|
Phạm Quỳnh
(Trích từ Thượng Chi văn tập)
|
Mới đây tôi có tiếp một cụ linh mục người quí
quốc, cụ là người rất am hiểu tiếng ta mà lại thông cả chữ Hán nữa. Nhân bàn về
văn quốc ngữ, tôi có phàn nàn với cụ rằng có nhiều người Pháp không chịu công
nhận tiếng Việt Nam, lại có ý phản đối, cho tiếng Việt Nam là không đủ dùng ở
đời này, không sớm thời muộn, tất có ngày tự nhiên phải tiêu diệt đi và sẽ bị
tiếng Pháp thế vào. Cụ đáp lại rằng: “Những
người nói thế là xét lầm. Văn quốc ngữ ngày nay đương tấn tới, rồi cũng có ngày
thành văn
chương hay được. Người ta cứ chê rằng văn quốc ngữ phải mượn nhiều chữ Tàu,
nhưng không hiểu rằng tiếng Việt Nam đối với chữ Hán thật là thuộc vào một cảnh
ngộ riêng, tưởng trong thế giới không có tiếng nước nào giống như thế. Chữ nho
mà đem dùng sang văn quốc ngữ
là tiện thị thành tiếng Việt Nam rồi. Ông có mượn chữ nước người, nhưng ông đọc
theo giọng ông, ông lại đặt vào giữa một câu tiếng Việt Nam, thời chữ ấy là hóa
theo Việt Nam rồi, còn gì là Tàu nữa? Đó là một sự rất tiện lợi cho cái quốc
văn mới của các ông, vì tiếng các ông nhờ mượn chữ Tàu, mỗi ngày một giàu thêm
ra, mà mượn chữ Tàu thời mượn bao nhiêu cũng có thể tiêu hóa được. Không kể
ngày nay nhiều người học tiếng Tây, một đôi khi cũng có thể mượn thêm chữ Tây
nữa. Như vậy thời văn quốc ngữ không bao lâu sẽ thành một nền quốc văn xứng
đáng”.
Tôi
bình sinh chỉ có một chút nhiệt thành, là nhiệt thành với chữ quốc ngữ, hết sức
trông mong về cái vận mệnh quốc văn ta sau này, thường nghe thiên hạ phẩm bình
về văn quốc ngữ, người khen thời hởi dạ, người chê thời đau lòng, dường như có
quan hệ đến công phu bấy lâu nay, sự nghiệp cả một đời. Vậy nghe lời cụ linh
mục là người đã nghiên cứu về tiếng ta và chữ nho thâm lắm, phán đoán mấy câu
như thế, thật lấy làm vui lòng. Nhưng thế thời quốc văn ta có cơ thành lập
được, không đến nỗi bị tiêu diệt như người ta nói. Mà nghĩ cho kỹ, tiêu diệt
làm sao được? Nước ta với nước Tàu là đồng chủng đồngg văn, người Tàu cai trị
ta trong hơn ngàn năm, văn hóa Tàu ta đổi theo, phong tục Tàu ta bắt chước, duy
tiếng ta ta nói, ta không nói tiếng Tàu; huống ngày nay nước Pháp sang bảo hộ
là lấy cái chính sách khoan dung đại độ mà mở mang gây dựng cho ta, hà tằng lại
có bụng muốn vùi rập phá hoại cái quốc túy của ta; không có lẽ đâu như thế! Đương khi ta còn túy tâm về Hán học, đương khi
những hàng thượng lưu trong nước còn mài miệt về chữ nho, nung kinh nấu sử, câu
phú câu thi, thời trong dân gian những kẻ làm ruộng hái dâu, cùng là đàn bà con
trẻ, nói năng với nhau bằng gì, lấy gi mà dạy bảo khuyên răn lẫn nhau, lấy gi
mà truyền cho nhau cái tâm thuật làm người, những mánh khóe ở đời, những điều
kinh nghiệm về việc làm ăn, những sự từng trải trong đường giao tế? Lại
những khi nhớ hão thương thầm, mối tình lai láng, thời lấy gi mà giãi tỏ chút
cảm thương, lòng tưởng nhớ! Con trai con gái, đời nào nước nào cũng biết dùng
lời hát giọng thơ mà tỏ cái lòng ham muốn cho nhau biết, vậy mà trừ những bậc khuê môn đài các có thể lấy văn
chương mà tự tỉ mình như Tư Mã Văn quân, còn những kẻ tầm thường vô học thời biết lấy gì mà bày tỏ nỗi lòng? Há
chẳng phải là cái tiếng quốc âm rất quí báu của ta dư? Há chẳng phải là những lời tục ngữ, câu ca dao, ta
thường nghe thấy trong dân gian, mà dẫu người học thức lắm khi cũng phải chịu
là hay, cũng không từ dùng đến? Há chẳng phải là cái văn chương truyền khẩu
kia, mẹ dạy cho con từ khi bú mớm, chồng nói với vợ những lúc đêm khuya, trai
gái ngâm vịnh với nhau những ngày hội hè vui vẻ hay là dưới bóng nguyệt tờ mờ!
Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không có sách nào biên chép, mà tôi dám
quyết là một thứ văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái
văn chương truyền khẩu giàu như nước ta.
Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không khỏi nôm na mách qué, song thật
có ý vị vô cùng, có thể nói bao nhiêu luân lý, học thức, mĩ thuật, văn từ phổ
thông trong dân gian là bao gồm chung đúc cả ở đấy.
Coi đó
thời biết giữa khi cái thế lực của Hán học còn đương lấn khắp hết cả, những
người trí thức trong nước không ai chịu luyện tập đến tiếng nôm mà tiếng nôm
còn sinh hoạt được mạnh như thế; huống bây giờ quốc dân đã biết hồi tỉnh lại mà
quí chuộng tiếng nước mình, thời cái quốc âm kia thể sao mà tiêu diệt đi được,
không những không tiêu diệt được, mà chắc càng tập luyện càng ngày càng hay mãi
ra, sau này cũng thành một nền văn học xứng đáng, chẳng kém gì người. Ngày nay ta chỉ cần gây lấy một thứ tiếng học vấn
mà thôi, nghĩa là một thứ tiếng để diễn dịch các học thuật tư tưởng mới, dùng
làm cái lợi khí để truyền bá văn minh tân thời trong quôc dân; còn cái tiếng
thông thường nhật dụng thời ta đã có rồi, đã có đủ dùng rồi. Thứ tiếng thông
thường ấy chính là những tục ngữ ca dao của ta đó.
Tôi
diễn thuyết bữa nay là định nói về tục ngữ ca dao nước ta, muốn chứng giải để
các ngài biết cái văn chương truyền khẩu ấy phong phú là dường nào, và tuy là
nôm na mà
không phải là không có một tinh thần riêng, không phải là không thể làm một cái
kho tài liệu cho quốc văn ta đương gây dựng bây giờ.
*
Tục ngữ
là gì? Ca dao là gì? Tục ngữ ca dao khác nhau thế nào? Những tiếng ấy tuy không ai là không hiểu, song cũng nên định
nghĩa cho rõ ràng.
Tục ngữ hay là ngạn ngữ là những câu nói thường,
hoặc vì cái thể nó gọn ghẽ dễ nhớ, hoặc vì cái ý nó phổ thông dễ hiểu, mà người
trong một nước ai ai cũng nói đến, truyền ở cửa miệng người ta, nhất là ở những nơi lý hạn, chốn dân gian. Vì ở miệng người bình
thường ít học mà ra, thực thà sỗ sàng, không có bóng bảy chải chuốt, nên gọi là
tục, chứ không phải tất nhiên là thô bỉ tục tằn.
Phương
ngôn là những câu tục ngữ riêng của từng địa phương, phương này thông dụng mà
phương kia ít dùng hoặc không biết. Lại cao hơn một từng nữa là những câu cách
ngôn: câu tục ngữ phương ngôn nào có ý nghĩa cao xa thời có thể gọi là cách
ngôn được, song cách ngôn lại là một thể riêng đã có triết lý văn chương rồi,
không phải là những câu tự nhiên truyền khẩu đi như phương ngôn cùng tục ngữ.
Nói tóm lại thời tục ngữ là những câu truyền khẩu
tự nhiên, hoặc chỉ những sự lý công nhiên dẫu người dân nào nước nào cũng cho
làm phải, hoặc chỉ những phong tục riêng của một nước.
Như
câu:
Ăn quả
nhớ kẻ trồng cây là một
câu tục ngữ có nghĩa chung; còn như câu:
Cao nấm
thì ấm mồ, là một câu tục ngữ có nghĩa riêng cho dân tộc
Việt Nam.
Cho nên người ta thường chia tục ngữ ra làm hai
loại: một là những tục ngữ có nghĩa chung, hai là những tục ngữ có nghĩa riêng. Song cách phân loại ấy cũng hàm hồ lắm, không đủ
phân biệt được các hạng tục ngữ. Lại có người thời cứ suy nghĩa từng câu mà
chia ra loại mục, thành ra chủng loại phiền phức, cũng khó lòng mà nhớ hết
được. Tôi thiết tưởng tục ngữ nhiều như rừng, vì cách ngôn
ngữ của người ta không biết đâu là bờ bến, và nhất là tiếng Việt Nam ta, không
có gì là không nói bằng phương ngôn tục ngữ được. Thành ra bao nhiêu cách
nói là bấy nhiêu câu tục ngữ, mà mỗi người lại nói ra một cách, mỗi câu lại
dùng ra một nghĩa, như thế thời phân loại làm sao cho khắp được? vẫn biết rằng
cố miễn cưỡng thời thế nào cũng xếp được, nhưng phân loại cốt để dễ tìm tòi,
nếu chia ra loại mục phiền phức quá thời còn có ích lợi chi. Theo ý riêng tôi
thời muốn biên tập các tục ngữ phương ngôn không thể lấy ý nghĩa mà phân loại
cho hết được, tất phải dùng đến cách giản dị làm như quyển tự điển xếp theo vần
Tây, nhưng không phải là xếp theo vần chữ đầu, phải xếp theo vần chữ chính
trong câu, câu nào có hai ba chữ nghĩa quan trọng như nhau thời xếp ra hai ba
vần thuộc về những chữ đó. Tỉ như câu:
Cõng
rắn cắn gà nhà
Nghĩa là đem người ngoài về hại nhà mình, nhưng cứ
lấy ý nghĩa mà phân loại, thời đặt về loại “phản bội”, hay là loại “khờ dại”,
hay là loại “hiểm độc”? Thiết tưởng đặt vào loại nào cũng không được ổn lắm,
bất nhược xếp vào vần rắn và
vần gà là tiện hơn cả.
Đó là
cách biên tập các tục ngữ. Nói về nghĩa lý các tục ngữ thời đại loại là những
lời ví von, những cách nói lối, những câu răn dạy, những giọng khen chê toàn là thuộc về thể “nói lối” cả.
Có thể nói phàm tục ngữ là những câu “nói lối” hết.
Tục ngữ
thường có một câu hay là hai câu đối nhau; nhưng cũng có nhiều khi thành hai
câu lục bát hay là song thất như lối thi ca thường. Khi nào như thế thời tục
ngữ đã nhất biến mà hầu thành ra ca dao rồi.
Như
những câu:
Chim
chích mà ghẹo bồ nông.
Đến khi
nó mổ lạy ông tôi chừa.
Mấy đời
bánh đúc có xương.
Mấy dời
dì ghẻ có thương con chồng!
Mồ côi
cha ăn cơm với cả
Mồ côi
mẹ liếm lá đầu chợ.
Của làm
ra, dể trên gác,
Của cờ
bạc, dể ngoài sân,
Của phù
vân, để ngoài ngõ.
Mấy câu
đó thời đã xa lối tục ngữ và gần thể ca dao rồi.
Nay ca dao là những bài hát nhỏ, từ hai câu trở lên, mà không bao giờ dài
lắm, giọng điệu tự nhiên, cũng do khẩu truyền mà thành ra phổ thông, trong dân
gian thường hát. Ca dao tức như những bài “quốc phong” trong kinh Thi, thường là lời ngâm vịnh về công
việc nhà quê hay là lời con trai con gái hát với nhau.
Cách
chế tác cũng phảng phất như các bài trong kinh Thi, và có thể chia ra ba thể; một là phú , hai là tỉ
, ba là hứng.
Ông Chu Tử trong bản chú thích kinh Thi giải ba thể như thế này: “Phàm nói rõ tên, kể rõ việc, thế gọi là phú. Dẫn vật để mà ví, thế gọi là tỉ. Tỉ là
lấy một vật này ví với một vật khác, mà cái việc định nói thường lại ở ngoài lời nói. Định nói việc gì,
nhưng giả đặt ra mấy câu để mượn đó mà tiếp tục, thế gọi là hứng. Hứng là mượn một vật để dẫn
khởi một việc mà cái việc ấy thường ở câu dưới”.
Như
câu:
Ai ôi,
chớ lấy học trò,
Dài
lưng tốn vải ăn no lại nằm!
Ngày
thì cắp sách đi rong,
Tối về
lại giữ đèn chong một mình!
Thế là
thể phú, vì nói thẳng đến việc,
không có quanh co. Như câu:
Vò vò mà
nuôi con nhện,
Ngày
sau nó lớn nó quện nhau đi.
Vò vò
ngồi khóc tỉ ti:
“Nhện
ơi, nhện hỡi! mày đi đường nào?”.
Thế là
thể tỉ, vì từ đầu chí cuối là
lời ví cả, mà cái ý tứ lại ở
ngoài lới nói. Như câu:
Giùi
trống thon thon,
Giùi
vàng quấn chỉ,
Anh
ngồi anh nghĩ,
Vuốt
bụng thở dài,
Thuyền
trúc nhớ mai,
Thuyền
phiên nhớ khách,
Ta nhớ
mình đây,
Như
bóng nhớ cây,
Ta nhớ
mình đây Như chim nhớ tổ,
Nay
chim vào lồng,
Biết
thủa nào ra?
Thế là
thể hứng, vì hai câu khơi mào “Giùi
trống thon thon, giùi vàng quấn chỉ” là hai câu giả thác, không có quan hệ gì
với dưới cả, chẳng qua là mượn đó mà lấy chỗ tiếp tục xuống cái bản ý ở dưới mà
thôi.
Thể hứng này là thể thông dụng nhất trong
các lối ca dao của ta. Như câu:
Quả cau
nho nhỏ,
Cái vỏ
vân vân
Nay anh
học gần,
Mai anh
học xa,
Anh lấy
em từ thủa mười ba,
Đến năm
mười tám em đà năm con,
Ra
đường thiếp hãy còn son,
Về nhà
thiếp đã năm con cùng chàng!
Hay là
câu:
Cái cò
trắng bạch như vôi,
Có ai
lấy lẽ bố tôi thì về,
Mẹ tôi
chẳng đánh chẳng chê,
Mài dao
cho sắc móc mề mà xem v.v...
Đều là
thuộc về thể hứng cả.
Các
ngài coi đó thời đã biết tục ngữ ca dao khác nhau thế nào,
một đàng là câu nói, một đàng là câu hát, hai đàng không thể lẫn được. Song
có nhiều câu đối như
trên kia đã nói, cho là tục ngữ cũng được, mà cho là ca dao cũng không phải là
không được, chỗ giao giới hai lối không được phân minh lắm, nhưng cũng chẳng hề gì. Như những câu:
Thế
gian chẳng ít thì nhiều,
Không
dưng ai có đặt điều cho ai.
Rồng
vàng tắm nước ao tù,
Người
khôn ở với người ngu nặng
mình.
Người
thanh tiếng nói cũng
thanh,
Chuông
kêu sẻ đánh bên thành cũng kêu.
Dễ dàng
là thói hồng nhan,
Càng
cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều...
Bấy
nhiêu câu thời cho là tục ngữ cũng có lẽ phải, vì là dùng giọng ca mà nói những
sự lý công nhiên. Đến như những câu:
Đố ai
quét sạch lá rừng,
Để ta
khuyên gió gió đừng rung cây.
Đố ai
lượm đá quăng trời,
Đan gầu
tát bể ghẹo người cung trăng.
Xin
chàng đọc sách ngâm thơ,
Dầu hao
thiếp rót đèn mờ thiếp khêu.
Thương
chồng thiếp phải lầm than,
Xưa nay
ai bắt việc quan đàn bà,
Chàng
ơi! Phải lính
thì đi,
Cửa nhà
đơn chiếc đã thì
có tôi...
Bấy
nhiêu câu thời chắc là câu ca, là vì hát những giọng tiêu dao cùng là tả những
tình tiết riêng cả.
Nhưng
hoặc có nhiều câu ý nghĩa không được rõ ràng như thế, mà cho là tục ngữ, hay là
ca dao cũng chẳng hề gi.
Trên
kia tôi có nói về cách biên tập
các tục ngữ theo vần Tây như lối làm tự điển, nhưng chắc các ngài cũng hiểu
rằng cách ấy dùng về ca dao thời không được. Muốn xếp đặt ca dao thời phải suy
nghĩa mà phân loại; làm thế không sợ phiền như tục ngữ vì ca dao thường thành
bài, có ý tứ quán thông, xếp ra tiết mục cũng dễ. Ông Đoàn Duy Bình năm xưa có
chép tập Gương Phong tục đăng
trong Đông Dương tạp chí cũng
suy nghĩa mà phân loại các câu ca dao như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét