Khiemnguyen
Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012
Tự do báo chí thời chiến tranh thế giới lần thứ 2
THIÊN ĐƯỜNG CỦA BÁO CHÍ
Trong thời kỳ chiến tranh chỉ có báo chí Anh là không mắc tay bà Kiểm duyệt
Vừa đây, điện tín Transocéan báo cho ta biết rằng chánh phủ Mỹ dự định thu những bánh ô-tô của tư gia để dùng vào việc quốc phòng. Vẫn theo lời hãng thông tấn trên kia, dư luận Mỹ đối với việc này rất sôi nổi. Họ không những tỏ ý bất mãn về việc này mà thôi, lại còn ra vẻ khó chịu vì trong nước hiện giờ đã thi hành việc dùng đèn phòng thủ rồi. Người dân Mỹ vốn quen sống trong những thành phố đầy ánh sáng, đêm cũng như ngày, ngày cũng như đêm, nay nhất thiết bị lạc vào trong một thứ ánh sáng vàng ửng, rầu rầu tất cũng phải khó chịu, đó là lẽ tất nhiên. Sự đó thực chẳng khác gì việc ở nước Anh, cách đây ít lâu, có tin báo chí sẽ bị qua tay bà lão kiểm duyệt trước khi đưa lên máy. Báo chí Anh, cũng như dân Mỹ, đã cực lực phản đối việc này. Có khác điều dân Mỹ phản đối việc dùng đèn phòng thủ không ăn thua, còn báo chí Anh thì công kích việc kiểm duyệt đã có nhiều kết quả hay: từ đó đến nay, báo chí Anh vẫn xuất bản như thường, không bắt buộc phải theo cái chế độ như của các nước tham chiến ngày nay nghĩa là phải qua một lần kiểm duyệt. Sự đó chẳng có gì là lạ. Báo chí ở Anh, hơn tất cả các nước nào khác trên thế giới, có một thế lực rất lớn đối với chánh phủ và quốc dân. Bởi vậy dù là lúc chiến tranh chánh phủ cũng nể báo chí, mà sở dĩ có sự nể như thế là bởi vì chánh phủ tin ở báo chí, báo chí không bao giờ lại có thể đăng những tin tức hay dư luận có thể làm tổn hại đến quyền lợi của quốc gia xã hội.
Thường thường, như chúng ta đã biết, thái độ của báo giới trong một nước tham chiến là một vấn đề quan hệ. Vấn đề quan hệ ấy, nhiều nước như Đức, Ý giải quyết dễ lắm: báo chí cũng như tất cả các cơ quan khác đều phải tuỳ thuộc chánh phủ, để chánh phủ dùng làm lợi khí giúp cho việc theo đuổi chiến tranh. Chánh phủ dùng báo chí để làm những cơ quan tuyên truyền, chánh phủ bảo gì thì làm thế, không được làm khác những điều chánh phủ đã vạch sẵn. Những tin tức có hại cho tinh thần quốc dân không được đăng, phải giữ kín cho đến khi những tin có hại đó bị bại lộ không giấu quanh được nữa thì mới thôi. Tuy các báo giấu không đăng những tin đó nhưng nếu cứ để cho dân nước vẫn được tự do nghe máy vô tuyến điện vẫn biết hết như thế việc các báo vẫn giấu giếm hoá là vô ích. Bởi vậy ta không lấy làm lạ, trong thời này, nhiều nước cấm những người có máy vô tuyến điện không được nghe tin ngoại quốc, ai trái lệnh sẽ bị phạt nặng và có khi lại bị toà truy tố. [……………..][1]
Vị tổng trưởng bộ thông tin sẽ trông coi về việc này và sẽ định trước thế nào là tin có hại, thế nào là tin vô hại. Chẳng cứ vậy, những người đã làm báo, đã hiểu nghề một chút, đưa mắt qua cũng hiểu, lựa là phải làm một bảng thống kê những tin nguy hiểm. Những tin tức về thời tiết có thể để cho phi quân bên địch lợi dụng được, từ khi bắt đầu có chiến tranh, đều nhất tề phải bỏ đi. Tình hình quân sự đã đành là phải giữ bí mật, trừ khi nào chánh phủ công bố thì không kể. Những cách phòng thủ cũng phải giữ kín cũng như các kiểu phi cơ mới chế, những kiểu tàu chiến mới làm; những phóng viên nhiếp ảnh cũng không được chụp. Máy bay bên địch tới đánh phá chỗ nào, không được tường thuật. Bởi vì nếu quân địch ném bom trúng, mình nói ra họ sẽ quay lại ném chính những nơi ấy; còn nếu họ ném không trúng mà mình nói, lần sau họ sẽ tìm cách ném trúng hơn.
Bởi vậy ta không nên lấy làm lạ khi thấy chánh phủ Quốc xã Đức luôn luôn khích dân Anh phải yêu cầu chánh phủ Churchill cho biết kết quả rõ ràng của những trận ném bom Đức ra thế nào. Mặc, những báo Anh-cát-lợi đã có quy tắc nhất định để làm việc, không bao giờ đi sai đường cả. Báo nào cũng chỉ đăng những tin xét là chắc chắn mà thôi. Cái thiên chức của báo chí Anh trong thời kỳ khói lửa là thế đó. Họ phải đặt hạnh phúc của quốc gia lên trên hết thảy mọi việc khác, bởi vậy họ không thể đăng bất cứ một tin gì, dù là tin nhỏ, có lợi cho quân địch. Chính ra thì ở Anh ngay chính lúc này đây cũng không có kiểm duyệt. Nhưng trong làng báo thế nào chẳng có một vài người hồ nghi những tin tức hay ý kiến của mình sẽ viết. Những việc về quân sự, những sự lầm lẫn trong khi tường thuật những nạn máy bay thể nào chẳng có? Những người trợ bút, phóng viên thực cẩn thận, nếu sợ xảy ra những chuyện lôi thôi đáng tiếc sau này, có thể hỏi ý kiến một ban riêng đứng coi về báo chí. Ban này không kiểm duyệt nhưng giải quyết dùm người khác những tin nào vô hại, và những tin nào có hại. Những đoạn nào có hại, người ta sẽ xoá đi; những chữ nào dùng lầm, người ta sẽ bảo để cho mình chữa. Như thế, người ta sẽ được yên tâm và chắc chắn là những bài báo ấy sẽ không đưa những người viết ra trước vành móng ngựa.
Những báo hằng ngày Anh-cát-lợi hiện giờ vẫn đưa bài ra hỏi ý kiến như thế trước khi in để cho đỡ lo sợ. Nhưng cũng có nhiều trợ bút phóng viên tự làm lấy kiểm duyệt cho mình.
Ông Wilson Harris, chủ bút báo Britain Today kể chuyện rằng từ khi có chiến tranh đến giờ, tờ báo của ông chủ trương ra có đến hơn trăm số mà từ trước chỉ sau ông chỉ phải đưa một bài ra hỏi ý kiến ban chuyên môn nói trên kia.
Dù sao, ta cũng phải nhận rằng, trong thời kỳ chiến tranh, báo giới Anh có hai cái đặc điểm mà ít báo trong hoàn cầu có. Đó là: 1) Báo chí Anh có thể đăng cả những tin tức có hại cho chánh phủ. Họ tin rằng không có gì hại cho nhân dân bằng cách đánh lừa họ, lúc nào cũng làm cho họ lạc quan không chánh đáng. Dân chúng Anh cần phải biết cả cái xấu cái tốt, bởi vậy họ cần phải rõ mỗi tuần Đức đã đánh đắm mất bao nhiêu tàu buôn của họ. Họ muốn biết rõ tình thế để sửa soạn lòng can đảm đối phó với thời cuộc, dù là thời cuộc ấy không lấy gì làm tốt đẹp. 2) Ở Anh, người ta không kiểm duyệt về dư luận, về tư tưởng. Chánh phủ không hề bắt báo chí phải viết theo ý kiến của mình. Đã đành cũng như ở các nước khác trong thời kỳ chiến tranh, báo giới và chánh phủ luôn luôn trực tiếp với nhau, nhưng báo giới có quyền cứ tỏ bày ý kiến riêng của mỗi người, quan niệm riêng của mỗi báo. Về điều này báo giới Mỹ cũng không khác báo giới Anh mấy chút.
Các bạn thử đọc đoạn này của ông Sheelan viết trong báo Current History xuất bản ngày 20 Octobre 1940:
“Ở Mỹ, chỉ những tin tức là bị kiểm duyệt. Còn về dư luận thì người ta được phép tỏ bày ý kiến một cách rất tự nhiên. Bởi vậy nếu tôi không ưa chính sách của Churchill, Chamberlain, Beaverbook, tôi có quyền công kích họ rất hăng hái và muốn dài bao nhiêu cũng được”.
Trong thời kỳ chiến tranh, nước Anh cũng như tất cả các nước khác trên thế giới đã phải hy sinh nhiều thứ có quan hệ đến đời sống thiết thực của dân chúng. Nhưng điều thiết thực nhất mà họ cho là quan hệ nhất là Tự Do Báo Chí, thì vẫn không bị hạn chế gì cả, thực cũng là đặc biệt.
TIÊU LIÊU
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét