MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MẠNG XÃ HỘI
Nguyễn Bùi Khiêm |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2011, Việt Nam có 130 mạng xã hội đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ. Trong đó, có một số mạng xã hội đã thu hút hàng triệu người sử dụng như ZingMe với 5,1 triệu người; Facebook 2,9 triệu người; Yume gần 2,9 triệu người… Mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng theo hai hướng chuyên biệt hóa và cung cấp cùng một lúc nhiều dịch vụ.
Khái niệm
Những đổi mới trong công nghệ thông tin đã đưa thế giới đến với một kỷ nguyên của các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó hầu như tất cả mọi người đều được tiếp cận tin tức và thông tin, và trở thành những người sáng tạo và đóng góp cho ngành công nghiệp báo chí. Nhờ đó, ngày nay, tin tức được truyền đi theo những cách thức phi truyền thống với những hệ quả không thể đoán trước được. Một trong những cách thức phi truyền thống đó là mạng xã hội.
Mạng xã hội (social network) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.
Mạng xã hội là hệ quả của sự phát triển của công nghệ thông tin trên nền tảng Internet, truyền thông hội tụ và cá nhân hóa các thiết bị công nghệ thông tin, nhất là các thiết bị đầu cuối. Ước tính, có khoảng 800 triệu điện thoại di động được bán ra mỗi năm trên khắp thế giới và càng ngày, chiếc điện thoại di động càng hiện đại, nó được tích hợp đầy đủ các chức năng nghe, nhìn, truyền tải dữ liệu cả hai chiều. Những công cụ này tạo ra một “thế hệ thông tin toàn cầu” có khả năng chưa từng có để tạo lập, sản xuất, chia sẻ và tham gia vào những gì đang diễn ra của cuộc sống. Mạng lưới toàn cầu cho phép con người đưa tin tức, suy nghĩ, ý tưởng và hình ảnh đi bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào.
Mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán...
Mục tiêu của mạng xã hội
· Tạo ra một hệ thống trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian.
· Xây dựng lên một mẫu định danh trực tuyến nhằm phục vụ những yêu cầu công cộng chung và những giá trị của cộng đồng.
· Nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội.
Một số mạng xã hội đầu tiên và nổi tiếng trên thế giới:
Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học, tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu.
Năm 2004, MySpace ra đời với các tính năng như phim ảnh (embedded video) và nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn thành viên mới mỗi ngày, các thành viên cũ của Friendster cũng lũ lượt chuyển qua MySpace và trong vòng một năm, MySpace trở thành mạng xã hội đầu tiên có nhiều lượt xem hơn cả Google và được tập đoàn News Corporation mua lại với giá 580 triệu USD.
Năm 2006, sự ra đời của Facebook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình "Facebook Platform" cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng. Facebook Platform nhanh chóng gặt hái được thành công vược bậc, mang lại hàng trăm tính năng mới cho Facebook và đóng góp không nhỏ cho con số trung bình 19 phút mà các thành viên bỏ ra trên trang này mỗi ngày.
Mối quan hệ mạng xã hội và truyền thông
Biểu hiện quan trọng nhất của We Media là sự tham gia. Tất cả mọi người đều là một phần của câu chuyện. Tất cả mọi người đều có ảnh hưởng. Hành động của một người dân hoặc một nhóm công dân, đóng vai trò trong quá trình thu thập, đưa tin, phân tích và truyền bá tin tức và thông tin sẽ là sự cạnh tranh đối với các tổ chức truyền thông và những nhà báo làm việc cho các tổ chức này. Tuy nhiên, mục đích có thể lại là giống nhau: cung cấp thông tin độc lập, đáng tin cậy, chính xác, trên nhiều lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan mà một nền dân chủ đòi hỏi.
Qua mạng Web các ranh giới giữa các hình thức truyền thông khác nhau, giữa truyền thông chính thức và không chính thức đã trở nên không rõ ràng. Nhưng qua đó các ranh giới giữa truyền thông định lượng và truyền thông đại trà cũng không rõ ràng, có nghĩa là không có ranh giới giữa truyền thông cho riêng từng người và cho tất cả mọi người. Đồng thời trong cả báo in đã xuất hiện những nguồn nghiệp dư, bên cạnh bài viết của giới nhà báo chuyên nghiệp: người vào mạng quan tâm đến những bài viết của „phóng viên độc giả“, những bức ảnh chụp ở khắp nơi bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại di dộng. Như vậy trên nhiều phương diện thì nền báo chí đương đại mang tính chất quy tụ và tương tác. Tuy các sản phẩm báo chí, phát thanh truyền hình truyền thống vẫn đóng vai trò trung tâm trong các nội dung truyền thông với diện mạo mới, nhưng giới trẻ lại cho rằng mạng xã hội, mạng “cộng đồng“ tin cậy hơn và hấp dẫn hơn. Internet phát triển thành một cộng đồng cho phép mọi người có thể tương tác với nhau trên mạng, các tập đoàn truyền thông lớn đang cố gắng kết nối với các trang mạng xã hội để giúp người sử dụng có thể chia sẻ, trao đổi, bình luận một cách dễ dàng hơn với bạn bè.
Hãng tin CNN đã kết nối chuyên mục chính trị “The Forum” với Facebook, trang mạng xã hội lớn thứ hai tại Mỹ, cho phép mọi người trao đổi ý kiến về các cuộc tranh luận tổng thống và giúp họ xem được các bình luận của bạn bè.
Mặc dù tuyệt đại đa số người tham gia nói trên thiếu kỹ năng hoặc không được đào tạo về nghề báo, song chính Internet lại hoạt động như là một cơ chế biên tập. Điểm khác biệt là việc biên tập được thực hiện từ nhiều phía, và thường là sau khi sự việc đã diễn ra chứ không phải là trước đó. Trong hệ thống thông tin này, người dân dựa vào nhau để đưa tin, truyền tải và hiệu chỉnh một câu chuyện khi nó tiếp diễn. Một câu chuyện không còn bị cố định bởi thời hạn hoặc lịch đưa tin, mà nó có cấu trúc và phát triển theo hình xoắn ốc qua nhiều hình thức truyền thông. Nó không còn thuộc về bất kỳ ai nữa ngoại trừ chính khán giả của nó.
Tính linh hoạt của cách tiếp cận này nhấn mạnh vào việc phát hành thông tin hơn là vào việc lọc thông tin. Những cuộc đàm thoại trong cộng đồng diễn ra để tất cả cùng chứng kiến. Ngược lại, những tổ chức truyền thông truyền thống được thành lập là để lọc thông tin trước khi phát hành chúng. Nhà biên tập và phóng viên cộng tác với nhau, song cuộc thảo luận giữa họ không được công khai cho công chúng biết hoặc tham gia.
Điểm khác biệt rõ thấy nhất giữa nền báo chí có sự tham gia của mọi người với nền báo chí truyền thống là cấu trúc và tổ chức tạo ra chúng. Hoạt động truyền thông truyền thống được tạo lập bởi những tổ chức có phân cấp, được thiết lập vì mục đích thương mại. Cách thức kinh doanh của nó tập trung vào lợi nhuận thu được từ quảng cáo. Nó coi trọng cách thức tổ chức công việc chặt chẽ, khả năng sinh lợi và sự vẹn toàn. Những cộng đồng được liên kết qua mạng coi trọng đối thoại, sự cộng tác và chủ nghĩa bình quân về khả năng sinh lời, tạo lập ra nền báo chí có sự tham gia của mọi người. Nền báo chí này không cần đến một nhà báo được đào tạo theo lối cổ điển làm người dàn xếp. Nhiều trang tin, diễn đàn và cộng đồng trực tuyến hoạt động hiệu quả mà không cần đến một người như vậy.
Hiện tại, các cá nhân có được khả năng chưa từng có, đó là cách thức và thời điểm họ tiếp cận thông tin và quyết định việc chia sẻ thông tin với ai. Trong xã hội được kết nối của những người di cư toàn cầu, nguồn vốn xã hội của chúng ta có thể được mở rộng thông qua những mạng lưới cá nhân rộng lớn trải khắp toàn cầu.
Mạng xã hội là một lực lượng phát triển mạnh mẽ, nó gợi ra rằng, tiếng nói - thực, là một biểu hiện văn hóa của cá nhân - lại đang hồi sinh trong hoạt động của các phương tiện truyền thông của chúng ta.
Hệ lụy tiêu cực
Mạng xã hội có tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Mạng xã hội có vai trò quan trọng đối với báo chí trong việc cung cấp thông tin, đề tài, quảng bá và xây dựng giá trị thương hiệu cho cơ quan báo chí và nhà báo. Mạng xã hội cũng là kênh tương tác của báo chí với độc giả góp phần làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống trước đây… Song, mạng xã hội không phải là phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc tiếp nhận, kiểm chứng và “chính thống hoá” thông tin trên mạng xã hội, đòi hỏi các quan báo chí, nhà báo phải thận trọng, cân nhắc khi chọn lọc.
Điều dễ nhận ra là mạng xã hội và truyền thông nói chung đã đem lại nhiều điều bổ ích cho con người, đặc biệt là về thông tin, giải trí, sự liên kết, tương tác giữa các thành viên và các loại hình truyền thông. Dựa trên tiện ích đa dạng mang lại cho người sử dụng, mạng xã hội được ví như ngôi nhà chung của nhiều người mà ở đó, người ta có thể chia sẻ cảm nhận, cảm xúc cá nhân, bất kể khoảng cách về địa lí hay sự chênh lệch tuổi tác. Những diễn đàn được lập ra trên mạng, tập hợp nhóm người cùng sở thích, chung mối quan tâm, có khi dẫn đến hành động tập thể một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, sau những biến cố xã hội như xảy ra lũ lớn, bão to, qua các phương tiện truyền thông hay các diễn đàn trên mạng lan truyền thông tin, hình ảnh về hậu quả thiên tai, nạn nhân, những người không may phải gánh chịu hậu quả và cả lời kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức sẻ chia... Trong những trường hợp ấy, dư luận từ số đông hình thành, góp phần tô đẹp thêm truyền thống "bầu ơi thương lấy bí cùng" giữa người với người trong xã hội hiện đại.
Thế nhưng, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội cũng đã và đang đem lại hệ lụy không mong đợi, một cách hữu ý hoặc vô tình thông qua người sử dụng nó. Một thông tin đăng tải trên báo chí gần đây đã đưa ra số liệu đáng lưu ý, rằng "hơn 50% số người trưởng thành sử dụng các dịch vụ mạng xã hội đã từng đăng tải thông tin cá nhân nhạy cảm và rất nhiều người chưa biết sử dụng chức năng bảo vệ quyền riêng tư". Ở nước ta, đặc biệt là gần đây, trên nhiều trang mạng lớn tràn ngập hình ảnh phản cảm, những chuyện cướp, giết, hiếp được đưa lên với dụng ý lôi kéo số đông.
Tác động phản cảm có thể gây hiệu ứng tệ hại, mà sự xuất hiện của nhóm trẻ tuổi tự nhận mình thuộc "hội những người hâm mộ sát thủ Lê Văn Luyện" là một ví dụ có tính điển hình. Sự xuất hiện những quan điểm cá nhân tự đánh bóng theo chiều hướng phi chính trị, phi nhân bản, phi lợi ích cộng đồng, thậm chí bệnh hoạn trên mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng, thực sự là mối nguy hại cho xã hội.
Truyền thông có thể đóng vai trò dẫn dắt số đông dù người sử dụng chúng có ý thức được điều đó hay không. Với sự cẩu thả trong việc lựa chọn nội dung thông tin, hình ảnh và dựa trên tốc độ lan truyền khủng khiếp, khả năng tương tác cao thông qua mạng xã hội, những thông điệp không phù hợp với lợi ích xã hội có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người, không loại trừ sự hình thành trào lưu.
Truyền thông, báo chí chính thống không ít lần trở thành cầu nối lan truyền thói hư, hình ảnh xấu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đôi lúc sự thể bắt đầu từ phương pháp tác nghiệp và năng lực phóng viên. Có những người không đi đến nơi cần đến, viết theo tưởng tượng với ý đồ riêng, hoặc cố tình cắt xén để nhằm làm sai lạc sự thật như nó vốn có. Điều đó cho thấy một điều, bên cạnh những giải pháp về quản lý nói chung còn cần giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ làm nghề báo, ngoài sự nhạy bén còn đòi hỏi ý thức và cách xử sự nhân văn.
Vấn đề quản lý mạng xã hội
Tại cuộc hội thảo về tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội (hội thảo tại Huế ngày 28-10/2011) Bà Annelie Ewers, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí FOJO, Thụy Điển, chia sẻ ngay đầu cuộc hội thảo: “Mạng xã hội đang là chủ đề nóng trên thế giới, đang từng ngày thách thức đối với cách truyền thông truyền thống. Vai trò nhà báo cũng đang thay đổi và chúng ta đã đến ngã tư đường: Ai sẽ nắm quyền tác động và vai trò nhà báo trong tương lai sẽ như thế nào?”. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng Internet sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, 100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội. Trong số những người sử dụng dưới 18 tuổi thì 43% có một tài khoản, 25% có hai tài khoản và 13% có bốn tài khoản trở lên. Ông Hải cũng xác nhận thông tin trên các mạng xã hội này là một nguồn đầu vào cực kỳ phong phú cho báo chí, tham gia quảng bá cho các thông tin báo chí lan tỏa, tiếp cận bạn đọc. Trong nhiều vụ việc cụ thể, mạng xã hội còn tác động, tương tác với báo chí, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, giúp báo chí có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tiếp nhận ý kiến. Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý về sự thiếu chính thống, thiếu kiểm chứng của các thông tin trên mạng xã hội. “Nhiều thông tin không có động cơ, mục đích rõ ràng, có một số thông tin có động cơ xấu. Nếu thông tin đầu vào thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng thì trên báo chí có thể xuất hiện thông tin sai sự thật và điều này sẽ khiến cho tờ báo trở nên tầm thường, lá cải”. Ông Lê Hồng Minh, chủ trang mạng Zingme, nói rằng sử dụng mạng xã hội là xu thế không thể cưỡng lại của những người trẻ. Điều này tạo ra những thách thức thực sự với báo chí truyền thống. Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM nhìn vấn đề ở góc độ “phủ sóng” thông tin. Bạn đọc luôn có nhu cầu được biết, nếu báo chí chính thống né tránh thì sẽ mất người đọc và người dân sẽ tìm đến các mạng xã hội. Theo bà Annielie Ewers, nhà báo phải đi đầu sử dụng mạng xã hội chứ không phải cản trở sự phát triển của nó. Đó là cách báo chí cùng tồn tại, kiểm chứng, cũng là bảo vệ sự thật và bảo đảm cân bằng cho người thụ hưởng thông tin. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải e ngại thông tin từ mạng xã hội. Các tòa soạn báo, các nhà báo phải tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển. Ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Nếu nhà báo, cơ quan báo chí lựa chọn thông tin, chủ đề thiếu chọn lọc, thiếu cân nhắc sẽ dẫn đến thông tin “lá cải”, “a dua” chạy theo mạng xã hội. Nếu không kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội. Ông Lưu Vũ Hải lấy dẫn chứng: “Tình trạng các cơ quan báo chí, nhà báo mắc phải sai sót trong việc kiểm chứng và xử lí nguồn tin gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức khác, đang có xu hướng phổ biến ở nhiều báo điện tử trong thời gian gần đây”.
Ngược lại, báo chí cũng có vai trò quan trọng với mạng xã hội. Báo chí đã góp phần “định hướng” thông tin, tiếp nhận, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội. Nếu nhà báo, cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh, nhạy cảm về chính trị, trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội; tuân thủ đúng, chặt chẽ quy trình biên tập, sẽ tận dụng được những ưu điểm của mạng xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét