Khiemnguyen

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Văn chương bát cổ và chế độ khoa cử



Chế độ khoa cử khảo thí là chế độ tuyển chọn quan viên của chính phủ thông qua phương thức công khai khảo thí, do các vương triều phong kiến đặt ra các khoa mục. Chế độ khoa cử mở ra từ đời nhà Tùy, và hình thành vào đời nhà Đường, hoàn bị vào đời nhà Tống. Đến các vương triều Minh - Thanh thì dần dần đi vào con đường suy sụp. Niên hiệu Quang Tự năm thứ ba mươi mốt đời Thanh (1905), chính phủ của vương triều nhà Thanh đứng trước việc lên án trong nội bộ triều đình lần ngoài dân gian, bắt buộc phải tuyên bố: “Đình chỉ khoa cử để mở rộng trường học”. Điều đó đánh dấu chế độ khoa cử cuối cùng đã bị chế độ trường học của thời cận đại thay thế.
Chế độ khoa cử đã tồn tại ở Trung Quốc suốt hơn một nghìn ba trăm năm, đối với chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và những phần tử trí thức, thậm chí đối với bầu không khí chung của xã hội phong kiến Trung Quốc, đều từng sản sinh một ảnh hưởng to lớn khó lường. Sức ảnh hưởng to lớn của nó còn vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, lan rộng dến tận một số quốc gia và một số khu vực tại Đông Á và Tây Âu. Mọi người nói chung đều cho rằng, chế độ quan văn của xã hội phương Tây trong thời cận đại, chính là được thành lập qua ảnh hưởng và sự gợi ý từ chế độ khoa cử của Trung Quốc.
Xét từ bản thân chế độ, thì về mặt công bằng của việc tuyển chọn nhân tài qua khoa cử khảo thí, đủng là có sự ưu việt không thể phủ nhận. Hơn nữa, trong thời kỳ Đường - Tống, thông qua khoa cử cũng rõ ràng đã tuyển chọn được không ít nhân tài hữu dụng. Nhưng, chúng ta cũng cần phải thấy, chế độ khoa cử cho dù trong thời kỳ Đường - Tống cũng đã có không ít tệ đoan. Khi bắt đầu bước vào thời kỳ các triều đại Minh -Thanh, thì việc khoa cử càng rơi vào loại văn Bát cổ đã xơ cứng, do đó đã dẫn khoa cử đi vào ngõ cụt một cách triệt để. Nơi đây, chúng tôi không chuẩn bị thảo luận về công và tội của chế độ khoa cử trong lịch sử của Trung Quốc, mà chỉ khảo sát sơ qua chế độ khoa cử trong hai vương triều Minh và Thanh, cũng như vấn đề văn Bát cổ đối với việc kềm chế tư tưởng của nhân dân, để tiến lên một bước tổng kết lược những kinh nghiệm và những bài học lịch sử.
Cần phải nói rõ hơn, sở dĩ cần gộp chung chế độ khoa cử của hai triều đại Minh - Thanh để cùng dẫn giải, là vì chế độ khoa cử của hai triều đại này rất ít khác biệt nhau, hơn nữa, về mặt tệ đoan cũng tương đối giống nhau. Kế đó, vì trong bộ sách này khi nói đến triều đại nhà Minh, chưa bàn sâu về vấn đề chế độ khoa cử, cho nên nơi đây gộp chung lại để bàn, nhưng vẫn chú trọng đến thời đại nhà Thanh nhiều hơn.
Chế độ khoa cử của Trung Quốc phát triển đến thời đại Minh - Thanh, thì đã hoàn chỉnh. Thời bây giờ chẳng những hình thành những quy định hết sức chặt chẽ, mà còn có những trình tự hết sức phiền toái.
Trước tiên là có sự quy định chặt chẽ về tư cách của thí sinh. Dưới thời đại Đường – Tống, cho phép tất cả các thí sinh “tự mình tiến cử”, chỉ cần có tài năng là có thể ghi tên tham gia khảo thí. Nhưng đến thời đại Minh - Thanh, quy định thí sinh cần phải vào trường để học. Sau khi có được một trình độ nhất định nào đó thì mới được ghi tên khảo thí. Thời bấy giờ thường có câu: “Dự trữ tài năng trường học để tham gia vào khoa cử”. Những người tự học thành tài nhưng chưa vào trường học thì không được ứng thí. Do vậy, khoa cử và trường học có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhau, trở thành một đặc điểm quan trọng của chế độ khoa cử thời đại Minh - Thanh, đồng thời, việc bước vào trường học củng trở thành con đường cần phải trải đối với qua công việc tham gia khoa cử.
Trường học trong thời đại Minh - Thanh chia thành hai cấp trung ương và địa phương. “Huyện Học”, “Châu Học”, “Phủ Học” thuộc về trường học cấp địa phương, gọi là “Quận Huyện Học”, trong đó học sinh được gọi là “Sinh Viên”, tục gọi là “Tú Tài”. Còn “Quốc Học” thuộc về nhà trường cấp trung ương, cũng gọi là “Quốc Tử Giám”, trong đó học sinh chia ra làm hai loại: một loại gọi là “Cống Sinh”, tức là những sinh viên qua một kỳ thi được nhận vào học ở Quốc Tử Giám. Họ không còn thuộc Huyện, Châu, Phủ nữa, mà là người của địa phương “cống hiến” nhân tài cho nhà vua, cho nên mới gọi là “Cống Sinh”. Thời đại Minh -Thanh danh mục về Cống Sinh rất nhiều, nơi đây không tiện nói rõ tất cả. Một thứ khác gọi là “Giám Sinh”. Danh mục của Giám sinh cũng rất nhiều thứ. Lúc ban đầu đối với tư cách của Giám Sinh có yêu cầu tương đối nghiêm khắc, tức cần phải trải qua một kỳ thi hoặc được hoàng đế đặt chuẩn, nhưng về sau chỉ còn là một hư danh, có thể dùng tiền để mua, cho nên không được mọi người trọng thị. Đến triều vua Càn Long trở về sau, nói chung những người gọi là Giám Sinh, tức là những người chưa vào học ở các trường Phủ, Châu, Huyện mà muốn được dự kỳ thi “Hương Thí” trong khoa cử, hoặc chưa có một danh hiệu khoa cử nào mà muốn ra làm quan thì có thể bỏ tiền ra để mua danh hiệu Giám Sinh, nhưng chưa từng vào học ở Quốc Tử Giám bao giờ.
Trong thời Minh - Thanh lấy được tư cách Sinh Viên, chính là khởi điểm để tham dự những kỳ thi trong khoa cử. Lấy được tư cách Sinh Viên trong một kỳ thi được gọi là “Đồng Sinh Thí”, theo thói quen cũng được gọi là “Đồng Thí”, “Tiểu Thí” “Tiểu Khảo”, v.v... Những thí sinh dự kỳ thi “Đồng Sinh Thí” bất luận là tuối tác lớn hay nhỏ đều gọi là “Đồng Sinh”, và cũng gọi là “Nho Đồng”, “Văn Đồng”. “Đồng Sinh Thí “mỗi ba năm mở hai lần, bao gồm ba giai đoạn “Huyện Thí”, “Phủ Thí” (hoặc trực thuộc Châu, Sảnh) và Viện Thí”. Thi đỗ “Huyện Thí” thì có thể tham gia “Phủ Thí” trên một cấp; thi đỗ “Phủ Thí” thì có thể tham gia “Viện Thí” trên đó một cấp; thi đỗ “Viện Thí” thì mới trở thành Sinh Viên. Sinh Viên được đưa vào trường học của Phủ, Huyện, gọi là “Nhập Học”, được giáo quan dạy cho nguyệt khóa và khảo hiệu. “Đồng Sinh Thí” ngoại trừ những việc đã nêu ở phần trên, còn phải trải qua “Tuế Khảo”, “Khoa Khảo” hoăc “Lục Di Khảo”, “Lục Khoa”, v.v... nội dung rất phiền toái.
Khoa cử khảo thí chính thức dưới hai vương triều Minh - Thanh được chia làm ba bậc là “Hương Thí”, Hội Thí” và “Điện Thí” (tức thi hương, thi hội và thi đình). “Hương Thí” cứ ba năm cử hành một lần (khi gặp một lễ mừng nào đó, có khi tăng gia số lần thi gọi là “Ân Khoa”), do Bố Chính Sứ Ty ở các tỉnh chủ trì. Kỳ thi thường mở vào tháng tám, cho nên được gọi là “Thu Vi” (Chữ Vi có nghĩa là trường), và “Thu Thí”. Trường thi được đặt tại “Cống Viện” của tỉnh thành (kể cả kinh thành). Phàm những người đã đỗ Sinh Viên, Cống Sinh, Giám Sinh, cũng như đã đỗ Lục Khoa, Lục Di đều được báo danh ứng thí. Ngoài ra, các “Âm Sinh”, “Quan Sinh” tức con em của các quan viên cũng thể ứng thí. Nếu thi đỗ thì trở thành “Cử Nhân”, trong đó người đỗ đầu bảng được gọi là “'Giải Nguyên”.
“Hội Thí”cũng ba năm cử hành một lần (nếu Hương Thí có ân khoa, thì Hội Thí củng có ân Khoa) do Lễ Bộ chủ trì, cho nên cũng gọi là “Lễ Bộ Thí”. Thời gian quy định sau Hương Thí một năm. Thời gian thi được định vào tháng hai, cho nên cũng gọi là “Xuân Vi” và “Xuân Thí”. Trường thi được đặt tại “Cống Viện” kinh thành. Phàm những người đổ cử nhân ở các tỉnh đều được dự thi. Ai thi đỗ sẽ trở thành “Cống Sĩ”, trong đó người đỗ hạng nhất được gọi là “Hội Nguyên”. Nếu như cử nhân dự Hội Thí mây lần vẫn không đổ thì Lại Bộ sẽ “vớt” họ và cho làm một quan cấp thấp.
“Điện Thí” cùng gọi là “Đình Thí”, được cử hành cùng một năm với “Hội Thí”. Thời gian nối tiếp theo sau Hội Thí, tức vào tháng ba. Trường thi được đặt tại “Thụng Thiên Điện” trong hoàng cung, do hoàng đế đích thân chủ trì. “Điện Thí” chia làm “Tam Giáp”, gọi chung là “Tiến Sĩ”. Trong đó Nhất Giáp lấy ba người. Người đỗ đầu được gọi là “Trạng Nguyên”, người đỗ thứ hai dược gọi là “Bảng Nhãn”, người đỗ thứ ba được gọi là “Thám Hoa”, được vua cho gọi là “Tiến Sĩ Cập Đệ”; Nhị giáp lấy một số người được nhà vua ban là “Tiến Sĩ Xuất Thân”; Tam giáp cũng lấy một số người được vua ban là “Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân”.
Phàm người thi đỗ Tiến Sĩ, thì có thể ra làm quan. Trong vương triều nhà Thanh sau khi trải qua kỳ thi Điện Thí, ngoài ba người đỗ Nhất Giáp được bổ giữ các quan chức “Tu Soạn”, và “Biên Tu” Hàn Lâm Viện, còn lại những người đỗ “Xuất Thân Tiến Sĩ” đều phải dự thêm một kỳ thi tại Điện Đình, gọi là “Triều Khảo”. Triều Khảo do đại thần đặc phái để chấm bài thi, sau khi công bố thành tích sẽ kết hợp với thứ bậc đỗ tại Điện Thí, và do hoàng đế quyết định sẽ ban cho quan chức gì. Nói chung, người Ưu tú nhất trong số đó sẽ được cử làm Hàn Lâm Viện Thứ Các Si, được gọi là “Điểm Hàn Lâm”. Ngoài ra, số người còn lại được cử là “Chủ Sự”, “Trung Thư”... hoặc dùng họ đưa đi làm Tri Huyện ở các địa phương. Người được cử giữ chức Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ, sau khi làm việc được ba năm, còn phải tiến hành một kỳ thi nhằm xem xét kỹ để phân loại, gọi là “'Tán Quán”. Những người đỗ cao trong kỳ thi Tán Quán, nếu là tiến sĩ nhị giáp thì sẽ được cử làm “Biên Tu” của Hàn Lâm Viện; nếu là người đỗ tiến sĩ tam giáp, thì sẽ cứ giữ chức “Kiểm Thảo” của Hàn Lâm Viện; còn những người kém hơn thì cử giữ chức Chủ Sự, hoặc đi làm Tri Huyện ở các địa phương.
Ngoài ra, trong chế độ khoa cử của hai vương triều Minh - Thanh còn có “Võ Cử”; trong vương triều nhà Thanh lại có “Phiên Dịch Khoa” (chuyên phiên dịch các loại chữ Mãn, Mông và các dân tộc thiểu số khác), “Bác Học Hồng Từ Khoa”, “Hiếu Liêm Phương Chính Khoa”, đến cuối đời nhà Thanh còn thêm “Kinh Tế Đặc Khoa”, nơi đây tạm không bàn cụ thể./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét