Khiemnguyen

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Cảo thơm lần giở - hay câu chuyện về chuyện lễ Tết ngày trước

"Bảy mươi lăm năm trước - đọc lại báo Tương Lai, số 3/1937, thấy các cụ tiền bối bàn về chuyện tết nhất, lễ lạt... Cảo thơm lần giở, ngẫm lại thấy chuyện của gần một thế kỷ trước dường như vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày này. Vậy xin phép post lại để các bạn cùng đọc và ngẫm nghĩ thêm nhé".




THUẾ NGÀY TẾT HAY LÀ MỘT DỊP QUAN BÓC LỘT QUAN
Dân An Nam là một “thứ người sống để đóng thuế”, có người đã nói như vậy.
Nói vậy, tuy không đúng cả, nhưng không sai mấy.
Trong một đời người dân An Nam, ngoài những thuế chính ngạch, ngoại ngạch mà họ phải gánh bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, lại còn một thứ thuế nữa. Tuy không phải nộp cho chánh phủ nhưng cũng phải nộp cho các quan. Tuy không phải cả dân cũng chịu, nhưng bao nhiêu người dính đến việc quan đều phải đóng hết.
Nó là thứ thuế ngày Tết.
Gọi là thuế chắc rằng các quan sẽ không bằng lòng. Bởi vì xưa nay các ngài vẫn quen gọi nó là lễ: lễ tết. Chứ chưa có ai bảo là thuế.
Kỳ thực có phải là lễ nữa đâu. Xưa kia thì nó là lễ, bây giờ nó đã mất hết tính cách “lễ” hoá ra tính cách “thuế” rồi. Phải gọi thuế mới đúng.
các thôn quê, mỗi lần năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang, những người dính đến việc quan, ai không lật đật về “vi thiềng” để nộp cho những ông “phụ mẫu”? Đối với cái “vi thiềng” của các ông “phụ mẫu” họ còn nóng hơn giò nem, bánh trái, những món để cúng ông bà ông vải nhà mình. Không có giò nem, bánh trái, ông bà, ông vải cũng không bắt tội nào, nhưng không có cái “vi thiềng” kia, thì có khi họ sẽ không thể sống được bình yên trong năm sắp tới.
Cái “vi thiềng” ấy, thuở xưa, chỉ là thúng gạo, đôi gà, hoặc là vài ba bao chè chẳng hạn.
Tổng thì chánh tổng phó tổng, xã thì lý trưởng, phó lý, chánh hội, phó hội, thuỷ quỹ thư ký, trương tuần, trưởng bạ, mỗi người phải riêng một cái vi thiềng là đã đành rồi, ngoài ra lại phải chung nhau mà góp cho được một cái vi thiềng của hàng xã và một cái vi thiềng của hàng tổng nữa. Bao giờ cái vi thiềng của hàng tổng, hàng xã cũng phải lớn hơn cái vi thiềng của từng người.
Trong một phủ hay một huyện có bao nhiêu tổng, xã, bao nhiêu lý dịch ấy là những ông phụ mẫu có bấy nhiêu cái vi thiềng. Mỗi cái vi thiềng là mỗi đôi gà, thúng gạo. Giả sử những ông phụ mẫu có đi mờ hiệu cao lâu chăng nữa, cũng không thể tiêu thụ được hết gà, gạo trong dịp tết. Đừng nói để lại ăn dần.
Vì vậy, tại các phủ, huyện mới có cuộc cải cách, không biết khởi lên tự quan hay tự dân, cải cách thúng gạo, đôi gà ra mấy đồng bạc.
Mấy đồng bạc là cái vi thiềng riêng của bản thân mỗi người, lại còn cái vi thiềng chung của hàng tổng, hàng xã nữa.
Mỗi một vụ Tết, một người lý dịch phải trực tiếp mà nộp vào quan huyện hoặc quan phủ ít nhất cũng bằng một xuất công sưu của họ. Ẫy là chưa kể ông Nha, ông Lệ, các ông trên tỉnh, đối với mỗi ông, họ cũng phải có ít nhiều gì đó.
Cố nhiên tự họ mang đến không ai bắt họ phải có. Nhưng nếu họ không thì sao?
Thì họ sẽ bị ghi tên vào “cuốn sổ đen” trong bộ óc thông minh của các vị phụ mẫu. Rồi họ sẽ bị bới lông tìm vết, người ta rình họ như rình miếng lộc.
Dưới quyền ông quan, thân tổng lý là cái tóc, là cái tội. Rượu không chạy, để chậm phu... đều có thể làm cho họ bị khiển trách hoặc mất danh mệnh.
Ấy vậy, nếu trong dịp Tết mà không có một số tiền nộp cho các ông phụ mẫu, thì kết quả của bọn tổng lý sẽ đến như vậy.
Thế thì có khác gì thuế? Thuế còn có khi khất được, chứ cái số tiền ngày Tết phải nộp thì ai cho khất bao giờ?
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên trách các ông phủ, huyện nhiều quá về vụ thuế đó. Bởi vì chính những ông ấy cũng có bổn phận như bọn tổng lý. Lấy thuế của bọn tổng lý, các ông ấy lại phải nộp cho mấy ông ở trên. Nếu không nộp, các ngài cũng bị người ta coi làm kẻ thù, hoặc chậm thăng quan, hoặc phải đổi đi thượng du.
Đó là mới nói một cái tết lớn, lại còn mồng năm tháng năm, mồng mười tháng mười ngày nào đã gọi là tết, thì ngày ấy các quan đều có quyền lấy thuế của dân tất cả.
Chẳng phải chi những quan cũ mới có cái chính sách di truyền ấy đâu. Các ông quan mới, nghĩa là những người đã có được chút tân học cũng vậy. Có ông còn tệ hơn, thậm chí vào mùa gạo mới, chim ngói, người ta cũng bắt tổng lý phải nộp số tiền thay gạo, thay chim, mới ghê cho ch.
Nếu như không sợ mếch lòng, chúng ta có thể nói rằng: mỗi dịp tết tức là mỗi lần quan lớn bóc lột quan nhỏ, rồi quan nhỏ lại bóc lột tổng lý.
Trước kia đã có một đạo chỉ dụ cấm quan thu đồ lễ tết của dân, cấm dân đem đồ lễ tết cho quan, dân gian thấy vậy đã lấy làm mừng. Bấy giờ cái nạn lễ tết tuy chưa trừ hết nhưng cũng đã bớt. Không hiểu tại sao đạo chỉ dụ ấy tự nhiên lại bị nguội lạnh dần dần, rồi thì cái nạn lễ tết lại mỗi ngày một dữ dội. 
Giả sử mỗi một dịp Tết, đạo chỉ dụ kia lại được sao lục, phát hành một lần khắp các phủ, huyện và thôn quê, thì may ra mới trừ được cái thuế Tết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét