Khiemnguyen

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Triết lý dân tộc Việt Nam qua tục ngữ (phần 2)




Võ Thu Tịnh
 
B) Khôn là thế nào?
Khi đã “biết” suy xét, nhận định, suy đoán, thì có thể phân biệt được “khôn” với “dại”, để hành động cho khỏi sai lầm:
1. Khôn không phải là làm khôn (tiếng Việt, có chữ “làm khôn” nghĩa là tỏ ra mình khôn ngoan hơn người và can thiệp, xía vào việc của nguời khác), như thế chỉ có hại cho mình.
“Khôn vừa chứ, khôn lắm lại chết non”
Từ thế kỉ thứ XV, Nguyễn Trãi đã có câu thơ đại ý như thế:
“Hễ kẻ làm khôn thì phải khổ”
Và Trạng Trình cũng khuyên đừng “tranh khôn” mà có hại:
“Tranh khôn ắt có bề lo lắng”.
Mà trái lại, tục ngữ bảo ta phải biết cư xử cho nhún nhường, khiêm tốn:
“Ai nhất thì tôi thứ nhì,
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”
2. Mà khôn là thân trọng biết giữ gìn lời ăn tiếng nói.
Chỉ vì thiếu tinh thần cảnh giác, không thận trọng, nên người ta thường thốt ra những câu hớ hênh, vô ý thức, gây ra bao nhiêu tai họa cho bản thân và cho công cuộc đấu tranh của toàn dân:
Vạ ở miệng ra, bệnh qua miệng vào”
Thứ nhất là tội miệng mà...”
Cho nên:
“Khôn thì ngậm miệng, khỏe thì cấp tay”
“...Người khôn đón trước rào sau,
Để cho người dại biết đâu mà dò”
“Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời”
“Sông sâu, sào ngắn khôn dò,
Người khôn ít nói, khôn đo tấc lòng”
“Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn”
Ông cha chúng ta có cách nói gần, nói xa, rào trước đón sau, để khỏi phật lòng người nghe và nhất là để không ai có thể bắt bẻ, hay buộc tội mình được. Đó gọi là “nói mánh”.
(Trong Đại Nam quốc âm tự điển, 1896, Huỳnh Tịnh Của định nghĩa chữ “mánh” là “ý tứ, tình ý, màng dò” và “nói mánh” là “nói ý tứ, xa gần, nói ướm thử” để người nghe suy nghĩ mà hiểu lấy).
3. Khôn không phải là quỉ quyệt để làm thiệt hại người khác:
“Đã khôn lại ngoan,
“Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng”
Nếu khôn mà quỉ quyệt, thì trước sau gì cũng:
“Khôn ngoan quỉ quyệt chết lao, chết tù...”
“Càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều”, ở tiếng Việt, từ “ngoan” vốn có hai nghĩa trái ngược nhau: “ngoan” là khôn, nhơn lành, (như ngoan đạo, đứa bé ngoan), mà “ngoan” cũng có nghĩa là khó trị, quỉ quái (như ngoan cố, gian ngoan), (Đại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của, Saigon, 1896). Trong mấy câu trên đây, từ “ngoan” được hiểu theo nghĩa thứ hai, tức là “gian tham, quỉ quyệt”.
4. Mà khôn là thật thà ngay thẳng, vì cuối cùng cái khôn ngay thật bao giờ cũng hơn cái khôn gian trá:
“Khôn ngoan chẳng đọ thật thà,
“Lường thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy”
(Đấu: thùng bàng gỗ dể đong lúa, gạo; thưng: 1/10 đấu).
Tức là: Khôn ngoan không bàng thật thà, ngay thẳng; có gian lận, tráo đổi cũng không bằng làm ăn đứng đắn, lương thiện: đong đầy, cân đúng.
Chưa kể, “khôn” mà làm điều gian ngoan, bất nhân, thất đức, chết đi sẽ bị xuống địa ngục; còn ở đời nầy dại mà hiền lành, chết đi sẽ được lên thiên đàng:
“Khôn thế gian, làm quan địa ngục,
Dại thế gian, làm quan thiên đàng”
5. Khôn không dùng để hại dân, bán nước: không phải là đem cái khôn ra chống lại với đồng bào, phản lại quyền lợi chung:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
“Chim không đánh chim cùng một tổ
“Trâu một chuồng, đâu có húc nhau
Cùng chung một giọt máu đào,
Nỡ nào hại nước, nỡ nào hại dân”
“Tiếc thay con chim phượng hoàng còn dại chửa có khôn,
Núi Tam Sơn chẳng đậu, lại đi đậu còn cỏ may
Dan gian ở vùng của chúng tôi cũng có một câu nữa tương tự như thế:
“Chim kia đại lâm không khôn,
Núi Lam Sơn không đậu, lại đậu cồn cỏ may”
Lam Sơn là nơi ngày xưa Lê Lợi khởi nghĩa, ở đây “Lam Sơn” dùng để tượng trưng cho “kháng chiến”. Câu này đại ý nói: Thương hại cho những kẻ dại dột không biết theo kháng chiến cứu nước, mà lại đi theo phường Việt gian (đâu cồn cỏ may là một thứ cỏ, mỗi lần ta ngang qua, thì bị những hạt nhỏ của cỏ móc vào quần, rất dơ bẩn, phải mất thì giờ mới gỡ hết được).
Và cũng có câu:
“Gáo dòng múc nước giếng tây,
Khôn ngoan cho lắm tớ thày người ta”
“Giếng tây” là “giếng phía tây” mà cũng có thể hiểu là “người Tây”; “múc nước giếng Tây” có thể hiểu là “đem nước dâng cho Tây”. Đại ý câu nầy là: cộng tác với Tây, mà tự cho là mình khôn, nhưng có khôn cho lắm, cũng chỉ là đem thân ra làm nô lệ cho ngoại nhân mà thôi!
6. Mà khôn dùng để giữ vững lập trường, đừng để cho đối phương lung lạc, mua chuộc, dụ dỗ đưa vào con đường bán nước, phản dân:
“Người đời phải xét thiệt hơn,
Đừng nghe tiếng sáo, tiếng đờn mà sai
“Đày la như cây giữa rừng,
Ai lay không chuvển, ai rung không dời”
7.  Khôn mà ý thức được giới hạn của cái khôn
Chính tục ngữ đã vạch ra cho ta thấy rõ những hoàn cảnh khách quan và chủ quan đã hạn chế cái khôn của người đời:
a) Hoàn cảnh khách quan đã hạn chế cái “khôn”, như: tiền bạc, lẽ phải, may mắn, thiên thời, địa lợi...:
“Cái khó, bó cái khôn”
“Khôn như tiên, không tiên cũng dại”
“May hơn khôn”
“Khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông”
“Khôn ngoan ở đất nhà bay,
Dù che, ngựa cưỡi, đến đây phải luồn”
b) Hoàn cảnh chủ quan đã hạn chế cái “khôn”, như: dục tinh, nhẹ dạ, bản tính trời sinh, già nua lú lẫn...
“Miệng khôn, trôn dại"
“Khôn ba năm, dại một giờ”
“Khôn từ trong trứng khôn ra,
“Dại dẫu đến già cũng dại”
“Trẻ khôn qua, già lú lại"
Tổng kết
Qua tục ngữ, chúng ta thấy được đường lối nghìn năm của ông cha chúng ta, là trường kỳ tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc, của quốc gia, mà triết lý căn bản là: “biết thì sống”, biết “phân biệt dại và khôn” để bản thân, nòi giống khỏi bị diệt vong, một triết lý xây dựng trên tình nguời, trên sự làm lành, đùm bọc, giúp đỡ, cứu vớt lẫn nhau, một lề lối ứng xử chừng mực vừa phải, biết thận trọng, ẩn nhẫn, chịu đựng để thích nghi hóa với mọi hoàn cảnh để sống, để tồn tại, để chờ thời, chờ cơ hội thuận lợi mà vùng lên.
Nguyễn Thùy, trong Tinh thần Việt Nam, cho rằng: “Có như thế, dân tộc ta mới tồn tại, mới bảo vệ được tinh thần của mình, mới tíếp thu được mọi thứ của người để có thể thể hiện được một hội nhập tròn đầy cái lý lịch hóa của vũ trụ vạn vật và của con người vào thời kỳ cuối của kỉ nguyên. Cái tính “chấp nhận để từ khước”, “hòa mà không đồng”, “tỏ ra thua thiệt để không đầu hàng”, “chịu thiệt thòi để không mất tất cả”, nếu cố đưa dân tộc đến chỗ phải gánh chịu nhiều trầm luân, nhưng chính là một cuộc “chạy trốn về đằng trước” rất tế nhị của dân tộc ta để sửa soạn cho một bước đi tốt đẹp vào hồi chung cục. Chịu đựng tất cả để khỏi bị tiêu diệt”(7).
Tinh thần kết hợp cái “khôn” và cái “biết” trong tục ngữ, đã chi phối mọi xử sự, thông truyền giữa dân gian nước ta. Tinh thần ấy cũng phần nào giống với quan niệm kết hợp “khôn” và “biết” trong triết học hiện đại Tây phương. Một giáo sư Pháp, Didier Julia, cũng xác nhận rằng: “Cái “khôn”, theo nghĩa xưa, là cái “biết” bằng trực giác về những qui luật của vũ trụ, và theo định nghĩa hiện đại, là cái “biết” về những vấn đề của những người khác. Nói một cách thông thường hơn, cái “khôn” là một khái niệm luân lý chỉ sự “thăng bằng” của phẩm cách con người: sự “tiết độ” (theo Platon), hay sự “chừng mực” của mọi ham muốn. Theo nghĩa ấy, cấi “khôn” trái lại với sự “say mê”, cũng như trái lại với cái “dại”. Cái “khôn” khuynh hướng hóa đồng với sự “thận trọng” (8).
Từ điển về Triết học Pháp cũng đã định nghĩa: “La sagesse est ie but de la philosophie”, nghĩa là “cái khôn là cứu cánh của triết học”(8). Tóm lại, dân tộc Việt Nam quả đã có một triết lý riêng của mình, triết lý mà ông cha chúng ta dụng ý trối gửi lại qua các câu tục ngữ. Bổn phận con cháu chúng ta là khám phá cho thấy được triết lý ấy, để hành động cho đúng, hầu tiếp tục đấu tranh bảo tồn nòi giống và quê hương. Và danh từ “triết lý” trong đầu đề “Triết lý dân tộc Việt Nam” mà chúng tôi dùng trên đây, tưởng không phải là lạm xưng!
CHÚ THÍCH
(1) Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, q. I, Paris, SudAsie, 1986, TỊic ngữ, tr. 6,7.
(2) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, q. 1, Đại Nam tái bản, Glendale.CA., tr. 22, 23.    
(3) Thái Văn Kiểm, Parémiologie viộtnamienne comparée, in Présence Indochinoise, Paris, Noi, Avril 1979, tr. 117.
(4)  Nguyễn Khuyến (…)   
(5) Luận Ngữ, bản dịch của Đoàn Trung Côn, París, Sud Asie, chương Công Dã Tràng, tiết 20, trang 76: “Tử viết: Ninh Võ Tử, bang hữu đạo tác trí, bang vô đạo tắc ngu”.
(6) Lê Văn Siêu, Văn minh Việt Nam, Saigon, Nam Chi Tùng thư, 1964, tái bàn Glendale CA., Đại Nam, tr. 92,93.
(7) Nguyến Thùy và Trần Minh Xuân, Tinh thần Việt Nam, San José CA, Mékong Ty nạn, 1992, tr. 195 196.
(8) Didier Julia, Dictionnaíre de la Philosophie, France Loisirs, Paris, 1992, p. 252: Sagesse , “Ceite défínition est certainement la plus rigoureuse: la sagesse est, au sens untique, la connaissance des lơis du monde et, au sens modeme, la compréhension des problèmes d'autrui. Plus communément, la sagesse est une notion morale qui désigne l”’équilìbre”de lapersonnalité : la “tempérance”(Platon) ou la modération des désirs. En ce sens, la sagesse s’oppose à la passion, aulant qu'à la bêtise. Elle tend à s’identifier à la prudence.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét