*
* *
Nguyễn Bùi Khiêm |
Về phương diện lý thuyết, truyền thông đại chúng là một trong những khái niệm cơ bản, chiếm vị trí trung tâm, nền tảng trong hệ thống lý luận báo chí – truyền thông nói chúng.
Theo PGS TS Nguyễn Văn Dững, truyền thông đại chúng, nhìn từ phương tiện chuyền tải thông điệp , là hệ thống các kênh truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội để thông tin và chia sẻ tư tưởng, tình cảm và kính nghiệm… nhằm lôi kéo, thuyết phục, tập hợp và tổ chức đông đảo dân cư tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra.[1]. Đối tượng tác động của truyền thông đại chúng là đông đảo công chúng. Đó là tính chất công khai.Tính chất này tiềm ẩn một sức mạnh to lớn, kể cả sự bùng nổ xã hội. Công khai là nói cho nhiều người cùng biết, cùng hiểu để thống nhất nhận thức, tiến tới thống nhất hành vi. Những sự kiện và vấn đề được xã hội hóa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến nhiều người, có mối quan hệ xã hội rộng lớn, được nhân dân quan tâm, mong đợi và có khả năng xâm nhập, lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Do đó, có thể nói sự kiện hay thông điệp xã hội hóa thông quan các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm ưu tiên thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu và lợi ích của đông đảo công chúng và vì sự phát triển chung.
Theo PGS. TS Mai Quỳnh Nam, truyền thông là hoạt động chuyển tải và chia sẻ thông tin. Quá trình này diễn ra liên tục, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng liên kết với nhau. Đây là một quá trình phức tạp qua nhiều khâu. Các khâu này chuyển đổi tương đối linh hoạt để hướng tới sự thay đổi nhận thức và hành vi của các cá nhân và các nhóm. Theo Mr Nam , truyền thông là một quá trình liên tục, phức tạp và nhiều khâu, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Ý này hình như có vẻ mới mẻ đúng không ạ.
Theo Mr Dững, truyền thông đại chúng bao gồm báo chí và các kênh truyền thông khác như sách, điện ảnh, các phương tiện nghe nhìn, pano, ap phich…; còn Mr Nam, các kênh thông tin đại chúng như một thiết chế xã hội quan trọng của xã hội hiện đại. Truyền thông đại chúng được hiểu như là toàn bộ những kỹ thuật lan truyền thông tin tới những nhóm xã hội lớn, mà chủ yếu bằng báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, internet hoặc các phương tiện khác như sách, áp phích…
Vai trò và chức năng của truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội đã được chứng minh từ lâu. Từ phương diện xã hội học, cơ chế tác động qua lại giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội.
Dư luận xã hội – theo góc độ xã hội học – là sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn, của công chúng nói chung về các hiện tượng, sự kiện xã hội, đại diện cho lợi ích của các nhóm xã hội mà những lợi ích này có tính cấp thiết trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại. Dư luận xã hội là cầu nối giữa ý thức xã hội và hành động xã hội. Vì vậy, với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông mới có thể làm tốt chức năng “tổ chức tập thể, cổ động tập thể” theo quan điểm của Mr Lenin, từ đó góp phần tạo nên động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh cho các hành động xã hội.
Với truyền thông đại chúng, thông tin từ hệ thống này được truyền đến số đông công chúng một cách nhanh chóng (có khi đồng thời với sự kiện, hiện tượng), đều đặn và gián tiếp. Hệ thống truyền thông đại chúng vừa phải hướng tới các đối tượng công chúng nói chung và các nhóm công chúng cụ thể. Hoạt động hệ thống truyền thông đại chúng luôn chịu sự tác động từ hai phía: Phía thứ nhất: là các thiết chế xã hội mà phương tiện đó là công cụ (như các tờ báo của các tổ chức chính trị, xã hội); thứ hai, là công chúng của báo chí.
Sự tác động của các nhóm công chúng đến các phương tiện truyền thông đại chúng hết sức khác nhau, do những khác biệt về địa vị xã hội, quyền lợi giai cấp, về các nhân tố tâm lý và về cường độ giao tiếp với các phương tiện truyền thông đại chúng. Một người nông dân không thể có cơ hội đọc báo nhiều như một công chức. Một người dân miền núi sẽ khó có điều kiện bắt được nhiều kênh truyền hình như một người ở các thành phố trung tâm. Một học sinh ở nông thôn sẽ khó có cơ hội tiếp cận internet tốt hơn một sinh viên ở thành phố. Nhu cầu nắm bắt thông tin của các nhóm công chúng, các nhóm xã hội khác nhau là rất khác nhau. Và tất nhiên, sự khác biệt ấy xuất phát từ mối quan tâm khác nhau giũa họ – những nhóm công chúng khác nhau. Mối quan hệ giữa báo chí và công chúng trong quá trình hình thành và thể hiện dư luận xã hội mang tính chất biện chứng. Một mặt, các phương tiện truyền thông đại chúng thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của công chúng; mặt khác, bản thân công chúng lại đặt ra các yêu cầu mới đối với hoạt động của hệ thống này. Sự trưởng thành trong mối quan hệ ấy thể hiện tính tích cực chính trị xã hội của bản thân hệ thống báo chí và của công chúng báo chí. Không có thực tiễn phong phú, đa dạng và không có đòi hỏi bức thiết của đời sống thì truyền thông đại chúng khó có sự đổi mới, tìm tòi để tăng cường chất và lượng thông tin. Ngược lại, từ sự nỗ lực của các phương tiện truyền thông đại chúng, cường độ dư luận xã hội, sự định hướng dư luận xã hội được tăng cường và tạo ra những hiệu quả xã hội nhất định.
Giao tiếp là một hoạt động cơ bản của con người để thực hiện nhu cầu liên hệ xã hội. Các quan hệ xã hội được hình thành từ đó. Mối liên hệ này càng được củng cố thì dư luận xã hội càng trở nên chín chắn. Dư luận xã hội được hình thành dưới sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua các kênh thuộc hệ thống này và bằng con đường giao tiếp, bằng hoạt động thảo luận trao đổi về nội dung các thông tin mà công chúng tiếp thu được để hình thành nên dư luận xã hội.
Cơ chế hình thành và thể hiện dư luận xã hội thông qua tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng phụ thuộc vào đặc thù của mỗi phương tiện truyền thông. Bên cạnh yếu tố loại hình báo chí, phạm vi tác động (vật lý) còn có các yếu tố về dân số – xã hội và địa lý được lấy làm cơ sở cho hoạt động xuất bản và phát hành báo chí. Các phương tiện truyền thông đại chúng hướng đến việc hình thành dư luận xã hội về tất cả các vấn đề trong đời sống xã hội vì những mục đích nhất định. Hình thành dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng được hình thành song song, có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Để thực hiện được vai trò đó, hệ thống truyền thông đại chúng cần phải:
- Tăng cường và phát triển dân chủ hóa trong các mặt của đời sống xã hội. Tổ chức và động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý xã hội.
- Thông tin tới công chúng về tình trạng của dư luận xã hội trên các vấn đề đang tạo nên mối quan tâm chung của toàn thể xã hội, nhất là các vấn đề có tính chất cấp thiết.
- Tác động lên các thiết chế xã hội và đề xuất các phương án hành động.
- Làm hình thành dư luận xã hội về một vấn đề nào đó nhằm thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát
- Xây dựng lòng tin, thế giới quan và ý thức quần chúng.
- Điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội và làm tăng cường tính tích cực chính trị của quần chúng.
Việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hình thành dư luận xã hội cũng là để thể hiện dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội nhằm tăng cường cường độ, phạm vi, định hướng dư luận xã hội. Báo chí nói riêng, các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua đã có nhiều cách thể hiện dư luận xã hội hết sức sáng tạo. Nhưng nhìn chung, các hình thức thể hiện dư luận xã hội chủ yếu như sau:
1. Phản ánh trực tiếp: Bằng cách cho đăng phát các ý kiến của người đọc, người nghe, xem hoặc các lời phát biểu của đại diện các tầng lớp công chúng trên truyền thông.
2. Đăng tải các bài phát biểu của đại diện các tầng lớp nhân dân hoặc các tổ chức đoàn thể xã hội về một chủ đề nào đó, kèm theo lời bình luận cơ quan báo chí.
3. Trên cơ sở nghiên cứu, tập hợp, phân tích các ý kiến về một vấn đề nào đó, các nhà báo viết bài rồi cho phát hành.
Việc thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và thể hiện dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói riêng đều dựa trên yêu cầu: Thông tin đưa ra công luận phải dẫn đến sự tranh luận của quần chúng, nghĩa là các thông tin đó trở thành điểm khởi đầu cho sự đánh giá của dư luận xã hội đều có các tính chất sau:
- Nó phản ánh được lợi ích của xã hội.
- Nó có tính cấp bách
- Nó tạo nên sự tranh luận
Quá trình hình thành dư luận xã hội có sự đòi hỏi cao ở tính thống nhất rất phức tạp của các đối tượng công chúng. Các yếu tố quan niệm chung về định hướng giá trị, bề dày của kinh nghiệm chính trị, tính tích cực chính trị xã hội, trình độ học vấn của công chúng là các nhân tố quan trọng để tập hợp các cá nhân vào dòng chảy của các phương tiện truyền thông đại chúng, và qua hệ thống này thể hiện ý kiến của cá nhân họ và của nhóm xã hội mà bản thân họ là một thành viên. Sự trùng khớp càng cao giữa ý kiến của nhóm với ý kiến chung của xã hội là nhân tố quan trọng để tạo nên mối liên kết xã hội nhằm đảm bảo tính chất bền vững của dư luận xã hội.
Các giai đọan của sự hình thành dư luận xã hội dưới tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng diễn ra quan các bước sau.
- Công chúng làm quen với các vấn đề được các phương tiện truyền thông gợi ý hoặc đề xuất.
- Kích thích lợi ích xã hội về vấn đề đó. Hoạt động này thường được làm bằng cách đăng bài của các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó. Việc trình bày các quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá sẽ tạo nên cơ sở cho việc tranh luận.
- Tiến hành tranh luận trên phạm vi đại chúng
Sự hình thành dư luận xã hội diễn ra liên tục và chứa đầy các yếu tố tự phát. Nhưng đây là một quá trình có quy luật. Mặc dù sự phát triển của dư luận xã hội được xác định bởi các quy luật khách quan, song để dư luận xã hội được hình thành có định hướng thì phải có hoạt động điều khiển. Trong một xã hội phát triển có định hướng thì quá trình hình thành dư luận xã hội theo con đường tự phát tất yếu phải chịu tác động bởi sự điều hành có ý thức của hoạt động quản lý và tổ chức xã hội.
Sự hình thành dư luận xã hội thông qua các phưong tiện thông tin đại chúng có phản hồi (feedback). Nghĩa là các phương tiện này không chỉ tạo nên dư luận xã hội, mà đến lượt nó, dư luận xã hội cũng có tác động trở lại đến hoạt động của hệ thống truyền thông đại chúng. Vì trong lĩnh vực thông tin đại chúng sự phân chia giữa những người tham gia truyền thông (nguồn tin – chủ thể tác động) và người nhận (khách thể tác động) là rất tương đối vì cả hai phía của tác động này đều là chủ thể và khách thể của tác động thông tin một các một chiều.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo chí truyền thông hiện đại; Báo chí và dư luận xã hội của Mr Nguyễn Văn Dững.
2. Xã hội học về truyền thông đại chúng của Mr Trần Hữu Quang
3. Nghiên cứu của Mr Phan Văn Tú.
4. Bài học trong chương trình Master.
Mọi vấn đề ai quan tâm, xin vui lòng trao đổi qua: nguyenbuikhiem@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét