Khiemnguyen

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Chữ Nho với văn quốc ngữ (phần 1)




Phạm Quỳnh
(Trích từ Thượng Chi văn tập)

n quc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?
Nếu không thể bỏ được, thì cách dùng chữ Hán trong quc văn phải thế nào cho thích hợp?
Cả cái vấn đề “chữ nho với văn quốc ngữ”, rút lại chỉ ở một câu sau đó mà thôi, vì ai cũng thừa biết rằng bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm không thể được, quốc văn mà dời cái khuôn phép của Hán văn không sao thành lập được, ai cũng đã thừa biết như thế rồi, dẫu có người ngoài mặt không chịu công nhận, mà trong lòng cũng phải ám nhận vậy.
Nay muốn bàn về vấn đề ấy cho tường, tưởng nên chia ra hai đoạn như sau đây:
1. Quốc văn là do Hán văn mà ra, không thể bỏ chữ Hán mà không dùng được, cũng không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được ;
2. Sự dùng chữ Hán trong quốc văn đã là một lẽ tất nhiên rồi, thì phải dùng thế nào cho thích hợp?
Điều thứ nhất thì phàm người nào đã biết lịch sử nước nhà cũng phải công nhận như vậy. Nước ta học chữ Tàu trong hai nghìn năm, trong hai nghìn năm lấy chữ Tàu làm văn tự chung trong nước. Chữ Tàu phổ thông trong dân gian cho đến nỗi ngày nay vẫn còn có người gọi Hán tự là “chữ ta”, “chữ Việt Nam”. Thử về chốn nhà quê mà đưa cho ông già hay đứa trẻ con một tờ chữ nho hỏi là chữ gì, tất ai cũng đáp là “chữ Việt Nam”. Mười năm, hai mươi năm về trước, cử quốc theo Hán học, có ai nghĩ đến cái chữ mình học là chữ của ngoại quốc đâu? Hiện nay trong phái cựu học ở Bắc kỳ Trung kỳ cũng vẫn còn nhiều người như thế. Cái tư tưởng lấy lời Nôm làm quốc văn là tư tưởng mới phát ra gần đây mà thôi, và cũng chưa vào sâu trong dân gian cho lắm.
Trước kia quốc văn tức là Hán văn, Hán văn tức là quốc văn, tự nhiên như vậy, không ai bận lòng mà phân biệt chữ nào là chữ ngoài, tiếng nào là tiếng mình, chỉ biết “văn” thì duy có Hán văn mà thôi, mà “Nôm” là lời tục trong dân gian của những kẻ không biết “chữ”. Ta không phải phán đoán cái đó là phải hay không phải, nên hay không nên, chỉ biết rằng đó là sự hiển nhiên như thế và là cái chứng rõ rằng chữ Hán đã tiêm nhiễm vào trong trí não người nước Nam sâu lắm rồi, đã thành cái biểu hiệu tự nhiên cho tư tưởng cảm giác của người mình trong mấy mươi thế kỷ nay.
Con khóc cha cũng làm văn tế bằng chữ nho, chồng giận vợ cũng viết thơ từ bằng chữ nho; coi đó thì biết chữ nho phổ thông là dường nào, tức là cái văn tự độc nhất vô nhị của nước mình. Mười năm, hai mươi năm về trước, nếu ta bảo một người học trò nho rằng: “Cái chữ của bác học đó là chữ của nước ngoài, sao bác không học tiếng nước mình, sao lại bỏ của mình mà đi mượn của người cho nó phiền”, tất họ kinh ngạc không hiểu là chuyện chi, rồi cười mà cho mình là người cuồng. Tất trong bụng họ nghĩ: “Chữ của ông cha, của tổ tiên mình, vẫn học xưa nay, của cả nước mình tự vua quan cho đến người thường dân ai cũng biết, sao lại gọi là trong với ngoài? Sao lại gọi của mình với của người ? Anh này gàn thật! vẫn biết rằng chữ nho là tự Tàu đem sang, nhưng đem từ đời kiếp nghiệp lai nào, mình học đã tự bao giờ đến giờ, thì là chữ của mình chứ, còn của ai”.
Xét cho cùng, lời nói đó, tuy mới nghe tưởng là vô lý mà thật cũng có lẽ lắm.
Chữ nho tuy phát tích tự Tàu, mà từ thượng cổ đã không phải là một văn tự riêng của một dân tộc Tàu. Chính nước Tàu đời xưa cũng không phải là một nước, thực là một “thế giới” bao gồm biết bao nhiêu dân, bao nhiêu nước khác nhau. Mỗi dân có một tiếng nói riêng, mỗi nước có một phong tục riêng, có dân nội thuộc rồi độc lập mà vẫn chịu văn hóa của Trung Hoa.
Văn hóa ấy tràn khắp một cõi địa cầu, cảm hóa mấy trăm triệu người, dẫu văn hóa Hi Lạp, La Mã bên Tây phương cũng không bành trướng được rộng bằng. Khí cụ để truyền bá cái văn hóa ấy, tức là chữ nho. Chữ nho là một thứ chữ viết, không phải là một thứ tiếng nói; đem vào nước nào thì theo thanh âm của nước ấy mà đọc ra, chữ vẫn là chữ chung mà đọc theo thanh âm nước nào thành ra lời riêng của nưc ấy, nước nào cũng học chữ ấy mà đọc khác đi, nghe nhau không hiểu phải viết ra chữ mới hiểu được. Không những các nước ngoài nước Tàu, mà đến các tỉnh nội địa Tàu, tỉnh nọ đối với tỉnh kia cũng vậy; một người khách Quảng Đông với một người khách Bắc Kinh nói chuyện với nhau, tuy toàn là lời chữ nho mà hai người tuyệt nhiên không hiểu gì cả, phải “bút đàm mới biết là chuyện gì. Cho nên người Tàu phải đặt ra một thứ tiếng riêng gọi là “quan thoại” để giao thông với nhau, nhưng quan thoại là thứ tiếng của người làm việc quan mà thôi, ai có học mđi biết, cũng như là học một thứ tiếng ngoài vậy. y người Tàu với nhau còn vậy, huống chi là người Nhật Bản, người Việt Nam, hay là người Cao Ly, tuy cũng chịu văn hóa của Trung Quốc, và lấy chữ nho làm văn tự, như thâu nhập sang nước mình đã hầu thành như riêng của mình rồi. Thí dụ như hai chữ văn minh vốn là hai chữ nho, mà tiếng quan thoại Tàu đọc là wen-ming, tiếng tỉnh Quảng Đông bên Tàu đọc là men-min, không biết tiếng tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Vân Nam, Quí Châu v.v... hay là thường Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng là những đất phiêu ly của Tàu, còn đọc khác đi đến thế nào; đến tiếng Việt Nam ta thì đọc là văn minh mà tiếng Nhật Bản thì đọc là bunmei, Bấy nhiêu xứ chỉ chung nhau có hai cái hình chữ, còn thanh âm thì khác nhau biết dường nào. Hai cái hình đó giá cho là của Cao Ly, của Nhật Bản, của Việt Nam hay là của Mãn Châu cũng được. Chỉ vì nó xuất hiện ra trước nhất ở đất nước Tàu, chỉ vì ngày nay người Tàu dùng nó nhiều hơn cả, nên ta gọi nó là chữ “Tàu” mà thôi. Bởi thế cho nên nước nào xưa nay dùng thứ chữ đó cũng tự nhận là chữ của mình, mà thiệt dễ cũng là chữ của mình đến một nửa, vì mình viết nó có giống người mà mình nói nó ra giọng mình, người không hiểu được thế chẳng phải là của mình hay sao? Nói rút lại, chữ nho, nhất là chữ nho “cổ văn” ta học có thể cho là một thứ “tử văn”, nghĩa là một thứ chữ người ta không dùng để giao thông bằng lời nói được, vì nó không có thanh âm nhất định, mà chỉ học để tập luyện trí thức, để thấu hiểu các văn chương nghĩa lý của người đời trước để lại, văn chương nghĩa lý ấy là cái kho báu chung của một phần nhân loại. Tức cũng như văn Hi Lạp, văn La Mã bên Âu châu: văn Hi Lạp, văn La Mã cũng là “tử văn; ngày nay có còn ai nói tiếng Hi Lạp, tiếng La Mã như trong sách Homère hay sách Cicéron nữa đâu? Tiếng Grec, tiếng Italien ngày nay không có giống tiếng Hi Lạp La Mã đời xưa một chút nào. Các nước Âu châu xưa nay học chữ La Mã, chữ Hi Lạp, mượn hai thứ chữ ấy mà đặt tiếng mình, cũng tức như Việt Nam ta học chữ nho, mượn chữ nho mà đọc chữ nho ra âm vận Việt Nam vậy. Chỉ khác nước ta chịu văn hóa nho học lâu đời quá, nên tiếng Việt Nam đối với chữ nho có cái quan hệ mật thiết hơn là tiếng các nước Âu châu đối với ch Hi Lạp hay chữ La Mã. Các nước Âu châu không nước nào trong hai nghìn năm chỉ chuyên học chữ Hi Lạp hay chữ La Mã như nước ta chuyên học chữ nho vậy. Nhưng cái lý cũng như nhau. Vì nếu có nước nào như vậy, thì tình trạng quốc văn của nước ấy tất cũng không khác gì quốc văn ta bây giờ, nghĩa là không thể thoát ly văn tự cũ mà thành được.
Ngày nay những người phản đối chữ nho thường lấy hai cớ như sau này:
Một cớ là chữ nho là chữ của người Tàu, người Tàu trong bao nhiêu lâu đã áp chế dân mình, hiện nay vẫn còn tranh hết lợi quyền của người mình về đường buôn bán. Người Việt Nam nên ghét người Tàu mới phải, cớ chi lại học chữ Tàu, dùng chữ Tàu, để chịu lấy cái áp chế vô hình của người Tàu nữa? Người nào nói như vậy là lẫn việc văn tự với việc chính trị, việc kinh tế. Người Tàu xưa kia về đường chính trị đã áp chế ta nhiều, ta nên ghét là phải, nhưng sự ghét đó là thuộc về lịch sử, vì là việc cũ rồi; người Tàu ngày nay về đường kinh tế vẫn tranh cướp lợi quyền của ta nhiều, ta không ưa cũng là phải, nhưng không ưa thì phải làm thế nào, phải bày mưu lập kế thế nào mà tranh lại những quyền lợi đó mới được, chứ cứ nói ghét ngoài miệng thì có bổ ích gì? Còn như chữ nho là văn tự của Tàu thì hiện không có quan hệ gì đến chính trị kinh tế cả. Trên kia đã nói chữ nho là một thứ “tử văn” chung cho cả các nước Á Đông đã chịu văn hóa của nho học. Ta học chữ nho không phải là chịu quyền chuyên chế của người Tàu, tức cũng như người Âu châu học chữ Latin không phải là chịu quyền chuyên chế của người Ý Đại Lợi ngày nay. Ta học chữ nho mà thử mở quốc sử coi, biết bao nhiêu phen ta đánh Tàu siểng liểng, đuổi người Tàu ra ngoài bờ cõi nước nhà? Xét về vấn đề này phải phân biệt rõ ràng, không nên lẫn việc nọ với việc kia, mà làm cho rì trí.
Cớ thứ hai là nước ta trong hai nghìn năm theo đòi nho học của Tàu, mà đến đời nay, trước khi nước Pháp sang bảo hộ, thế nước yếu hèn như vậy, dân trí bán khai như vậy, phần nhiều là tại nho học. Nho học đã chẳng ra gì, mình còn nên đâm đầu vào học chữ nho làm gì nữa? Những người nào nói như thế thật là không có tư tưởng gì về lịch sử, và là bội bạc với tiền nhân. Không biết rằng nước mình được như ngày nay, đã từng có một cuộc lịch sử cũng lắm đoạn vẻ vang chẳng kém gì người, thật là nhờ nho học nhiều. Những bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, cao nhân, hiển vinh cho nước, bởi đâu mà làm nên sự nghiệp vĩ đại; bởi đâu mà dể lại tiếng thơm đời đời? Chẳng phải là nhờ nho học mấy đời hun đúc mới nên dư? Chẳng phải là nho học đã gây dựng ra gia đình, xã hội, quốc gia của ta dư? Chắc ngày nay nho học đã nhiều phần quá cũ rồi, không hợp thời nữa, nhưng cũ là về phần hình thức mà thôi, còn phần cốt cách tinh thần, còn cái gốc đạo đức của nho học thì cùng với núi sông mà sống mãi muôn đời; ta nên bỏ là bỏ phần hình thức phiền toái, còn phần cốt cách tinh túy phải giữ lấy, vì nước ta còn có mặt trên địa cầu là còn phải nhờ cái tinh thần cố hữu ấy mới sống được. Nhưng muốn giữ tinh thần ấy mà bỏ hẳn chữ nho là biểu hiệu của tinh thần ấy thì sao được ?
Xét cho cùng, cả câu chuyện về nho học, về quốc văn, về sự dùng chữ nho trong văn quốc ngữ, chỉ do một cớ như sau này: là nước ta không có quốc dân giáo dục, nghĩa là cái giáo dục chung của dân trong nước, ai cũng phải qua đấy rồi mới lên các bậc khác; qua đấy rồi tất thông thuộc tiếng nước mình, biết làm văn bằng lời mình, hiểu các lẽ cương thường luân lý của tổ tiên, tỏ các công việc lớn lao của đời trước, nghĩa là trước nhất đủ cái tư cách làm một người Việt Nam xứng đáng, bấy giờ mới học tiếng nưởc ngoài và thâu thái lấy những điều hay lẽ phải mình chưa biết. Hiện nay không có cái giáo dục chung cho cả quốc dân như vậy, thành ra người nào theo Tây học từ thủa nhỏ, tuy nhiều người học giỏi thành tài, mà hình như càng ngày càng cách biệt với quốc dân, lời ăn tiếng nói cho đến cách tư tưởng cảm giác không có gì là giống với người mình. Như vậy thì hiểu làm sao được những điều cốt yếu trong nước, hiểu làm sao được rằng nho học là cái học đã đào tạo ra người mình, quốc văn là cái văn nguồn gốc tự chữ nho, không thể bỏ chữ nho mà thành lập được? Ấy bởi người mình không có một cái gốc giáo dục chung nên mỗi ngày một phân lìa xa cách nhau, đối với một vấn đề quan trọng là vấn đề quốc văn mà mỗi người bàn một cách, mỗi người nghĩ một đường, cách biệt nhau như kẻ Việt người Tần vậy! Than ôi! Câu chuyện quốc văn cứ bình tĩnh mà xét tưởng không lấy gì làm khó cho lắm, mà vì phân lìa xa cách đó thành ra một vấn đề rất phiền phức, khó giải, khó là bởi mỗi phe đứng một phương diện, có mấy điều cốt yếu, có mây lẽ chính, không chịu công nhận trước, đã vội ra sức tranh biện, chắc không bao giờ đồng ý nhau được. Trước khi bàn về quốc văn, các nhà tân học phải hiểu rằng quốc văn không phải bỗng dưng mà thành được, không phải không nương tựa vào đâu mà dựng nên được, tất cũng như muôn vật đời phải có nguồn gốc tự đâu mà ra, và nguồn gốc ấy chính là Hán văn. Nay muốn ngăn nguồn bạt gốc đi thì mong sao cho thành lập được? Phải lấy bình tĩnh mà suy xét như vậy, không nên lấy cớ mình không biết chữ nho mà c đòi bỏ chữ nho đi cho tiện, thế sao gọi là nghị luận công bằng được ? Bàn thế là thiên về phương diện cá nhân, không phải là cách bàn chính đáng. Đã hay rằng hiện số người không biết chữ nho mỗi ngày một nhiều, nhưng không biết bởi quá theo thời mà quên gốc cũ, không thể cưỡng bắt quốc văn cũng vong bản được. Người vong bản không, thành nhân cách, văn lạc nguồn không thể thành văn. Người còn có thể như cái chong chóng, theo chiều gió mà xoay, văn tự một nước phải có cốt cách tinh thần, phải có tiếp trước nổi sau mới thành lập được. Đó là lẽ thực giữa đời, lẽ phải đương nhiên, ai cũng phải công nhận trước đã, rồi mới nên bàn về quốc văn.
Nay nói rằng chữ nho cần cho quốc văn, không phải là cầu cho người mình lại trở về cái cách học phiền toái đời xưa đâu. Cách học đó đã không thành kết quả tt trong bấy lâu, nay bỏ được là may lắm. Nhưng bỏ là bỏ cái phép dạy phép học quá cũ của đời xưa mà thôi, không phải là bỏ hẳn chữ nho mà không học nữa. Trong tập du ký Nam kỳ, tôi đã từng giải về lẽ đó. Tôi nói rằng: “Ngày nay cần phải biết chữ nho, không phải rằng phải học chữ nho như lối ngày xưa đâu, không phải rằng phải học cho làm được thơ, được phú, được văn sách, kinh nghĩa như xưa đâu; không phải rằng lại phải trở về cái lối học khoa cử phiền toái, khảo cứu tỉ mỉ như xưa đâu. Xưa học chữ nho là vì chữ nho mà học chữ nho, nay học chữ nho là vì quốc văn mà học chữ nho. Mục đích đã khác, phương pháp cũng phải khác. Xưa phải dùi mài kinh sử, nung nấu cổ văn, phí mất một phần đời người mới chiếm được một tên trên bảng vàng, mới được thanh danh nhà văn sĩ. Nay chỉ học cho đủ sự cần dùng về quốc gia mà thôi, chỉ học cho đủ hiểu hết một quyển Kim Vân Kiều hay một quyển Lục Vân Tiên mà thôi, thì tưởng cũng chẳng khó khăn gì. Trước trăm phần, nay không được một phần. Nhưng cái một phần ấy rất cần, không biết thì không thể nào cầm ngọn bút mà viết thành bài văn quốc ngữ được dầu tài giỏi khôn khéo đến đâu cũng không làm thế nào ra cái hơi văn Việt Nam được, vì cái hơi cái giọng ấy là tự mấy mươi đời truyền lại cho ta, không phải tự mình ta đặt lấy ra được. Cho nên những người nào đã quyết không cho văn quốc ngữ là cần, đành bỏ vào cái địa vị đào thảo, chỉ đợi đến ngày tiêu diệt cho xong, thì không nói làm chi, còn ai đã có bụng thương đến tiếng nước nhà, muốn gây dựng cho thành một nền quốc văn xứng đáng, thì không thể nào đoạn tuyt với cái cổ điển của ông cha được, mà cái cổ điển ấy, ngoài chữ nho không kiếm đâu cho thấy được”.
Vậy nay muốn cho quốc văn thành lập, người nước ta không thể bỏ chữ nho mà không học được. Phải nên bỏ cái lối học phiền, lối học cầu kỳ câu nệ đời xưa, nhưng chính chữ nho không nên bỏ, vì bỏ không được. Duy có không cần phải học nhiều như người trước, chỉ phải học vừa đủ cho biết những chữ cần dùng cùng những lề lối thường của Hán văn mà thôi, để lâm thời có thể mượn và dùng trong quốc văn, và khi đọc những thơ văn Nôm của người trước để lại có thể hiểu ngay được.
Cách học như vậy, tưởng không khó gì, chỉ dụng công trong vài năm là thông thông, đủ đọc được những sách thông thường bằng Hán văn. Vì như ở trên đã nói: ta học chữ Hán là vì quốc văn mà học, để giúp ích cho quốc văn, không phải là vì chữ Hán mà học như xưa nữa. Quốc văn là phần chính, chữ Hán là phần thuộc; quốc văn là cứu cánh, chữ Hán là phương tiện, nhưng là cái phương tiện rất cần, không có không được. Thế là đủ, không cần phải học hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét