Khiemnguyen

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Sắc lệnh 41 của Bác Hồ về chế độ báo chí (rất hay các em ạ)

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân ta chưa có tự do báo chí. Nhằm thực hiện chính sách ngu dân phục  vụ cho chế độ cai trị bóc lột đối với xứ sở thuộc địa, thực dân Pháp có đặt ra chế độ kiểm duyệt của báo chí. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ của chúng ta vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và coi trọng vai trò của báo chí. Ngày 29-3-1946, Người đã ký Sắc lệnh số 41 quy định về chế độ báo chí nhằm bảo đảm quyền được thông tin cho mọi người dân Việt Nam sống trong độc lập tự do.
 Hiện nay, Sắc lệnh đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng trong hồ số 02, gồm 2 trang đánh máy, trên khổ giấy 21cm x 27cm. Số Sắc lệnh được viết bằng mực xanh. Cuối Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp. Trải qua năm tháng, dòng chữ trên tờ Sắc lệnh tuy đã bị mờ những vẫn còn đọc được.
Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2008), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xin trân trọng giới thiệu toàn văn Sắc lệnh này:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
       Năm thứ hai
     ---------------- 
BỘ NỘI VỤ     CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Số: 41
Chiểu theo thể lệ báo chí hiện hành,
Chiểu theo lời đề nghị của bộ Nội-vụ và bộ Tư-pháp;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,
RA SẮC LỆNH:
ĐIỀU THỨ I - Trong tình thế hiện thời, chế độ báo chí tạm quy định theo thể lệ sau này:
MỤC THỨ I - THỂ LỆ XUẤT BẢN
ĐIỀU THỨ II - Các báo chí hàng ngày, hoặc ấn hành theo thời hạn nhất định sẽ được xuất bản 48 giờ sau khi đã khai với Uỷ ban hành chính kỳ.
Tờ khai phải dán tem và kê rõ:
a) tên tờ báo và cách thức phát hành,
b) tên, tuổi và chỗ ở của người quản lý và người chủ nhiệm,
c) nhà in và nơi in.
Mỗi khi có sự thay đổi về khoản a, b, phải khai trước 48 giờ, về khoản c phải khai trong hạn 48 giờ.
Mỗi lần nhận khai, Uỷ ban hành chính kỳ sẽ phát biên lai cho người khai và trình ngay cho Bộ Nội vụ biết.
ĐIỀU THỨ III - Mỗi tờ báo phải có một người quản lý phụ trách. Quản lý phải đủ 21 tuổi, không bị can án mất quyền công dân. Tên họ người quản lý, tên và địa chỉ nhà in phải in bên dưới các số báo.
ĐIỀU THỨ IV - Trước khi phát hành, các toà báo phải nộp cho ty Kiểm duyệt, phòng Biện lý ở nơi phát hành, phòng báo chí Bộ Nội vụ hai số báo có chữ ký của người quản lý.
MỤC THỨ II - KIỂM DUYỆT
ĐIỀU THỨ V - Các bài báo chí sẽ được ấn hành sau khi ty Kiểm duyệt cấp kỳ đã duyệt.
ĐIỀU THỨ VI - Nếu có bài báo bị kiểm duyệt và chủ nhiệm hoặc quản lý cho là quá đáng thì chủ nhiệm hoặc quản lý có thể gửi đơn khiếu nại kèm cả bài báo bị ty kiểm duyệt bỏ, lên Hội đồng kiểm duyệt.
ĐIỀU THỨ VII - Hội đồng Kiểm duyệt đặt tại bộ Nội vụ, gồm có năm hội viên, do nghị định Bộ trưởng bộ Nội vụ cử ra:
1 nhân viên bộ Nội vụ
1 nhân viên do bộ Ngoại giao đề cử
1 nhân viên do bộ Quốc phòng đề cử
1 nhân viên do Quốc hội đề cử
1 đại biểu của Quốc hội đề cử
1 đại biểu của báo giới đề cử
ĐIỀU THỨ VIII - Hội đồng Kiểm duyệt có nhiệm vụ:
a) Đề nghị lên Bộ trưởng Nội vụ những chỉ thị về việc kiểm duyệt để các ty kiểm duyệt tuân hành;
b) Xét đơn khiếu nại của các nhà báo.
Những quyết nghị của Hội đồng trong việc xét khiếu nại sẽ thi hành nếu trong hạn 48 giờ sau khi nhận được quyết nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ không trả lời. Quyết nghị của Hội đồng kiểm duyệt chỉ có thể là cho hoặc không cho đăng những bài bị ty Kiểm duyệt xoá bỏ.
MỤC THỨ III - TRỪNG PHẠT
ĐIỀU THỨ IX - Nếu xuất bản và phát hành trái với điều thứ 2 và điều thứ 5, các số báo sẽ bị tịch thu.
Nếu tái phạm, chủ nhiệm, quản lý, chủ nhà in sẽ liên đới bị phạt tiền 5.000 đồng đến 10.000 đồng ngoài sự tịch thu các số báo.
Nhà in báo có thể bị đóng cửa.
ĐIỀU THỨ X - Nếu trái với điều thứ 3 và điều thứ 4, quản lý sẽ bị phạt tiền từ 10 đồng đến 100 đồng.
MỤC THỨ IV -
ĐIỀU THỨ XI - Trong bẩy hôm kể từ ngày ban hành sắc lệnh này, chủ nhiệm các báo xuất bản từ trước phải khai theo thể lệ đã định ở điều thứ 2.
ĐIỀU THỨ XII - Những luật lệ trước trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
ĐIỀU THỨ XIII - Sắc lệnh này sẽ thi hành ngay theo điều thứ 14 sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945.
ĐIỀU THỨ XIV - Bộ trưởng bộ Nội vụ và Bộ trưởng bộ Tư pháp chiểu sắc lệnh thi hành./.
                  
Hà-nội, ngày 29 tháng 3 năm 1946
   CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA,
                                  (đã ký)
                             HỒ CHÍ MINH
Phó thư :
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ,
(đã ký)
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP,
(đã ký)
 
 
 
Nguyễn Lan Phương
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét