Khiemnguyen

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Tiền và thân phận làm người trong văn chương Việt Nam trong thế kỷ 19



 
Nguyễn Đăng Ngọc

Tạo vật bất thị vô để sự
Bòn chài ra một thứ quấy chơi
(Nguyễn Công Trứ)
Tiền một thế lực kinh tế, cũng còn một nguồn văn và thi liệu cho văn chương. Tuy nhiên, khác với những đề tài như tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên, chiến công oanh liệt... lúc nào cũng gây cảm hứng cho văn nhân thi sĩ, tiền chỉ xuất hiện và được nhắc nhở tới trong văn chương ở vào một giai đoạn lịch sử nào đó.
Trong xã hội Tây phương ngày trước, tầng lớp lãnh đạo, các chiến sĩ quý tộc (bellatores), chịu ảnh hưởng của triết học Hy Lạp và tôn giáo Giatô, coi của cải ở cuộc đời tạm bợ này như phù vân (vanitas vanitatum, et omnia vanitas), nên tiền chẳng được nhắc nhở tới trong văn chương. Mãi đến về sau, khi có một sự thay đổi lớn lao trong cơ cấu xã hội, tiền mới được đề cập tới.
Lấy văn học Pháp làm tỉ dụ, chúng ta sẽ thấy tiền hay tư lợi không bao giờ là một đề tai chính trong những tác phẩm cổ điển.
Những anh hùng trong các bi kịch của Comeille, đặt bổn phận và danh dự lên trên hết. Racine, sau Corneille, mô tả bản chất con người qua những mối tình say đắm đến mù quáng. Tiền tuy có xuất hiện ở một so hài kịch của Molière như “Người biển lận” (L’Avare), “Kẻ trưởng giả học làm sang” (Le Bourgeolis Gentil homme), nhưng hài kịch không phải là một thể loại nghiêm chỉnh (genre sérieux). Hơn nữa thái độ biển lận, keo kiệt quá độ của Harpagon, hay hợm hĩnh vì tiền của ông Jourdain chỉ là những thói tật cá nhân, hạ tiện, đối lập với tính cách quý tộc.
Qua thế kỷ 18, tầng lớp “petit-bourgeois” (tiểu tư sản) phát triển, “tiền” được nói đến nhiều hơn vì đã có ảnh hưởng quyết định trong tương quan xã hội. Trong vở kịch “Turcaret” (tên một thương gia giảo quyệt), Lesage (tác giả) cho thấy vì tiền mà con người thành ra xấu xa. Tất cả các nhân vật trong vở kịch, từ kẻ quý tộc cho đến nhà buôn, chí đến đứa ở đều lừa đảo nhau vì tiền, và kẻ có tiền là người ngự trị. “Voilà le règne de M. Turcaret fini; le mien va commencer” (Thời đại Turcaret đã qua rồi; thời của tớ sắp bắt đầu), đó là lời tuyên bố của Frontin, một tên đầy tớ trở nên giàu có, nhờ những mánh khóe gian xảo và lừa bịp. Trong vở “Les Fausses Coníìdences” của Marívaux, vấn đề tiền đặt ra nhẹ nhàng hơn, nhưng chính sự chênh lệch về tiền là đầu mối trở ngại cho mối tình giữa chàng Dorante trẻ đẹp, nhưng lỡ vận, và nàng Araminte, góa phụ giàu sang và kiều diễm, dù cả hai thầm kín yêu nhau.
Kíp đến thế ky 19, tiền trở thành một đề tài lớn. Victor Hugo đã đề cập đến tiền trong nhíeu tác phẩm của mình. Đặc biệt vào cuối thế kỷ, tiền là luận đề chính cho bộ tiểu thuyết hiện thực nhiều tập về gia đình Rougon Macquart của Émile Zola: L’Argent, La Curée...
Ở Á Châu, tại các nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, như nước ta, xã hội chia ra bốn giai cấp là sĩ, nông, công, thương. Kẻ sĩ, đứng đầu, tuy có một tinh thần khác với quý tộc Tây phương, nhưng nói chung, cũng coi thường giá trị tiền, đặt đạo đức lên trên tư lợi. Lời Mạnh Tử đáp lại Lương Huệ Vương là một khuôn vàng thước ngọc cho nhà nho: “Vương hà tất viết lợi; diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hĩ?” (Vua nói chi đến điều lợi, xin chỉ nói chuyện nhân nghĩa). “Thúc Hướng hạ Tuyên Tử” là một câu chuyện khác tượng trưng thái độ nhà nho đối với tiền hay phú quý. Tuyên Tử than nghèo, nhưng Thức Hướng lại mừng cho Tuyên Tử (Tuyên Tử ưu bần, Thúc Hướng hạ chi). Và sau những lời trình bày chí nhân chí nghĩa của Thúc Hướng, Tuyên Tử đã cúi đầu cám ơn Thúc Hướng giúp mình giữ được cảnh nghèo trong sạch, đạo đức: “Khởi dã tương vong, lại tử tồn chi” (Khởi này sắp suy sụp, nhờ bác giữ lại).
Theo đạo lý Khổng Mạnh xưa, không có gì quý hơn là biết vui sướng trong cảnh nghèo trong sạch. Quan niệm đạo đức ấy đã chi phối mạnh mẽ nên văn chương của chúng ta. Và vào thời trước, văn chương chỉ là một hình thức để phát huy đạo đức (Văn dĩ tái đạo), nên suốt từ lúc mới thành hình cho đến đầu thế kỷ 19, thật khó tìm thấy trong văn học Việt một bài thơ hay bài phú than thở vì nghèo, nói chi đến việc đề cao tiền.
Đồng tiền xem ra thật hiền hòa trong thi ca của Nguyễn Trãi. Tiền chỉ là một phương tiện để tương thân tương ái, an ủi, đùm bọc lấy nhau lúc hoạn nạn:
Đồng tiền, bát gạo mang ra,
Gọi là cần kiệm chút là làm duyên.
(Gia huấn ca)
Nguyễn Bỉnh Khiêm ở vào một thời đại phức tạp hơn, nhận rõ nhân tình thế thái, nên đã đề cập đến tiền trong những khía cạnh sâu xa. Tiền thay đổi lòng người:
Còn bạc còn tiền còn đệ tử,
Hết cơm hết rượu hết ông tôi.
Nhưng trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiền vẫn chưa phải là một thế lực độc ác ghê gớm, đè bẹp giá trị con người. Tiền có thể thay đổi lòng người, nhưng giàu, nghèo không khác nhau, con người có thể sống nhàn hạ mà tiền chẳng có ảnh hưởng gì đến:
Giàu ba bữa, khó ba niêu,
Yên phận thì hơn hết mọi điều
 Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt
 Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu.
Cuộc sống vẫn hiền hòa; nghèo khó càng làm rạng rỡ thêm đạo đức:
Khó khăn mới biết người quân tử
 Nghèo hiểm thì hay tiết trượng phu.
Ngay trong những tác phẩm có tính cách đại chúng, những nhân vật chính, cũng thường là những kẻ “áo rách khố ôm” như Thạch Sanh, Trần Miên khố chuối, Phạm Công, Phạm Tải... Tuy nghèo đến rớt mồng tơi nhưng chẳng có một ai tham tiền. Tiền không bao giờ làm cho họ băn khoăn, thắc mắc, và cũng không bao giờ vì tiền mà hành động trái nhân nghĩa.
Tuy nhiên đã có một sự thay đổi, có thể nói là đột ngột và lớn lao từ buổi giao thời của hai thế kỷ 18 và 19 cho đến lúc tàn cuộc nền văn chương chữ Nôm. Đồng tiền từ bây giờ đã trở thành một đề tài quan trọng, xuất hiện trong văn học như một thế lực mạnh mẽ khác thường, gây ra nhiều biến động tinh quái và tàn ác trong xã hội. Con người dù muốn yên cũng không yên được trước thế lực của tiền.
Nếu lấy truyện Kiều làm một cái mốc cho thời giao nhau của hai thế kỷ, thì chính Kiều đã mở đầu cho đề tài tiền trong văn học Việt Nam. Xét theo những phương diện căn bản trong nội dung, có thể gọi Kiều là một câu chuyện tình bi đát, là thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, là câu chuyện của một tiếng đàn, vì chuyện kết thúc thì đàn cũng được cuốn dây:
Một phen trì kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa.
Cũng có thể gọi là chuyện tài mệnh tương đố, “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” hay chuyện túc trái tiền duyên:
Đoạn trường sổ, rút tên ra,
Đoạn trường thơ, phải đưa mà trả nhau.
Có thể kể thêm nhiều khía cạnh khác nữa, nhưng có một khía cạnh chủ yếu, ít khi, hoặc chưa được đề cập đến, ây là tiền. Lý do không được chú ý tới có lẽ vì tiền có tính cách quá thực tế, trái với tính chất đầy thơ mộng, đầy tình cảm tế nhị của áng văn mà Mộng Liên Đường chủ nhân gọi là “máu chảy ở dầu ngọn bút, nước mắt thâm trên tờ giấy”.
Nhưng nếu xét theo khía cạnh tiền, thì có thể xác định Kiều là chuyện của đồng tiền; nói khác đi, cuộc đời đau khổ của Kiều, hay thân phận của con người nói chung, chìm nổi theo thế lực của tiền.
Vương Viên ngoại không giàu, nhưng tương đối cũng có đôi chút tiền của, “thường thường bậc trung”, như Nguyễn Du đã nói:
Gia tư nghỉ, cũng thường thường bậc trung.
Giả thiết Vương ông không ở vào “bậc trung”, thì chắc thằng bán tơ kia đã không “dở dói”, mà sai nha cũng chẳng ập vào nhà để “vét cho đầy túi tham” rồi sau đó “làm cho khốc hại”. Giả thiết nữa là nếu gia đình Kiều có được ba trăm lạng, cất dấu đâu đó, thì cuộc đời của Kiều đã đổi khác, Kiều đã không bán mình để chịu mười lăm năm lưu lạc:
Tính bài lót đó, luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Và thật vậy, Nguyễn Du đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại thế lực yêu quái của tiền. Tiền xóa mờ hết đạo nghĩa; công lý chỉ dựa vào tiền:
Tiền lưng đã có, việc gi chẳng xong!
Nói thế hình như chưa đủ, Nguyễn Du đã lặp lại nguyên cùng một ý ở một đoạn ngay sau đó:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
 Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gi!
Khi đã có tiền thì vương ông không những được “tại ngoại hầu tra” (tạm lĩnh Vương ông về nhà), mà việc “tụng kỳ” cũng chấm dứt nhanh chóng:
Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.
Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam, tiền được nhắc nhở về nhiều mặt và đã quyết định cái hình thái của xã hội như trong Đoạn Trường Tân Thanh. Tiền đã đưa xã hội đến chỗ trụy lạc, và hình thức tổ chức trụy lạc thật qui mô. Lâm Chuy cách Bắc Kinh đến một tháng đường dài (Lâm Chuy vừa một tháng tròn tới nơi), thế mà Kiều ở Bắc Kinh vừa lên tiếng bán mình, tin đã tới ngay Tú Bà ở Lâm Chuy. Mụ này sai Mã Giám Sinh, một tay ăn chơi về già và chính cũng là chồng của mụ ta, đến ngay Bắc Kinh để mua Kiều về. Vốn một tay ăn chơi sành sỏi, quen chuyện lừa lọc bán phấn buôn son, chẳng có độ lượng nào trước nỗi đau khổ của người khác, thế mà rút cuộc việc buôn bán cũng đã ngã giá rất cao:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.
Lẽ tất nhiên ở đây chúng ta không nói đến trị giá của Kiều như một con người tài hoa. Dù mụ mối khéo mồm khéo mép đưa giá Kiều lên tới ngàn vàng, giá ấy cũng không tương xứng vì làm sao có thể đánh giá được một người tài hoa! Chỉ xét Kiều như một nạn nhân, một món hàng mà Tú Bà mua về cho thanh lâu, thì món hàng đó thật là đắt giá. Thử làm một bài tính để tính xem Tú Bà đã phải tốn kém bao nhiêu để mua dược Kiều, và cũng thử tính để suy ra vốn liếng của Tú Bà, chúng ta sẽ thấy tài sản của Tú Bà thật đồ sộ. Dù không so sánh được với những chủ nhân ở đô thị “Những đồng bằng phì nhiêu” (Las Vegas) tại U.S.A, nhưng cũng khá kếch sù! Tú Bà có những tay đàn em đểu giả loại Sở Khanh, sẵn sàng thực hiện âm mưu của mụ theo những hình thức tinh vi và qui mô, “song song ngựa trước, ngựa sau một đàng”; có hằng chục hay hằng trăm “tiểu Kiều”, dầu không đắt giá như Kiều, nhưng chắc cũng chẳng rẻ, lại còn có cả lầu Ngưng Bích để sẵn sàng “khóa buồng xuân... đợi ngày đào non” cho những người muốn “thác trong” như Kiều.
Một tổ chức thanh lâu khác trong Đoạn Trường Tân Thanh là của Bạc Bà và bọn “đồng môn” ở Châu Thai. Tổ chức này, như Nguyễn Du mô tả, “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người”, qui mô chẳng kém gì tổ chức của Tú Bà. Và nên chú ý Lâm Chuy (Sơn Đông) và Châu Thai (Chiết Giang), nơi Tú Bà và Bạc Bà mở “hành viện”, chỉ là những địa phương xa xôi, nói gì đến những nơi thị tứ! Lại suy theo cách ăn chơi của những khách du như Thúc Sinh: “Trăm nghìn đổ một trận cười như không” thì Tú Bà kiếm vào chắc không ít. Bọn Bạc Bà, Bạc Hạnh không phải quá đáng “nhất bản vạn lợi” như con buôn thường ước mơ nhưng cũng một vốn mười lời:
Xem người, định giá, vừa rồi
 Mối hàng một, đã ra mười, thì buông.
Thế lực của tiền ở Đoạn Trường Tân Thanh còn được phơi bày ra trong hình thức đồng tình kết hợp của hai tầng lớp thương nhân và phong kiến.
Bản thân Thúc Sinh là một tiêu biểu cho sự kết hợp đó. Thúc Sinh không những là một thương nhân giàu có, lại thuộc về giòng dõi quý phái:
Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tăm họ Thúc, vốn nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích, châu nường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Chuy.
Cuộc hôn phối giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư, con quan Chủng tể (Tể tướng) lại càng tiêu biểu hơn. Ngày trước, gia đình bên vợ và bên chồng phải là môn đăng hộ đối, nghĩa là không những giàu có tương đương, mà giáo dục và gia phong cũng giống nhau.
Có tiền và có quyền, Thúc Sinh hành động liều lĩnh, đem Kiều giấu diếm một nơi, bất chấp nghề ngón của Tú Bà:
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Rồi sau đó lây tiền và thế lực để chính thức chiếm đoạt Kiều từ tay Tú Bà:
Rõ ràng của dẫn, tay trao,
Hoàn lương một thiếp, thăn vào cửa công.
Cũng vì giàu và quyền thế nên Hoạn Bà và Hoạn Thư đã có “lũ côn quang”, có “gia pháp nhà tao”, coi giá trị con người chẳng hơn “con ong cái kiến”, vu vạ cho Kiều những tính nết xấu xa: “mèo mả, gà đồng”, “trốn chúa lộn chồng”, để rồi xóa mất đi “căn cước” (identity) của Kiều theo ý muốn. Đổi họ, đổi tên, làm mất dấu tích, thay thế “thượng đế” bản xứ bằng một “thượng đế” mới là điều mà bọn người áp bức, hay thực dân xâm lược thường làm đối với kẻ yếu hèn hay dân bị trị. Cho nên Hoạn Bà đã đổi tên Thúy Kiêu:
Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Buồng the, dạy ép vào phiên thị ti
Sau này Hoạn Thư cũng theo cách đó để “thủ tiêu” tình địch:
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyên.
(Xin phân biệt việc tự ý đổi tên và việc bị áp đặt một tên mới)
Tiền ở trong Đoạn Trường Tân Thanh có một sức phá hoại ghê gớm. Tiền lũng đoạn quan trường, và như đã nói bên trên, nếu Vương ông không có tiền thì thằng bán tơ đã không “dở dói”, sai nha chẳng ập vào nhà để “vơ vét” và Kiều đã sống một cuộc sống hạnh phúc.
Tiền cũng được dùng như một thủ đoạn chính trị, để thương lượng và mua chuộc. Hồ Tôn Hiến, một viên quan “Kinh luân gồm tài” đã dùng tiền bạc như một thứ vũ khí:
Đồng quan làm chước chiêu an,
Ngọc, vàng, gấm, vóc, sai quan thuyết hàng.
Lại riêng một lễ với nàng
Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân.
Và thứ vũ khí tiền đó đã thành công. Từ Hải ra hàng vì nhiều lý do, trong số, có lý do quan trọng là Kiều đã xiêu lòng trước tiền. Nguyễn Du đã xác nhận:
Nàng thời thật dạ tin người,
Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu.
Tiền còn được nhắc nhở tới nhiêu lượt nữa, điển hình một vài trường hợp sau đây: Trước lúc trốn khỏi Quan Âm các ở nhà Hoạn Thư, Kiều nghĩ đến tiền để phòng thân:
Chỉ e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm đường ấm no!
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiên sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên minh giát để hộ thân...
Kiều dấn bước vào cuộc đời luân lạc, lòng nặng những lo âu; không thanh thản, vô tư như những kẻ bần hàn ngày xưa. Phạm Công, Lý Công..., dù thiếu thốn mọi bề, phải đi ăn mày để nuôi thân và để nuôi cả mẹ, nhưng luôn luôn tin tưởng, vẫn giữ vững được tinh thần để học hành và làm nên sự nghiệp.
Tiền là giải pháp cho mọi vấn đề, là phương tiện để trả ân trả nghĩa, là hình thức bày to ý chí, tâm tình củạ mình. Kiều đã tạ lòng chàng Thúc bằng: Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân. Sư trưởng Giác Duyên cũng được thưởng tiền: Nghìn vàng gọi chút lễ thường. Về sau này, lúc quyết tâm đi tìm Thúy Kiều, Kim Trọng cũng nghĩ đến tiền như một phương tiện cần thiết:
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng,
Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi.
Qua rồi, ngày con người Việt hoàn toàn tin vào đạo đức nhân nghĩa, vui sướng trong thanh bần. Từ buổi giao thời cua hai thế kỷ 18 và 19, con người bắt đầu tin và đã tin mạnh mẽ vào thế lực kim tiền.
Nhưng tin vào tiền: “có tiền mua tiên cũng được”, không giống như tin vào Đức Phật cao siêu, Đức Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn, hay một đấng Thượng Đế toàn năng, có thể hỗ trợ cho chúng ta chống lại mọi cám dỗ của ma quỷ. Tin vào tiền có nghĩa là ý thức rằng tiền là một thế lực lớn trong xã hội, thường thường có tính cách tiêu cực, quỷ quyệt, tinh ranh, làm điên đảo cương thường, phá hoại đạo lý..., để rồi người tin có lúc phải cảm thấy ray rứt, chua xót, ê chề, sỉ nhục vì tiền.
Mà thật vậy, chẳng mây lâu sau Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, rồi Nguyễn Khuyến và Tú Xương... đều có những câu đối, những bài thơ, bài phú than nghèo, vịnh nghèo, mỉa mai, nguyền rủa đồng tiền, vì tiền không những phá hoại những lớp người yếu đuối như Kiều, tiền còn phá hoại ngay đến các kẻ sĩ, các nhà nho.
Nguyễn Công Trứ thường được xem như là nhà thơ ca tụng chí nam nhi và nhàn tản, nhưng một phần khá lớn thi phẩm của ông đã nói về cảnh nghèo, về tiền. Cứ lật bất cứ một cuốn sách giáo khoa nào của bậc trung học ở miền Nam Việt Nam trước 1975, đều có thể bắt gặp những bài thất ngôn nói về cảnh nghèo, bài phú Hàn nho phong vị, bài ca trù về kim tiền. Bài “Hàn nho phong vị phú” là một bức tranh sinh động mô tả cảnh cơ cực của một nhà nho cùng khổ và thái độ hợm hĩnh của bọn trọc phú:
“Than thì to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trỳ
 Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ”.
Dù lời văn có tính cách châm biếm, cợt nhả; dù viện dẫn những tích người xưa, chàng Khuông, chàng Vũ... để giữ lòng bình tĩnh; dù cho rằng “khó bởi tại trời; giàu là cai số!”, nhà thơ làng Uy Viễn vẫn không che giấu được nỗi chua chát của mình trước thế lực kim tiền. Cái phong vị của kẻ hàn nho chỉ còn là cái phong vị lẫn nhiều mùi xót xa, cay đắng. Đồng tiền trong thời Hồ Xuân Hương, trước Nguyễn Công Trứ không lâu, chỉ là “đồng tiền hoẻn”, đến thời đại Nguyễn Công Trứ, “cái vật tầm thường ấy” đã trở thành một vị thần linh:
Khả quái tầm thường a đổ vật
Khước giao đáo dể đại thần linh,
(Khá lạ cho vật tầm thường ấy, mà thành ra vị thần linh to).
“Ai cũng kẻ vì người yêu”, vị thần linh ấy lại có quyền năng phi thường. Tiên không những xếp đặt yên ổn chuyến vợ chồng trong gia dinh, giúp cho tài năng phát đạt ở đời này:
Đương om xòm chớp giật, sấm ran,
Nghe róc rách gió hòa mưa ngọt
 Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt,
Không ngươi cũng ải với cỏ cây...
(Vịnh Kim Tiền)
Lại còn có thể giải quyết được những chuyện ở thế giới vô hình:
Tiếng xỏngxảnh đày trong trời đất,
Thần cũng thông huống nữa là ai.
(Vịnh Kim Tiền)
Một bài phú thường được đối chiếu với bài “Hàn nho phong vị phú” là bài “Tài tử đa cùng phú” của Cao Bá Quát. Lời văn tài tử, bóng bẩy, thạt xứng với danh thánh Quát, nhưng nội dung cũng đượm một nỗi niềm chua chát, buồn tủi, đậm đà hơn cả ở Nguyễn Công Trứ. Con người nghèo trong “Hàn nho phong vị phú” còn đứng ở bên rìa xã hội (marginal), còn có thể “mỏi cẳng ngồi chờ”, đến “Tài tử đa cùng phú” thì đã mất hẳn cho đứng: “Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ.” Cô đơn, trống trải, u buồn là số phận của kẻ không tiền:
“Lầu nho nhỏ kéo tấm tranh lướp tướp, ngày thê lương, hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con gom chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch, soi chung vừng trăng tỏ”.
Kết hợp những vế này trong bài phú với câu đối dán ở nhà dạy học mới cảm thấy cái cô độc, lẻ loi của kẻ nghèo:
“Nhà trống ba gian, một thày, một cô, một chó cái;
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.
Tiền đã xua đuổi con người đi vào một xã hội không còn là người nữa, nếu không hẳn là xã hội loài thú. Không có kẻ cảm thông, không có người thân thích, Cao Bá Quát, cũng như Kiều, vì tiền mà đã đi đến chỗ chỉ còn biết đối diện với chính mình:
Nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa.
Bản thân mình và xã hội đều đượm một màu xơ xác. Bài “Gặp người đói giữa đường” (Đạo phùng ngạ phu) mô tả một người thiếu cơm thiếu áo mà Cao Bá Quát đã gặp trên đường, nhưng người ấy cũng là thảm cảnh của chính mình, của lớp sĩ phu nghèo khó, thất thểu, tơi bời.
“Tiến vi quan, thối vi sư”, thành đạt thì làm quan, không thành đạt thì trở về làm thầy, thầy đồ và thầy thuốc. Nhưng cả đám thầy thuốc đều không có bệnh nhân:
Kinh đô chẳng ai ốm...
Thầy thuốc từng đống ngồi.
(Đạo phùng ngạ phu)
Có thật người ở kinh đô đều khỏe mạnh? Mà kinh đô nào đây? Huế hay Thăng Long? Trước sức đe dọa của ngoại bang, trước loạn lạc lung tung trong nước, người ta chỉ khỏe mạnh lòng ích kỷ, vì biết nhắm mắt lại trước điều bất nghĩa, để có tiền, để sung sướng. Riêng chỉ có “đống” thầy thuốc, hạng người muốn chữa bệnh cho con người và cho xã hội, mới ốm đau, thất thểu; ốm vì nghĩ đến đạo đức, rồi từ đó ốm vì đói. Phương thuốc chữa căn bệnh này là xóa bỏ trật tự khác. Cao Bá Quát đã suy nghĩ như thế trong văn chương:
"Đừng thấy người bạch diện thư sinh;
Mà cười rằng đa cùng tài tử”
Và trong thực tế cũng đã hành động theo ý nghĩ của mình:
Bình dương Bò bản, vô Nghiêu Thuấn,
Mục dã, Minh điêu, hữu Võ Thang.
Tiền đè nặng lên giá trị con người, khí phách hiên ngang của kẻ sĩ, hay của con người nói chung dã bùng lên trước bần cùng nhưng để rồi tàn lụi dần!
Nguyễn Khuyến đã có một cái nhìn tổng quát về tiền. Ông nhớ lại chuyện xưa, rồi so sánh với chuyện ngày nay và hờn mát đồng tiền:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế ư?
Đó là một câu hỏi bao hàm nhiều ý nghĩa. Vì tiền mà quên mất công lý là chuyên đáng ngạc nhiên đời trước, nhưng trong thời buổi này thì có gì đáng lạ! Sự kiện tiền bẻ cong công lý đã trở thành thông lệ phổ quát:
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp
Nẹt thằng mặt trắng lấy tam nguyên
 Tiền đã tàn phá sâu sắc đạo đức nhân nghĩa trong xã hội, không còn có phương thức để sửa chữa cũng như một cuộc cờ “không còn nước”. Nguyễn Khuyến dành giả lơ, giả điếc, giả làm ông phỗng đá, ông tượng đất để giữ chút lòng ngay thẳng, trong sạch trước đồng tiền:
Ông đứng trông trời sướng thế ông
Tơ vương chẳng bợn chút hơi đồng.
(Ông Tượng Đất)
Nhưng đến Tú Xương thì con người không thể nào không “bợn đến hơi đồng” nữa. Tiền bạc đã ngự trị trên hết. Chính Tú Xương đã nhận xét:
Phàm kim chi nhân duy tiên nhi dĩ (Phàm người bây giờ chỉ thích tiền mà thôi). Con người bây giờ bị dập vùi, xơ xác theo tiền bạc. Bản thân Tú Xương, vợ con, gia đình ông, tất cả đều tan nát:
Bố ở một nơi, con một nơi,
Bấm tay tháng nữa hết năm rồi.
(Than thân)
Tiền đã phá hoại thể xác lẫn tinh thần của ông và của cả gia đình ông:
Bức sốt những mình cứ áo bông
Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.
Một tuồng rách rưới con như bố,
Ba chữ nghêu ngao, vợ chán chồng.
(Mùa nực mặc áo bông)
Thời đại con người giữ khí phách hay dửng dưng trước đồng tiền hầu như đã đi qua, bây giờ chỉ còn nghe những lời van vỉ:
Van nợ có khi tràn nước mắt,
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
(Than nghèo)
Cao Chu Thần, tuy không có chỗ đứng trong xã hội nhưng còn có một mái lều tranh, có vợ, có con chó cái, với dăm ba dứa học trò, Tú Xương thì hết sạch sành sanh, bán cả nhà, cả vợ lẫn con:
Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi.
Vợ lăm le ở vú,
Con tấp tểnh đi bồi.
Con người vong gia thất thế đó đã phải bó tay trước đồng tiền. Tất cả nghị lực, khí phách ngày xưa bây giờ chỉ còn là những lời chửi đổng hay cái ký ức tuy cảm động, nhưng thật mơ hồ về một người bạn cách mạng nơi chốn xa xăm:
Ta nhớ người xa cách núi sông
 Người xa xa có nhớ ta không?
Nhìn chung lại mà nói, tiền đã chính thức xuất hiện như một đề tài quan trọng trong nền văn chương của chúng ta vào buổi giao thời của hai thế kỷ 18 và 19. Từ bấy giờ cho đến cuối thế kỷ 19 là lúc mạt vận của văn Nôm, tiền đã tấn công tàn phá, dày xéo thân phận làm người. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du còn đứng ở ngoài cuộc như một người quan sát để nhìn tiền tàn phá con người và xã hội, dù con người và xã hội ấy đã có liên hệ chặt chẽ với ông. Từ Nguyễn Công Trứ trở đi, con người bị tiền đày đọa không phải là con người tha nhân, mà chính ngay là bản thân các tác giả. Khí phách hiên ngang cua con người dần dần mất đi. Đến Tú Xương thì cuộc tàn phá của tiền hầu như đã hoàn thành, số phận con người trỏ nên bi đát, tài năng không còn đường tiến. Tiền đã xuất hiện trong văn học Tây phương đúng vào lúc tầng lớp tư sản (bourgeoisie) trở nên giàu có với cuộc đổi mới về kinh tế và cách mạng kỹ nghệ. Nhưng còn ở nước ta thì vì lý do gì mà tiền đã trở thành một đề tài quan trọng trong nội dung văn chương và tư tưởng? Nghiên cứu vấn đề này có lẽ là công việc của các nhà xã hội học, kinh tế học và sử học. Đứng về mặt văn học chúng ta chỉ nhận xét là thân phận con người và tiền đã quan hệ chặt chẽ với nhau trong thế kỷ 19 và trong lúc thế lực của tiền đã phát triển đi lên theo thời gian thì thân phận con người càng ngày càng sa sút, trở nên xơ xác, bi thảm.
                                                                                         San Diego, mùa Đông 1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét