Cảo thơm lần giở, đọc báo xưa nghe các bậc tiền bối bàn về thú đọc sách hay đốt sách... thấy hay hay, xin post lại lên đây để các bạn đọc chơi.
TRỌC PHÚ THẬT CHỨ CÒN OAN GÌ?
Tuần báo Đông Dương số 90, trong bài Người An Nam với sách, ông
Phan Khôi có phàn nàn rất thiết tha về thói “rẻ sách” của người mình. Thậm chí
có nhà đời cha hiếu học sắm sách rất nhiều, rồi đến đời con họ chỉ chơi cây
cảnh, hòn non, cá vàng chim khướu, chứ không thích sách. Bao nhiêu sách vở gia
bảo, họ đem bán đắt bán hủi cho khỏi bận mắt, hoặc để mối xông mọt đục, rồi đem
đốt đi cho khỏi hại vệ sinh.
Muốn chứng thực câu nói ấy ông Phan Khôi có nhắc đến mấy đại gia, như nhà
cụ Phạm Phú Thứ, nhà cụ Nguyễn Thuật, nhà ông Tống Phước Trạch, nhà ông Lương Văn Tấn và nhà cụ Nguyễn Trọng
Hợp. Những nhà ấy trước kia cha ông mua sắm kể hàng nghìn cuốn sách trở lên,
chỉ vì mấy cớ nói trên mà đến bây giờ một cuốn cũng không còn.
Thói giẻ rách ấy đã làm cho nước An Nam ngày nay về mặt sách vở hầu như
một nước vô sản, nhà tư không có thư viện đã đành, cho đến các hội văn học cũng
chỉ có chừng vài ba tủ sách là nhiều.
Lấy một chỗ đó đo làm thước người ta có thể đo biết trình độ văn hoá của
mình còn thấp, dù rằng mình vẫn tự khoe là nước bốn nghìn năm văn hiến.
Rồi ông Phan Khôi bàn rằng: Bây giờ phải gây ra một cái “mốt chơi sách”.
Nghĩa làm thế nào cho trong xứ mình có cái tập quán, phong khí ham chuộng sách
vở. Nhà nào có tiền cứ việc
sắm sách thât nhiều rồi đóng bìa da, mạ chữ vàng cho đẹp, cất vào tủ nọ tủ kia
để làm của diện với thiên hạ, chứ không cốt để xem. Trong xã hội phải coi sự
nhiều sách đẹp cũng như có
ô tô tốt, nhà lầu sang, hễ không thế sẽ bị kể vào hạng trọc phú.
Nghe mấy câu này chắc có nhiều người lấy làm bất bình. Nhất là những ông
giàu có hàng nghìn hàng vạn, nhưng vẫn coi sách như quân thù.
Theo ý các ông ấy, thì khi đã có ô tô, nhà lầu, cơm no, bò cưỡi, thế là đủ sang trọng ở đời, cần gì phải có sách vở? Ây
cũng vì thế mà khi thừa tiền, nếu không bỏ vào két sắt khoá lại thì họ đưa đi
mua những đĩa cổ để đóng đinh mà treo lên tường, chứ họ không thèm mua sách.
Một cái đĩa vỡ họ có thể trả hàng trăm đồng, nhưng một cuốn sách đầy hơn trăm
trang, giá bán độ bẩy tám hào, thì họ lè lưỡi chê đắt.
Bởi thế mà trong nhà họ chỉ thấy lùng củng những lọ, những choé, những
đỉnh, những đôn, chứ một cuốn sách không có, hay có chăng nữa, cũng chỉ vài cuốn
tiểu thuyết kiếm hiệp của vợ con họ xem
cho đỡ buồn.
Tôi đã từng vào nhiều nhà, vì có cuộc phải ngủ đêm, ông chủ nói chuyện đã
không vừa lỗ tai mình, muốn tìm cuốn sách để coi cho qua thì giờ, đành phải nằm
xem quyển lịch Ngọc Hạp.
Tội nghiệp bao giờ trời mới khai quang điểm nhỡn cho những ông ấy để họ
biết sách là quý?
Những hạng người ấy nếu bị gọi là trọc phú, thì họ đau lắm. Bởi vì trọc
phú tức là ngu phu tục tử (đần độn thô thiển) chứ gì. Những cái con người có tiền mà không có sách thì thật là hạng
ngu phu tục tử chính hiệu, nếu không gọi là trọc phú thì cũng không có tiếng gì
khác.
Theo Đông Pháp, số 5042, năm 1942
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét