Khiemnguyen

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Lịch sử ngành bưu điện Việt Nam, từ khởi thủy đến 1945



(Nguyễn Bùi Khiêm) Trong lý luận về báo chí truyền thông, thực chất phải hiểu truyền thông là yếu tố đầu tiên và cơ bản, bởi vì báo chí là một trong những hình thức của truyền thông, sự khác biệt cơ bản nằm ở việc truyền thông đại chúng. Trước khi hướng đến tính đại chúng của truyền thông, việc truyền tin hướng đến cá nhân hóa hoặc chính trị hóa... Do vậy, muốn tìm hiểu lịch sử báo chí truyền thông, trước hết phải nghiên cứu về lịch sử ngành bưu điện từ xưa đến nay.
“Buồn tình ai hỡi buồn tình
Ai không ai đi Huế cho mình gửi thơ”
Câu ca dao này nhắc lại một thời xa xưa, mà tổ chức Bưu trạm chỉ dành riêng cho nhà nước để vận tải công văn, truyền bá mệnh lệnh, còn thư tín của tư nhân thì phải chờ khi nào có ai đi đâu, sẽ nhờ người ta đem theo, đó là lối “gửi thư tay”, do bạn bè thân tín mang đi, may ra thì tới nơi tới chốn, còn nếu rủi ro bị thất lạc thì cũng đành chịu vậy, vì hồi đó đâu có lối gửi thư bảo đảm như bây giờ!
Sở dĩ cô gái xứ Đồng Nai muốn gửi thư “về ngoải”, là vì:
Con chim xanh đậu ngành cây khế,
Tôi thương một người ngoài Huế mới vô
Tình thương nỗi nhớ của cô ta được diễn tả tế nhị trong câu ca dao:
Nhá anh ăn chén cơm lưng,
Uống nước cam chừng để bụng yêu anh
mà nàng sẽ gói ghém trịnh trọng trong một phong thư chưa biết bao giờ gửi được!
Trong khi đó, tại chốn Kinh kỳ có một chàng trai đang trầm ngâm nhìn mưa bay lơ thơ trên vườn hẹ và tưởng nhớ tới người yêu khuất nẻo chốn xa xăm:
Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ
Tôi thương một ngươi có mẹ không cha.
Cảnh thê lương côi cút đó nhắc lại một sự kiện đã được ghi vào lịch sử: cha nàng đã anh dũng bỏ mình nơi chiến địa, vào hậu bán thế kỷ XIX, trong hàng ngũ của Trương Công Bình Tây Đại Nguyên Soái. Tâm trạng của chàng và nàng hồi đó làm cho ta nhớ lại bài thơ sau đây của Nguyễn Công Trứ:
Gánh tương tư riêng nặng bề bề
Thương thay người ở đôi quê
Nẻo đi thời nhớ nẻo về thời thương
 Tính sao cho vẹn trăm đường?
Từ đây, kẻ chân trời người góc biền, biết tính làm sao cho vẹn trăm đường? May ra chỉ còn một cách là mỗi người viết sẵn một bức thư, gửi vào đấy chút ít tâm tình và đôi lời nguyện ước, rồi phải ráng chờ cho tới ngày nào ngành Bưu trạm được tổ chức theo hệ thống mới, thì phong thư đó mới được chuyển đi mau lẹ và đến nơi đến chốn. Phong thư ngày nay khác với phong thư ngày xưa, là vì có dán con tem, tức con cò, mà một câu ca dao khác của miền Nam thường hay nhắc tới:
Làm thự giấy trắng, em găn con cò xanh
Gửi nhà Bưu điện, nhớ tới anh đêm ngày.
Từ khi xã hội loài người được tổ chức hẳn hoi, người ta sớm nghĩ tới việc trao đổi thư tín, truyền bá mệnh lệnh từ người này tới người khác, từ cấp trên xuống cấp dưới, làm thế nào cho thư tín đó, mệnh lệnh đó đến nơi một cách mau lẹ. Muốn được như vậy, người ta đã thiết lập cả một tổ chức khéo léo và có quy củ, mệnh danh là Bưu trạm. Vậy chúng ta nên tìm hiểu lai lịch của Bưu trạm và sự tiến triển của ngành này từ xưa tới nay, tại Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
I. Tổ chức bưu trạm thời xưa
Vì lẽ văn hóa nước ta chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, chúng ta sẽ ngược dòng thời gian tìm hiều sự tổ chức bưu trạm của Trung Hoa thời xưa như thế nào, rồi sau đó chúng ta sẽ lược duyệt sự tổ chức bưu trạm của nước ta, trải qua các thời đại.
Căn cứ vào lịch sử Trung Quốc thì dịch quán đã được thiết lập từ thời Chu Thành Vương (1115 - 1091 tr.CN). Từ thời đó đã đặt ra chức di nhân; các đường đi qua thôn dã, cứ cách 10 dặm thì đặt 1 lư, cách 30 dặm thì đặt 1 túc, mỗi túc có dựng nhà ở bên đường để khách ngủ trọ, lại có cả kho tích trữ lương thực; cách 50 dặm có thị, tức chợ, chợ có đặt hậu quán, tức quán đợi; cách quán đợi 20 dặm có phố, phố có yết mã đình tức quán để ngựa; cách 60 dặm có dịch, dịch có kho lương. Nhưng trong đó chia ra hai hạng: khách xá thì gọi là nghinh lữ, quán dịch thì gọi là bưu đình. Về sau đến thời nhà Tần (221 206 tr, TL) cứ cách xa 10 dặm đặt một trường đình, 5 dặm đặt một đoản đinh. mỗi đình có một người đình trưởng để điều động binh dịch đi bắt trộm cướp và để chuyền tống mệnh lệnh.
Theo Từ Nguyên một dặm chính thức thời xưa gồm có 3125 thước ta; chiếu theo ngày nay, cứ mỗi thước tây là 2 thước 5 tấc ta. thì một dặm dài phỏng chừng 1,25km. Như vậy, mỗi đoản đình cách xa: 1,25km x 5 = 6,25km, và mỗi trường đình cách xa gấp đôi, nghĩa là 12,5km.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhẳc tới “mười dặm tràng đình” khi nàng Kiều sắp sửa hành trang lên xe theo chàng họ Mã:
Đoạn trường thay lúc phân kỳ
Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh
Bề ngoài mười dặm tràng đình,
Vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo
Trong lãnh vực Bưu trạm thuở xưa, chúng ta ghi nhận một số danh từ rất thông dùng, mà chúng ta cần tìm hiểu nguyên ủy như sau :
(1) Trí bưu: danh từ này do Thày Mạnh Tử thuật lại lời Đức Khổng Tử: Đức chi lưu hành tốc ư trí bưu nhi truyền mệnh. Nghĩa là: Đức chính trôi đi còn mau hơn đặt bưu mà truyền lệnh.
Từ Nguyên còn chú thích thêm: do ngựa truyền đi thì gọi là trí do trạm trùyền đi thì gọi là bưu.
(2) Vũ thư: Thư lông chạy như bay. Thời nhà Hán (202 tr TL 220 sau TL) người ta chế một cái thẻ gỗ, dài độ 1 thước 2 tấc, khi có giặc cần phải cấp báo thì viết vào thẻ, cắm lông chim lên trên rồi sai binh dịch mang chạy, vì thế trong thơ Thu hứng của Đỗ Phủ có câu: Chinh Tây xa mã vũ thư trì, nghĩa là: Xe ngựa chinh Tây, thư cấp báo như chim bay rầm rập.
(3) Nhạn tín: tin nhạn xuất hiện từ đời nhà Hán. Tô Vũ sang sứ Hung nô; vua xứ này là Thuyền Vu đầy Tô Vũ ra Bắc Hải, bắt phải chăn dê ở trong thung lũng suốt 19 năm trời. Về sau Hán và Hung nô giảng hòa, Hán Đế sai sứ sang thăm tin tức, Thuyền Vu nói dối là bọn Tô Vũ đã chết. May sao có viên quan nhà Hán tên gọi Thường Huệ biết rõ việc ấy, liền mách sứ giả vào nói với Thuyền Vu rằng: Hán Đế đi săn ở vùng Thượng lâm bắn được con nhạn nơi chân nó thấy buộc một phong bạch thư. Thư viết vào lụa nói rằng bọn Tô Vũ còn sống, hiện đương chăn dê ở trong thung lũng. Thuyền Vu cả sợ, bèn sai sứ giả đi đón Tô Vũ trở về. Vì thế về sau người ta hay mượn điều đó để nói việc gửi thư.
Trong Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, chúng ta có thể trích ra vài câu thơ nhắc tới điển tích này:
Trước đôi lần có tin thư đoái
Rày thưa thư mà lại thưa tin
Thấy nhàn ngỡ lụa thư truyền
Mãng sương đưa lạnh thì niên xuýt may
Trải mấy Xuân tin đi tin lại
Tới Xuân này tin hãy vắng không
Thấy nhàn luống tưởng thư phong,
Nghe sương luống sắm áo bông sẵn sàng.
(4) Ngư tín: tin cá. Điển này thấy trong Cổ Nhạc Phủ, có 4 câu thơ rằng:
Khách tòng viễn phương lai
Dị ngã song lý ngư
Hô nhi phanh lý ngư,
Trung hữu xích tố thư.
tạm dịch là :
Khách ở phương xa lại
Cho ta hai cá chép (gáy)
Gọi con mổ nó ra
Trong bụng có thư lụa trắng.
Nhưng tập Đan duyên tòng lục lại dẫn 4 câu thơ khác, cũng trong Cổ Nhạc Phủ, để giải thích:
Xích tố như tàn tuyết,
Kết thành song lý ngư
Yếu tri tâm lý sự,
Khán thủ phúc trung thư.
Nghĩa là:
Lụa trắng như tuyết tan
Kết thành hai cá gáy.
Muốn biết tâm sự sao
Mở coi thư trong bụng
Theo như bốn câu thơ trên thì cổ nhân lấy bức thư kết thành hình con cá gáy, tức là cái phong bì, còn muốn biết bên trong nói gì thì mở cái phong bì ra coi, chứ không phải mổ bụng cá.
(5) Lạp thư: Thư bọc sáp, việc này có từ thời nhà Tống (960-1278), trong truyện Lý Hiền Trung chép rằng: Trung có sai một người gia khách tên gọi là Lôi Hoán đem bức lạp thư đến nơi hành tại, mật báo với vua về tin biến loạn. Cách đưa tin này về sau khi nào những đồn ải ở nơi hẻo lánh bị giặc bao vây, người ta rạch da chân người đưa thư để nhét bức thư bọc sáp vào, rồi khâu lại, giả làm vết thương để quân địch khỏi ngờ. Theo truyền ngôn ở nước ta, về thời nhà Trần chống với quân Nguyên cũng đã dùng kế đó.
(5) Mai dịch: Danh từ này thấy từ thời nhà Tống (Nam Bắc Triều) (420 - 477), Lực Khải từ Giang Nam gửi một cành mai để tặng bạn thân là Phạm Việp ở Lũng Đầu có kèm theo 4 câu thơ sau :
Chiết mai phùng dịch sứ
Ký dữ lũng đầu nhân
Giang Nam hà sở hữu
Liêu tặng nhất chi xuân
Tam dịch là :
Bẻ cành mai gặp người dịch sừt
Gửi cho ai ở xử Lững đầu
Giang Nam hỏi có gì đâu
Hoa Xuân này gửi tặng nhau một cành.
(Tô Nam dịch) Nhân đây soạn giả xin cảm tạ Cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đã giúp cho nhiều tài liệu quý về Bưu trạm thời xưa.
Nhân bài thơ này mới có danh từ “Mai dịch” rồi từ đấy về sau, nơi trạm điểm nào người ta cũng trồng cây mai (prunus sinensis), khiến cho mai hoa trở thành một tên tốt đẹp trong lịch sử của ngành trạm dịch. Rồi gần đây ở bên nước ta cũng dùng hai chữ “Mai đình” để chỉ vào chức Chánh tổng, vì Chánh tổng ngày xưa cũng đứng đầu một trạm tiếp nhận mệnh lệnh để truyền đi các làng vậy.
(7) Phi nô: nô bộc biết bay, tức là chim bồ câu đưa thư, cách này thấy có từ thời nhà Đường (618 - 907) . Trương Cửu Linh người huyện Khúc Giang thi đỗ Tấn sĩ thời Đường Huyền Tông (713 - 741) ngày thường vẫn dùng chim Cáp đưa thư đi các nơi, rồi ông đặt tên cho nó là Phi nô (trích trong Đại Nam Nhất Thống Chí phần tỉnh Thừa Thiên, mục Cầm). Theo Từ Nguyên chú thích Chim Cáp đồng loại với chim Cưu và có hai giống Cáp đồng và Cáp nhà.
Loại này bay liệng rất mau, có sức ghi nhớ rất kỹ, dù đem thả ở nơi xa thẳm, nó cũng nhớ lối để bay về, cho nên các quân đinh ngày xưa vẫn dùng nó để truyền báo tin tức.
(8) Hỏa bài: phương pháp này xuất phát từ đời nhà Thanh (1644- 1911) lấy tấm bài bằng gỗ có khắc hai chữ “Hỏa tốc” nghĩa là cấp tốc như lửa do Binh bộ cấp phát cho các Đốc phủ Để lãnh ở các tỉnh, gặp khi có việc cần kíp sai người cầm đi; các trạm dọc đường nhận thấy phù hiệu thì phải lập tức chuyền tống đi các nơi và cấp lương thực cho binh phu ấy trở về.
Tại nước Việt ta, dưới thời nhà Lý, sử có chép: “Đời vua Lý Thái Tông (Mậu thìn 1028 - Giáp ngọ 1054), vua lại chia đường quan lộ ra từng cung đặt nhà trạm để chạy giấy công văn”.
Tới đời Hồ Quý Ly (1400 - 1407) lại mở đường cái quan (quan lộ), tức là quốc lộ số 1 ngày nay, để làm cho tiện lợi việc giao thông và bưu trạm.
Khi Lê Lợi khởi nghĩa (1418 - 1427); ông Trăn Nguyên Hãn, lúc còn đi bán dầu có nuôi đôi chim Bồ câu dạy nó thổi sáo và đưa thư đi các nơi. Đến khi ông vào Lam Sơn giúp Lê Thái Tổ ông cũng đem nó đi. Về sau lúc ông bị quân nhà Minh bao vây ở thành Võ Ninh, chặn hết mọi mặt không cho tin tức lọt ra ngoài, ông bèn viết một tờ biểu buộc vào chân chim bồ câu để nó bay về doanh trại Chủ soái cầu cứu; Lê Lợi liền sai viện binh cấp cứu, phá vỡ được vòng vây. Ngày nay Trần Nguyên Hãn được Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tôn làm tổ sư ngành Truyền tin, và hàng năm, có thiết lễ giỗ tổ.
Về sau đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), vua Gia Long sau khi hoàn thành cuộc nhất thống, đã tổ chửc ngành Bưu Chính có phần chu đáo hơn trước.
Theo bộ Khâm định Đại Nam Hội Điền Sự Lệ (quyển 252, 253), cơ quan Bưu Chính trong thời Gia Long gồm có các chức dịch sau đây:
I. Chức chế
2. Trí dịch
3. Dịch trình
4. Dịch điếm
5. Dịch trưởng
6. Dịch phu
7. Dịch thuyền
8. Dịch mã
Viên chức: Mỗi Ty có một viên Chủ sự hàm chánh lục phẩm”, một viên Ty vụ “hàm chánh thất”, hai viên cửu phẩm Thư lại, và 15 viên Vị nhập Bưu thư lại (chưa vào ngạch). Các viên chức kể trên đểu lấy ở trong Bộ Binh.
Phàm các trực tỉnh miền Nam miền Bẳc, cứ xa cách nhau từ 20 đến 34 dặm sẽ đặt một điếm trạm, trong điếm có một viên Dịch thừa và một viên Dịch mục, còn dịch phu từ 30 đến 100 tùy theo nhu cầu của mỗi điếm; và mỗi điếm được cấp bốn con ngựa trạm để phòng khi có việc cấp báo.
Phù hiệu vật kiện: Mỗi điếm, được cấp một tấm trạm bài (tấm biển) bằng gỗ, trên mặt có khắc tên điếm, hàng dưới biên ngày giờ khi nhận được dịch đồng tức ống trạm.
Phàm lúc phát giao ống trạm đều chiếu theo từng trạm lớn nhỏ để cấp nhiều ít, và có đính theo một tờ giấy trắng, một khẩu ấn nhỏ để tiện ghi nhận. Ống trạm thì sơn màu đỏ, nửa dưới khắc tên Bộ nào, Tỉnh nào. Còn số hiệu thứ mấy thi chữ viết màu vàng, riêng thứ Ống để ngựa chạy thì bọc vải vàng viết chữ sơn đen.
Cờ hiệu: Điếm trong kinh thành được cấp hai lá cờ vuông, thêu chữ kinh trạm, hai lá cờ đuôi nheo thêu bốn chữ “Mã thượng phi đệ”; sáu lươi đoản đao; còn trạm khác thì có 2 lá cờ chéo, cũng thêu 4 chữ “Mã thượng phi đệ”, có hai lá cờ thêu hai chữ “trì đệ”; 3 chiếc nhạc ngựa bằng, đồng ba dao găm, 10 cây giáo, 5 giáo nhọn.
Ngoài số được cấp phát, mỗi điếm còn phải trữ sẵn lông gà trống màu gấm kết thành rẻ quạt phòng khi cấp báo thì cắm bó lông gà lên đầu cán cờ treo cho phu trạm cỡi ngựa phi báo.
Điếm nào cũng phải hàng ngày đốc sức điếm phu trèo lên cao, trông ra tư phía, thấy có phù hiệu lông gà thì điểm trưởng lập tức sai đóng ngựa trực sẵn, khi ngựa trạm kia chạy thì phu trạm của điếm mình phải tiếp lấy ống trạm phi báo cho điếm sau. Người phu trạm chạy mau như thể từ Hà Nội vào Thuận Hóa mất 4 ngày rưỡi, và từ Gia Định ra Kinh cũng hết 9 ngày; nếu chạy đúng hạn sẽ được thưởng. Tỷ như chạy từ Thuận Hóa vào Quảng Nam mà chỉ mất có một ngày một giờ thì được thưởng một quan tiền, nghĩa là cứ theo độ số xa gần để thưởng chứ không phát lương tháng như binh sĩ. Bởi vì số lính trạm đểu mộ ở dân ngoại tịch, mỗi điếm có hàng trăm phu trở lên để kiêm cả việc vận tải, nên không có lương mà chỉ được miễn thuế thân và tạp dịch khác.
Những công văn thượng khẩn được chuyền đi theo lối “hỏa bài” Trong truyện Kiều, khi Từ Hải thành công, mang binh tướng, kiệu vàng về đón nàng Kiều, Tố Như Tiên sinh cũng có nhắc tới hỏa bài:
Giáp binh kéo đến quanh nhà
Đồng thanh cũng gửi: “Nào là phu nhân?
Hai bên mười vị tướng quân,
Đặt gươm, cởi giáp trước sân khấu đầu.
Cung nga, thể nữ theo sau,
Rằng  Vâng lệnh chỉ, rước chầu vu qui”
Sẵn sàng phượng liễn, loan nghi,
Hoa quan phấp phới, hà y rõ ràng
Dựng cờ, nổi trồng lên đàng
Trúc từ nối trước kiệu vàng kéo sau
Hỏa bài tiền lộ, ruổi mau,
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.
Hỏa bài trong truyện Kiều là một miếng gỗ rộng bằng hai bàn tay, hình chữ nhật đứng. Theo ký giả Cát Ván của nhật báo Dân Chúng:
Miếng gỗ này sơn trắng, xung quanh có nẹp đỏ, có cán cầm cũng sơn đỏ. Miếng gỗ sơn trắng được viết bằng chữ đen những lệnh truyền hoặc lệnh đòi. Trên miếng nẹp sơn đỏ có khắc mấy chữ “Mỗ Huyện Hỏa Bài”.
Lính cầm hỏa bài thường dắt hỏa bài trên cổ áo phóng ngựa đi giao hỏa bài. Có nơi, lính cầm hỏa bài còn phải đeo bên cổ ngựa một lồng ấp bằng than hồng, bỏ lông gà vào trong, khói bay mù mịt. Phóng ngựa đi đến đâu, gió thổi lộng, khói bay tung, lính trong thành trông thấy vội ra mở cửa, đón hỏa bài vào”.
Ngày xưa, lính chạy hỏa bài vừa rung nhạc ngựa, vừa hét cho những người đi đường phải dạt tránh cho ngựa chở lính mang hỏa bài đi. Tránh không nhanh, ngựa xéo chết ráng mà chịu”.
Bên nước ta, cách nay chừng 25 năm, tại miền Trung và miền Bắc vẫn còn dùng hỏa bài để đi đòi việc quan cấp bách” Các lý hương, hội tề tiếp lính mang hỏa bài phải cấp tốc giúp đỡ, dẫn đến nơi hay tận nhà kẻ bị đòi bằng hỏa bài”.
Nhận được hỏa bài người bị đòi không được trì hoãn một giây nào, lập tức phải lên đường ngay, sớm phút nào hay phút ấy”.
Riêng về “Hộp thơ dân ý”, chúng ta thấy dưới thời Chúa Nguyễn Ánh đã có sáng kiến đó. Sử Quổc Triều Chánh Biên Toát Yếu, do Bộ Học Nam Triều ấn hành năm 1925, có ghi như sau:
Năm Mậu Thân thứ 9 (1788), tháng 10. Làm thùng bỏ thư, Ngài nghĩ rằng: dân gian làm thư nặc danh, la chức tội lỗi cho người, bèn đặt một cái thùng bỏ thư ở dưới cửa khuyết, để cho ai có việc gì oan uổng, muốn kêu thì làm đơn bỏ vào thùng ấy. Dạ rằng: “pháp luật là phép chung trong thiên hạ, không phải riêng một người, không nên theo lời nói vô căn mà bắt tội người ta; từ rày về sau, không kể quấn hay là dân, hoặc có điều oan uổng và bị người ta hãm hại, thời cho viết tên, họ, quê quán vào đơn bỏ vô trong thùng, Triều đình sẽ xét việc gian hay là ngay, để thân oan khúc. Như còn thói quen cũ nói bậy cho người mắc lừa, phát giác ra thì trọng trị”.
(Nội thất Bưu điện trung tâm. Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 2, Công trường Công xã Paris, Quận 1. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng 1886–1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Hai bức bản đồ trên tường cao là hai bản đồ lịch sử mang tên: Saigon et ses environs, 1892 và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936).
II. Tổ chức bưu chánh thời cận kim
Vào độ nhị bán thế kỷ XIX, nước ta bị giao động bởi những cuộc xâm lăng và nổi loạn, làm cho ta mất hẳn chủ quyền, và bằng cớ rõ ràng nhất của sự độ hộ ngoại bang, là khi nhân dân ta trông thấy:
Ông Tây giăng giây thép họa địa đồ nước Nam!
Và cũng từ đó người ta đã lập dự án đặt một hệ thống bưu chính giống như bên Âu Châu.Tuy nhiên, nhà đương cuộc lúc bấy giờ cũng còn phải dò dẫm, thám hiểm khắp nơi, để xem địa hình địa thế, trước khi “giăng giây thép”.
Năm 1885, ông Paris, giám thị Bưu chính, được nhà cầm quyền Pháp cử đi thám hiểm quãng đường từ Huế vào Sài Gòn. Ông đã được xem tận mắt hệ thống bưu trạm của ta ngày xưa, và ông đã mô tả những trạm dịch của ta hồi đó như sau:
“Trạm là một cái nhà vuông mà du khách có thể nghỉ chân và tạm trú. Nhà lợp ngói, có hào và tường bao bọc, lại có chòi gác tứ phía”.
Sở trạm dịch gồm có những người phu để khuân vác những bưu kiện nặng để chạy bộ hoặc cỡi ngựa mang công thư, những người giữ ngựa, những quan sát viên (guetteurs), những thư ký và những trạm trưởng.
Thư ký trạm giữ một quyển sồ để ghi các luân phiên cho các phu trạm chạy thư. Khi cần đến viên thư ký đánh mõ bằng gỗ, để gọi những phu trạm tới, những người này phải bỏ mọi công việc để đi công văn cho kịp”.
Theo Dutreuil de Rhins viết trong quyển Le Royaume (L’Annam (Vương quốc An Nam), thì trạm dịch hồi đó như sau:
“Trạm phụ trách việc chuyên chở các quan viên di chuyển, vật dụng của họ quốc liệu (matériel d’Etat) và nhất là chuyền vận nhanh chóng những công hàm (plis officiels). Tư nhân không được dùng trạm. Công thư phải bỏ vào ống tre, niêm phong lại, gọi là ống công văn, rồi mới giao cho phu trạm hoặc lính trạm, chạy bộ từ trạm này qua trạm khác hoặc giao cho kỵ mã chạy, gọi là mã thượng.
Những lính trạm mang những ống công văn sau lưng, còn bên hông hoặc là trên vai, họ có đeo lạc lạc, để cho phía đàng xa nghe biết mà tránh hai bên đường. Họ cũng mang theo một cái đoản côn để hộ vệ và nhận dạng lúc đi đường. Phu trạm chạy lúp xúp, và họ có thể chạy như thế, từ Hà nội vào Huế (700 cây số) trong 8 ngày. Nên nhớ là đường xá ngày xưa rất thô sơ, gồ ghề, phải qua nhiều sông núi. Từ trạm này đến trạm kia, cách nhau chừng 15 hoặc 20 cây số”.
Theo Đại úy Rey (Le Voyage đu Capitaine Rey en 1819, Bulletin des Amis du Vieux Huế 1920, p.27), thì khi người ta nghe thấy ở xa xa có tiếng lực lạc reo và lá cờ phất của người lính trạm, tức thì các bộ hành, võng cáng, xe cộ đều phải tránh sang hai bên đường, những người lái đò phải sẵn sàng chèo chống để đưa người lính trạm sang sông, còn như nếu đò đã chèo ra nửa sông rồi thì cũng phải quay trở lại, để rước người lính trạm qua cho kịp.
Khi tới trạm, người lính giao ống công văn và một cây cờ ghi ngày giờ đi và đến, cho người cai trạm hoặc đội trạm rồi người này lại giao cho một lính trạm nhận lãnh và tức tốc mang chạy qua trạm khác.
mỗi trạm, đều có một quyển sổ có ghi danh tính những người phu trạm, và cứ theo đó luân phiên mà cắt việc. Nếu trễ nải trên 30 phút đồng hồ, thì bị phạt đòn roi mây. Ban đêm, phải có người cầm đuốc chạy theo, nhất là trong những vùng có cọp beo. Không ai được cản trở, phá phách người phu trạm trong lúc họ thừa hành công vụ. Nếu công văn hoặc người phu trạm bị hủy hoại, kẻ phạm tội sẽ bị xử tử. Kẻ đó bị xem như đã phạm đến an ninh quốc gia.
Theo ông Dumoutier viết trong bài “Le facteur annamite” đăng trong Revue Indochinoisè năm 1920, thì tương truyền người phu trạm khi gặp phải cọp họ chỉ có khấn vái: “Ông cọp, xin ông đi xa ra, tôi đang thừa hành công vụ”, tức thì ông cọp hiểu và lánh xa; nhưng trên đường về, khi người phu trạm không còn mang công văn nữa, thì ông cọp có thể rình bắt như chơi. Tuy nhiên, người phu trạm khôn lanh đã sớm biết mà rẽ đi theo đường khác.
Theo P. Pasquier viết trong L’Annam de autrefois thì việc dịch trạm ngày xưa có tính cách bất khả xâm phạm; cho nên gặp lúc quốc biến loạn lạc, những người phu trạm vẫn được sự bảo đảm của đôi bên, để họ làm tròn phận sự. Cho nên, sau khi “Ông Tây giăng giây thép họa địa đồ nước Nam”, Triều đình ta đã ghép tội phá hoại đường giây thép ngang với việc sát tử một người phu trạm (assimiler la destruction d'une lignế à 1'attaque d'un lính trạm).
Theo René Despierrẹs, thư ký Hội Địa Dư Hà Nội, việc tổ chức bưu chính theo lề lối Tây phương đã đươc thực hiện trước tiên tại Nam Việt. Sở Bưu điện Nam Việt được thiết lập ngày 11/4/1860.
Hai năm sau, đường giây thép đầu tiên đã được khánh thành ngày 27/3/1862, giữa Sài gòn và Biên Hòa. Đường dài 28 cây số, trong đó có hai đoạn giây ngâm dưới nước xuyên qua sông Sài Gòn và Đồng Nai. Bức điện tín đầu tiên đã được đánh đi từ Biên Hòa lúc 6h53 và nhận được tại Sài Gòn đúng 2 phút sau tức là hồi 6g55. Người nhận được điện tín là Thống Soái Bonard.
Đường giây thép này về sau được nối dài tới Bà Rịa và Vũng Tàu.
Đường giây thép thứ 2 đã được thực hiện giữa Sài gòn và Chợ Lớn ngày 17/4/1862.
Những người đã được giao phó việc thiết lập hệ thống bưu điện tại Nam Việt là Thiếu Tá Hải quân Dariès, Giám Đốc Dân sự (Directeur đes Affaires civiles), Ông Wattebled, Chánh Sở Bưu điện (Chef du Service Télégraphique) và ông Lemire, nhân viên chuyên môn Sở Bưu Điện (employé des Télégraphes).
Cơ sở Bưu điện đầu tiên đã được xây dựng tại công viên Đồng hồ (Place de L‘Horloge), ở góc hai con đường Catinat cũ (nay là Tự Do) và con đường Lagrandière (nay là Gia Long), tức là gần Bộ Nội Vụ bây giờ.
Từ năm 1870, Sở Bưu điện dọn về đường Lagrandièrc cũ và đặt tại Nha Nội Vụ (Direction de l‘Intérieur), tức là Bộ Kinh Tế ngày nay.
Sau khi đập phá Sở Bưu điện cũ ở công viên Đồng hồ, người ta dùng mớ gạch vụn để đắp một phần cái kinh lớn, từ vàm Bến Nghé chạy tới Tòa Đô sảnh để làm thành đại lộ Charner, tức là Nguyễn Huệ ngày nay.
Sở Bưu Điện Sài Gòn đã được chính thức khánh thành ngày 13/1/1863 do Đô Đốc Bonard chủ lễ, nhưng chỉ để dành cho công quyền sử dụng mà thôi. Còn dân chúng thì mãi tới 1/1/1864 mới được quyền sử dụng. Ông Chủ sự Bưu điện (Receveur) đầu tiên là ông Goùbeaux, phát xuất viên Ngân khố (Payeur du Trésor). Người phát thư hồi đó lãnh lương tháng 30 phật lăng (30 francs) và mỗi ngày đi hai xuất, buổi sáng từ 8 giờ, buổi chiều từ 4 giờ.
Công việc phát thư đã thực hiện từ 7/1862 trong tỉnh Biên Hòa. Trong năm 1863, người ta đã thấy hệ thống phát thư lan rộng các tỉnh và nhà Bưu chính đã được thiết lập tại Gia Định, Bà Rịa, Mỹ Tho, Gò Công, Tây Ninh, Thuận Kiều (Tongkeou) và Trảng Bàng. Ở mỗi trạm Bưu chính có đặt một đội trạm và 50 lính trạm có vũ khí như giáo mác (lances). Họ có quyền sử dụng ghe, thuyền và đò ngang để sang sông. Việc tu bổ các bưu ốc và chi phí ghe thuyền đều do làng sở tại đài thọ.
Những bưu hoa (timbres postes) đầu tiên đã được phát hành năm 1863. Tem hình vuông, có hình con diều hâu, biểu hiệu của vua Napoléon III (aigle impérial) và gồm có 4 giá (ofr1, ofro5, ofr10 và ofr40).
Bắt đầu từ năm 1864, dân chúng đựợc sử dạng bưu dịch (Service postal), giữa Sài Gòn, Biên Hòa, Cân Giuộc, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh và Gò Công. Hồi đó phải mất 21 giờ để đưa thư từ Sài Gòn về Mỹ Tho, và 16 giờ từ Sài Gòn về Gò Công.
Năm 1876, dân chúng được phép gửi Bưu kiện bảo đảm (objets recommandésì và bưu thiếp (cartes postales); cũng năm đó, hai nhà Bưu Chính được mở tại Hải Phòng và Qui Nhơn.
Năm 1877 người có thể gửi bưu phiếu sang Pháp, và ngược lại, nhưng không được quá 500 phật lăng (hồi đó một đồng bạc Đông Dương trị giá 5fr35).
Năm 1879, thiết lập ngân điện phiếu (mandat télégraphique), với số tiền tối đa là 100$ hồi đó. Trong toàn cõi Nam Bộ có 19 Bưu cục chuyên lo về việc này.
Năm 1881, Chính quyền mở kỳ thi tuyền lựa thư ký Bưu chính Đông Dương.
Từ 1/1/1882, các bưu hoa đều mang giá tiền bằng bạc Đông Dương, cứ một xu ăn ofr05.
Ngày 25/8/1883, tại Huế, Nam Triều ký hiệp ước với Pháp công nhận Bắc Việt từ nay đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp. Điều 9 của Hiệp ước này có trù liệu việc thiết lập một đường giây thép nối liền Sài Gòn với Hà Nội, xuyên qua Qui Nhơn, Tourane, Huế và Vinh. Con đường này dài 2.000 cây số, và tính ra mỗi cây số giây, trừ trụ điện ra, tốn 18$. Con đường này khởi công năm 1884, đã được hoàn thành ngày 22/3/1888.
Đồng thời, một thỏa ước đã được ký kết ngày 29/11/1883 với Công ty Eastern Extension Australasia And China Telegraph Company. Theo thỏa ước này, công ty có nhiệm vụ, trong thời hạn là hai tháng đặt dưới biển, dọc theo duyên hải, một giây cáp (cable) nối liền Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) với Đồ Sơn và ngang Huế thì có một đường nối vào cửa Thuận An. Giây cáp này đã được khánh thành ngày I7/2/1884. Tiền đánh điện mỗi chữ là 0$11 từ Hải Phòng tới Thuận An và 0$32 từ Hải Phòng tới Cap Saint Jacques.
Ngày 8/9/1884 đến lượt khánh thành đường điện tín từ Hải Phòng tới Hongkong.
Năm 1887, Sở Bưu Chính phát hành thứ thiếp thư (carte lettre). Một nghị định, do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 2/4/1888, đặt dưới quyền của một Tổng Giám đốc tất cả các Sở Bưu Chính của bốn xứ là Cochinchjne, Annam, Tonkin và Cambodge. Riêng về xứ Lào thì mãi tới năm 1891 mới có hệ thống Bưu Chính, nhưng còn đơn sơ lắm.
Năm 1892, Nha Bưu Chính phát hành một loạt tem “Thuộc Địa” (timbre coloniaux) giá ofr01, ofr04, ofr05, ofr10, ofr15, 0fr20, ofr25, ofr30, 0fr40, 0fr50, ofr75… Tem này vẽ hình một chiếc ghe đang xông pha nơi biển cả, trên ghe có hai người ngồi phía trước, tượng trưng cho Hàng Hải và Thương Mại, nâng cao một cái sừng phong phú (corne d'abon dance), và một lá cờ của nước Pháp.
Năm 1893, khởi sự đặt một đường điện tín đọc theo lưu vực sông Cửu Long.
Ngày 1/7/1894, Nha Bưu Chính khánh thành hệ thổng điện thoại (réseau téléphoniquc) tại Sài Gòn. Giá tiền chính phải trả là 30$ một năm, nếu là tư nhân 75$, nếu là cơ quan Chính Phủ giá phụ trội 20$ và 30$.
Năm 1895 thì Chợ Lớn mới có hệ thống điện thoại.
Thực ra đến năm 1900 mới thiết lập Tổng Nha Bưu Chính và Viễn Thông Đông Dương (Direction Générale des P.T.T de l’Indochine).
Năm 1920, có phát hành loại tem có đầu hình người phụ nữ miền Nam bán giá 0$04.
Ngày 17/1/1924, người ta khánh thành đài Vô tuyến điện Sài Gòn (Poste de emíssion de TSF de Saigon) liên lạc trực tiếp với nước Pháp.
Năm 1925, đặt thêm những Phòng Bưu Chính phủ (Recette auxiliai re) giao cho tư nhân phụ trách, ăn huê hồng. Cũng năm đó, tại Trường Thương Mại Hà nội (Ecole de Commerce de Hanoi) có mở lớp đào tạo những giám thâu phụ bản xứ (receveurs auxiliaires). Chương trinh học là 2 năm.
Năm 1926, tại Bắc Việt tổ chức lại hệ thống phát thư ở thôn quê (poste rurale). Từ nay, nhân viên sẽ gồm có những phu trạm lo việc đưa thư đến nhà, những lính trạm lo việc đưa điện tín (dépêche) từ Phòng Bưu Chính này qua Phòng khác, những tá dịch làm Trưởng Phòng Bưu chính thôn quê, và những đội trạm phụ tá viên Chủ sự Bưu điện của tỉnh lỵ, để chuyên lo về công vụ dịch trạm tại thôn quê.
Năm 1927 phát hành những loại tem Thiên Mụ Tự (gọi nhầm là Tour de Confucius), Người đi cày (Le laboureur), Vịnh Hạ Long (Baie Ha long), Chùa Đế Thiên Đế Thích (Temple de Ang kor), Người thợ chạm (Sculpteur sur bois), Chùa That Luông (Pagode That Luông à Vientiane), Sáng lập Đô thành Sài gòn (Fondation de Saigon). Ngoài ra có một loại tem khác cũng được phát hành, có vẽ hình Chùa Một Cột ở Hà nội và cửa vào Lăng ở Huế.
Đầu năm 1929 (tháng 2, 3), đã có liên lạc bằng máy bay giữa Sài gòn và Pháp quốc, mỗi thư gửi bằng máy bay từ Sài gòn tới Marseille phải trả thêm (surtaxe) 0$80 mỗi 10gr.
Tháng 5 năm 1929, đã có hệ thống hàng không trong nội địa Đông Dương; máy bay nối liền Sài gòn, Hà Nội xuyên qua Kratié, Savannakhet và Vinh. Tháng 6 năm ấy, hội Sociéte d' Etudes et d’Entreprises aériennes en Inđochine et en Extrême Orient bắt đầu chở thư đi Nha trang, Tourane Vinh và Hà Nội.
Năm 1932, nhiều loại bưu hoa mới được phát hành: chiếc ghe chài, Đế Thiên (le Bayon), Ruộng nương, Vũ nữ Miên (Apsara). Năm 1933 bưu hoa “chiếc phi cơ” đã xuất hiện.
Ngày 15/3/1936, khánh thành hệ thống điện thoại tự động (autocommutateur, téléphone automatique) tại Sàỉgòn Chợ Lớn; đồng thời đường xe lửa Xuyên Việt (Transindochinois) đã được khánh thành trọng thể.
Từ năm 1936, Nha Bưu Điện đã phát hành những loại tem sau đây:
1936: Chân dung vua Bảo Đại và vua Monivong.
1937: Triển lãm Quốc tế Ba Lê.
1938: Khánh thành đường xe lửa Xuyên Đông Dương.
1939: Chân dung hai nhà bác học Picrre và Marie Curie; Triển lãm New York và San Francisco; Kỷ niệm lần thứ 150 Cách mạng Pháp 1789.
Năm 1938, mở đường hàng không giữa Hà Nội và Côn Minh (Vân Nam Phủ), rồi sau nối dài tới Trùng Khánh, Hương Cảng. Trong nội địa thi đã có đường Sài gòn - Hà nội, xuyên Vientiane.
Năm 1939, chiến tranh thế giời bùng nổ. Hệ thống Bưu điện đã bị ngăn trở và thiệt hại không phải ít.
Từ khi nước ta thâu hồi chủ  quyền, giành lại độc lập, sau đệ nhị Thế chiến 1939 – 1945, các Chính phủ kế tiếp nhau, từ Quốc gia cho tới Cộng hòa, đã phát hành rất nhiều tem thư, đề cao cổ động danh lam thắng cảnh nước nhà, kỷ niệm những biến cố lịch sử quốc gia và quốc tế, phổ biến những thành quả trọng đại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét