Khiemnguyen

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Đi tìm phong cách chung của văn học

Đi tìm phong cách chung của văn học
 Trong các vấn đề về phong cách văn học ở ta, cho đến nay, trong các công trình, giáo trình lí luận phần lớn đều nói tới vấn đề phong cách cá nhân của nhà văn. Các khía cạnh khác của phong cách như phong cách thời đại, phong cách trào lưu, phong cách dân tộc tuy cũng có được nhắc tới nhưng hầu như chưa được bàn bạc và vận dụng vào thực tiễn bao lăm. Theo nhịp độ phát triển và giao lưu, hội nhập của cuộc sống hôm nay, vấn đề phong cách chung được nhìn nhận rõ hơn và đã đến lúc cần xem xét cụ thể vấn đề rất phức tạp này.
Nhìn vào lịch sử vấn đề, thì từ xa xưa cho đến hiện đại, trên phạm vi toàn thế giới, vấn đề phong cách chung bao giờ cũng được xem xét bên cạnh phong cách cá nhân, thậm chí là mẫu số chung để nhìn nhận ra phong cách cá nhân. Ở thời Hi Lạp cổ, theo Aristote, phát ngôn lí tưởng là kết hợp hài hòa giữa logic và cảm xúc mà dấu hiệu của nó là có kết cấu và có phong cách. Kết cấu đòi hỏi bài văn phải có bố cục gồm nhiều phần liên kết hợp lí, còn phong cách đòi hỏi phải có các phẩm chất chung, cơ bản và các phẩm chất cá nhân. Phong cách được hiểu chủ yếu là phong cách ngôn ngữ, các phương tiện của nó là cách sử dụng đúng đắn các từ đồng nghĩa, đồng âm, các tính ngữ, các ẩn dụ… Aristote viết trong Tu từ học (Rhetorica) như sau: “Phong cách sẽ có được các phẩm chất cần phải có, nếu như nó tràn đầy tình cảm, nếu như nó phản ánh được tính cách và phù hợp với tình hình thực tế của sự vật”. Các phẩm chất cơ bản đó còn thể hiện qua nhịp điệu, bố cục… theo ông, phong cách (ngôn ngữ) phải được trau chuốt và trang nhã. Đó chính là phong cách ngôn ngữ chung của ngôn ngữ văn học. Đardi và Vamana, hai nhà lý luận văn nghệ cổ Ấn Độ trong các công trình của mình (Kaviadarsa vàKavialankarasutra) cũng đã trình bày học thuyết về các phẩm chất của phong cách chung - phong cách hay, bao gồm cả các yếu tố tu sức ngôn từ tiêu biểu cho các tác phẩm, đặc biệt là nguyên tắc dhvani - ám thị, chứ không biểu trực tiếp, làm cho văn bản giàu chất thơ. Các nhà lý luận cổ điển Trung Quốc như Lưu Hiệp, Chung Vinh, Tư Không Đồ cũng nêu ra tư tưởng về chuẩn mực văn chương như, “lục nghĩa” của Lưu Hiệp. Như vậy, phong cách chung như là chuẩn mực của văn chương đã được đề xuất từ sớm.
Khái niệm phong cách cá nhân  thực sự được đề xuất từ thế kỷ XVIII. Với Buffon, phong cách là sự biểu hiện hoàn mỹ vào tác phẩm cái nhân cách, tư tưởng, tình cảm của chủ thể sáng tạo. Xin lưu ý là khái niệm phong cách của Buffon không chỉ áp dụng cho văn học, mà cho mọi sáng tác về tư tưởng như khoa học, triết học, lịch sử. Về sau Marx cũng sử dụng khái niệm phong cách này để đánh giá tác phẩm về kinh tế học của Prudon. Tư tưởng này được Dideraut, Flaubert (Pháp), Rauli (Anh) tán thành.
Với Goethe, phong cách là sự thống nhất chủ quan và khách quan trong sáng tác, khi nhà văn vừa vượt lên trên mọi sự mô phỏng giản đơn đối với tự nhiên, vừa vượt lên trên cái tác phong, kiểu cách chủ quan của nhà văn. Với Hégel, phát triển tư tưởng của Phôn Rumô, phong cách được hiểu là phương thức biểu hiện, quy luật nghệ thuật của một loại hình nghệ thuật nào đó: phong cách thơ, phong cách nhạc kịch.
Như vậy ở thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, khái niệm phong cách không phải chỉ nhấn mạnh vào phong cách cá nhân. Đi vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ phải nhường chỗ cho các phương diện khác như cá tính, quy luật nghệ thuật. Đáng chú ý là chính vào thế kỷ XVIII, khi khái niệm phong cách cá nhân được đề xuất thì tại Đức, nhà mỹ học Winc Kelmann đã đưa ra khái niệm phong cách như một phạm trù của lịch sử nghệ thuật. Ông đã nói đến phong cách thời đại và phong cách cá nhân nghệ sĩ trong các dân tộc; do thời đại đổi thay mà nghệ thuật có những phong cách khác nhau... Ví dụ, ông chia nghệ thuật Hi Lạp cổ làm 4 thời kỳ với 4 phong cách: Phong cách đường nét, Phong cách cao cả, Phong cách đẹp, Phong cách chiết trung.
Sang thế kỷ XIX, H. Taine trong Triết học nghệ thuật (1865-1869), quan niệm văn hóa lịch sử về văn học nghệ thuật dựa trên cơ sở mô phỏng đời sống, cũng nói tới phong cách thời đại. Chẳng hạn, phong cách nghệ thuật Hi Lạp cổ, phong cách Cơ đốc giáo, phong cách tao nhã quí tộc cung đình thời Louis XIX có ảnh hưởng tới hầu như toàn châu Âu: Ý, Anh, Nga, Đức, Tây Ban Nha. Khi nào văn học xa rời thực tế thì phong cách suy thoái .
Vào thế kỷ XX Ken Viper trong sách Lịch sử các phong cách của nghệ thuật tạo hình (1910), Henrích Vônfơlin trong công trình Các khái niệm cơ bản của lịch sử nghệ thuật - Vấn đề tiến hoá của phong cách trong nghệ thuật mới (1915), tác giả Mỹ W. Fleming trong sách Nghệ thuật và quan niệm (1947), cũng đều lấy khái niệm phong cách chung, phong cách thời đại, trào lưu để nghiên cứu mô tả quá trình lịch sử của nghệ thuật. Nhà nghiên cứu văn học Nga D.S. Likhachov nhận định “Trong thời đại chúng ta có thể nói về phong cách thời đại, như phong cách barôcô trong chừng mực mà nó thể hiện trong tất cả các loại hình hoạt động nghệ thuật, trong những giới hạn thời gian và giới hạn địa lý”. Phải chăng trong mọi thời đại đều tồn tại cái mà chúng ta có thể gọi là phong cách thời đại . Xem thế đủ thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật khái niệm phong cách chung luôn luôn có vai trò của nó, bên cạnh khái niệm phong cách cá nhân. Thậm chí nó còn có cả vai trò trong các thời đại, khi điều kiện để xuất hiện phong cách cá nhân chưa chín muồi.
Các công trình lí luận đầu thế kỷ XX như của V. Girmunski, của E. Utitz đều đặt khái niệm phong cách thời đại vào vị trí quan trọng của lí luận về phong cách.
Thế nhưng về phương diện lí luận, trong giới lí luận các nước xã hội chủ nghĩa  trước đây, đặc biệt từ khi lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XX, người ta có xu hướng chỉ thừa nhận phong cách cá nhân như là sự thể hiện đa dạng của phương pháp chung, sự thống nhất về phương pháp và sự đa dạng của phong cách cá nhân, và như vậy đã thu hẹp phạm vi biểu hiện của hiện tượng phong cách, xa rời một truyền thống nghiên cứu đã có hàng trăm năm.
Công trình Lí luận phong cách (1968) của  N. Sokolov có thể coi là tác phẩm đầu tiên trong các nước xã hội chủ nghĩa đặt lại vấn đề phong cách. Ông khẳng định phong cách là một hiện tượng nghệ thuật, thể hiện quy luật của nghệ thuật, là phạm trù thẩm mỹ trong tất cả mọi nghệ thuật. Bản chất của nó là sự thống nhất của mọi thành tố nghệ thuật theo những quy luật đặc thù. Đi theo quan điểm của một loạt tác giả như: H. Vônfơlin, V. Handenstein, Phơ rích, K. Viper, chủ yếu chỉ thừa nhận phong cách như một hiện tượng lịch sử, xã hội, thời đại chứ không phải thừa nhận phong cách cá nhân! Ngược lại với quan điểm quen thuộc của Trofimov, Timofiev, Elsbes, M.B. Khravchenko... N. Sokolov cho rằng “Xem phong cách là hiện tượng cá nhân dễ đưa đến sự phủ nhận bản chất xã hội của nó. Không có phong cách cá nhân tách rời xã hội”. Ông không xem cá tính sáng tạo cá nhân (theo cách hiểu của Khravchenko) là nhân tố tạo thành phong cách, bởi vì theo ông, nếu đã xem phong cách là một quy luật của nghệ thuật thì không được xem nó như là biểu hiện của cá tính sáng tạo vốn là một hiện tượng tâm lý, bởi hai phương diện đó nằm ở hai bình diện khác nhau. Xin lưu ý thêm, cũng vào lúc này (1967) G. Antoine  ở Pháp đã nói Saint Beuve không hiểu gì Stendhal bởi vì ông mải đi tìm tiểu sử của ngài Beile! Từ đó ông cho rằng phong cách cá nhân là sự biểu hiện của phong cách chung, tức là phong cách thời đại, phong cách trào lưu. Ông đã lập luận rằng, nếu phương pháp chung có sự thể hiện riêng về mặt cá nhân thì đó sẽ là phương pháp riêng chứ không phải là phong cách riêng. Còn đã nói phong cách cá nhân thì đã là sự thể hiện riêng của phong cách chung phải phục tùng quy luật chung. Như vậy, người ta không thể nghiên cứu phong cách riêng mà không xét đến phong cách chung.
Đã đến lúc phải đi tìm những biểu hiện và cơ sở lý luận của phong cách chung, bởi vì sự vận động của văn học không thể chỉ là sự tích luỹ không ngừng các phong cách cá nhân mà còn ở chỗ mỗi giai đoạn văn học đều mang lại cho lịch sử một phong cách mới, và không có lý do gì để chỉ nói phong cách cá nhân mà dè dặt, không nói đến phong cách chung. Mặt khác, phong cách cá nhân không thể tự nó hình thành mà không có tác động của một phong cách chung nào đó. Trong truyền thống nghiên cứu văn học Trung Quốc xưa, người ta đã phân biệt được phong cách văn học Hán với phong cách thời Lục Triều, phân biệt được phong cách Đường với phong cách Tống, phân biệt Nguyên, Minh, Thanh. Ở phương Tây, cùng là nghệ thuật thời trung đại, nhưng người ta phân biệt phong cách Bizantin thời kỳ đầu với phong cách La Mã tăng lữ và phong cách La Mã phong kiến; cùng là phong cách Barroco nhưng người ta phân biệt phong cách Barroco Venise, phong cách Barroco thời chống cải cách tôn giáo, phong cách Barroco quý tộc thời Louis XIV, phong cách Barroco hạn chế của thời khôi phục vương triều. Những điều đó đã trở thành thường thức các giáo trình về lịch sử nghệ thuật .
Vậy phong cách chung là gì? Nó có những đặc điểm gì?
Theo D.S. Likhachov, thứ nhất, phong cách chung là phong cách nghệ thuật mà nó vượt lên trên chất liệu cụ thể như ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, thể loại, cá tính, để có thể có đặc điểm chung, ảnh hưởng tới các loại hình nghệ thuật khác nhau. Chẳng hạn như phong cách Barroco đã nói ở trên, thể hiện trong hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học. Tương tự, phong cách lãng mạn trong văn học 1932-1945 của Việt Nam vừa thể hiện trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, trong thơ mới, trong âm nhạc và trong hội hoạ. Trong văn học, phong cách chung thể hiện ở tất cả mọi thể loại, và đó là một lớp, một phạm trù phong cách bên cạnh các lớp khác như phong cách cá nhân, phong cách dân tộc, phong cách trào lưu…
Thứ hai, phong cách chung, đặc biệt là phong cách thời đại là sự biểu hiện của trình độ kỹ thuật biểu hiện, của trạng thái văn hoá, xã hội, tập quán tâm lý thời đại đã hình thành nên phong cách. Phong cách thể hiện tập trung ở cách thể hiện thế giới và con người, cảm thụ bản thân nghệ thuật. Chẳng hạn nghệ thuật Ai Cập cổ đại có nền tảng là tôn giáo Ai Cập, tôn giáo về cái chết; trái lại, nền tảng của nghệ thuật Hi Lạp cổ đại là thế giới quan yêu đời. Khi nào nội dung và hình thức cuộc sống đổi thay thì nghệ thuật, vốn là biểu hiện của cuộc sống đó cũng thay đổi, và sự đổi thay đó “chính là đổi thay phong cách” (E.Utitz: Phong cách là gì?).
Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, giới khoa học đã nói đến phong cách cá nhân của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu; cũng đã nói đến phong cách hiện thực, phong cách lãng mạn. Nhưng cũng có thể  nói đến phong cách thời đại thể hiện ở các điểm sau:
+ Một là, quan niệm lí tính đối với cuộc đời, niềm tin vào khoa học, tiến bộ, lẽ công bằng, tư tưởng  bình đẳng, tự do. Khi Thơ mới đòi hỏi thể hiện nhu cầu giải phóng cá tính trong tình cảm cũng là lúc các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đấu tranh cho các quyền con người của cá nhân; và cũng là lúc các tiểu thuyết hiện thực lên án xã hội bất công chà đạp lên số phận con người sau luỹ tre làng. Một số nhà văn Tự lực văn đoàn có phong cách hiện thực chính là do ảnh hưởng của phong cách thời đại trong cảm hứng tố cáo và trữ tình. Văn học Cách mạng xuất hiện trong giai đoạn này cũng mang tính lý tính và tính lý tưởng rất đậm.
+ Hai là, sự hiện đại hoá đồng loạt các thể loại văn học do tiếp thu ảnh hưởng của văn học phương Tây. Thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch nói, du kí, tuỳ bút, phê bình văn học nhất loạt xuất hiện, thay thế hẳn các thể loại truyền thống. Các hình thức truyền thống như thơ bảy chữ, năm chữ, lục bát,… đều được cấu trúc lại.
+ Thứ ba, các nhà văn, nhà thơ dù sáng tác theo thể loại nào đều đã cắt đứt với truyền thống tập cổ mà tự mình cấu tứ, sáng tạo, vai trò chủ thể của tác giả đặt lên hàng đầu. Người ta phân biệt rõ ràng sáng tác và phóng tác, lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… cùng một loạt nhà Thơ mới đa dạng về phong cách cá nhân đã tiêu biểu cho ý thức chủ thể nổi bật, như là một đặc trưng của phong cách thời đại.
+ Thứ tư, khác với lối văn truyền thống nặng về vần điệu đăng đối với điệu ngâm nhịp nhàng, lối văn hiện đại chuyển hẳn sang văn xuôi: văn tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự mang hình thức khẩu ngữ, kịch hoá, thân mật, suồng sã trong khoảng cách gần, lời thơ về cơ bản là mang hình thức điệu nói đầy giọng điệu giãi bày, tâm tình.
Một yếu tố quan trọng nữa của phong cách là cách bố cục, kết cấu, tổ chức nội  dung tác phẩm, thể hiện cách cảm thụ của tác giả là người đọc kiểu mới. Điều nổi bật của văn học giai đoạn này là kết cấu mở, mở từ giữa chừng và kết thúc lửng. Văn đã vậy mà thơ cũng vậy.
Những đặc điểm trên đây xác định phong cách thời đại cơ bản trong văn học 1930-1945, cho phép phân biệt nó với văn học giai đoạn trước và sau đó.
Phong cách thời đại có những nét truyền thống nhưng không đồng nhất, nghĩa là bên trong nó vẫn có sự phân hoá theo các yếu tố khác như phương pháp sáng tác, cá tính sáng tạo, khuynh hướng tư tưởng xã hội, thẩm mỹ. Nhưng phong cách thời đại do xây dựng trên nền tảng trạng thái văn hoá xã hội rộng lớn nên có tính thống nhất không thể bác bỏ.
Phong cách văn học dân tộc không giản đơn chỉ là tính độc đáo dân tộc về đề tài, chủ đề, ngôn ngữ, thể loại mà còn là quy luật riêng của sáng tạo nghệ thuật. Phong cách dân tộc qua các thời kỳ đều có sự đổi thay và phát triển, cho nên theo Sokolov, có thể nói đến các phong cách dân tộc.
Cũng vậy, phong cách trào lưu tuy một mặt có phạm vi bao quát nhỏ hơn phong cách thời đại và dân tộc, song xét về mặt khác nó lại rộng hơn, có tầm vóc quốc tế. Phong cách thời đại trong giai đoạn tăng cường giao lưu quốc tế cũng có tầm vóc quốc tế. Trong các tương quan đó, dân tộc là phạm trù cho sự kết tinh phong cách thời đại và trào lưu. Khi xét tới phong cách chung, thiết nghĩ phải tính đến các tương quan ấy với nhau mới làm sáng tỏ một phong cách nào đó.
Xét về bản chất của phong cách, cho đến nay có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên có thể nhìn phong cách theo bốn phương diện liên quan chặt chẽ với nhau như sau.
1. Phong cách là dấu hiệu độc đáo, không lặp lại, đánh dấu phẩm chất thẩm mỹ riêng biệt của một hiện tượng văn học nào đó. Phong cách hoặc là “con người”, là sự sáng tạo, sự mới mẻ làm nên vẻ riêng biệt ít thấy ở hiện tượng văn học khác nhưng lại nhất quán, xuất hiện thường xuyên ở hiện tượng văn học cụ thể. Cần hiểu rằng sự bền vững, nhất quán nói ở đây là nói từ cái cốt lõi, cái trong bản chất, còn trong quá trình triển khai thì phong cách lại đòi hỏi sự đa dạng và đổi mới. Muốn đạt được yêu cầu ấy, phong cách cần phải có phẩm chất thẩm mỹ, nghĩa là khi nói tới một hiện tượng văn học nào đó có phong cách thì hiện tượng văn học ấy phải mang lại cho người đọc, người xem, người nghe một sự hưởng thụ thẩm mỹ dồi dào. Ở đây cũng cần lưu ý thêm một điểm: phong cách phải có phẩm chất thẩm mỹ nhưng phẩm chất này không chỉ thuần túy về mặt hình thức, kỹ thuật mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nó sẽ được biểu hiện chủ yếu ở phạm vi nội dung hay phạm vi hình thức.
2. Phong cách là phẩm chất của chỉnh thể. Khi định nghĩa về phong cách, dù có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng các định nghĩa đó đều đề cập đến “tính hệ thống”, “tính thống nhất”, “tính tổng hòa”... Điều này chứng tỏ, phong cách là phẩm chất của hệ thống thể hiện qua các yếu tố chứ không phải là phẩm chất do tổng cộng các thuộc tính của các bộ phận của tác phẩm. Phong cách là phẩm chất xuyên suốt qua các yếu tố tác phẩm, qua các tác phẩm của một tác giả hoặc các tác giả của một trào lưu nghệ thuật. Ngay cả khi nói phong cách nghệ thuật là tính độc đáo của hình thức nghệ thuật thì cũng phải thấy rằng đó không phải là hình thức cụ thể của một tác phẩm cụ thể, cá biệt là cái hình thức được lặp đi lặp lại, vừa thống nhất vừa đa dạng trong nhiều tác phẩm khác nhau của một nhà văn, một trường phái hay một thời đại văn học, nghệ thuật (khi chúng ta nói về phong cách Nguyễn Tuân, phong cách Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945, v.v... là đứng trên quan niệm này). Vì thế, có thể nói phong cách nghệ thuật là hình thức siêu hình thức cụ thể của sáng tác nghệ thuật.
3. Phong cách là phẩm chất tương đối ổn định của sáng tác. Các đặc điểm của nó được lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên, ít thay đổi. Nhưng đây là ổn định trong sự phong phú đa dạng, có biến đổi chứ không phải là sự lặp lại giản đơn, nghèo nàn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng sự ổn định là cơ bản, nhờ thế nó mới trở thành phong cách để phân biệt với các phong cách khác. Chẳng hạn, có thể nói tới phong cách trữ tình của Tố Hữu bởi nét trữ tình này về cơ bản là ổn định, được lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên trong các sáng tác của ông. Nhưng trữ tình trong Từ ấykhông hoàn toàn giống trữ tình trong Việt Bắc, nó cũng khác với trong Gió lộng, Ra trận, và đặc biệt là khác với trữ tình trong Một tiếng đờn.
4. Phong cách là hình thức của chủ thể. Phong cách là gương mặt tinh thần, Buffon đã từng khẳng định: phong cách là bản thân con người. Dĩ nhiên, người ở đây không phải là con người trừu tượng, chung chung mà là người với những phẩm chất trí tuệ, tình cảm, cá tính cụ thể. Nhưng cũng không thể giản đơn coi văn như con người mà đó là tài năng tư duy, tổ chức của con người. M. Bakhtin khẳng định tính tích cực của chủ thể trong sáng tạo hình thức, khẳng định cái nhìn mới là yếu tố căn bản của phong cách nghệ thuật. M. Prust, D.S. Likhachov cũng đồng tình với quan niệm này. Tư duy, hệ hình tư duy, thái độ cảm xúc, quan niệm giá trị tạo thành hình thức cảm nhận của chủ thể. Hình thức cảm nhận của chủ thể dẫn đến những phát hiện mới về hình thức, bút pháp, kỹ thuật, tạo thành nền tảng của phong cách. Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Lý Trạch Hậu cho rằng lịch sử của phong cách là lịch sử tâm lý cảm nhận của nhân loại hay dân tộc. Đó là hình thức của chủ thể, cho nên phong cách có quan hệ mật thiết với phương pháp nghệ thuật.
Như vậy có thể hiểu, bản chất nghệ thuật, thẩm mỹ của phong cách là: không phải mọi hình thức chủ thể có thể tạo thành phong cách mà là các hình thức chủ thể tạo thành giá trị nghệ thuật. Vì thế, Viper, Sokolov đều cho rằng có những tác phẩm không có phong cách, có những giai đoạn giao thời không có phong cách.
                                                *
Từ những phân tích trên đây có thể thấy, khi đề cập đến vấn đề phong cách thì không chỉ nói đến một cấp độ phong cách nhà văn hay phong cách tác phẩm mà còn phải nghiên cứu kỹ càng các cấp độ khác như phong cách thời đại, phong cách trào lưu, trường phái... Từ phong cách cá nhân nhà văn đến phong cách thời đại, trào lưu đều được soi rọi dưới ánh sáng của phong cách chung. Ví dụ, khi chúng ta nói đến phong cách hiện thực chẳng hạn. Chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một trào lưu văn học, ngoài sự thống nhất về phương pháp sáng tác còn có sự thống nhất về phong cách. Trước hết là chi tiết chân thực của đời sống hàng ngày dùng để dệt nên bức tranh đời sống như nó vốn có - đây là nguyên tắc mô tả nên nó thuộc phạm trù phong cách. Đặc điểm thứ hai, như Engels nói, chủ nghĩa hiện thực không muốn bộc lộ khuynh hướng một cách lộ liễu mà muốn nó được toát ra từ tình huống - đây lại thuộc phương thức thuyết phục người đọc và phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh đời sống như M.B. Khravchenko từng nói. Một đặc điểm nữa của phong cách hiện thực, theo D.S. Likhachov diễn đạt, là khoảng cách gần gũi của người kể chuyện đối với nhân vật, thâm nhập vào nội tâm, kể từ bên trong. Đặc điểm cuối cùng là sự bộc lộ yếu tố cá nhân và phong cách cá nhân nhà văn.
Đặc điểm phong cách chung này làm cho hiện tượng phong cách cá nhân của trào lưu hiện thực phong phú và đa dạng chưa từng có. Hay khi chúng ta nói phong cách thời đại cũng vậy. Khái niệm phong cách thời đại dùng để chỉ một phong cách chung, phong cách lớn bao trùm mọi thể loại trong một loại hình, mọi loại hình trong thời đại ấy. Sự bao trùm này không chỉ ở một quốc gia, dân tộc mà nó chứa đựng tính chất xuyên dân tộc, xuyên quốc gia cùng chịu sự chi phối chung của một ý thức hệ nhất định, ví dụ như ý thức hệ tôn giáo trong phong cách Gotic bao trùm hầu hết các dân tộc từ phương Tây đến phương Đông, hay ý thức hệ vô sản trong phong cách thời đại của các nền văn học nghệ thuật từ thập niên 20 đến thập niên 90 của thế kỷ XX ở các nước Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, v.v....
Thực tế này khiến chúng ta nghĩ rằng, không thể không nghiên cứu kỹ càng vấn đề phong cách chung của văn học. Ngược lại, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện hành trình “đi tìm” nó một cách cẩn trọng để cho thấy, sáng tác văn học trong một thời đại nào đó, một dân tộc nào đó không phải là tổng cộng giản đơn các phong cách cá nhân đa dạng mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại tạo thành một phong cách bao trùm lên các phong cách cá nhân mà ta có thể gọi là phong cách chung của văn học.
TS. Nguyễn Khắc Sính
Bài được đăng bởi biên tập viên Quỳnh Hân vào lúc 09:25 - 28/03/2012

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Vũ Ngọc Phan viết về Ngô Tất Tố

Nói đến nhà Nho viết quốc văn, chúng ta thường hay nhớ đến Phan Kế Bính, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục... Những bài, những sách của các ông này hoàn toàn là dịch thuật hoặc biên soạn theo những tác phẩm chữ Hán. Còn nhà Nho như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật viết tiểu thuyết là viết theo truyện cổ dân gian (Truyện ông Lý Chắm, Quả dưa đỏ). Ngô Tất Tố là nhà Nho đầu tiên đã không theo những lối viết trên đây. Anh là người đã đi vào lĩnh vực sáng tác phê bình văn học như các nhà văn lớp mới đương thời. Không những thế, vào giai đoạn 1939 - 1945, trong khi phong trào lãng mạn đang thịnh hành, cùng với Nguyễn Công Hoan, anh đã trở thành kiện tướng trong phong trào văn học hiện thực phê phán ở nước ta.
Tôi quen biết Ngô Tất Tố từ năm 1932. Anh ở trong Nam ra Bắc được ba năm và đang cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội. Hồi đó, đối với tôi, anh là đồng nghiệp, còn tôi kính anh như người anh cả, tôi đang độ thanh niên. Tôi thích nhất anh Tố ở những bài bút chiến. Thấy anh đã 40 tuổi mà còn hăng, tôi rất phục. Đối với cuộc đời, anh không còn nghi ngờ gì cả. Còn tôi, có nhiều cái tôi chưa nhìn thấy rõ, còn ngờ vực nhiều...
Ngô Tất Tố sinh năm 1892 ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (thuộc Hà Bắc) trong một gia đình nhà Nho nghèo, ông nội anh đỗ tú tài sau khi đã lận đận bảy khoa thi hương; ông thân sinh qua sáu lần lều chõng không đỗ, về sau ngồi dạy học trong làng. Tuy vậy, làng Lộc Hà cũng là một làng “khoa bảng”. Trong họ Ngô có hai người đỗ cử nhân: Ngô Ngọc Liên và Ngô Văn Bính.
Hồi nhỏ, Ngô Tất Tố học các trường hàng tổng thuộc huyện Lương Tài và phủ Thuận Thành. Lớn lên, anh học xuất sắc, nhưng hai lần thi hương ở trường Nam, anh đều không thấy tên mình trên bảng. Sở dĩ thời xưa ở Bắc Ninh, người ta quen gọi anh là “đầu xứ Tố”, vì năm anh 22 tuổi, trong một kỳ thi sát hạch ở tỉnh Bắc, anh đỗ đầu. Ngày xưa, học hết trường huyện rồi mới học trường tỉnh (tức trường đốc), rồi qua sát hạch, mới được vào lều chõng đi thi hương.
Từ năm 1918, thực dân Pháp bỏ thi hương, anh Ngô Tất Tố mới gác lều chõng, ngồi dạy chữ Quốc ngữ ở mấy nơi thuộc tỉnh Bắc, như Đông Trù, Gia Thượng - những nơi trước kia anh đã từng ngồi dạy chữ Hán để lấy lương ăn.
Thời thanh niên của Ngô Tất Tố là thời khá lận đận do anh chưa tìm được hướng đi, chưa thoát khỏi nếp sống của nhà Nho. Sau, vì túng thiếu quá, anh xoay ra học thuốc và làm thuốc. Biết thuốc, nên có lúc anh đã mở hiệu Thọ dân y quán ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), Hà Nội. Trên Công dân (năm 1935) anh viết bài báo về thuốc Nam và thuốc Bắc, muốn đem phương pháp Âu Tây áp dụng vào Đông y. Anh viết: “Giả sử chúng ta có một phòng khảo nghiệm tính chất thuốc Bắc và thuốc Nam và một trường học nghiên cứu nghề thuốc Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở xã hội thày lang mới trừ bớt được” (Công dân, số 5, ngày 23/10/1935).
Sự mong ước của anh cách đây trên 50 năm về sự kết hợp giữa Tây và Đông y thì ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới thực hiện được.
Anh chỉ làm thuốc trong một thời gian ngắn, vì làm thuốc chân chính thì hết vốn. Tuy vậy, nghề làm thuốc đã giúp anh nhìn rõ bọn lang băm đương thời và anh đã viết nên những bài phóng sự sắc bén, với cái nhan đề: Dao câu thuyền tán, để đánh vào các thày lang lúc ấy đang là những tay tư sản kếch sù làm nghề lang lậu lúc bấy giờ (cách nói chỉ những tay dùng các thuốc cao đơn hoàn tán, chữa các bệnh lậu, giang mai).
Năm 1924 là năm anh rời hẳn tính Bắc ra Hà Nội làm báo. Ở Hà Nội một thời gian ngắn, anh vào miền Nam cùng Nguyễn Khắc Hiếu, nhân ông Hiếu được Diệp Văn Kỳ  Sài Gòn gửi biếu hai nghìn đồng mời vào Nam. Họ Diệp chủ nhiệm báo Thần Chung, hào phóng, muốn đóng vai Mêxen (Mècéne) và Mạnh Thường Quân lúc bấy giờ. Anh ở Sài Gòn gần ba năm. Thời gian này, anh viết cho báo Thần Chung, anh viết nghị luận và dịch nhiều hơn là sáng tác. Năm 1928, anh dịch tiểu thuyết Ngô Việt Xuân thu đăng ở Annam tạp chí, xuất bản ở Sài Gòn, nhưng mới đăng dở dang thì ngừng. Đây là một truyện với những nhân vật Tây Thi, Phù Sai, Câu Tiễn, Phạm Lãi mà chúng ta đã thấy trong Đông Chu liệt quốc.
Năm 1929, anh dịch tập Hoàng Hoa cương nói về 72 liệt sĩ Trung Quốc trong Cách mạng Tân Hợi. Cũng năm này, anh đăng trên báo Thần Chung (số ra ngày 26/9/1929) ở Sài Gòn, ba bài thơ sau đây ký tên là N.T.T:
THÚ QUÊ
Biển Nam, ải Bắc những đi về,
Dừng gót phen này viếng thú quê;
Nửa mẫu vườn hoang hoa vẫn nở;
Ba gian nhà trống nguyệt thường kê
Ngâm tràn thiên địa thơ tung tác,
Chén lút càn khôn rượi bét be,
Non nước ví bằng trang hết nợ,
Đời này cảnh ấy có ai chê?
BUỔI CHIẾU QUA SÔNG
Bảng lảng trời sông ác xế tây
Đò chiều chiều khách vội buông dày.
Vướng chèo, bầy cá quanh thuyền nhảy.
Bạt gió, con đò lướt sóng bay.
Thăm thẳm bóng mây đùn đáy nước.
Mù mù hơi khói lấp ngàn cây,
Đường xa, ngày tốt, người thưa vắng,
Trước mạn trông trời, dạ tiếng khuâỵ.
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI
Tiếng gà xao xác giục lên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang.
Ngày tháng mài mòn đôi má trắng,
Nước non đeo nặng tấm gan vàng.
Tánh chim mỏi cánh bay về tổ,
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng,
Thôi cái cuộc đời còn thế thế,
Làm trai chi giữa gốc tre làng?
Ba bài thơ trên đây của Ngô lất Tố được truyền tụng trong làng văn đương thời. Qua thơ anh, người ta thấy anh có nhiều suy nghĩ về thời thế và đất nước trước những hiện thực đau thương do bọn cướp nước và bè lũ tay sai gây nên.
Cũng vào năm 1929, anh trở về Hà Nội và cho đến 1941, anh viết nhiều báo chí, có tờ là văn học, có tờ là thông tin: Thực nghiệp, Đông phương, Phổ thông, Công dân, Thời vụ, Tương lai, Tao đàn, Hà Nội tân văn, Đông Pháp, v.v... Ngoài những bài về văn học và thời sự, anh còn viết: Lịch sử Đề Thám và Vua Hàm Nghi với việc Kinh thành thất thủ. Lòng yêu nước của tác giả thể hiện rất rõ: Anh đề cao khí tiết của các lãnh tụ trong phong trào Cần vương, như Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Ôn và anh chế giễu thái độ tên tướng Pháp Đơ Cuốc-xy (De Courey).
Những bài anh viết có thể chia làm bốn loại:
1. Một loại văn học bình luận, gồm những bài báo về Nho, Lão; đính chính những sai lầm về văn học, triết học Trung Quốc, v.v...
2. Một loại bút chiến, gồm những bài đả kích nhũng tệ tục, thói tham ô, rởm đời của bọn quan lại, cường hào và tư sản. Cũng có những bài viết dưới dạng châm biếm, trào lộng như những bài ở mục: “Nói mà chơi”.
3. Một loại dịch thuật, như dịch một số tác phẩm Hán văn của nước nhà hay một số sách của Trung Quốc.
4. Một loại nữa là phóng sự và tiểu thuyết.
Bất kỳ ở thể loại nào, cây bút của Ngô Tất Tố cũng sắc sảo, nhiều khi quá sôi nổi, thiếu bình tĩnh. Dù sao, các bạn đồng thời với anh đều thừa nhận anh là một tay bút chiến đầy nhiệt tình, luôn luôn đứng về phía nhân dân, đả kích không khoan nhượng giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản.
Vì ghét cay ghét đắng giai cấp phong kiến, nên Ngô Tất Tố đả kích học thuyết của Khổng Tử, một học thuyết phục vụ đắc lực giai cấp phong kiến thống trị. Khổng Tử cho là mỗi cá nhân đều có thiên mệnh. Quần chúng nhân dân phải chịu áp bức, bóc lột, phải chịu khổ cực là do số phận, do trời đã định trước, tức thiên mệnh. Học thuyết của Khổng Tử ru ngủ nhân dân nhằm thủ tiêu tính chiến đấu của nhân dân. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Khổng Tử không có triết học tự nhiên như Lão Tử. Đối tượng của tri thức của Khổng Tử là thi, thư, lễ, nhạc, chứ không phải là tự nhiên.
Vào thời trước Cách mạng Tháng Tám, trong khi đả kích Khổng giáo, dịch Mặc Tử và Lão Tử, Ngô Tất Tố đã không có những tài liệu đầy đủ về triết học như chúng ta ngày nay để nghiên cứu, nhưng do nhận thúc sâu sắc của anh, do anh biết đứng về phía nhân dân lao động, thiết tha ước mong cho quần chúng lao động có một đời sống ấm no, hạnh phúc, nên anh đã dịch và giới thiệu Mặc Tử và Lão Tử. Như vậy, trong việc dịch tác phẩm triết học Trung Quốc, anh cũng đã theo một tư tưởng chủ đạo như khi anh sáng tác. Ngay những tác phẩm hiện đại của nước ngoài mà anh dịch cũng vậy. Hoàng Hoa cương, Trời hửng, Suối thép, do anh dịch, đều là nhũng tác phẩm giáo dục nhân dân lòng yêu nước và đề cao tinh thần chiến đấu của quần chúng lao động.
Vào những năm của thập kỷ 30, khi bắt đầu quen biết, tôi phải ngạc nhiên: “Sao con người lầm ít nói, mà đến khi viết lại hăng như vậy!”. Anh ít nói như để dành lời đanh thép trút lên trang giấy. Tùy nét mặt anh cương nghị, nhưng anh thường nheo mắt cười một vẻ rất hiền. Khi vui anh em, anh chỉ uống vài chén rượu là mặt đã đỏ gay, trán nổi gân, bỏ khăn xếp, chẳng nói một lời, lăn ra ngủ. Hình như lúc nào anh cũng kìm lại mọi ý nghĩ và tình cảm, đúc kết lại trong trí não để đưa vào tác phẩm. Anh ăn mặc xuềnh xoàng, quanh năm chỉ cái áo the thẫm, cái quần trúc bâu, đôi giày hạ.
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, vốn có lòng yêu nước, anh càng thấy rõ hơn những nỗi khổ cực của nhân dân và vì sao mà mất nước. Cũng như một số nhà văn lúc bấy giờ, anh đã hiểu một phần nào thế nào là đấu tranh giai cấp. Anh sửa lại tập Tắt đèn, bắt đầu viết từ 1936. Sách được in ra (1939), nhưng mấy tháng sau thì thực dân Pháp ra lệnh cấm lưu hành. Những bài của các nhà văn khác giới thiệu và phê bình quyển Tắt đèn cũng đều bị kiểm duyệt xóa bỏ. Trước tình hình ấy, anh Tố không ngừng bút. Anh bắt đầu viết Việc làng.
Tôi nói với anh: “Tôi mới nhận việc ở Hà Nội tân văn, anh cứ viết dấn đi và gửi cho ban biên tập”. Thế là tiểu thuyết Việc làng bắt đầu đăng ở Hà Nội tân văn (năm 1940) mỗi tuần một trang báo. Hồi đó, anh rất túng thiếu, nhưng không vì thế mà buồn nản. Lúc nào anh cũng nhìn về phía trước.
Anh Ngô Tất Tố đả kích rất mạnh những thói hủ bại ở hương thôn, nhưng trong gia đình và ngoài xã hội, anh xử sự rất hòa nhã, theo đúng phong cách nhà Nho. Cứ mỗi năm hai lần, anh đến ăn giỗ nhà ông Ngô Ngọc Liên mà anh gọi là chú ở Thái Hà, rồi anh lại sang chơi tôi ở gần đó. Tôi dám chắc anh đi dự việc làng  Lộc Hà cũng đều đặn như thế. Do phong thái mực thước ấy, anh được họ hàng làng mạc kính mến và anh mới có điều kiện quan sát tỉ mỉ, miêu tả được sinh động nông thôn và người nông dân trong hai tác phẩm Tắt đèn và Việc làng. Cũng do bản thân là nhà Nho và gia đình anh mấy đời theo học Nho, nên anh đã viết Lều chõng một cách cặn kẽ, nhiều đoạn quá tỉ mỉ.
Xây dựng Lều chõng, Ngô Tất Tố muốn cho người đọc thấy được cách học cổ hủ, giáo điều và lối thi cử lỗi thời dưới chế độ phong kiến suy tàn. Nhà nước phong kiến muốn kén chọn nhân tài, nhưng rút cục lại loại mất những người có tài. Người có tương lai và thông minh như Vân Hạc có một số nhận thức về học tập, về thi cử không giống các bạn của anh, nhưng rồi “công danh ai dứt lối nào cho qua” anh cũng vẫn lều chõng đi thi. Còn người con gái lấy chồng thì không phải vi tình yêu, mà vì muốn được làm bà nghè, bà thám. Lều chõng đã miêu tả một bi kịch của những người trí thức và phụ nữ thời phong kiến, do sự vỡ mộng về công không thành danh chẳng toại, anh đồ vẫn hoàn toàn là anh đồ và chị đồ vẫn hoàn toàn là chị đồ. Tính chất hiện thực phê phán của cuốn tiểu thuyết rất rõ. Nhược điểm của nó là tác giả đã quá đi sâu vào những quan hệ thày trò, bè bạn, những lối giảng dạy và những lối giao du, hành lạc nhà Nho, làm cho người đọc có thể lầm tưởng tác giả còn luyến tiéc, thích thú cái gì đó của đời sống nhà Nho xưa.
Việc làng là một tiểu thuyết phóng sự về những hủ tục mà bọn cường hào muốn duy trì ở nông thôn để dựa vào đó mà bóc lột nông dân đến xương tủy. Mỗi mẩu chuyện trong Việc làng là một tấn bi kịch. Tác giả luôn luôn lên án bọn “ăn trên ngồi trốc” tay sai của thực dân và phong kiến thống trị, bọn đầu trâu mặt ngựa, đã làm cho nhiều gia đình ở nông thôn bị khánh tận, nhiều nông dân phải tự tử, hoặc bỏ làng, chỉ vì đóng góp “việc làng” quá nặng. Trong tiểu thuyết này, chúng ta thấy có những hiện tượng tiêu cực trong tư tưởng người nông dân và đây là một hiện thực ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
Ở Tắt đèn, chúng ta thấy Ngô Tất Tố miêu tả những sự đàn áp bóc lột cực kỳ trắng trợn và tàn bạo của bọn địa chủ cường hào đối với nông dân về mặt sưu thuế, và những thói đê tiện, dâm ô của chúng. Chỉ thiếu mấy đồng bạc thuế thân mà gia đình anh chị Dậu phải bán con, phải chịu khổ nhục trăm đường. Nhưng khác với Việc làng, ở Tắt đèn, chúng ta thấy những mặt tích cực trong tư tưởng và hành động của người nông dân: Chị Dậu đã vùng lên đánh lại bọn lính tráng, cường hào khi chúng xúc phạm đến chồng chị đang ốm. Chị cũng đã hai lần chống lại kịch liệt bọn quan lại tham ô muốn hãm hiếp chị. Chỉ qua một việc gia đình nông dân thiếu mấy đống bạc thuế, Ngô Tất Tố đã cho người ta thấy mọi nỗi khổ cực của nông dân và những thói tàn ác đê tiện của bọn quan nha, tổng lý. Tuy có gan chống lại bọn cường hào như vậy, chị Dậu vẫn thấy cuộc đời mình và chồng con mình đen tối, trước mắt chị tương lai còn mờ  mịt. Đó cũng là một hiện thực về đấu tranh tự phát trong khi chưa có Đảng tiền phong lãnh đạo.
Ở nước ta, vấn đề nông nghiệp là vấn đề quan trọng bậc nhất. Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực đã viết thành công về nông thôn trong Tắt đèn và Việc làng. Hai tác phẩm này là những tài liệu quý giá để chúng ta có cơ sở mà nhận định về người nông dân Việt Nam đã lột xác đến mức nào trong cảnh nông thôn đổi mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhìn một cách khái quát những sách sáng tác, phê bình, nghiên cứu và dịch thuật của Ngô Tất Tố trong 30 năm (1924 -1954), chúng ta thấy những công trình ấy của anh là một khối thống nhất theo tư tưởng chủ đạo của một nhà văn luôn luôn đứng về phía nhân dân./.

(Vũ Ngọc Phan) Hoàng Tích Chu và lối văn cộc của anh

Những năm tôi mới viết văn và viết báo, tôi hay đến nhà in Trung Bắc phố Hàng Bông đệm[1]. Ở nhà in này tôi đã gặp Hoàng Tích Chu, cây bút được anh chị em thanh niên đương thời rất yêu mến. Anh là người đề xướng một lối văn mới, người ta gọi là “văn cộc” hay “văn nhát gừng”.
Trước khi đề cập đến lối văn Hoàng Tích Chu, tôi muốn nói qua về con người anh, vì theo tôi, anh có thể tiêu biểu cho lớp nhà văn trẻ vào cuối thập kỷ 20 sang đầu thập kỷ 30. Anh người làng Phù Lưu thuộc Bắc Ninh (nay thuộc Hà Bắc). Người ta thường nói: “Trai Phù Lưu, gái Đình Bảng”, hai làng giáp nhau, trai và gái đều nổi tiếng tuấn tú, xinh đẹp, tài hoa. Hoàng Tích Chu đã tài hoa lại đẹp trai, nên được nhiều con gái Hà Nội rất chú ý. Anh có đôi mắt sắc và thông minh, tầm vóc vững vàng, hơi to ngang một chút, không cao, không thấp. Anh nói chuyện hấp dẫn, luôn luôn dùng hình tượng, lại hay châm biếm, thỉnh thoảng điểm những tiếng cười giòn giã. Có thể nói Hoàng Tích Chu có phong thái con người Hà Nội thời đó. Người ta đồn rằng cô Phượng Hàng Ngang (nhân vật trong Mồ cô Phượng) là một trong những bạn tình của anh.
Năm tôi mười ba, mười bốn tuổi, ngày ngày đi học qua phố Hàng Ngang, tôi đã được trông thấy cô Phượng, lúc đó, cô vào khoảng hăm hai, hăm ba tuổi. Cô ngồi bán các thứ hàng lụa, xatanh, gấm, vóc tại nhà chồng, nhà này họ Phan. Chồng cô là một “khách lai” vô công rồi nghề, vào loại công tử bột thời bấy giờ. Hắn đi đi lại lại suốt ngày ở cửa hàng để trông kẻ gian, và còn để canh vợ nữa. Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú, và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quẫn lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục, tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng, may sát vào thân hình nở nang. Lối ăn mặc của cô là một lối rất “nền” của phụ nữ Hà Nội thời xưa. Người ta nói: Cô là con người tài hoa, yêu thích văn thơ, trái hẳn với chồng cô là một gã tốt mã, giẻ cùi. Việc cô bỏ chồng và trốn nhà ra đi, ầm ĩ cả Hà Nội vì hồi ấy, thanh niên Thủ đô không ai là không biết cô Phượng Hàng Ngang. Nhưng rồi hồng nhan bạc mệnh, cô đã sớm qua đời! Người thì nội cô bị trúng phong mà chết, người thì nói cô chán đời nên đã quyên sinh. Mồ cô Phượng, tiểu thuyết lãng mạn tiêu cực, nhân vật Phượng là cô Phượng Hàng Ngang này. Cái tên Hoàng Hồ trong giai thoại, trong vè,  trong tiểu thuyết đã ám chỉ vào Hoàng Tích Chu. Cô Phượng và Hoàng Hổ đều là nhân vật chính.
... Hoàng Tích Chu thấy tôi làm nghề văn, không đi làm công chức, anh rất hoan nghênh. Lúc bấy giờ, anh đã thôi không làm chủ bút Ngọ báo của Bùi Xuân Học và đã cho ra tuần báo Đông Tây, do anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo Đông Tây in ở nhà in Trung Bắc, nên tôi thường gặp anh.
Vào cái thời người ta quan niệm người làm nghề viết phải sống cho phóng khoáng, nghĩa là biết uống rượu, nghiện cà phê, biết ra vào tiệm hút, biết đi hát ả đào và có một vài nhân tình nhân ngãi, thì dưới con mắt anh em làm báo làng văn lúc bấy giờ, tôi quả là một thanh niên ngây thơ, vì tôi không biết gì về những chuyện đó. Một số người đã gọi đùa tôi là: “bê-bê-Nes-lê”[2] và cái tên này Thiết Can mách cho tôi biết.
Hoàng Tích Chu có vốn Hán học; vào buổi chữ Nho đang tàn tạ, anh được kể vào hạng những người có trình độ tam trường[3]; còn về Tây học anh biết sơ sơ tuy anh đã từng sang Pháp, ở Paris khoảng một năm trời. Vào thời Andié Gide chưa ra quyển Reourde LV.R.S.S (Ở Liên bang Xô-viết trở về), nhà văn Pháp này được nhiều thanh niên Việt Nam ưa thích. Một thời gian, đọc Gide trở thành cái “mốt” gần như cái “mốt” mặc áo Lơ Muya của phụ nữ Hà Nội. Theo thời, Hoàng Tích Chu cũng viết một bài về Gide, nhưng anh lại viết lầm tên nhà văn này là Charles Gide một nhà kinh tế học Pháp đương thời, tác giả quyển Economic politique (Chính trị kinh tế học). Tuy vậy, anh rất có năng khiếu về văn. Từ hồi trẻ anh đã viết những bài “biền ngẫu” trên tạp chí Nam phong. Anh dùng loại văn có những câu đối ngắn gọn này, để phê phán những điều tai nghe mắt thấy. Nhưng với nội dung ấy mà viết lối “biền ngẫu” tất nhiên không thành công được. Dùng “bình cũ rượu mới” thì đi đến chỗ gò ép, tối nghĩa. Từ nhỏ dùng lối văn đối nhau, như phú chiêu, kiểu để viết về thời sự, Hoàng Tích Chu đã xếp “bình cũ” lại và dùng “bình mới rượu mới”, với ý nghĩ: Hình thức phải phục vụ đắc lực nội dung. Anh viết một lối văn hết sức ngắn gọn, đương thời người ta gọi là “văn cộc”, “văn nhát gừng” hay “văn Hoàng Tích Chu”.
Trong những năm của thập kỷ 20, quốc văn còn non trẻ, những người viết quốc văn đầu tiên là những người nửa Tây học, nửa Nho học. Lúc đầu, nhà Nho thuần túy viết văn xuôi bằng tiếng dân tộc rất ít. Nếu họ có hứng về quốc văn thì họ làm thơ. Đến khi báo chí quốc văn ra đời, do yêu cầu phải có bài dịch thuật từ các sách Hán văn, mấy ông nhà Nho bắt buộc viết văn xuôi. Gọi là văn, nhưng thật ra các ông cố dịch cho đúng nghĩa, xuôi tai. Câu văn không được trau chuốt, có quá nhiều từ thì, mà, vậy. Người ta đã gọi những thứ văn ấy là “thứ văn thì thì mà mà”, “thứ văn vậy vậy”.
Lối văn Hoàng Tích Chu ra đời tiêu biểu cho tư tưởng phản kháng của những người viết văn trẻ đối với thứ văn “bè ngô bè dừa” của một số nhà Nho mới cầm bút sắt. Vào những năm 1929 - 1930 trên tờ Ngọ báo do Hoàng Tích Chu làm chủ bút, anh viết những bài bàn về thời cuộc với một lối văn hết sức gọn, những từ , từ thì gần bị loại hết.
Đến khi không còn phụ trách tòa soạn Ngọ báo nữa thì trên tuần báo Đông Tây (số ra ngày 29/07/1931) do Hoàng Tích Chu làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, anh phát biểu về lối văn của mình như sau:
“... Tối vốn đã bị cái bả viết văn kéo dài, hàng mười dòng mới hạ được cái chấm dứt câu, hàng hai, ba cột báo vẫn chỉ trọi một ý. Phải có một lối văn khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời. Đến khi tìm được nó rồi, tôi liền bắt đầu thực hành bằng những “bài bàn về thời sự”. Tôi định rằng bài nào cũng vậy, chỉ được chiếm một cột báo là nhiều lắm”.
Đó là thời tôi viết cho tờ Ngọ báo năm xưa. Đó cũng là hồi văn Hoàng Tích Chu bắt đầu được một phần độc giả công kích, cũng như một phần độc giả hoan nghênh. Lâu dần nó thành ra một lối mà anh em làm báo như đã nhận một cách vô tâm, vậy.
“…Tôi đến giờ muốn thực hành cái lối văn H.T.C, ra mọi phương diện khác. Viết về cuộc phỏng vấn, viết truyện đoản thiên, tôi thấy dễ xoay cán bút, không tốn công lắm như viết một “bài bàn về thời sự, chỉ trong một cột”, phải chọn từng chữ, phải sửa từng câu. Được một đằng, hỏng một đằng. Đến khi thực hành lối văn ấy vào những bài nghị luận, thì thấy ngay một sự khó khăn trình bày trên mặt giấy.
“Bởi lối văn không cho phép viết dài câu hay thừa nhiều tiếng, nên mỗi khi giãi bày một lý thuyết nào tôi thấy khó xoay xở lắm. Chân muốn bước đi, mà như có một sức gì ngăn cản lại. Trong khi lúng túng về nỗi tiến thoái ấy, tôi lắm khi tự quên rằng bài viết để người đọc, không phải chỉ để một mình xem…”.
Trên đây là những lời thanh minh và cũng là những điều suy nghĩ, cân nhắc của Hoàng Tích Chu. Bài trên đây anh còn viết lối văn bình thường. Cũng trên số báo Đông Tây nói trên (số ra ngày 29/07/1931), anh đăng một bài viết theo lối mới, có đoạn như sau:
Gớm cho năm 1931!
Thế giới đang khổ về nạn kinh tế[4]. Tôi đây cũng chẳng được yên: hai anh thợ sơn để lại bức tường làng cuỗm giấy “con công” theo thằng Cuội; vài ông đại lý tiêu lạm tiền báo tháng, trốn ăn “mắm ngóe” ở xứ Lào. Đã thiệt một bên, tôi nào thấy một bên có lời: nhà in giục nợ, thợ chữ thúc bài, mà... bên nách, một bạn đồng nghiệp cứ nay gãi, mai cào, lắm khi muốn cười lên tiếng khóc.
Còn mong cái sướng về tinh thần.
Này bức thư anh lái lọng gửi đến chiều qua, giấy nhầu bẩn, mực tím phai, nét chữ tháu:
Văn Tôi.
Gái chơi hoang, sao ta cứ đổ tội cho trai quyến rũ? Phùng Đình Mai ưa thịt bóng, sao ta cứ kết án anh lái lọng nhử mồi? Lời Vãn Tôi biện hộ trước tòa Dư luận như đã đến tai các quan tòa Thượng thẩm.
Châu biết Châu có tội, cái tội buôn đồ lậu hẳn pháp luật không dung. Nhưng thứ đồ lậu của Châu, Văn Tôi đã cãi cho nó không đến nỗi hại vệ sinh như giấm rượu, Vitel pha nước.
Châu quả nhiên có công làm lợi nền kinh tế lúc này: tiền giam trong tủ mấy anh giàu bẩn được dịp may đội nón ra đi...
Sốt sắng, Văn Tôi lên tiếng cãi trong số 74, quyết xin cho Châu trắng án. Nhưng Châu có tội. Tòa Thượng thẩm đãi 3 năm tù, đáng lẽ phải 5.
Ngày nay Châu là tù. Cái thời giờ ngồi tù, Châu dùng để sửa lỗi theo phải, hay trái lại, dùng để nghĩ thêm mưu kế lừa đời một cách diệu hơn.
Trên hai dốc ấy, Văn Tôi nên liệu cho Châu bước xuống bên nào?
Muôn độ ơn lòng.
Nhà pha (quên ngày) 1931, Lái Lọng
Chúng ta nhận thấy những câu rất ngắn. Có câu chỉ có hai tù, ba từ, bốn tù. Không có một từ thì nào, từ  được dùng, cũng dùng một riêng. Các bài viết theo lối trên, tác giả đểu ký “Văn Tôi” ở dưới. Thể “Văn Tôi” ấy, thể văn buổi đầu của riêng Hoàng Tích Chu ấy, đã được một số nhà viết báo trẻ thừa nhận và viết theo. Dương Mậu Ngọc (tức Ngọc Thỏ tức Nhị Lang), Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Phùng Tất Đắc, Tchya[5] đều viết lối văn Hoàng Tích Chu trên Ngọ báo, Đông Tây, Việt báo, Nhật Tân, Tân Việt Nam và cả trên tờ Trung Bắc nữa.
Trên phụ trương báo Trung lập ở Sài Gòn (1931) trong bài nghị luận phải viết thế nào? có đoạn hoan nghênh lối văn Hoàng Tích Chu như sau:
Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là “lối văn Hoàng Tích Chu”: sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai, nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế, cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy”.
Mạnh dạn sửa đổi hình thức câu văn, làm cho văn xuôi được trau chuốt, xứng với cái tên của nó, không còn bị coi thường, nôm na, cha mách qué, chống cái bệnh lê thê, dài dòng, không biết chấm câu, là rất đáng hoan nghênh, nhưng coi đó là “biệt lập ra một nhà” là nói quá đáng. Người viết văn gọn gàng và chấm câu rành mạch đầu tiên, phải kể Phạm Duy Tốn. Ông Tốn viết không nhiều, chỉ để lại vài truyện ngắn, nhưng văn ông đã ảnh hưởng đến lớp trẻ. Trong tạp chí Nam phong (số 18, tháng 12/1918), truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn có đoạn:
“Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào, thở không ra hơi:
- Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi.
Ngài quay mặt vào, lại hỏi thày đề:
- Thày bốc quân gì thế?
- Dạ bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc chứ!
Cách đây gần 70 năm mà những cầu văn trên đây tưởng như mới viết ngày nay. Hoàng Tích Chu là người đã nhìn thấy trong văn học hình thức phải đáp ứng nội dung, phải phục vụ đắc lực biểu hiện tư tưởng tình cảm của tác giả. Đó là cái nhìn rất đúng của anh. Còn những từ thì từ  vốn có ý nghĩa và hiệu lực của nó. Đoạn văn trên đây của Phạm Duy Tốn từ thì trong câu: “Thì bốc chứ!” có ý nghĩa thúc giục phải làm ngay. Chỉ dùng không đúng chỗ, câu văn mới hóa rườm rà.
Viết văn xuôi, cần phải cân nhắc, nhưng chưa đến nỗi phải cân nhắc bằng thơ. Trong Truyện Kiều, tác phẩm văn vần bậc nhất của ta xưa và nay, Nguyễn Du đã dùng những từ thì, từ  rất đúng chỗ, muốn tước đi cũng không được.
Tuy rằng những từ  và thì bị loại trừ một cách quá đáng trong lối “văn cộc”, nhưng phải thừa nhận rằng lối văn Hoàng Tích Chu đã ảnh hưởng đến một số người viết văn trẻ vào những năm 30 của thế kỷ này. Một số người đã bỏ hết những từ mà, thì; còn một số người, trong đó có tôi, tuy không viết lối văn Hoàng Tích Chu, nhưng cũng đâm dè dặt trong khi dùng những từ thì, từ mà... Có một thời gian phong trào viết văn cộc đã dẫn người ta đến viết quốc văn theo lối văn Tây, không biết rằng văn phạm mỗi nước một khác. Viết lôi thôi, rườm rà, không biết chấm câu là rất dở, nhưng cắt xén câu văn nhiều quá, bỏ hết những từ thì, từ mà, không hiểu tác dụng của những từ ấy, làm cho câu văn tối nghĩa, đó là điều mà tính chất trong sáng của tiếng Việt không bao giờ dung thứ.
Tôi vào Quảng Nam năm 1932, một cụ nhà Nho rất hay thơ Nôm, nói với tôi: “Tôi vẫn đọc bài anh viết trên báo, không kể nội dung phải cái câu văn của anh Tây quá”. Lời nhận xét ấy làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, viết văn mà “Tây quá” thì còn đâu là tính dân tộc! Ấy là mình chưa hẳn viết lối “văn cộc”. Tôi đã cố gắng tìm tính hài hòa, cố gắng dùng chữ thật Nôm, cùng lắm mới phải dùng những Hán Việt, cố gắng khi viết thì nghĩ đến người đọc, để ai cũng có thể hiểu ngay những ý mình muốn trình bày, những tư tưởng tình cảm mình muốn thể hiện.
Tiếng Việt của ta là một thứ tiếng trong sáng, đó là phương châm mà tôi phải nhớ trong khi viết.
Vào những năm 31, 32 Hoàng Tích Chu cũng đã tự thấy phải thay đổi lối viết của minh: Viết văn cộc không đạt hết ý, nhưng phải tránh không sa vào “lối văn thì thì mà mà” và “lối văn vậy vậy”. Anh đã nói với tôi như thế.
Tôi đang trông đợi xem lối viết cần phân của anh về như thế nào, thì thốt nhiên tờ Đông Tây của anh bị thực dân Pháp rút giấy phép.
Một buổi trưa hè năm 1932, tôi đã trông thấy bọn mật thám vừa Tây vừa ta xông vào nhà in Trung Bắc tịch thu những tờ báo Đông Tây còn chưa ráo mực. Chỉ vì số báo ấy đăng một bài thơ nhan đề là: “Cái chày”, ám chỉ tên tổng đốc Thái Bình họ Vi đã dùng chày để tra tấn, đánh giập đầu gối những người chính trị phạm.
Không còn báo để viết, Hoàng Tích Chu rất buồn. Mùa thu năm 1932, anh xuống chơi với tôi ở Thái Hà mặt buồn rười rượi, không còn vui tính như trước nữa. Mấy tháng sau, anh ốm nặng. Tôi đến thăm anh ở phố Lê Lợi (nay là phố Bà Triệu). Anh còn rất tỉnh, nghe tiếng tôi nói, anh nhận ra ngay, nhưng hai con mắt sắc sảo của anh lúc ấy đã phải che bằng hai mảnh the đen, vì anh rất sợ ánh sáng. Ngày 25 tháng Giêng năm 1933 tức ngày 29 tháng Chạp ta, anh mất, để thương, để tiếc cho nhiều bạn trẻ trong làng văn, làng báo Việt Nam lúc bấy giờ./.
                                                                                                 Vũ Ngọc Phan




[1] Nhà in Trung Bắc, ngoài việc in Trung Bắc tân văn và Annam Nouveau của Nguyễn Văn Vĩnh, còn in nhiều sách báo khác, nên nhiều nhà văn, nhà báo thường đến nhà in này.

[2] Quảng cáo của hãng sữa Nestlé có vẽ một em bé chừng một tuổi rất bụ bẫm ngồi bên hộp sữa.

[3] Tức vào được kỳ thứ 3 tại khoa thi hương Nam Định (trường Nam) rồi mới hỏng.
[4] Ở Đông Dương hồi bấy giờ có cái nạn mà thực dân Pháp gọi là Khủng hoảng vì không bán được gạo.
[5] Nghĩa là: tôi chẳng yêu ai (chắp chữ đầu), biệt hiệu của Đái Đức Tuấn.

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Lọ mọ tìm sách Ký giả chuyên nghiệp... thấy bài này.

Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ

Lời phi lộ: Vào năm 2004 – giữa lúc cuộc tranh cử tổng thống của hai ứng viên George W. Bush và John Kerry diễn ra gay go, một tài liệu nói rằng George W. Bush đã trốn tránh chiến tranh Việt Nam bằng cách chạy chọt để vào Lực Lương Phòng Vệ Tiểu Bang Texas do Dan Rather tung ra trong chương trình CBS 60 Minutes buổi tối với hằng triệu khán giả. Tin này có thể làm lật cán cân chiến thắng về phía TNS. John Kerry. Nhưng sau đó CBS đã phải sa thải Dan Rather vì họ không sao chứng minh được tính cách xác thực của tài liệu loan đi, chấm dứt 54 năm sống đế vương và đầy quyền thế trong nghành truyền hình của Dan Rather. Sau đó CBS cũng sa thải luôn bà Mary Mapes là người chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình và 03 producer khác có liên quan đến bản tin của Dan Rather. Rồi vào ngày 07 Tháng 06, 2010 vừa qua, bà Helen Thomas – một phóng viên chuyên lấy tin từ Tòa Bạch Ốc cũng đã chấm dứt sự nghiệp đầy vinh quang của mình trong 50 năm chỉ vì những lời tuyên bố về Do Thái gây chỉ trích từ khắp mọi phía.
Hai sự kiện nêu trên khiến tôi thắc mắc tự hỏi không biết các hãng thông tấn, các tòa báo, các hãng truyền hình Hoa Kỳ đã tuân thủ những quy tắc đạo đức nào mà họ sẵn sàng sa thải ngay, chứ không phải chỉ xin lỗi khơi khơi, khi phóng viên, ký giả hoặc người phụ trách chương trình của họ phạm phải lỗi mà công luận Hoa Kỳ không tha thứ. Quy tắc đạo đức đó ra sao? Từ đó tôi tò mò tìm kiếm và may mắn có được, nay xin cống hiến quý vị xem chơi cho biết. Nhưng trước khi dịch toàn văn tài liệu nhan đề Society of Professional Journalist: Code of Ethics tôi xin mạo muội làm rõ nghĩa hai chữ Professional Journalist. Professional Journalist theo tôi – có nghĩa là những ký giả/thông tín viên/nhà báo chuyên nghiệp, làm việc có trả lương (có khi lên tới vài chục triệu), có thẻ ký giả của một tòa báo, hãng thông tấn, hãng truyền hình nào đó, chứ không phải là những người viết free (không lương), không thẻ hành nghề, hứng thì viết chơi và không chính thức là nhân viên của một tòa báo, hãng truyền hình hoặc hãng thông tấn nào.
Society of Professional Journalists: Code of Ethics
I. Lời Mở Đầu (Preamble)
Hội viên của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ tin rằng công luận sáng tỏ là điềm báo trước cho công lý và là nền tảng của dân chủ. Chức năng của các ký giả là xúc tiến những mục tiêu đó và cung ứng một bản tường trình công bằng, toàn diện về một biến cố hay một vấn đề. Ký giả có lương tâm của tất cả cơ quan truyền thông hoặc các nghành truyền thông chuyên biệt – nỗ lực phục vụ công chúng một cách hoàn hảo và công bằng. Chính trực trong nghiệp vụ là trụ cột tạo uy tín cho ký giả. Các hội viên của Hội cùng chia xẻ, cống hiến vào tác phong đạo đức, đồng thời chấp thuận và công bố những những quy tắc của Hiệp Hội cùng những tiêu chuẩn hành nghề như sau:
II. Tìm Kiếm Sự Thực Và Tường Trình (Seek Truth And Report It)
Ký giả phải chân thật, công bằng và can đảm trong việc thu lượm tin tức, tường trình và giải thích nguồn tin. Ký giả/phóng viên phải:
- Kiểm chứng lại tính xác thực của tin tức từ tất cả các nguồn gốc, tránh sơ xuất. Không bao giờ được bóp méo tin tức.
- Nỗ lực tìm cho ra chủ thể/nhân vật chính của bản tin để họ có cơ hội trả lời về những cáo buộc.
- Nhận ra các nguồn tin khi nào thấy đáng tin. Công chúng đòi hỏi sự xác tín càng nhiều càng tốt từ nhiều nguồn tin.
- Luôn luôn hỏi động cơ (motives) tức lý do tại sao trước khi ghi “anonymity” tức “người cho tin xin được phép dấu tên”.
- Phải bảo đảm rằng những tin hàng đầu, tin diễu cợt, tài liệu quảng cáo, hình ảnh, video, phát thanh, tranh vẽ/chữ, một đoạn của diễn văn/ đoạn văn ngắn, lời trích dẫn…không được trình bày sai lạc. Cũng không thể quá đơn giản hoặc “phóng đại tô màu” (highlight) thêm làm sai lạc nội dung.
- Không được bóp méo nội dung của tin lấy ra từ hình ảnh (news photos) hoặc video. (1) Luôn luôn phải xin phép khi dùng hình ảnh để làm phong phú thêm cho bản tin. Phải phụ chú các hình ảnh đính kèm theo tin.
- Tránh hướng dẫn sai lạc khi diễn lại các sự kiện xảy ra trong quá khứ (re-enactments). (2) Nếu sự diễn lại là cần thiết thì cần phải phụ chú.
- Tránh giả dạng hoặc dùng những phương pháp lén lút để thu lượm tin, ngoại trừ khi nào những phương thức công khai thường lệ không thể khai thác tin rất cần thiết cho công luận. Khi dùng tới phương thức này thì phải giải thích trong bản tường trình.
- Không bao giờ được ăn cắp tin (của người khác).
- Can đảm tường trình khi tin tức có tính cách đa chủng hoặc có tính cách nghiêm trọng cho dù có trái với ý muốn của công chúng đi nữa.
- Xem xét giá trị văn hóa của bản tin và tránh gán ghép những giá trị văn hóa đó cho người khác.
- Tránh thiên kiến về chủng tộc, phái tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, địa lý, khuynh hướng về dục tính, khuyết tật, hình dáng con người và địa vị xã hội.
- Hỗ trợ cho việc đổi chất công khai các quan điểm, cho dù các quan điểm đó mình không thích (ghét).
- Cho người không có tiếng nói được cơ hội nói và những nguồn tin chính thức cũng như không chính thức đều có giá trị ngang nhau.
- Phải phân biệt rõ sự bênh vực và tường trình khách quan. Khi có phân tích hoặc bình luận thêm thì phải nêu rõ và không được trình bày sai lạc sự kiện hay nội dung.
- Phải phân biệt rõ tin lấy ra từ các quảng cáo (3) và tránh loại pha trộn làm mờ ranh giới giữa hai loại.
- Phải ghi nhận một trách vụ đặc biệt – nếu là công việc chung (việc công) thì phải được điều hành một cách công khai và các tài liệu/hồ sơ phải được mở cho mọi người xem xét.
III. Giảm Thiểu Tại Hại (Minimize Harm)
Ký giả có lương tâm (đạo đức) phải đối xử với nguồn cung cấp tin tức, người bị đề cập tới (chủ thể của tin), đồng nghiệp như một con người và phải kính trọng họ. Ký giả/phóng viên phải:
- Bày tỏ sự bao dung (compassion) đối với những ai bị ảnh hưởng xấu hoặc bị thù ghét vì bản tin. Phải tế nhị trong khi tiếp xúc với trẻ em, các người cho tin hoặc chủ thể của bản tin thiếu kinh nghiệm. (4)
- Phải tế nhị khi lấy tin, phỏng vấn hoặc chụp hình những ai đang phải trải qua một thảm nạn hoặc tình cảm đớn đau. (5)
- Phải biết rằng khi săn tin rồi tường trình, bản tin đó có thể gây thiệt hại hoặc tạo buồn phiền cho người ta. Thu lượm tin tức không phải là cái bằng để kiêu ngạo (license for arrrogantce).
- Phải nhớ rằng công dân thường có nhiều quyền kiểm soát các dữ kiện liên quan đến cuộc đời họ hơn là các viên chức chính quyền hoặc những người đang vận động tranh cử, hoặc đang tạo ảnh hưởng hoặc đang muốn gây sự chú ý của quần chúng. (6) Chỉ khi nào quyền lợi công cộng cao hơn thì mới có thể biện minh cho sự xâm phạm vào đời tư cá nhân.
- Hãy trình bày đúng mức (good taste). Tránh việc dẫn dắt tới những gì lạ lùng gớm ghiếc.
- Phải thận trọng khi nhận dạng (nêu danh tánh) những nghi can vị thành niên hay nạn nhân của những vụ hãm hiếp/xâm phạm tiết hạnh.
- Phải suy nghĩ chín chắn trong việc nói rõ danh tính những can phạm hình sự trước khi có hồ sơ truy tố chính thức.
- Phải quân bình giữa quyền nghi can được xét xử công bằng và quyền của công chúng được biết rõ nội vụ.
IV. Hành Động Độc Lập (Act Independently)
Ký giả/phóng viên không đặt một thứ quyền lợi nào khác hơn là quyền của công chúng được quyền biết sự thật. Ký giả/phóng viên phải:
- Tránh mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest) trước mắt hay có thể cảm nhận thấy. (7)
- Không dính líu tới các hội đoàn, các hoạt động để tránh gây tổn thương đến sự chính trực và uy tín của mình.
- Từ chối quà cáp, ưu đãi, chi phí, du lịch miễn phí, đặc quyền đặc lợi, tránh công việc phụ thêm, tham gia vào chính trị, cơ quan công quyền hoặc các dịch vụ của các tổ chức cộng đồng nếu nó làm tổn thương đến sự chính trực của ký giả.
- Công bố các đụng chạm/tranh chấp không thể tránh né được.
- Cảnh giác và can đảm giữ gìn những điều đó với tinh thần trách nhiệm.
- Từ chối đặc ân của các nhà quảng cáo, các nhóm quyền lợi và chống lại áp lực của họ muốn gây ảnh hưởng tới việc loan truyền tin tức.
- Cảnh giác với những người cung cấp tin khi đòi đặc ân hoặc tiền bạc, tránh trả giá để lấy tin.
V. Phải Có Tinh Thần Trách Nhiệm (Be Accountable)
Phóng viên/ký giả phải có tinh thần trách nhiệm với độc giả, thính giả, khán giả và với nhau. Ký giả/phóng viên phải:
- Làm sáng tỏ và giải thích sự loan tải tin tức đồng thời mời đối thoại với công chúng về chức năng của ký giả.
- Khuyến khích công chúng không nên than phiền giới truyền thông.
- Thú nhận lỗi lầm và sửa chữa ngay.
- Phơi bày (không dấu diếm) lối hành xử thiếu đạo đức của ký giả và cơ quan truyền thông.
- Cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn cao mà những tiêu chuẩn này ứng dụng cho người khác.
Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ được hằng chục ngàn ký giả tự nguyện tôn trọng không phân biệt nơi chốn hay chỗ đứng và được áp dụng rộng rãi trong phòng làm tin và lớp học như là một tiêu mẫu cho hành vi đạo đức. Bản tiêu chuẩn không phải là một loạt những “luật lệ” mà là nguồn tham khảo cho việc quyết định có tính cách đạo đức. Nó không phải – và không nằm dưới Tu Chính Án Số Một – có tính cưỡng hành pháp lý. 
Bản sao của văn bản này được chấp thuận trong Đại Hội Toàn Quốc Của Ký Giả Hoa Kỳ năm 1996, sau nhiều tháng nghiên cứu và thảo luận giữa các hội viên. Tiêu Chuẩn Đạo Đức Đầu Tiên của Sigma Delta Chi (tên khác của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiêp Hoa Kỳ) được vay mượn từ Hiệp Hội Các Nhà Biên Tập Báo Chí Hoa Kỳ năm 1926. Năm 1973, Sigma Delta Chi tự soạn lấy bản tiêu chuẩn đạo đức, sau đó bản này được duyệt lại vào các năm 1984, 1987 và 1996. 
Chú thích của người dịch:
(1) Ví dụ hai nguời đàn ông và đàn bà nói chuyện riêng với nhau bên lề một cuộc họp, không thể bóp méo bằng cách ghi chú dưới bức hình rằng hai người đang tình tự với nhau.
(2) Diễn lại một vụ án giết người.
(3) Như các quảng cáo tranh cử.
(4) Ngu ngơ, còn chưa quen với báo chí.
(5) Chẳng hạn một tai nạn máy bay thảm khốc, hoặc gia đình người ta đang đau đớn vì có người bị giết chết v.v…
(6) Muốn nổi tiếng.
(7) Ví dụ làm một phóng sự tố cáo sự bê bối của một thẩm mỹ viện trong khi vợ mình đang làm chủ một thẩm mỹ viện khác và là đối thủ của thẩm mỹ viện nói trên.
(8) Chắc chắn bản dịch không hoàn hảo. Nếu vị nào có bản dịch chính xác hơn xin gửi cho trong tinh khiêm tốn học hỏi. Chân thành cảm tạ.