Khiemnguyen

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Tính giao thời – nét đặc trưng của văn học giai đoạn 1900 – 1930



1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vào những năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam chính thức bước vào thời kì đổi thay lớn. Điều kiện nội sinh cùng với những tác động của yếu tố ngoại lai đã làm nên cuộc lột xác trên mọi phương diện của văn học. Đây không chỉ là vấn đề của văn học Việt Nam mà còn là thực trạng chung của văn học cả khu vực Đông Á, của những nền văn học từng trải qua thời gian dài phát triển với văn tự chữ Hán, giờ đây được tiếp nhận các yếu tố hiện đại từ văn học phương Tây. Vận hành theo quy luật phát triển chung của cả khu vực, văn học Việt Nam vẫn tạo cho mình một diện mạo riêng trong quá trình hiện đại hóa. Tính giao thời là một trong những đặc trưng đã góp phần làm nên gương mặt đặc biệt cho văn học Việt Nam giai đoạn 1900-1930.
2. NỘI DUNG CHÍNH
Vấn đề phân kì văn học sử ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh luận. Đã có những quan niệm khác nhau về cách đánh giá, đặt tên cho giai đoạn văn học ba mươi năm đầu thế kỉ XX. Một số tài liệu văn học sử trước đây từng ghép giai đoạn này vào giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, gọi tên chung là thời kì văn học cận đại. Ngày nay, giới nghiên cứu đã thống nhất quan điểm, đi đến khẳng định văn học Việt Nam hiện đại bắt đầu từ đầu thế kỉ XX, lấy năm 1900 làm mốc khởi điểm. Do đó, khái niệm văn học cận đại không còn dùng cho văn học ở ba mươi năm đầu thế kỉ nữa. Khi đã có sự đổi thay về cách phân kì thì văn học giai đoạn này có được những đánh giá xác đáng hơn. Vai trò thử nghiệm để mở đường cho cái mới được ghi nhận. Và lúc đó, vị trí bản lề giữa hai nền văn học trung và cận đại mới thật sự được lưu ý.
Khác với quan niệm về lịch sử văn học của một số nước trong khu vực, tiêu biểu là Trung Quốc, xem thời kì văn học gắn liền với cuộc cách mạng tư sản là văn học cận đại, văn học hiện đại chỉ hình thành khi có phong trào cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo. Văn học hiện đại Việt Nam khởi phát từ lúc phong trào cách mạng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi, cách mạng vô sản chỉ mới nhen nhóm, chưa bùng phát mạnh để tạo thành xu thế chung cho thời đại. Mặc dù thế, văn học Việt Nam vẫn đi vào quá trinh hiện đại hóa theo quy luật chung của những nước trong khu vực Đông Á.
2.1 Về khái niệm tính giao thời
Nói đến văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX là phải nghĩ ngay đến tính giao thời. Giao thời là gì? Xét về nghĩa của từ giao thời, trong Từ điển Tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, có ghi rõ: “Giao thời là khoảng thời gian chuyển tiếp từ thời kì này sang thời kì khác, cái mới cái cũ đan xen lẫn nhau, thường có mâu thuẫn xung đột, chưa ổn định[4, 378]
Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng nói về tính giao thời trong văn học như sau: “Văn học của cả giai đoạn 1900-1930 có tính giao thời. Tính chất giao thời đó được biểu hiện ở sự tồn tại song song hai nền văn học cũ và mới với hai lực lượng sáng tác, hai công chúng với hai quan niệm văn học, hai ngôn ngữ văn học ở hai địa bàn khác nhau, ở xu thế thắng lợi của nền văn học mới đang tiến tới thay thế nền văn học cũ đang suy yếu dần. Ở giai đoạn giao thời này, nền văn học cũ tuy đã ở trên đà suy tàn nhưng vẫn còn giữ một vị trí đáng kể, vẫn còn một tác dụng tích cực nhất định trong sự phát triển của văn học dân tộc[1, 29].
Không chỉ có người thời nay nhìn về văn học của quá khứ, giai đoạn ba mươi năm đầu thế kỉ XX, phát hiện ra tính giao thời của nó mà ngay cả đương thời đã có không ít người cảm nhận được điều này. Tóm lại, giao thời là một thời kì phức tạp trong lịch sử văn học, có diễn ra cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa cái cũ và cái mới trên mọi phương diện của văn học. Văn học ở thời điểm này vừa trong tư thế chuyển mình để phá vỡ mô hình văn học cũ, vừa tập hợp các yếu tố mới để thử nghiệm nhằm thiết lập một cấu trúc mới theo mô hình văn học hiện đại của phương Tây. Một thời kì đầy thách thức đối với văn học, mà sứ mệnh lịch sử chỉ cho phép tiến chớ không thể được lùi. Nói đến tính giao thời trong văn học ở giai đoạn này là đề cập đến các hiện tương đan cài, pha tạp, chuyển hóa trong văn học, biểu hiện dưới nhiều hình thức, với nhiều mức độ khác nhau, tất cả góp phần làm nên một diện mạo đặc biệt cho văn học, không thể tìm thấy ở các giai đoạn trước và sau đó.
Có ý kiến cho rằng khái niệm tính giao thời chỉ sử dụng phù hợp khi nói đến văn học Bắc bộ ở ba mươi năm đầu thế kỷ XX, cần xem xét lại nếu gắn khái niệm đó cho văn học Nam bộ cùng thời: “Nói một cách sòng phẳng, cách định danh giao thời là rất thích hợp cho văn học trên vùng đất Bắc kì lúc đó, nhưng vị tất đã thích hợp cho văn học phát triển ở vùng phía Nam của Tổ quốc lúc ấy gọi là Nam kì”[6, 290]. Theo chúng tôi, khái niệm tính giao thời có thể dùng chung cho văn học ở cả hai miền. Thực tế văn học đã thể hiện rõ vấn đề này. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi mong muốn phần nào làm sáng tỏ những điều nói trên.
2.2 Biểu hiện của tính giao thời ở văn học giai đoạn 1900-1930
2.2.1 Trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay, có lẽ đây là giai đoạn duy nhất có sự hiện diện song song hai loại tác giả cũ (nhà Nho) và mới (trí thức tân học). Thời trung đại, nhà Nho giữ vị trí độc quyền, đóng vai trò chủ chốt trong việc sáng tác văn chương. Trí thức tân học chỉ thay thế hoàn toàn ngôi vị của nhà Nho vào thời kì hiện đại sau năm 1932. Ở giai đoạn này, Nhà Nho đã thưa thớt dần về số lượng, họ không đáp ứng kịp những nhu cầu mới của công chúng đương thời nhưng vẫn còn mang tư thế kiêu hãnh của những con người đã từng tạo dựng nên nền văn học thời phong kiến, kéo dài hàng mười thế kỉ. Lực lượng trí thức tân học mới hình thành, nhanh chóng chiếm được ưu thế trên văn đàn và trong xu thế thay dần vị trí của nhà Nho. Tuy nhiên, họ cũng đang đứng trước thử thách, không tránh khỏi những dằn vặt trăn trở khi bước vào thời kì hiện đại hóa văn học. Khó có thể tìm được một người hoàn toàn mới. Họ đều trong tình trạng lấp lửng giữa cũ và mới. Tuy nhiên, cái mới có phần lấn át, che khuất cái cũ. Nhìn chung, ở nhiều phương diện, từ lối sống đến học vấn, thế giới quan, quan niệm sáng tác, hay kĩ thuật viết văn, làm thơ của các tác giả giai đoạn này đều đang ở tình trạng đổi thay, rời xa dần cái cũ để tiến gần vào cái mới. Hành trình còn đang tiếp diễn cho nên mọi vấn đề chưa thể định hình rõ nét. Thế nhưng, ở thời điểm giao thời này, cả hai lực lượng cũ và mới đều có vai trò đáng kể, không thể thiếu một trong hai.
Quan niệm sáng tác ở thời trung đại là quan niệm của nhà Nho, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo. Đến giai đoạn này, người sáng tác không theo duy nhất một quan niệm như trước. Đã có biểu hiện của sự biến đổi, vừa như muốn thoát ra khỏi những quy ước cũ nhưng hãy còn vương vấn với nguyên tắc đã quen thuộc, vừa mong mỏi tìm kiếm một định hướng mới nhưng định hướng ấy cứ chập chờn trước mắt, chưa thể xác định rõ ràng. Có thể nói nhu cầu đổi mới quan niệm sáng tác đang được người cầm bút thời này đặt ra, nhưng định hình một quan niệm sáng tác mới vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Chính vì thế phổ biến nhiều trường hợp chưa dứt khoát, rõ ràng về quan niệm sáng tác, như trường hợp của Phan Bội Châu, Tản Đà, Nguyễn Bá Học…
Khảo sát riêng bộ phận văn xuôi Quốc ngữ ở Nam bộ giai đoạn này cũng dễ nhận ra hiện tượng đổi thay về quan niệm sáng tác. Các nhà văn Nam bộ tỏ ra không còn hoàn toàn bằng lòng với quan niệm cũ của nhà Nho nhưng họ chưa có sự thống nhất, mỗi người đi theo một hướng đổi mới riêng. Phải bình tâm mà tổng hợp lại tất cả, mới có thể nghiệm ra đáp số chung cuối cùng cho bài toán phức tạp đã được mỗi nhà văn giải một đoạn. Người thì muốn đưa ra giải pháp cho vấn đề đề tài, cảm hứng, phương thức thể hiện; người khác lại mong thiết lập tiêu chuẩn nội dung cho tác phẩm nghệ thuật thuộc thể văn xuôi. Cũng không ít người có thái độ cương quyết với lối viết nặng tính sùng cổ, phản đối việc dựa theo truyện Tàu để sáng tác. Và vấn đề mục đích sáng tác để làm gì? Viết cho ai? cũng rất được quan tâm, đôi khi đã xác định rõ ràng, dù còn theo ý thức cũ nhưng có sự thay đổi nhất định: ”Viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh” (Hồ Biểu Chánh), [2,295]. Tất cả đều gợi lên cái gì đó cho thấy sự không bằng lòng với cái đã có, chưa thỏa mãn với cái hiện có và cũng rất e dè khi phải làm khác đi. Các nhà văn Nam bộ tỏ ra rất khiêm tốn khi bắt tay vào đổi mới. Và ai cũng trong tâm thế thử làm. Thể nghiệm mà có phần liều lĩnh và mò mẫm nhưng quan niệm văn học phản ánh hiện thực cuộc sống đời thường đã ở xu thế thay dần quan niệm văn học lấy tâm chí đạo làm gốc.
Mỗi nhà văn đều có hướng thay đổi khác nhau về quan niệm sáng tác. Từng người đi tìm cái mới theo nhận thức, điều kiện riêng của mình, không có sự thống nhất trong lực lượng sáng tác, mà cũng chưa nhất quán ở từng cá nhân. Chưa được trang bị bằng lí luận văn học hiện đại, giai đoạn giao thời chưa thể có được quan niệm sáng tác mới, rạch ròi, cụ thể. Quan niệm sáng tác ở ba mươi năm đầu thế kỉ cho thấy sự vô thức trong bảo thủ, sự ý thức trong đổi mới của người sáng tác.
Hoạt động văn học nghệ thuật là một điểm nhìn khác để nhận ra đây là giai đoạn văn học giao thời. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam có phổ biến hình thức phê phán công kích, đả phá văn chương học thuật cũ (văn chương của nhà Nho), cùng với những người sáng tạo ra nó (nhà Nho) như lúc này. Đả phá một cách quyết liệt trên diễn đàn phê bình nghiên cứu và đưa cả nội dung đả phá vào trong tác phẩm văn chương:
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta.
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà.
Thơ suông nước ốc còn ngâm váng.
Rượu bự non chai vẫn chén khà
Phan Kế Bính
Lực lượng tích cực trong hoạt động này lại có nhà Nho, tiêu biểu là các nhà Nho theo phong trào duy tân hồi đầu thế kỉ. Họ nhắm vào những sáng tác ca ngợi suông luân thường đạo lí của phong kiến. Với họ, văn chương cũ của nhà Nho có nhiều chỗ phi lí vô nghĩa, trở nên lạc điệu trước thời đại, cần phải bác bỏ nhanh chóng và thay thế kịp thời. Không chỉ có nhà Nho, mà lực lượng trí thức mới cũng rất nhiệt tình bài bác văn chương cũ. Song song với việc phê phán, chỉ trích văn chương cũ, mong muốn loại bỏ bộ phận sáng tác này trên văn, thi đàn đương thời, lại có hoạt động vận động, kêu gọi, khuyến khích việc thiết lập một nền quốc văn mới. Nhiều cuộc thi viết tiểu thuyết (do báo Nông cổ mín đàm tổ chức vào năm 1906), thi sáng tác thơ (do báo Nam Phong tổ chức năm 1918), đã nhằm vào mục đích tìm kiếm, cổ súy cái mới trong văn chương. Nhu cầu đặt ra và thực tế được giải quyết lúc này chưa có sự thỏa mãn. Hô hào cái mới nhưng báo chi thời này vẫn tiếp tục cho đăng tải các sáng tác theo hình thức cũ. Nam Phong hoặc Đông Dương tạp chí đáp ứng lòng mong đợi của độc giả yêu thơ đương thời bằng hàng loạt bài thơ Đường luật; tiểu thuyết nói về anh hùng nghĩa hiệp mang dáng dấp truyện Tàu chưa phải đã vắng bóng ngay. Nhìn vào văn học ba mươi năm đầu thế kỉ thấy rõ tính bề bộn, đa dạng của sự kiện, ngổn ngang trăm điều và chưa có vấn đề nào được giải quyết thấu đáo. Dường như giữa ý thức bên trong của con người và tác động của điều kiện khách quan bên ngoài chưa có được sự hòa hợp.
Vấn đề tiếp nhận văn chương ở giai đoạn này cũng phản ánh tính giao thời. Người tiếp nhận mong chờ cái mới nhưng vẫn đánh giá cao các giá trị cũ từng có trong sáng tác của nhà Nho. Trên tờ Đông Dương tạp chí lúc ấy có đăng những bài nhận xét, đánh giá văn chương đương thời, đều tập trung “khen lời hay ý đẹp, khen tác giả có kiến văn rộng rãi, đặc biệt chú ý về khía cạnh đạo đức của tác phẩm” [7,43]. Trong phong trào phê bình Truyện Kiều, cả hai phái cựu học và tân học đều lấy tiêu chí đạo đức làm cơ sở đánh giá kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Quan điểm nhà Nho vẫn còn chi phối việc tiếp nhận văn học thời này khá mạnh. Tuy nhiên, ý thức tiếp nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm đã được quan tâm, thể hiện những đổi thay đáng kể trong việc tiếp nhận so với trước đó. Một thực tế khác cũng diễn ra vào buổi giao thời, khi cái mới xuất hiện, dù đó là niềm khát khao, sự mong đợi bấy lâu nhưng con người lại rất dè dặt, đôi khi còn phũ phàng với nó. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời, công khai bộc lộ cái tôi muốn sống cho bản ngã, người đọc nhận ra sự đồng cảm, đồng điệu từ tác phẩm nhưng lại không dám tỏ thái độ đồng tình với nó. Giấc mộng con của Tản Đà khi được công bố trên văn đàn đã lập tức nhận ngay lời dè bĩu, phê phán nặng nề của Phạm Quỳnh. Vì sao? Vì Tản Đà đã ngang nhiên sống với cái tôi, công khai bày tỏ nỗi lòng, đem những điều thầm kín giãi bày cùng tất cả. Có thể nhận ra đầu thế kỉ XX là “một quá trình chuyển từ phương thức tư duy và phân tích văn học mang tính chất phương Đông sang phương thức tư duy và phân tích văn học mang tính chất phương Tây”[7,  47].
2.2.2. Những điều nói trên là những biểu hiện mang tính chất bề nổi. Cần bóc tách lớp vỏ bên ngoài để khai thác mọi vấn đề đang ẩn trong đó, mới có thể phát hiện ra những cái cốt lõi. Chính việc tìm hiểu trên tác phẩm văn chương sẽ giúp chúng ta nhận biết rõ hơn tính giao thời của văn học giai đoạn 1900-1930.
Từ khi văn học viết ra đời cho đến lúc ấy và tận bây giờ, có lẽ chưa khi nào trong các sáng tác văn học Việt Nam lại có phổ biến hiện tượng tồn tại song song cái cũ và cái mới trên nhiều yếu tố như lúc này.
Người cầm bút ở đầu thế kỉ XX với thói quen cũ, cất bước trên những con đường quen thuộc để đi tìm cảm hứng sáng tác. Họ vẫn say sưa với vấn đề đạo lí, thế sự, số phận con người, hay sự trăn trở cho vận mệnh xã tắc, giống nòi…Tuy nhiên, hoàn cảnh mới đã khơi gợi cho họ bao điều khác trước. Họ bắt đầu bị cuốn hút vào những vấn đề về cuộc sống đời thường trước mắt; tình yêu của cái tôi lãng mạn đầy khát vọng tự do; con người cá nhân biết đòi hỏi, muốn được hưởng thụ, chia sẻ, được sống cho mình, cho hiện tại, v.v…Tất cả đã làm dấy lên trong lòng người cầm bút sự hứng thú, niềm say mê mới… Để rồi trong văn chương không chỉ nổi bật cảm hứng đạo lí hay thế sự hoặc yêu nước mà còn có cả cảm hứng lãng mạn. Và ngay trong cảm hứng đạo lí, thế sự hay yêu nước cũng đã có nhiều biểu hiện khác trước.
Các sáng tác thời này triển khai cả hai loại đề tài: cũ và mới. Rất nhiều tác phẩm còn hướng vào nội dung ca ngợi trung hiếu, tiết nghĩa hay viết về những con người sống theo chuẩn mực đạo đức phong kiến (Đỉnh núi nhành mai – Nguyễn Tử Siêu, Giọt máu chung tình – Tân Dân Tử, Cha con nghĩa nặng, Vì nghĩa vì tình – Hồ Biểu Chánh, v. v…). Đề tài yêu nước, kêu gọi đấu tranh chống giặc, vốn rất phổ biến vào những thời kì nước mất nhà tan, được các tác giả dòng văn học yêu nước tập trung thể hiện. Xã hội với mặt trái đầy chuyện phi lí, bất công, thối nát, v.v… được nói nhiều trong cả thơ (thơ Tản Đà, thơ của các nhà chí sĩ cách mạng đương thời) và văn xuôi (tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Trọng Khiêm, Đặng Trần Phất; truyện ngắn Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Trần Quang Nghiệp). Bên cạnh những đề tài quen thuộc ấy, thơ văn đầu thế kỉ XX bắt đầu đi sâu vào một số vấn đề mới trước kia chưa được quan tâm hoặc quan tâm chưa nhiều như: số phận người nông dân (tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bửu Mọc); cuộc sống của tầng lớp thị dân thời kì tư sản hóa hay sự sa sút của các gia đình phong kiến (tiểu thuyết Đặng Trần Phất, truyện ngắn Nguyễn Bá Học, kịch của Nam Xương, Vũ Đình Long); tình yêu lãng mạn, tự do, phóng túng (thơ Tản Đà, tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách), v.v... Hai loại đề tài cũ và mới đã làm nên sự đa dạng về nội dung cho các sáng tác. Điều đáng nói là nó đã vô tình tạo ra tính chất phức tạp cho văn học đương thời. Mặc dù số lượng tác phẩm không nhiều so với các giai đoạn khác nhưng để xác định văn học giai đoạn này mang đặc điểm của văn học trung đại hay hiện đại quả là chuyện không đơn giản.
Suốt mười thế kỉ tồn tại của văn học trung đại, văn học viết Việt Nam lấy chữ Hán và chữ Nôm làm phương thức thể hiện duy nhất. Sau thời gian khởi động, tập dượt ở Nam bộ hồi cuối thế kỉ XIX, đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX chữ Quốc ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong sáng tác văn học của cả nước. Khi chữ Quốc ngữ chính thức bước vào tác phẩm, chữ Hán không vì thế bị đẩy lùi ngay. Tác phẩm viết bằng chữ Hán vẫn chiếm số lượng không ít trong thơ văn giai đoạn này (tác phẩm của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều nhà nho yêu nước khác). Việc đưa chữ Quốc ngữ vào sáng tác vừa làm nên những giá trị nghệ thuật mới mẻ vừa thể hiện sự hiện đại hóa trong văn học. Buổi giao thời, chữ Quốc ngữ vẫn phải đồng hành cùng chữ Hán. Đối với các nhà Nho, dù đã thấy rõ tiện lợi của việc dùng chữ Quốc ngữ nhưng do quá nặng tình với chữ Hán, cho nên họ cũng chưa chịu rời xa nó một cách nhanh chóng, dứt khoát. Trường hợp pha trộn một vài câu hoặc một đoạn thơ chữ Hán cầu kì, khó hiểu khá phổ biến trong thơ yêu nước ở giai đoạn này. “Bài hát khuyên nhà nho là một minh chứng tiêu biểu.
Ngôn ngữ là chất liệu quan trọng làm nên tác phẩm nghệ thuật. Đánh giá giá trị của tác phẩm văn học hay tìm hiểu những biến chuyển của lịch sử văn học không thể bỏ qua yếu tố ngôn ngữ. Giai đoạn giao thời, cũng là buổi đầu hiện đại hóa ngôn ngữ trong sáng tác, đã tạo nên tính đa phong cách cho ngôn ngữ văn học giai đoạn này. Một thực tế mang tính phổ biến là giai đoạn đầu của thời kì hiện đại hóa bao giờ cũng có hiện tượng pha tạp, thay thế dần các dạng thức ngôn ngữ trong sáng tác. Nếu như ở văn học Trung Quốc đó là sự thay thế, đan xen pha tạp giữa ngôn ngữ bạch thoại và văn ngôn, thì ở Việt Nam là sự thay thế, đan xen, pha tạp giữa ngôn ngữ ảnh hưởng Hán học và ngôn ngữ ảnh hưởng tiếng Pháp, cùng với ngôn ngữ của cuộc sống đời thường. Tất cả người cầm bút đều mong muốn làm ra cái mới bằng những cách riêng của mình. Họ sử dụng vốn ngôn ngữ được tích lũy từ Hán học, họ khai thác từ dùng trong cuộc sống hằng ngày, họ pha tạp lắp ghép các dạng ngôn ngữ khác nhau.
Văn học giai đoạn này hạn chế dùng từ Hán Việt. Từ ngoại lai được sử dụng phổ biến. Tiêu biểu là ở văn xuôi, nhất là văn xuôi Nam bộ, làm nên bước đổi mới đáng kể cho văn học trong thời kì hiện đại hóa. Cũng chính sự xuất hiện của lớp từ ngoại lai trong các tác phẩm làm nổi bật hình ảnh của xã hội giao thời, có đủ các hạng người, đủ các cách sống, hình thành nên nhiều lối sống.
Lối viết gò câu, chọn chữ, cân nhắc từng lời, tạo nên sự đăng đối nhịp nhàng, dù đã bị phê phán nhưng đâu dễ mất đi. Nó vẫn tồn tại trong thơ Tản Đà, trong văn Hoàng Ngọc Phách, Đặng Trần Phất, Phạm Duy Tốn hay Nguyễn Tử Siêu… làm cho văn học giai đoạn này còn mang vẻ trang trọng, đài các không khác gì văn chương thời trung đại. Đi đôi với hình thức trên lại có cách diễn đạt tình ý bằng ngôn từ quá giản dị, gần gũi đến quê mùa, đôi khi có phần thông tục hóa. Đó là cách viết có thể tìm thấy trong sáng tác của nhiều nhà văn Nam bộ như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Thiên Trung, Sơn Vương, một số cây bút truyện ngắn, v.v… khiến cho tác phẩm đến với độc giả bình dân dễ dàng, phá vỡ tính mực thước, cầu kì kiểu văn chương nhà Nho nhưng chưa vươn tới đỉnh cao của tính thẩm mĩ về ngôn từ.
Các nhà văn thời này thường pha trộn hai lối viết. Có không ít trường hợp như truyện ngắn Con người sở khanh của Phạm Duy Tốn, được mở đầu bằng những đoạn văn viết theo hình thức văn biền ngẫu, từ ngữ cầu kì, hoa mĩ.
Tóm lại, ở đầu thế kỉ XX, trong văn học Việt Nam, những hình thức mới mẻ về ngôn ngữ như đã trình bày cùng hiện diện bên cạnh các hình thức ngôn ngữ vốn có trong văn học trước kia. Cả hai đều có vai trò cần thiết, làm nên những món ăn tinh thần phù hợp thị hiếu người đọc lúc bấy giờ. Trong quá trình hiện đại hóa ở giai đoạn giao thời, nếu như văn chương Bắc bộ có xu hướng đơn giản hóa ngôn ngữ ảnh hưởng chữ Hán, thì văn chương Nam bộ lại có xu hướng vừa bình dân hóa, đời thường hóa ngôn ngữ văn chương nghệ thuật, vừa tiếp nhận ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một phương diện tiêu biểu thể hiện tính giao thời. Các nhà văn đương thời vẫn chú ý miêu tả ngoại hình, hành động và ngôn ngữ của nhân vật như các nhà Nho trước kia. Thế nhưng, đã có  tác phẩm thể hiện thành công đáng kể việc miêu tả nội tâm nhân vật (Tố Tâm- Hoàng Ngọc Phách). Nhà văn giai đoạn này vừa theo nguyên tắc tư duy kiểu nhà Nho, sử dụng các yếu tố thiên nhiên để khắc họa chân dung nhân vật chính diện, vừa hướng đến quan niệm xây dựng nhân vật gần gũi với cuộc sống thực bằng các chi tiết cụ thể, đời thường, vốn có của con người: ”Kim Sa tác chừng 15-16 tuổi, áo xăn ngang, quần vo tới đầu gối, mặt tròn da trắng chơn mày vòng nguyệt, mình mẩy ướt loi ngoi, sau lưng vắt nọc cấy, đầu đội nón lá buôn, tay túm một khăn gạo, xơn xơn đi vào…”(Mạng nhà nghèo - Nguyễn Bửu Mọc). Hồ Biểu Chánh còn quan tâm nhiều đến vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật. Do đó, nhân vật chính diện trong tác phẩm của ông thường có tâm hồn cao thượng, đều thể hiện tính cách của con người theo quan niệm truyền thống nhưng lại có hành động của con người hiện đại: làm báo, mở trường tư thục, mở bệnh xá, kinh doanh, hành nghề kĩ thuật. Có nhân vật từng đi Tây, lấy bằng kĩ sư Pháp nhưng lại chuộng lối sống của ông đồ Nho, thích ngắm trăng, yêu vẻ đẹp thanh tịnh của thiên nhiên, vui thú điền viên (Thuần – Đoạn tình, Hải Đường – Đóa hoa tàn). Không riêng Hồ Biểu Chánh, mà Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Thiên Trung, v.v…cũng rất chú ý đến các yếu tố nói trên.
Trên đây là một số biểu hiện nổi bật, cho thấy văn học giai đoạn này đang có sự hiện diện đồng thời cái cũ và cái mới ở mọi yếu tố thuộc về phương thức thể hiện. Thực trạng trên còn có thể nhận ra từ nhiều vấn đề khác, như: Vấn đề xây dựng kết cấu tác phẩm, tạo dựng cốt truyện, lựa chọn chi tiết, hình ảnh và cả việc thiết lập không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cho tác phẩm.
Sự tồn tại song song cái cũ và cái mới đã nói lên tính giao thời của văn học giai đoạn này. Các cách kết hợp, đan cài, pha tạp cái cũ và cái mới khéo léo, nhuần nhuyễn còn làm nổi rõ vấn đề hơn. Chính việc làm đó đã tạo nên những giá trị đặc biệt, không thể xếp vào kho tàng văn học trung đại mà cũng chưa thể công nhận là tác phẩm hiện đại. Trong văn học giai đoạn 1900-1930 phổ biến ba dạng kết hợp: nội dung mới – hình thúc cũ (thơ văn yêu nước, tiêu biểu nhất là sáng tác của Phan Bội Châu); nội dung cũ – hình thức mới (kịch nói của Nam Xương, của Vũ Đình Long); nội dung và hình thức đều có cả cũ và mới (đây là dạng phổ biến ở nhiều sáng tác của các tác giả thuộc dòng văn học hợp pháp đương thời). Phân tích bài thơ “Hoa sen nở trước nhất đầm” của nhà thơ Tản Đà, vấn đề sẽ được hình dung cụ thể. Với một thể thơ quen thuộc, được các nhà Nho xưa học tập từ Trung Quốc (thơ thất ngôn bát cú Đường luật); với những chất liệu cũ: hình ảnh (hoa sen), ngôn ngữ, lối vào đề (Trong đầm gì lại đẹp hơn sen), lấy từ văn học dân gian, thơ trung đại và bằng cảm hứng của một nhà Nho sống trong xã hội trên con đường tư sản hóa, Tản Đà đã đem cái tôi phô bày trước công chúng. Hoa sen nở trước nhất đầm không còn là hình ảnh tượng trưng cho người quân tử cao khiết, đạo mạo, mẫu mực nữa. Mà thật táo bạo, khi nó được tác giả nhìn như một cô gái mạnh mẽ, dạn dĩ, đầy tự tin và kiêu hãnh trước cuộc đời phức tạp, nhiều cạm bẫy. Thân gái lạ đứng giữa mặt nước chân trời mà vẫn không chút bối rối, chẳng hề lo sợ, khác hẳn những người con gái trong văn chương truyền thống. Hơn thế, người con gái ở đây còn như muốn thách thức, tỏ ra ý thức rõ về mình. Mình là đối tượng của sự ghen ghét đố kị. Một kiểu khẳng định cá nhân đầy chất ngông
Lại còn e nỗi chị em ghen
Đã trót hở hang khôn khép lại
Tản Đà đã thổi vào thơ Việt Nam những tình cảm, tư tưởng và suy nghĩ mới. Tạo cho nó có một vẻ đẹp riêng, ẩn hiện khó thấy. Nhưng càng nhìn càng thấy đẹp, càng đọc càng nhận ra nhiều cái hay. Mới và cũ cùng hiện diện trong bài thơ. Đây không phải là sự lắp ghép máy móc, pha tạp mang tính công thức mà là sự hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên giữa truyền thống và hiện đại, làm nên nét riêng, tính độc đáo của thơ trong giai đoạn chuyển mình sang thời kì hiện đại.
Trong văn học giai đoạn này còn rất nhiều tác phẩm có sự kết hợp như trên. Người viết chỉ dẫn ra trường hợp tiêu biểu để chứng minh văn học ở đầu thế kỉ XX là dấu nối giữa hai nền văn học cũ và mới. Các giá trị truyền thống được đặt cạnh một số thành tựu hiện đại và luôn ở thế cạnh tranh nhau. Tính giao thời của văn học thể hiện qua sự lắp ghép, pha tạp các yếu tố cũ và mới. Phải có văn học phương Tây làm xúc tác mới có thể tạo ra kết quả như trên. Đối với văn học các nước, tính giao thời thuộc về thế kỉ trước. Riêng ở Việt Nam đó là vấn đề của thế kỉ XX. Tuy nhiên, hiện tượng trung gian này chỉ xảy ra ở một thời gian ngắn. Và cũng có thể khẳng định tính giao thời là đặc trưng của văn học cả nước, giai đoạn đầu hiện đại hóa. Mức độ và biểu hiện của tính giao thời tuy có khác nhau ở văn học hai miền nhưng đâu đâu trên sáng tác của từng tác giả, trong mỗi tác phẩm, ở khắp các thể loại đều có sự hiện diện, đan cài, pha tạp hay chuyển hóa của cái cũ và cái mới. Nếu như trong văn học Bắc bộ tính giao thời dễ nhận thấy qua thơ, thì ở văn học Nam bộ tính giao thời thể hiện rõ nét hơn ở văn xuôi tự sự. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân đưa đến. Hoàn cảnh khách quan và những nhân tố chủ quan đều tác động đến văn học giai đoạn này. Cũng nên lưu ý một điều là ở ba mươi năm đầu thế kỉ XX thơ Bắc bộ có thế mạnh trên thi đàn cả nước. Trong lúc đó, các hình thức văn xuôi tự sự Nam bộ, tiêu biểu là tiểu thuyết, lại đạt thành tựu cao. Chính ở thể loại này văn học Nam bộ đã khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hiện đại hóa. Như thế cũng có thể nhận ra, vào lúc này, thể loại nào có nhiều chuyển động để thoát khỏi mô hình văn học cũ, mong được nhanh chóng hòa nhập vào dòng chảy của văn học hiện đại thì càng thể hiện rõ tính giao thời.
Mức độ và biểu hiện của tính giao thời cũng có sự khác biệt giữa tác giả này với tác giả khác. Sáng tác của nhà Nho thường bị nghiêng về cái cũ. Ngược lại, sáng tác của trí thức tân học lại hướng nhiều vào cái mới. Bởi nhà Nho còn nặng tình với truyền thống, lại bảo thủ trước cái mới. Hơn nữa, việc tiếp nhận các thành tựu hiện đại từ văn học phương Tây ở họ rất hạn chế. Trong khi đó, lực lượng trí thức tân học lại hấp thu kiến thức mới ngay từ thưở thiếu thời. Tâm hồn nghệ thuật của họ được nuôi dưỡng bằng cả dòng sữa ngọt ngào của văn học phương Tây. Họ lớn lên trong sự xa rời dần với cái của phong kiến. Văn chương chữ Hán còn đọng lại trong họ với tư cách là kiến thức văn học sử. Vì thế có sự khác nhau như đã nêu cũng là điều dễ hiểu.
2.3. Vì sao có tính giao thời trong văn học giai đoạn 1900-1930
Đây là một giai đoạn có sự giao tranh quyết liệt giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Đồng thời đang diễn ra quá trình chuyển biến từ tư tưởng phong kiến sang tư tưởng tư sản. Những yếu tố này vừa tác động đến người cầm bút, vừa ảnh hưởng đến người tiếp nhận văn học đương thời. Nó chi phối nội dung tư tưởng, đề tài của các sáng tác lúc bấy giờ không phải là ít.
Văn học giai đoạn 1900-1930 có xu hướng tiến gần đến văn học hiện đại. Tiến đến văn học hiện đại vào thời gian này là một nhu cầu vận động để phát triển theo quy luật tất yếu của lịch sử văn học. Đối với người cầm bút và cả người tiếp nhận lúc ấy, văn học hiện đại là một khu vườn quyến rũ đầy những hoa thơm cỏ lạ. Phát hiện ra nó là một chuyện, nhưng đến với nó là một chuyện khác. Bởi vì, văn học truyền thống của nhà Nho tuy đang mất dần vị thế nhưng đã tạo nên nhiều thói quen trong sáng tác, trong tiếp nhận. Đâu dễ một sớm một chiều thay đổi được các thói quen đó. Hoàn cảnh khách quan đã khác trước quá nhiều, quan điểm thẩm mĩ cũng thay đổi, thế giới quan và nhân sinh quan cũng thay đổi nhưng để tìm thấy cảm hứng mới không phải chuyện giản đơn.
Tiếp nhận cái mới là vấn đề vô cùng phức tạp. Người cầm bút đương thời đã biết ”định hướng mở rộng quan hệ giao lưu văn học thực hiện song song với việc nối lại những mối dây với quá khứ”, bởi vì: ”Đánh mất quá khứ nghĩa là đánh mất mình nhưng tự cô lập cũng có nghĩa là tự sát” [3,195]. Thế nhưng, giao lưu văn học trong giai đoạn này còn lắm trở ngại. Có nhiều mức độ tiếp nhận văn học phương Tây. Những sĩ phu yêu nước tham gia hoặc tổ chức các phong trào cách mạng chỉ tiếp nhận tư tưởng cách mạng của Châu Âu, còn đối với nền văn học nghệ thuật hiện đại phương Tây hãy còn xa lạ. Các trí thức tân học có phần thuận lợi nhiều trong việc tiếp nhận những thành tựu hiện đại nhưng tâm lí tiếp nhận chưa thật cởi mở, thoải mái, tự nhiên. Làm sao tránh được bỡ ngỡ và không phải dè dặt, khi mà bấy giờ mọi sự đổi mới đều bị nhìn bằng cặp mắt kinh ngạc, phán xét, chực chờ phê phán. Ngoài ra, còn có một trở ngại lớn là phần đông tác giả thời này “không có đủ độ sâu và độ đúng của lí luận, không đủ học vấn để kế thừa truyền thống và tiếp thu ảnh hưởng của văn học nước ngoài một cách hợp lí và sáng tạo”[1,337]. Người cầm bút thời này đến với văn học hiện đại trong sự nhận thức chưa trọn vẹn về mọi phương diện, làm hạn chế khả năng sáng tạo của họ. Đôi khi họ bị rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”, cho nên phải chọn giải pháp tình thế là dung hòa truyền thống và hiện đại.
Công chúng đương thời đòi hỏi một món ăn tinh thần mới lạ. Nhưng nếu đi quá xa với truyền thống thì lập tức sẽ phản ứng, lên án quyết liệt. Chính vì thế người cầm bút phải chú ý tạo nên những giá trị văn học không quá cũ mà cũng không quá mới. Do đó đã có hiện tượng phản ánh hiện thực xã hội mà không quên yếu tố đạo lí. Câu văn xuôi được chấp nhận lúc này phải là những câu văn có đối, có vần, đọc lên nghe nhịp nhàng như thơ, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những nỗi niềm thầm kín, cùng với tình yêu lãng mạn tự do được thổ lộ qua bài thơ Đường luật, câu thơ thất ngôn, v.v…Nhìn chung, việc thỏa mãn được thị hiếu độc giả đương thời cũng góp phần làm cho văn học giai đoạn này có được tính giao thời.
3. KẾT LUẬN
Vận động để phát triển, đó là quy luật tất yếu của xã hội, cũng là của văn học. Hiện đại hóa văn học nhằm hướng đến một sự đổi mới toàn diện và phổ biến, trên nền tảng của truyền thống, trong sự giao lưu rộng rãi với văn học hiện đại nước ngoài. Nhiệm vụ vô cùng nặng nề đã đặt ra cho văn học ba mươi năm đầu thế kỉ XX: Làm sao để hội nhập mà không mất gốc, đổi mới mà không bạc tình với quá khứ? Tính giao thời đã góp phần thể hiện ý thức thực hiện sứ mệnh lớn lao ấy của văn học ba mươi năm đầu thế ki XX.
Có thể khẳng định: trong lịch sử văn học Việt Nam đây là giai đoạn duy nhất tính giao thời được thể hiện rõ nét như thế. Tính giao thời đã tạo cho văn học giai đoạn này nổi bật vai trò bản lề nối liền hai thời kì văn học trung đại và hiện đại. Có nó, dòng chảy liên tục từ thế kỉ thứ X đến nay không tắt mạch hay chia dòng.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà các nước trong khu vực, khi bước vào thời kì hiện đại hóa cũng có bước chuyển mình phức tạp, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang tính trung gian, thể hiện sự đan cài, kết hợp cũ và mới. Giai đoạn văn học giao thời ở các nước đều trong tư thế đối mặt với thử thách, đứng giữa sự giao tranh quyết liệt. Nó không đạt đỉnh cao ở thành tựu, mà có khả năng phát triển nhanh và rất đa dạng. Đó chính là cái nền cần có để sang giai đoạn sau người cầm bút đặt lên đấy bệ phóng vững chắc, đưa văn học tiến lên những bước dài và cao.
Tài liệu tham khảo:
1.Trần Đình Hượu & Lê Chí Dũng (1988) – Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 – NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
2. Nguyễn Khuê (1974) - Chân dung Hồ Biểu Chánh – NXB Lửa Thiêng.
3. Mã Giang Lân (2000) – Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945 – NXB Văn hóa thông tin Hà Nội.
4. Vương Trí Nhàn (1996) – Khảo về tiểu thuyết – NXB Hội nhà văn.
5. Hoàng Phê (1995) – Từ điển tiếng Việt – NXB Đà Nẳng.
6. Trần Nho Thìn (2003)– Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa - NXB Giáo dục.
7. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004)– Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - NXB Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(Nguồn: Bài đã đăng trong tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Phát triển Vùng Nam bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, số 12/2009, tr 44 – 54)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét