Khiemnguyen

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Báo chí quốc ngữ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1916-1923)



Tờ báo xứ ta là cuốn sử ký đương thời (Đông pháp thời báo, số ngày 29/12/1924)
Mâu thuẫn căn bản của hai tờ L’Écho AnnamiteLa Tribune Indigène là đã tự nhận đại diện cho quyền lợi của toàn bộ cộng đồng dân Việt trong khi thế giới quan xã hội và chính trị vẫn chỉ gói gọn trong vài trăm độc giả biết tiếng Pháp. Hai tờ này thiếu một nền tảng xã hội rộng lớn hơn do những hạn chế pháp lý áp đặt bởi chế độ thực dân, những ràng buộc không cho báo chí vươn tới khối độc giả tiếng Việt đông đảo hơn. Nhóm Tribune đã cố gắng phá bỏ sự cô lập tương đối ấy bằng cách ra một phiên bản chữ quốc ngữ, nhưng nỗ lực đó bị kết liễu khi chính quyền ngừng hỗ trợ tài chính. Tờ Nhựt Tân Báo của Long tung ra hai năm sau cũng thất bại, lần này là do thiếu chiến lược nội dung. Bất kể thành quả chính trị mà hai tờ báo tiếng Pháp ấy thể hiện, điều vẫn bị đe dọa chính là khả năng vận động của các nhà chính trị - ký giả người Việt (ep.158) đối với phần lớn dân chúng bản xứ. Khả năng này họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng báo chí quốc ngữ.
Vấn đề là báo chí tiếng mẹ đẻ sẽ trở thành kênh truyền tải quan trọng tới mức độ nào cho ngưòi bản xứ đấu tranh chính trị công khai? Khi báo Pháp ngữ của người Việt đã phát triển trong những năm sau Thế chiến I, báo quốc ngữ cùng lúc đó cũng tăng vọt sức ảnh hưởng trong môi trường công khai ở Sài Gòn. Mặc dù chưa thể cạnh tranh bằng năng lực tạo ra sự kiện chính trị, chức năng giáo huấn phi chính trị (cho đến lúc đó vẫn được chính quyền phân công cho báo quốc ngữ và các ký giả đầu tiên) đã không còn bền vững nữa. Dẫu bị kiểm duyệt chặt chẽ và bị khống chế không cho người Việt nắm quyền sở hữu báo chí, một số tờ báo quốc ngữ ra đời trong nhiệm kỳ của Sarraut đã lấp đầy khoảng trống hạn hẹp dành cho chúng một cách thành công, lúc đầu là bằng xu hướng thiện chí dành cho chính sách của Sarraut.
Chính quyền không xác định rõ ràng cái gì là “hoạt động chính trị”. Báo chí vẫn có chỗ để thao diễn dưói sự săm soi của ban kiểm duyệt - một cơ cấu tương đối tự chủ đứng đầu là giám đốc chi nhánh Nam Kỳ của Sở Liêm phóng là cơ quan vốn có nhiều ngưòi Việt. Trước khi xuất bản, báo chí phải trình nộp mọi số báo cho ban kiểm duyệt để xin phép. Quan hệ tốt ở các cấp cao của chính quyền không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được chuyện đục bỏ nhiều bài vở, chuyên mục và để lại những khoảng giấy trắng. Một trở ngại quan trọng khác là các “thuộc dân bản xứ” không được phép làm chủ một tờ báo nào. Sau một thời gian ban đầu nới lỏng các hạn chế này dưới nhiệm kỳ Sarraut, rất ít báo quốc ngữ được cấp phép hoạt động[1] .94
Bất chấp hạn chế, quang cảnh báo chí quốc ngữ bắt đầu biến đổi. Kết quả từ các chính sách của Sarraut, tiền lệ của báo chí Pháp ngữ, và sự khẳng định mới xuất hiện của các nhà kinh (ep.159) doanh xuất bản người Việt (và Pháp) ở thành phố miền nam này tất cả đã khiến báo chí tiếng Việt ngày càng chính trị hóa. Xem xét bốn tờ báo quốc ngữ quan trọng - Nông cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, Đông Pháp Thời Báo,Nam Kỳ Kinh Tế Báo - ta sẽ thấy nhiều ký giả có tư duy độc lập và sự hình thành của các mạng lưới liên kết cá nhân khi số dân chúng có học tăng vọt ở Sài Gòn. Đến năm 1922, giai đoạn chứng kiến một thế hệ nhà báo mới trổ tài, ít nhất đã có tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo có thể bứt phá tiến trình chính trị hóa báo chí quốc ngữ, và nhờ đó mở rộng môi trường công khai cùng khả năng sinh tồn của Sài Gòn.
Tờ Nông Cổ Mín Đàm
Trong tất cả báo chí quốc ngữ phát hành ở Sài Gòn thời kỳ này, Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo lâu năm nhất. Do Francois Canavaggio, một người Pháp gốc đảo Corse có khuynh hướng tự do thành lập năm 1901[2],95 tờ này lúc đầu có chủ bút là nhà tư bản danh tiếng Gilbert Trần Chánh Chiếu. Từ 1906 đến 1907, trong thời kỳ hoạt động chính trị của ông, tờ báo đã đi theo một đường lối chống thực dân táo bạo[3].96 Điều lạ lùng là chính quyền vẫn lơ là chuyện kiểm soát mãi cho tới khi xử án Chiếu, sau đó nhà chức trách mới biết là tờ Nông Cổ Mín Đàm không đăng ký đúng thủ tục và nội dung không được sàng lọc có hệ thống[4].97 Chính trong giai đoạn Chiếu làm chủ bút mà hai trong số giả nổi tiếng nhất những năm đầu thập niên 1920 - Nguyễn Chánh Sắt và Lương Khắc Ninh - đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Sau khi Chiếu rút lui, họ tiếp tục điều hành tờ báo như một nguồn thông tin địa phương phi chính trị một cách thận trọng (ep.160).
Năm 1913, một sự kiện trong nội bộ tờ Nông Cổ Mín Đàm đã dẫn tới việc tạo ra hai nhóm ký giả rõ rệt trong làng báo quốc ngữ. Canavaggio, chủ nhân hợp pháp của tờ báo, trở về Pháp và đem tờ báo cho một người Pháp khác thuê lại. Đó là Lucien Héloury, chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp L’Opinion. Héloury lập tức sa thải ban biên tập cũ và đưa nhà phiên dịch Nguyễn Kim Đính vào để thiết lập ban biên tập mới. Đính bổ nhiệm nhà văn tiểu thuyết bình dân Lê Hoằng Mưu làm chủ bút. Từng là một điện tín viên bị sa thải khỏi ngành bưu chính vì tội gian lận, Mưu ở tuổi 35 là người viết tiểu thuyết bình dân bằng chữ quốc ngữ có tiếng, nhất là sau thành công của cuốn Hà Hương Phong Nguyệt năm 1915 - cuốn này được cho là tiểu thuyết khiêu dâm đầu tiên viết bằng tiếng Việt. Với Mưu, t Nông cổ Mín Đàm nhanh chóng tăng lượng phát hành tới mức khiến Nguyễn Chánh Sắt - một ngưòi từng được Canavaggio bảo trợ - tức giận[5].98 Khi quay lại Sài Gòn năm 1916, Canavaggio lấy lại quyền làm chủ tờ báo của Héloury và phục hồi chức chủ bút cho Sắt. Tranh cãi giữa Canavaggio và Héloury sau đó tạo ra hai nhóm ký giả rõ rệt với phong cách làm báo khác nhau. Nguyễn Kim Đính và Lê Hoằng Mưu thiên về giải trí nhẹ nhàng, còn kiểu giáo huấn của Nguyễn Chánh Sắt nhấn mạnh vào công cuộc cách tân. Xung đột này đánh dấu sự khỏi đầu vai trò ảnh hưởng của Nguyễn Kim Đính trong nghề báo.
Trong sáu năm dưới quyền chủ bút của sắt (1916-1922), Nông Cổ Mín Đàm tự định vị là tờ báo nghiêm túc, đăng nhiều bài lớn về các vấn đề kinh tế và nông nghiệp được thiết kế để thu hút giới địa chủ có học. Báo này có chủ trương nội dung rộng hơn, với nhiều bài vở về đề tài văn hóa - xã hội và nhu cầu hiện đại hóa xã hội Việt Nam. Thời sự trong nước và bình luận vấn đề quốc tế cũng được đăng tải thường xuyên. Các nội dung đa dạng này phản ánh những vấn đề quan tâm của vị chủ bút đa năng này (ep.161). Vốn là một dịch giả am tường văn học Trung Hoa và làm báo từ năm 1901, Sắt là một cây bút viết bằng quốc ngữ sung mãn[6].99 Ông kết hợp các hoạt động của một ký giả, một nhà phiên dịch, một kịch tác gia, và một dịch giả tiểu thuyết Trung Hoa. Suốt đời mình, ông vẫn là một trong những nhân vật văn học hàng đầu của miền Nam[7].100
Trong cuộc tẩy chay bài Hoa ở Chợ Lớn năm 1919, Sắt ký tên trong một bài đăng ngày 27/7, kêu gọi đồng bào noi gương cuộc tẩy chay hàng Nhật của Hoa kiều, về sau, tuy tờ La Tribune Indigène đã lãnh đạo cuộc tẩy chay bài Hoa, tờ  Nông Cổ Mín Đàm vẫn ở trong tuyến đầu. Một loạt bài trên báo này kêu gọi dân chúng Việt Nam “hành động”, Sắt quan tâm đến mục tiêu cách tân kinh tế, điều mà ông đã học hỏi được từ quan hệ mật thiết với Gilbert Chiếu. Tháng 9/1919, Sắt đã ký vào một thỉnh nguyện đơn - cùng với chủ tờ báo là Canavaggio - lên án việc chính quyền kiểm duyệt báo chí quốc ngữ trong thời gian diễn ra cuộc tẩy chay bài Hoa[8].101 Sắt chỉ sẵn sàng đi xa tới mức đó thôi. Có thể vì chưa quên số phận của Gilbert Chiếu hoặc là tôn trọng nhà chức trách, văn sĩ kiêm ký giả miền Nam này không muốn lộ diện[9].102
Tháng 4/1922, Canavaggio qua đời. Quyền sở hữu t Nông Cổ Mín Đàm được chuyển giao cho bà vợ góa người Việt của ông, biến tờ báo thành sở hữu không chính thức của người bản xứ[10].103 Sắt bị thay thế bằng Lê Thành Tường, người này lại giao việc điều hành nội dung bài vở tờ báo cho Cao Hải Để - một giáo viên trẻ thỉnh thoảng có viết cộng tác và có quan hệ tốt với chủ bút trước. Tường có giấy phép chính thức cho xuất bản Nông Cổ Mín Đàm ba kỳ mỗi tuần, biến tờ này thành một tờ báo ra đều đặn hơn và như vậy có thể tác động nhiều hơn đến bối cảnh chính trị[11].104 (ep.162).
Chủ trương nội dung mới của tờ này tỏ ra cụ thể hơn là dưới thời Nguyễn Chánh sắt làm chủ bút, tuy chất lượng văn học trong bài vở có sút giảm. Tờ báo nhấn mạnh phát triển trí thức qua giáo dục và năng lực tham gia thương mại của “đồng bào”, cũng như bổn phận xã hội của giới ký giả và vai trò của từng cá nhân người Việt trong cuộc khuếch trương cách tân. Vấn đề cải cách văn hóa thông qua thế hệ trẻ cũng là một trong những chủ đề ưa chuộng của ban biên tập mới[12].105 Trong cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt tháng 10 năm 1922, tờ Nông Cổ Mín Đàm đứng chung hàng ngũ phe đối lập với chính quyền thực dân, công khai ủng hộ ứng cử viên Nguyễn Phan Long[13].106
Đầu năm 1923, khi tờ báo gặp khó khăn tài chính, Để bị thay thế bằng Lâm Hiệp Châu mới 17 tuổi, người này năm trước đã bị đuổi khỏi Trường Sư phạm Gia Định sau khi lãnh đạo học sinh ở đó bãi khóa và đã chỉ mấy tháng trước khi được bổ nhiệm làm chủ bút mới cộng tác những bài báo đầu tiên cho tờ này[14].107 Cho tới khi bị chính quyền đóng cửa vào tháng 10 năm 1924 (hậu quả của việc tham dự vào biến cố chống độc quyền Cảng Sài Gòn), Nông Cổ Mín Đàm ngày càng tích cực tỏ ra đối lập với chính sách của chính quyền. Với Sở Liêm phóng, Châu đã nổi tiếng là phần tử chống đối. Trong phúc trình gửi Thống đốc, giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ là Paul Arnoux đã viết như sau:
Kể từ cái chết của chủ nhân Canavaggio, tờ Nông Cổ Mín Đàm đã chuyển sang tay những người thừa kế Việt Nam của ông ta, tất cả đều không có trình độ để điều hành tờ báo cho đàng hoàng. Họ đã cho Lê Thành Tường thuê lại, tình trạng kinh tế sa sút của y khiến y thành con mồi ngon cho những cá nhân thiếu thiện chí tự xưng là ký giả. Dưới danh nghĩa của bà Canavaggio, chính họ đang làm hết sức mình để biến tờ báo này thành một tờ báo chính trị. Họ đã bất kể những lời cảnh báo thường xuyên của nhà chức trách[15].108 (ep.163).
Sự tiến hóa của Nông cổ Mín Đàm từ năm 1916 trở đi cho thấy rõ đội ngũ làm báo lớn tuổi dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chánh Sắt đã dần dà được thay thế bằng một nhóm trẻ hơn và quả quyết hơn về mặt chính trị, tập trung quanh Cao Hải Để và Lâm Hiệp Châu. Tờ báo tạo được sức mạnh cho dù buộc lòng phải tránh né khi phát ngôn chính trị, một đặc điểm chung của các tờ báo quốc ngữ thời đó. Đối tượng độc giả cũng thay đổi. Xét theo cách lựa chọn các đề tài tường thuật và nội dung quảng cáo, tờ này lúc đầu nhắm tới công chúng là giới địa chủ tư sản giàu có ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam. Với ban biên tập mới, đối tượng công chúng lại đa dạng - trẻ hơn, trung lưu hơn, thành thị hơn, và rất có khả năng là đang sống ở Sài Gòn.
Tờ Công Luận Báo
Ra đời vào tháng 8 năm 1916, Công Luận Báo là tờ báo của Lucien Héloury, chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp L’Opinion cũng có nghĩa là “công luận”. Héloury xin được giấy phép của chính quyền ra tờ báo quốc ngữ riêng để bù đắp cho việc ông ta bị chấm dứt hợp đồng thuê lại tờ Nông Cổ Mín Đàm của Canavaggio. Công Luận Báo nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo thành công nhất trong lịch sử ban đầu của báo chí Việt Nam. Ngoài ra, những biến đổi về nội dung và tính chính trị của tờ này lại dẫn đến sự ra đời của hai tờ báo nữa là Đông Pháp Thời Báo Nam Kỳ Kinh Tế Báo.
Từng làm cho tờ Nông Cổ Mín Đàm một thời gian ngắn trong năm 1913, Nguyễn Kim Đính về sau được người đỡ đầu là Héloury giao cho việc điều hành tờ Công Luận Báo. Đính đưa vào ban biên tập một cây bút nổi tiếng tài năng khác, Hồ Văn Trung, người trở thành một chủ bút “giấu mặt” của tờ này cho tới tháng 5/1923[16].109 (ep.164).
Là nhà phiên dịch được đào tạo và là một công chức, Trung thường được biết dưới cái tên Hồ Biểu Chánh là bút danh ông dùng khi viết những tiểu thuyết được xem là hay nhất ở miền nam Việt Nam[17].110 Trong khi cộng tác với các báo quốc ngữ, Trung vẫn tiếp tục làm phiên dịch riêng kiêm cố vấn cho thống đốc Nam Kỳ. Là “viên quan của thống đốc” - như giám đốc Arnoux của Sở Liêm phóng Nam Kỳ từng gọi - Trung bị điều tra vì những chuyện can dự dưới thời Sarraut. Cơ quan an ninh đã chú ý tới tài nghệ viết báo luôn thoát được kiểm duyệt của cây bút này[18].111 Suốt những năm 1920 và sau đó, Trung vẫn tiếp tục hoạt động báo chí và văn chương. Ông còn là hội viên tích cực của Hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d’enseignement mutuel de Cochinchine - SEMC), nơi ông quảng bá việc dùng tiếng Việt thay vì tiếng Pháp trong các cuộc hội họp. Trung nuôi dưỡng một hình thức ái quốc bằng văn hóa chứ không đối đầu, một đặc trưng của thế hệ ông ở miền Nam. Giống như đồng nghiệp Nguyễn Chánh Sắt, chủ nghĩa thực dụng chính trị của Trung sẽ không phương hại đến sự ủng hộ ông dành cho ngôn ngữ và văn hóa Việt. Đương nhiên là ông chỉ viết cho các báo quốc ngữ.
Văn phong báo chí của Trung trái ngược với một cây bút trợ lực khác của tờ Công Luận Báo là Cao Văn Chánh. Tốt nghiệp Collège Mỹ Tho, Chánh gia nhập tờ báo năm 1920 khi 17 tuổi. Công việc đầu tiên này là khởi đầu của một sự nghiệp báo chí phi thường. Thường được biết dưới bút danh Cao Chánh, anh nhanh chóng bị để ý bởi thái độ “xấc láo” chống chính quyền và văn phong chính trị tương đối phóng túng trong các bài báo của mình.
Nổi tiếng nhờ đăng tiểu thuyết dài kỳ và nhiều bài thơ dễ bị suy diễn theo hướng chính trị, tờ Công Luận Báo ngày càng có tính chính trị lộ liễu (ep.165). Là báo khổ lớn, ban đầu có bốn trang, báo ra ba kỳ mỗi tuần. Năm 1921, báo phát hành mỗi kỳ 1.700 tờ khiến tờ này trở thành tờ báo quốc ngữ phổ biến nhất. Công Luận Báo lúc đầu không có chương trình chính trị rõ ràng - giống như tờ Nông Cổ Mín Đàm, nó tự xác định là một tờ báo khai sáng. Nhưng đến năm 1919, ban biên tập tờ này đã chọn thái độ kiên quyết ủng hộ cuộc tẩy chay kinh tế bài Hoa. Nhiều bài viết táo bạo về chính trị bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn những năm sau đó. Năm 1921, Cao Văn Chánh viết một loạt bài khiêu khích dưới tựa đề “Việt Nam Xã Hội”, bài bác thói quen suy nghĩ và sống phục tùng của người Việt. Loạt bài này khiến độc giả sôi nổi phản hồi. Tuy nhiên, nỗi sợ bị kiểm duyệt và lập trường khá ôn hòa của cấp trên đã ngăn cản không cho ký giả trẻ tuổi Cao Văn Chánh viết lách quá lộ liễu như trước. Phong cách bề ngoài có vẻ phi chính trị của Trung lại phù họp hơn với chiến lược thương mại mà Đính và Héloury theo đuổi.
Thiết tha muốn lập tờ báo riêng, Đính không muốn bị chính quyền xem là có tính chất chống đối. Tháng 5/1923, vói sự hậu thuẫn của Héloury, Đính đã thành công trong việc xin phép cho ra t Đông Pháp Thời Báo. Hầu hết nhân sự trong ban biên tập của Công Luận Báo, kể cả Trung, theo Đính về tờ báo mới. Chánh đã ra đi trước từ tháng 1 để điều hành tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo.
Sau khi Đính ra đi, Héloury mời Huỳnh Văn Chính, một thanh niên 25 tuổi quê ở Bạc Liêu, thiết lập ban biên tập mới cho tờ Công Luận Báo. Chính từng là học sinh trường Chasseloup-Laubat trước khi học y khoa ở Đại học Đông Dương tại Hà Nội. Chính bị đuổi học vì lãnh đạo sinh viên bãi khóa năm 1919. Sau một thời gian ngắn về quê làm ký lục cho chính quyền địa phương, anh chuyển lên Sài Gòn bắt đầu nghề báo. Dưói bút danh Tự Do đầy khiêu khích, Chính cộng tác với tờ La Tribune Indigène cùng các báo tiếng Pháp khác[19].112 (ep.166).
Được mời thiết lập ban biên tập mới cho tờ Công Luận Báo, Tự Do tức Huỳnh Văn Chính lập tức chọn ngay Nguyễn Háo Vĩnh, nguyên là một nhà hoạt động chính trị uyên bác, làm chủ bút. Tự xưng là “tờ báo của thanh niên nhiệt huyết”, Công Luận Báo chọn đường lối chính trị công khai chống lại tân thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq. Tình trạng này không được bền lâu. Tháng 11/1923, Héloury bán lại tờ báo này cho Jean-Gabriel Hérisson, một viên chức ủng hộ chính quyền. Tiếp diễn từ những biến động chính trị nội bộ của tờ Công Luận Báo, hai cuộc mạo hiểm bằng báo chí rõ rệt khác đã xuất hiện - tờ Đông Pháp Thời Báo và tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Theo cách riêng của mình, mỗi tờ đều đóng góp vào công cuộc phát triển báo chí tiếng Việt thành một phương tiện đấu tranh chính trị.
Tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo
Tháng 11/1923, Nguyễn Háo Vĩnh (đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo), mua lại một tờ báo có sẵn, tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Ông muốn phát động một chiến dịch chống đối chính quyền thực dân về vụ độc quyền tai tiếng ở Cảng Sài Gòn[20].113 Tờ này trở thành tờ báo quốc ngữ chống thực dân kịch liệt và vẫn giữ chủ trương đó cho đến khi bị chính quyền đóng cửa bốn tháng sau. Chủ trương này được khởi xướng bởi Cao Văn Chánh, người bạn và chủ bút trước của Vĩnh đã rời khỏi tờ Công Luận Báo. Hướng đi chính trị mới của Nam Kỳ Kinh Tế Báo là kết quả từ những bất hòa nội bộ của nhóm Công Luận Báo về đường lối chống lại Cognacq.
Có hình thức hiện đại hơn tờ Nông Cổ Mín Đàm lâu năm, Nam Kỳ Kinh Tế Báo vốn tránh né những vấn đề tranh luận chính trị nghiêm túc (ep.167).
Tờ này do bà Rose Quaintenne sáng lập. Bà là người Công giáo lúc đó đang điều hành tờ báo tiếng Pháp Le Réveil Saigonnais. Ra đời ngày 7/10/1920, Nam Kỳ Kinh Tế Báo lúc đầu là một tuần san khổ nhỏ với chiến lược khai thác sự quan tâm mới nảy sinh trong dân chúng Việt Nam về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là vụ tẩy chay bài Hoa năm 1919. Các bài viết về kinh tế Á-Âu, ngân hàng, và chuyện kinh doanh lúa gạo, cao su, được đăng cạnh tin tức thời sự và tiểu thuyết dài kỳ. Cho dù chủ bút đầu tiên Nguyễn Thành Út có khuynh hướng độc lập riêng, tờ này vẫn duy trì một giọng điệu trung lập và phi chính trị. Nhưng cho đến cuối năm 1921 thì tờ báo ngày càng quả quyết về chính trị hơn. Nhiều bài đả kích các hành động độc quyền kinh tế của Hoa kiều được đăng thường xuyên. Các bài xã luận kêu gọi chính quyền phải có những biện pháp thuận lợi cho người Việt, đặc biệt là giáo dục và thương mại. Chánh và Vĩnh cũng bắt đầu cộng tác viết cho tờ này[21].114
Tháng 1/1923, quyền chủ bút t Nam Kỳ Kinh Tế Báo được giao cho Cao Văn Chánh[22].115 Lần đầu tiên, ký giả 20 tuổi này được một mình chịu trách nhiệm chiến lược nội dung cho cả tờ báo. Chánh lèo lái Nam Kỳ Kinh Tế Báo theo hướng công khai đảm nhận vai trò chính trị, và tờ báo lập tức không còn đơn thuần là một tạp chí chuyên ngành nữa. Lượng độc giả tờ này, dù vẫn giới hạn trong 800 tờ mỗi kỳ, lại cao hơn năm trước gấp ba lần. Ngày 18/4, báo ra khổ lớn. Một khẩu hiệu mới xuất hiện dưới tên tờ báo nghe như một tuyên ngôn chính trị: “Cơ quan giải thoát ách kinh tế và truyền bá lý tưởng thái tây”.
Ngay sau khi Cao Văn Chánh nắm quyền chủ bút, Nam Kỳ Kinh Tế Báo mở mục thường xuyên “Phụ nữ diễn đàn”. Tháng 7/1923, mục này đăng nhiều bài mang tựa đề chung “Các bậc nữ lưu tinh hoa ở Pháp Quốc và Việt Nam”[23].116 Đây là một trong những sáng kiến đầu tiên của Chánh để ủng hộ nữ giới (ep.168) - một trong những chủ điểm chính trị ưu thích của anh. Anh cũng có sáng kiến cho đăng nhiều xã luận về chính trị châu Á. Thu hút chú ý mạnh mẽ nhất đối với anh là Nhật Bản, nước châu Á duy nhất có thể đứng ngang hàng vói các cường quốc Tây phương. Tờ này cũng dành chỗ đăng quảng cáo cho những doanh nghiệp của nhiều cá nhân có hoạt động chính trị như Khánh Ký, chủ hiệu ảnh, hay Trương Văn Bền, nhà sản xuất các chế phẩm từ dầu dừa[24].117 Nguyên là một cây bút của tờ Công Luận Báo, Cao Văn Chánh viết nhiều bài đả kích Hérisson, chủ tờ báo này và quan điểm bảo thủ của ông[25].118 Căng thẳng giữa hai tờ báo ngày càng khốc liệt suốt thời gian xảy ra vụ độc quyền Cảng Sài Gòn, khi Vĩnh cuối cùng cũng bỏ tờ Công Luận Báo ra đi. Tháng 11/1923, Cao Văn Chánh mở chiến dịch khác, lần này là đả kích cựu chủ bút của tờ Nông Cổ Mín Đàm là Lương Khắc Ninh. Ninh vốn là người được Thống đốc Cognacq ưu ái, đã nhận nhiều tài trợ hào phóng của chính quyền để đưa một gánh hát sang Marseille tham gia Hội chợ Thuộc địa năm 1922. Dưới quyền chủ bút của Chánh, Nam Kỳ Kinh Tế Báo biến thành một tờ báo bút chiến công khai và dành nhiều giấy mực cho các đề tài nữ quyền, chính trị quốc tế, chống kiểm duyệt, và đả kích trực tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng.
Tờ Đông Pháp Thời Báo
Ngày 4/4/1923, Nguyễn Kim Đính được phép xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo. Quy trình xin phép chính thức được Hội đồng Tối cao Đông Dương thông qua mặc dù việc cấp phép này lại dựa trên cơ sở cá nhân sau khi thống đốc và giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ lên tiếng ủng hộ (ep.169).
Bất chấp điều kiện ngầm hiểu là chỉ có công dân Pháp mới được quyền thành lập và điều hành một tờ báo, suốt một thời gian dài Đính là “thuộc dân bản xứ” đầu tiên được chính thức cho phép làm chủ một tờ báo quốc ngữ[26].119
Sinh ra trong một gia đình khiêm nhường ở tỉnh Gia Định, Đính chuyển lên Sài Gòn làm nhân viên công chức bậc thấp ở Sở Công chánh. Năm 1913, ông bước vào thế giới báo chí trong cương vị chủ nhiệm và sau đó nhanh chóng làm chủ một tờ báo. Kinh nghiệm làm chủ nhiệm ở các tờ Nông Cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, và sau này là các báo tiếng Pháp như L’Echo AnnamiteLa Tribune Indochinoise đã giúp ông trở thành một trong những nhân vật đằng sau hậu trường có thế lực nhất trong báo giới người Việt những năm 1920. Là một thương gia hơn là ký giả, Đính họp sức với vợ là Thanh Thị Mâu, người làm chủ một nhà in phát đạt[27].120 Được in ở nhà in của Thanh Thị Mâu, Đông Pháp Thời Báo ban đầu ra mỗi tuần ba kỳ, mỗi kỳ 3.000 tờ in khổ lớn bốn trang.
Ra đời từ tháng 5/1923, tờ báo này trong giai đoạn đầu tiên có ban biên tập toàn là những người đã từng làm cho tờ Công Luận Báo[28].121 Dưới quyền chủ bút trên danh nghĩa của Hồ Văn Hiền, đường lối nội dung là do Hồ Văn Trung chỉ đạo. Ngay cả Nguyễn Chánh Sắt thỉnh thoảng cũng xuất hiện như cây bút cộng tác. Tờ này cải tiến bằng cách trông cậy vào một mạng lưới “đặc phái viên” địa phương rộng lớn ở các tỉnh. Các đặc phái viên cùng với một số nữ ký giả chỉ xuất hiện trên báo với bút danh là những người cung cấp phần lớn nội dung cho tờ báo với chi phí thấp hơn là thuê người giữ mục thường xuyên. Với Đính nắm quyền quản lý và Trung nắm quyền biên tập, tờ Đông Pháp Thời Báo trở thành một hoạt động thương mại thông suốt, và ngay cả trong thời kỳ đầu của báo chí Việt Nam đã cho thấy chuyện kinh doanh và các mối quan tâm chính trị có thể hội tụ đến mức nào (ep.170).
Hai bài xã luận chính chiếm hết trang nhất, và một hoặc hai tiểu thuyết dài kỳ được đăng ở các trang hai và ba. Thơ ca cũng được đề cao. Tờ này mở nhiều mục thường xuyên như mục phụ nữ cộng tác và diễn đàn chung. Giống như các báo tiếng Việt khác, ngoại trừ tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo, việc tường thuật thời sự quốc tế và trong nước rất thưa thớt. Và cũng như các báo quốc ngữ khác, giọng điệu giáo huấn thường nổi bật tính chất tự phê phán. Các bài xã luận của Hồ Văn Hiền, Lê Sum và Hồ Văn Trung khai thác các chủ đề như tính kiên nhẫn, tinh thần phê phán, tính khiêm tốn, lòng sợ hãi và lề thói. Bám chặt vào niềm tin tự cải tiến và tự học hỏi vốn có truyền thống từ tư tưởng Nho giáo, xu hướng này rất mạnh trong giới cầm bút miền nam thời đó. Nhiều bài đề cập đến các vấn đề văn hóa-xã hội, một số bài có sức nặng chính trị, như vấn đề thống nhất văn hóa Bắc-Trung-Nam (sự phân chia áp đặt của người Pháp), hành vi nhũng lạm của giới hào phú địa phương đối với thường dân, phát triển nông nghiệp, và ác cảm bài Hoa. Tâm tư chống chính quyền đôi khi cũng bộc lộ mặc dù giọng điệu dân tộc chủ nghĩa vẫn còn giới hạn trong nhũng ngôn từ chung chung. Các tài liệu của Sở Liêm phóng cho thấy rằng trong những giai đoạn xã hội khủng hoảng, Nguyễn Kim Đính đã chơi canh bạc hai mặt đầy nguy hiểm[29].122 Tuy nhiên, những thủ đoạn này lại giúp cho Đông Pháp Thời Báo tránh được kiểm duyệt[30].123 Trong các cơ quan báo chí quốc ngữ, Đông Pháp Thời Báo tự xác định là một tờ báo chất lượng tốt (ep.171).
Sự ra đời của bốn tờ báo tiếng Việt này trong những năm đầu thập niên 1920 cho thấy cái có thể gọi là “làng báo quốc ngữ” ở Sài Gòn.
Nhiều thay đổi có tính nền tảng đã diễn ra đằng sau những giao kèo liên quan đến quyền sở hữu tờ báo, hoạt động của ký giả các báo này và những dịch chuyển có vẻ hỗn loạn trong chủ trương biên tập. Đó là những ý tưởng mới và con người mới thu hút được sự chú ý của công chúng, và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng chính trị của báo chí đã đã hình thành trong tâm tư người đương thời.
Từ giai đoạn ban đầu này của nền báo chí chính trị Việt Nam, nhiều cá nhân đã đóng vai trò quan trọng làm trung gian giữa dân chúng bản xứ và chính quyền. Dưới thế lực của Nguyễn Kim Đính, một phong cách biên tập bắt đầu từ năm 1913 trên tờ Nông Cổ Mín Đàm và tiếp tục ở tờ Công Luận Báo rồi cuối cùng là ở chính tờ báo riêng của Đính là Đông Pháp Thời Báo. Đính rất giỏi thu phục cả đội ngũ ủng hộ làm theo những nước cờ chiến lược khác nhau của mình. Ông có tài phát hiện những cây bút giỏi có sức hấp dẫn với nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Cao Văn Chánh viết cho giới thanh niên, quảng bá ý thức chính trị; trong khi Hồ Văn Trung viết cho nhóm công chúng trưởng thành hơn vốn quan tâm đến tinh thần và tính toàn vẹn văn hóa của Việt Nam. Trung cũng đặt nền tảng nội dung cho những đầu tư ban đầu của Đính vào nghề báo. Một nhân vật quan trọng khác của thời kỳ này là Nguyễn Chánh Sắt. Tuy không có tài kinh doanh như Đính, ông là người đào tạo nên nhiều cây bút trẻ như Cao Hải Để và Lâm Hiệp Châu[31].124
Cho đến năm 1923, các chủ bút thuộc thế hệ ra đời trong khoảng 1869 đến 1885 như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, và Hồ Văn Trung, đã có sức tác động đáng kể đến sự tiến hóa của báo chí quốc ngữ. Thường là cựu thông ngôn hay ký lục của chính quyền có gốc gác ở nông thôn miền Nam, họ có thể viết cả tiểu thuyết và những bài ngắn có sức hấp dẫn với độc giả thời đó (ep.172). Với họ, các vấn đề tự nâng cao tri thức và đạo đức lại quan trọng hơn là ảnh hưởng thực tế của xã hội đương thời. Và do họ không thích đối đầu trực tiếp với chính quyền, rào chắn kiểm duyệt đã tạo ra một ranh giới cho họ ẩn náu đằng sau. Việc giáo dục văn hóa và đạo lý cho dân chúng, cùng những cách tân về kinh tế, được họ coi trọng và xem là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ xã hội và chính trị đích thực. Truyền thống báo chí này tồn tại suốt thập niên 1920 và sau đó trong nhiều tờ báo “phi chính trị” như Lục Tỉnh Tân VănTrung Lập Báo.
Khoảng năm 1922, một thay đổi theo xu hướng tổ chức nội dung rõ ràng hơn bắt đầu diễn ra. Cách tiếp cận mơ hồ đối vói chính quyền thực dân - kiểu Hồ Văn Trung, Nguyễn Chánh Sắt, và Nguyễn Kim Đính - đã mở đường cho một thế hệ trí thức mói với những ý tưởng rõ ràng hơn về những gì báo chí có thể đạt được về mặt chính trị. Cao Văn Chánh, Nguyễn Háo Vĩnh, Cao Hải Để, và Lâm Hiệp Châu - tất cả đều sinh ra trong khoảng 1893 đến 1906 - đã tạo tên tuổi bằng cách chọn một lập trường chính trị táo bạo hơn nhưng đồng thời, theo truyền thống xã hội Việt Nam, họ cũng tránh xung đột trực tiếp vói thế hệ đi trước. Họ chờ đợi thòi cơ để gánh vác toàn bộ trách nhiệm về chủ trương nội dung của một tờ báo, như trong trường hợp của tờ Nông cổ Mín Đàm. Cả bốn người này đều đã được nhiều thành viên của thế hệ đi trước dẫn dắt vào nghề làm báo chính trị.
Các sử gia thường quả quyết rằng những trò thao túng và phá rối của người Pháp, đặc biệt là chuyện kiểm duyệt, là nguyên nhân chính khống chế báo chí quốc ngữ của người Việt trong vai trò giới hạn như một thể loại văn học vô hại. Những sự quả quyết đó có lẽ cần phải được điều chỉnh lại, ít nhất là từ năm 1920 trở đi[32].125 (ep.173).
So sánh với các báo Pháp ngữ đồng nghiệp, báo chí quốc ngữ phải chịu nhiều quy định hạn chế rất lớn vì các báo này buộc phải dùng cách truyền đạt gián tiếp và bóng gió. Tuy nhiên, phong cách văn chương và giáo huấn đặc trưng của báo quốc ngữ, thậm chí ngay trong những bài do các cây bút thuộc thế hệ trẻ viết, cũng không hề thiếu sức mạnh chính trị. Phong cách này cũng phù hợp với một kiểu kết hợp đặc biệt giữa các ẩn dụ cảm xúc văn hoa về sự mất mát và xa lạ văn hóa - do bị chiếm làm thuộc địa - vói khuynh hướng Nho giáo khuyến khích tự lực cá nhân[33].126 Phong cách làm báo kiểu miền Nam này thực tế lại tiêu biểu cho một giai đoạn khi các nhà hoạt động chính trị khám phá ra cách đối lập công khai bằng lý lẽ. Những người kiểm duyệt không có khả năng ngăn chặn những kỹ thuật viết lách do các cây bút tài tình như Hồ Văn Trung nghĩ ra. Đây là một hiện tượng thường được nhắc đến trong các báo cáo của Sở Liêm phóng, nó cho thấy rằng báo chí quốc ngữ cuối cùng cũng có thể là một phương tiện phát ngôn chính trị hữu hiệu. Trong những cơ hội có thể bộc lộ vị thế chính trị rõ ràng, như trong cuộc tẩy chay bài Hoa hay bầu cử địa phương hay vấn đề kiểm duyệt báo chí, các tờ báo này vẫn tự chọn lập trường không chút mơ hồ.
Cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của các tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Sài Gòn phần lớn đều đan kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế và chính trị của người Pháp lẫn sự phát triển của báo chí tiếng Pháp sở tại, như đã được chứng tỏ bằng vai trò quan trọng của một số kiều dân colons đang làm chủ các doanh nghiệp xuất bản. Ngoại trừ tờ Quốc Dân Diễn ĐànĐông Pháp Thời Báo, các tờ báo quốc ngữ này đều do những người Pháp lập ra. Kinh nghiệm làm báo của ngưòi Pháp khiến họ đặc biệt có sức ảnh hưởng với các trí thức trẻ người Việt làm việc cho họ (ep.174). Người sáng lập và điều hành tờ Nông Cổ Mín Đàm, Canavaggio, là hội viên Hội Tam Điểm. Trước sự bực tức của Sở Liêm phóng, tình cảm “ưu ái Việt Nam” của Canavaggio cũng lộ rõ trong cuộc tẩy chay bài Hoa khi ông đóng góp vào phong trào này bằng cách viết vài bài tham gia và cho các cộng sự người Việt trong ban biên tập toàn quyền tổ chức nội dung[34].127 Một nhân vật có khác cũng sức ảnh hưởng lớn nhưng tiếc là không có nhiều thông tin về người này. Đó là bà Rose Quaintenne. Là dân Công giáo, có lẽ được sự hậu thuẫn của Hội Thừa sai (Socíété des Missions Étrangères), Quaintenne lập ra tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo và nhiều tờ khác. Bà bảo thủ về chính trị nhưng lại có nhiều sáng kiến trong nghề báo. Bà là người quyết định tung ra những tờ báo nhắm tới những đối tượng riêng biệt của công luận người Việt đang hình thành: tờ Đèn Nhà Nam dành cho phụ nữ, tờ Nam Việt Tế Gia dành cho các gia đình trung lưu, và Nam Kỳ Kinh Tế Báo dành cho giới chủ kinh doanh đang phát triển ở đô thị. Mặc dù bà đã từng viết một bài gọi chính sách của Sarraut đối với người Việt là “mị dân”[35],128 Quaintenne lại tận dụng chủ trương nới lỏng việc ra báo quốc ngữ dưới thời vị toàn quyền này để đầu tư ồ ạt vào ngành xuất bản báo chí.
Mối quan tâm đến báo chí quốc ngữ của hai ngưòi Pháp Henry Blaquière và Lucien Héloury, chủ nhiệm hai tờ báo tiếng Pháp quan trọng, cho thấy rằng họ cũng hưởng ứng tích cực với môi trường kinh tế và chính trị mới. Là một giáo viên từ Montpellier sang dạy ở Trường Sư phạm Gia Định, Blaquière nhanh chóng học nghề báo và trở thành chủ nhiệm tờ Le Courrier Saigonnais, một tờ báo ra đời năm 1899 do hai indigènophiles “ngưòi ưu ái bản xứ” kiêm hội viên Tam Điểm là Georges Garros và Alfred Schreiner sáng lập. Khuynh hướng tự do của Blaquière lại phù hợp với óc nhạy bén về cơ hội kinh tế (ep.175). Năm 1918, được Toàn quyền Sarraut ủng hộ, ông đã tìm gặp Sương Nguyệt Anh, con gái của thi sĩ kiêm biểu tượng ái quốc chống thực dân Nguyễn Đình Chiểu, để mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung. Nhắm vào giới phụ nữ thành thị và nam giới có học đang hình thành, Blaquière biết rằng lịch sử chống thực dân của gia đình Sương Nguyệt Anh sẽ thu hút được độc giả[36].129 Giống Garros và Canavaggio, Blaquière là hội viên Tam Điểm chi nhánh Réveil de l’Orient (Đánh thức Đông phương) ở Sài Gòn và tham gia Ligue de la République (Liên minh Cộng hòa) - một tổ chức gần giống Hội Tam Điểm có khuynh hướng ủng hộ đồng hóa kiểu cộng hòa và chống giáo hội mạnh mẽ[37].130 Tuy nhiên, chiến lược ủng hộ báo chí tiếng Việt của ông có lẽ mang yếu tố vì kinh tế nhiều hơn là vì chính trị.
Bảo thủ hơn, Lucien Héloury là chủ nhiệm tờ L’Opinion, tờ báo đối địch với tờ Le Courrier Saigonnais của Blaquière[38].131 Năm 1916, Héloury cho ra tờ Công Luận Báo với một chiến lược thương mại đã cân nhắc kỹ. Muốn tờ Công Luận Báo lấp vào khoảng trống của văn chương giải trí, Héloury thuê những nhà văn viết tiểu thuyết nổi tiếng như Lê Hoằng Mưu và Hồ Văn Trung về làm cho tờ báo. Năm năm sau, bất kể chính kiến riêng, Héloury không phản đối việc tuyển mộ những cây bút ngoan cố chính trị như Cao Văn Chánh và Nguyễn Háo Vĩnh. Chỉ đến khi tờ Công Luận Báo trở nên chống chính quyền quá công khai và Héloury lo sợ việc kinh doanh xuất bản của mình sẽ gặp khó khăn với nhà chức trách, ông mới quyết định bán tờ báo này cho ngưòi bạn thân của Thống đốc Cognacq là Hérisson. Ít ra trong chừng mực nào đó, các ký giả - doanh chủ người Pháp này cũng sẵn sàng ủng hộ các cộng sự người Việt bằng cách cho họ tự do phát triển các mục tiêu nội dung và văn phong riêng. Dù là người ưu ái bản xứ hay cơ hội kinh tế, những người Pháp này đều nhận biết rằng số độc giả người Việt ngày càng đông đảo đang đòi hỏi một nền báo chí quốc ngữ sôi động (ep.176).
Các chủ báo người Pháp lẫn Việt điều hành tờ báo với các lợi ích kinh tế và chính trị kết hợp. Cách điều hành này có hệ quả cụ thể tới đặc điểm chính trị của báo chí quốc ngữ. Nền báo chí tự học, nghiệp dư mới nảy sinh hướng tới một cộng đồng độc giả mới xuất hiện ở Sài Gòn thời ấy cũng tương tự như nền báo chí mới đâm chồi và vô số canards (tin vịt) hình thành trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 ở Pháp. Sự kết tinh thành vai trò và trách nhiệm của giới “joumaliste” Pháp chỉ đi trước giới đồng nghiệp “nhà báo” Việt Nam chỉ có một hoặc hai thập niên mà thôi[39].132 Các ký giả - doanh chủ Pháp và Việt hiểu rằng quảng bá một lập trường chống chính quyền có thể sinh lợi về mặt kinh tế. Trong bối cảnh Sài Gòn thuộc địa đầu những năm 1920, sự khác biệt giữa “lợi ích chính trị cá nhân” và “những vấn đề nghiêm trọng” ảnh hưởng đến affaires Indigènes (chính sách bản xứ của thực dân) thường bị xóa nhòa. Báo chí góp phần định hình một cảnh quan tinh thần mới dễ tiếp cận với hàng trăm người Việt, ít nhất là ở Sài Gòn và vùng phụ cận. Khi tiếp cận đông đảo dân chúng bản xứ, các tờ báo này bằng cách phát ngôn tranh luận, phản biện đã giúp xác định những mâu thuẫn cố hữu trong thực trạng ở thành phố thuộc địa này./.


[1] Một mật báo Sở Liêm phóng tháng 3/1922 lưu ý rằng chỉ có sáu tờ báo quốc ngữ hoạt động ở Nam Kỳ, “như đã được cấp phép từ trước” - Goucoch, IIA.45/175(9), NA2. Bất kể những nỗ lực của chính quyền thuộc địa muốn hạn chế báo quốc ngữ, số lượng báo này vẫn cứ tăng. Trong số những tờ được cho phép có Nam Kỳ Kinh Tế Báo (tháng 10/1920) do Rose Quaintenne làm chủ; Nhựt Tân Báo (tháng 4/1922) do Dejean de la Batie đứng tên thay cho Lê Thành Tường; và Đông Pháp Thời Báo (tháng 3/1923) cũng do Dejean đứng tên cho Nguyễn Kim Đính. Xu hướng này vẫn tiếp diễn với Khoa Học Tạp Chí (tháng 10/1923) là một chuyên san khoa học, Trung Lập Báo (tháng 1/1924) là phiên bản quốc ngữ của tờ L'Impartial do De La Chevrotière làm chủ, và tờ Tân Dân Báo ôn hòa (tháng 10/1924) thuộc sở hữu của Trần Văn Minh.

[2] Ở Sài Gòn, người đảo Corse chiếm tới 115% tổng số dân Pháp. Xem Jean-Louis Pretini, “Saigon-Cyrnos: Les Corses à Saigon”, trong Brocheux và Hémery, Saigon 1925-1945, 92-103.
[3] Tờ này có chung ban biên tập với tờ Lục Tỉnh Tân Văn, cũng do Trần Chánh Chiếu làm chủ nhiệm. Lục Tỉnh Tân Văn do Francois- Henri Schneider và Pierre Jeantet lập ra năm 1907 nhưng được gợi ý từ Gilbert Chiếu.
[4] GGI, 7F, 65412, CAOM. Sau khi Chiếu thất thế, Nguyễn Văn Của mua lại tờ Lục Tỉnh Tân Văn, biến nó thành ấn phẩm nếu không ủng hộ chính phủ thì cũng phi chính trị. Nhờ chính quyền thục dân đặt mua dài hạn cho từng thôn làng, tờ này tồn tại cho đến năm 1945.
[5] Năm 1917, Lê Hoằng Mưu trở thành chủ nhiệm của tờ báo ủng hộ chính quyền Lục Tỉnh Tân Văn, ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1941. Trong một lần đoàn kết hiếm thấy vớỉ các đồng nghiệp ở Nông Cổ Mín Đàm, Mưu rồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc tẩy chay bài Hoa năm 1919. Về Mưu, xem Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn-Gia Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”, trong Địa chí văn hóa TPHCM, vol. 2,199-219.

[6] Nguyễn Chánh Sắt thường viết dưới bút danh “Bá Nghiêm”.
[7] Về Nguyễn Chánh sắt, xem La Tribune Indigène, 24/1/1920. Xem thêm Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn - Gia Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”, 199-219. Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne.
[8] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 11/9/1919.
[9] Tháng 1/1922, Nguyễn Chánh Sắt yêu cầu chính quyền thực dân cho tờ Nông Cổ Mín Đàm được hưởng đặc quyền là mọi thôn làng đều bắt buộc phải đặt mua dài hạn, giống như tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Yêu cầu này không được đáp ứng, chắc chắn ỉà do chính quyền giới mật thám Sở Liêm phóng đã nghi ngờ Sắt từ thời vụ tẩy chay bài Hoa. Xem GGI, 7F, 65412, CAOM.

[10] Nông CổMín Đàm, số ngày 28/4/1922.
[11] Quê ở Bà Rịa, Lê Thành Tường đã tốt nghiệp khoa luật Đại học Đông Dương ở Hà Nội trước đó hai năm. Ở Sài Gòn, Tường tham gia hoạt động báo chí bầng cách giữ vai trò chủ nhiệm điều hành cả hai tờ Nhựt Tân Báo với Nguyễn Phan Long và tờ Nông Cổ Mín Đàm. Năm 1924, ông rời bỏ báo giới để gia nhập hàng ngũ công chức thuộc địa, một lựa chọn khá đặc biệt có lẽ có liên quan đến mối quen biết cá nhân với Thống đốc Cognacq từ thời Tường còn học ở Hà Nội. (Xem Le Flambeau, 11/12/1924; xem thêm Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923, 1923-1924, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), CAOM).

[12] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 14/4/1922.
[13] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 6/10/1922.
[14] Vào tháng 5/1923, tài sản của tờ báo này là 4.000 đồng Đông Dương và lượng phát hành 800 tờ mỗi kỳ, tình trạng tài chính rất yếu. Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923; GGI, 7F, 65474(2), CAOM.

[15] Arnoux cũng lưu ý một bài báo đặc biệt ký tên Lâm Hiệp Châu đăng ngày 1/7/1924 có tựa đề “Ai là bạn đường cho thanh niên?”, từ đó Amoux trích ra những câu sau đây:
“Mục đích của tờ báo này là làm cho phát triển kinh thương và kỹ nghệ ngõ hầu giải phóng dân ta khỏi vòng áp bức của bọn công chức bất lương... Hãy để thanh niên, ai cùng quan điểm này, ủng hộ bổn báo. Điều đó sẽ giúp chúng tôi chống lại những kẻ hùng mạnh nhất. Hỡi anh em thanh niên, hãy nhớ Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo của người dân; số phận của nó nằm trong tay các bạn”. (GGI, 7F, 65412, CAOM).

[16] Lê Hoằng Mưu cũng được chiêu mộ, nhưng ông sớm ra đi để làm cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn.
[17] Ông còn dùng các bút danh Tô Văn và Văn Tô.
[18] Giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ Amoux mô tả ông như “người tránh né kiểm duyệt tài tình nhất” (Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923; GGI, 7F, 65474(2), CAOM). Về Hồ Văn Trung, xem Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn-Gia Định cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Xem thêm Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne, và GGI, Souverains et notabilités d’Indochine
[19] Huỳnh Văn Chính cùng lúc đó làm biên tập cho La Voix Annamite - một tờ báo chết yểu do Lê Thành Tường và Dejean de La Bâtie lập ra vào tháng 1. Chính về sau cộng tác với tờ Saigon Républicain của Nguyễn Phú Khai và La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh. Xem Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923,1923-1924,1925-1926, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), và 65475 (4), CAOM.

[20] Về vụ độc quyền thương cảng Sài Gòn gây phẫn nộ, xem Chương 4.

[21] Từ tháng 4/1922 trở đi, Hamlet của Shakespeare được đăng dài kỳ, bản dịch tiếng Việt là công trình của Nguyễn Háo Vĩnh, lúc đó là chủ bút Công Luận Báo.

[22] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, số ngày 13/1/1923.
[23] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, số ngày 17/7/1923.

[24] Suốt mười năm, Nguyễn Đình Khánh hay Khánh Ký gốc Hà Đông miền Bắc làm nghề chụp ảnh Pháp, nơi ông có liên hệ với các nhà hoạt động ngưòi Việt Paris như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, và Nguyễn Ái Quốc. Ở Sài Gòn, nơi ông định cư năm 1922, Khánh Ký lập ra một doanh nghiệp phát đạt chuyên chụp ảnh chân dung cho người Âu. Tiệm của ông ở Đại lộ Bonnard (đường Lê Lợi hiện nay) nằm kề bên cơ sở của Nguyễn Háo Vĩnh. Cực kỳ kín đáo trong hoạt động chính trị, Khánh Ký bí mật liên lạc với các mạng lưới Vỉệt Nam ở Trung Hoa và Nhật Bản (Hồ sơ Sở Liêm phóng: Khánh Ký, photographe; Goucoch, IIA, 45/274 (3), NA2). Trương Văn Bền là người Minh Hương ở Chợ Lớn. Sinh ra nghèo khó năm 1883, ông đã xây dựng được một cơ nghiệp đa dạng, bao gồm một nhà máy xay gạo, một xưởng dầu dừa, và một đồn điền cao su. Đắc cử ủy viên Hội đồng Quản hạt năm 1918, ông thành viên của Phòng Thương mại Sài Gòn. Gần gũi về chính trị vói các thủ lĩnh nhóm Lập hiến, Bền lại hỗ trợ tài chính cho những nhà hoạt động cấp tiến hơn như Cao Văn Chánh và Nguyễn Háo Vĩnh. (SPCE, carton 350, CAOM; Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923, 1923-1924, 1925-1926, 1926-1927, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), 65475 (4), và 65475 (5), CAOM; Annuaire du syndicat des planteurs de Caoutchouc de l'indochine 1926; GGI Souverains et notabilités d'indochine.

[25] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, 13/6/1923.
[26] Trong Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng tháng 7/1923 - tháng 12/1924, Giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ Arnoux lưu ý rằng thành công của Nguyễn Kim Đính là nhờ sự can thiệp với chính quyền của kiều dân bảo thủ cực đoan De la Chevrotìère để hỗ trợ cá nhân Đính. Nếu đúng như vậy thì điều này cho thấy Đính có lẽ đã cam kết trung thành với Parti colonial (Phe cánh thuộc địa) từ trước đó. Xem Dossier 65474 (3), GGI, 7F, CAOM.

[27] Về Nguyễn Kim Đính, xem Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1923-1924, 1925-1926, 1926-1927, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (3), 65475 (4), và 65475 (5), CAOM.

[28] Số đầu tiên của Đông Pháp Thời Báo (ĐPTB) được lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp là số ra ngày 4/5/1923.
[29] Để duy trì uy tín với đồng bào, Nguyễn Kim Đính cho phép ký giả của ông viết tự do đề tài này, với nhiều bài chỉ trích chính sách của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, để tránh bị chính quyền trả đũa, Đính cũng bí mật báo cáo với ban kiểm duyệt, cho biết bài nào nên ngăn chặn. Bất kể sự hợp tác ấy, Đính vẫn bị áp lực từ phía nhà chức trách buộc phải giảm nhẹ chuyện đả kích chính quyền trên tờ báo của ông. (Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1923-1924,7F, 65474 (3), CAOM).

[30] Sở Liêm phóng cũng lưu ý tới một bài đăng ngày 14/5/1924, đề cập tới “đức hạnh chẳng có nghĩa gì nếu không có sức mạnh”. Một bài khác được nhấn mạnh là bài của Nguyễn Chánh Sắt viết rằng “Người có học là người tự do, người ngu dốt dễ rơi vào cảnh nô lệ”. Một phần trong bài viết về thống nhất ba miền đất nước bị cắt bỏ (ĐPTB, 27/8/1924).

[31] Giống như Nguyễn Chánh Sắt, Huỳnh Văn Chính cũng dẫn dắt những tài năng như Nguyễn Háo Vĩnh và Nguyễn Đức Nhuận vào nghề báo chính trị.

[32] Quan điểm quyết đoán này tràn ngập cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam cùa Huỳnh Văn Tòng. Theo tôi, Tòng đã đánh giá thấp năng lực tác động của báo chí quốc ngữ đối với thế giới quan chính trị của độc giả nằm ngoài sự bất lực của báo chí khi không thể đề cập trực tiếp nhiều vấn đề nhạy cảm. Chẳng hạn, việc báo chí cố tìm cách vươn tầm vói bao trùm cả ba miền đất nước Vỉệt Nam cho thấy lập trường chính trị của báo chí như thế nào, cho dù không đề cập trực tiếp đến chủ quyền hay cách người Pháp đối xử với người Việt. Xem Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam.

[33] Về phong cách giáo huấn của văn học miền nam Việt Nam thời ấy, đặc biệt là về phong cách của Hồ Văn Trung - Hồ Biểu Chánh, xem Schafer và Thế Uyên, “Novel Emerges in Cochinchina”.

[34] GGI, F07, 65412, CAOM.

[35] Bài này đăng lần đầu trên Le Courrier Saigonnais và tờ EA đăng lại ngày 21/6/1921. Tôi không tìm thấy thông tin lưu trữ nào về Rose Quaintenne.

[36] Cùng năm đó, Blaquière mời một ký giả khác có quan điểm chính trị mạnh mẽ, Nguyễn Thành Út, lập ra tờ báo khác, Thời Báo. Tìm được rất ít thông tin về tờ báo này.
[37] Xem hồ sơ xin gia nhập chi nhánh Hội Tam Điểm ở Sài Gòn của Blaquière: Le Réveil de l'Orient, file 1736, GOF
[38] Héloury cũng gia nhập chi nhánh Hội Tam Điểm địa phương Le Réveil de l'Orient, file 1736, GOF.

[39] Xem Charle, Le siècle de la presse, 143-49.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét