Khiemnguyen

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Nghệ thuật thể hiện tư tưởng Lão Trang trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (phần 2)



Ngô thị Thu Thủy



II. Điển cố và các hình tượng nghệ thuật trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” .
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người làm thơ Đường luật thành thạo, nhiều bài thơ của ông đã đạt đến độ tinh xảo, hoàn mỹ cả về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật. Ông tuân thủ khá chặt chẽ những quy ước nghệ thuật trung đại và cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm về tính bác học của văn chương như là thước đo tài năng thơ ca vốn rất phổ biến thời kỳ phong kiến. Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, một mặt buông thả cho tứ thơ bay bổng tự nhiên, mặt khác Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rất đề cao các nguyên tắc cơ bản của thơ cổ điển : ít lời nhiều ý, hàm súc cô đọng. Vì vậy, việc lựa chọn sử dụng điển cố và xây dựng hình tượng nghệ thuật rất được Nguyễn Bỉnh Khiêm chú trọng.
Những điển cố và hình tượng nghệ thuật là nơi gửi gắm, dồn nén những ý tưởng, tình cảm sâu sắc của nhà thơ. Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” ta có thể nhận thấy một số lượng rất lớn những điển cố và hình tượng nghệ thuật được tác giả sử dụng như là những phương tiện để biểu đạt tư tưởng, phong cách sống Lão Trang .
1. Điển cố trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
Điển cố là một kho tàng quý báu của một nền văn hoá. Đó có thể là những hình ảnh sinh động của sự tích lịch sử, là kinh nghiệm quý báu được tích luỹ từ cuộc sống của cha ông hay có thể là phẩm chất, trí tuệ phong phú của người xưa. Điển cố chính là những chuyện xưa tích cũ được tác giả dùng làm phương tiện diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc.
Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã định nghĩa điển cố:
“Điển cố (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một câu có ám chỉ đến một việc cũ, một tích xưa khiến cho người đọc sách phải nhớ đến việc ấy mới hiểu ý nghĩa và cái lý thú của câu văn”[4;68].
Vì lẽ đó, nhà nho xưa thường lấy tích cũ để diễn tả cái ý tình của mình như là một kỹ thuật hành văn, làm thơ. Đối với luật thi, trong khuôn khổ hạn hẹp của số câu số chữ, nhà thơ xưa đã tận dụng những tinh hoa kinh sử mẫu mực để dồn nén tư tưởng, ý tình. Bởi thế, điển cố trong văn học không đơn thuần là biện pháp tu từ mà còn là dạng thức độc đáo để xây dựng hình tượng trong thơ. Điển cố do đó không chỉ có giá trị nhận thức mà còn rất giàu biểu cảm. Với tính sinh động và đa nghĩa, điển cố có thể giúp người đọc nhận thức được vấn đề một cách sâu sắc hơn.
Mặt khác, thói quen tư duy tổng hợp và tâm lý sùng bái cổ xưa của người phương Đông đã dẫn tới nhu cầu mô phỏng những mẫu mực đã có, lấy cái cổ xưa làm chuẩn mực để so sánh.
Đối với một người làm thơ luật tài năng như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì việc dùng điển cố đã trở thành thói quen, cộng với quan niệm trong sáng tác và cảm thụ văn học nói chung, việc vận dụng điển cố đã trở thành nguyên tắc làm thơ của ông.
Có thể thấy trong Bạch Vân quốc ngữ thi, số lượng điển tích điển cố trích rút từ thánh điển Đạo gia không nhiều nhưng có khả năng biểu thị chiều sâu tư tưởng trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm rất sâu sắc. Khi thi nhân buông một tiếng thở dài than thở thời gian trôi đi quá nhanh, ông đã sử dụng cách nói của Trang Tử với điển “Bạch câu quá khích”:
“Tuổi đã ngoại tám mươi già
Thoắt thoắt xem bằng bóng ngựa qua
(Bài 16)
Sử dụng điển cố trong “Nam Hoa kinh”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn một cách nói ngắn gọn mà bóng bẩy về thời gian. Bóng ngựa lướt qua khe cửa là hình ảnh sinh động và giàu cảm xúc nhất mà thi nhân đã lựa chọn. Đó là sự lựa chọn trong tâm thế của một ông nhàn thảnh thơi chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong một ngày nhàn. Sở dĩ ông không chọn cách nói nào khác ngoài cách nói của Lão Trang là bởi vì trong ý thức về thời gian của một lão nhân ngoài tám mươi tuổi, cuộc đời trôi nhanh tựa mộng ảo; và vì thấm nhuần lẽ đạo “vô vi” mà lão nhân ấy có được cái nhìn bình thản như thế trước dòng chảy cuả thời gian.
Hay khi nhắc nhở con cháu về lẽ sống ở đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn lựa cách nói của Lão Tử, đó là điển “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” trong “Đạo đức kinh”:
“Đạo trời lồng lộng chẳng nào sai”
(Bài 27)
“Tội trời khôn thể trốn đâu nào”
(Bài 86)
Cái “Đạo trời” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói tới ở đây chính là đại đạo tự nhiên bất di bất dịch, là tạo hóa bất khả xâm phạm, chỉ có thể tuân theo, không thể làm trái. Thuận theo quy luật tự nhiên ấy mà sống thì mọi việc sẽ thuận lợi; nhưng nếu can thiệp, xâm phạm cái lẽ đạo ấy thì khó tránh khỏi thất bại, bởi “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”.
Tư tưởng Lão Trang trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” bộc lộ một cách rõ nét ở một câu thơ có thể nói là đã tỏ rõ phẩm chất bậc quân tử ở Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
(Bài 79)
Danh lợi, phú quý nói riêng, cuộc đời nói chung đối với Đạo gia chỉ như mộng ảo, phù vân. Câu thơ này nhắc ta nhớ đến giấc hồ điệp của Trang sinh: một lần Trang nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy mơ hồ tự hỏi mình không biết mình hóa bướm hay bướm đã hóa mình? Câu chuyện chỉ ngụ một ý: hư thực cuộc đời khó mà phân định; xét cho cùng người sống ở đời chỉ là một tồn tại tạm thời, phù du bởi cuộc đời chỉ là giấc mộng mà thôi. Đó là tinh thần tiêu dao, tự do tự tại của Lão Trang mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp nhận để sống ung dung, nhàn tản, không coi trọng lợi danh, phú quý ở đời.
Lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm phong kiến trải bao thăng rồi trầm khiến cho nhiều lúc Nho học mất địa vị độc tôn. Trong những giai đoạn suy thoái của các vương triều, nhiều nho sĩ không thực hiện được lý tưởng hành đạo của mình, đã quay lưng lại với con đường lập danh, bỏ chốn tường đào cửa mận để tìm đến Lão Trang như là một con đường giải thoát, cân bằng tâm thế. Vì lẽ đó, đã xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, lẫy lừng tên tuổi cả trong lịch sử lẫn văn học khi đi theo con đường mà Lão Đam, Trang Chu, Dương Chu đã chọn. Con đường xử thế, tàng thân của họ đã đi vào thơ ca và trở nên những tấm gương báu cho người đời sau học tập. Họ là những Tô Đông Pha, Khương Tử Nha, Nghiêm Quang, Lâm Bô, Đào Tiềm. . . gắn liền với những địa danh đã trở thành điển cố: Thạch Bàn, Ải Bắc, ngòi Đông, Phú Xuân, Đồng Giang. . .
Cũng giống như nhiều nhà thơ cổ điển khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường hướng về những tấm gương phẩm tiết của người xưa mà ngưỡng vọng, ngợi ca. Đưa những điển cố ấy vào thơ là một phương thức thi nhân bày tỏ sự sùng kính của mình đối với các nhân vật ấy. Quan trọng hơn, đó còn là cách để nhà thơ “tỏ chí”, muốn theo gương người đi trước.
Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, lớp điển cố này được sử dụng vô cùng phong phú, trước hết là với mục đích tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc tiết kiệm lời và đảm bảo khuôn khổ câu cú, niêm luật. Trong tập thơ đã có những câu thơ chỉ nhắc đôi từ trong các điển xưa mà vẫn thể hiện một tư tưởng bay bổng, phóng khoáng và mạnh mẽ:
“Gẫm ấy ai phù vạc Hán
Đồng giang rủ một tơ câu”
(Bài 31)
“Tây Hồ thuyền nổi hoa mai bạc
Bắc ải cầm xoang vựng nguyệt thanh”
(Bài 17)
Năm Hồ có khách thênh thuyền mọn
Chờ nguyệt đêm thanh hé bóng mai”
(Bài 20)
Đối với nhà nho trung đại, làm thơ “ngôn chí” thì không thể không nhắc đến những nhân vật đã nêu gương phẩm tiết thưở xưa. Khi nhắc đến những nhân cách sáng ngời, những phẩm cách bậc trượng phu thưở trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn muốn lấy mẫu mực đạo đức người xưa để noi gương, bắt chước và tự chiêm nghiệm lại mình. Những nhân vật được ông nhắc đến nhiều nhất trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” là Khương Tử Nha với các điển “Ngòi Đông”, “Bàn Thạch”; là Nghiêm Tử Lăng với các điển “Đồng Giang”, “Phú Xuân”; là Hứa Do, Sào Phủ với điển “Bầu Cơ Sơn”; Lâm Bô, Đào Tiềm với điển “Tây Hồ, Ải Bắc”, Phạm Lãi với điển “Ngũ Hồ”. . Đây đều là những con người lừng lẫy, những địa danh tiếng tăm gắn với những câu chuyện bỏ triều quan đi ẩn dật, tỏ với đời phẩm chất cao khiết, khí tiết thanh cao, không màng thế tục của những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa.
Họ đều là những danh nho tài đức vẹn toàn, song trước sau đều bỏ con đường lập thân giương danh để về vui thú cảnh lâm tuyền, điền viên. Trước thời cuộc xô bồ ngang trái họ đều quay lưng lại với vương triều phong kiến để tìm nhàn nơi thôn dã quạnh vắng, di dưỡng tinh thần. Những nhân vật này ít nhiều đều gặp niềm bi kịch “sinh bất phùng thời”, không có điều kiện thi thố tài năng, đành chọn con đường xử thế mà các danh gia của Lão Trang đã đề xướng làm lẽ sống. Hứa Do, Sào Phủ không tham thiên hạ, không nhận ngai vàng Nghiêu trao, lập chí, dưỡng tâm ở Ngọc Lĩnh. Lã Vọng căm ghét vua Trụ bạo ngược, không ra làm quan, thường ngày tiêu dao, buông cần bên bờ sông Vị. Lâm Bô tài đức song toàn mà bất hợp tác với triều Tống, ẩn dật bên Hồ Tây, vui thú cảnh nuôi hạc, trồng mai. Nghiêm Tử giúp Lưu Tú dựng lại cơ đồ nhà Hán rồi bỏ bạn mà về ẩn dật núi Phú Xuân. Đào Tiềm hơn mười năm làm quan mà “quá thẹn với chí bình sinh”, viết “Quy khứ lai từ”tỏ chí muốn về vui thú thanh nhà chốn nước non giữ tiết tháo trong sạch. . . Những gương đạo đức cao khiết ấy đã đi vào thơ ca đời sau như là những biểu tượng nhân cách, những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ.
Với Bạch Vân, những nhân vật kiệt xuất ấy là gương khí tiết. Ông bắt gặp ở họ sự đồng điệu về tâm hồn, nhân cách. Cũng là một danh sĩ chán nản với thời cuộc, bỏ vương triều về với thôn quê, Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm thấy ở Nghiêm Quang, Lã Vọng, Đào Uyên Minh. . . sự đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ. Những điển tích điển cố về họ do vậy đi vào thơ ông rất tự nhiên:
“Kìa kìa Lã Vọng câu Bàn Thạch
Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân
                                                                                                     (Bài 142)
“Nọ khách ngòi Đông tay rủ câu”
                                                                                                     (Bài 9)
Chịu ảnh hưởng của học thuyết Lão Trang, lại phải va chạm với hiện thực của chế độ phong kiến mục ruỗng, các danh sĩ tiết tháo thưở trước đã dựa vào Đạo gia để tỏ sự bất mãn của mình. Tuy nhiên đó không phải là thái độ phủ nhận đối với địa vị chính thống của Nho học mà chỉ là phương cách tạo thế quân bình giữa Nho và Đạo.Do vậy, ngợi ca những con người đã bỏ công danh để quay về sống thuận với tự nhiên, “vô vi” nhàn tản nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không quên thời đại mình đang sống. Bóng dáng những ẩn sĩ trong các điển cố xuất hiện trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” được Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu giữ như một giấc mơ an lạc đang dần mất, như một phương thức cân bằng tâm thế của một ẩn nho chưa bao giờ nguôi nỗi đau thế sự. Bạch Vân tìm về những gương người xưa ấy như là một cách chiêm nghiệm, một niềm an ủi rằng quy ẩn là con đường duy nhất, sự lựa chọn đúng đắn nhất của ông để noi gương tiền nhân giữ trọn thân danh trong bối cảnh thời đại bấy giờ.
2. Những hình tượng nghệ thuật trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
Văn học là nghệ thuật xây dựng hình tượng. Hình tượng nghệ thuật là nơi đúc kết tư tưởng, gửi gắm triết lý nhân sinh và bày tỏ quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Tư tưởng nghệ thuật dù tầm vóc lớn đến đâu cũng đều được biểu hiện thông qua hình tượng, từ những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhặt nhất.
Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, có những hình tượng nghệ thuật đã trở thành những điểm sáng thẩm mỹ góp phần thể hiện một tinh thần, một quan niệm sống đậm màu sắc Lão Trang. Đó có thể là những nguyên mẫu con người trong lịch sử hoặc những thành ngữ từng gặp rất nhiều trong thơ ca cổ điển chứ không phải là sáng tạo riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do vậy, những hình tượng này tuy không sinh động mà có sức khái quát tư tưởng lớn lao.
Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai hình tượng Nghiêm Quang, Lã Vọng xuất hiện như là những tín hiệu thẩm mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà hai nhân vật này trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Bạch Vân. Đó phải chăng là hai hình tượng nghệ thuật mà Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm nhiều suy tư nhất:
“Nọ khách ngòi Đông tay rủ câu”
                                                                                                     (Bài 9)
Đồng Giang rủ một tơ câu”
                                                                             (Bài 31)
“Kham hạ Nghiêm Quang từ tước Hán”
                                                                                                     (Bài 125)
-”Kìa kìa Lã Vọng câu Bàn Thạch
Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân”
                                                                                                     (Bài 142)
Non Phú Xuân cao, nước Vị thanh”
                                                                                                     (Bài 149)
Từ xưa, Nghiêm Tử Lăng, Khương Tử Nha đã trở thành những cái tên cao quý biểu trưng cho phẩm tiết thanh cao của ẩn sĩ. Đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những điển cố, hai nhân vật này đã trở thành những hình tượng nghệ thuật có sức mạnh khái quát tư tưởng: đó là hình tượng của những nhân cách cao khiết, những tấm gương đạo đức mà nho sĩ đời sau muốn noi gương. Khắc ghi hai hình tượng này một cách đậm nét trong thơ của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trực tiếp bày tỏ thái độ trân trọng ngợi ca đối với những ẩn giả danh tiếng đời xưa - những người đã lựa chọn con đường xử thế của Lão Trang khi không thể thực hiện lý tưởng “trí quân trạch dân” mà Khổng phu tử đề xướng.
Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” cũng có những thành ngữ đã trở thành những hình tượng nghệ thuật giàu sức biểu cảm, mang đậm dấu ấn Lão Trang. Vốn dĩ không xuất phát từ thánh điển của Đạo gia, nhưng các thành ngữ này được sử dụng để biểu thị ý nghĩa phủ định danh lợi, ngợi ca cuộc sống ẩn dật, thanh nhàn. Tiêu biểu nhất phải kể đến các thành ngữ “Nhà thông đường trúc”, “cửa mận tường đào”, “Ải Tần non Thục”, . . .
Cái ý phủ định danh lợi có hầu khắp các bài thơ trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Có khi Nguyễn Bỉnh Khiêm nói thẳng “đường danh lợi có chông gai”, nhưng có khi ông chọn cách nói hình tượng hơn:
Ải Tần non Thục đường nghèo hiểm”
                                                                                                     (Bài 23 )
Ví con đường công danh như con đường vào đất Thục, qua ải Tần, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trực tiếp bày tỏ thái độ phủ nhận đối với danh lợi, coi danh lợi là hư ngụy, phiền toái như tội trời. Đây là điểm thừa kế tích cực của Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư tưởng Lão Trang.
Ngợi ca cảnh sống nhàn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt nó trong thế đối lập với công danh. Biểu đạt ý tình này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn những hình tượng nghệ thuật giàu sức khái quát nghệ thuật :
Nhà thông đường trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào bước ngại chen”
                                                                                                     (Bài 44)
“Thông”, “trúc” vốn là những loài cây biểu trưng cho phẩm tiết thanh cao của người quân tử. Khi đi vào thơ Bạch Vân – người sống gần trọn đời trong cảnh ẩn dật, đã trở nên những loài cây ở chốn thanh tịnh - chốn ở của ẩn sĩ . “Nhà thông, đường trúc” trở thành biểu trưng nghệ thuật của không gian nhàn dật, tĩnh lặng của hàn nho, ẩn quân tử; giản dị đượm vẻ thanh bần mà trong sạch, cao quý.
Trái lại, “Cửa mận tường đào” lại là hình ảnh biểu trưng cho chốn quan trường, đua chen danh lợi. “Mận”, “đào” chỉ được trồng chốn công đường, cửa quan, biểu tượng của quyền lực, sự giàu sang, vinh quý từ xưa trong văn học. Trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, hình tượng này trở đi trở lại nhiều lần trong thế đối lập với “am hoa”, “hiên trúc”. . . như là một thái độ phủ nhận triệt để của tác giả đối với danh lợi chốn quan trường, trái với thái độ ngợi ca trân trọng đối với cảnh sống thanh bần, trong sạch giữa không gian của “thông”, “trúc”.
Những hình tượng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là kết quả tư duy nghệ thuật của riêng ông. Chúng vốn là mẫu mực trong văn học cổ điển, được ông vận dụng để biểu đạt ý tình riêng của mình. Dù vậy, sức khái quát nghệ thuật của những hình tượng này rất lớn, đặc biệt là với loại thơ ngôn chí vốn chỉ cần sức khái quát tư tưởng nhiều hơn là khả năng biểu cảm và tính sinh động.
Tư tưởng Lão Trang thể hiện trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” không phải bằng những phát ngôn thâm viễn của Lão Tử, Trang Tử hay những thuật ngữ của Đạo gia mà thông qua những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thi pháp- mỹ học trung đại. Ngôn từ, những điển cố và hình tượng nghệ thuật được sử dụng theo hướng “Lão Trang hóa” đã góp phần biểu đạt hình ảnh Bạch Vân cư sĩ - con người tư tưởng - nhà thơ trong tinh thần Lão Trang rất đậm nét. Được sử dụng một cách có hệ thống, những thủ pháp nghệ thuật này đã tạo nên những điểm sáng thẩm mỹ và tư tưởng cho tập thơ, đem đến cho “Bạch Vân quốc ngữ thi” ý vị “Đạo” sâu sắc. Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt đến trình độ bậc thầy trong việc làm thơ thất luật, đồng thời là học giả uyên bác đã tiếp thu một học thuyết, tư tưởng cao thâm của người xưa vào trong thơ mình một cách mềm mại, tinh tế.
Nếu không có cái cốt cách ung dung tự tại của bậc cao sĩ biết quý trọng tự nhiên, cái tâm hòa đồng cùng vạn vật, thi nhân không thể cảm nhận, phát hiện được vẻ hữu tình của thiên nhiên ngay trong những điều giản dị của cuộc sống thường ngày.
Dẫu sử dụng bút pháp ước lệ, ngôn ngữ trang nhã để miêu tả thiên nhiên lộng lẫy gấm vóc hay thổi hồn sống động tự nhiên cho những cảnh vật thanh đạm nhẹ nhàng thì thiên nhiên trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” vẫn hiện lên rất tươi tắn, hữu tình bởi với thi nhân, đã là cảnh trí “nước non nhà” thì “chốn nào là chẳng chốn xuân phong”; tác giả có thể tìm thấy niềm hứng khởi thi ca ở bất cứ nơi đâu.
Đoạn tuyệt với thói ô trọc ở đời để trở về bến Trung Tân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy ở thiên nhiên nguồn nuôi dưỡng tinh thần, nguồn suối di dưỡng cho tâm hồn thanh tịnh. Vẻ thuần phác của tự nhiên chính là gốc thanh khiết đưa con người trở về với trạng thái nguyên sơ, hồn nhiên của cảm xúc. Cái thuộc tính “phác” của tự nhiên mà Lão Tử thường đề cập đến chính là khả năng giúp con người tu tâm dưỡng tính để sống an lạc trong cảnh tự tại, tiêu dao:
  “Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình”
(Bài 91)
 “Cảnh cũ điền viên tìm tính cũ
    Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn”
(Bài 44)
“Thanh nhàn dưỡng tính được tự nhiên”
(Bài 127)
Tìm về bến đỗ bình yên cho tâm hồn và thân xác sau mỗi lần trở về từ kinh kỳ bụi bặm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự được thiên nhiên tắm gội tinh thần. thi nhân nhờ đó mà trút sạch được gánh nặng lợi danh, gột rửa được nỗi ưu tư nhọc nhằn về thời thế. Thiên nhiên lại gieo vào lòng nhà thơ những nguồn hứng khởi mới về thi ca. Sống giữa mối giao cảm chan hòa ấy với thiên nhiên, Bạch Vân thi sĩ có được những khoảnh khắc vượt lên trên mọi giới hạn khách quan của cuộc đời đầy biến động để tự tại, thung dung hưởng “ thiên nhiên lộc” đến thỏa chí:
“Đủng đỉnh hôm mai chơi nước trí
Nghêu ngao ngày tháng dạo non nhân”
(Bài 142)
“Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao”
(Bài 89)
Với một nguồn cảm hứng dạt dào, Tuyết Giang phu tử đã trao cho thiên nhiên một vị trí đặc biêt trong thơ ông : là nguồn hứng khởi thi ca, là người bạn cố tri để gửi gắm tâm sự, nơi thanh tịnh để di dưỡng tinh thần. Tình yêu tha thiết và sự quý trọng ấy đối với thiên nhiên đã bộc lộ nét đẹp trong nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như trong tâm hồn bao đời người Việt: luôn biết đặt mình trong mối tương giao hòa hợp với tự nhiên để sống tốt đẹp hơn.
Phong cách sống thuận tự nhiên theo thuyết vô vi của Lão Trang đã đem đến cho thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm những tứ thơ đẹp lạ lùng về thiên nhiên va tâm hồn con người. Tinh túy của Đạo gia đã được ông chắt lọc, kế thừa để làm nên một “Bạch Vân quốc ngữ thi” ngập tràn cảm hứng tiêu dao với những mảng thiên nhiên thanh nhã, tươi tắn bên cạnh mảng thơ luân lý đậm màu sắc Khổng Mạnh. Có được điều đó là nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự thấu đạt cái “phi thường đạo”- cái Đạo bắt chước tự nhiên mà Lão Tử nói đến trong “Đạo đức kinh” để sống tương hợp thuận hòa với tạo vật. /.
Nguồn: http://marjoriethuy.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét