Khiemnguyen

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

NGUYỄN VĂN VĨNH (1882-1936) VÀ CƠ MAY CHO SỰ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ



Nguyễn Minh Triết

Nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh, một học giả đã qua đời cách đây hơn 120 năm, không ai phủ nhận công lao đóng góp của ông trong việc phát triển chữ Quốc ngữ là thứ chữ viết chúng ta dùng ngày nay. Qua một quá trình hình thành kéo dài hơn ba trăm năm từ khi chữ Quốc ngữ chỉ là những ký âm thô sơ được các giáo sĩ phương Tây dùng ghi lại tiếng nói của dân bản địa đến khi tờ Gia Định Báo do ông Trương Vĩnh Ký chủ trương là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời vào năm 1865 thì chữ Quốc Ngữ đã phát triển thành một ngôn ngữ vững vàng và có hệ thống được các giới văn học sử dụng như một thứ ngôn ngữ quốc gia.
Trong tiến trình định hình thành một ngôn ngữ quốc gia đó một học giả đã có công lớn trong việc phát triển chữ Quốc ngữ ở miền Bắc là ông Nguyễn Văn Vĩnh. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng rất hiếu học nên ông đã từ một trẻ kéo quạt cho trường Thông ngôn của Pháp ở Hà Nội đã trở thành một thông ngôn cho tòa sứ Lào Cai lúc mới vừa 14 tuồi. Sau đó nhờ tinh thần ham học và cần mẫn ông rất được cấp trên thương mến và nâng đở nên ông đã từ tòa sứ Bắc Giang tiến về Tòa Đốc lý Hà Nội, trung tâm quyền lực thuộc địa của Bắc kỳ lúc bấy giờ.
Tại tòa sứ Bắc giang ông đã được Công sứ Hauser là một trí thức người Pháp có đầu óc dân chủ nhận ra tài năng của người thông ngôn trẻ tuổi nên đã tin cậy và giao cho đảm nhiệm nhiều phần vụ quan trọng. Phu tá cho Hauser là Phó sứ Eckert nguyên là một quan chức an ninh nên không thông hiểu về hành chánh nhiều. Do đó sau một thời gian thử thách ông Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser bổ làm Chánh Văn phòng nhưng đảm nhiệm hầu hết mọi trách vụ của Phó sứ Eckert.
Sau này khi Hauser được bổ làm Đốc lý Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser thuyên chuyển về theo. Nhờ uy tín Đốc lý Hauser được Phủ Thống sứ Bắc kỳ tin dùng và giao cho kiêm nhiệm hầu hết các công việc quan trong về văn hóa của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Và phần lớn các công việc kiêm nhiệm này Đốc lý Hauser lại giao cho ông Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Đây là một cơ hội cho ông Nguyễn Văn Vĩnh thi thố tài năng của mình đồng thời cũng là một cơ may cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
1. Công việc đầu tiên ông NguyễnnVăn Vĩnh được giao cho là biên sọan và in ấn tờ Công báo Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo. Tờ báo này đã có từ lâu, in một nửa bằng chữ Quốc ngữ, một nửa bằng chữ Nôm chuyên đăng những thông cáo và thông báo của chánh quyền. Từ ngày ông Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách tờ báo được từ từ thay đổi và trở thành một tờ báo ngôn luân có tên mới là Đăng Cổ Tùng Thư do ông làm chủ bút. Lợi dụng cơ may này ông Nguyễn Văn Vĩnh đã dùng tờ báo để truyền bá việc sữ dụng chữ Quốc ngữ đồng thời cổ võ và thu hút nhiều trí thức, nhà giáo, nhà văn tham gia vào việc phát triển và xây dựng một nền văn học bằng chữ Quốc ngữ. Trong suốt cuộc đời ông đã liên tục ra báo không ngoài mục đích truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ cũng như dùng báo chí để giáo dục quần chúng. Sau Đăng Cổ Tùng Báo, ông lại tiếp tục ra mắt các báo như Lục tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn, Học Báo.....
2. Công việc thứ hai Phủ Thống sứ giao cho tòa Đốc lý Hà Nội là vận động mở mang các trường học và các hội thiện, hội nghĩa để phổ biến văn hóa Pháp. Lợi dụng mục tiêu này của Phủ Thống sứ ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đứng ra xin thành lập nhiều trường học và hội đoàn để truyền bá chữ Quốc ngữ và xây dựng tinh thần yêu nước như:
-    Hội Trí Tri
-    Trường Đông Kinh Nghĩa thục
-    Hội giúp đỡ người Việt sang Pháp du học
-    Hội dịch sách
-    Và nhiều trường và hội đoàn khác nữa...
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các hội Trí Tri, Đông Kinh Nghĩa thục trong công cuộc gieo mầm và xây dựng một lớp người có tinh thần tranh đấu cho sự độc lập của xứ sở.
3. Công việc thứ ba mà ông Nguyễn Văn Vĩnh đươc Đốc lý Hauser ủy thác cho làm là quản lý gian hàng của Bắc kỳ tại Hội chợ thuộc địa Marseille. Nhờ công việc này mà ông Nguyễn Văn Vĩnh được sang Pháp ở sáu tháng với tư cách đại lý Bắc kỳ tại Hội chợ. Trong thời gian ở Pháp ông đã tận mắt thấy các nét tích cực của văn hóa Pháp và được dịp tiếp xúc với các người Pháp có đầu óc dân chủ tiến bộ ở Marseille cũng như ở Paris. Trong dịp này ông cũng được đi thăm các nhà in, nhà báo, và nhà xuất bản Pháp để thấy được tận mắt kỹ thuật in ấn tân tiến cùng những phương tiện và phương pháp truyền đạt chữ nghĩa và tư tưởng của người Pháp.
Sáu tháng ở Pháp giúp ông Nguyễn Văn Vĩnh thấy tận mắt nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây, thấy được những mặt tích cực cũng tiêu cực của nó, đồng thời ông cũng được khảo sát và học hỏi nghề làm nhà in và làm báo, nên sau khi ở Pháp về ý hướng canh tân xã hội và đặc biệt là canh tân ngôn ngữ đã ươm mầm trong đầu ông từ lâu bộc phát khiến ông đi đến quyết định từ bỏ quan trường để dấn thân vào con đường phát triển báo chí tại Bắc kỳ. Con đường đầy chông gai nhưng giúp ông đạt mục tiêu nâng cao dân trí bằng con đường phát triển ngôn ngữ và dùng nó làm phương tiện giáo hóa người dân. Sau 17 năm tự học ông đã tích cực xông xáo suốt 30 năm còn lại của cuộc đời để truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ vì ông luôn tâm niệm và hô hào rằng:
Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng đều nhờ ở chữ Quốc ngữ”.
Qua các sự kiện vừa trình bày ta thấy qua Nguyễn Văn Vĩnh một cơ may đã xảy đến cho sự phát triển chữ Quốc ngữ. Đó là việc ông được Đốc lý Hà Nội Hauser tin dùng và ông đã biết tận dụng cơ may đó cho việc truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ. Ba lá cờ mà Phủ Thống sứ Bắc kỳ trao cho ông qua tay Đốc lý Hà Nội đã được ông phất một cách kỳ ảo và hữu hiệu, hợp quần cùng với các học giả Nam kỳ như Trương Vĩnh Ký để đưa chữ Quốc ngữ mau chóng trở thành ngôn ngữ phổ thông cho cả nước.
Nhưng cuộc đời lắm khi có nhiều nghịch lý và việc làm của ông đã bị một số người đương thời cũng như sau này không chịu hiểu ông và nhìn ông với đôi mắt thiên lệch. Không ít người đã nghi ngờ ông làm tay sai cho Pháp, thậm chí có người còn kết tội ông là Việt gian!.
Có phải chăng danh từ “thông ngôn” thời Pháp thuộc đã bị dè bỉu và bị hiểu  lầm là những tay sai cho Pháp?
Nhưng qua việc làm của ông, “thông ngôn” Nguyễn Văn Vĩnh không phải là thứ “thông ngôn” tầm thường chỉ biết ninh bợ quan Tây và hà hiếp dân ta. “Thông ngôn” Nguyễn Văn Vĩnh là chiếc cầu văn hóa nối liền hai nền văn hóa Việt - Pháp qua những công trình dịch thuật có giá trị. Nhưng trên hết “thông ngôn” Nguyễn Văn Vĩnh là một người Viêt Nam rất có tinh thần dân tộc. Vì tinh thần dân tộc mà ông đã hai lần từ chối Bắc Đẩu Bội tinh do chánh phủ Pháp ban tặng. Vì tinh thần dân tộc mà ông cùng 4 người Pháp ký tên kiến nghị phản đối chính phủ Pháp bắt giữ ông Phan Chu Trinh. Và cũng chính vì tinh thần dân tộc này mà ông bị đám cầm quyền thực dân Pháp ở Hà Nội trù dập khiến ông phải bị phá sản và phải lưu lạc sang Lào tìm sinh kế để rồi phải bỏ mình tại đấy một cách bi thương khi mới có 54 tuổi đời. Một mất mát lớn cho lịch sử văn học Việt Nam!
Thời gian hơn bảy mươi năm từ ngày ông qua đời đã tắm gội cho thanh danh của ông để ngày nay mọi người đều công nhận sự đóng góp to lớn của ông cho nền văn học Việt Nam cũng như tinh thần dân tộc của ông ngày nay cũng được ngời sáng. Qua tất cả những công trình tích cực mà ông Nguyễn Văn Vĩnh đã để lại cho chúng ta, tên ông xứng đáng được có một chỗ đứng trân trọng trong chúng ta và trong lịch sử văn học Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét