|
Hứa Hoành
|
Chồng
báo Lục Tỉnh Tân Văn chúng tôi hiện có trước mặt, xuất bản từ tháng giêng năm
1942 tới 3/1945, gồm trên dưới 200 trang. Đây là tài liệu của tòa soạn Chính
Đạo sưu tập, sao chụp từ văn khố Bộ Thuộc địa Pháp, cho phép chúng tôi sử dụng.
Xin cảm tạ TS Chính Đạo.
Thời
gian từ năm 1940 đến 3/1945, Nhựt đã vào Đông Dương, cai trị gián tiếp qua nhà
cầm quyền Pháp. Chúng tôi xin nói thêm: năm 1907 tại Nam Kỳ tờ báo
Lục Tỉnh Tân Văn đầu tiên xuất bản ngày 14/11/1907, do ông Pierre Jeantet làm
chủ nhiệm và Trần Nhựt Thăng, tức Trần Chánh Chiếu làm chủ bút.
Ông
Chiếu vô dân Tây, còn gọi Gilbert Chiếu (1867 - 1919), cũng được gọi Phủ Chiếu\,
sanh tại Rạch Giá, trong một gia đình giàu. Thuở nhỏ, Trần Chánh Chiếu theo học
trường College D'Adran (trường thông ngôn). Khi làm báo Lục Tỉnh Tân Văn,
Gibert Chiếu có tinh thần cách mạng, bí mật hoạt động với hoàng thân Cường Để,
tại Nam Kỳ, ông kêu gọi đồng bào duy tân, tiếng miền Nam thuở đó gọi là cuộc
minh tân. Về chính trị, Lục Tỉnh Tân Văn cổ động việc công kích chính quyền
thuộc địa. Về kinh tế, kêu gọi đồng bào cạnh tranh với Hoa kiều để giành quyền
lợi. Cá nhân ông Chiếu bí mật qua Hongkong hội đàm với cụ Phan Bội Châu. Ông
Chiếu có đưa một người con là Jules Tiết qua Hongkong du học, đồng thời ông
cũng qua Nhựt Bản để gặp Cường Để. Nhờ sự hoạt động hăng hái của ông Chiếu, tại
Nam
kỳ có khoảng hơn 100 du học sinh, con các điền chủ, được bí mật gởi qua Nhựt
học tập. Báo Lục Tỉnh Tân Văn đăng nhiều bài có khuynh hướng chống Pháp, nên bị
mật thám theo dõi. Các biến cố chính trị dồn dập: phong trào chống thuế ở Trung
kỳ (1908), Vụ Hà thành đầu độc cùng năm đó... khiến thực dân ra lịnh đóng cửa
tờ báo. Trần Chánh Chiếu cũng bị bắt và phong trào Minh tân Nam kỳ lắng dịu
rồi tan rã.
Tờ Lục Tỉnh Tân Văn xuất bản trong thời gian cuộc thế chiến thứ hai
(1939 - 1945) là của Schneider bán lại cho ông
Huyện Của, tức Nguyễn Văn Của, tri huyện hàm, một nhân vật tay
trắng làm nên sự nghiệp hồi Tây mới qua, cả Nam kỳ lục tỉnh ai cũng nghe nhắc
tới tên ông.
Thời
gian nầy, tình hình sinh hoạt của dân chúng Nam Kỳ, nhứt là nông dân nghèo càng
thêm bi thảm. Qua trung gian chính quyền Pháp, cũng như do chính sách bóc lột
trực tiếp của Pháp, bao nhiêu tài nguyên, lương thực đều bị cả hai đế quốc thu
vét để nuôi dưỡng chiến tranh. Do sự gián đoạn với chính quốc Pháp, các thứ
hàng nhu yếu phẩm như vải, dầu lửa, dầu xăng, diêm quẹt, đường, muối, gạo, than
đá... tất cả đều bị kiểm soát, mua phải có phiếu và rất hạn chế.
Để
được phép xuất bản trong thời gian nầy, báo Lục Tỉnh Tân Văn phải khôn khéo để
làm vừa lòng cả hai ông chủ khó tính Pháp và Nhựt. Lập trường thân Pháp mà cũng
không làm phật lòng Nhựt, cũng giống như hai tờ báo tiếng Pháp thời đó:
L'Action và L'Opinion Impartial (Công Luận). Với hai tờ báo tiếng Pháp này,
chúng tôi hiện có gần 40 tờ để tham khảo.
Tờ
L'Action chính là cái loa tuyên truyền của Nhựt trong thời gian từ khi đảo
chính Pháp, đến khi đầu hàng Đồng minh.
Kể từ khi ông Huyện Của mua lại tờ Lục Tỉnh Tân Văn, thì người đứng
ra trông nom thực sự tờ báo nầy là ông Lâm Văn Ngọ, tức ông Huyện Ngọ, cũng là huyện danh dự hay huyện
hàm. Phía trên, bên trái tờ báo có ghi: Tiền bạc, bài vở và thơ từ, xin gởi cho
chủ nhơn: Bà góa phụ Nguyễn Văn Của, vì lúc nầy ông Huyện Của đã qua đời. Nhắc
lại cuộc đời ông Huyện Của, tình cờ chúng tôi quen được với ông Lâm Vĩnh Thế,
con của ông Lâm Văn Ngọ. Trong thư riêng cho tác giả, anh Lâm Vĩnh Thế viết:
“Ba tôi, ông huyện hàm Lâm Văn Ngọ rất ghét
Tây, trọn đời không chịu đi làm cho Pháp. Ông làm cho nhà in Nguyễn Văn Của, và
sau đó làm ký giả cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Tôi có được xem cái thẻ ký giả của
ba tôi, do mẹ tôi cất giữ, rất tiếc, bây giờ không tìm ra. Ông Nguyễn Văn Của
chính là ông dượng của tôi. Sau khi bà vợ lớn mất, ông Của tục huyền với bà vợ
thứ hai, chính là chị lớn của ông nội tôi. Bà vợ lớn là thân mẫu của Trung
Tướng Nguyễn Văn Xuân. Bà chị của ông nội tôi ăn ở với ông Của không con, lại
mất sớm. Ông huyện Của lại tái hôn một lần nữa, lần nầy là thứ ba, sanh rất
nhiều con cho ông. Người con gái út là cô Mười Marcelle, cũng chính là vợ của
dược sĩ La Thành Nghệ, chủ nhà thuốc tây và công ty dược phẩm La Thành. Hiện
tôi còn giữ được một tấm ảnh chụp tại văn phòng của nhà in Nguyễn Văn Của. Ba
tôi và ông nội tôi (em vợ của ông Của) cũng làm tại nhà in nầy, ngồi đối diện
nhau tại một cái bureau (bàn viết) rất lớn. Ba tôi (Lâm Văn Ngọ) mất tháng
giêng năm 1948...”
Như
vậy, bà góa phụ Nguyễn Văn Của, ghi phía trên bên trái tờ Lục Tỉnh Tân Văn
chính là vợ thứ ba, là nhạc mẫu của ông La Thanh Nghệ. Năm 1967, dược sĩ La
Thành Nghệ có ra ứng cử thượng nghị sĩ quốc hội, thời đệ nhị cộng hòa (1964-75)
trong liên danh Cái Chuông.
Nhắc
về lai lịch nhà in Nguyễn Văn Của được giới thượng lưu trí thức Nam Kỳ đều
biết. Nguyên thủy nhà in nầy là của ông Đinh Thái Sơn, một người nghèo nhưng có
chí, quê quán ở Nghệ An vào Saigon lập nghiệp
đầu thế kỷ 20. Là tín đồ Thiên Chúa giáo, nên buổi đầu Đinh Thái Sơn được họ
đạo Tân Định tận tình giúp đỡ. Thấy cậu học trò khó chuyên cần, có chí, nên
buổi đầu Đinh Thái Sơn được giới thiệu nghề đóng sách trong kho sách của chính
phủ Nam Kỳ. Lần lượt Đinh Thái Sơn mở một nhà in nhỏ, chuyên in sách cho họ đạo
và của chính phủ. Ngoài ra, ông Sơn còn có một tiệm bán sách báo, tạp hóa. Thuở
đó, ông Sơn có sáng kiến nhận đặt hàng của khách lục tỉnh, ông mua rồi gởi tới
nơi qua bưu điện theo lối chuyển hóa giao ngân (trao hàng trả tiền)... rồi tiệm
của ông lần lượt phát đạt nhờ các dịch vụ sửa xe đạp (lúc ấy gọi là xe máy),
bán đèn măng sông (manchon), một thứ đèn thông dụng, được các điền chủ và giới
trung nông nông thôn xài nhiều nhứt.
Khi
trở thành giàu lớn, ông sang lại nhà sách và tạp hóa ấy cho người bạn là Nguyễn
Văn Viết. Thấy ông làm ăn giỏi, có sáng kiến, một ông bá hộ tên Câu Toán, gả
con gái cho, nên ông Đinh Thái Sơn đặt tên hiệu tiệm là Phát Toán .
Sau
khi sang nhà in và nhà sách cho người khác, ông Đinh Thái Sơn bèn hùn với một
nhà triệu phú nổi tiếng có cuộc sống vương giả, nhưng lại giỏi kinh doanh là
ông Lê Phát An. Ông An là con lớn của ông Huyện Sĩ, tức Lê Phát Đạt, nhà giàu
số một Nam kỳ hồi đầu thế kỷ này. Ông An là người Nam Kỳ, dân giả đầu tiên được
phong tước hiệu cao quý nhứt của triều đình là Denis An Định Vương, vì có công
gả cháu gái là Jeanette Nguyễn Thị Hữu Lan cho hoàng đế Bảo Đại, năm 1934. Hôn
lễ cử hành trọng thể ngày 10/3/34 tại điện Kiến Trung ở Huế, và sắc phong cho
cô Lan làm Nam Phương hoàng hậu. Thân phụ cô Lan, tức ông Nguyễn Hữu Hào cũng
được phong làm Long Mỹ Quận Công. Hiện nay tại một ngọn đồi gần thác Cam Ly, Đà
Lạt còn ngôi mộ của hai ông bà Long Mỹ quận công, được dân chúng quen gọi Lăng
Nguyễn Hữu Hào (Hàng năm tại Huế có làm lễ kỷ niệm ngày sanh của Nam Phương
hoàng hậu gọi là lễ Trường hỉ (tài liệu Souverains et des Notabilités
D'Indochine, trang 3).
Trong
dịp gã cháu gái cho hoàng đế, ông Denis Lê Phát An còn tặng cháu một triệu đồng
bạc mặt làm của hồi môn, là một số tiền quá lớn hồi năm 1934. Nếu tính trị giá
bằng tiền Mỹ kim ngày nay, lên tới mấy chục triệu đồng. Cuối năm 1942, hoàng đế
Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương được toàn quyền mời vào thăm Nam kỳ. Thay vì
cư ngụ tại các dinh chính phủ dành cho, hoàng đế Bảo Đại đến ngụ tại dinh Mont
Joye của ông Lê Phát An trên Hạnh Thông Tây. Ông Lê Phát An là một triệu phú,
từng làm chủ đồn điền ở Nam kỳ, Đà Lạt và hàng chục nhà máy phát điện cả Nam kỳ
qua tới Cao Miên. Khi hùn với Đinh Thái Sơn, cả hai lập công ty nhà in
L'Imprimerie de L'Union , còn gọi tiếng Việt là Đồng Hiệp . Sau cùng, nhà in de
L'Union sang lại cho ông Nguyễn Văn Của. Ông huyện Của vừa mở nhà in, vừa làm
khách sạn (phòng ngủ) ở trên lầu của dãy phố 3 căn, nằm trên đường Catinat, tức
đường Tự Do, thời gọi là Đồng Khởi .
Ông
Nguyễn Văn Của cũng là một người học trò nghèo, có chí. Thuở nhỏ, theo lời cụ
Vương Hồng Sển thì thuở hàn vi, cậu bé Nguyễn Văn Của không ngần ngại xách đèn
lồng theo chị đi bán rong đêm khuya mới đủ sống, cơ cực vô ngần. Thế mà mấy
chục năm sau, ai ai cũng biết danh ông. Một đặc sắc nữa, cho đến ngày từ trần,
ông chỉ làm ông huyện Của (huyện hàm), và đào tạo rất nhiều phủ và đốc phủ sứ
danh dự (Vương Hồng Sển, Sàigòn năm xưa, trang 248).
Nét
nổi bật của thời kỳ từ năm 1940-45 được các vị cao niên, cũng như chính thân
mẫu tôi (sinh năm 1911) thường kể lại, thì đó là thời đồ khổ. Lý do thứ nhứt là
thuộc địa Đông Pháp vì chiến tranh, nên gián đoạn với mẫu quốc bên Âu Châu. Thứ
hai cả hai đế quốc Pháp Nhựt đều ra sức bóc lột để cung ứng cho chiến tranh.
Tuy nhiên, bề mặt, mỗi nước đều nêu lên một chiêu bài để lừa bịp dân bản xứ.
Chiêu bài của Pháp lúc bấy giờ là hướng thanh niên vào các công cuộc tranh tài
thể thao: đá banh, đua xe đạp, còn học sinh thì được chính phủ cung cấp phương
tiện để cắm trại tại Suối Lồ Ồ (gần núi Châu Thới, Biên Hòa), cho thanh niên
sinh viên miền Nam, hoặc thăm viếng những danh lam thắng cảnh, những di tích
lịch sử như đền Hùng Phú Thọ, cho thanh niên sinh viên miền Bắc. Thực tế đời
sống của dân quê cùng cực đến tuyệt vọng. Bao nhiêu thứ vật dụng hàng ngày từ
cây kim, sợi chỉ, vải thô may quần áo, xăng dầu... đều khan hiếm trên thị
trường. Dân thành thị, đôi khi còn mua được vài món hàng gia dụng như diêm
quẹt, muối, xà phòng... theo phiếu cung cấp, nhưng rất hạn chế. Đường, sữa là
những thứ xa xỉ phẩm chỉ dành cho hạng nhà giàu.
Dân
miền Nam
thiếu các vật dụng, phải sống đời đồ khổ nhưng lại có nhiều lúa gạo, cá tôm
dưới sông, trên ruộng, tha hồ ăn không hết. Còn dân chúng miền Bắc và vài tỉnh
bắc Trung Kỳ, thì lại thiếu lúa gạo, ăn khoai, bắp, củ chuối, cuối cùng, rồi
gặp thứ gì ăn nấy, như cỏ, rơm cho súc vật. Kết quả, miền Nam sống nheo nhóc, cơ cục như thú
vật, còn miền Bắc người đói, chết như rạ.
Trong
ký ức lờ mờ cũng như sự hiểu biết của một vài đứa trẻ lên 5, lên 6, tôi còn giữ
lại một số hình ảnh về thời đồ khổ của dân Nam kỳ. Ban đầu, họ mặc vải thô,
xấu, tự dệt lấy, gọi là vải ta nhuộm đen. Dân thành thị mặc đồ bằng thứ vải
Xiêm (Thái Lan). Tiếp tục vải ta không đủ mặc, người ta sáng chế ra áo quần
bằng bao bố, thứ bao đựng lúa, may bằng chỉ gai. Cũng có gia đình, cả nhà chỉ một cái
quần bằng bao bố. Khi một người cần đi xóm , đi chợ, được ưu tiên mặc quần bao
bố, những người còn lại thì dùng đệm lác, đệm bàng, quấn quanh mình, phía dưới
bụng, đàn bà cũng như đàn ông.
Tôi
nghe kể lại thời kỳ đồ khổ ở Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều gia đình cũng mặc đồ bằng
đệm bàng. Trẻ em ở trần trùng trục, mình đen sạm nắng vì trong nhà luôn luôn có
hun khói để khỏi bị muỗi cắn. Vì thiếu diêm quẹt, mỗi nhà giữ lửa bằng cách đốt
than củi trên bếp suốt ngày đêm. Mỗi khi lửa tắt, người ta dùng hai viên đá
xanh quẹt vào nhau, làm cho xẹt lửa rồi dùng một thứ bổi là bột phấn bên ngoài
của bẹ cây đủng đỉnh để mồi lửa. Bông gòn là thứ xa xỉ không thể gì có được. Vì
ăn mặc bao bố, nên nhiều người không thể giặt hàng ngày, làm chỗ cho chí (trên
đầu), rận (trong mình) và rệp (ngay trên giường ngủ),
Ba
loại ký sinh đó là một thứ kinh hồn của dân quê thời đồ khổ . Mỗi buổi sáng,
nhà nào cũng có người ngồi, người bắt chí cho nhau. Cảnh đó rất nhiều và rất tự
nhiên. Vì không có xà phòng, nên ai có quần áo bằng vải ta, vải ú hay vải Xiêm
thì giặt bằng nước tro ngâm trong các hũ đụng đường chảy (đường thốt nốt chưa
đặc). Vải nội hóa thời đó được xe bằng sợi gai lớn, do máy rất thô sơ, nên khi
may thành quần áo, mặc bùng nhùng rất dễ rách. Kim may thì làm bằng dây kẽm,
mài nhọn một đầu, rồi dùi lỗ ở đầu kia, để xỏ chỉ may. Chỉ thì được tước trong
lứa dứa, lá khóm (thơm) đập giập, rồi tước ra từng sợi chỉ để may. Thời buổi
nầy, tôi còn nhớ được một câu hát như sau: “Thà
cha mẹ bận sô, bận tố để con bận bố tời...”. Sô, tố là những thứ hàng lụa tốt, bận có nghĩa là
mặc.
Ban
đêm, có nhà đốt đèn bằng dầu mù u, hoặc dầu cá, còn nhà nghèo quá thì ở thầm,
đi ngủ sớm. Trái mù u, đập cho giập, nấu thành dầu để đốt đèn, khói đen bay lên
rất nhiều, làm khó chịu, nhưng sống trong cảnh khổ lâu ngày rồi cũng quen.
Thường gọi dầu mù u, thật ra không có đèn, mà chỉ có cây rọi, tức trái mù u đạp
giập, xe thành cây tựa cây nhang, có tim ở giữa để đốt.
Ở
Saigon và các tỉnh lỵ, phương tiện chuyên sử dụng máy đều thay xăng dầu bằng
alchol và than củi vì than đá phải cung cấp cho Nhựt. Xe đạp thời đó xài bánh
đặc, vì nhiều cao su, nhưng lại thiếu chỉ gai và thép. Xe bánh đặc thì nặng nề,
dằn xóc khi chạy trên đường đá, ê ẩm mình mẩy. Y tế và thuốc men ở thôn quê
hoàn toàn không có. Dân quê phải tự túc, bằng dầu mù u hoặc mũ để nguyên chất,
xức vào các mục ghẻ như bây giờ thoa pommade, không biết tác dụng ra sao, nhưng
thời đó rất thông dụng. Sống thiếu thốn, mất vệ sinh là môi trường sinh bệnh,
nhứt là bịnh dịch. Vì thế, người Nhựt ra lịnh đổ trái cây như khóm, dừa,
xoài... xuống sông và không ai dám vớt ăn. Hồi đó, trái vú sữa không ai ăn.
Người giàu trồng cây vú sữa chỉ để lấy bóng mát.
Nguồn: internet collection
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét