Tản mạn về “chuẩn mực
chính tả thống nhất”
(Theo SGTT) Nhân hội thảo
quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các
phương tiện truyền thông đại chúng” do hai trường đại học tại TP.HCM vừa phối
hợp tổ chức, xin tản mạn đôi dòng để thấy sự phức tạp trong công việc cần thiết
nhưng cũng đầy khó khăn này.
Không có quy tắc chính tả
nào đúng tuyệt đối
Những quy tắc cho một chuẩn
lý tưởng, ở mức độ thứ nhất là những quy tắc tuyệt đối đúng. Ở mức độ thứ hai,
những quy tắc được mọi người chấp nhận cũng là chuẩn lý tưởng.
Những quy tắc cho một chuẩn
thực tế là những quy tắc đúng cho hầu hết các trường hợp, trừ một số ít ngoại
lệ, và được rất nhiều người chấp nhận.
Chuẩn thực tế là chuẩn chấp
nhận những biến thể.
Một từ thuần Việt, một tên
riêng, một từ vay mượn đều có thể có những biến thể được coi là chuẩn. Cái sai
quen dùng thì được coi là chuẩn trên thực tế.
Quy tắc chính tả do con
người đặt ra. Ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, không có cách viết nào là cố định,
bất di bất dịch. Bởi vậy, dù có những nguyên tắc chính tả tuân theo một hệ
thống khoa học chặt chẽ nào chăng nữa thì với thời gian sẽ luôn luôn tồn tại
những hiện tượng ngoại lệ không theo lôgích nào cả.
Vậy thì liệu có một hệ thống
chính tả tuyệt đối đúng làm chuẩn mực được không?
Có nhiều quy luật chi phối
chữ viết. Đôi khi, theo luật này lại mâu thuẫn với luật kia. Thế là sinh ra
những ngoại lệ.
Quy tắc bỏ dấu thanh điệu
xưa nay căn cứ vào ngữ âm: dấu thanh bỏ ở âm chính của vần. Gặp vần có nguyên
âm đôi, không có chữ nào mang âm chính nên lại thêm quy tắc cảm tính “dấu thanh
điệu bỏ ở vị trí “cân xứng”, “hài hoà”. Thực ra, đây là luật thẩm mỹ – một quy
tắc bất thành văn – trong nhận thức về chữ viết của người Việt: “hình chữ phải
đẹp”.
Có những trường hợp, tôn trọng
quy tắc này lại vi phạm quy tắc kia. Bỏ dấu theo quy tắc ngữ âm, chúng ta viết
hoà bình, loá mắt, trắng xoá, sức khoẻ, huỷ hoại, cổ suý, Thuý Kiều… Ấy vậy
nhưng trong thâm tâm, nhiều người thích “hình chữ phải đẹp” nên vẫn viết hòa
bình, lóa mắt, trắng xóa, sức khỏe, hủy hoại, cổ súy, Thúy Kiều… Vậy là trong
những trường hợp trên, không thể có một chuẩn duy nhất, chúng ta chấp nhận có
hai biến thể thực tế đều được coi là chuẩn.
Viết i hay y cũng liên quan
tới luật thẩm mỹ. Theo quy định của bộ Giáo dục, phải viết kì lạ, lí luận, vật
lí, mĩ vị, Nam Kì. Quy định này trái với cách viết trên báo chí thời xưa: Trong
Gia Định báo năm 1881, 1882 hay trong Nông Cổ Mín Đàm năm 1902, chúng ta gặp:
ký tên, thơ ký, trong kỳ 15 ngày, xem kỹ, Nam-Kỳ, kỳ nhứt, anh lấy làm kỳ, Lý
văn Ngọc, chánh lý, chưởng lý, mạng lý, có lý lắm, làng Bình-hy…
“Hình chữ phải đẹp” trong
thâm tâm người Việt là cần cân đối về độ cao giữa các con chữ trong một từ. Đại
để là trong một từ, nếu con chữ một phụ âm đứng cạnh i nhô cao lên thì ta viết
y nhằm tạo hài hoà trên dưới. Nhiều người thường “phá rào” ở quy định này. Viết
lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần
dưới chữ hơi bị hẫng. Và người ta viết quản lý, lý luận, lý lịch, vật lý, kỹ
thuật, Hoa Kỳ... Những con chữ phụ âm nào cùng độ cao đứng trước i thì có
khuynh hướng dùng i: si mê, mị dân, chim ri, rên rỉ, xanh rì, vi phạm, vì sao, vị
trí…
Điều thú vị là viết nước Mỹ
vẫn theo đúng luật thẩm mỹ: chữ M (viết hoa) nhô cao hơn chữ i nên không viết
nước Mĩ.
Viết tên riêng nước ngoài
thế nào?
Mỗi quốc gia ghi tên riêng
theo hệ chữ viết của mình. Một tên riêng có nhiều biến thể, những biến thể lịch
sử và những biến thể do quy luật tiết kiệm nội tại của ngôn ngữ. Nghĩa là không
có một tên riêng duy nhất chuẩn.
Tên riêng nước ngoài nhập
vào tiếng Việt trước hết qua tiếng Trung Quốc và được viết có dấu nối:
Anh-Cát-Lợi, Ba-Lê, Luân-Đôn, Hoa-Thịnh-Đốn… Sau đó những dấu nối được bỏ đi.
Chịu ảnh hưởng của tiếng
Pháp, tiếp đến là tiếng Anh, nhiều tên được chuyển lại theo cách đọc Pháp, rồi
cách đọc Anh hoặc trở lại nguyên gốc: Pari, Oa sinh tơn. Nhưng vẫn gọi Luân Đôn
vì âm khá gần với âm gốc London.
Do nguyên lý tiết kiệm trong
ngôn ngữ, nhiều tên riêng tự động được rút gọn thành những tên một âm tiết nghe
rất Việt Nam:
Anh, Úc, Ý, Áo, Mỹ… Báo chí thường viết “HLV người Bồ Calisto” chứ ít viết “HLV
người Bồ Đào Nha Calisto”.
Phiên âm hay giữ nguyên dạng?
Mỗi quốc gia ghi tên riêng
theo hệ chữ viết của mình. Một tên riêng có nhiều biến thể, những biến thể lịch
sử và những biến thể do quy luật tiết kiệm nội tại của ngôn ngữ. Nghĩa là không
có một tên riêng duy nhất chuẩn.
Theo quan điểm phiên âm, sẽ
gặp nhiều trở ngại. Có những từ nước ngoài phiên âm thế nào cũng dẫn tới cách
đọc không đúng như từ gốc. Trong “hiệp định Genève”, nên phiên âm từ Genève thế
nào: Giơ-ne, Giơ-ne-vơ hay Giơ-neo? Theo cách nào thì cũng đọc nhấn mạnh âm
tiết đứng cuối ne, vơ, neo, nghe rất kỳ. Tiếng Việt thiếu nhiều vần có trong
các thứ tiếng khác nên rất nhiều từ không thể có phiên âm chuẩn.
Nhiều tên riêng chứa đựng ý
nghĩa, nếu phiên âm sẽ xoá đi nghĩa có trong nguyên ngữ. Ví dụ: “Khi còn cầm
quyền, Tổng thống Pháp Sarkozy và bà Merkel đã hình thành liên minh “Merkozy”
(báo Tuổi Trẻ, 8.5.2012). Phiên âm thế nào cái tên “Merkozy” (lấy phần đầu tên
nữ Thủ tướng Đức Merkel nhập vào phần cuối tên ông Sarkozy) trong câu trên để
nói được rằng đây là liên minh của hai chính khách trên?
Nguyên tắc cơ bản của việc
viết tên riêng nước ngoài theo hệ chữ Latinh là phải viết đúng tới mức tối đa
theo mặt chữ như nó vốn có.
Vậy còn tên riêng Trung Quốc
thì sao? Đầu óc tôn ti của người Việt dẫn tới những mâu thuẫn khi viết tên
riêng Trung Quốc. Trước đây bất kể tốt xấu, cao thấp, cứ tên riêng Trung Quốc
là được phiên âm theo cách đọc Hán Việt: Bắc Kinh, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn,
“cầu thủ bóng bàn có quái chiêu Trương Nhiếp Lâm”… Trong sâu thẳm tâm thức,
người Việt cảm nhận sự gần gũi thân thuộc khi đọc một tên Hán – Việt. Trong
vòng mươi lăm năm gần đây, theo thông lệ quốc tế, tên riêng của người Trung
Quốc hạng “bình dân” dần dần được viết bằng chữ Latinh và phiên theo âm Bắc
Kinh. Tên của những nhà vô địch bóng bàn thế giới đã được viết là Kum Pu Ru,
Wang Hao chứ không còn mấy ai viết là Khổng Lệnh Huy hay Quang Hạo. Đó là sự hội
nhập quốc tế tích cực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét