Hiện tượng văn - sử - triết bất phân trong văn học Việt Nam thời trung
đại
Là một hiện tượng mang tính đặc trưng, cũng có thể nói là một quy luật đặc
thù của văn học thời trung đại, không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở thế giới nói
chung. Nó đã là một phương diện để phân biệt văn học trung đại với văn học hiện
đại, và nếu tôi không lầm thì chính từ hiện tượng này, quy luật này, mà trong
lý luận văn chương của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã đưa ra các khái
niệm định tính cho văn học trung đại như văn học hành chức, văn học chức năng,
văn học cận văn học, văn học phi văn học... Những khái niệm này với tôi, xin
thú thật, biết vậy nhưng không dám dùng vì dễ gây hiểu lầm cho người khác trong
việc nhận thức về văn học trung đại. Hiện tượng văn sử triết bất phân là hiện
tượng đặc trưng và phổ biến của văn học trung đại mang tính chất thế giới như
thế, cho nên đã được nhiều người bàn đến. Năm 1958, trên tạp chí Văn Sử
Triết
(Sơn Đông - Trung Quốc) đã có một số bài viết về vấn đề văn - sử - triết
bất phân trong văn học trung đại của Trung Hoa. Ở Việt Nam, từ đầu những năm 60
của thế kỷ XX vừa qua, một số người trong đó có tôi cũng nói đến hiện tượng
này. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới nói sơ qua trong vài ba dòng. Do đó, nhân dịp
này tôi muốn nói rõ hơn, đầy đủ hơn để mong góp phần vào việc nhận diện văn học
trung đại đúng với đặc trưng của nó.
Hiện tượng văn - sử bất phân, văn - triết bất phân, văn - sử - triết bất
phân trong văn học trung đại trước hết là đặc trưng của văn hoá trung đại nói
chung một khi mà khối lượng tri thức của xã hội chưa phong phú tới độ đòi hỏi
phải có sự phân ngành rạch ròi như về sau ở thời hiện đại. Ở Việt Nam, trong
thời trung đại, nho sĩ là người trí
thức mang tính chất hỗn hợp. Nho sĩ kiêm cả nho y lý số. Lê Hữu Trác, Nguyễn
Đình Chiểu... ở thời trung đại vừa là bậc danh y, vừa là bậc văn nhân có tầm cỡ
lớn so với một bác sĩ nào đó có tài thơ tài văn thời nay, bề ngoài là một, ở
phương diện cá nhân là một, nhưng xét về phương diện quy luật văn hoá của thời
đại thì khác nhau cơ bản. Bởi hiện tượng trên là mang tính phổ quát. Còn hiện
tượng sau chỉ mang tính cá nhân.
Hiện tượng văn - sử - triết bất phân, đặc biệt là văn - triết bất phân vốn
là sản phẩm của một trình độ tư duy nghệ thuật mà trong đó sự phân hoá giữa hai
hình thái tư duy: luận lý (cũng gọi là khái niệm, lôgic) và hình tượng chưa
được tách biệt như về sau trong thời hiện đại. Nói đến hiện tượng văn - sử -
triết bất phân ở thời trung đại chính là nói đến hiện tượng đan xen giữa hai
hình thái tư duy luận lý và hình tượng; chính là nói đến trạng thái trong sáng
tác văn chương, tư duy hình tượng chưa lấn át được hoàn toàn tư duy luận lý như
ở thời hiện đại về sau. Với văn học trung đại, nội dung các ý tưởng, các khái
niệm mang tính chất triết học, nói chung vẫn tồn tại trong các tác phẩm một
cách trực hiện bằng tư duy luận lý, trong khi với văn học hiện đại, chúng đã
tồn tại theo kiểu gián tiếp, tan biến vào trong hình tượng.
Hiện tượng văn - sử - triết bất phân có liên quan mật thiết với quan niệm
văn chương thời trung đại trong đó khái niệm văn vừa có nghĩa hẹp vừa có nghĩa
rộng, nhưng nói chung là rộng. Hẹp là trong trường hợp văn được đặt vào
quan hệ đối xứng với chất để chỉ vào hình thức trong khi chất là thuộc
nội dung: Văn chất bân bân (hình thức và nội dung đều hoàn mỹ). Rộng là trong
trường hợp văn gần như đồng nhất với văn hoá, văn hiến, với học thuật nói
chung. Chữ văn trong luận đề “Tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa rộng như thế.
Ở thời trung đại, một khi quan niệm văn chương còn được mở rộng như thế thì có
hiện tượng văn - sử - triết bất phân là
chuyện dễ hiểu. Khác với thời hiện đại sau này, dù trong nội hàm của khái niệm
văn (littérature) vẫn có nghĩa rộng do đó vẫn có thể bao gồm cả sử, địa, triết./.
Nguồn:
Collection from internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét