VĂN CHƯƠNG
VÀ VĂN CHƯƠNG CỦA NHÀ BÁO
(Đáp lại Đuốc nhà Nam)
Đọc Đuốc nhà Nam (1) số
9, thấy có bài xã thuyết đề là Thế nào gọi là văn chương có giá trị? Ở
trong, Đuốc nhà Nam
bàn phiếm về sự làm văn, lại có phô bày lối văn riêng của mình mà phản chứng
với các báo khác rằng: "Xin các quý đồng nghiệp biết cho".
Vả chúng tôi chẳng
cũng là một bạn đồng nghiệp với quý báo Đuốc nhà Nam. Đã là bạn thì gặp một việc
gì, có cái nghĩa phải giảng bàn cùng nhau, mà dầu cho có trách bị nhau chút
đỉnh cũng vô hại. Bởi vậy hôm nay chúng tôi dám lấy cái tư cách một người bạn
mà đáp lại bằng bài nầy.
Quý báo nói rằng
văn chương phải cho rõ ràng, êm ái, đứng đắn, mà không nên cầu kỳ, khổ khắc,
nặn nọt quá; quý báo lại tỏ ra rằng không ưa cái lối văn đọc lên như rồng bay
phụng múa mà kỳ thiệt là có xác (2) không hồn. Những lời đó chúng tôi xin biểu
đồng tình, vì đối với văn chương chúng tôi cũng vẫn nghĩ như vậy.
Song đến về phần
riêng quý báo, quý báo nói rằng mình không chuộng ở lời văn, mà chuộng ở tư tưởng; cho
nên, về văn không cần phải trang sức, không cần phải điểm tô. Mấy lời
đó thì chúng tôi chưa dám tin.
Nhiều người phê
bình một cách sâu độc rằng quý báo nói như vậy là để giấu cái vụng của mình đi;
song chúng tôi không bao giờ nói thế; chúng tôi chỉ nói rằng quý báo tin mình
hơi quá mà thôi.
Muốn cho rõ nghĩa
cái câu chúng tôi vừa mới nói đây, chúng tôi xin lại bắt đầu phiếm luận về văn
chương.
Về văn chương,
không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba
điều, là: tín, đạt, mỹ.
Tín, nghĩa là văn
phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải
cho đúng; ấy là tín đó.
Đạt, nghĩa là văn
cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy,
làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay
là không hiểu chi cả; ấy là thông đó.
Mỹ, nghĩa là văn
phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song
nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho
nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó.
Bất kỳ văn nước
nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải
có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được.
Coi đó thì cái đẹp
trong văn chương không phải là cái đáng khinh. Đáng khinh là văn không tín
không thông chỉ có cái đẹp mà thôi; còn như đã tín đã thông mà lại còn thêm đẹp
nữa, thì cái văn ấy ta rất nên quý chuộng.
Tuy vậy, đó chỉ là
phiếm luận về văn chương thôi, chớ đối với sự làm văn của chúng ta là kẻ viết
báo quốc ngữ ngày nay, chúng tôi lại có một cái chủ trương khác. Vì vậy chúng
tôi lại luận đến văn chương của nhà báo.
Về sự chúng ta
viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng “tín” và
"thông" đi đã, chớ chưa vội nói đến cái "đẹp". Điều đó ý
chúng tôi cũng hơi giống với quý báo, chỉ khác một chút là chúng tôi nói chưa
vội, mà quý báo nói không cần ấy thôi.
Chúng tôi nói chưa
vội, là vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định,
chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn (3), thì bước thứ
nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến
cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho
đúng mẹo, cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập
thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép
làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam
vậy.
Thật thế, về sự
viết văn, chúng tôi chưa hề khi nào nghĩ đến cái đẹp, mà chỉ cầu cho thông là
đủ. Chúng tôi tưởng các nhà làm báo ta bây giờ, ai đã thông rồi mà bước lên đến cái đẹp là
càng hay, còn ít ra cũng phải lấy mực thông làm hạn.
Muốn cho thông,
thì chúng ta viết văn cốt phải đúng theo văn pháp (tức là sách mẹo) và luận lý
học. Tuy sách văn pháp và sách luận lý học của ta bây giờ chưa có, song chúng
ta, những người làm báo đây, đều là do Hán học hoặc Tây học mà ra, thì khó gì
mà chẳng lấy mẹo luật của văn nước người đem ghép vào văn nước mình? Vì
về văn pháp, mỗi nước chỉ khác một ít, còn luận lý học thì đâu cũng giống nhau,
hễ đã thông văn nước ngoài, thì cũng có thể suy ra làm thông văn nước mình được
vậy.
Nói đến đây, chúng
tôi sực nhớ đến một vài chỗ khuyết điểm trong quý báo. Mà cũng vì trong quý
báo, số 9, có xin đồng bào chỉ giáo cho những chỗ sai sót về chương trình, bài
vở v.v..., cho nên bổn báo đây, không những là đồng bào, mà lại đồng nghiệp,
mới dám chỉ ra một vài; tuy vậy, chỉ mà thôi, chớ không dám giáo.
Chẳng nói đâu xa,
chỉ một bài "Vì sao tôi lãnh Đ. N. N." trong số 9 Đ.N.N.
là đủ cho chúng tôi phàn nàn về lối văn của quý báo.
Cả một bài ấy phần
nhiều câu không có chủ thể (sujet). Như, thình lình nổi lên nói rằng: "Nay
đem hết tâm chí v.v...", và "Lúc nhỏ theo thầy v.v..." thì chúng
tôi chỉ có lấy ý mà hiểu, chớ như cứ theo văn pháp thì chẳng biết ai là kẻ hành
động trong những câu nầy. Quý báo đã hô lớn lên rằng văn chương phải cho rõ
ràng, mà như vậy thì chẳng biết có rõ ràng không nhỉ?
Cũng trong bài ấy,
"Học rồi, hành sự", dứt ngay làm một câu. Chúng tôi chẳng khi nào tin
rằng chỉ như vậy mà đứng làm một câu được, vì nó chỉ có mấy tiếng động từ
(verbe) không mà thôi.
Có một cách rất
tiện cho những người nào thạo chữ Pháp mà muốn viết quốc ngữ là khi nào một câu
quốc ngữ mà muốn biết nó có thể đứng được chăng, chỉ cứ nắm đó mà dịch ngay ra
chữ Pháp thì biết.
Mà nếu đem câu đó
ra dịch từng tiếng một chữ Pháp, thì sợ e không đúng.
Ấy là chỉ ra vài
chỗ của quý báo không đúng với văn pháp.
Cũng trong bài đó,
mở ra nói rằng: "Thấy số báo nầy chắc ai cũng hỏi: Sao Dương Văn Giáo lại
lãnh cầm Đuốc Nhà Nam?"
Chúng tôi chẳng
hiểu nói như vậy là có ý nghĩa gì. Vả chăng, Dương Văn Giáo lãnh Đuốc Nhà
Nam thì cũng như Diệp Văn Kỳ lãnh Đông Pháp thời báo, Dejean de la
Bâtie lãnh Echo Annamite, v.v..., chớ có gì lạ đâu mà ai phải hỏi làm
chi? Nếu tự mình chắc là ai cũng hỏi thì trước phải tỏ ra cái cớ tại làm sao;
nếu không, thì chẳng ai hiểu ý mình làm sao cả.
Trong bài xã
thuyết số 10, lại có câu: "Mục đích bổn báo là soi dọi ngọn đuốc mới mẻ
trong buổi bình minh", câu này cũng hỏng.
Bình minh là lúc
sáng thiệt mặt, đối với lê minh là lúc mờ mờ sáng. Thường người ta dùng đuốc
trong lúc trời tối, chớ đã sáng trắng rồi, còn ai cần đuốc làm chi? Vậy thì sao
lại nói rằng dọi ngọn đuốc trong lúc bình minh (4)?
Ấy là chỉ ra một
vài chỗ của quý báo không đúng với luận lý học.
Tự vị chữ ta đã có
lâu rồi, bây giờ chúng ta cần nhứt phải viết đúng theo tự vị. Thế mà quý báo
coi ý không chăm về chỗ đó, cho nên quảng cáo thì viết ra quản cáo, phô
bày thì viết ra phô bài, song quý chủ nhiệm đã có nói rằng: "Tôi
vẫn biết ai ai cũng viết "khó khăn" mà tôi muốn viết "khó
khăng"; đã tự ý muốn chi thì muốn, thì còn ai nói vào làm chi?
Quý báo một nói ít
chú trọng về văn chương, hai nói không chuộng ở lời văn mà chuộng ở tư tưởng;
chúng tôi lại còn đem văn chương nói với quý báo, chi cho khỏi lấy làm rầy tai.
Song chúng tôi tưởng, sự trung cáo (5) nầy cũng là một cái bổn phận chúng tôi.
|
TV (6)
Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 787 (27.10.1928)
|
Chú thích cuối trang
- Đuốc nhà Nam, nhật báo, cơ quan của đảng Lập hiến Nam Kỳ, số 1 ra ngày 26.9.1928, từ 2.12.1935 đánh số lại từ số 1, số cuối (số 461) ra ngày 6.7.1937 (theo Nguyễn Thành, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội: Nxb VHTT, 2001)
- Theo quý báo nói là « có cốt không hồn » (nguyên chú)
- Sách mẹo tức là grammaire; các sách thuộc về phép làm văn như sách Luận lý học (Logique) và Tu từ học (Rhéterique) (nguyên chú)
- Về chi tiết này, xem thêm lời bình về hình minh họa tên báo ĐNN ở bài của Tân Việt trong mục "Câu chuyện hằng ngày" (ĐPTB, 2.10.1928)
- Trung cáo: thẳng thắn khuyến cáo, không sợ mất lòng (theo Đào Duy Anh)
- Bài này ký T.V. tức là Tân Việt, bút danh mà Diệp Văn Kỳ và Phan Khôi dùng chung khi viết cho mục "Câu chuyện hằng ngày" của ĐPTB; theo nhận xét của Lại Nguyên Ân, các bài về ngôn ngữ thường do Phan Khôi viết
Nguồn:
http://vi.wikisource.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét