I. Thân thế Nguyễn Văn Vĩnh
Ông sinh năm 1882 (ngày
15-6) tại Phượng Vũ, Thường Tín, Hà Đông. Sớm theo học Pháp, vào trường thông
ngôn Hà Nội, năm 16 tuổi tốt nghiệp, được bổ làm thư ký tòa sứ Lào Cai, rồi
thuyên chuyển qua Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội. Năm 1906, được cử sang Pháp dự
cuộc hội chợ Đấu Xảo (foire d’exposition) Marseille. Trở về ông từ chức nhà
nước để xoay sang nghề văn nghề báo và hoạt động chính trị.
Khởi đầu năm 1907, ông làm
chủ bút tờ Đại nam đăng cổ tùng báo. Rồi ông chủ trương tờ Notre
Journal (1908 -1909). Năm 1910 ông ra tờ Notre Revue (được 12 số) cũng năm
đó làm chủ bút tờ Lục Tỉnh tân văn ở Sài Gòn. Năm 1913 ông về Hà Nội
đứng chủ bút tờ Đông Dương tạp chí, rồi năm 1915 kiêm cả tờ Trung Bắc
tân văn (Ba tờ này đều do một người Pháp là Schneider sáng lập). Năm 1919,
tờ Đông Dương đổi làm Học báo, ông
giữ chức chủ nhiệm, lại mua lại tờ Trung
Bắc Tân Văn và cho ra hàng ngày. Năm 1927, ông cùng
Vayrac lập ra tủ sách Âu Tây tư tưởng (La pensée de occident) in các
sách ông dịch thuật. Năm 1931, ông ra tờ Annam Nouveau, làm chủ nhiệm
kiêm chủ bút cho tới 1934. Trong hai chục năm ông làm báo, vừa viết báo vừa
trông nom việc quản trị. Ông lại còn là hội viên rất hoạt động của hai học hội
lớn là Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức. Thêm vào còn hoạt động về chánh trị, làm
hội viên, Hội đồng thành phố Hà Nội từ 26 tuổi, và trong nhiều khóa liên tiếp,
làm hội viên Hội Tư vấn Bắc kỳ (tức như viện dân biểu khi đó) từ năm 1913, và
có chân trong Đại hội nghị Kinh tài Đông Dương (cơ quan tư vấn tối cao của
chánh phủ Đông Pháp). Ngoài ra ông còn là người của Hội Nhân quyền Quốc tế tại
Việt Nam
(Ligue des droits de l’homme), là hội viên của hội Tam điểm Quốc tế (Franc
Maconnerie).
Vào khoảng 1934 -1935, gặp
hồi kinh tế khủng hoảng công việc kinh doanh ấn quán bị lỗ lã, ông muốn kiếm
phương tiện bằng một đường thực nghiệp khác, mới cùng một người Pháp là
Clémenti sang Lào để tìm khai mỏ vàng. Hành trình gian khổ. Lần đi đầu ông chịu
được. Đến lần thứ hai ông lâm bệnh và mất ở gần Tchépone ngày 2/5/1936.
Cho đến đầu thế kỷ 20, báo
chí vẫn là một cái gì chưa được biết tới đối với đời sông Việt Nam. Ớ
miền Bắc từ khi người Pháp đến (1885), chỉ mới có hai tờ nhật báo Pháp văn của
họ (Avenir du Tonkin và Courier d’Haiphong). Mãi đến năm 1890, nha Kinh lược
với sự đồng ý của toàn quyền De Lanessan mới cho phát hành tờ Đại Nam đồng văn
viết bằng chữ Hán, chuyên đăng tải công văn và chỉ dụ của chánh phủ. Năm 1905,
một người Pháp, ông Babut ra ở
Hà Nội tờ Đại Việt tân báo cũng chú
trọng vào phần chữ Hán và giao cho một nhà nho là cụ Đào Nguyên Phổ làm chủ
bút.
Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy
vai trò quan trọng mà tờ báo có thể đóng ở nước ta khi bước vào cuộc sinh hoạt
mới nên chuyển sang Pháp năm 1906 đã để ý nghiên
cứu học hỏi. Ông thuật lại về sau trong một bài phỏng vấn ở báo Tin Văn (số 1 ngày 28/7/1935)
như sau: “Năm 1906 tôi được cử vào phái bộ sang dự cuộc đấu xảo ở Marseille. Gian hàng miền Bắc dựng
liền với gian hàng của tờ báo Le petit Marseillais. Ông chủ tờ báo ấy
muốn làm quảng cáo cho báo mình đã khuân cả cái tòa báo vào trong trường đấu
xảo, xưởng máy, tòa soạn, tòa trị sự đủ cả. Hàng ngày tôi thấy cái cảnh hoạt
động trong tòa báo ấy mà thèm, máy chạy ầm ầm, phóng viên đi lấy tin tấp tới.
Tôi thấy như tôi đâm mê cái nghề làm báo. Cả ngày tôi sang hỏi hết cái này cái
nọ, ông chủ báo ôn tồn giảng giải cho tôi rất tử tế...”, về nước sau đó, ông
mới cùng ông Đỗ Thận đứng ra lập tờ Đăng Cổ tùng báo viết bằng quốc ngữ.
Tờ này theo nhiều người là tờ báo quốc văn đầu tiên ở đất Bắc, ra số đầu ngày thứ năm 28/3/1907. Song Nguyễn Văn
Vĩnh không phải chỉ để ý đến việc làm báo mà ông còn muốn đi rộng vào nghề ấn
loát xuất bản.
Trong những bước đầu,
Nguyễn Văn Vĩnh gặp hai người Pháp giúp ông nhiều kinh nghiệm là Dufour và Schneider.
Ngay khi làm tờ Đăng Cổ ông đã cùng Dufour lập một nhà in, cái nhà in thứ nhất
của người mình ở Hà Nội (chỗ
nhà Địa ốc ngân hàng sau này) và in bộ sách dịch Tam quốc chí của Phan Kế Bính.
Được hai năm báo Đăng Cổ chết ông thử ra một tờ báo Pháp nhưng cũng không thọ.
Năm 1910, ông cùng Schneider vào Sài Gòn. Schneiđer xuất thân “chef d’atelier” làm việc trong xưởng in
nhà nước, sau thời ra mua lại đồ chính phủ mở nhà in riêng, huấn luyện những ấn
công Việt Nam đầu tiên và in hai tờ báo đầu ở miền Bắc, Đại Nam và Đại Việt nói
trên. Schneider lập ở Sài Gòn tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Nguyễn Văn Vĩnh đứng chủ
bút. Đến năm 1913 hai người ra Hà Nội lập tờ Đông Dương tạp chí. Rồi năm
1915 Schneider lại ra luôn tờ Trung Bấc tân văn cùng giao cho Nguyễn Văn
Vĩnh trông nom bài vở. Năm 1919, Schneider già yếu rút lui. Nguyễn Văn Vinh mua
lại tờ Trung Bắc đổi làm nhật báo, đứng ra hoàn toàn tự
quản trị lấy. Ông cũng mua lại cơ sở
ấn loát Trung Bắc và bắt đầu ấn hành những tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn dịch của
ông cùng những tác phẩm của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục. Những sách này chính
là những sách xuất bản đầu tiên do người mình ấn hành ở miền Bắc khi đó. Còn tờ Trung Bắc thì cũng là tờ nhật báo đầu
tiên trở nên có uy tín và sống bền bỉ mãi cho đến cuối trào Pháp thuộc.
Như vậy Nguyễn Văn Vĩnh đã
đương nhiên mở lối cho nghề xuất bản và phong trào ngôn luận quốc văn của người
mình. Ông đã đi những bước đầu bỡ ngỡ và khó khăn. Cho nên năm 1936 khi ông
mất, cả làng báo đất Bắc, bâý giờ đã đông đảo, đi sau linh cữu ông và tặng ông
danh hiệu “thủy tổ nhà báo của xứ sở”.
Không những là nhà báo đầu tiên mà còn là một nhà báo xứng danh, có tài có lực.
Ông đem vào nghề đó nhiều đức tính như: óc thực tế, óc tổ chức, tháo vát, ham
hoạt động, chịu học hỏi, những đức tính rất ít có ở người Việt Nam
mình khi đó, nên ông càng đi, càng tiến. Không những thế ông còn là một cây bút
ký giả lỗi lạc vào buổi đầu ấy. Ông học rộng, có biệt tài nhận định nhanh chóng
mọi vấn đề và biết trình bày một cách sáng sủa rành rẽ dù bằng câu văn Pháp hay
Việt. Ông Nguyễn Văn Tố là người biết rõ ông hơn ai hết trong báo Đông Dương và
hội Trí Tri có nhận xét về tài viết của ông Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “Ông nghĩ rất lanh, tìm ngay được những tiếng để diễn tả ý kiến, bài của
ông thường khi đã sẵn có trong đầu khi ông cất bút”. Làm chủ bút một tờ báo
mà lúc đầu thường thường ông viết ráo, từ bài xã thuyết, mục thời sự, đến bài
dịch đoản thiên đến cả mục tâm sự bạn gái. Cái khiếu hoạt bát ấy tất nhiên là
một khiếu tối cần cho nhà báo mà ông đã nêu gương cho người hậu tiến ngay buổi
đầu.
Trong những cơ quan ngôn
luận ông đứng điều khiển hẳn rằng Đông Dương tạp chí là tờ gây được nhiều ảnh hưởng hữu ích
nhất cho việc thành lập nền văn học mới tại nước ta. Tạp chí ấy
ra hàng tuần, số đầu ngày thứ Năm 15/5.1913. Đọc mấy trang đầu số này người ta
không khỏi nhận thấy quá rõ ràng cái chủ trương tuyên truyền cho chính sách của
Pháp. Theo như lời cẩn cáo thì tờ báo tuy được sửa soạn, nhưng cũng chưa đến
lúc ra, nếu không có một biến cố làm chấn động dư luận khi ấy, là việc một trái
bom được ném vàò nhà hàng Hà Nội Hotel làm thiệt mạng hai quan tư Pháp. Vì có
việc nguy biến ấy nên mới phải vội vàng mà in ra để “đem văn chương học thuật đem ân huệ văn minh của nhà nước Lang sa mà
khua sáo cho lấp được nhừng lời gây loạn”, để làm cho “tiếng pháo tịt ngòi không nổ kịp tiếng chuông trống văn minh”.
Nguyễn Văn Vĩnh tất nhiên đứng trong hàng ngũ nhà cầm quyền Pháp và trong số
đầu đầy một giọng đả kích gay gắt, ta thấy ông Tân Nam Tử bài xích bọn “ngụy
nho”: “Tiểu nhân cuồng dại trốn ra nước
ngoài, xúi người làm loạn gieo họa hại dân”.
Qua mấy số đầu, cơn sóng
thời sự tạm yên, ta thấy bài vở trở nên biến đổi hơn, phong phú hơn, nghiêng về
luận thuyết và văn chương hơn. Tuy nhiên lúc đầu có thể nói Nguyền Văn Vĩnh đã
viết gần hết tờ báo, từ bài về quan điểm, chủ nghĩa, phương châm đến các bài
tạp luận, xã hội, đến mục Pháp văn hợp thái, trích dịch tư tưởng Pháp. Ông đặt
ra một mục Xét tật mình để luận những cái dở, cái tệ của người An nam,
cần phải ý thức và sửa bỏ để tiến bước trên đường văn minh. Ông lại đặt ra một
mục Nhời đàn bà và dưới bút hiệu Đào Thị Loan chuyên luận về các vấn đề
phụ nữ. Bắt đầu từ 1913, ông dịch tiểu thuyết Gil Blas de Santillane. Bắt đầu
từ số 15 ông đăng thơ ngụ ngôn dịch của La Fontaine. Từ số 18 ta thấy dịch
truyện Kiều ra Pháp văn của ông. Như vậy có thể nói tất cả sự nghiệp văn chương
của Nguyễn Văn Vĩnh sau này, luận thuyết xã hội, dịch tiểu thuyết Pháp, dịch La
Fontaine, dịch truyện Kiều đã khởi lên trong những năm đầu làm báo Đông Dương
này.
Ngoài Nguyền Văn Vĩnh về
sau đến thêm nhiều cây bút khác. Trần Trọng Kim viết bài đầu Sư phạm khoa ở số 3 rồi
từ số 42 đứng ra chủ trương hẳn một mục Tân học văn tập gồm mỗi kỳ một
số bài mẫu về luận quốc văn, sử địa, toán pháp, cách trí để giúp các thầy giáo
dạy tiểu học (phần Sư phạm này sau tăng thêm dọ giáo sư trong Hội Trí Tri phụ
trách, và thành hẳn một phần quan trọng của tờ báo). Phạm Quỳnh trong mấy bài
đầu bàn về Học cũ học mới (số 5) về cách hòa hợp hai cái học Đông Tây
(số 8) đã cho ta thấy ló rạng cái chủ nghĩa của người lãnh tụ Nam Phong vài năm
sau. Tuy nhiên ông không viết thường xuyên, thĩnh thoảng mới có bài. Ngoài ra
còn có Nguyễn Văn Tố chuyên dịch những bài trích tuyển Pháp văn có tính chất tư
tưởng học thuật, Phạm Duy Tốn với những bài bút ký ngăn ngắn có vẻ như những
đoản thiên quốc văn đầu tiên. Nguyễn Đỗ Mục khởi đầu bằng loạt bài Gõ đầu trẻ
(từ số 20). Phan Kế Bính chỉ có mặt từ số 35 (bài Luận về văn minh là gì?)
nhưng là một biên tập viên lâu dài và đặc sắc cho Đ.D.T.C. về sau. Ngoài ra vì
tờ báo còn có một số độc giả Pháp và chính chủ nhân sở hữu của nó cũng là người
Pháp nên mỗi nhan bài thường đều có phụ đề chữ Pháp (như Cách buôn bán Lang
Sa thì phải thêm vào dưới Comment les Francais font du commerce), và
từ số 14, báo có một phụ mục ở
đằng sau để dạy tiếng Việt cho người Pháp (Cours de langue Annamite) do
một người Pháp là Saintonge biên soạn.
Tóm lại xem qua trường hơp
ra đời, thành phần chủ trương, các bài, các mục như trên ta có thể nhận định
các mục tiêu của Đ.D.T.C. như sau :
- Về chánh trị: tờ
báo hiển nhiên là một cơ quan tuyên truyền cho cuộc bảo hộ của Pháp. Tuyên
truyền bằng cách nào? Bằng cách đem những công việc của nhà nước mà kể cho dân
nghe (như ở số 2: Kỳ này bản
quân hãy kể một việc khai đường thông thủy cho lợi ruộng đất của dân An nam để
ai nấy được biết chú ý vì dân của nhà nước Lang Sa) bằng cách đem điều hơn lẽ
thiệt mà khuyên dụ dân đừng làm loạn, đừng theo cách mạng bạo động.
- Về học thuật thì
“báo dựng nên cốt ở việc đem cái học
thuật thái Tây dùng tiếng Nôm mà dạy phổ thông cho người An nam không phải đi
nhà tràng cũng học được hoặc đã đi học rồi mà học thêm’’. Việc giáo dục này
có tính cách phổ thông và bách khoa cho nên ta thấy dịch thuật và giảng giải về
đủ các vấn đề, từ việc nuôi con cho đến việc tu bổ đê điều, từ cách buôn bán
của người Lang Sa đến sự phân chia khoa tâm lý học thái tây.
Về văn tự
thì cổ động cho chừ quốc ngữ, thứ chữ tiện cho người Annam gấp mấy lần chữ nho: “Mở ngay tờ báo này ra mà ngắm xem, bấy nhiêu
điều luận trong báo, thử nghĩ giá mà luận bằng chữ nho thì có mấy người hiểu
cho hết nghĩa. Thế mà chữ quốc ngữ thì không những là người biết chữ quốc ngữ
đọc được hiểu được mà đọc lớn cả nhà nghe cũng hiểu được”. Không phải chỉ
cổ động bằng cách viết một tờ báo quốc ngữ để mọi người đọc chơi, nhận ra những
ưu điểm của thứ chữ mới, báo quán còn tích cực hơn, hứa “nay mai phát không cho những người mua báo một quyển sách dạy quốc ngữ
rất tiện cho các ông để không phải đem sách đi hỏi, ai cũng tự học được chữ
quốc ngữ”.
Tất nhiên đối với
Schneider và đám người Pháp đứng sau thì mục tiêu chính trị trên kia là quan
yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, bắt đầu từ Nguyễn Văn
Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng làm một cơ quan để tuyên truyền cho việc
duy tân đất nước và xây dựng văn học mới.
Tuy nhiên bắt đầu tháng
giêng 1915, Đ.D.T.C. nội dung cũng như hình thức có nhiều biến đổi. Sehneider
ra riêng một tờ Trung Bắc tân văn
in theo khổ nhật báo (tuy mới đầu cũng chỉ ra hàng tuần) để đăng tải tin tức,
bình luận thời sự, tức như tờ Lục Tỉnh
tân văn ở Nam Kỳ. Còn tờ
Đông Dương thì đổi ra hình thức một tờ tuần báo in khổ nhỏ để đóng thành sách
và chuyên hẳn về văn chương và sư pham. Phan Kế Bính mở đầu các thiên biên khảo
hoặc dịch thuật của ông về quá khứ nước nhà như Việt Nam phong tục, Đại
Nam điển lệ trong mục gọi là Bổ quốc sử. Nguyễn Đỗ Mục cũng bắt đầu
dịch những truyện Tàu sau này nổi tiếng của ông như Tây sương ký, Song
phượng kỳ duyên, rồi Đông chu liệt quốc. Nguyễn Khắc Hiếu đưa ra
những bài nghị luận quốc văn độc đáo của ông trong một mục gọi là Tản Đà văn
tập. Ngoài ra trong Đông Dương loại mới này còn có thêm mấy cây bút sau này
trở nên rất quen biết: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Trác, Thân Trọng Huề... Tờ
báo từ đây không còn những lời tuyên truyền trắng trợn cho Pháp nữa, bỏ phần
dạy tiếng An nam cho người Pháp, chuyển thành một cơ quan cho riêng người đọc
Việt Nam, lại có tính chất hữu khuynh, mang nặng một phần cổ văn, cổ học. Riêng
Nguyễn Văn Vĩnh cũng không còn thấy trình bày những lý thuyết bài cựu nghinh
tân của ông nữa. Ông bỏ hẳn văn luận thuyết mà quay sang chuyên dịch tiểu
thuyết, kịch Pháp: Tê lê mạc phiêu lưu ký, Trưởng giả học làm sang, Cổ
tích của Perrault, Lỗ Bình Sơn phiêu lưu ký...
Đến năm 1919, tờ báo lại
biến hình một lần nữa. Bấy giờ Phạm Quỳnh đăng đàn được gần hai năm đương cổ
xúy thức giả đi vào con đường dung hòa và bảo tồn. Đông Dương tạp chí nhường việc xây dựng học thuật cho Nam Phong. Nó
chỉ giữ mục sư phạm và biến thành tờ học báo bậc tiểu học, giao cho Trần Trọng
Kim trông nom bài vở.
Nguyễn Văn Vĩnh là một
trong những phần tử Tây học tiền phong ở
nước ta. Ông vào trường thông ngôn rất sớm, lại thông ham học nên lãnh hội rất
cao. Ngày nay nói đến chữ thông ngôn ta có ý coi thường, coi khinh cái học của
mấy ông tốt nghiệp trường Bưởi ban đầu ấy. Song, nên nhớ là mấy người như
Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố đều là những bộ óc thông minh vượt bực và hiếu học vô
cùng. Có tài nói đó là những “autodidactes terribles”. Họ đọc nhiều, tìm tòi
nghiên cứu nhiều, có một trình độ học vấn rất rộng về mọi vấn đề, nhất là có
thể sử dụng Pháp ngữ một cách rất tinh tường.
Riêng ông Vĩnh vốn xuât
thân ở hoàn cảnh bình dân, trí
óc sớm mở về Tây học lại được sang Pháp du quan, rồi thường sống bên cạnh người
Tây nên ông đặc biệt có khuynh hướng về văn hóa Tây. Do đó mà khi phong trào
duy tân của nho gia nổi lên, ông đã hăng hái đứng vào hỗ trợ. Ông nhận làm
trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông
Kinh nghĩa thục, xướng ra môn thể thao, lập sân thể dục cho trường nữa. Lại
mời thục trưởng là cụ Lương Văn Can đứng ra cùng ông lập Hội dịch sách Bắc Kỳ
(1907).
Tuy nhiên ông chỉ có thể
ngồi chung với các cụ nhà nho khi ấy ở cái chiếu duy tân này thôi (mà thật ra
các cụ cũng không chịu ngồi ở đây lâu), còn đối với cái xã hội nho lưu, những quan
niệm nho gia, ông không thể nào chia xẻ. Trước nhất ngay về chính trị, nếu ông
ủng hộ việc duy tân của nho gia, ông không hề tán thành việc Đông du, chủ
trương cách mạng bạo động của một số. Không phải chỉ vì dưới con mắt ông đường
lối ấy không hy vọng đi đến thành công (dân trí thấp kém, gương nước Nhật đối
xử tàn tệ với Cao Ly, ưu thế của nước Pháp) mà nhất là vì nó hứa hẹn sự trở lại
của thế lực phong kiến mà ông thù ghét. Đối với ông muốn cho nước tiến hóa, cần
phải trước hết thanh toán cái xã hội cũ với ưu thế của nho gia, lớp người
chuyên ăn không xã hội, của Hán học, cái học làm hàng rào ngăn chặn văn minh.
Đối với ông hình ảnh tiến bộ tột bực ấy là nước Pháp, người Pháp, chế độ văn
minh Pháp. Nước Nam phải duy tân đó là một “điều bất đắc bất nhiên” nhưng mà
phải duy tân với người Pháp đó là một điều “bất đắc bất nhiên” khác.
Ông sẵn sàng cãi cho đường
lối thân Tây ấy trong nhiều số đầu báo Đông Dương khi công kích “cách mạng Đông
Du”. Ông viết dưới bút hiệu Tân Nam Tử “Tục
thường nói: theo Tây thì sau mất nước, chỉ những lo quốc hồn mai hậu không còn.
Phải biết rằng cơ còn mất ấy là ở
ta. Còn người thì còn nước. Còn đẻ thì còn người. Còn có ruộng đất mà cày cấy
thì còn đẻ được. Mà may sao đất của ta thì lại chỉ có tay ta cày được mà thôi.
Đó là cái cơ còn chớ không mất được. Người Lang Sa sang đây có thu cái quyền
lợi trong tay cũng chỉ là thu được cái thương quyền, chánh trị quyền mà thôi.
Ví phải tay mấy giống mọt trong xã hội, đâu ở cũng được, ăn thế nào cũng xong, mà ở đâu mọc rễ sâu tại đó,
thì không những là mọi lợi quyền ta mất hết lại còn sợ nó lấn đến lều tranh ta,
ao rau muống ta nữa”.
Nói cách khác, thực dân
tuy hại nhưng không hại bằng phong kiến. Trở lại với phong kiến ấy là trở lại
với quan liêu áp bức, với hào mục mọt dân, với cướp đêm cướp ngày. Nguyễn Văn
Vĩnh không tin tưởng một chút nào vào việc cách mệnh do đám nho gia lãnh đạo.
Ông thâm thù cái trật tự phong kiến, những hủ lậu xâ hội cổ truyền và chào mừng
đời sống an ninh, những tiện lợi sinh hoạt, những tiến bộ vật chất, cùng những
thể thức dân chủ, khoa học mà Tây phương đem lại.
Tư tưởng ấy ngay khi làm
tờ Đăng cổ ông đã biểu lộ. Năm 1911,
cách mạng Trung Hoa thành công ở Vũ Xương, ông viết báo bày tỏ mơ ước một nước
Cộng Hòa Việt Nam với một Tổng thống đứng đầu và dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm
1913 trên tờ Đông Dương, ông đứng vào phe trật tự Pháp bài xích phe nho gia bạo
động. Cũng ở trên tờ Đông Dương ông đi mổ xẻ tất cả những cái xấu, cái dở trong
một xã hội An nạm cổ lỗ mà ông mong muốn gấp rút sự canh tân dưới ngọn đuốc
“khai hóa” của người Pháp. Những bài luận thuyết của ông ở đây cũng đáng ta dừng lại xem qua.
Loạt bài Xét tật mình (từ số 6 đến 29) là để phơi trần những hủ lậu xấu xa người mình cần
phải ý thức và từ bỏ nếu muốn học theo văn minh. Nào là sự hủ bại của thôn xã
trong tay bọn kỳ mục, kỳ nát (số 10). Nào là thói tín ngưỡng lăng nhăng, mê
muội làm cho ta không có một tôn giáo nào mạnh mẽ nên không có sự tin tưởng
nhiệt thành, do đó không có sức mạnh tinh thần để làm một công cuộc gì lớn lao
(số 13). Nào là sự nông cạn và sai lầm của cái học người mình, cái học tạo ra
một giai cấp kẻ sĩ “với dăm ba chữ ngồi rung đùi từ sáng đến chiều, no cơm ấm
cật, còn gạo thổi cơm ở tay ai mà ra, vải may áo ở tay ai mà ra, không nghĩ đến lại còn có ý khinh người chân lấm
tay bùn nông giả nãi vũ phu chi cục mịch”, tóm lại tạo ra “một hạng người ăn lường cơm mặc lường
áo của xã hội” (số 11). Nào là tình trạng xã hội bất ổn, loạn lạc, áp bức
thường xuyên, làm cho dân quê điêu đứng và do đó sự an ninh và dân chủ người
Tây đem lại quả là một con đường giải phóng (số 12). Ngoài ra còn bao nhiêu tật
nữa: ham cờ bạc, vụng nói chuyện, huyền hồ lý tưởng, gì cũng
cười...”. Tóm lại tất cả từ chế độ, học thuật, văn chương, chỗ nào so với
Tây phương cũng là kém là thua, cũng xấu, cũng hủ, cũng cần phải sửa đổi, phải
học theo Tây phương.
Nhời đàn bà là một mục khác để xét tật mình nhưng mà
hướng riêng vào nữ giới. Tác giả vạch những nết dở, thói ngang của phụ nữ ta
khi đó, từ trong cách ăn ở, sanh đẻ, đến phép đối xử với chồng con bè bạn. Nào
là tục nằm bếp kỳ cục (số 9), nào là cách nuôi con luộm thuộm (số 10), nào là
thói ngồi đồng cốt chỉ là trá hình của thị dục nữ tính (số 20), nào là tục ăn
trầu có người cho là lịch sự nhưng cái lịch sự ấy cũng dã man một chút (số 49).
Nào là nết nói bẩn nói tục “chắc hẳn không người nước nào
bằng nước An nam ta” (số 50).
Khát vọng Âu hóa, lòng
ghét bỏ khinh bỉ phong tục của người mình được tỏ rõ nhất trong bài ký sự Hương
Sơn hành trinh (nguyên bằng Pháp văn trong Notre Journal năm 1909, tự ông dịch
ra tiếng Việt và đăng ở Đông
Dương từ số 41, nhân hội chùa Hương năm 1914). Hương Sơn là một trung tâm hành
hương của hàng vạn phật tử miền Bắc mỗi năm vào tháng ba, là nơi dân chúng lũ
lượt kéo đến lễ Phật cầu phúc, cũng là nơi mà thi nhân mặc khách ta về trước
thường ca tụng phong cảnh hùng vĩ nên thơ. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, cảnh đã
không thi vị mà sự lễ bái cũng chẳng có nghĩa gì cao siêu. Ông có một giọng
báng bổ rõ rệt khi nói về những việc như cầu tự, xin con. Ông viết: “Cách trí ôi! Văn minh ôi! Mau mau đến mà
đuổi những sự tin nhảm, những tục buồn cười ấy đi”. Ông kết luận về sự tín
ngưỡng của người “An nam ta như sau: “Người nước Nam ta tin có bụt cũng như tin có
trời hay có thần thánh yêu ma, tin nhưng không phân biệt, không nghĩ tách bạch
ra xem cái mình tin nó thế nào... Bởi chưng có trí tin hồ đồ thế cho nên trong
những việc tin có nhiều điều trái ngược nhau mà không biết cứ chịu cả là thực.
Như có kẻ sáng ngày ra lễ điện phủ thờ bà cô, ông mãnh, chiều lại vào làm tôi
con ông Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng
hôm sau có thể cũng người ấy lại chay lòng thật dạ mà nghe giảng những lời đạo
đức của ông Khổng vốn không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào, hoặc là
đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với đạo ma thiêng thần dữ”.
Tóm lại thật là một mớ tín
ngưỡng hỗn độn, nông nổi, nhiều khi lại rất nhảm rất bậy, vì bị một số người
thừa ăn thừa mặc lợi dụng làm một phương tiện để giải tỏa những ý hướng tầm
thường của bản năng. Ông nhận xét về cái tục lễ bái đồng bóng: “Xin cứ kiếm cho người đàn bà ta những cách
nào khoe đươc khăn tơ áo lụa, khoe được hoa, hột, mặt phấn, môi son, cứ ít bữa lại có dịp nào gia nhân
tài tử được hội họp một nơi mà nhìn nhau thỏa thích cho các cô được thấy người nhìn, người yêu, người muốn, người
thèm thì rồi có tịt cả chùa Hương với cái hang hôi hám, Hòa giai với bọn tăng,
chư vị với những cách õng ẹo lẳng lơ”.
Và ông kết thúc thiên ký
sự “Ở nước ta, tới tưởng không phải cầu
cho thần thánh chóng chết bởi vì thần thánh xưa nay chưa như ở các nước Âu
châu, nước ta thần thánh bịa ra chẳng qua chỉ để làm nê cho những kẻ bị phong
tuc bó buộc quá xưa nay mượn lễ bái mà làm cho thỏa những tánh tự nhiên của
người ta mà thôi” (số 45).
Nói rằng ông chỉ làm việc
đả kích phá hoại thôi thì không đúng, ông cũng làm công việc xây dựng, giáo dục
nữa. Cả tờ Đông Dương tạp chí là một
công cuộc giáo dục theo đường hướng bài cựu nghinh tân ấy. Đặc biệt ông còn
viết loạt bài Phận làm dân (từ số 48).
Ông chỉ lối cho người dân quê mỗi khi tới cửa công thường lúng túng ngớ ngẩn
không biết quyền lợi của mình đâu mà đòi hỏi. Đó chính là những bài công dân
giáo dục đầu tiên mà một người có tân học đem giảng dạy cho dân quê ta. Ông
phân tích những chức vụ chánh quyền của nhà nước bảo hộ từ trên xuống dưới, cắt
nghĩa tổ chức thôn xã, thủ tục tố tụng từ phủ huyện lên tỉnh, vạch trần những thói
đút lót, tâm lý hiếp đáp của nha lại, tinh thần khiếp sợ của người dân đến
trước cửa công.
Ngoài ra ông còn là tác
giả một thiên khảo luận đặc sắc Chỉnh đốn
cách cai trị dân xã (từ số 61). Thiên khảo luận này nhằm giải đáp một vấn
đề người Pháp đặt ra cho Hội đồng tư vấn Bắc kì mà Nguyễn Văn Vĩnh là một hội
viên. Khi người Pháp bắt tay vào cai trị miền Bắc, họ đụng phải ở nền gốc một tổ
chức rất phiền toái cái
làng An nam, một tổ chức tự trị với những luật lệ riêng rẽ mà triều đình xưa
cùng không xâm phạm vào. Mỗi làng có khoán lệ, có hương ước riêng. Song có điều
chung là làng nào cùng chịu ách thống trị của một bọn kỳ mục hách dịch hủ bại,
tranh nhau chiếu trên chiếu dưới, giành nhau từ miếng đùi gà, má lợn, đến nỗi
vì đó mà “cái cổng làng thành ra một cái
thành quách vững bền để mà chống cự với cái văn minh không cho lọt vào đến dân
thôn”. Do đó một cuộc cải tổ tỏ ra rất cần thiết. Trong loạt bài này Nguyễn
Văn Vĩnh chưa kịp đưa ra một giải pháp nào nhưng ông để ý phân tích những
nguyên lý cắt nghĩa tổ chức thôn xã của ta, những lý do của chế độ tự trị ấy,
sự trái ngược của nó với quan niệm pháp trị phổ biến ở những nước dân chủ Tây
phương, những hậu quả tai hại của nó đối với dân trí mà nó làm cho hẹp hòi,
nhất là đối với dân sinh mà nó làm cho nghèo khó. Và theo ông thì rút lại chính
cái nghèo khó ấy đã làm phát sinh ra đủ điều ngăn cản việc tiến hóa. Ông viết: “Tiến hóa cốt ở việc học hành việc
công nghệ, việc lo cho cái thân con người được hưởng những cái sung sướng vui
vẻ, ở cửa cao nhà rộng, mặc
quần lành áo sạch, ăn uống đồ ngon bổ, chơi bời những cách thỏa thuê thần trí.
Người ta có dư dật thì mới nghĩ đến được những cách ở cao mặc sạch, ăn ngon, uống mát, chơi bời cho tiêu khiển,
luyện tập tâm trí cho khôn ngoan và biết cảm những tình cao thượng. Nghèo như
dân ta thì quanh năm chỉ lo đổ vào miệng còn chưa xong. Nhà rách vách nát, cơm
thì bữa khoai bữa đậu, quý hồ nuốt trôi cổ để đỡ bụng đói mà làm lụng, đồ ăn
ngon lành còn sợ hao phí, thì phỏng còn học hành gì, còn luyện tập gì đến tâm
trí, còn nghĩ gì đến những việc ích lợi cho xã hội” (số 64).
Những bài tham luận này
không thiếu đặc sắc nhưng cũng là những bài duy nhất của Nguyễn Văn Vĩnh ta
được đọc trong hai năm đầu báo Đông Dương này thôi. Qua kỳ đổi mới 1915, ông bỏ
cây bút nghị luận quay sang chuyên dịch tiểu thuyết, kịch. Rồi khi Đ.D.T.C.
chết, ông qua làm tờ Trung Bắc tân văn
(là một tờ nhật báo chuyên về thông tin) và khai thác việc dịch thuật và xuất
bản. Thời này là thời toàn thắng của tư tưởng dung hòa và bảo tồn của Nam Phong. Ngôi sao Nguyễn Văn Vĩnh có mờ
đi. Nhưng đến năm 1930 khi Phạm Quỳnh cổ võ cho chủ nghĩa lập hiến ta lại thấy
Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra chống chế quan điểm Âu hóa cấp tiến của ông. Ông ra tờ
báo Pháp Annam Nouveau và đốì lại
thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh cổ võ cho thuyết trực trị. Thuyết này đại khái
chủ trương triệt bỏ hẳn vai trò trung gian của quan lại phong kiến để cho người
Pháp trực tiếp cai trị dân chúng (như ở Nam kỳ). Cách ấy theo ông đem lại
cho người bình dân không khí tự do dân chủ hơn, cho phép thực hiện một cuộc Âu
hóa nhanh chóng hơn.
(Cũng nên thêm rằng
Nguyễn Văn Vĩnh không phải chỉ chủ trương Âu hóa trên lý thuyết mà còn thực
hiện lý tưởng ấy ở con ngưởi ông, sự sinh hoạt của ông. Vào một thời mà toàn
dân ta còn khăn đóng áo dài, kiểu cách khúm núm, tẩm nhiễm nho phong, ông mặc
đồ tây, đội mũ thuộc địa (casque colonial), đi bình bịch (mô tô) cử động phóng
khoáng, nói năng cởi mở... Tóm lại Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi như hình ảnh của
sự Âu hóa sớm sủa nhất cao đạt nhất trong giới trí thức Bắc Hà vào đầu thế kỷ
này. Ở chỗ này ông thật là một hình ảnh đối nghịch với Phạm Quỳnh. Sau này ông có làm một
việc mà phái Tây học thường công kích, cho là thoái hóa, là việc ấn hành Niên lịch thông
thư (dạy cách tính ngày giở tốt xấu, so đổi tuổi...). Ông có cắt nghĩa trong
một cuộc phỏng vấn của Đào Hùng (trên tờ Phụ nữ tân văn số 91) là để... thu
nhặt tài liệu cho các nhà khoa học. Song người ta đều hiểu đây chỉ là một
phương tiện kinh tài của nhà xuất bản (sách niên lịch này khi ấy bản rất chạy).
Người ta không bao giờ
quên câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước Nam ta mai sau
này hay dở cũng ở nhờ chữ quốc
ngữ”. Câu ấy ông đã viết trong bài tựa bộ Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính
dịch. Đó là vào năm 1907 ông lập nhà in với Dufour và ấn hành cuốn sách quốc
ngữ đầu tiên ấy. Phải nhớ lại tình hình bấy giờ. Khoa cử vẫn còn, chữ Hán vẫn
ngự trị trên văn đàn. Có người như Thượng thư bộ học Nam triều Cao Xuân Dục cương quyết
đả đảo thứ chữ do Tây đem lại ấy. Quốc ngữ tuy đã
truyền bá được 30 năm ở Nam Kỳ nhưng mới được biết ở ngoài Bắc. Nho gia trí
thức tuy có vì tò mò mà học nhưng không ai tin có thể dùng để làm văn chương
báo chí. Do đó câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh quả có tính cách một tiên đoán, một
niềm tin, một lời nguyền. Ai muốn cho nước Nam sau này hay, hãy đem tâm gây
dựng xây đắp cho thứ chữ ấy. Và Nguyễn Văn Vĩnh đem chính thân sức ông thực
hiện lời nguyền ấy, từ bỏ chức vị nhà nước đứng ra dựng ấn quán, mở tạp chí,
viết văn, làm báo bằng thứ chữ mới ấy, để phổ biến nó sâu rộng vào quần chúng,
đặt nền móng cho văn mới sau này.
Lòng nhiệt thành đối với
chừ quốc ngữ ở ông thật ra cũng
nằm trong cái khuynh hướng Âu hóa nói trên. Chữ quốc ngữ là chữ của bọn Tây học.
Ông viết: “Đứng
vào phe quốc ngữ chỉ có bọn Tây học. Trong đám Tây học thì không mấy người biết
chữ nho mà nguyên âm mình (ý ông nói
từ ngữ Việt ròng) thì nghèo, phàm văn chương Nôm mình muốn đàm luận đến
những việc hơi cao một chút tất phải có pha chữ Hán mới xong, vì chữ Hán đã
thâm nhiễm tiếng An nam mình. Thành ra phe quốc ngữ ta vẫn kém thế lực nhưng
chắc không đến nỗi phải đành thoái, vì sự học quốc ngữ là một sự “bất đắc bất
nhiên”, là một việc sống chết của nước Nam ta” (Văn chương An
nam, Đ.D.T.C. số 9).
Tại sao lại việc sống chết?
Vì quốc ngữ là cái cầu bắc sang văn minh Tây phương, là con đường thoát ra khỏi
sự lao lung của chữ Tầu, tức là của Hán học cổ lỗ, của phong kiến tối tăm, con
đường đưa tới tiến bộ, tới duy tân. “Chữ nho chính là hàng rào chắn ngang đường văn minh”.
Nguyễn Văn Vĩnh đã viết câu ấy ngay từ 1907 trên báo Đăng cổ. Ông nhìn cái xã hội Việt Nam cũ kỹ ngàn xưa, chồng chất những
thế hệ hủ bại, thâm nhiễm những tư tưởng lỗi thời, ông tìm cách để đưa văn minh
vào lọt mấy cái cổng gỗ làng An nam. Ông thấy chỉ có một cách là giáo dục.
Không phải là giáo dục các ông Tổng ông Lý hách dịch
rởm, lý sự cùn, vì việc đó khó mà là giáo dục bọn con nít, thế hệ mới từ trong
trứng ra. Ông nóí: “Ai muốn lo khai hóa
cho nước Nam
tôi tưởng nên lo cho mấy đứa trẻ đó trước. Và nghĩ đến thế thì lại càng nên quý
cái chữ quý hóa là chữ quốc ngữ, nay mai ta khéo cổ động thì chuyển được tới
chốn lưng trâu, mà lên cho đến chiếu cạp đình, cho đến nơi thư phòng người đi
học, cho đến công đường ông quan, từ gốc mà lên cho đến ngọn, mớí thực là cái
duy tân chính sách” (Xét tật mình, Đ.D.T.C số 7).
Vì muốn giúp đắc lực vào
việc giáo dục con em nên tờ Đ.D.T.C số 42 có một mục Sư phạm học khoa là
mục dành riêng cho các thầy giáo dùng làm tài liệu dạy học. Mục này sau càng mở
rộng. Chính Nguyễn Văn Vĩnh cũng đứng vào hàng ngũ thầy giáo dạy quốc ngữ. Năm
1916 ông cùng với mấy người bạn hoàn chỉnh một phương pháp học quốc ngữ mới,
ông đem giảng dạy ở Nam
học niên khóa (một phụ trương của tờ Đ.D. từ 1917). Phương pháp này sau
được áp dụng bởi các thầy giáo vỡ lòng trong tất cả các lớp đồng ấu cho mãi tới
gần đây (phương pháp đánh vần ngờ-a-nga thay vì n-g-a-nga). Sau tờ Nam Học niên khóa cùng với Đ.D. đổi thành
học báo, Nguyễn Văn Vĩnh đứng chủ nhiệm và trông coi trong rất lâu. Như vậy ông
đã chính mình đi bước đầu tiên trong việc đặt một nền tiểu học tân thức lấy
quốc ngữ làm chuyển ngữ.
Yêu mến thứ chữ mới ấy nên
đã nhiều lần ông để ý cải tiến ngay hình thức của nó, muốn sửa cho nó tiện lợi
và hợp lý hơn. Ngay khi còn làm báo Đăng
cổ ông đã đề nghị một ít
cải cách, tuyên truyền lối “Kuôch ngữ tân thưk” mà không ai chịu theo. “Tân thưk” lại mang tiếng oan rằng
khéo vẽ vời cho nhiễu sự. Đến khi làm báo Đ.D. ông lại đem vấn đề ra bàn (số
33). Lần này ông mong ước chữ quốc ngữ cũng đặt theo vần chữ Lang Sa thì người
học quốc ngữ vừa học được vần Lang Sa, nhân thế mà trong vần quốc ngữ giá có lộn
tiếng Lang Sa vào cứ viết theo cách Lang sa ai cũng đọc được nghĩa là người ta
sẽ viết Shai gone (Sài gòn), Cheu leune (Chợ lớn) sẽ bỏ đ,
ơ, ỉ/, thêm vào f, z... Như thế cái cầu bắc sang Pháp văn sẽ trực tiếp
hơn và sự đồng hóa những kiến thức Tây học sẽ dễ dàng hơn, đó sẽ là một thứ
“quốc ngữ teunè thưque” mà ông cho là tuyệt diệu. Mười năm sau (1927)
trên tờ Trung Bắc tân văn ông lại bàn
về khuyết điểm của quốc ngữ và đưa ra cách thay 5 dấu giọng bằng chữ. Tất cả
những ý kiến cải cách ấy bởi nhiều lý do, không đưa đến kết quả nào, nhưng cũng
chứng tỏ lòng nhiệt thành hiếm có của người chủ trương.
Song bênh vực một thứ chữ,
tuyên truyền một thứ chữ sẽ không hữu ích gì nếu không tìm cách chứng tỏ khả
năng xây dựng của nó. “Học chữ quốc ngữ
thật là hay, nhưng mà chữ quốc ngữ chẳng qua chỉ là một cái xe tư tưởng mà
thôi. Xe ấy đã có rồi ta chớ để cho sự sai lầm huyền hoặc, nhân vắng lời hay mà
mượn xe lan đi khắp bốn phương. Bao nhiêu người có kiến thức cố gắng mà rung
động (ý nói khua động) làm ra
sách vở ra lời nghị luận để thuê tranh cái xe bỏ trống, kẻo việc dị đoan nhân
vắng điều hay, đi lên trước mà ngăn đường ta ở khắp nơi” (ĐDTC số 28, Tội sách Tầu). Có chữ tiện lợi mà
không có tư tưởng mới chở theo, sự tiện lợi ấy chỉ để tuyên truyền những sự
nhảm nhí hoang đường như những tiểu thuyết kiếm hiệp Tầu thì lại càng nguy hại.
Tóm lại, người chiến sĩ
của quốc ngữ phải để tâm xây dựng học thuật mới, văn chương mới. Cái khuyết
điểm của nước ta về trước không phải chỉ là thiếu một thứ chữ thích hợp mà còn
là thiếu cả một nền quốc văn xứng đáng, thiếu ngay một kho từ ngữ điển lệ, một
mẹo viết rõ ràng. Nguyễn Văn Vĩnh đã nhìn rõ những khuyết điểm căn bản đó và
ông hô hào mọi người hãy khởi công xây dựng:
“Nay muốn gây cho văn tự nước Nam có kinh điển thì bao nhiêu
những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước phải chuyên về nghề văn
quốc ngữ. Các bậc danh nho thì nên bỏ quách cái tài ngâm hộ cho người đi (ý nói ngâm nga thi phú Tầu) chỉ học
cho biết để mà nhân cái hay người làm lấy làm cái hay của mình mà thôi. Các bậc
có Pháp học thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách cạnh tranh làm
mồi kiếm ăn, nhưng nếu muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cho đồng bào mình
thì phàm luyện được chút tài nào của người thì cũng nên dùng quốc văn mà phát
đạt nó ra cho cả người đồng bang được hưởng”.
“Nào báo quốc
ngữ, nào sách học quốc ngữ, nào thơ quốc ngữ, văn chương quốc ngữ, án ký hành trình,
tiểu thuyết nghị luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm toàn bằng
văn chữ quốc ngữ hết cả. Cả đến những cách cao hứng vịnh đề, tình hay cảnh đẹp,
câu đối dán nhà, tứ bình treo vách, câu phúng bà con, lời mừng bạn hữu, đều nên
dùng quốc văn hết thảy, mà cốt nhất là phải tập lấy lối văn xuôi, diễn dịch như
in lời nói cho rõ ràng, cho nhất định, phải khiến cho lời văn chương theo lời
mẹ ru con, vú ấp trẻ, lời anh nói với em, vợ nói với chồng, chớ đừng để cho văn
chương thành ra một cách nói lối, mà tiếng nói vẫn cho là nôm na. Văn chương
phải như ảnh tiếng nói và tiếng nói phải nhờ văn chương hay mà rõ thêm, đủ thêm
ra”.
“Lại còn một
điều khẩn yếu nữa là muốn cho văn quốc ngữ thành văn chương hay khỏi thành một
tiếng nôm na mách qué thì cách đặt câu, cách viết, cách chấm câu phải dần dần
tập cho có lệ có phép, mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận chớ đừng
ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen” (Tiếng
Annam, Đ.D. số 40).
Qua những lời hô hào trên
ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh đã vạch ra không phải chỉ một tương lai cho chữ quốc ngữ
mà còn cả một chương trình kiến thiết cho văn Việt mới, tiếng Việt mới, một
chương trình mà Phạm Quỳnh và báo Nam Phong sẽ bắt tay vào thực hiện.
VI. Kết luận về Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương
tạp chí
Để kết luận về Nguyễn Văn
Vĩnh và tờ Đông Dương tạp chí của
ông, chúng ta cần trở lại xác định mấy điểm sau đây:
1. Về đường tư tưởng: Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi làm tiêu
biểu cho một tư trào bài Á nghinh Âu tại nước ta vào đầu thế kỷ này. Có thể nói
ông đã thừa cơn gió duy tân nho gia mà đưa tư trào ấy đến những bờ bến cực
đoan. Sau đó - nghĩa là sau năm 1917 - người ta lại lui trở lại phần nào. Song
trong khoảng 10 năm, từ báo Đăng Cổ
đến Đông Dương, bằng hoạt động bằng
tư tưởng, ông đã lay động mạnh cái xã hội Việt Nam cổ truyền, hối thúc nó biến
hình lột xác.
2. Về đường văn học,
hiển nhiên ông đã đứng ra mở đường cho văn học mới:
- Ông đã tranh đấu cho
việc truỳền bá và thắng thế chữ quốc ngữ lã thứ chữ của văn học mới.
- Ông đã đem vào xã hội ta
nhà in và tờ báo là hai khí cụ giúp ông gây dựng văn học mới và sẽ giúp đắc lực
cho sự phát triển của Văn học mới sau này.
- Ông đã làm được trong
bước đầu một tờ báo rất bổ ích cho văn mới lúc phôi thai là tờ Đông Dương tạp chí. Trước 1913, trước khi
Đông Dương ra đời, ấy mới chỉ là giai
đoạn học quốc ngữ của người mình. Sau 1913, với Đông Dương mới là giai đoạn dùng chữ ấy để viết câu văn mới. Kể về
báo thì trước tờ Đông Dương cùng đã
có một vài tờ ở Bắc hoặc Nam,
nhưng chỉ chuyên về thông tin. Với Đông Dương, mới bắt đầu có một tạp chí, một
cơ quan thiên về văn học và đào tạo ra nhà văn. Những cây bút Đông Dương này
sau một thời gian ngắn tập sự ở
đây rồi đều mọc cánh bay cao. Nhóm cốt cán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính,
Nguyễn Đỗ Mục sẽ sang tờ Trung Bắc,
độc chiếm sạp báo hàng ngày một thời. Nhất là Nguyễn Văn Vĩnh nhờ câu văn dịch
mà nổi tiếng với tủ sách Âu Tây tư tưởng. Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy
Tốn, Nguyễn Trọng Thuật thì qua Nam Phong, tạo nên một hội vinh quang. Người
khác như Trần Trọng Kim, từ viết bài giáo khoa trên Đông Dương tạp chí mà đi đến gây lấy một sự nghiệp biên khảo riêng.
Nhưng cái quả tốt của Đông
Dương không phải chỉ ở chỗ tạo
ra các bậc thầy mà còn ở chỗ tạo ra các trò. Nhớ là Đ.D.T.C. ngay từ buổi đầu có một phần sư phạm. Các giáo sư trong hội Trí Tri theo cách
phân chia của Pháp văn, khởi thủy viết ra những bài tác văn quốc ngữ đầu
tiên, nào tả cảnh nào thuật sự, tung ra khắp nước cho các thầy giáo sơ học,
tổng sư, hương sư làm mẫu mực mà dạy trẻ nhỏ viết quốc văn. Ngay khi Nam Phong
đã ra đời đã được hoan nghênh tán tụng, chồng báo Đông Dương vẫn còn những đệ
tử. Nam Phong là tờ báo của người lớn tuổi, của học giả, lắm chữ nghĩa, lý
thuyết cao kỳ. Cái trường quốc văn Đông Dương cũng như câu văn truyện dịch của ông
Vĩnh bình dị hơn, khả cập, khả ái hơn, nhất là đối với lớp độc giả còn ở tuổi đồng ấu bấy giờ. Nhiều nhà văn
sau này (lớp sau 1932) đã thú nhận họ được đào tạo từ tấm bé trong cái trường
ấy.
Thái Phĩ kể: “Tôi còn nhớ như mới ngày hôm qua những buổi
mấy anh em bạn nhỏ, anh lớn nhất chưa đầy 12 tuổi, cùng nhau châu đầu đọc không
biết chán những thơ ngụ ngôn, những chuyện trẻ em, chuyện Gil Blas de
Santillane và kịch Trưởng giả học làm sang của ông Vĩnh dịch mà chúng tôi khi
ấy chỉ biết là hay lắm vui lắm”.
Tam Lang kể: “Tôi ngồi học miệng kêu như cuốc kêu hè nhưng
mắt không thể rời bỏ được tập Đ.D.T.C. dấu dưới quyển vở của mình... Tôi học,
học mãi trong cái trường Đ.D.T.C. ấy, kết quả sự học của tôi là ở trường thầy
giáo cho làm luận quốc văn kể truyện một cuộc đi chơi ngày chủ nhật mà tôi làm
thành một bài văn dài ngót 10 trang giấy”.
Họ đã học ở đó lòng yêu
quốc văn, những bước đầu say mệ sáng tác. Nhà nghiên cứu văn học Lê Thanh (trên
báo Tri Tân năm 1944) đi thâu lượm nhiều những chứng ngôn như trên đã đi đến
nói quyết rằng: “Thái Phỉ, Tam Lang,
Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Long và còn bao nhiêu nhà phê bình nhà tiểu thuyết,
nhà viết kịch khác ngày nay làm việc cho quốc văn cùng xuất thân ở cái trường mà Nguyễn Văn Vĩnh là
hiệu trưởng ấy”.
Nguồn: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ, Nxb Đồng Tháp, 1998)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét