Nhớ
mới rồi trong tờ báo tây nọ có một bài nói về nghề làm báo, đem nghề viết báo
mà so sánh với nghề làm bếp. Đại ý nói rằng : Người đầu bếp nấu những món ăn ra
thì người ta ăn liền, cũng như nhà viết báo viết bài báo ra rồi người ta đọc
liền. Ăn ngon thì người ta chỉ khen món ăn ngon, chớ ít khi khen đến người đầu
bếp ; còn bài báo hay thì người ta thường tìm cho ra người nào viết đặng cho
biết mà khen người ấy. Dầu vậy, hai nghề cũng bạc bẽo như nhau, ăn rồi thì món
ăn tiêu ra phân ; đọc rồi thì tờ báo dùng để gói đồ hoặc đến làm chi nữa!
Tôi thì tôi sánh nghề viết báo cũng như
nghề cầm lái xe hơi. Vậy ký giả các báo quán chẳng khác nào mấy bác sốp phơ.
Sốp phơ chạy đường trường, muốn chạy mấy
thì chạy còn chạy trong thành phố mỗi giờ 20 cây số có chừng, cũng như ký giả
nầy viết những bài trường muốn viết mấy thì viết, còn viết “Câu chuyện hằng
ngày” thì cứ mỗi bữa là một cột có chừng.
Xe họ đương cầm lái mà mình cầm thử
chơi, có xảy ra chuyện chi họ chịu ; cũng như bài họ viết mà mình ký tên chơi,
có xảy ra chuyện chi mình chịu.
Ông sốp phơ nào, khi
say rượu hoặc ngủ gục để cho xe cán chết người thì phải bị kiện, đem ra Tòa ;
cũng như ông ký giả nào, khi cao hứng viết bài chửi người ta, làm mất danh giá
họ, thì cũng bị kiện, đem ra Tòa.
Nhưng nghề viết báo
có chỗ dễ thở hơn, là, hoặc có lỗi lầm thì đính chánh được ; còn sốp phơ cán
chết người thì có “đính chánh” mấy cũng không sống lại.
Bởi vậy làm sốp phơ
có danh giá hơn làm ký giả. Chẳng có ông sốp phơ nào là không có bằng cấp sốp phơ
; còn ký giả, chẳng có ông nào có bằng cấp gì hết, song cũng làm nhầu đi[1].
Hai cái nghề nó tương
thông với nhau, cho nên hễ làm sốp phơ được thì làm ký giả được mà làm ký giả
được thì làm sốp phơ được.
Vậy nên có người xưa
kia là ký giả mà bây giờ lại làm đến thầy sốp
phơ. Mà cũng có kẻ xưa kia là sốp phơ, bây giờ lại thành ra ký giả.
Nhưng miễn là đặng
việc, chớ cũng chẳng hại gì.
Tân Việt
(Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo năm 1929)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét