Khiemnguyen

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Quan điểm của Phạm Quỳnh về tục ngữ ca dao (phần 2)



Nay đã giải nghĩa tục ngữ và ca dao là thế nào rồi, xin chia ra hai phần, trước bàn về tục ngữ, sau bàn về ca dao.
Trên kia tôi đã nói rằng phàm tục ngữ là những câu “nói lối” cả. Nói lối là xếp đặt câu thế nào cho êm tai dễ đọc. Các ngài đi xem tuồng ta chắc đã nhận rằng phàm những câu con hát hát lên được là những câu nói lối cả, câu nào không nói lối thời phải nói ra giọng thường, thành ra điệu hát tuồng vẫn có hai giọng khác nhau. Xét ra thời bởi tính chất tiếng Việt Nam ta và cũng bởi cái cú pháp của ta nó khiến như thế. Tiếng Việt Nam ta là một thứ tiếng độc vận, khác với các tiếng Âu - Mỹ là những tiếng liên vận. Độc vận là đọc rời từng vần một, mỗi chữ là một vần. Các tiếng Âu - Mỹ thời đọc liền vần, mỗi chữ hai, ba, bốn, năm vần. Đã liền vần mà cách đặt câu lại có một cái trật tự tự nhiên: trong một câu có tiếng chủ, có tiếng phụ, có tiếng động, có tiếng tĩnh (subjet, attribut, verbe, adverbe...) khi xướng lên thời tự nhiên nó liên hợp với nhau, tùy theo cái ý nghĩa câu, như có một cái khuôn tự nhiên in với tư tưởng người ta. Tiếng ta tiếng Tàu thời không thế: mỗi vần là một tiếng, mỗi tiếng là một chữ, mỗi chữ là một nghĩa, tiếng nào cũng như tiếng nào, chữ nào cũng như chữ nào, không có phân biệt chủ, phụ, động, tĩnh gì cả, thành ra như một mớ tiền rời, muốn xâu lại cho thành món thời phải có chỉ, có lạt. Cái lạt cái chỉ để buộc những tiếng độc vận của ta cho thành câu ấy là mấy cách như sau này.
Cứ nhận kỹ phép kết cấu các câu tục ngữ của ta thời thấy đại khái có ba cách thông dụng nhất.
Thứ nhất là cách “thanh âm hưởng ứng”, nghĩa là lấy cho trong một câu có mấy tiếng đọc tương tự nhau. Những câu đặt theo cách này thời nhiều lắm, không biết bao nhiêu mà kể. Như:
Cả cây nây buồng.
Tay làm hàm nhai.
Nói ngọt lọt đến xương.
Tốt danh hơn lành áo.
Cái khó bó cái khôn.
Sai một li đi một dặm.
Ản một miếng tiếng một dời.
Chén tre không rè đầu mặt
Để là hòn đất cất nên ông bụt, v.v...
Các ngài nhận có phải bấy nhiêu câu đều có hai chữ thanh âm tương tự mà hưởng ứng nhau, làm cho câu dễ đọc và dễ nh.
Thứ nhì là cách “đối tự đối ý”, nghĩa là trong câu có hai chữ hay là hai ý đối nhau. Như:
Giơ cao đánh sẽ.
Miệng nói chân đi.
Bới lông tìm vết.
Đục cây tra ngành.
Giàu điếc sang đui.
Bới bèo ra bọ.
Đất bụt ném chim trời.
No nên bụt, đói nên ma, v.v...
Bấy nhiêu câu đều hoặc có chữ đối nhau, hoặc có ý đối nhau cả.
Thứ ba là cách “hội ý suy loại” nghĩa là hoặc lấy ý, hoặc suy nghĩa mà đặt thành câu, cách này có ý không rõ ràng bằng hai cách trên, vì ở ý nhiều hơn ở lời. Như:
Nước để lá khoai.
Đèn soi ngọn cỏ.
Chó cắn áo rách.
Quỉ quấy nhà ma.
Chết đuối đĩa đèn.
Trống bỏi vật mình.
Há miệng chờ ho.
Lừa lọc nhau như miếng mộc, v.v...
Bấy nhiêu câu đều lấy ý mà đặt, không phải lấy chữ mà đối hay là lấy vần mà tiếp. Đại để những câu nào không thuộc vào hai cách thứ nhất và thứ nhì thời tất thuộc vào cách thứ ba.
Nhưng trong ba cách ấy duy có cách “thanh âm hưởng ứng” là thông dụng hơn cả. Cách này thật đã giúp cho tiếng ta được giàu thêm ra nhiều, vì vần nọ gọi vần kia, lắm khi thành ra nhiều tiếng mới cũng lạ. Thí dụ như muốn nói hết cái nọ đến cái kia, mà tùy âm vận mỗi câu nói một tiếng khác, hay lắm:
Hết của nhà ra của người.
Hết truyện nọ dọ truyện kia.
Hết gạo cạo thêm khoai.
Hết nạc vạc đến xương.
Hết khôn dồn ra dại.
Hết việc này bày việc khác.
Hết thức nọ gọ thức kia, v.v...
Trên kia tôi đã nói rằng tục ngữ ta nhiều như rừng, không biết bao nhiêu mà kể, vì nói gì cũng có tục ngữ. Các ngài thử nghe hai người đàn bà nhà quê nói chuyện hay cãi nhau, từ đầu chí cuối thuần là phương ngôn tục ngữ cả, cứ từng hồi từng tràng, như một bài diễn thuyết trường thiên. Người nào hay chê tiếng Việt Nam là nghèo hãy về nơi dân thôn hay ra chốn chợ búa, nghe bọn phụ nữ nói rằng: tôi tưởng nhiều bậc tu mi phải ghê cái tài hùng biện của các bạn quần trồi. Nghe đó mới biết rằng tiếng quốc âm ta phong phú là dường nào: thượng vàng hạ cám, không gì là không đặt thành câu sẵn, nói ra trơn tuột, có ý tứ mà có tiết diệu, khác nào như một bộ “vận phủ”, vị thành vàn truyền ở cửa miệng các bà các cô nhà quê vậy. Hoặc ông nào có tính thanh nhã quá, sợ những câu nôm na mách qué, không dám ra trực tiếp mà nghe các bà các cô diện thuyết, thời tôi xin hiến một mớ chữ như sau này, đủ chứng rằng tiếng Việt Nam ta giàu biết bao nhiêu.
Các ngài chắc đã từng nhận trong quốc âm ta có nhiều những tiếng rắp đôi hay lắm, những tiếng ấy phần nhiều là thuộc về hạng “hình dung từ”, nghĩa là để tả cái hình dung trạng thái của người ta cùng sự vật. Vậy tôi có chịu khó nhặt được một mớ những tiếng rắp dôi như thế, mỗi tiếng thành một câu ví rất có ý vị, tôi kể một ít ra đây để các ngài biết cái tinh thần của quốc âm ta. Xin nhớ câu kể đấy, vì tôi chưa nhặt được hết, chưa xếp đặt ra thứ tự gì:
Lanh chanh như hành không muối.
Láo nháo như cháo với cơm.
Lon xon nghe con mắng láng giềng.
Léo nhéo như mõ réo quan viên.
Xo xúi như thày bói dọn cưới.
Lúng túng như thợ vụng mất kim.
Lừ khừ như ông từ vào đền.
Lôi thôi như cá trôi vào ruột
Lù dù như chuột chù gặm quanh.
Khư khư như ông từ giữ oản.
Lăn lóc như cái cóc leo tường.
Lật đật như ma vật ông vải
Lầm dầm như dĩ khấn tiên sư.
Lẩm lét như quạ chui chuồng lợn.
Lầm lầm như chó ăn vụng bột.
Xoi xoi như thày bói đâm cua.
Soen soét như mép thợ ngôi.
Xúm xít như thịt trâu toi.
Xoay xỏa như ả bán hàng.
Thin thít như thịt nấu đông.
Thao láo như cáo trông trăng.
Thỏ thẻ như trẻ lên ba.
Vênh váo như bố vợ phải đấm.
Lảng vảng như chó phải giùi.
Lẩm cẩm như sẩm đi đường cong.
Lang lảng như chó cái trốn con.
Len lét như rắn mùng năm.
Linh lỉnh như chĩnh mắm thối.
Loanh quanh như chó nằm chổi.
Lò dò như cò bắt tép.
Lồng bông như ngựa chạy đường quai.
Lờ đờ như chuột phải khói,
Mui múi như lợn ăn khoai.
Nhâng nháo như cáo bắt gà.
Nhao nhao như chào mào ria hoa.
Nhăn nhó như nhà khó ản gừng.
Nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng.
Nhàng nhằng như cưa phải rơm.
Oai oái như rắn bắt nhái,
Phập phồng như đấm bị bông.
Đểnh đoảng như canh cần nấu xuông.
Dửng dưng như bánh chưng ngày tết.
Gia giả như cuốc kêu mùa hè.
Dề dề như cá trê đẻ ống,
Hững hờ như hàng tổng đuổi cướp.
Tôi còn có thể kể nhiều hơn nữa, nhưng thế cũng đủ rồi. Các ngài thử nhận những câu ví ấy có hay không? Ví là để làm gì? Ví là lấy một cái vật tiếp cận mà giải nghĩa cho người ta dễ hiểu. Như vậy thời việc chi phải tìm những phong hoa tuyết nguyệt ở đâu xa, sao không lấy những vật mắt trông thấy ở quanh mình mà tỉ dụ? Bởi thế nên những câu ví này tuy không có văn chương cao thượng gì, mà có ý vị biết bao nhiêu! Như tả một cậu thiếu niên hãy còn khách khí, chưa có tính thần, mà nói: “lanh chanh như hành chưa muối”, thời tôi tưởng là tuyệt, không gì bằng. Lại cái gì không thể điều hòa được với nhau mà nói: “láo nháo như cháo với cơm”, thời cũng là cực tả cái “láo nháo chi trạng thái”. Làm loay hoay mãi không xong, mà nói: “lằng nhằng như cưa rơm”, thời cũng là tỉ dụ đến điều.
Nhân nói về câu ví, không kể những tiếng rắp đôi như trền, tiếng một thường cũng nhiều tiếng thành câu ví có ý vị lắm.
Như:
Đắng như bồ hòn
Lạt như nước ốc.
Ngọt như hồng Tàu.
Trong như bột lọc.
Đẹp như ông sao băng.
Đỏ như mặt trời mọc.
To như con voi nan.
Trắng như trứng gà bóc.
Dương như mắt ếch.
Ngỏng như cổ cò.
Ngay như ruột ngựa.
Xốp như phổi bò.
Rỗng như đít bụt.
Ngay như cán tàn.
Nổ như pháo rang.
Đẹp như tranh vẽ.
Thắt như cổ bồng.
Rối như canh hẹ.
Xanh như lá, bạc như vôi.
Đen như tro, vàng như nghệ.
Dát như cầy sấy.
Nói như rồng phun.
Xoay như chong chóng.
Rối như bòng bong.
Dai như trão.
Vững như kiềng...
Vân vân, vân vân...
Phương ngôn tục ngữ là gương phản chiếu cái tư cách bình thường của người dân ít học, cho nên muốn tìm lấy những nghĩa lý cao xa, ý kiến sâu sắc, không sao có được. Song cứ nhặt lấy những câu nói về cách ăn ở giữa đời, cũng có thể tập thành một bộ luân lý bình dân, đủ làm kim chỉ nam về đạo xử thế cho những người tầm thường mộc mạc. Không có nghị luận triết lý gì, chỉ lấy những điều kinh nghiệm hàng ngày mà chứng những việc ở trong phận sự.
Đại khái nói người ta ở đời cần phải dạy, có dạy mới hay:
Cá không ăn muối cá thối,
Người không ăn lời người hư.
Mà dạy thời phải dạy từ thủa nhỏ:
Dạy con từ thủa còn thơ...
Bé không uốn cả gẫy ngành.
Lớn lên ra ăn ở với người thời phải khôn khéo mới giữ được cái địa vị ở đời:
Khôn sống bống chết.
Mạnh được yếu thua...
Của đời chỉ có bấy nhiêu,
Khéo ăn thì no khéo co thì ấm.
Tuy lời lẽ thật thà mà đó chẳng phải là cái thuyết “sinh tồn cạnh tranh”, “ưu giả thắng, liệt giả bại, thích giả tồn” của Âu châu ư?
Khôn khéo cốt nhất là phải giữ gìn:
Khó giữ đầu giàu giữ của,
Vì ở đời thiếu gì những kẻ giả trá hiểm độc:
Miệng na mô bụng bồ dao găm...
Nọc người bằng mười nọc rắn.
Muốn tránh nguy hiểm, phải biết cẩn thận:
Ăn cỗ đi trước lội nước di sau.
Lời ăn tiếng nói cũng phải giữ gìn:
Làm trai cứ nước hai mà nói.
Ai trao cho vật gì cũng nên kiểm điểm, kẻo sợ vạ lây:
Gửi lời thì nói gửi gói thì mở...
Chớ có bảo lĩnh cho người vay nợ mà khôn đến mình:
Ăn no nằm ngủ, chớ bàu chủ mà lo.
Đối với quỉ thần thời bất luận có hay không, nhưng:
Có thờ có thiêng có kiêng có lành...,
Nhất là những khi ốm đau lại càng nên cầu cúng, còn thời cũng chỉ nên kính nhi viễn chi:
Có bệnh thì vái tứ phương,
Không bệnh tiền hương chẳng mất.
Ở đời trọng nhất là miếng ăn:
Ăn hơn hờn thiệt...
Ăn tìm đến đánh nhau tìm đi.
Nhưng ăn ung cũng phải giữ gìn, trước là giữ lấy sức khỏe:
Vạ bởi miệng ra, bệnh chẳng qua bởi miệng vào;
Sau là dè lấy của, vì của ăn là cúa mất:
Buôn thuyền buôn bè chẳng bằng dè miệng.
Buôn thủy buôn vã chẳng bằng hà tiện.
Bớt bát mát mặt;
Sau nữa là giữ lấy tiếng tăm, vì:
Miếng thực là miếng nhục.
Nói tóm lại thời miếng ăn tuy là cần, mà phải nhớ rằng
Tham thực là cực thân;
Ăn một miếng tiếng để dời:
An để sống chớ sống mong ăn.
đời nên cẩn thận cho khỏi nguy hiểm, nhưng cuộc đời này là một cõi lao động, có ăn phải có làm:
Ăn đã vậy múa gậy làm sao...
Hữu thực hữu tác, vô tác gác mỏ.
Nhưng làm mà cứ xuẩn động như cái máy thời cũng vô ích, phải biết suy trước tính sau mới nên:
Một người hay lo bàng kho người hay làm.
Biết lo tính đã vậy, song cũng không nên mơ tưởng những sự cao xá quá, vì:
Sự làm hay hỏng, sự hòng hay trơ.
Tuy vậy mà làm thân con người đời, cũng nên cầu lấy cái tiếng thơm trên đời, có khi sống nhơ nhuốc không bằng chết còn hơn:
Sống đục sao bằng thác trong.
Danh tiếng ở đời là trọng, vì:
Trăm năm bia đá củng mòn,
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Muốn được tiếng với người, phải mua chuộc lòng người:
Có đi có lại mới toại lòng nhau;
Dao năng liếc thời sắc người năng chào thời quen:
Và ở với người ta phải nên rộng rãi, chứ có bo siết, vì:
Ở xởi lởi thì trời gởi cho, ơ xo lo thì trời gò lại.
Như thế thì lợi cho người rút lại cũng là lợi cho mình, vì mọi việc đều có họa phúc ứng báo ở đấy cả; vân vân, vân vân...
Đấy là tôi nhớ câu nào nói câu ấy, nhưng đại khái cái luân lý trong tục ngữ đều sàn sàn như thế cả. Danh sĩ nước Tỉ Lợi thì Maurice Maeterlinck nói rằng phàm luân lý có ba bậc đối với ba trình độ trong lý trí người ta: dưới cùng là “thường thức” (le sens commun), giữa là “chính thức” (le bon sens) y trên nhất là “lương tri” (la raison mystiqueỳy ba bậc ấy mỗi bậc có một luân lý riêng. Luân lý của thường thức thời chỉ biết sự lợi ích trước mắt, biết cái nhân thân một mình, ngoài việc ẩm thực cư xử hằng ngày, không có lòng hoài vọng gì cao xa cả; bậc này chỉ đủ khiến cho người ta biết giữ mình, không phạm tội, mà không gây được cho người ta có nhân cách thanh cao. Luân lý của chính thức thời ngoài cái cận lợi đã biết đến sự nghĩa vụ đã gây được cho người ta một nhân cách cao hơn, biết ham những điều cao thượng thuộc về tính tình, về đạo nghĩa. Đến luân lý của lương tri thời là cái luân lý của những bậc trung thần nghĩa sĩ, hào kiệt anh hùng, cùng những kẻ triết nhân quân tử đời xưa đời nay, đều là những người đã thấu hiển thiên lý nhân đạo và lâm thời biết đem mình hy sinh cho cái nghĩa cả ở đời. Trong ba bậc luân lý như vừa giải đó, thời luân lý của tục ngữ phương ngôn ta chẳng qua là thuộc vào bậc “thường thức” mà thôi; thời hồ cũng có một đôi khi ngưỡng tới bậc “chính thức”, nhưng không khi nào lên được đến bậc ‘‘lương tri”. Đó cũng là một lẽ tự nhiên, vì phần tinh hoa của một dân tộc không phải ở trong đa số phổ thông, mà là ở trong thiểu số đặc biệt, và những bậc triết nhân quân tử, hào kiệt anh hùng, không phải là những của hằng ngày trông thấy. Song tuy cái luân lý thường thức không đủ làm được những người lỗi lạc phi thường mà cũng đủ gây được tư cách một quốc dân cần cù cẩn thủ, biết trọng sự làm ăn, tránh đường tội lỗi; như thế cũng đã là hay lắm rồi. Mà được như thế thực là nhờ một phần nhiều ở những câu tục ngữ như các câu tôi vừa kể mới rồi, khác nào như những câu “xử thế cách ngôn” của mẹ dạy cho con từ khi mới bập bẹ, và nhờ cửa miệng người ta cứ lưu truyền đi mãi mãi trong khắp các hạng người trong xã hội.
Nhưng tục ngữ phương ngôn không những là một cái kho luân lý, mà lại là một cái kho trí thức cho người dân nữa. Dân ta là một dân chuyên nông nghiệp, nên những câu tục ngữ thuộc về nông vụ và thời tiết nhiều lắm. Tôi không thể kể ra hết được, xin lược cử ít nhiều câu để các ngài nghe. Hoặc cũng có điều không hợp với cách trí đời nay, nhưng cũng là những sự kinh nghiệm của người ta đã tích lũy nhiều đời, không nên khinh thường.
Nói về thời tiết:
Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa.
Gió may hiu hiu riều kêu thì rét
Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi.
Sáng ngày gió may, tối quay gió nồm.
Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa.
Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo.
Hai mươi giấc tốt, mi mốt nửa đèm.
Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão.
Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa.
Đêm tháng năm chưa nằm đã dậy, ngày tháng mười chưa cười đã tối...
Nói về các việc canh nông:
Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa.
Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau.
Ăn kỹ no lâu, cầy sâu tốt lúa.
Tháng năm kêu bầu, tháng mười rầu rơm.
Tháng tám mạ chà, tháng ba mạ thóc.
Vụ mùa cấy cao, vụ chiêm cấy trũng.
Tháng tám mưa chai, tháng hai mưa thóc.
Lúa giỗ ngả mạ, vàng rạ thì mạ xuống được.
Cấy thưa thừa thóc, cấy giầy thì cóc được ăn.
Thừa mạ thì bán, chớ có cấy rán ăn rơm.
Muốn ăn lúa tháng năm trông trăng mười rầm tháng tám.
Muốn ăn lúa tháng mười trồng trăng mồng tàm tháng tư.
Đói thời ăn ráy ăn khoai,
Chớ thấy lứa trỗ tháng hai mà mừng.
Vân vân, vân vân...
Những câu tục ngữ phương ngôn hay kể còn nhiều lắm nữa; lắm câu thật là chua cay, lại cũng lắm câu thật là buồn cười. Như những câu:
Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng.
Giặc bèn Ngô không bằng bà cô bên chồng,
Của người bồ tát, của mình buộc lạt.
Thuốc nam đánh giặc, thuốc bắc lấy tiền.
Trung hậu củng là trung hậu bạc.
Nhân nghĩa chẳng qua nhân nghĩa tiền.
Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm, khó giữa chợ ít người hỏi.
v.v...
Lại mấy câu:
Tiếng chào cao hơn mâm cỗ,
Rõ ra các quan viên nhà quê ngồi đóng cỗ;
Dạy đĩ vén xống, dạy ông cổng vào trường.
Ông cống với con đĩ, mỗi người mỗi nghề, thanh thô đủ cả.
Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Ba cái cũng đồng loại như sau.
Đại khái các phương ngôn tục ngữ, tuy không có ý tứ cao thượng gì, mà thật là rạch ròi chi lý. Dẫu nói những sự tầm thường thiển cận mà nói đâu ra đấy, nói thật đến lời. Bởi thế nên Âu châu thường có câu: “Phương ngôn tục ngữ là cái túi khôn của các dân tộc(Les proverbes sont la sagesse des nations). Xét lịch sử các nước Âu châu cũng thấy nói rằng về đời Trung cổ trong dân gian duy có phương ngôn tục ngữ là cái học thức độc nhất vô nhị (An moyen-ăge les proverbes formaient Vunique fonds intellectuel du peuple). Lại xét văn học tiến hóa ở các nước thời nước nào cái trình độ ban đầu cũng là thuộc về lối văn chương truyền khẩu, là phương ngôn tục ngữ. Như ở nước Pháp mãi đến thế kỷ thứ 16 mà văn học hãy còn chưa thoát vòng tục ngữ: xem như sách của Rabelais, ngày nay các trường còn học, lời văn như ken những tục ngữ cùng phương ngôn.
Một hôm tôi nói chuyện tục ngữ với một cụ lão nho: bàn đến câu nào cũng thấy chí lý cả, cụ lấy làm thâm phục cái “túi khôn” của dân tộc Việt Nam ta, bèn than rằng: “Các cụ đời xưa đặt ra tục ngữ phương ngôn thật là đi guốc trong bụng chúng mình, chứ không sai”. Lời đó là cực tả cái giá trị của tục ngữ về đường tâm lý, về đường phong tục.
Tôi tiếc không thể kể được nhiều câu tục ngữ hay nữa đề các ngài nghe, nhưng tôi nói về tục ngữ đã nhiều rồi, nay xin nói đến ca dao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét