Khiemnguyen

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lối "đối ngẫu" của người Pháp và văn biền ngẫu của Ta

                                                                                                          Vũ Bội Liễu (1912 - 1947)


1.1. Ý và từ trong văn “đối ngẫu” và “biền ngẫu”
Lối “đối ngẫu” (antithèse) của Pháp chú trọng về ý hơn là về từ, thường là sự đôì chọi của hai ý tưởng tương phản (le choc de deux idées contraires). Ta cứ đọc mấy câu này sẽ rõ:
Chúng ta đuổi theo hạnh phúc, nhưng chỉ tìm thấy nỗi thống khổ và sự chết” (Nous cherchons le bonheur et ne trouvons que misère et mort- Pascal).
- Một người đàn bà đẹp làm cho vui mắt, một người đàn bà tốt làm cho vui lòng; người kia chỉ là một vật trang sức, người này mới thực là một kho báu vô ngần (Une belle femme plait aux yeux, me bonne femme plait au coeur; 1’une est un bijou, 1’autrQ est un trésor - Napoléon).
- Ta đừng đợi được sung sướng rồi mới cười, sợ có khi chết mà vẫn chưa được cười (H faut rire avant d’être heureux de peur de mourừ sans avoứ ri- La Bruyère).
Một nhà văn Pháp đã nói: “Làm văn không nên cầu kì tìm những chữ thật đối nhau, “đối ngẫu” là ở trong tư tưởng, chứ không phải ở trong cách dùng chữ”.
Victor Hugo đã viết bài này để nhạo những người cố tìm tòi chữ cho thật đối chọi, nhiều khi chí tạo ra những câu văn vô nghĩa lý:
Một ngàv kia đương lúc đêm tối, sấm chớp yên lặng nổi lên cùng những luồng chớp nhoáng tối tăm. Vì giời tối, và tôi đang đứng nằm, ngủ thức, ngồi vắt vẻo trên một cành cây, nên khi nhắm nghiền mắt lại để nhìn qua mặt giời, tôi bỗng thấy một làn ánh sáng tối om. Chân đội mũ, đầu đi giày, tôi vừa mặc quần áo, vừa hai tay đút túi quần. Sau, buộc xe vào bốn con ngựa lông đen như tuyết và trắng phau phau như củ súng, tôi đi bộ, ngồi trên xe ngựa và bơi qua núi Mont Blanc. Bất thình lình một người nước chim chích, thân hình to lớn như ông hộ pháp, lại gần cách xa tôi, vừa dang tay chắn lối không cho tôi đi, vừa chạy bán sống bán chết. Tôi vội vàng vồ lấy khí giới, nhưng tôi ngắm kỹ quá, đến nỗi đâm trượt ra một bên. Nó âu yếm nhằm lưng tôi đấm một quả vào mặt.
Thế là ngã lộn tùng phèo xuống, hai chân tôi chẻ vào giữa đầu nó một nhát thật mạnh xuống sống mũi. Và sau, vừa đánh nhau với một con sư tử đang rống, đã chết từ một thế kỷ trước, tôi ra đi, như một con thuyền dương buồm để bay bổng lên tận tít mù xanh. Nếu câu chuyện này các ngài nghe hay hay, thì tôi thôi không kể lại nữa”.
- Còn phép làm văn “biền ngẫu” của ta thế nào? Thế nào là đối: Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Vậy trong phép đối vừa phải đối ý, vừa phải đối chữ. Sự khó khăn là đối phải chú trọng về hai phương diện: “thanh” của chữ và “loại” của chữ. Về “thanh” thì bằng đối với trắc, trắc đối với bằng. Về “loại” thì hai chữ đối với nhau phải cùng thuộc về một tự loại, như danh từ (nom) phải đối với danh từ, động từ (verbe) đối với động từ, trạng từ (adverbe) đối với trạng từ... và nếu có đặt chữ nho, thi phải chữ nho đốì chữ nho.
Phép đối là cái đặc tính của văn ta. Không những trong các thể văn vần và biền văn phải dùng phép ấy, mà ngay trong văn xuôi, tuy không cân đối từng câu từng chữ, nhưng nhiều khi cũng phải dùng đến, thì câu văn mới được cân và êm ái” (Việt văn giáo khoa thư -  Dương Quảng Hàm).
Ta xem thế thì “antithèse” của Pháp giống lối văn xuôi cổ của ta hơn là “biền ngẫu”, vì không hề bị câu thúc trong những khuôn phép khắc khổ. Trong “antithèse”, tiếng cũng thường đặt cho gióng đôi, nhưng câu không cần đối hẳn. Ví dụ trong câu thơ của Corneille: “Tay ngươi chưa ai địch nổi, chứ không phải chẳng ai địch được” (Ton bras est invaincu, mais non pas invincible), chỉ mấy chữ “chưa ai địch nổi” và “chẳng ai địch được” là đối nhau thôi.
Tuy thế, có chỗ giống nhau là trong văn “biền ngẫu”, ta cũng phải hết sức chú trọng đến “ý”, như người Pháp viết “đối ngẫu”, nếu không chẳng khác nào anh chàng nọ đổi mấy chữ “Thiên hạ quốc gia” bằng câu “Địa trung cây thịt”, hay là: “Chùa non nước, trên non dưới nước, non non nước nước, nhất vui là phố Văn sàng” đem đối bằng câu: “Núi Già cơm, trong già ngoài cơm, già già cơm cơm, ba buồn nhẽ là phường Vũ mẹt”.
Ta xem đoạn này trong bài hịch của Trần Quốc Tuấn thật là một áng văn tuyệt tác, đặc sắc, cả về từ lần ý:
“... Ta cùng các ngươi sinh ra ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nam này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ.
... Ta đây ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ; ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức rằng chưa đựợc xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cùng đành lòng.
... Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn; thân làm tướng phải hầu quân giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến nguỵ sứ mà không biết căm; hoặc lấy chuyện chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp, mẹo cờ bạc sao cho dùng được quân mưu; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao?; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc, chó săn ấy thì diệt sao cho nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được giặc say chết; tiếng hát không làm được giặc điếc tai...”.
1 2 Văn “đối ngẫu” với lối “bình đối”, “tiểu đối của ta
Ta nhận thấy rằng, lối “đối ngẫu” của người Pháp giống lối “tiểu đối” của ta, vì thường thường hai đoạn đối nhau trong một câu.
1. Tỉ dụ trong văn Pháp.
-  Đi đâu tôi cũng tránh mặt chàng, ở đâu chàng cũng rõi theo tôi (Je 1’évite partout, partout il me poursuit -Racine).
- Thần chết đã cướp hết của tôi, thần chết sắp phải giả tôi tất cả (La mort m’a tòut ravi, la mort va tout me rendre- Lamartine).
- Con đi đi nhé! Con cố trở nên của báu của chồng con, cũng như trước kia con là của báu của chúng ta.
Đi đi con, hỡi con gái của cha yêu quý, con từ giã gia đình này để sang gia đình khác.
Con hãy mang theo hạnh phúc và để lại cho ta nỗi buồn rầu.
Ở đây chúng ta giữ con, đằng kia người ta mong con.
Con hãy ra đi với một giọt lệ, con nên vào nhà người với một nụ cười.
(Adieu, sois son trésor, toi qui fus ie nôtre. Va, mon enfant chérie, cTune famille à 1’autre. Emporte le bonheur, et laisse nous Tennui. Ici on te retient, là bas on te désire... Sors avec une larme, entre avec un sourire- V.Hugo).
2. Tỉ dụ trong văn ta (Thường thấy trong thơ phú, và trong văn “biền ngẫu”)
- Khi chén rượu, khi cuộc cờ. Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên (Kiều).
- Đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng. Tủi bút, tủi nghiên, tủi lều, tủi chõng (Tú Xương).
- Mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi (Chu Mạnh Trinh).
3. Câu đối khác lối “Antithèse” vì thường viết theo lối “bình đối”
Dưới đây là một ít câu đối có tiếng:
- Chị em ơi! Ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc, bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhẻ! Gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm, cầm, thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh (Nguyễn Công Trứ).
- Tôi ba mươi khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá, mở tung ra cho thiếu nữ rước xuân vào (Xuân Hương).
- Nghển cổ cò xem bảng không tên, trời đất hỡi! văn chương xuống biển!
Lủi đầu cuốc, về nhà gọi vợ, mẹ đĩ ơi! tiền gạo lên giời! (Vô danh)
- Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búì tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm (Yên Đổ).
- Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích nhẽ đâu mà khóc mướn.
Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay (Cao Bá Quát).
- Nay đã mần cha thằng xích tử.
Rầy thì đù mẹ cái hồng nhan (Xuân Hương và Chiêu Hổ).
- Vợ Bình Định bông đùa: y âu ó?
Chồng Vĩnh Long cười cợt: dào dới dui! (Vô danh).
- Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao đặng? Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?
1.3. Cách dùng những chữ tương phản trong văn “biền ngẫu” và “đối ngẫu”
1. Tỉ dụ trong văn ta
Trong văn xuôi cổ, những chữ tương phản thường để cùng trong một câu. Ví dụ: “Ta dây ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ.... dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa...” (Trần Quôc Tuấn).
Nhưng trong câu đốì, trái lại, những chữ ấy phần nhiều để trong hai vế khác nhau. Ví dụ:
- Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp.
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời (Cao Bá Quát)
- Nhà dột đôi ba gian, một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi (Ích Khiêm).
2. Trong văn “đối ngẫu”của Pháp
Trong văn “đốì ngẫu”, những chữ tương phản thường để cùng trong một câu (giống lối văn xuôi cổ), có khi chữ nọ lại đế ghép liền ngay chữ kia.
a. Chữ tương phản để ghép liền trong một câu
Trong “Le Ciđ” của Corneille có câu: “Cái ánh sáng tối tăm tự các vì sao rơi xuống ấy”. Chữ ánh sáng để cạnh chữ tối tăm tưởng như trái ngược nhau nhưng dùng vào đấy tuyệt diệu, vì tác giả tả ánh sao một thứ ánh sáng xanh xanh lờ mờ, huyền ảo, làm cho mọi vật như chìm đắm trong một đám sương mù.
Văn ta cũng có câu:
- Khôn nghề cờ bạc là khôn dại.
Dại chốn văn bài ấy dại khôn (Tú Xương)
b. Chữ tương phản cùng để trong một câu nhưng không liền nhau.
- Đức chúa Jesus đã chịu thương tích để vá lành những vết thương của chúng ta, người đã chịu làm nô lệ để ta được tự do, người đã chết để cứu ta sống (St. Cyprien).
Trong văn “biền ngẫu” của ta, những chữ tương phản cũng có một vài khi để cùng trong một câu:
- Thương em bởi má phấn răng đen, mình yểu điệu thêm bộ cánh trang hoàng: đẹp!
Yêu anh vì mắt bạc môi thâm, vai so rụt lại bàn đèn rực rỡ: sang! (Vô danh).
- Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.
Đá xanh xây cống hòn dưới nống hòn trên.
- Giơ tay với thử trời cao, thấp.
Xoạc cẳng đo xem đất vắn, dài (Xuân Hương)
- Ai bảo ta say, say vẫn tỉnh.
Ta cười người thức, thức mê.
1.4. Từ cách “bỡn chữ” của người Pháp đến lối “tá âm” trong câu đối của ta
Bỡn chữ (jeu de mots), lốì chơi văn chương của người Pháp, chính là lối “tá âm” của ta hay dùng trong thi ca, và nhất là trong câu đối.
Thế kỷ thứ 17,18 là hồi văn chương toàn thịnh bên Pháp, các “tao đàn”(salons littéraires) do các bà các cô quý phái chủ trương mở ra rất nhiều. Đó là chỗ hẹn hò của các tao nhân, mặc khách, đến đây để bàn luận văn chương và cũng là nơi họ đua nhau giở tài “hùng biện”, cố nói những câu đĩnh ngộ, cốt hái được nụ cười cảm phục trên môi các giai nhân. Họ có khi dùng lối “tá âm” nghĩa là cách lấy những tiếng đồng âm dị nghĩa để tạo thành những câu hóm hỉnh tài tình. Các nhà văn thời ấy chắc không ngờ đâu rằng ở một nước tận cùng châu Á, có những nhà nho búi tó, răng đen, cũng đang tiêu khiển bằng một lối chơi văn chương như mình, và có các nữ thi sĩ như bà Thị Điểm, cô Hồ Xuân Hương - tuy không mở tao đàn - nhưng cũng dùng lối “bỡn chữ”, để ra các câu đối oái oăm thử tài các văn nhân như Trạng Quỳnh hay Chiêu Hổ. Chắc ai cũng biết những câu “Da trắng vỗ bì bạch”, hay “Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi hai cửa sổ song song” làm cho Trạng Quỳnh vò đầu dứt đứt cả… búi tó, mà không đối nổi.
Một nhà văn Pháp, lúc thiếu thời, một hôm giờ triết học, không chịu nghe, mắt mơ màng nhìn ra cửa sổ. Giáo sư đang giảng về Descartes, ngừng lại, mắng rằng: “Anh nghĩ gì thế? Anh không nghe à?” (A quoi pensez vous? Vous ne suivez pas?). Ông thản nhiên trả lời: “Thưa thày con nghĩ vậy là con nghe” (Je pense, doncje suis).
Muốn hiểu sự tài tình của câu này phải biết câu có tiếng của nhà triết học Descartes: “Ta nghĩ tức là có ta” (ở trên đời này) (Je pense, donc je suis).
Câu giả nhời của cậu học sinh đĩnh ngộ chính đã dùng lôi tá âm đó. Chữ suis (verbe être) nghĩa là có ở trên đời này (exister) đồng âm với chữ suis (verbe suivre) nghĩa là theo, nghe.
Bên ta có ông Nguyễn Hòe, năm 12 tuổi đi thi, vì cứ chạy đi chạy lại, người ta hỏi tên, ông nói to: “Tôi tên là thằng Hòe”. Biết la có ý sược, ông chủ khảo sai nắm cổ lại và ra câu đối bắt đối. Ra rằng:
Lạn TưangNhư, Tư Mã TươngNhư, danh tương như thực bất tương như.
Trong câu này, hai chữ Tương Như vừa là tên người vừa có nghĩa là “giống như”. Ông Lạn Tương Như và ông Tư Mã Tương Như, hai ông tuy tên giống nhau (danh tương như) nhưng thực ra không giống nhau (thưc bất tương như). Có ý nói: anh đừng hỗn, ta với anh hai người tuy cùng tên là Hòe, nhưng một đằng quan, một đằng học trò, bì làm sao được.
Ông Hòe đối ngay lập tức:
Nguỵ Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ.
Ngụy Vô Kỵ và Trưởng Tôn Vô Kỵ hai ông cùng tên là Vô Kỵ, ông tên là Vô Kỵ, tôi cũng tên là Vô Kỵ. Câu này cũng như câu trên đều dùng lối tá âm. Chữ “Vô kỵ” vừa là tên người, vừa có nghĩa là không sợ, ông Hòe có ý nói: “Ông không sợ tôi, tôi cũng chẳng sợ gì ông”.
Ông chủ khảo tức lắm, lại ra câu đốì nữa:
Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu (Răng vốn rắn, lưỡi vốn mềm, rắn hay gãy, sao bằng mềm bền dai). Có ý mắng ông Hoè, bảo đừng có ngông nghênh, phải nhũn nhặn.
Ông Hòe đối:
Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược hậu sinh trường (Lông mày mọc trước, râu mọc sau; mọc trước ngắn, sao bằng mọc sau đài). Có ý nói đẻ trước dại sao bằng đẻ sau khôn (Trích trong “Văn đàn bảo giám”).
Một vài câu dùng cách “tá âm” có tiếng của người Pháp
Một ông kia người xấu xí, thường được người ta tặng cho cái biệt hiệu: “Le laid condensé” (cái xấu chung đúc vào cả một người). Chữ “laid condensé” còn có thể viết “lait conđensé” (sữa đặc). Một hôm ông ta vào hàng café, bà chủ muốn nhạo, cất tiếng gọi bồi: “Apportez du café au lait” (Lấy café sữa đây). Nhưng vì chữ lait còn có thể viết được “laid” là xấu xí, nên câu ấy còn có nghĩa: “Mang ngay café cho ông xấu ông ấy uống”. Khách hàng không tức giận, thản nhiên nói: “Madame vous avez du bon café, mais vous navez pas de bon the” (Thưa bà, bà có café tốt, nhưng bà không có chè tốt). Vì chữ “bon the” đọc nhanh thành ra chữ “bonté” (lòng tốt), nên câu này còn có nghĩa: “Bà thiếu lòng tốt, tôi xấu mặc tôi, bà không nên nhạo tôi như thế”.
Một bà kia, mặc áo thường hay để hở nhiều vai và ngực, một hôm bị một văn sĩ có tiếng - có người bảo là ông Balzac- vô ý chạm vào bà, bà mắng ngay: “Quel fichu animal!” (Tiếng chửi của_người Pháp: con vật khả ố này!). Ông trả lời ngay lập tức: “Voilà un fichu qui serait mieux sur vos épaules que dans votre bouche”. Nghĩa là: “Cái fichu ấy nếu ở trên vai bà còn hơn ở trong miệng bà ra”. Chữ fichu trong câu “fiehu anịmár là tiếng tính từ (adj) nghĩa là khả ố, nhưng còn là tiếng danh từ (nom) và có nghĩa là khăn quàng cổ. Văn sĩ có ý nói: “Bà không nên nói ra những tiếng thô bỉ như thế fichu animal) và bà nên có cái khăn quàng (fìchu) để che bớt vai và ngực đi thì hơn
Một nhà văn một hôm hỏi một bà tính hay nói huyên thuyên không ra đâu vào đâu và đã làm mếch lòng nhiều người: “Thưa bà, bà có biết một tấm gương khác một người đàn bà thế nào không?”. Bà ta không giả nhời được, nhà văn liền giảng:
“Une glace réfléchit sans parler, tandis qu’une femme parle sans réfléchir” (Một tấm gương biết chiếu, mà không biết nói, còn một người đàn bà biết nói, mà không biết... nghĩ - vì chữ reflécfiir ngoài nghĩa chiếu ra còn nghĩa là nghĩ nữa). Bà kia không chịu kém, hỏi lại ngay: “Thưa ông, ông có biết một người đàn ông khác một tấm gương thế nào không?”. Bây giờ đền lượt nhà văn đứng ngây ra không giả nhời được. Với một nụ cười chế nhạo, bà ta giảng: “Une glace est toujours polie, tandis qu’un homme souvent n’est paspoli” (Một tấm gương bao giờ cũng bóng, còn một người đàn ông có nhiều khi không được lễ phép - vì chừ poli nghĩa là “bóng” còn có nghĩa là “lễ phép” nữa).
Một nhà văn khác gặp một bà nọ, cứ giương mắt nhìn chòng chọc. Bà tức quá hỏi: “Qu’est ce que vous avez à me considérer ?” (Ông làm gì mà nhìn tôi chòng chọc như thể?). Ông giả nhời: “Madame, je vous regarde, mais je ne vous consiclère pas” (Thưa bà, tôi nhìn bà, nhưng tôi có dám nhìn chòng chọc đâu). Nhưng vi chữ considérer (nhìn chòng chọc) còn có nghĩa là “ kính trọng”, nên câu giả nhời của nhà văn còn có ý nói: “Thưa bà, tôi nhìn bà, nhưng tôi... chẳng coi bà ra gì đâu”.
Vài tỉ dụ trong câu đối của ta
Trong câu đối ta, cách dùng lối “tá âm”, như thế rất nhiều. Chúng tôi xin kể nhưng câu tài tình nhất:
- Ai công hầu, ai khanh tưóng, trong trần ai, ai dễ biết ai.
- Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế (Đặng Trần Thương và Ngô Thời Sĩ).
Câu đối dán hàng thịt lợn (của cụ Yên Đổ):
- Tứ thời bát tiết canh chung thủy.
Ngạn liễu đôi bổ dục điểm trang.
Câu đôi dán quán hàng nước (Lê Thánh Tôn):
- Nhà giầu tính vốn kềnh cơi, con cháu nương nhờ về ấm.
Việc nước ra tay chuyên bát, bốn phương đâu đấy lai hàng.
Câu đối của chị thợ nhuộm khóc chồng:
- Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ (chồng).
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Đen, trắng, xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, tía, thật đủ các màu thợ... nhuộm.
Cô đầu khóc mẹ (Yên Đổ).
-  Giầu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ.
Cá kể đầu, rau kể mớ, tinh tang thêm tủi lủ đàn con (Chữ “tình tang” nghĩa là tình con để chở mẹ, lại còn là tiếng đàn).
Câu này hay, không những vì có những chữ: đầu, kép, đàn, phách, mà còn vì những tiếng “tống táng, tình tang” đọc lên như nghe thấy tiếng đàn vậy. Lối này người Pháp gọi là “harmone imitative” (nghĩa âm hoà điệu).
Vợ thợ rèn khóc chồng (Yên Đổ):
- Nhà cửa đê lầm than, con thơ ấu lấy ai rèn cặp.
Công lênh đành bỏ bễ (bỏ bễ: bỏ hẳn) vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi (đe loi: bắt nạt).
Câu đối mừng ông quan võ có một mắt:
- Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại.
Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.
- Đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chăng Phật, Thánh, Thần, Tiên, nhưng khác tục (Câu đôi của một ông sư ra).
Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không Quân, Thần, Phụ, Tử đếch ra người (Nguyễn Công Trứ đối).
Bà Đoàn Thị Điểm một hôm soi gương vẽ lông mày, ông anh là ông Luân, ra cho câu đối này:
- Đôi kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điếm (Soi gương vẽ lông mày, một bà Điểm thành hai bà Điểm; hay là: một nét hoá thành hai nét, vì chữ “điểm” nghĩa là “nét”).
Bà liền đốì:
- Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân (Vào ao xem trăng, một ông Luân thành hai ông Luân; hay là: một vầng trăng hoá hai vầng trăng, chữ “luân” nghĩa là vầng”).
Còn một ít câu đối chúng tôi kể dưới đây cách dùng “tá âm” rất tài tình, nhưng giá trị văn chương không bằng được những câu trên kia:
Một thiếu nữ tên là Sen, ra câu đối này cho một anh học trò muốn lấy mình, tên là Quế:
- Cô Sen, mặc yếm cánh sen, đứng cạnh hồ sen chờ người quân tử.
Cậu Quế đối lại:
- Cậu Quế khoác áo cành quế (khoác áo vào cành quế), trèo lên cung quế chị Hằng Nga.
- Con giai Văn Cốc, lên dốc bắn cò, đứng lăm le , cười khanh khách (Tên các thứ chim).
Con gái Bát Tràng, bán hàng thịt ếch, ngồi châu chẫu, nói ương ương (Tên loài ếch nhái).
- Con cóc leo cây vọng cách, rơi phải cái cọc , nó cạch đến già (Cóc, cách, cọc, cạch).
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiêng cồng, nó kềnh cổ lại (Công, kênh, cồng, kềnh).
- Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương (tên vị thuổc, lại có nghĩa là về quê), phụ tử (tên vị thuốc lại còn nghĩa là cha con). Câu này chưa ai đối được.
- Thủ thỉ chém đầu lợn.
Hùng hổ mổ bụng hùm.
Câu đối đánh vần quốc ngữ:
- Tặc tắc hoan hoàn, tê ư tư sắc tứ.
Binh bình thoại thoái, hát ô hô huyền hồ (Giặc hết vui về, về đến đây nhà vua cho sắc. Chiến tranh đã hòa bình, đi về nói chuyện, reo lên, treo cung không phải đi đánh giặc nữa).
- Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.
Thằng nhìn thằng mù nhìn (bồ nhìn), thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.
Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu.
Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò.
- Ông thông đến gốc cây đề, ông thông không đi là ông thông lại.
Ông qua cửa cống (hương công: cử), ông nhảy được là ông tú tài./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét