Khiemnguyen

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Khái quát về văn học sử Việt Nam giai đoạn 1907 - 1932



Chỉ sang đầu thế kỷ 20, văn học ta mới thật sự bước vào cuộc sinh hoạt hiện đại. Nền văn học hình thành đấy là một văn học hầu như tân tạo, trong một giai đoạn lịch sử mới. Nhìn lại các thời lịch triều, đem so sánh với văn học của nho gia về trước, ta thấy những nét cách biệt cốt yếu sau đây:
Về nội dung, văn học xưa chứa đựng học thuật nước Tầu, tư tưởng Tam giáo, luân lý chính trị của Khổng- Mạnh những hình ảnh một xã hội phong kiến nông nghiệp, cùng những suy cảm của con người đóng khung trong xã hội ấy. Bước sang hiện đại, ý thức hệ nho giáo đi lần đến tan rã. Tư tưởng Tây phương tràn vào, đem lại cho chúng ta những quan niệm mới về vũ trụ và nhân sinh. Văn học mới chịu ảnh hưởng của tư tưởng khoa học, luân lý gia tô, lý thuyết dân chủ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật... Nó cũng mang những hình ảnh của một xã hội đổi mới bởi văn minh Tây phương và chính sách Pháp thuộc cùng những suy cảm của lớp cầm bút trong khung cảnh xã hội ấy.
Về hình thức, văn Nôm xưa chỉ có văn vần, và đi vào mấy hình thức khá chật hẹp: thi, phú, truyện, ngâm, ca, Sang hiện đại, ta cố gắng xây dựng thêm một nền văn xuôi để sử dụng, trước trong thể nghị luận sau trong các loại sáng tác như tiểu thuyết, kịch là những loại mà ta đã học nhiều của Tây phương. Văn học Pháp với những trường phái của họ đã ảnh hưởng rất mạnh đến tất cả địa hạt sáng tác này của ta. Đồng thời cũng hình thành một ngôn ngữ văn chương mới, ban đầu còn mang nhiều hình tích văn Nôm, về sau càng chịu ảnh hưởng câu văn Tây và ngôn ngữ Pháp. Ngoài ra về văn tự, chữ Nôm của nho gia bị sa thải, chữ quốc ngữ được đề cao, quảng bá, và trở thành thứ chữ Việt chính thức từ đây.
Một đổi mới quan trọng nữa là sự xuất hiện một sinh hoạt văn học trong đời sống xã hội. Xưa xã hội ta rất tĩnh về mọi mặt, cả về mặt văn học. Người ta chỉ chú trọng đến học thuật đến thi cử, nghĩa là việc học tập một hệ thống kinh điển cổ truyền với những tư tưởng và giá trị bất diệt. Việc viết truyện làm thơ là một hoạt động rất thứ yếu trong thì giờ của trí thức và sinh hoạt của quốc gia. Sang hiện đại, với sự xuất hiện của báo chí, sự mở mang của ấn loát, việc viết lách, việc sáng tác văn học hướng tới trở thành một ngành hoạt động của quốc gia nhằm cống hiến cho công chúng những sản phẩm văn học coi như một thức ăn tinh thần. Xưa đối với nho gia, trung tâm văn học là khu lều chõng ba năm mở hội một lần, là nơi thầy đồ bình văn giảng sách, là nơi thi hữu xướng họa vịnh ngâm. Nay trung tâm ấy chuyển ra nơi tòa báo, nhà xuất bản, tiệm sách, thư viện, chỗ xuất phát những ấn phẩm có khả năng khích động những tư trào lôi cuốn xã hội vào những biến đổi sôi nổi. Xưa nho sĩ với văn sĩ hầu như là một. Nay người ta quan niệm việc cầm bút viết văn như một chuyên môn của một số trí thức nhằm hướng đạo xã hội, phụng sự nghệ thuật. Có thể nói chỉ từ đây người ta mới làm văn học một cách có ý thức.
Một đổi mới quan trọng nữa là sự ý thức mạnh mẽ về quốc gia về dân tộc trong quan niệm làm văn học. Xưa lịch triều, nho gia coi Hán học là quốc học. Hán tự là “chữ ta”, văn chương Trung Hoa là văn chương mình. Cũng vì vậy nên các cụ đã phần nào chểnh mảng với việc sáng tác quốc văn. Bước sang hiện đại, nước mất, rồi bừng tỉnh trước thế giới năm châu, ý thức quốc gia về chính trị cũng đưa người Việt Nam đến ý thức quốc gia về văn học. Người ta phê phán các thế hệ trước đã đi học mướn viết nhờ và lo xây dựng lấy một quôc học chân chính. Vì vậy mà ngay từ đầu, cả các nhà nho cũng cương quyết dứt bỏ chữ Hán, triệt để hoan nghênh chữ quốc ngữ, dùng quốc ngữ đề viết văn. Cũng nhờ vậy mà sau tuy bị Pháp đô hộ, chuyên dạy cho học thuật Pháp, chữ Pháp, người ta không đi đến lặp lại cái lầm xưa, lấy chữ của kẻ thống trị làm chữ của mình, mà vẫn lo nuôi dưỡng ngành quốc văn, chuẩn bị cho nó một chỗ ngồi trong một ngày mai độc lập. Cái quan niệm đại đồng về học thuật và văn chương của nho gia xưa trong thế giới Chi Na đã khiến cho văn học ta lịch triều không có cá tính mạnh mẽ. Có thể nói từ dây ta mới có một văn học duy nhất và thuần túy.
Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng nền văn học nước nhà ấy cho đến những ngày tiền chiến - là giới hạn của bộ biên khảo này - cũng chưa có gì khởi sắc lắm. Bởi một mặt trong một hoàn cảnh ngoại thuộc, văn học ấy được làm một cách ít nhiều công khai bởi những người ít nhiều hợp tác, tất nhiên đã ít nhiều hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đi theo những đường hướng, mang những vết tích có tính cách ngoại nhân thống trị, nghĩa là không hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển cấu trúc của nó. Mặt khác thì bởi đời sống quốc gia chưa được khôi phục, Pháp học và Pháp văn vẫn cao ngự trong những giá trị xã hội, sự sinh hoạt quốc văn nói trên tuy có nhưng thu vào một phạm vi bản xứ phụ thuộc, bên lề cái xã hội thống trị quan Tây, mà ngay trong phạm vi bản xứ ấy, có bao nhiêu tiềm năng văn hóa tản mạn ra những hướng ngoài, cho nên văn học ấy, tóm lại, chưa được xây đắp một cách tận tình tận lực. Những thành tích lươm được ở đây có thể chỉ là để mở màn cho văn học hiện đại Việt Nam mà thôi.
Nếu văn học Việt Nam hiện đại trong thời này có tính cách cốt yếu là một cuộc canh tân - hưởng về Tây phương để canh cải những quan niệm và thể thức suy tư diễn tả của mình thì sự canh tân ấy cho đến ngày tiền chiến, diễn ra theo hai đợt khá rõ.
Đợt trước khởi lên khoảng 1907 với phong trào duy tân của các nhà nho cuối cùng bên cạnh những nhà Tây học đầu tiên. Song nhà nho làm việc này chỉ là một hành động náo nức nông nổi, những thành tích gây được phải kể về phía những nhà Tây học với người đi đầu là Nguyễn Văn Vĩnh mà hoạt động đã mở đường cho báo chí và xuất bản, và tư tưởng Âu hóa cấp tiến nổi bật từ báo Đăng Cổ (1907) đến báo Đông Dương (1913), Kế đến Phạm Quỳnh trong 17 năm báo Nam Phong đã cố gắng dung hòa ước vọng Âu hóa với ý hưởng tồn cổ còn mạnh mẽ trong công chúng bấy giờ.
Đợt sau khởi lên khoảng 1932 sau lần về nước của Hoàng Tích Chu, Nguyễn Tường Tam. Việc đổi mới văn học lại được cổ võ và được hưởng ứng trong một xã hội đã nhiễm nhiều ảnh hưởng Tây hơn. Báo Đông Tây, Phong Hóa rồi Tự Lực Văn Đoàn ra đời. Người ta muốn vượt qua những quan niệm cũng như câu văn Nam Phong, tiến tới bờ bến mới một cách quyết liệt hơn. Tuy nhiên đến 1940 nhiều khuynh hưởng mới lại khởi lên muốn đặt lại vấn đề duy tân và Âu hóa.
Ấy là về đường tư trào còn về văn thì giai đoạn đầu có thể coi là giai đoạn quốc văn mới được gây dựng. Người ta để công làm việc biên khảo, luyện câu văn xuôi và tập tành sáng tác bằng rất nhiều dịch thuật. Giai đoạn sau có thể coi là giai đoạn sáng tác. Văn học tiến bộ nhiều về tiểu thuyết và thi ca và để lại những thành tích nghệ thuật khả quan.
Nguồn: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ, NXB  Đồng Tháp, 1998)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét