Khiemnguyen

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Tản văn: Nỗi buồn hoa phượng

(NGUYỄN BÙI KHIÊM) "Ta giờ đây như rừng thu Nắng lịm với chiếc lá vàng cuối mùa" Mùa thu, với người phương Đông luôn gợi cảm về một nỗi u buồn, cô đơn, lạnh lẽo, nhưng với người phương Tây, mùa Thu là mùa tình yêu, không biết vì sao, nhưng trong tiếng Anh, in the fall là mùa lá rụng, là mùa Thu, nhưng ý tứ của nó còn là mùa người ta ngã vào nhau nên mới gọi là mùa tình yêu. Có thể là như thế. Nửa đêm nghe Cho người tình lõ, ca từ của Hoàng Nguyên chắc chắn đã cá chép ở đâu đó rồi, vì phông văn hoá annamese nhà mình không có cấu tứ cho rừng thu với lá vàng, Tây mới có, ta phải là trăng, hoa, tuyết, nguyệt... Tất nhiên, văn hoá luôn có sự tiếp biến và giao thoa, cả kế thừa và đào thải, nhưng cái hay, cái đẹp luôn bị cá chép, thời nào cũng thế, nói văn hoa thì là tư tưởng lớn gặp nhau, còn nói kiểu chợ búa thì là đạo văn, trộm chữ... Ngày xưa, chưa có chuyện số hoá, chưa có mạng, chưa có google... Nên nếu có cá chép, chép 100% rồi dán cái tên của mình vào cũng chẳng ai biết, nếu ai biết cũng không dễ gì có đủ chứng, đủ lý mà vạch mặt chỉ tên kẻ trộm được, hơn nữa, nếu có kêu ầm lên hồi ấy cũng chẳng ai nghe, vì phương tiện truyền thông có gì đâu. Nên đương nhiên, tuyệt phẩm nức lòng người ấy hẳn mãi là của nhà em.  Hôm qua, người viết tình khúc "Nỗi buồn hoa phượng" đã về nơi xa. Mới nhớ hôm nọ, có hỏi đứa em về chuyện tại sao nhạc vàng lại có chỗ đứng trong tim nhiều người, nhiều thế hệ? Đơn giản, chỉ là vì nó là nỗi lòng, là sự đọc lại những tâm sự, thường là nỗi buồn thương của những kẻ yêu và chẳng được yêu hoặc yêu mãi rôi mà chẳng biết hình hài, màu sắc của cái gọi là yêu ấy như thế nào nữa... Nhạt kinh khủng. Có ai đó, đã viết vào tờ giấy nhắc việc, ép vào cuốn ngụ ngôn mấy câu: "Em biết hoa bằng băng / nở cùng hoa phượng vĩ / hoa bằng lăng rụng trước / màu tím thường thuỷ chung...". Không biết đó là thơ hay là một lời tự sự, là nỗi lòng của ai gửi cho ai hay là chỉ một lời nhắc trên tờ giấy nhắc... Lâu quá rồi tưởng như đã quên, nay nghe về nỗi buồn hoa phượng chợt nhớ tím ngát màu rơi bằng lăng thuở đã xa.  Văn thơ, chữ nghĩa, sách vở có thể cá chép, có thể trộm cắp của nhau, nhưng đó chỉ có thể ăn trộm được cái xác của câu chữ mà thôi, còn hồn vía, nỗi u hoài buồn vương trên từng cánh hoa hay sắc lá làm sao có thể cá chép được. Khi lòng ta như rừng Thu, chợt nghe nắng cũng lịm đi với chiếc lá vàng cuối mùa. Hoàng Nguyên có cá chép khồn? O'Henri từ hơn trăm năm trước đã vẽ cái lá ấy trên bức tường sau ô cửa sổ để đưa người em về cõi hy vọng, rằng cái lá vàng kia là minh chứng rõ nhất cho khát vọng sống, khát vọng yêu đến vô cùng. Nhưng tất cả, tất cả chỉ là hư ảo, là tại lòng ta mà ra thôi. Một sự coppy vụng về, một con cá chép khổng lồ. Chiếc lá vàng bất diệt./.

1 nhận xét:

  1. Anh Khiêm ơi, hôm nay tình cờ em vào blog của em.
    Không ngờ là anh nhiều tâm sự quá nhỉ
    Nhiều cả tài liệu môn báo chí nữa nhỉ
    Tha hồ mà cá chép hết của anh chắc cũng đủ tài liệu để thi
    Tâm sự của anh say đắm thế thể nào chẳng có cô mê tít nhỉ.hihi
    Một học viên K17 báo chí

    Trả lờiXóa