Khiemnguyen

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh và phong cách báo chí Ngô Tất Tố



1. Đôi nét về diện mạo báo chí và tình hình sử dụng tiểu phm trên báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Bước vào thế kỷ XX, Việt Nam có khoảng 10 tờ báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp và chữ Hán. Trong những năm đầu thế kỷ như đã nói báo chí do người Pháp làm chủ bởi luật pháp thời thuộc địa bấy giờ không cho người bản xứ làm báo. Tuy nhiên như quy luật phát triển, dần dà cũng có những tờ báo “lách luật” để có những cú lội ngược dòng trong sự “bóp cổ” báo chí bản địa của chính quyền thực dân. Đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã dần định hình một nền Báo chí Việt Nam. Bên cạnh những tờ báo thời sự chính trị xã hội, đã có báo chí văn hóa văn nghệ, báo chí kinh tế, báo chuyên ngành, chuyên giới.
Chiếm dòng chủ lưu trong báo chí thời gian này là những cơ quan chuyên lo việc tuyên truyền, tô điểm cho chế độ thực dân, kêu gọi nhân dân hợp tác với nhà cầm quyền. Những tiếng nói phản kháng tuy đã có cất lên song vẫn còn rất yếu ớt và luôn luôn bị bóp nghẹt. Tuy nhiên những tiếng nói này lại biểu thị một ý thức dân tộc đang tự khẳng định qua những khuynh hướng yêu nước thương nòi, đòi quyền dân chủ, lên án chế độ cai trị hà khắc và bất công xã hội... Đó là tín hiệu báo trước sự xuất hiện tất yếu của một nền báo chí cách mạng.
Nói cách khác, lịch sử đòi hỏi và đã hội đủ những tiền đề cho sự ra đời một tờ báo cách mạng. Nhưng tờ báo ấy chỉ có thể thực hiện và lưu hành bí mật. Đó chính là điều Nguyễn Ái Quốc đã rút ra khi Người sáng lập báo Thanh Niên, số 1 ra ngày 21/6/1925 và từ nước ngoài đưa về lưu hành bí mật trong nước.
Trở về nước để chỉ đạo cách mạng sau bao nhiêu năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sáng lập tờ Việt Nam Độc lập với mục đích Kêu gọi nhân dân trẻ với già - Đoàn kết vững bền như khối sắt - Để cùng nhau cứu nước Nam ta.
Với sự ra đời của báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh (số 1 ra ngày 25/1/1942); của tờ Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động của Đảng (ngày 10/10/1942), của Tạp chí Cộng sản chuyên về lý luận cùng với nhiều tờ báo khác ở các địa phương hoặc của các đoàn thể, báo chí càng mạnh mẽ dấn thân vào tiến trình cách mạng.
2. Phong cách tiểu phẩm Hồ Chí Minh
a). Về sự nghiệp báo chí cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh có thể nói gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Người. Hoạt động báo chí không tách rời hoạt động cách mạng và hu hết các tác phẩm báo chí, hoạt động báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài mục đích phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Chính Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
a). Sự độc đáo trong phong cách tiểu phẩm Hồ Chí Minh
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhận mình là một cây bút tiểu phẩm. Trong kho tàng báo chí đồ sộ của Người, thể loại tiểu phẩm chiếm số lượng nhiều hơn cả. Chỉ riêng trên báo Nhân dân từ năm 1950 đến năm 1969 đã có 1200 tác phẩm báo chí thuộc thể loại tiểu phẩm. Trong các tiểu phẩm của mình, Người chủ yếu tập trung vào chủ đề vạch rõ tội ác của bọn thực dân. Qua ngòi bút linh động của Người, bộ mặt chủ nghĩa thực dân đế quốc và chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn chủ nghĩa đế quốc đã hiện lên với tất cả tội ác, sự dã man đối với xứ thuộc địa nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.
Trên bình diện nội dung của các tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh, chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn khác nhau là giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và giai đoạn sau cách mạng.
Một điều đáng chú ý trong giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp. Sự thâm nhập của ngôn ngữ và văn hóa Pháp đã tạo nên tính hài, tính châm biếm trí tuệ như một nét đặc thù của tính cách Pháp. Cũng vậy mà các tiểu phẩm của Người trong giai đoạn này rất đáng được nghiên cứu.
Sau Cách mạng tháng 8, Người vẫn tiếp tục quan tâm tới công tác báo chí, cả viết báo lẫn quản lý báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đều đặn viết cho các báo Sự thật, Nhân dân, Cứu quốc... Nội dung tiểu phẩm trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào giáo dục đạo đức cán bộ, phê phán những thói hư tật xấu vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ. Cạnh đó tiểu phẩm Hồ Chí Minh tiếp tục vạch trần âm mưu, tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Sau Cách mạng tháng 8, tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh có thể nói tập trung vào hai mảng chính là tiểu phẩm tuyên truyền giáo dục và tiểu phẩm chính trị.
b). Độc đáo ở việc vân dung sáng tạo các thủ pháp của nghệ thuât sáng tác văn hoc vào tiểu phẩm.
Bước ra khỏi những khuôn mẫu để có những sự phá cách, “xé rào” là những điều làm nên sự sáng tạo trong viết tiểu phẩm. Sự sáng tạo ấy lại đuợc chắp cánh khi tìm ra một hình thức thể hiện hiệu quả nhất dù nó là văn học hay báo chí chính luận.
Nguyễn Ái Quốc trong tiểu phẩm đã vận dụng một cách sáng tạo các thủ pháp và phương tiện nghệ thuật của sáng tác văn học. Điều này bộc lộ rõ ở hai khía cạnh chính, đó là mạch nguồn và của văn học dân gian và sự “xâm lấn thể loại” theo cách gọi của PGS.TS Phạm Thành Hưng. Chúng ta dễ dàng tìm thấy tính chất điển tích, điển cố - một tập quán của văn học Việt Nam trong sáng tạo tiểu phẩm của Người. Vậy nên tiếng cười của tiểu phẩm học và văn hóa dân gian.
c). Độc đáo trong sử dụng ngôn từ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một nhà văn hóa và là một con người có tri thức uyên thâm, cả về Hán học và tri thức Tây học. Vậy nhưng trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong các tác phẩm tiểu phẩm thì ngôn ngữ không được dung như một sự “khoe mẽ” kiến thức, mà nó đã được chuyển hóa thành “Ngôn ngữ bình dân” một cách giản dị, dễ hiểu với vốn từ Việt nôm na được dung một cách đúng hoàn cảnh. Sử dụng ngôn ngữ bình dân là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy trong phong cách tiểu phẩm Hồ Chí Minh. Nếu làm một phép thống kê thông thường thì trong hầu hết các tiểu phẩm của Bác, tần suất xuất hiện lớp ngôn ngữ “nôm na, dân giã” này rất cao, kể cả trong những tiểu phẩm chính trị.
Cạnh đó ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ khẩu ngữ không chỉ được sử dụng ở tần suất cao mà sử dụng một cách hết sức sáng tạo với những kết nối ngôn từ linh động, thông minh và vô cùng bất ngờ. Sự xuất hiện các động từ như “láo” kết hợp với các tính từ để nâng mức độ, cấp độ bản chất lên nhiều lần như “láo toét”, “láo xược”... để vạch trần những âm mưu của kẻ thù.
Việc phiên âm tiếng nước ngoài, đặc biệt là phiên âm tên người, nhất là tên giới cầm quyền một cách cố ý theo dụng ý châm biếm cũng là một đặc điểm sáng tạo trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Hồ Chí Minh. Chẳng hạn tổng thống Mỹ Ai- xen- hao được Bác rút gọn lại là “Tổng Ai”, rất ít khi Bác gọi đầy đủ là Tổng thống, mà chỉ gọi là “tổng” với cái tên phiên âm có dụng ý mai mỉa phía sau như một bổ ngữ. Chẳng hạn “Mấy lời thành thật ngỏ cùng tổng Ai”. Ai ở đây chính là Ai-xen- hao nhưng bởi tính đa nghĩa của từ tiếng Việt sau khi phiên âm, “Ai” cũng có thể hiểu “xiên xẹo” là “bi ai” buồn phiền, khổ não, và “Ai” cũng là một đại từ nghi vẫn hỏi người. Nixơn phó tổng thống Mỹ thì bị lược lại thành “Nix” trong tiểu phẩm “Gửi Mr. Nixơn, phó tổng thống Mỹ”. Dòng mở đầu là một câu văn “dở tây dở ta” rất gây ấn tượng: “Alo. Mr Nix! You đến Sài Gòn với mục đích gì?”…
Nghệ thuật chơi chữ cũng là một nét tài hoa trong phong cách tiểu phẩm Hồ Chí Minh. Đó là việc tạo ra sự tương phản giữa các từ đồng âm khác nghĩa, là sự kết hợp các tổ hợp từ, là việc phiên âm tiếng nước ngoài. tất cả đều xuất hiện một cách cố ý, dày đặc trong khối lượng tiểu phẩm độ sộ của Người.
d). Độc đáo trong cách rút tít cho tiểu phâm.
Với một trình độ điêu luyện Người đã rất chú ý đến nghệ thuật đặt tít cho các tác phẩm tiểu phẩm của mình. Đa phần những tít báo của Bác ở thể loại tiểu phẩm đều rất ngắn gọn súc tích chứa đựng một lượng thông tin tối đa mà vẫn hấp dẫn bạn đọc bởi sự bất ngờ, duyên dáng của nó. Nhiều nhà nghiên cứu thống kê trung bình tít mỗi bài tiểu phẩm của Bác chỉ bao gồm bốn từ, có tít chỉ vọn vẹn một từ, cá biệt trường hợp bẩy đến tám từ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giật tít thường tìm những phương tiện từ vựng, ngữ pháp thích hợp nhất nhằm tiết kiệm lời và tăng lượng thông tin cho bài.
Đó là tạo sự cân xứng, đối lập trong mệnh đề. Chẳng hạn có tít bài Người viết: “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” (Nhân dân số 194 từ ngày 13 đến 15/6/1954); “Mỹ thú Mỹ thua” (Nhân dân ngày 1/2/1956). Đôi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cả nối nói tắt trong hội thoại: “Mỹ thua to, Xô thắng lợi”, “Tổng Ken dại dột”. Một sự sáng tạo khác trong cách giật tít của Bác là sự chơi chữ tương phản trong cùng một tít báo. Hình thích đặt hai tự điệp âm, láy âm gần nhau cũng là một trong những ví dụ đáng quan tâm. Chẳng hạn như: “Xa lăng xa lù” (Nhân dân 20/3/1952)- “xa lù” là phiên âm tiếng Pháp có hàm nghĩa mắng chửi. “Đế quốc Mỹ bi và bí” (Nhân dân 29/12/1957).
3. Tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố.
a). Sơ lược tiểu sử tác giả Ngô Tất Tố.
Ngô Tất Tố, sinh năm 1894 tại quê gốc: làng Lộc Hà, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước cách mạng, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn; từng công tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội Tân văn, Thực nghiệp, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Việt Nữ, Tiểu thuyết thứ ba...
Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia ủy ban Giải phóng xã (Lộc Hà). Năm 1946: Gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngô Tất Tố mất ngày 20/4/1954 (tức 18/3 năm Giáp Ngọ) tại Yên Thế, Bắc Giang.
Ngô Tất Tố có một khối lượng các tác phẩm khá đồ sộ bao gồm các tác phẩm đã xuất bản, nhà văn đã được nhận hai giải thưởng trong giải thưởng văn nghệ 1949-1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam: Giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác). Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, 1996).
b). Ngô Tất Tố nghề văn và nghiệp báo.
Đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố là ông viết nhiều thể loại, trong đó tiểu phẩm báo chí và phóng sự là hai thể loại nổi tiếng nhất của ông. Ông phụ trách nhiều chuyên mục của nhiều tờ báo hằng ngày và hằng tuần. Chuyên mục nào ông cũng nêu rõ chủ trương về nội dung và hình thức để các cộng tác viên theo đó mà tham gia viết bài cho chuyên mục.
Là một nhà văn, một người có vốn Hán học uyên thâm và cũng biết chữ Pháp cũng như uyên thâm về văn hóa nên tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố cũng rất giàu tính văn học và sử dụng các thủ pháp văn học một cách nhuẫn nhuyễn để tạo tính hấp dẫn và sức thuyết phục cho các tác phẩm tiểu phẩm.
c). Nội dung tiểu phm báo chí Ngô Tất Tố
Dù ở giai đoạn nào thì tiểu phẩm Ngô Tất Tố cũng là một bức trang tổng thể, rộng lớn phản ánh chân thực cảnh sống khốn cùng của những người nông dân ở các vùng nông thôn, vạch rõ những tai ương, những bất công ngang trái của chế độ thực dân phong kiến ở nước ta những năm trước cách mạng tháng 8.
Ngô Tất Tố ngay từ đầu những năm 30 đã đứng vững trên lập trường chủ nghĩa hiện thực phê phán để phản ánh thực trạng cuộc sống nên tiểu phẩm của ông giàu tính hiện thực, luôn gắn bó với quần chúng nhân dân lao động. Vì vậy bên cạnh việc lên án một cách mạnh mẽ, kết tội bè lũ thực dân cướp nước cùng bọn vua quan phong kiến bán nước, Ngô Tất Tố còn dành nhiều tâm huyết trong các tiểu phẩm phản ánh về nối thống khổ của các tầng lớp nông dân lao động ở thôn quê đang bị bao vây bởi những hủ tục lạc hậu cùng với các thủ đoạn bóc lột tàn ác của giai cấp thống trị. Từ đó ông lên tiếng mạnh mẽ và tìm cách bênh vực quyền lợi cho họ.
d). Những đặc trưng và sự sáng tạo trong tiểu phm Ngô Tất Tố.
+ Sử dụng có hiệu quả bút pháp trào phúng, châm biếm.
Với Ngô Tất Tố là giọng điệu trào phúng thâm thúy sâu cay vừa có tính triết lý vừa là những suy nghĩ về thói đời ngang trái và chỉ ra hàng chục, hàng trăm thứ dởm đời khôi hài ở bọn cầm quyền, lừa đảo, trọng phú.
Ngòi bút châm biếm của Ngô Tất Tố còn có nhiều giọng điệu khác nhau. Lúc thì tấn công trực diện, lúc thì vận dụng cách nói gián tiếp mỉa mai sây cay những mặt trái, bất công trong đời sống xã hội.
+ Sự độc đáo về việc sử dụng giai thoại, điển tích trong tiểu phâm
Một trong những yếu tố tiếp nhận ảnh hưởng từ văn học vào các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố là tính chất giai thoại, điển tích trong các tiểu phẩm. Ngô Tất Tố thường sử dụng điển tích từ kho tàng tri thức Hán học để vận dụng một cách linh động vào các trường hợp hoàn cảnh khác nhau để qua đó làm sáng tỏ các sự kiện và tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho sự kiện.
+ Nghệ thuật sử dung ngôn từ trong tiểu phẩm Ngô Tất Tố
Đầu tiên phải kể đến sự khéo léo, tài tình trong nghệ thuật đặt tít. Hàng loạt những tít cho tiểu phẩm như “Đã dại thì thôi định hùn ai”, “Vừa chạy vừa quay cổ lại, vừa quay cổ lại”, “Mạ lại tin tức”, “Ai bảo quan sĩ xứ mình không gan”, “Đại hiền nói dối”, “Có mà kiện lên thiên đình”, “Đen đỏ đỏ đen”, “Ngắn hai dài một”, “Hitle và con gà mái Biên Hà”, “Còn chờ gì nữa mà chưa giải tán Hội dân biểu, trò nhố nhăng” .
Ngôn ngữ tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đã kết hợp được nét sắc nhọn mạnh mẽ của ngôn ngữ báo chí với chất thâm thí, nhuần nhị, hàm súc của ngôn ngữ văn chương. Ngôn ngữ tiểu phẩm Ngô Tất Tố không chỉ biểu đạt những ý tưởng một cách thông thường mà còn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và kiến trúc nội dung trong tiểu phẩm.
Ngôn ngữ tiểu phẩm Ngô Tất Tố là một sự kết hợp đầy ngẫu hứng của một con người đầy trải nghiệm vốn kiến thức phong phú của Hán học, văn học dân gian và cả ngôn ngữ hiện đại. Vậy nên sự diễn đạt trong các tiểu phẩm gần như không có sự lặp lại của một cấu trúc văn bản và ngôn từ có tính khuôn mẫu. Chỉ có điều trong cách giật tít, mặc dầu hấp dẫn những các âm tiết hơi nhiều. Tít tiểu phẩm của Ngô Tất Tố chủ yếu từ 4 tâm tiết trở lên, có tiểu phẩm dài đến 12 âm tiết như : “Nếu vậy thì Ích hữu ái quốc thư xã lâu rồi” in trên báo Đông phương năm 1931.
Trong việc sử dụng từ ngữ, ngoài sự điềm đạm của một người có kiến thức và văn hóa, đôi lúc ta còn thấy Ngô Tất Tố còn sử dụng “ngoa ngôn” theo đúng nghĩa đen để bày tỏ những cung bậc tình cảm qúa sức chịu đựng trước những thói đời giả dối. Lúc này sự “điềm đạm” tạm nhường chỗ cho những ngôn từ hơi “cay độc” , “ngoa ngoắt” nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo” khi “vận” vào những tình huống phải buộc phải chửi như thế mới đau.
Ngôn ngữ của Ngô Tất Tố không có tính ám chí, mà đã chửi ai, đánh ai là.đánh trực diện, đánh đích danh. Đây không đơn thuần chỉ là một cách diễn đạt, mà ngôn ngữ sử dụng đã thể hiện bản lĩnh, chất kiêu hàng của người làm báo. Và theo cách này thì ngôn ngữ đã là một phần không thể thiếu góp phần quan trọng kiến tạo nên chất tiểu phẩm, tính chiến đấu trong nội dung tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố.
Trên bình diện đặc trưng, cấu trúc và nghệ thuật viết tiểu phẩm của nhà báo Ngô Tất Tố chúng ta còn thấy sử dụng các thủ pháp đặc trưng khác như tính tự sự của văn học. Mỗi một tiểu phẩm có cấu trúc chặt chẽ, có nhân vật, có hình tuyến, có cả hoàn cảnh điển hình trong một không gian và thời gian thực và ảo. Tất cả những điều nói trên đã tạo thành một phong cách tiểu phẩm khó lẫn vào ai và tạo dựng nên một tên tuổi Ngô Tất Tố trong dòng chảy của lịch sử báo chí Việt Nam. Một tên tuổi tiểu phẩm hang đầu của thế kỷ XX không dễ gì có sự thay thế.
*
Tiểu phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc và Ngô Tất Tố trong thế kỷ XX, đặc biệt là những năm đầu thế kỷ có thể nói là một bộ phận chuẩn mực về thể loại của nền báo chí Việt Nam. Đây là những quả bom tấn trên mặt trận văn hóa tư tưởng tấn công trực diện và có hiệu quả vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai bán nước. Cùng với đó là tiếng nói đấu tranh cho những bất công ngang trái trong xã hội để bảo vệ và đứng về những người dân lương thiện bị áp bức bót lột. Không chỉ chuẩn mực trên bình diện nội dung mà hình thức tác phẩm và nghệ thuật viết tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc và Ngô Tất Tố cũng đạt đến độ chuẩn mực bằng tất cả sự độc đáo từ kết cấu, nghệ thuật đặt tít, dùng từ đến việc vận dụng nhuần nhuyễn các thủ pháp văn học khác trong sáng tạo tiểu phẩm báo chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét