, quyển Chuyện đời xưa của
Trương Vĩnh Ký ra đời và trước đó năm 1865 tờ Gia Ðịnh báo được in bằng
chữ quốc ngữ, nhà cầm quyền Pháp tại miền Nam đã thấy phương tiện truyền thông
bằng chữ quốc ngữ cho người Việt Nam có khả năng thích hợp hơn chữ Pháp, chữ
Hán hay chữ Nôm, vì nó dễ học, người Việt nhờ chữ quốc ngữ mà thông hiểu trực
tiếp ngôn ngữ của mình. Về điểm nầy chúng ta có thể đọc một đoạn văn trong Gia
Ðịnh báo:
Thầy Ký ( Trương Vĩnh Ký ) dạy học, có làm sách
mẹo dạy tiếng Lang-sa, có làm ra chữ quốc-ngữ để người ta dễ học, những người
ký-lục giỏi cùng siêng-năng sẽ lo mà học chữ quốc-ngữ vì có hai mươi bốn chữ mà
viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẽ cũng viết đặng, không phải như chữ
ta (8), học già đời mà còn có những chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ
Tường (9) đã học đặng chữ quốc-ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng
khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết (Gia Định báo, ngày 15/4/1867)
(10)
Hơn 10 năm sau, nhà cầm quyền Pháp quyết định
dùng chữ quốc ngữ để làm văn tự chánh thức cho miền Nam. Sự việc nầy không phải chánh
phủ Pháp muốn khai phá cho dân Việt, mà đây cũng chỉ là một trong những mưu đồ
thôn tính Việt Nam.
Nhà cầm quyền Pháp đã ban hành Nghị định số 82
ngày 6/4/1878, nội dung như sau:
Ðiều thứ
1:
Kể từ ngày 01/01/1882 tất cả văn kiện chính thức, nghị định, quyết nghị, sự vụ
lệnh, án lệnh, chỉ thị và các văn kiện khác đều sẽ viết, ký và công bố bằng chữ
La-tinh.
Ðiều thứ
2:
Cũng kể từ ngày ấy, sẽ không được ban cho bất cứ một bổ nhiệm nào, một thăng
cấp nào trong hàng nhơn viên phủ, huyện và tổng, cho bất cứ là ai mà không đủ
sức viết công văn bằng Quốc ngữ.
Ðiều thứ
3:
Cũng kể từ ngày ấy và dĩ chí ngày 01/01/1886, hương thân nào cũng được miễn
thuế thân, hương hào nào cũng chỉ đóng phân nữa thuế thân và biện lại nào cũng
được miễn sưu, nếu họ đủ sức viết công văn bằng Quốc ngữ.
Ðiều thứ
4:
Kể từ ngày 01/01/1886, không ai được lãnh các nhiệm vụ trên đây, nếu không biết
Quốc ngữ đàng hoàng.
Tuy nhiên, biện pháp nầy chỉ được miễn cho
những người nào trước thời gian đó đã được chú ý vì họ sốt sắn và lương thiện
trong lúc thi hành các nhiệm vụ ấy.
Thống đốc Nam Kỳ
Lafont (11)
Nghị định 82 nầy chỉ nhằm bó buộc và khuyến khích
những người làm việc cho Pháp từ cấp huyện, tổng và làng xã, là cấp thừa hành
để giúp cho công cuộc cai trị của họ được dễ dàng, thuế vụ không bị thất thu.
Như vậy chúng ta thấy rõ Nghị định 82 đã thúc đẩy
cho việc sử dụng chữ quốc ngữ trở nên chánh thức tại Miền Nam.
3. Kết
Luận.
Thời kỳ chữ quốc ngữ phát triển chính là thời kỳ
nầy trong tiến trình hình thành của nó. Cho đến nay, chúng ta biết Gia Ðịnh báo
là một sản phẩm đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ, nhằm phổ biến nghị định, tin
tức... thuộc về nhà cầm quyền chủ trương, còn quyển Chuyện đời xưa của Trương
Vĩnh Ký có chủ đích phổ biến chữ quốc ngữ cho người Việt, rồi sau đó, trên Gia
Ðịnh báo ngoài Trương Vĩnh Ký làm Chánh Tổng Tài còn có sự cộng tác của Huỳnh
Tịnh Của, Trương Minh Ký đã dùng nó làm phương tiện phổ biến chữ quốc ngữ đến
đại chúng.
Trương Vĩnh Ký là nhà thông thái, quảng bác ngữ
học nhưng ông hành văn rất giản dị, bình dân, viết cũng y như câu nói. Ðến Huỳnh
Tịnh Của và Trương Minh Ký lời văn cũng bình dị nhưng câu văn lại nhẹ nhàng
hơn. Tuy Trương Minh Ký ít người biết đến, nhưng ông là người cộng tác gắn bó
với Trương Vĩnh Ký trên Gia Ðịnh báo và Thông Loại Khóa Trình, còn Huỳnh Tịnh
Của được nhiều người biết đến nhờ quyển Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị của ông.
Các nhà văn tiền phong kể trên rất có công trong
việc truyền bá chữ quốc ngữ vào thời kỳ phôi thai, nhờ đó đến đầu thế kỷ thứ
hai mươi, văn học quốc ngữ miền Nam cũng tiên phong trong các bộ môn văn học.
Tôn vinh những nhà văn quốc ngữ tiên phong miền
Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký bởi sự nghiệp văn học
của họ và nhiệt tâm truyền bá chữ quốc ngữ vào thời buổi sơ khai, đáng cho
chúng ta ngưỡng vọng. Và nhờ họ mà Văn học Việt Nam sau nầy phát triển nhanh chóng
khắp mọi miền đất nước.
Huỳnh Ái Tòng
Ghi chú:
(1)
Nhân Loại bộ mới số 4 ngày 15-10-1958 trang 30-32
(2)
Chúng tôi dùng chữ trong ngoặc thay cho chữ Hán.
(3)
Chúng tôi để nguyên văn, không sửa chữa chánh tả, xống: sống
(4)
Chép theo Petite Dictionnaire Francais-Annamite.
(5)
Không ghi năm tháng.
(6)
Chép nguyên văn.
(7)
Có lẽ thợ nhà in đã bỏ sót mất một đoạn: Từ Thức gặp lại Giáng Hương ở cõi
tiên, được tác hợp thành vợ chồng.
(8)
Chữ Nôm
(9)
Tôn Thọ Tường
(10)
Nguyễn bá thế, Tôn Thọ Tường, Tân Việt. Sàigòn 1957 trang 29
(11)
Bản dịch của nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét