|
Nguyễn Minh Triết
|
Danh từ “chữ Quốc ngữ” mặc dù không được
chính danh. nhưng do chúng ta dùng đã lâu nên quen và danh từ “chữ Quốc ngữ”
được dùng để chỉ chữ viết chúng ta dùng ngày nay. Chữ nầy thoạt đầu do những vị
giáo sĩ Tây phương truyền đạo tại Việt Nam dùng mượn mẫu tự La tinh ghép
lại để ghi âm địa danh và nhân vật địa phương. Từ đó nó đã trải qua các thời kỳ
hình thành chữ Quốc ngữ, và qua quá trình hình thành, nó đã được sự đóng góp
của nhiều người Việt cũng như người ngoại quốc.
Quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài gần
ba trăm năm mươi năm, tính từ ngày đội thương thuyền đầu tiên của Bồ Đào Nha
cập vịnh Đà Nẵng năm 1516 đem theo những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân
lên đất Việt tiếp xúc với người bản địa cho đến khi tờ Gia Định Báo do
Trương Vĩnh Ký chủ trương là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời vào năm 1865.
Theo các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay đều khẳng định
chữ quốc ngữ là một sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi
trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao. Hình thành chữ quốc
ngữ là một quá trình. Hoàn thiện nó cũng là một quá trình chỉ có thể tạm ngừng
chứ không kết thúc, vì nó là một cơ thể sống đang phát triển. Công lao đặt nền
móng chắc chắn thuộc về các giáo sĩ và tín đồ Thiên Chúa giáo người Bồ Đào Nha,
người Tây Ban Nha, người Ý, người Pháp, người Hà Lan... và có cả nhiều người
Việt Nam. Vì chính người Việt chứ không ai khác đã dạy tiếng Việt cho các giáo
sĩ nước ngoài, và một khi đã có một số tín đồ bản địa tiếp cận tiếng La tinh
thì nhất định họ có góp phần vào việc ghi âm chữ quốc ngữ bằng thứ mẫu tự ấy.
Một trong các người ngọai quốc có công lớn trong việc hình thành nên chữ Quốc
ngữ là Alexandre de Rhodes. Ông đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm
từ năm1624 đến năm 1630 và đã đóng góp nhiều công sức trong việc La tinh hoá
tiếng Việt. Tiếp nối công trình của những người đi trước là các tu sĩ Dòng Tên
người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa v.v...
Trong việc La tinh hóa để phổ biến tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản “Bài
giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt -La - Bồ
đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.
Tuy vậy, ngay sau khi đã được định hình một
cách tương đối có hệ thống, chữ Quốc ngữ vẫn chỉ được dùng quanh quẩn trong
phạm vi các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Phải đợi tới năm 1863 khi người Pháp xâm
chiếm miền Nam Việt Nam, sự phát triển chữ Quốc ngữ mới được đẩy mạnh với việc
chính quyền Pháp đón ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đang học ở trường
dòng Penang ở Mã-Lai về làm thông ngôn. Ông Trương Vĩnh Ký, người tỉnh Vĩnh
Long, là con một ông quan triều Nguyễn làm việc tại Cao Miên. Vị quan này mất
sớm nên một cố đạo người Pháp, “Cố Long”, đã nhận ông Trương Vĩnh Ký làm con
nuôi và đưa sang Mã-Lai cho học tại trường dòng nói trên. Ông Ký rất thông minh
lại được học có hệ thống nên đã thông thạo nhiều thứ tiếng như: Pháp, La-tinh,
Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa và cả Hy Lạp.
Pháp đón ông Pétrus Ký về để làm người trung
gian giao dịch với triều đình Huế, và để mở trường thông ngôn... Ông đã làm chủ
bút tờ công báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ, tờ Gia Định báo với sự
hợp tác của các ông Huỳnh Tịnh Của và Tôn Thọ Tường. Lúc ấy chữ Quốc ngữ chưa phát
triển mạnh vì người trong Nam chỉ nhắm học cho rành tiếng Pháp để đi Pháp du
học mà thôi. Hồi đó người Pháp chưa chiếm tới Bắc Kỳ nên sự nghiệp của ông
Trương Vĩnh Ký bị giới hạn trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Tuy vậy, nhờ công việc
làm của ông mà chữ quốc ngữ được trở nên sáng sủa hơn nhiều và việc làm của ông
cũng đã đặt nền móng cho sự phát triển chữ Quốc ngữ sau nầy..
Mãi về sau khi Pháp đã chiếm và bình định
miền Bắc xong bèn cho mở trường học và cho ra báo, lúc ấy chữ Quốc ngữ mới trở
thành phổ biến trên cả nước và một người có công lớn trong việc “dùng thứ chữ dễ học nhất làm cỗ xe truyền bá tư tưởng trong
phái bình dân” ở miền Bắc là ông Nguyễn Văn Vĩnh.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh xuất thân từ một gia đình
nghèo và đông con, nên không được đi học đàng hòang dù ông rất hiếu học. Mới 8
tuổi đã phải đi làm một chân kéo quạt cho trường Thông Ngôn của Pháp ở Hànội.
Cậu bé kéo quạt ngồi ở cuối lớp, vừa kéo hai hàng quạt để quạt mát đám học trò
vừa tò mò nghe thầy giảng bài; học sinh nghe gì thì cậu cũng nghe nấy. Sự chăm
chú theo dõi bài học của cậu đã lọt vào mắt thầy d’Argence. Tới ngày thi mãn
khóa ông cho cậu kéo quạt thi... thử! Không ngờ cậu lại đậu thứ 12 trong số 40
học sinh! Thầy d’Argence bèn đặc cách xin cho cậu học bổng và nhận cậu làm học
sinh chánh thức của khóa học tiếp theo. Và khi thi ra trường học viên Nguyễn
Văn Vĩnh đã đậu thủ khoa khóa đó và được tuyển đi làm thông ngôn cho tòa sứ Lào
Cai lúc hãy còn vị thành niên mới vừa 14 tuồi.
Tại Lào Cai cậu Vĩnh được làm thông ngôn cho
đoàn chuyên viên nghiên cứu xây đường sắt Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Vân Nam nên
một chân trời mới đã mở ra trước mắt cậu Vĩnh. Cậu vừa làm việc vừa say mê học
hỏi bất cứ cái gì mới lạ nên được các chuyên gia người Pháp thương mến và giúp
đỡ rất nhiều. Sau một năm ở Lào Cai, đám chuyên gia này được chuyển về làm việc
ở bến cảng Hải Phòng và họ đã xin đem theo cậu thông ngôn NguyễnVăn Vĩnh.
Khi làm việc tại Hải Phòng một cơ duyên đã
tới với cậu thông ngôn hiếu học: một thủy thủ người Pháp gạ bán cho cậu một bộ
sách “Tự học chương trình Trung Học Phổ Thông” với giá 15 đồng. Món tiền tuy là
rất lớn đối với cậu (một nửa tháng lương!) nhưng cậu cũng dốc túi để đổi lấy bộ
sách. Từ ngày mua được bộ sách trên, ngoài giờ làm việc ra cậu vùi đầu vào tự
học, và trong khoảng hai năm cậu đã học hết chương trình phổ thông Pháp, làm
hết cái bài tập ở trong bộ sách. Cậu thích các môn triết học, chính trị và văn
học..., đã lập danh mục những sách cần phải gửi mua để học thêm. Sau năm năm ở
Hải Phòng cậu đã dành dụm mua được một rương đầy sách mà đi đâu cậu cũng mang
theo.
Sau khi đã tự học hết chương trình trung học
Pháp và đọc những sách chính trị, triết học và tiểu thuyết văn học Pháp, và sau
khi hàng ngày được đọc sách báo và tạp chí nước ngoài đủ các loại mượn của các
thủy thủ nước ngoài, Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy là dân tộc An-nam không có chữ
riêng của mình mà phải dùng chữ nôm là loại chữ bắt chước chữ nho là một điều
không thể chấp nhận được. Theo gương trong Nam, ý nghĩ phải dùng và phát triển
chữ Quốc ngữ dễ học để giúp cho nhiều người học hầu mở mang kiến thức đã nhen
nhúm trong đầu ông. Với ý nghĩ đó Nguyễn Văn Vĩnh thử dịch những bài văn hay
của Pháp ra chữ Quốc ngữ, bắt đầu bằng những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine,
rồi đến những chuyện trẻ con của Perrault, v.v... Nhưng
lúc bấy giờ chưa có báo in bằng Quốc ngữ, chỉ mới có những tờ thông báo của tòa
sứ in ra một nửa bằng chữ nho và một nửa bằng chữ Quốc Ngữ rất thô thiển. Ở Hải
Phòng lúc bấy giờ chỉ mới có một tờ báo là “Courrier de HaiPhong” và Nguyễn Văn
Vĩnh bắt đầu tập viết báo bằng tiếng Pháp. Những bài đầu tay là những tin ngắn
nói về tình hình trong cảng, tình hình xây dựng cảng, xây dựng nhà máy và thành
phố. Những bài ông viết đều được báo “Courrier de HaiPhong” nhận in. Sau những
bản tin thông thường đó, ông tiến tới viết những bài nói về sinh hoạt và nếp
sống của người dân thành phố cảng... Ông trở thành cộng tác viên An Nam đầu tiên
của tờ báo “Courrier de Haiphong”. Như vậy ông Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức
bước vào nghề làm báo lúc mới được 17 tuổi (1899). Nhưng phải
chờ đến năm 1907 sau chuyến được gởi sang Pháp dự triển lãm Marseille và sau
khi được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí của Pháp ông mới thực sự dấn
thân vào nghiệp làm báo và in ấn, một nghiệp dĩ đã theo ông đến khi lìa đời.
Ông đã chết một cách bi thương trên dòng sông Sepole thuộc Nam Lào, khi chết
trên tay vẫn còn cầm bút và một cuốn sổ tay ghi chép cuộc hành trình đi tìm
vàng của ông.
Sau khi dự triển lãm ở Pháp trở về
Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự
do. Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên
bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Sau đó, ông lần lượt chủ trương các tờ báo sau này
sẽ đi vào lịch sử báo chí nước nhà: Notre Journal (1908), Notre Revue, Lục tỉnh
Tân văn (1910), Đông Dương Tạp chí (1913), Trung Bắc Tân Văn (1915), Annam
Nouveau (1931).... Ngòai ra, ông là người đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ các tác phẩm
của các đại văn hào Pháp và cũng là người đầu tiên dịch “Truyện Kiều” của
Nguyễn Du sang tiếng Pháp.
Khi bắt tay vào công việc dịch thuật, ông
Nguyễn Văn Vĩnh mới thấy là chữ Quốc ngữ còn quá non nớt và mới mẻ, văn phạm
hãy còn rất thô thiển, và chánh tả cũng chưa rõ ràng vì có quá nhiều khác biệt
trong cách phát âm giữa các địa phương trong xứ. Do đó, qua các bài báo và sách
vở dịch thuật ông đã hô hào và cổ động cho việc thống nhứt ngôn ngữ, nhứt là sự
tương nhượng tuân thủ những qui định về chánh tả giữa hai miền Bắc kỳ và Nam kỳ. Ngoài
ra, ông cũng cổ súy cho sự cần thiết phải luôn tạo ra những từ mới để chữ Quốc
ngữ ngày một phong phú và chánh xác hơn.
Ta hãy đọc quan điểm của ông Vĩnh về vấn đề
này: “Chúng tôi làm việc để đem lại cho ngôn ngữ quốc gia của chúng ta sự
sáng sủa và chính xác mà chúng tôi đã thấy được trong tiếng Pháp... Có nghĩa là
ngôn ngữ quốc gia của chúng ta chưa được thật chuẩn và nếu chúng'tôi có ý định
ngay hôm nay viết bằng tiếng An Nam
nhiều điều mà chưa bao giờ được diễn giải bằng thứ tiếng này... (thì) chính họ
là những người phải nói lên về những kết quả của thử thách của chúng tôi và
không phải bản thân chúng tôi làm việc đó.....tôi chỉ tham gia vào một phần
rất nhỏ để tạo thành một ngôn ngữ An-nam mới... Để hoàn
thành công việc này đòi hỏi còn phải cố gắng liên tục và sáng suốt của nhiều
thế hệ khác nữa, để có thể đem lại cho ngôn ngữ đó một trình độ chính xác đầy
đủ...” (L’Annam Nouveau, số 466 ngày 1/8/1935).
Suốt cuộc đời làm báo cũng như dịch thuật của
ông trước sau cũng chỉ xoáy vào cái mục đích thống nhất chữ viết và ngôn ngữ
trên toàn cõi Việt Nam,
rồi dùng chữ Quốc ngữ để mở mang dân trí... “Người An-nam nên viết chữ
An-nam” là khẩu hiệu được ông nêu cao và cổ xúy trong công cuộc phát triển
chữ Quốc ngữ. Trong một bái báo khác đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo số ra
mắt tháng 3 năm 1907, ông cho rằng so với chữ nôm thì chữ Quốc ngữ “có mẹo
mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu! Sáng
ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông”. Vì chữ
Quốc ngữ dễ học như vậy nên ông đã kêu gọi các nhà thức giả tiếp tay trong việc
phổ biến này: “Ông nào có tài, làm sách, làm chuyện hay bây giờ, nên làm
bằng chữ quốc-ngữ. Có nhiều sách hay tất tiếng nôm cũng hóa ra hay. Ngẫm mà
xem! Thơ phú đời sau dùng điển Thuý-Kiều, Nhị-Độ-Mai, hay là điển trong các
sách hay khác, sắp làm ra, kém chi sâu-sắc bằng điển lấy trong Tứ-thư,
Ngũ-kinh.”
Ngoài việc cổ xúy ông và đồng sự đã không
ngừng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền quốc văn cho dân tộc Việt Nam. Có thể nói
phát triển và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ là đường lối làm cách mạng dân tộc của
ông. Theo ông thì mở mang dân trí là con đường khả thi nhất vì khi trình độ dân
trí đủ cao thì người dân sẽ tự khắc hiểu được quyền công dân mà đứng lên đòi
lại.
Để phát triển chữ Quốc Ngữ và vì tủ sách văn
học bằng chữ Quốc Ngữ lúc ấy chưa có gì nên ông đã bỏ ra rất nhiều công sức cho
việc dịch thuật các tác phẩm văn học của Pháp sang chữ Quốc Ngữ. Có thể nói
dịch thuật là phần quan trọng nhất trong văn nghiệp của ông. Ông Nguyễn Văn
Vĩnh xứng đáng là nhà quán quân trong công việc dịch thuật ở nước ta hồi đầu
thế kỷ 20. Trong vòng 10 năm ông đã hoàn thành được một khối lượng dịch thuật
đồ sộ. Truyện Kim-Vân-Kiều đã được ông dịch sang tiếng Pháp tới ba lần, với đầy
đủ chú thích tỉ mỉ. Ông đã dịch những tác phẩm Tầu như Xích Bích và Hậu Xích
Bích sang tiếng Pháp. Còn dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ thì rất nhiều, chỉ xin
kể qua tập thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine, Chuyện Trẻ Con của Perrault, Qui-li-ve
phiêu-lưu ký Của J.Swift, Tê-lê-mác phiêu lưu ký của Fénelon, Robinson Crusoé
của Daniel De Foe, Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ của Alexandre Dumas, Gil Blas de
Santillane của Le Sage, Miếng Da Lừa của Balzac, Mai-nương Lệ Cốt của Abbé
Prévost, Những Kẻ Khốn Nạn của Victor Hugo, và những hài kịch của Molière
v.v...
Nhưng cái văn nghiệp lớn nhứt của ông Nguyễn
Văn Vĩnh là đã biến cái thứ chữ mới mẻ gọi là chữ Quốc-ngữ, lúc đó đang chập
chững vào đời, một thứ tiếng độc âm, một thứ chữ mới được sáng tạo ra chỉ để
trao đổi những ý kiến đơn sơ nhất..., thành một thứ chữ có đủ khả năng diễn đạt
mọi khía cạnh của cuộc sống. Ông đã thật sự là một người thợ kim hoàn kiên
nhẫn, đã mài dũa một thứ chữ chưa thành hình ấy thành một ngôn ngữ viết bóng
bẩy và trơn tru phản ánh lên được những mầu sắc tinh vi nhất của ánh sáng mặt
trời và dần dần biến nó thành chữ viết của dân tộc ta, riêng của dân tộc ta,
giúp dân tộc ta có được một nền văn học độc đáo của riêng mình. Ông Nguyễn Văn
Vĩnh đã nói một câu bất hủ, hồi ấy thường in ở các bìa sách do ông xuất bản: “Nước
Nam
ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ'. Do đó, ông và lớp trí thức thế
hệ ông đã làm cuộc cách mạng chữ viết thành công hồi đầu thế kỷ trước. Chữ quốc
ngữ đã đánh bại chữ Hán và chữ Nôm để trở thành chữ viết của toàn dân tộc Việt Nam.
Trong công cuộc phát triển chữ
Quốc ngữ, ông là chủ bút các báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ dùng chữ quốc ngữ
như tờ Đăng cổ Tùng báo, Lục tỉnh Tân văn, Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân
văn và tờ Học báo. Ông đã không ngừng dùng các phương tiện truyên thông này để
cổ xúy cho việc dùng chữ Quốc ngữ. Ông cũng là chủ bút các báo tiếng Pháp như
tờ Notre Journal, Notre Revue và L’Annam Nouveau; đồng thời làm giám đốc nhà
xuất bản Âu Tây Tư tưởng để in và phổ biến các sách viết bằng chữ Quốc Ngữ.
Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực vào công
cuộc nâng cao dân trí như mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục nơi mỗi tuần ông dành
mấy tối để nói chuyện hoặc dạy tiếng Pháp, dạy chữ Quốc ngữ cho mọi người. Do
dạy học ở đó mà ông đã thân với các người đồng chí hướng trong việc phát triển
chữ Quốc Ngữ như các ông Phan Kế bính, Nguyễn Đỗ Mục, Hoàng Tăng Bí, Dương Phượng
Dực, v.v... là những người sau này cộng tác với ông làm báo Đăng Cổ Tùng Báo,
Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí và Trung Bắc Tân Văn. Ông cũng lập hội Trí
Tri trong đó ông làm trưởng ban diễn thuyết cùng với các ông Nghiêm Xuân Quảng
và Trần Tăng Bình... Mỗi tuần hội tổ chức một buổi nói chuyện và giảng sách.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ nói chuyện mà còn hướng dẫn các học viên tìm sách
tham khảo, giải đáp bằng thư những điều thắc mắc của hội viên, những điều mà
bản thân ông cũng phải tham khảo thêm.
Tất cả sự cố gắng và sức làm việc phi thường
của ông Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến
thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đã đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ
dần dần chấp nhận chữ Quốc ngữ. Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa
thi Hương - thi Hội -thi Đình ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ
các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ
Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt. Và cuối cùng vào ngày 18 tháng
9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy
ở ba năm đầu cấp tiểu học. Như vậy là, sau hơn ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển
Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự
đoạn tuyệt với hệ chữ viết của Trung Hoa, chánh thức chuyển sang dùng chữ Quốc
ngữ. Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa có tánh cách cách mạng vô cùng lớn
lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò một nhà văn hóa
lớn của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, để được nhìn nhận như hiện nay,
ông Nguyễn Văn Vĩnh và gia đình đã chịu không ít bi kịch bị hiểu lầm. Vì sớm
nhận thấy rằng nếu một dân tộc có dân trí đủ cao thì tức khắc dân tộc sẽ “trồi
đầu lên được” nên ông Nguyễn Văn Vĩnh đã tự gắn cho mình trách nhiệm phải phát
triển chữ Quốc Ngữ và dùng chữ Quốc Ngữ để nâng cao dân trí. Ông Nguyễn Văn
Vĩnh tự trưởng thành từ tiếng Pháp. Cơ duyên đó đưa ông đến việc tiếp xúc với
chữ Quốc Ngữ và ngộ ra rằng đó là công cụ văn hóa quan trọng nhất trên đường
tiến hóa theo mô hình phương Tây, ngay khi người Việt còn trong thân phận dân
thuộc địa Pháp. Cho nên trong suốt 30 năm, từ 1907 tới ngày ông từ giã cõi
trần, ông đã nhẫn nhục theo Pháp để thực hiện cuộc Cách Mạng Chữ Quốc Ngữ.
Tuy theo Pháp nhưng ông lại là người không
khuất phục trước thực dân Pháp nên ông đã từ bỏ quan trường để ra làm báo, viết
sách. Ông Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt^ Nam đã hai lần từ chối huân chương
Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng. Và ông cũng đã cùng với bốn người
Pháp khác viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu
Trinh.
Sau bao nhiêu năm chịu mang nhiều tai tiếng,
lịch sử và văn học Việt Nam
ngày nay đã trả lại cho ông một vị thế xứng đáng với những công trình ông đã
đóng góp. Cuộc đời hơn 50 năm của ông Nguyễn Văn Vĩnh là một chuỗi ngày hoạt
động mê mải trong lĩnh vực phát triển văn hóa, đặc biệt là phát triển chữ Quốc
Ngữ. Ông cũng đã tự nguyện lấy cái sự hiểu biết, sự học của mình để dựng một
cây cầu cho sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Và
ông - giống như con ve sầu kia trong bài thơ ngụ ngôn nổi tiếng của La Fontaine
do chính ông dịch - đã gồng mình lên mà “ve ve” trên cái cầu giao lưu ấy, trong
một hoàn cảnh “nguồn cơn thật bối rối” để phụng sự cho công cuộc nâng cao dân
trí và phát triển chữ Quốc Ngữ. Chánh vì thế người ta có thể gọi ông là nhà
văn, nhà báo, nhà dịch thuật, thậm chí nhà tư tưởng mà vẫn không thấy có gì là
quá. Những việc ấy, khi đặt đúng thời điểm đầu thế kỷ 20, phải được coi là
những công việc thế kỷ mà lịch sử chỉ chọn đặt lên vai một số ít người khai
sáng. Ông Nguyễn Văn Vĩnh chính là một trong số những người khai sáng đó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét