VỀ NGÔN NGỮ BÁO PHÁT THANH
|
PGS.
TS Hoàng Anh
|
I. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ PHÁT THANH
Ngôn ngữ báo phát thanh, lẽ đương nhiên, mang trong
mình tất cả các tính chất của ngôn ngữ báo chí nói chung. Song, bên cạnh đó, nó
còn có một số nét riêng biệt sau đây:
1. Ngôn ngữ
phát thanh là ngôn ngữ nói (ngôn ngữ âm thanh)
Đây là một phẩm chất vô cùng quý giá, vì ngôn ngữ
nói hướng tới thính giác - một hệ thống tri giác hoàn hảo nhất của con người.
Theo các chuyên gia thì dung lượng thông tin mà con người chuyển tải hay tiếp
nhận được nhờ thính giác và ngôn ngữ nói lớn gấp ba lần so với lượng thông tin
mà anh ta chuyển tải hay tiếp nhận bằng con đường thị giác - đọc hoặc viết.
Nguyên do là bởi ngôn ngữ nói, ngoài thông tin nằm trong ý nghĩa của ngôn từ,
còn mang trong mình một thông tin bổ trợ đáng kể khác được thể hiện qua chất
giọng, qua ngữ điệu, qua âm lượng. Nói là “bổ trợ” nhưng thực ra thông tin này
có vai trò quan trọng không kém thông tin chính. Và trong không ít trường hợp,
chính nó là nhân tố quyết định mức độ hiệu quả của việc tiếp nhận thông tin.
Một bài viết trung bình nhưng do một người có chất giọng tốt và biết sử dụng
ngữ điệu hợp lý, linh hoạt truyền đạt sẽ có sức tác động lớn hơn nhiều so với
một bài viết hay nhưng do một người có chất giọng tồi và thường xuyên xử lý sai
ngữ điệu trình bày. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu ngôn ngữ phát thanh
nổi tiếng người Mỹ W. Hofman đã nhận định: "Nội dung của từ ngữ làm người
ta xúc động tới mức nào, thì âm thanh của tiếng nói cũng có thể làm người ta
rung cảm tới chừng ấy”[1].
2. Ngôn ngữ
phát thanh thiên về hình thức độc thoại tuy có sử dụng nhiều phương tiện của
đối thoại
Có lẽ trước hết chúng ta nên tìm hiểu về hai khái
niệm “độc thoại” và “đối thoại”.
"Độc thoại” là sản phẩm ngôn ngữ của một cá
nhân trong hoàn cảnh giao tiếp chỉ có anh ta là người nói. Theo nhà ngôn ngữ
học L. V.Serba ( Nga ) “đây là hệt hống có tổ chức cao của các ý tưởng được
biểu đạt qua ngôn từ, nhằm tác động có chủ đích tới những người xung quanh”[2].
Còn “đối thoại” là một chuỗi những lời hồi đáp với
tư cách là những phản ứng qua lại giữa ít nhất hai cá thể nào đó. Nhưng ở đây cần
bổ sung ngay rằng những lời hồi đáp có dung lượng quá lớn (gồm nhiều câu và thể
hiện trọn vẹn một chủ đề nào đó) cũng được xem là độc thoại. Điều này có nghĩa
là độc thoại có thể tồn tại ngay trong đối thoại. Với cách hiểu như trên của
ngôn ngữ học về "độc thoại" và "đối thoại", chúng ta thấy
ngôn ngữ phát thanh có khuynh hướng độc thoại rất rõ nét. Phần lớn các thể loại của báo
phát thanh như bình luận phóng sự, phản ánh, câu chuyện phóng viên, điểm tin,
tiểu phẩm,… đều mang tính chất độc thoại. Rồi ngay cả một số ít thể
loại vốn được coi là thuộc kiểu đối thoại như phỏng vấn, đàm thoại bàn tròn
thực ra cũng không thuần chất chỉ là đối thoại. Bởi vì trong chúng có không ít những
lời hồi đáp mang tính chất độc thoại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ
nhận là độc thoại trên báo phát thanh ngày càng dùng nhiều hơn các phương tiện
của đối thoại.. Chẳng hạn, trước khi bắt đầu độc thoại về một vấn đề, sự kiện
hay hiện tượng nào đó, người ta có thể xây dựng một tình huống đối thoại giữa
hai người nhằm tạo sự sinh động để thu hút sự chú ý. Rồi trong quá trình độc
thoại, người ta thường xuyên sử dụng các từ ngữ, cách diễn đạt,... đặc trưng
cho ngôn ngữ đối thoại để người nghe thấy gần gũi, có cảm giác là nhà báo đang
trò chuyện trực tiếp với mình, và do vậy, hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao
hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện của đối thoại chỉ là thủ pháp tăng cường
giá trị biểu cảm cho ngôn từ chứ không thể làm thay đổi bản chất của độc thoại,
khiến nó trở thành đối thoại.
3. Ngôn ngữ
phát thanh luôn mang dấu ấn cá nhân rõ nét của người nói hay người đọc
Mức độ của nó tuỳ thuộc vào từng thể loại, từng tình
huống giao tiếp cụ thể. Khi người truyền tin là phát thanh viên, dấu ấn cá nhân
có vẻ như bị hạn chế tới mức thấp nhất, song người ta vẫn nhận thấy thái độ cảm
xúc của anh ta đối với bài viết thông qua giọng điệu. Còn nếu như người
truyền tin là tác giả bài viết (phóng viên, biên tập viên) thì dấu ấn cá nhân
rõ nét hơn nhiều. Khảo cứu cho thấy, lời nói của những người chưa từng
qua các khoá đào tạo đặc biệt về đọc, nói, luyện giọng (tức là họ không phải là
phát thanh viên hay nhà hùng biện chuyên nghiệp) thường là công cụ biểu đạt hết
sức tinh tế trạng thái tâm lý đích thực cũng như nhiều đặc điểm của người phát
ngôn. Có lẽ đây là lý do khiến cho nhiều đài phát thanh trên thế giới thường
xuyên yêu cầu các chủ thể sáng tạo trình bày ngay chính tác phẩm của họ trước
micrô. Bởi điều này tạo điều kiện cho thính giả giải toả được nhu cầu: khám phá
một cá thể mới với những nét riêng tư trong đời sống nội tâm của anh ta.
Đây là một nhu cầu hết sức tự nhiên và nhân bản, nó luôn mang tính cấp thiết
trong bất cứ thời đại nào, đúng như Hecxen viết: “Con người luôn muốn xâm nhập
vào cá thể khác, muốn chạm tới từng thớ mạch li ti của trái tim người khác để
lắng nghe nhịp đập của nó. Anh ta so sánh, kiểm chứng, tìm kiếm sự khẳng định,
sự đồng cảm, sự biện hộ"[3].
4. Ngôn ngữ
phát thanh không có khả năng được minh hoạ bằng hình ảnh.
Đây là mặt khác biệt, đồng thời cũng là mặt hạn chế
của nó so với truyền hình và báo in. Tuy nhiên, ngôn ngữ phát thanh đã tìm thấy sự minh
hoạ cho mình ở các nguồn khác cũng nằm trong chính thế giới của âm thanh. Đó là
các băng ghi âm tư liệu, là tiếng động, là âm nhạc, và đặc biệt là các đặc tính
vật chất và hình tượng của ngôn từ cất thành tiếng. Có thể nói, nhà báo phát
thanh phải vẽ nên hình ảnh bằng âm thanh. Thực tế cho thấy là các tác phẩm báo phát
thanh hay, có sức tác động lớn bao giờ cũng có ngôn ngữ hết sức sống động, giàu
hình ảnh, có tính trực quan cao, chắp cánh cho sự tưởng tượng của người nghe,
khiến cho họ có cảm giác đang được chứng kiến sự việc xảy ra ngay trước mặt
mình; bên cạnh đó, nó còn phải được trình bày bởi một chất giọng tốt,
lên bổng xuống trầm, tăng giảm tốc độ âm thanh một cách hợp lý. Hiện nay, đang
có nhiều ý kiến cho rằng hạn chế về phương diện hình ảnh của báo phát thanh rất
có thể lại trở thành ưu thế của nó, vấn đề là sử dụng ngôn ngữ âm thanh như thế
nào. Quả vậy, nếu biết sử dụng ngôn từ khéo léo và linh hoạt, nhà báo phát
thanh có khă năng kích thích tư duy sáng tạo của người nghe, làm cho họ luôn
đóng vai trò tích cực trong việc tiếp nhận thông tin. Trong khi đó thì ở truyền
hình, do được cung cấp quá đầy đủ thông tin ở cả hai bình diện hình ảnh lẫn ngôn
từ, khán giả ít phải tư duy hơn nên dần dần trở nên thụ động mỗi khi tham gia vào
kênh giao tiếp này.
5. Ngôn ngữ
phát thanh, cũng như ngôn ngữ truyền hình, có tính hình tuyến
Các tín hiệu của ngôn ngữ phát thanh xuất hiện lần
lượt, cái này tiếp theo sau cái kia, tạo thành dòng chảy liên tục, theo bề rộng
một chiều của thời gian. Và người nghe phải tiếp nhận chúng một cách tức thời
cho nên họ không có khả năng quay lại với điều chưa hiểu hoặc đầu tư thời gian
để nghiền ngẫm thấu đáo điều đã lĩnh hội được. Chính vì thế, bất cứ sai sót nào
(hay chỉ đơn giản là sự chưa quen tai) của ngôn ngữ phát thanh cũng khiến cho
thính giả phải dừng lại để suy nghĩ, tìm hiểu và có nghĩa là không còn tập
trung tư tưởng để nghe các thông tin kế tiếpnữa. Kết quả là cái thì được hiểu
mơ hồ, cái thì bị bỏ qua. Và như vậy thì tính hiệu quả của chương trình bị giảm
sút đáng kể. Xuất phát từ đây, yêu cầu đặt ra đối vớingôn ngữ phát thanh là:
Chính xác, đơn nghĩa, rõ ràng, dễ hiểu. Nói đến tính hình tuyến của tín hiệu
ngôn ngữ, không thể không nói đến quan hệ ngữ đoạn như là hệ quả của nó. Theo
quan hệ này, các đơn vị ngôn ngữ khi đứng cạnh nhau sẽ quy định lẫn nhau và cho
ta những kết hợp gọi là ngữ đoạn. Trong ngôn ngữ phát thanh, biểu hiện nổi bật
nhất của quan hệ ngữ đoạn là việc ngắt đoạn khi nói, khi đọc. Do đó,
đây là điều cần được các nhà báo phát thanh đặc biệt quan tâm. Cùng một sản
phẩm ngôn từ, nếu được ngắt đoạn ở những chỗ khác nhau, sẽ biểu đạt các ý nghĩa
khác nhau. Còn nếu ngắt đoạn sai thì tính chỉnh thể về mặt kết cấu của sản phẩm
ngôn từ đó bị phá vỡ, hậu quả là người nghe khó hiểu được đúng nội dung của nó.
II. MỘT SỐ GỢI Ý SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG PHÁT THANH
1. Nên hạn chế
sử dụng từ ngữ địa phương
Những từ ngữ này, ở mức độ nào đó, có khả năng tăng
cường tính biểu cảm của ngôn ngữ phát thanh. Thế nhưng, về phạm vi hành chức,
chúng chỉ gắn liền với một địa phương nhất định nào đó nên có thể gây khó khăn
cho các thính giả là người sống ở các khu vực khác.
2. Tránh lạm
dụng việc vay mượn từ ngữ từ tiếng nước ngoài
Nếu nhất thiết phải vay mượn thì chỉ nên chọn những
từ ngữ có tính phổ cập rộng rãi, và cố gắng phát âm chuẩn xác theo chuẩn mực đã
được thừa nhận. Vì không ít trường hợp cho thấy, những từ ngữ được vay mượn từ
tiếng nước ngoài, nếu không thông dụng hoặc được phát âm không đúng, thường trở
thành những “hạt sạn” cản trở người nghe tiếp nhận thông tin.
3. Đối với các
thuật ngữ chuyên ngành ít gặp hay mới mẻ, nên diễn đạt bằng cách khác sao cho
quảng đại quần chúng dễ hiểu
Đừng bao giờ
bắt chước cách nói, cách dùng từ của các nhà chuyên môn mà chỉ có người trong
giới mới hiểu được.
4. Tránh đưa
ra quá nhiều con số trong một văn bản phát thanh
Việc đưa ra
các con số nên có liều lượng vừa phải, nếu không người nghe sẽ thấy choáng
ngợp, căng thẳng, không còn đủ sự tỉnh táo cũng như hứng thú để nghe và lĩnh hội
các thông tin khác; bên cạnh đó, các con số cũng cần được làm tròn cho dễ nhớ.
5. Cố gắng đọc
hoặc nói trước micrô thật diễn cảm (tất nhiên là ở mức độ mà khả năng cho phép)
Qua giọng điệu phải thật sự “thả hồn” của mình vào
nội dung tác phẩm thì nó mới có sức tác động lớn đối với người nghe. Còn kiểu
nói hay đọc với âm điệu đều đều, đơn điệu, tẻ nhạt dễ gây cảm giác là chính
người chuyển tải thông tin cũng "vô cảm” trước những gì mình đang trình
bày. Và điều đó dễ dàng giết chết mọi cảm xúc cũng như sự quan tâm của người
nghe.
6. Cần tránh
những câu văn có thể tạo nên nhiều cách hiểu
Vì sự "mơ hồ” về nghĩa như vậy của chúng dễ làm
cho người nghe bị phân tán tư tưởng hoặc hiểu sai, hiểu lệch chủ ý của tác giả.
7. Cần hết sức
kiệm lời
Trong báo phát thanh, người nghe, do phải lĩnh hội
thông tin một cách tức thời, chỉ có thể tập trung sự chú ý của mình trong một
khoảng thời gian ngắn. Vì lẽ đó, trong số các cách diễn đạt có thể với cùng một
nội dung, nên chọn cách diễn đạt ngắn gọn nhất mà vẫn chuyển tải được đầy đủ
lượng thông tin cần thiết.
8. Nên chú ý
khai thác các biện pháp tu từ ngữ âm để ngôn ngữ phát thanh sinh động, hấp dẫn
và có ý nghĩa sâu sắc hơn
Nhà báo phát thanh có thể vận dụng những biện pháp
cơ bản dưới đây:
a. Biện pháp
hoà phối thanh điệu: Là biện pháp lựa chọn và kết hợp các yếu tố âm thanh sao cho hài hoà
để các câu văn trở nên dễ nghe, dễ đọc hơn. Trong văn xuôi, để tạo sự hài hoà
về thanh điệu, người ta thường sử dụng sự luân phiên thanh điệu thuộc hai nhóm
bằng (gồm thanh huyền và thanh ngang) và trắc (gồm thanh hỏi, thanh ngã, thanh
sắc và thanh nặng) ở âm tiết của các câu hợp thành phần câu.
Biện pháp hoà phối thanh điệu có tính phổ cập hết
sức rộng rãi. Hầu hết các biện pháp tu từ ngữ âm khác, khi được vận dụng, đều
phải ở mức độ này hay mức độ khác, kết hợp với nó.
b. Biện pháp
lặp số lượng âm tiết: Là biện pháp sử dụng các câu văn có số lượng âm tiết như nhau ở cạnh
nhau để tạo nên âm hưởng của thơ ca.
d. Biện pháp
tạo nhịp điệu:
Là biện pháp dùng những hình thức cân đối, nhịpnhàng của lời văn nhằm tạo nên
một âm hưởng lôi cuốn, dễ đi vào lòng người. Dưới đây là một số trường hợp diển
hình về nhịp điệu: - Dùng những từ phản nghĩa đối nhau.
Vận dụng sự cân đối, nhịp nhàng, khúc chiết của các
bộ phận trong một câu ghép (thường được gọi là trường cú). Trong câu văn, về
mặt tiết tấu, ngữ điệu có sự chia tách rõ rệt giữa hai bộ phận: Giọng nói được
nâng cao dần ở bộ phận thứ nhất của câu, tạo ra một sự căng thẳng chờ đợi. Sau
khi đã lên cao đến đỉnh điểm thì đánh dấu bằng một nhịp ngừng ngắt, tiếp theo
đó hạ thấp rõ rệt ở bộ phận thứ hai, làm dịu đi sự căng thẳng chờ đợi.
f. Biện pháp
tạo âm hưởng chung: Là biện pháp phối hợp âm thanh, nhịp điệu của câu văn không phải chỉ
cốt tạo ra một sự cân đối nhịp nhàng, êm ái, du dương, mà cao hơn thế, phải tạo
ra được một âm hưởng hoà quyện với nội dung hình tượng của cả đoạn văn, thậm
chí toàn văn bản.
Thực tế cho thấy, các biện pháp tu từ ngữ âm nói
trên hầu như không bao giờ xuất hiện đơn lẻ: Mỗi biện pháp thường chỉ xuất hiện
đồng thời với các biện pháp khác. Chính vì vậy, chúng thường mang sức mạnh được
cộng hưởng làm cho câu văn vừa trở nên gợi cảm về mặt âm thanh, vừa được bổ
sung thêm những khía cạnh nhất định về mặt ý nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét