Khiemnguyen

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí



I. Thân thế Nguyễn Văn Vĩnh
Ông sinh năm 1882 (ngày 15-6) tại Phượng Vũ, Thường Tín, Hà Đông. Sớm theo học Pháp, vào trường thông ngôn Hà Nội, năm 16 tuổi tốt nghiệp, được bổ làm thư ký tòa sứ Lào Cai, rồi thuyên chuyển qua Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội. Năm 1906, được cử sang Pháp dự cuộc hội chợ Đấu Xảo (foire d’exposition) Marseille. Trở về ông từ chức nhà nước để xoay sang nghề văn nghề báo và hoạt động chính trị.
Khởi đầu năm 1907, ông làm chủ bút tờ Đại nam đăng cổ tùng báo. Rồi ông chủ trương tờ Notre Journal (1908 -1909). Năm 1910 ông ra tờ Notre Revue (được 12 số) cũng năm đó làm chủ bút tờ Lục Tỉnh tân văn ở Sài Gòn. Năm 1913 ông về Hà Nội đứng chủ bút tờ Đông Dương tạp chí, rồi năm 1915 kiêm cả tờ Trung Bắc tân văn (Ba tờ này đều do một người Pháp là Schneider sáng lập). Năm 1919, tờ Đông Dương đổi làm Học báo, ông giữ chức chủ nhiệm, lại mua lại tờ Trung Bắc Tân Văn và cho ra hàng ngày. Năm 1927, ông cùng Vayrac lập ra tủ sách Âu Tây tư tưởng (La pensée de occident) in các sách ông dịch thuật. Năm 1931, ông ra tờ Annam Nouveau, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho tới 1934. Trong hai chục năm ông làm báo, vừa viết báo vừa trông nom việc quản trị. Ông lại còn là hội viên rất hoạt động của hai học hội lớn là Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức. Thêm vào còn hoạt động về chánh trị, làm hội viên, Hội đồng thành phố Hà Nội từ 26 tuổi, và trong nhiều khóa liên tiếp, làm hội viên Hội Tư vấn Bắc kỳ (tức như viện dân biểu khi đó) từ năm 1913, và có chân trong Đại hội nghị Kinh tài Đông Dương (cơ quan tư vấn tối cao của chánh phủ Đông Pháp). Ngoài ra ông còn là người của Hội Nhân quyền Quốc tế tại Việt Nam (Ligue des droits de l’homme), là hội viên của hội Tam điểm Quốc tế (Franc Maconnerie).
Vào khoảng 1934 -1935, gặp hồi kinh tế khủng hoảng công việc kinh doanh ấn quán bị lỗ lã, ông muốn kiếm phương tiện bằng một đường thực nghiệp khác, mới cùng một người Pháp là Clémenti sang Lào để tìm khai mỏ vàng. Hành trình gian khổ. Lần đi đầu ông chịu được. Đến lần thứ hai ông lâm bệnh và mất ở gần Tchépone ngày 2/5/1936.
II. Nhà báo tiền phong
Cho đến đầu thế kỷ 20, báo chí vẫn là một cái gì chưa được biết tới đối với đời sông Việt Nam. Ớ miền Bắc từ khi người Pháp đến (1885), chỉ mới có hai tờ nhật báo Pháp văn của họ (Avenir du Tonkin và Courier d’Haiphong). Mãi đến năm 1890, nha Kinh lược với sự đồng ý của toàn quyền De Lanessan mới cho phát hành tờ Đại Nam đồng văn viết bằng chữ Hán, chuyên đăng tải công văn và chỉ dụ của chánh phủ. Năm 1905, một người Pháp, ông Babut ra Hà Nội tờ Đại Việt tân báo cũng chú trọng vào phần chữ Hán và giao cho một nhà nho là cụ Đào Nguyên Phổ làm chủ bút.
Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy vai trò quan trọng mà tờ báo có thể đóng ở nước ta khi bước vào cuộc sinh hoạt mới nên chuyển sang Pháp năm 1906 đã để ý nghiên cứu học hỏi. Ông thuật lại về sau trong một bài phỏng vấn báo Tin Văn (số 1 ngày 28/7/1935) như sau: “Năm 1906 tôi được cử vào phái bộ sang dự cuộc đấu xảo Marseille. Gian hàng miền Bắc dựng liền với gian hàng của tờ báo Le petit Marseillais. Ông chủ tờ báo ấy muốn làm quảng cáo cho báo mình đã khuân cả cái tòa báo vào trong trường đấu xảo, xưởng máy, tòa soạn, tòa trị sự đủ cả. Hàng ngày tôi thấy cái cảnh hoạt động trong tòa báo ấy mà thèm, máy chạy ầm ầm, phóng viên đi lấy tin tấp tới. Tôi thấy như tôi đâm mê cái nghề làm báo. Cả ngày tôi sang hỏi hết cái này cái nọ, ông chủ báo ôn tồn giảng giải cho tôi rất tử tế...”, về nước sau đó, ông mới cùng ông Đỗ Thận đứng ra lập tờ Đăng Cổ tùng báo viết bằng quốc ngữ. Tờ này theo nhiều người là tờ báo quốc văn đầu tiên đất Bắc, ra số đầu ngày thứ năm 28/3/1907. Song Nguyễn Văn Vĩnh không phải chỉ để ý đến việc làm báo mà ông còn muốn đi rộng vào nghề ấn loát xuất bản.
Trong những bước đầu, Nguyễn Văn Vĩnh gặp hai người Pháp giúp ông nhiều kinh nghiệm là Dufour và Schneider. Ngay khi làm tờ Đăng Cổ ông đã cùng Dufour lập một nhà in, cái nhà in thứ nhất của người mình Hà Nội (chỗ nhà Địa ốc ngân hàng sau này) và in bộ sách dịch Tam quốc chí của Phan Kế Bính. Được hai năm báo Đăng Cổ chết ông thử ra một tờ báo Pháp nhưng cũng không thọ. Năm 1910, ông cùng Schneider vào Sài Gòn. Schneiđer xuất thân “chef d’atelier” làm việc trong xưởng in nhà nước, sau thời ra mua lại đồ chính phủ mở nhà in riêng, huấn luyện những ấn công Việt Nam đầu tiên và in hai tờ báo đầu ở miền Bắc, Đại Nam và Đại Việt nói trên. Schneider lập ở Sài Gòn tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Nguyễn Văn Vĩnh đứng chủ bút. Đến năm 1913 hai người ra Hà Nội lập tờ Đông Dương tạp chí. Rồi năm 1915 Schneider lại ra luôn tờ Trung Bấc tân văn cùng giao cho Nguyễn Văn Vĩnh trông nom bài vở. Năm 1919, Schneider già yếu rút lui. Nguyễn Văn Vinh mua lại tờ Trung Bắc đổi làm nhật báo, đứng ra hoàn toàn tự quản trị lấy. Ông cũng mua lại cơ sở ấn loát Trung Bắc và bắt đầu ấn hành những tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn dịch của ông cùng những tác phẩm của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục. Những sách này chính là những sách xuất bản đầu tiên do người mình ấn hành miền Bắc khi đó. Còn tờ Trung Bắc thì cũng là tờ nhật báo đầu tiên trở nên có uy tín và sống bền bỉ mãi cho đến cuối trào Pháp thuộc.
Như vậy Nguyễn Văn Vĩnh đã đương nhiên mở lối cho nghề xuất bản và phong trào ngôn luận quốc văn của người mình. Ông đã đi những bước đầu bỡ ngỡ và khó khăn. Cho nên năm 1936 khi ông mất, cả làng báo đất Bắc, bâý giờ đã đông đảo, đi sau linh cữu ông và tặng ông danh hiệu “thủy tổ nhà báo của xứ sở”. Không những là nhà báo đầu tiên mà còn là một nhà báo xứng danh, có tài có lực. Ông đem vào nghề đó nhiều đức tính như: óc thực tế, óc tổ chức, tháo vát, ham hoạt động, chịu học hỏi, những đức tính rất ít có người Việt Nam mình khi đó, nên ông càng đi, càng tiến. Không những thế ông còn là một cây bút ký giả lỗi lạc vào buổi đầu ấy. Ông học rộng, có biệt tài nhận định nhanh chóng mọi vấn đề và biết trình bày một cách sáng sủa rành rẽ dù bằng câu văn Pháp hay Việt. Ông Nguyễn Văn Tố là người biết rõ ông hơn ai hết trong báo Đông Dương và hội Trí Tri có nhận xét về tài viết của ông Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “Ông nghĩ rất lanh, tìm ngay được những tiếng để diễn tả ý kiến, bài của ông thường khi đã sẵn có trong đầu khi ông cất bút”. Làm chủ bút một tờ báo mà lúc đầu thường thường ông viết ráo, từ bài xã thuyết, mục thời sự, đến bài dịch đoản thiên đến cả mục tâm sự bạn gái. Cái khiếu hoạt bát ấy tất nhiên là một khiếu tối cần cho nhà báo mà ông đã nêu gương cho người hậu tiến ngay buổi đầu.
III. Đông Dương tạp chí
Trong những cơ quan ngôn luận ông đứng điều khiển hẳn rằng Đông Dương tạp chí là tờ gây được nhiều ảnh hưởng hữu ích nhất cho việc thành lập nền văn học mới tại nước ta. Tạp chí ấy ra hàng tuần, số đầu ngày thứ Năm 15/5.1913. Đọc mấy trang đầu số này người ta không khỏi nhận thấy quá rõ ràng cái chủ trương tuyên truyền cho chính sách của Pháp. Theo như lời cẩn cáo thì tờ báo tuy được sửa soạn, nhưng cũng chưa đến lúc ra, nếu không có một biến cố làm chấn động dư luận khi ấy, là việc một trái bom được ném vàò nhà hàng Hà Nội Hotel làm thiệt mạng hai quan tư Pháp. Vì có việc nguy biến ấy nên mới phải vội vàng mà in ra để “đem văn chương học thuật đem ân huệ văn minh của nhà nước Lang sa mà khua sáo cho lấp được nhừng lời gây loạn”, để làm cho “tiếng pháo tịt ngòi không nổ kịp tiếng chuông trống văn minh”. Nguyễn Văn Vĩnh tất nhiên đứng trong hàng ngũ nhà cầm quyền Pháp và trong số đầu đầy một giọng đả kích gay gắt, ta thấy ông Tân Nam Tử bài xích bọn “ngụy nho”: “Tiểu nhân cuồng dại trốn ra nước ngoài, xúi người làm loạn gieo họa hại dân”.
Qua mấy số đầu, cơn sóng thời sự tạm yên, ta thấy bài vở trở nên biến đổi hơn, phong phú hơn, nghiêng về luận thuyết và văn chương hơn. Tuy nhiên lúc đầu có thể nói Nguyền Văn Vĩnh đã viết gần hết tờ báo, từ bài về quan điểm, chủ nghĩa, phương châm đến các bài tạp luận, xã hội, đến mục Pháp văn hợp thái, trích dịch tư tưởng Pháp. Ông đặt ra một mục Xét tật mình để luận những cái dở, cái tệ của người An nam, cần phải ý thức và sửa bỏ để tiến bước trên đường văn minh. Ông lại đặt ra một mục Nhời đàn bà và dưới bút hiệu Đào Thị Loan chuyên luận về các vấn đề phụ nữ. Bắt đầu từ 1913, ông dịch tiểu thuyết Gil Blas de Santillane. Bắt đầu từ số 15 ông đăng thơ ngụ ngôn dịch của La Fontaine. Từ số 18 ta thấy dịch truyện Kiều ra Pháp văn của ông. Như vậy có thể nói tất cả sự nghiệp văn chương của Nguyễn Văn Vĩnh sau này, luận thuyết xã hội, dịch tiểu thuyết Pháp, dịch La Fontaine, dịch truyện Kiều đã khởi lên trong những năm đầu làm báo Đông Dương này.
Ngoài Nguyền Văn Vĩnh về sau đến thêm nhiều cây bút khác. Trần Trọng Kim viết bài đầu Sư phạm khoa số 3 rồi từ số 42 đứng ra chủ trương hẳn một mục Tân học văn tập gồm mỗi kỳ một số bài mẫu về luận quốc văn, sử địa, toán pháp, cách trí để giúp các thầy giáo dạy tiểu học (phần Sư phạm này sau tăng thêm dọ giáo sư trong Hội Trí Tri phụ trách, và thành hẳn một phần quan trọng của tờ báo). Phạm Quỳnh trong mấy bài đầu bàn về Học cũ học mới (số 5) về cách hòa hợp hai cái học Đông Tây (số 8) đã cho ta thấy ló rạng cái chủ nghĩa của người lãnh tụ Nam Phong vài năm sau. Tuy nhiên ông không viết thường xuyên, thĩnh thoảng mới có bài. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Tố chuyên dịch những bài trích tuyển Pháp văn có tính chất tư tưởng học thuật, Phạm Duy Tốn với những bài bút ký ngăn ngắn có vẻ như những đoản thiên quốc văn đầu tiên. Nguyễn Đỗ Mục khởi đầu bằng loạt bài Gõ đầu trẻ (từ số 20). Phan Kế Bính chỉ có mặt từ số 35 (bài Luận về văn minh là gì?) nhưng là một biên tập viên lâu dài và đặc sắc cho Đ.D.T.C. về sau. Ngoài ra vì tờ báo còn có một số độc giả Pháp và chính chủ nhân sở hữu của nó cũng là người Pháp nên mỗi nhan bài thường đều có phụ đề chữ Pháp (như Cách buôn bán Lang Sa thì phải thêm vào dưới Comment les Francais font du commerce), và từ số 14, báo có một phụ mục đằng sau để dạy tiếng Việt cho người Pháp (Cours de langue Annamite) do một người Pháp là Saintonge biên soạn.
Tóm lại xem qua trường hơp ra đời, thành phần chủ trương, các bài, các mục như trên ta có thể nhận định các mục tiêu của Đ.D.T.C. như sau :
- Về chánh trị: tờ báo hiển nhiên là một cơ quan tuyên truyền cho cuộc bảo hộ của Pháp. Tuyên truyền bằng cách nào? Bằng cách đem những công việc của nhà nước mà kể cho dân nghe (như số 2: Kỳ này bản quân hãy kể một việc khai đường thông thủy cho lợi ruộng đất của dân An nam để ai nấy được biết chú ý vì dân của nhà nước Lang Sa) bằng cách đem điều hơn lẽ thiệt mà khuyên dụ dân đừng làm loạn, đừng theo cách mạng bạo động.
- Về học thuật thì “báo dựng nên cốt ở việc đem cái học thuật thái Tây dùng tiếng Nôm mà dạy phổ thông cho người An nam không phải đi nhà tràng cũng học được hoặc đã đi học rồi mà học thêm’’. Việc giáo dục này có tính cách phổ thông và bách khoa cho nên ta thấy dịch thuật và giảng giải về đủ các vấn đề, từ việc nuôi con cho đến việc tu bổ đê điều, từ cách buôn bán của người Lang Sa đến sự phân chia khoa tâm lý học thái tây.
Về văn tự thì cổ động cho chừ quốc ngữ, thứ chữ tiện cho người Annam gấp mấy lần chữ nho: “Mở ngay tờ báo này ra mà ngắm xem, bấy nhiêu điều luận trong báo, thử nghĩ giá mà luận bằng chữ nho thì có mấy người hiểu cho hết nghĩa. Thế mà chữ quốc ngữ thì không những là người biết chữ quốc ngữ đọc được hiểu được mà đọc lớn cả nhà nghe cũng hiểu được”. Không phải chỉ cổ động bằng cách viết một tờ báo quốc ngữ để mọi người đọc chơi, nhận ra những ưu điểm của thứ chữ mới, báo quán còn tích cực hơn, hứa “nay mai phát không cho những người mua báo một quyển sách dạy quốc ngữ rất tiện cho các ông để không phải đem sách đi hỏi, ai cũng tự học được chữ quốc ngữ”.
Tất nhiên đối với Schneider và đám người Pháp đứng sau thì mục tiêu chính trị trên kia là quan yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, bắt đầu từ Nguyễn Văn Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng làm một cơ quan để tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng văn học mới.
Tuy nhiên bắt đầu tháng giêng 1915, Đ.D.T.C. nội dung cũng như hình thức có nhiều biến đổi. Sehneider ra riêng một tờ Trung Bắc tân văn in theo khổ nhật báo (tuy mới đầu cũng chỉ ra hàng tuần) để đăng tải tin tức, bình luận thời sự, tức như tờ Lục Tỉnh tân văn Nam Kỳ. Còn tờ Đông Dương thì đổi ra hình thức một tờ tuần báo in khổ nhỏ để đóng thành sách và chuyên hẳn về văn chương và sư pham. Phan Kế Bính mở đầu các thiên biên khảo hoặc dịch thuật của ông về quá khứ nước nhà như Việt Nam phong tục, Đại Nam điển lệ trong mục gọi là Bổ quốc sử. Nguyễn Đỗ Mục cũng bắt đầu dịch những truyện Tàu sau này nổi tiếng của ông như Tây sương ký, Song phượng kỳ duyên, rồi Đông chu liệt quốc. Nguyễn Khắc Hiếu đưa ra những bài nghị luận quốc văn độc đáo của ông trong một mục gọi là Tản Đà văn tập. Ngoài ra trong Đông Dương loại mới này còn có thêm mấy cây bút sau này trở nên rất quen biết: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Trác, Thân Trọng Huề... Tờ báo từ đây không còn những lời tuyên truyền trắng trợn cho Pháp nữa, bỏ phần dạy tiếng An nam cho người Pháp, chuyển thành một cơ quan cho riêng người đọc Việt Nam, lại có tính chất hữu khuynh, mang nặng một phần cổ văn, cổ học. Riêng Nguyễn Văn Vĩnh cũng không còn thấy trình bày những lý thuyết bài cựu nghinh tân của ông nữa. Ông bỏ hẳn văn luận thuyết mà quay sang chuyên dịch tiểu thuyết, kịch Pháp: Tê lê mạc phiêu lưu ký, Trưởng giả học làm sang, Cổ tích của Perrault, Lỗ Bình Sơn phiêu lưu ký...
Đến năm 1919, tờ báo lại biến hình một lần nữa. Bấy giờ Phạm Quỳnh đăng đàn được gần hai năm đương cổ xúy thức giả đi vào con đường dung hòa và bảo tồn. Đông Dương tạp chí nhường việc xây dựng học thuật cho Nam Phong. Nó chỉ giữ mục sư phạm và biến thành tờ học báo bậc tiểu học, giao cho Trần Trọng Kim trông nom bài vở.
IV. Tư tưởng “duy tân cấp tiến” của Nguyễn Văn Vĩnh
Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những phần tử Tây học tiền phong nước ta. Ông vào trường thông ngôn rất sớm, lại thông ham học nên lãnh hội rất cao. Ngày nay nói đến chữ thông ngôn ta có ý coi thường, coi khinh cái học của mấy ông tốt nghiệp trường Bưởi ban đầu ấy. Song, nên nhớ là mấy người như Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố đều là những bộ óc thông minh vượt bực và hiếu học vô cùng. Có tài nói đó là những “autodidactes terribles”. Họ đọc nhiều, tìm tòi nghiên cứu nhiều, có một trình độ học vấn rất rộng về mọi vấn đề, nhất là có thể sử dụng Pháp ngữ một cách rất tinh tường.
Riêng ông Vĩnh vốn xuât thân hoàn cảnh bình dân, trí óc sớm mở về Tây học lại được sang Pháp du quan, rồi thường sống bên cạnh người Tây nên ông đặc biệt có khuynh hướng về văn hóa Tây. Do đó mà khi phong trào duy tân của nho gia nổi lên, ông đã hăng hái đứng vào hỗ trợ. Ông nhận làm trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông Kinh nghĩa thục, xướng ra môn thể thao, lập sân thể dục cho trường nữa. Lại mời thục trưởng là cụ Lương Văn Can đứng ra cùng ông lập Hội dịch sách Bắc Kỳ (1907).
Tuy nhiên ông chỉ có thể ngồi chung với các cụ nhà nho khi ấy ở cái chiếu duy tân này thôi (mà thật ra các cụ cũng không chịu ngồi ở đây lâu), còn đối với cái xã hội nho lưu, những quan niệm nho gia, ông không thể nào chia xẻ. Trước nhất ngay về chính trị, nếu ông ủng hộ việc duy tân của nho gia, ông không hề tán thành việc Đông du, chủ trương cách mạng bạo động của một số. Không phải chỉ vì dưới con mắt ông đường lối ấy không hy vọng đi đến thành công (dân trí thấp kém, gương nước Nhật đối xử tàn tệ với Cao Ly, ưu thế của nước Pháp) mà nhất là vì nó hứa hẹn sự trở lại của thế lực phong kiến mà ông thù ghét. Đối với ông muốn cho nước tiến hóa, cần phải trước hết thanh toán cái xã hội cũ với ưu thế của nho gia, lớp người chuyên ăn không xã hội, của Hán học, cái học làm hàng rào ngăn chặn văn minh. Đối với ông hình ảnh tiến bộ tột bực ấy là nước Pháp, người Pháp, chế độ văn minh Pháp. Nước Nam phải duy tân đó là một “điều bất đắc bất nhiên” nhưng mà phải duy tân với người Pháp đó là một điều “bất đắc bất nhiên” khác.
Ông sẵn sàng cãi cho đường lối thân Tây ấy trong nhiều số đầu báo Đông Dương khi công kích “cách mạng Đông Du”. Ông viết dưới bút hiệu Tân Nam Tử “Tục thường nói: theo Tây thì sau mất nước, chỉ những lo quốc hồn mai hậu không còn. Phải biết rằng cơ còn mất ấy là ta. Còn người thì còn nước. Còn đẻ thì còn người. Còn có ruộng đất mà cày cấy thì còn đẻ được. Mà may sao đất của ta thì lại chỉ có tay ta cày được mà thôi. Đó là cái cơ còn chớ không mất được. Người Lang Sa sang đây có thu cái quyền lợi trong tay cũng chỉ là thu được cái thương quyền, chánh trị quyền mà thôi. Ví phải tay mấy giống mọt trong xã hội, đâu cũng được, ăn thế nào cũng xong, mà ở đâu mọc rễ sâu tại đó, thì không những là mọi lợi quyền ta mất hết lại còn sợ nó lấn đến lều tranh ta, ao rau muống ta nữa”.
Nói cách khác, thực dân tuy hại nhưng không hại bằng phong kiến. Trở lại với phong kiến ấy là trở lại với quan liêu áp bức, với hào mục mọt dân, với cướp đêm cướp ngày. Nguyễn Văn Vĩnh không tin tưởng một chút nào vào việc cách mệnh do đám nho gia lãnh đạo. Ông thâm thù cái trật tự phong kiến, những hủ lậu xâ hội cổ truyền và chào mừng đời sống an ninh, những tiện lợi sinh hoạt, những tiến bộ vật chất, cùng những thể thức dân chủ, khoa học mà Tây phương đem lại.
Tư tưởng ấy ngay khi làm tờ Đăng cổ ông đã biểu lộ. Năm 1911, cách mạng Trung Hoa thành công ở Vũ Xương, ông viết báo bày tỏ mơ ước một nước Cộng Hòa Việt Nam với một Tổng thống đứng đầu và dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm 1913 trên tờ Đông Dương, ông đứng vào phe trật tự Pháp bài xích phe nho gia bạo động. Cũng ở trên tờ Đông Dương ông đi mổ xẻ tất cả những cái xấu, cái dở trong một xã hội An nạm cổ lỗ mà ông mong muốn gấp rút sự canh tân dưới ngọn đuốc “khai hóa” của người Pháp. Những bài luận thuyết của ông đây cũng đáng ta dừng lại xem qua.
Loạt bài Xét tật mình (từ số 6 đến 29) là để phơi trần những hủ lậu xấu xa người mình cần phải ý thức và từ bỏ nếu muốn học theo văn minh. Nào là sự hủ bại của thôn xã trong tay bọn kỳ mục, kỳ nát (số 10). Nào là thói tín ngưỡng lăng nhăng, mê muội làm cho ta không có một tôn giáo nào mạnh mẽ nên không có sự tin tưởng nhiệt thành, do đó không có sức mạnh tinh thần để làm một công cuộc gì lớn lao (số 13). Nào là sự nông cạn và sai lầm của cái học người mình, cái học tạo ra một giai cấp kẻ sĩ “với dăm ba chữ ngồi rung đùi từ sáng đến chiều, no cơm ấm cật, còn gạo thổi cơm ở tay ai mà ra, vải may áo tay ai mà ra, không nghĩ đến lại còn có ý khinh người chân lấm tay bùn nông giả nãi vũ phu chi cục mịch, tóm lại tạo ra “một hạng người ăn lường cơm mặc lường áo của xã hội” (số 11). Nào là tình trạng xã hội bất ổn, loạn lạc, áp bức thường xuyên, làm cho dân quê điêu đứng và do đó sự an ninh và dân chủ người Tây đem lại quả là một con đường giải phóng (số 12). Ngoài ra còn bao nhiêu tật nữa: ham cờ bạc, vụng nói chuyện, huyền hồ lý tưởng, gì cũng cười...”. Tóm lại tất cả từ chế độ, học thuật, văn chương, chỗ nào so với Tây phương cũng là kém là thua, cũng xấu, cũng hủ, cũng cần phải sửa đổi, phải học theo Tây phương.
Nhời đàn bà là một mục khác để xét tật mình nhưng mà hướng riêng vào nữ giới. Tác giả vạch những nết dở, thói ngang của phụ nữ ta khi đó, từ trong cách ăn ở, sanh đẻ, đến phép đối xử với chồng con bè bạn. Nào là tục nằm bếp kỳ cục (số 9), nào là cách nuôi con luộm thuộm (số 10), nào là thói ngồi đồng cốt chỉ là trá hình của thị dục nữ tính (số 20), nào là tục ăn trầu có người cho là lịch sự nhưng cái lịch sự ấy cũng dã man một chút (số 49). Nào là nết nói bẩn nói tục “chắc hẳn không người nước nào bằng nước An nam ta” (số 50).
Khát vọng Âu hóa, lòng ghét bỏ khinh bỉ phong tục của người mình được tỏ rõ nhất trong bài ký sự Hương Sơn hành trinh (nguyên bằng Pháp văn trong Notre Journal năm 1909, tự ông dịch ra tiếng Việt và đăng Đông Dương từ số 41, nhân hội chùa Hương năm 1914). Hương Sơn là một trung tâm hành hương của hàng vạn phật tử miền Bắc mỗi năm vào tháng ba, là nơi dân chúng lũ lượt kéo đến lễ Phật cầu phúc, cũng là nơi mà thi nhân mặc khách ta về trước thường ca tụng phong cảnh hùng vĩ nên thơ. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, cảnh đã không thi vị mà sự lễ bái cũng chẳng có nghĩa gì cao siêu. Ông có một giọng báng bổ rõ rệt khi nói về những việc như cầu tự, xin con. Ông viết: “Cách trí ôi! Văn minh ôi! Mau mau đến mà đuổi những sự tin nhảm, những tục buồn cười ấy đi”. Ông kết luận về sự tín ngưỡng của người “An nam ta như sau: Người nước Nam ta tin có bụt cũng như tin có trời hay có thần thánh yêu ma, tin nhưng không phân biệt, không nghĩ tách bạch ra xem cái mình tin nó thế nào... Bởi chưng có trí tin hồ đồ thế cho nên trong những việc tin có nhiều điều trái ngược nhau mà không biết cứ chịu cả là thực. Như có kẻ sáng ngày ra lễ điện phủ thờ bà cô, ông mãnh, chiều lại vào làm tôi con ông Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau có thể cũng người ấy lại chay lòng thật dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng vốn không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào, hoặc là đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với đạo ma thiêng thần dữ”.
Tóm lại thật là một mớ tín ngưỡng hỗn độn, nông nổi, nhiều khi lại rất nhảm rất bậy, vì bị một số người thừa ăn thừa mặc lợi dụng làm một phương tiện để giải tỏa những ý hướng tầm thường của bản năng. Ông nhận xét về cái tục lễ bái đồng bóng: “Xin cứ kiếm cho người đàn bà ta những cách nào khoe đươc khăn tơ áo lụa, khoe được hoa, hột, mặt phấn, môi son, cứ ít bữa lại có dịp nào gia nhân tài tử được hội họp một nơi mà nhìn nhau thỏa thích cho các cô được thấy người nhìn, người yêu, người muốn, người thèm thì rồi có tịt cả chùa Hương với cái hang hôi hám, Hòa giai với bọn tăng, chư vị với những cách õng ẹo lẳng lơ”.
Và ông kết thúc thiên ký sự “Ở nước ta, tới tưởng không phải cầu cho thần thánh chóng chết bởi vì thần thánh xưa nay chưa như ở các nước Âu châu, nước ta thần thánh bịa ra chẳng qua chỉ để làm nê cho những kẻ bị phong tuc bó buộc quá xưa nay mượn lễ bái mà làm cho thỏa những tánh tự nhiên của người ta mà thôi” (số 45).
Nói rằng ông chỉ làm việc đả kích phá hoại thôi thì không đúng, ông cũng làm công việc xây dựng, giáo dục nữa. Cả tờ Đông Dương tạp chí là một công cuộc giáo dục theo đường hướng bài cựu nghinh tân ấy. Đặc biệt ông còn viết loạt bài Phận làm dân (từ số 48). Ông chỉ lối cho người dân quê mỗi khi tới cửa công thường lúng túng ngớ ngẩn không biết quyền lợi của mình đâu mà đòi hỏi. Đó chính là những bài công dân giáo dục đầu tiên mà một người có tân học đem giảng dạy cho dân quê ta. Ông phân tích những chức vụ chánh quyền của nhà nước bảo hộ từ trên xuống dưới, cắt nghĩa tổ chức thôn xã, thủ tục tố tụng từ phủ huyện lên tỉnh, vạch trần những thói đút lót, tâm lý hiếp đáp của nha lại, tinh thần khiếp sợ của người dân đến trước cửa công.
Ngoài ra ông còn là tác giả một thiên khảo luận đặc sắc Chỉnh đốn cách cai trị dân xã (từ số 61). Thiên khảo luận này nhằm giải đáp một vấn đề người Pháp đặt ra cho Hội đồng tư vấn Bắc kì mà Nguyễn Văn Vĩnh là một hội viên. Khi người Pháp bắt tay vào cai trị miền Bắc, họ đụng phải ở nền gốc một tổ chức rất phiền toái cái làng An nam, một tổ chức tự trị với những luật lệ riêng rẽ mà triều đình xưa cùng không xâm phạm vào. Mỗi làng có khoán lệ, có hương ước riêng. Song có điều chung là làng nào cùng chịu ách thống trị của một bọn kỳ mục hách dịch hủ bại, tranh nhau chiếu trên chiếu dưới, giành nhau từ miếng đùi gà, má lợn, đến nỗi vì đó mà “cái cổng làng thành ra một cái thành quách vững bền để mà chống cự với cái văn minh không cho lọt vào đến dân thôn”. Do đó một cuộc cải tổ tỏ ra rất cần thiết. Trong loạt bài này Nguyễn Văn Vĩnh chưa kịp đưa ra một giải pháp nào nhưng ông để ý phân tích những nguyên lý cắt nghĩa tổ chức thôn xã của ta, những lý do của chế độ tự trị ấy, sự trái ngược của nó với quan niệm pháp trị phổ biến ở những nước dân chủ Tây phương, những hậu quả tai hại của nó đối với dân trí mà nó làm cho hẹp hòi, nhất là đối với dân sinh mà nó làm cho nghèo khó. Và theo ông thì rút lại chính cái nghèo khó ấy đã làm phát sinh ra đủ điều ngăn cản việc tiến hóa. Ông viết: Tiến hóa cốt ở việc học hành việc công nghệ, việc lo cho cái thân con người được hưởng những cái sung sướng vui vẻ, cửa cao nhà rộng, mặc quần lành áo sạch, ăn uống đồ ngon bổ, chơi bời những cách thỏa thuê thần trí. Người ta có dư dật thì mới nghĩ đến được những cách cao mặc sạch, ăn ngon, uống mát, chơi bời cho tiêu khiển, luyện tập tâm trí cho khôn ngoan và biết cảm những tình cao thượng. Nghèo như dân ta thì quanh năm chỉ lo đổ vào miệng còn chưa xong. Nhà rách vách nát, cơm thì bữa khoai bữa đậu, quý hồ nuốt trôi cổ để đỡ bụng đói mà làm lụng, đồ ăn ngon lành còn sợ hao phí, thì phỏng còn học hành gì, còn luyện tập gì đến tâm trí, còn nghĩ gì đến những việc ích lợi cho xã hội” (số 64).
Những bài tham luận này không thiếu đặc sắc nhưng cũng là những bài duy nhất của Nguyễn Văn Vĩnh ta được đọc trong hai năm đầu báo Đông Dương này thôi. Qua kỳ đổi mới 1915, ông bỏ cây bút nghị luận quay sang chuyên dịch tiểu thuyết, kịch. Rồi khi Đ.D.T.C. chết, ông qua làm tờ Trung Bắc tân văn (là một tờ nhật báo chuyên về thông tin) và khai thác việc dịch thuật và xuất bản. Thời này là thời toàn thắng của tư tưởng dung hòa và bảo tồn của Nam Phong. Ngôi sao Nguyễn Văn Vĩnh có mờ đi. Nhưng đến năm 1930 khi Phạm Quỳnh cổ võ cho chủ nghĩa lập hiến ta lại thấy Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra chống chế quan điểm Âu hóa cấp tiến của ông. Ông ra tờ báo Pháp Annam Nouveau và đốì lại thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh cổ võ cho thuyết trực trị. Thuyết này đại khái chủ trương triệt bỏ hẳn vai trò trung gian của quan lại phong kiến để cho người Pháp trực tiếp cai trị dân chúng (như ở Nam kỳ). Cách ấy theo ông đem lại cho người bình dân không khí tự do dân chủ hơn, cho phép thực hiện một cuộc Âu hóa nhanh chóng hơn.
(Cũng nên thêm rằng Nguyễn Văn Vĩnh không phải chỉ chủ trương Âu hóa trên lý thuyết mà còn thực hiện lý tưởng ấy ở con ngưởi ông, sự sinh hoạt của ông. Vào một thời mà toàn dân ta còn khăn đóng áo dài, kiểu cách khúm núm, tẩm nhiễm nho phong, ông mặc đồ tây, đội mũ thuộc địa (casque colonial), đi bình bịch (mô tô) cử động phóng khoáng, nói năng cởi mở... Tóm lại Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi như hình ảnh của sự Âu hóa sớm sủa nhất cao đạt nhất trong giới trí thức Bắc Hà vào đầu thế kỷ này. Ở chỗ này ông thật là một hình ảnh đối nghịch với Phạm Quỳnh. Sau này ông có làm một việc mà phái Tây học thường công kích, cho là thoái hóa, là việc ấn hành Niên lịch thông thư (dạy cách tính ngày giở tốt xấu, so đổi tuổi...). Ông có cắt nghĩa trong một cuộc phỏng vấn của Đào Hùng (trên tờ Phụ nữ tân văn số 91) là để... thu nhặt tài liệu cho các nhà khoa học. Song người ta đều hiểu đây chỉ là một phương tiện kinh tài của nhà xuất bản (sách niên lịch này khi ấy bản rất chạy).
V. Người chiến sĩ của quốc ngữ
Người ta không bao giờ quên câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng nhờ chữ quốc ngữ”. Câu ấy ông đã viết trong bài tựa bộ Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính dịch. Đó là vào năm 1907 ông lập nhà in với Dufour và ấn hành cuốn sách quốc ngữ đầu tiên ấy. Phải nhớ lại tình hình bấy giờ. Khoa cử vẫn còn, chữ Hán vẫn ngự trị trên văn đàn. Có người như Thượng thư bộ học Nam triều Cao Xuân Dục cương quyết đả đảo thứ chữ do Tây đem lại ấy. Quốc ngữ tuy đã truyền bá được 30 năm ở Nam Kỳ nhưng mới được biết ở ngoài Bắc. Nho gia trí thức tuy có vì tò mò mà học nhưng không ai tin có thể dùng để làm văn chương báo chí. Do đó câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh quả có tính cách một tiên đoán, một niềm tin, một lời nguyền. Ai muốn cho nước Nam sau này hay, hãy đem tâm gây dựng xây đắp cho thứ chữ ấy. Và Nguyễn Văn Vĩnh đem chính thân sức ông thực hiện lời nguyền ấy, từ bỏ chức vị nhà nước đứng ra dựng ấn quán, mở tạp chí, viết văn, làm báo bằng thứ chữ mới ấy, để phổ biến nó sâu rộng vào quần chúng, đặt nền móng cho văn mới sau này.
Lòng nhiệt thành đối với chừ quốc ngữ ông thật ra cũng nằm trong cái khuynh hướng Âu hóa nói trên. Chữ quốc ngữ là chữ của bọn Tây học. Ông viết: “Đứng vào phe quốc ngữ chỉ có bọn Tây học. Trong đám Tây học thì không mấy người biết chữ nho mà nguyên âm mình (ý ông nói từ ngữ Việt ròng) thì nghèo, phàm văn chương Nôm mình muốn đàm luận đến những việc hơi cao một chút tất phải có pha chữ Hán mới xong, vì chữ Hán đã thâm nhiễm tiếng An nam mình. Thành ra phe quốc ngữ ta vẫn kém thế lực nhưng chắc không đến nỗi phải đành thoái, vì sự học quốc ngữ là một sự “bất đắc bất nhiên”, là một việc sống chết của nước Nam ta(Văn chương An nam, Đ.D.T.C. số 9).
Tại sao lại việc sống chết? Vì quốc ngữ là cái cầu bắc sang văn minh Tây phương, là con đường thoát ra khỏi sự lao lung của chữ Tầu, tức là của Hán học cổ lỗ, của phong kiến tối tăm, con đường đưa tới tiến bộ, tới duy tân. “Chữ nho chính là hàng rào chắn ngang đường văn minh”. Nguyễn Văn Vĩnh đã viết câu ấy ngay từ 1907 trên báo Đăng cổ. Ông nhìn cái xã hội Việt Nam cũ kỹ ngàn xưa, chồng chất những thế hệ hủ bại, thâm nhiễm những tư tưởng lỗi thời, ông tìm cách để đưa văn minh vào lọt mấy cái cổng gỗ làng An nam. Ông thấy chỉ có một cách là giáo dục. Không phải là giáo dục các ông Tổng ông Lý hách dịch rởm, lý sự cùn, vì việc đó khó mà là giáo dục bọn con nít, thế hệ mới từ trong trứng ra. Ông nóí: “Ai muốn lo khai hóa cho nước Nam tôi tưởng nên lo cho mấy đứa trẻ đó trước. Và nghĩ đến thế thì lại càng nên quý cái chữ quý hóa là chữ quốc ngữ, nay mai ta khéo cổ động thì chuyển được tới chốn lưng trâu, mà lên cho đến chiếu cạp đình, cho đến nơi thư phòng người đi học, cho đến công đường ông quan, từ gốc mà lên cho đến ngọn, mớí thực là cái duy tân chính sách” (Xét tật mình, Đ.D.T.C s 7).
Vì muốn giúp đắc lực vào việc giáo dục con em nên tờ Đ.D.T.C số 42 có một mục Sư phạm học khoa là mục dành riêng cho các thầy giáo dùng làm tài liệu dạy học. Mục này sau càng mở rộng. Chính Nguyễn Văn Vĩnh cũng đứng vào hàng ngũ thầy giáo dạy quốc ngữ. Năm 1916 ông cùng với mấy người bạn hoàn chỉnh một phương pháp học quốc ngữ mới, ông đem giảng dạy ở Nam học niên khóa (một phụ trương của tờ Đ.D. từ 1917). Phương pháp này sau được áp dụng bởi các thầy giáo vỡ lòng trong tất cả các lớp đồng ấu cho mãi tới gần đây (phương pháp đánh vần ngờ-a-nga thay vì n-g-a-nga). Sau tờ Nam Học niên khóa cùng với Đ.D. đổi thành học báo, Nguyễn Văn Vĩnh đứng chủ nhiệm và trông coi trong rất lâu. Như vậy ông đã chính mình đi bước đầu tiên trong việc đặt một nền tiểu học tân thức lấy quốc ngữ làm chuyển ngữ.
Yêu mến thứ chữ mới ấy nên đã nhiều lần ông để ý cải tiến ngay hình thức của nó, muốn sửa cho nó tiện lợi và hợp lý hơn. Ngay khi còn làm báo Đăng cổ ông đã đề nghị một ít cải cách, tuyên truyền lối “Kuôch ngữ tân thưk” mà không ai chịu theo. “Tân thưk” lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự. Đến khi làm báo Đ.D. ông lại đem vấn đề ra bàn (số 33). Lần này ông mong ước chữ quốc ngữ cũng đặt theo vần chữ Lang Sa thì người học quốc ngữ vừa học được vần Lang Sa, nhân thế mà trong vần quốc ngữ giá có lộn tiếng Lang Sa vào cứ viết theo cách Lang sa ai cũng đọc được nghĩa là người ta sẽ viết Shai gone (Sài gòn), Cheu leune (Chợ lớn) sẽ bỏ đ, ơ, ỉ/, thêm vào f, z... Như thế cái cầu bắc sang Pháp văn sẽ trực tiếp hơn và sự đồng hóa những kiến thức Tây học sẽ dễ dàng hơn, đó sẽ là một thứ “quốc ngữ teunè thưque” mà ông cho là tuyệt diệu. Mười năm sau (1927) trên tờ Trung Bắc tân văn ông lại bàn về khuyết điểm của quốc ngữ và đưa ra cách thay 5 dấu giọng bằng chữ. Tất cả những ý kiến cải cách ấy bởi nhiều lý do, không đưa đến kết quả nào, nhưng cũng chứng tỏ lòng nhiệt thành hiếm có của người chủ trương.
Song bênh vực một thứ chữ, tuyên truyền một thứ chữ sẽ không hữu ích gì nếu không tìm cách chứng tỏ khả năng xây dựng của nó. “Học chữ quốc ngữ thật là hay, nhưng mà chữ quốc ngữ chẳng qua chỉ là một cái xe tư tưởng mà thôi. Xe ấy đã có rồi ta chớ để cho sự sai lầm huyền hoặc, nhân vắng lời hay mà mượn xe lan đi khắp bốn phương. Bao nhiêu người có kiến thức cố gắng mà rung động (ý nói khua động) làm ra sách vở ra lời nghị luận để thuê tranh cái xe bỏ trống, kẻo việc dị đoan nhân vắng điều hay, đi lên trước mà ngăn đường ta khắp nơi” (ĐDTC số 28, Tội sách Tầu). Có chữ tiện lợi mà không có tư tưởng mới chở theo, sự tiện lợi ấy chỉ để tuyên truyền những sự nhảm nhí hoang đường như những tiểu thuyết kiếm hiệp Tầu thì lại càng nguy hại.
Tóm lại, người chiến sĩ của quốc ngữ phải để tâm xây dựng học thuật mới, văn chương mới. Cái khuyết điểm của nước ta về trước không phải chỉ là thiếu một thứ chữ thích hợp mà còn là thiếu cả một nền quốc văn xứng đáng, thiếu ngay một kho từ ngữ điển lệ, một mẹo viết rõ ràng. Nguyễn Văn Vĩnh đã nhìn rõ những khuyết điểm căn bản đó và ông hô hào mọi người hãy khởi công xây dựng:
Nay muốn gây cho văn tự nước Nam có kinh điển thì bao nhiêu những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước phải chuyên về nghề văn quốc ngữ. Các bậc danh nho thì nên bỏ quách cái tài ngâm hộ cho người đi (ý nói ngâm nga thi phú Tầu) chỉ học cho biết để mà nhân cái hay người làm lấy làm cái hay của mình mà thôi. Các bậc có Pháp học thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách cạnh tranh làm mồi kiếm ăn, nhưng nếu muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cho đồng bào mình thì phàm luyện được chút tài nào của người thì cũng nên dùng quốc văn mà phát đạt nó ra cho cả người đồng bang được hưởng”.
“Nào báo quốc ngữ, nào sách học quốc ngữ, nào thơ quốc ngữ, văn chương quốc ngữ, án ký hành trình, tiểu thuyết nghị luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm toàn bằng văn chữ quốc ngữ hết cả. Cả đến những cách cao hứng vịnh đề, tình hay cảnh đẹp, câu đối dán nhà, tứ bình treo vách, câu phúng bà con, lời mừng bạn hữu, đều nên dùng quốc văn hết thảy, mà cốt nhất là phải tập lấy lối văn xuôi, diễn dịch như in lời nói cho rõ ràng, cho nhất định, phải khiến cho lời văn chương theo lời mẹ ru con, vú ấp trẻ, lời anh nói với em, vợ nói với chồng, chớ đừng để cho văn chương thành ra một cách nói lối, mà tiếng nói vẫn cho là nôm na. Văn chương phải như ảnh tiếng nói và tiếng nói phải nhờ văn chương hay mà rõ thêm, đủ thêm ra”.
“Lại còn một điều khẩn yếu nữa là muốn cho văn quốc ngữ thành văn chương hay khỏi thành một tiếng nôm na mách qué thì cách đặt câu, cách viết, cách chấm câu phải dần dần tập cho có lệ có phép, mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận chớ đừng ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen” (Tiếng Annam, Đ.D. số 40).
Qua những lời hô hào trên ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh đã vạch ra không phải chỉ một tương lai cho chữ quốc ngữ mà còn cả một chương trình kiến thiết cho văn Việt mới, tiếng Việt mới, một chương trình mà Phạm Quỳnh và báo Nam Phong sẽ bắt tay vào thực hiện.
VI. Kết luận về Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí
Để kết luận về Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đông Dương tạp chí của ông, chúng ta cần trở lại xác định mấy điểm sau đây:
1. Về đường tư tưởng: Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi làm tiêu biểu cho một tư trào bài Á nghinh Âu tại nước ta vào đầu thế kỷ này. Có thể nói ông đã thừa cơn gió duy tân nho gia mà đưa tư trào ấy đến những bờ bến cực đoan. Sau đó - nghĩa là sau năm 1917 - người ta lại lui trở lại phần nào. Song trong khoảng 10 năm, từ báo Đăng Cổ đến Đông Dương, bằng hoạt động bằng tư tưởng, ông đã lay động mạnh cái xã hội Việt Nam cổ truyền, hối thúc nó biến hình lột xác.
2. Về đường văn học, hiển nhiên ông đã đứng ra mở đường cho văn học mới:
- Ông đã tranh đấu cho việc truỳền bá và thắng thế chữ quốc ngữ lã thứ chữ của văn học mới.
- Ông đã đem vào xã hội ta nhà in và tờ báo là hai khí cụ giúp ông gây dựng văn học mới và sẽ giúp đắc lực cho sự phát triển của Văn học mới sau này.
- Ông đã làm được trong bước đầu một tờ báo rất bổ ích cho văn mới lúc phôi thai là tờ Đông Dương tạp chí. Trước 1913, trước khi Đông Dương ra đời, ấy mới chỉ là giai đoạn học quốc ngữ của người mình. Sau 1913, với Đông Dương mới là giai đoạn dùng chữ ấy để viết câu văn mới. Kể về báo thì trước tờ Đông Dương cùng đã có một vài tờ Bắc hoặc Nam, nhưng chỉ chuyên về thông tin. Với Đông Dương, mới bắt đầu có một tạp chí, một cơ quan thiên về văn học và đào tạo ra nhà văn. Những cây bút Đông Dương này sau một thời gian ngắn tập sự đây rồi đều mọc cánh bay cao. Nhóm cốt cán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục sẽ sang tờ Trung Bắc, độc chiếm sạp báo hàng ngày một thời. Nhất là Nguyễn Văn Vĩnh nhờ câu văn dịch mà nổi tiếng với tủ sách Âu Tây tư tưởng. Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật thì qua Nam Phong, tạo nên một hội vinh quang. Người khác như Trần Trọng Kim, từ viết bài giáo khoa trên Đông Dương tạp chí mà đi đến gây lấy một sự nghiệp biên khảo riêng.
Nhưng cái quả tốt của Đông Dương không phải chỉ chỗ tạo ra các bậc thầy mà còn ở chỗ tạo ra các trò. Nhớ là Đ.D.T.C. ngay từ buổi đầu có một phần sư phạm. Các giáo sư trong hội Trí Tri theo cách phân chia của Pháp văn, khởi thủy viết ra những bài tác văn quốc ngữ đầu tiên, nào tả cảnh nào thuật sự, tung ra khắp nước cho các thầy giáo sơ học, tổng sư, hương sư làm mẫu mực mà dạy trẻ nhỏ viết quốc văn. Ngay khi Nam Phong đã ra đời đã được hoan nghênh tán tụng, chồng báo Đông Dương vẫn còn những đệ tử. Nam Phong là tờ báo của người lớn tuổi, của học giả, lắm chữ nghĩa, lý thuyết cao kỳ. Cái trường quốc văn Đông Dương cũng như câu văn truyện dịch của ông Vĩnh bình dị hơn, khả cập, khả ái hơn, nhất là đối với lớp độc giả còn tuổi đồng ấu bấy giờ. Nhiều nhà văn sau này (lớp sau 1932) đã thú nhận họ được đào tạo từ tấm bé trong cái trường ấy.
Thái Phĩ kể: “Tôi còn nhớ như mới ngày hôm qua những buổi mấy anh em bạn nhỏ, anh lớn nhất chưa đầy 12 tuổi, cùng nhau châu đầu đọc không biết chán những thơ ngụ ngôn, những chuyện trẻ em, chuyện Gil Blas de Santillane và kịch Trưởng giả học làm sang của ông Vĩnh dịch mà chúng tôi khi ấy chỉ biết là hay lắm vui lắm”.
Tam Lang kể: “Tôi ngồi học miệng kêu như cuốc kêu hè nhưng mắt không thể rời bỏ được tập Đ.D.T.C. dấu dưới quyển vở của mình... Tôi học, học mãi trong cái trường Đ.D.T.C. ấy, kết quả sự học của tôi là ở trường thầy giáo cho làm luận quốc văn kể truyện một cuộc đi chơi ngày chủ nhật mà tôi làm thành một bài văn dài ngót 10 trang giấy”.
Họ đã học ở đó lòng yêu quốc văn, những bước đầu say mệ sáng tác. Nhà nghiên cứu văn học Lê Thanh (trên báo Tri Tân năm 1944) đi thâu lượm nhiều những chứng ngôn như trên đã đi đến nói quyết rằng: “Thái Phỉ, Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Long và còn bao nhiêu nhà phê bình nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch khác ngày nay làm việc cho quốc văn cùng xuất thân cái trường mà Nguyễn Văn Vĩnh là hiệu trưởng ấy”.
Nguồn: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ, Nxb Đồng Tháp, 1998)

Khái quát về văn học sử Việt Nam giai đoạn 1907 - 1932



Chỉ sang đầu thế kỷ 20, văn học ta mới thật sự bước vào cuộc sinh hoạt hiện đại. Nền văn học hình thành đấy là một văn học hầu như tân tạo, trong một giai đoạn lịch sử mới. Nhìn lại các thời lịch triều, đem so sánh với văn học của nho gia về trước, ta thấy những nét cách biệt cốt yếu sau đây:
Về nội dung, văn học xưa chứa đựng học thuật nước Tầu, tư tưởng Tam giáo, luân lý chính trị của Khổng- Mạnh những hình ảnh một xã hội phong kiến nông nghiệp, cùng những suy cảm của con người đóng khung trong xã hội ấy. Bước sang hiện đại, ý thức hệ nho giáo đi lần đến tan rã. Tư tưởng Tây phương tràn vào, đem lại cho chúng ta những quan niệm mới về vũ trụ và nhân sinh. Văn học mới chịu ảnh hưởng của tư tưởng khoa học, luân lý gia tô, lý thuyết dân chủ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật... Nó cũng mang những hình ảnh của một xã hội đổi mới bởi văn minh Tây phương và chính sách Pháp thuộc cùng những suy cảm của lớp cầm bút trong khung cảnh xã hội ấy.
Về hình thức, văn Nôm xưa chỉ có văn vần, và đi vào mấy hình thức khá chật hẹp: thi, phú, truyện, ngâm, ca, Sang hiện đại, ta cố gắng xây dựng thêm một nền văn xuôi để sử dụng, trước trong thể nghị luận sau trong các loại sáng tác như tiểu thuyết, kịch là những loại mà ta đã học nhiều của Tây phương. Văn học Pháp với những trường phái của họ đã ảnh hưởng rất mạnh đến tất cả địa hạt sáng tác này của ta. Đồng thời cũng hình thành một ngôn ngữ văn chương mới, ban đầu còn mang nhiều hình tích văn Nôm, về sau càng chịu ảnh hưởng câu văn Tây và ngôn ngữ Pháp. Ngoài ra về văn tự, chữ Nôm của nho gia bị sa thải, chữ quốc ngữ được đề cao, quảng bá, và trở thành thứ chữ Việt chính thức từ đây.
Một đổi mới quan trọng nữa là sự xuất hiện một sinh hoạt văn học trong đời sống xã hội. Xưa xã hội ta rất tĩnh về mọi mặt, cả về mặt văn học. Người ta chỉ chú trọng đến học thuật đến thi cử, nghĩa là việc học tập một hệ thống kinh điển cổ truyền với những tư tưởng và giá trị bất diệt. Việc viết truyện làm thơ là một hoạt động rất thứ yếu trong thì giờ của trí thức và sinh hoạt của quốc gia. Sang hiện đại, với sự xuất hiện của báo chí, sự mở mang của ấn loát, việc viết lách, việc sáng tác văn học hướng tới trở thành một ngành hoạt động của quốc gia nhằm cống hiến cho công chúng những sản phẩm văn học coi như một thức ăn tinh thần. Xưa đối với nho gia, trung tâm văn học là khu lều chõng ba năm mở hội một lần, là nơi thầy đồ bình văn giảng sách, là nơi thi hữu xướng họa vịnh ngâm. Nay trung tâm ấy chuyển ra nơi tòa báo, nhà xuất bản, tiệm sách, thư viện, chỗ xuất phát những ấn phẩm có khả năng khích động những tư trào lôi cuốn xã hội vào những biến đổi sôi nổi. Xưa nho sĩ với văn sĩ hầu như là một. Nay người ta quan niệm việc cầm bút viết văn như một chuyên môn của một số trí thức nhằm hướng đạo xã hội, phụng sự nghệ thuật. Có thể nói chỉ từ đây người ta mới làm văn học một cách có ý thức.
Một đổi mới quan trọng nữa là sự ý thức mạnh mẽ về quốc gia về dân tộc trong quan niệm làm văn học. Xưa lịch triều, nho gia coi Hán học là quốc học. Hán tự là “chữ ta”, văn chương Trung Hoa là văn chương mình. Cũng vì vậy nên các cụ đã phần nào chểnh mảng với việc sáng tác quốc văn. Bước sang hiện đại, nước mất, rồi bừng tỉnh trước thế giới năm châu, ý thức quốc gia về chính trị cũng đưa người Việt Nam đến ý thức quốc gia về văn học. Người ta phê phán các thế hệ trước đã đi học mướn viết nhờ và lo xây dựng lấy một quôc học chân chính. Vì vậy mà ngay từ đầu, cả các nhà nho cũng cương quyết dứt bỏ chữ Hán, triệt để hoan nghênh chữ quốc ngữ, dùng quốc ngữ đề viết văn. Cũng nhờ vậy mà sau tuy bị Pháp đô hộ, chuyên dạy cho học thuật Pháp, chữ Pháp, người ta không đi đến lặp lại cái lầm xưa, lấy chữ của kẻ thống trị làm chữ của mình, mà vẫn lo nuôi dưỡng ngành quốc văn, chuẩn bị cho nó một chỗ ngồi trong một ngày mai độc lập. Cái quan niệm đại đồng về học thuật và văn chương của nho gia xưa trong thế giới Chi Na đã khiến cho văn học ta lịch triều không có cá tính mạnh mẽ. Có thể nói từ dây ta mới có một văn học duy nhất và thuần túy.
Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng nền văn học nước nhà ấy cho đến những ngày tiền chiến - là giới hạn của bộ biên khảo này - cũng chưa có gì khởi sắc lắm. Bởi một mặt trong một hoàn cảnh ngoại thuộc, văn học ấy được làm một cách ít nhiều công khai bởi những người ít nhiều hợp tác, tất nhiên đã ít nhiều hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đi theo những đường hướng, mang những vết tích có tính cách ngoại nhân thống trị, nghĩa là không hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển cấu trúc của nó. Mặt khác thì bởi đời sống quốc gia chưa được khôi phục, Pháp học và Pháp văn vẫn cao ngự trong những giá trị xã hội, sự sinh hoạt quốc văn nói trên tuy có nhưng thu vào một phạm vi bản xứ phụ thuộc, bên lề cái xã hội thống trị quan Tây, mà ngay trong phạm vi bản xứ ấy, có bao nhiêu tiềm năng văn hóa tản mạn ra những hướng ngoài, cho nên văn học ấy, tóm lại, chưa được xây đắp một cách tận tình tận lực. Những thành tích lươm được ở đây có thể chỉ là để mở màn cho văn học hiện đại Việt Nam mà thôi.
Nếu văn học Việt Nam hiện đại trong thời này có tính cách cốt yếu là một cuộc canh tân - hưởng về Tây phương để canh cải những quan niệm và thể thức suy tư diễn tả của mình thì sự canh tân ấy cho đến ngày tiền chiến, diễn ra theo hai đợt khá rõ.
Đợt trước khởi lên khoảng 1907 với phong trào duy tân của các nhà nho cuối cùng bên cạnh những nhà Tây học đầu tiên. Song nhà nho làm việc này chỉ là một hành động náo nức nông nổi, những thành tích gây được phải kể về phía những nhà Tây học với người đi đầu là Nguyễn Văn Vĩnh mà hoạt động đã mở đường cho báo chí và xuất bản, và tư tưởng Âu hóa cấp tiến nổi bật từ báo Đăng Cổ (1907) đến báo Đông Dương (1913), Kế đến Phạm Quỳnh trong 17 năm báo Nam Phong đã cố gắng dung hòa ước vọng Âu hóa với ý hưởng tồn cổ còn mạnh mẽ trong công chúng bấy giờ.
Đợt sau khởi lên khoảng 1932 sau lần về nước của Hoàng Tích Chu, Nguyễn Tường Tam. Việc đổi mới văn học lại được cổ võ và được hưởng ứng trong một xã hội đã nhiễm nhiều ảnh hưởng Tây hơn. Báo Đông Tây, Phong Hóa rồi Tự Lực Văn Đoàn ra đời. Người ta muốn vượt qua những quan niệm cũng như câu văn Nam Phong, tiến tới bờ bến mới một cách quyết liệt hơn. Tuy nhiên đến 1940 nhiều khuynh hưởng mới lại khởi lên muốn đặt lại vấn đề duy tân và Âu hóa.
Ấy là về đường tư trào còn về văn thì giai đoạn đầu có thể coi là giai đoạn quốc văn mới được gây dựng. Người ta để công làm việc biên khảo, luyện câu văn xuôi và tập tành sáng tác bằng rất nhiều dịch thuật. Giai đoạn sau có thể coi là giai đoạn sáng tác. Văn học tiến bộ nhiều về tiểu thuyết và thi ca và để lại những thành tích nghệ thuật khả quan.
Nguồn: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ, NXB  Đồng Tháp, 1998)

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Báo chí quốc ngữ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1916-1923)



Tờ báo xứ ta là cuốn sử ký đương thời (Đông pháp thời báo, số ngày 29/12/1924)
Mâu thuẫn căn bản của hai tờ L’Écho AnnamiteLa Tribune Indigène là đã tự nhận đại diện cho quyền lợi của toàn bộ cộng đồng dân Việt trong khi thế giới quan xã hội và chính trị vẫn chỉ gói gọn trong vài trăm độc giả biết tiếng Pháp. Hai tờ này thiếu một nền tảng xã hội rộng lớn hơn do những hạn chế pháp lý áp đặt bởi chế độ thực dân, những ràng buộc không cho báo chí vươn tới khối độc giả tiếng Việt đông đảo hơn. Nhóm Tribune đã cố gắng phá bỏ sự cô lập tương đối ấy bằng cách ra một phiên bản chữ quốc ngữ, nhưng nỗ lực đó bị kết liễu khi chính quyền ngừng hỗ trợ tài chính. Tờ Nhựt Tân Báo của Long tung ra hai năm sau cũng thất bại, lần này là do thiếu chiến lược nội dung. Bất kể thành quả chính trị mà hai tờ báo tiếng Pháp ấy thể hiện, điều vẫn bị đe dọa chính là khả năng vận động của các nhà chính trị - ký giả người Việt (ep.158) đối với phần lớn dân chúng bản xứ. Khả năng này họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng báo chí quốc ngữ.
Vấn đề là báo chí tiếng mẹ đẻ sẽ trở thành kênh truyền tải quan trọng tới mức độ nào cho ngưòi bản xứ đấu tranh chính trị công khai? Khi báo Pháp ngữ của người Việt đã phát triển trong những năm sau Thế chiến I, báo quốc ngữ cùng lúc đó cũng tăng vọt sức ảnh hưởng trong môi trường công khai ở Sài Gòn. Mặc dù chưa thể cạnh tranh bằng năng lực tạo ra sự kiện chính trị, chức năng giáo huấn phi chính trị (cho đến lúc đó vẫn được chính quyền phân công cho báo quốc ngữ và các ký giả đầu tiên) đã không còn bền vững nữa. Dẫu bị kiểm duyệt chặt chẽ và bị khống chế không cho người Việt nắm quyền sở hữu báo chí, một số tờ báo quốc ngữ ra đời trong nhiệm kỳ của Sarraut đã lấp đầy khoảng trống hạn hẹp dành cho chúng một cách thành công, lúc đầu là bằng xu hướng thiện chí dành cho chính sách của Sarraut.
Chính quyền không xác định rõ ràng cái gì là “hoạt động chính trị”. Báo chí vẫn có chỗ để thao diễn dưói sự săm soi của ban kiểm duyệt - một cơ cấu tương đối tự chủ đứng đầu là giám đốc chi nhánh Nam Kỳ của Sở Liêm phóng là cơ quan vốn có nhiều ngưòi Việt. Trước khi xuất bản, báo chí phải trình nộp mọi số báo cho ban kiểm duyệt để xin phép. Quan hệ tốt ở các cấp cao của chính quyền không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được chuyện đục bỏ nhiều bài vở, chuyên mục và để lại những khoảng giấy trắng. Một trở ngại quan trọng khác là các “thuộc dân bản xứ” không được phép làm chủ một tờ báo nào. Sau một thời gian ban đầu nới lỏng các hạn chế này dưới nhiệm kỳ Sarraut, rất ít báo quốc ngữ được cấp phép hoạt động[1] .94
Bất chấp hạn chế, quang cảnh báo chí quốc ngữ bắt đầu biến đổi. Kết quả từ các chính sách của Sarraut, tiền lệ của báo chí Pháp ngữ, và sự khẳng định mới xuất hiện của các nhà kinh (ep.159) doanh xuất bản người Việt (và Pháp) ở thành phố miền nam này tất cả đã khiến báo chí tiếng Việt ngày càng chính trị hóa. Xem xét bốn tờ báo quốc ngữ quan trọng - Nông cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, Đông Pháp Thời Báo,Nam Kỳ Kinh Tế Báo - ta sẽ thấy nhiều ký giả có tư duy độc lập và sự hình thành của các mạng lưới liên kết cá nhân khi số dân chúng có học tăng vọt ở Sài Gòn. Đến năm 1922, giai đoạn chứng kiến một thế hệ nhà báo mới trổ tài, ít nhất đã có tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo có thể bứt phá tiến trình chính trị hóa báo chí quốc ngữ, và nhờ đó mở rộng môi trường công khai cùng khả năng sinh tồn của Sài Gòn.
Tờ Nông Cổ Mín Đàm
Trong tất cả báo chí quốc ngữ phát hành ở Sài Gòn thời kỳ này, Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo lâu năm nhất. Do Francois Canavaggio, một người Pháp gốc đảo Corse có khuynh hướng tự do thành lập năm 1901[2],95 tờ này lúc đầu có chủ bút là nhà tư bản danh tiếng Gilbert Trần Chánh Chiếu. Từ 1906 đến 1907, trong thời kỳ hoạt động chính trị của ông, tờ báo đã đi theo một đường lối chống thực dân táo bạo[3].96 Điều lạ lùng là chính quyền vẫn lơ là chuyện kiểm soát mãi cho tới khi xử án Chiếu, sau đó nhà chức trách mới biết là tờ Nông Cổ Mín Đàm không đăng ký đúng thủ tục và nội dung không được sàng lọc có hệ thống[4].97 Chính trong giai đoạn Chiếu làm chủ bút mà hai trong số giả nổi tiếng nhất những năm đầu thập niên 1920 - Nguyễn Chánh Sắt và Lương Khắc Ninh - đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Sau khi Chiếu rút lui, họ tiếp tục điều hành tờ báo như một nguồn thông tin địa phương phi chính trị một cách thận trọng (ep.160).
Năm 1913, một sự kiện trong nội bộ tờ Nông Cổ Mín Đàm đã dẫn tới việc tạo ra hai nhóm ký giả rõ rệt trong làng báo quốc ngữ. Canavaggio, chủ nhân hợp pháp của tờ báo, trở về Pháp và đem tờ báo cho một người Pháp khác thuê lại. Đó là Lucien Héloury, chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp L’Opinion. Héloury lập tức sa thải ban biên tập cũ và đưa nhà phiên dịch Nguyễn Kim Đính vào để thiết lập ban biên tập mới. Đính bổ nhiệm nhà văn tiểu thuyết bình dân Lê Hoằng Mưu làm chủ bút. Từng là một điện tín viên bị sa thải khỏi ngành bưu chính vì tội gian lận, Mưu ở tuổi 35 là người viết tiểu thuyết bình dân bằng chữ quốc ngữ có tiếng, nhất là sau thành công của cuốn Hà Hương Phong Nguyệt năm 1915 - cuốn này được cho là tiểu thuyết khiêu dâm đầu tiên viết bằng tiếng Việt. Với Mưu, t Nông cổ Mín Đàm nhanh chóng tăng lượng phát hành tới mức khiến Nguyễn Chánh Sắt - một ngưòi từng được Canavaggio bảo trợ - tức giận[5].98 Khi quay lại Sài Gòn năm 1916, Canavaggio lấy lại quyền làm chủ tờ báo của Héloury và phục hồi chức chủ bút cho Sắt. Tranh cãi giữa Canavaggio và Héloury sau đó tạo ra hai nhóm ký giả rõ rệt với phong cách làm báo khác nhau. Nguyễn Kim Đính và Lê Hoằng Mưu thiên về giải trí nhẹ nhàng, còn kiểu giáo huấn của Nguyễn Chánh Sắt nhấn mạnh vào công cuộc cách tân. Xung đột này đánh dấu sự khỏi đầu vai trò ảnh hưởng của Nguyễn Kim Đính trong nghề báo.
Trong sáu năm dưới quyền chủ bút của sắt (1916-1922), Nông Cổ Mín Đàm tự định vị là tờ báo nghiêm túc, đăng nhiều bài lớn về các vấn đề kinh tế và nông nghiệp được thiết kế để thu hút giới địa chủ có học. Báo này có chủ trương nội dung rộng hơn, với nhiều bài vở về đề tài văn hóa - xã hội và nhu cầu hiện đại hóa xã hội Việt Nam. Thời sự trong nước và bình luận vấn đề quốc tế cũng được đăng tải thường xuyên. Các nội dung đa dạng này phản ánh những vấn đề quan tâm của vị chủ bút đa năng này (ep.161). Vốn là một dịch giả am tường văn học Trung Hoa và làm báo từ năm 1901, Sắt là một cây bút viết bằng quốc ngữ sung mãn[6].99 Ông kết hợp các hoạt động của một ký giả, một nhà phiên dịch, một kịch tác gia, và một dịch giả tiểu thuyết Trung Hoa. Suốt đời mình, ông vẫn là một trong những nhân vật văn học hàng đầu của miền Nam[7].100
Trong cuộc tẩy chay bài Hoa ở Chợ Lớn năm 1919, Sắt ký tên trong một bài đăng ngày 27/7, kêu gọi đồng bào noi gương cuộc tẩy chay hàng Nhật của Hoa kiều, về sau, tuy tờ La Tribune Indigène đã lãnh đạo cuộc tẩy chay bài Hoa, tờ  Nông Cổ Mín Đàm vẫn ở trong tuyến đầu. Một loạt bài trên báo này kêu gọi dân chúng Việt Nam “hành động”, Sắt quan tâm đến mục tiêu cách tân kinh tế, điều mà ông đã học hỏi được từ quan hệ mật thiết với Gilbert Chiếu. Tháng 9/1919, Sắt đã ký vào một thỉnh nguyện đơn - cùng với chủ tờ báo là Canavaggio - lên án việc chính quyền kiểm duyệt báo chí quốc ngữ trong thời gian diễn ra cuộc tẩy chay bài Hoa[8].101 Sắt chỉ sẵn sàng đi xa tới mức đó thôi. Có thể vì chưa quên số phận của Gilbert Chiếu hoặc là tôn trọng nhà chức trách, văn sĩ kiêm ký giả miền Nam này không muốn lộ diện[9].102
Tháng 4/1922, Canavaggio qua đời. Quyền sở hữu t Nông Cổ Mín Đàm được chuyển giao cho bà vợ góa người Việt của ông, biến tờ báo thành sở hữu không chính thức của người bản xứ[10].103 Sắt bị thay thế bằng Lê Thành Tường, người này lại giao việc điều hành nội dung bài vở tờ báo cho Cao Hải Để - một giáo viên trẻ thỉnh thoảng có viết cộng tác và có quan hệ tốt với chủ bút trước. Tường có giấy phép chính thức cho xuất bản Nông Cổ Mín Đàm ba kỳ mỗi tuần, biến tờ này thành một tờ báo ra đều đặn hơn và như vậy có thể tác động nhiều hơn đến bối cảnh chính trị[11].104 (ep.162).
Chủ trương nội dung mới của tờ này tỏ ra cụ thể hơn là dưới thời Nguyễn Chánh sắt làm chủ bút, tuy chất lượng văn học trong bài vở có sút giảm. Tờ báo nhấn mạnh phát triển trí thức qua giáo dục và năng lực tham gia thương mại của “đồng bào”, cũng như bổn phận xã hội của giới ký giả và vai trò của từng cá nhân người Việt trong cuộc khuếch trương cách tân. Vấn đề cải cách văn hóa thông qua thế hệ trẻ cũng là một trong những chủ đề ưa chuộng của ban biên tập mới[12].105 Trong cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt tháng 10 năm 1922, tờ Nông Cổ Mín Đàm đứng chung hàng ngũ phe đối lập với chính quyền thực dân, công khai ủng hộ ứng cử viên Nguyễn Phan Long[13].106
Đầu năm 1923, khi tờ báo gặp khó khăn tài chính, Để bị thay thế bằng Lâm Hiệp Châu mới 17 tuổi, người này năm trước đã bị đuổi khỏi Trường Sư phạm Gia Định sau khi lãnh đạo học sinh ở đó bãi khóa và đã chỉ mấy tháng trước khi được bổ nhiệm làm chủ bút mới cộng tác những bài báo đầu tiên cho tờ này[14].107 Cho tới khi bị chính quyền đóng cửa vào tháng 10 năm 1924 (hậu quả của việc tham dự vào biến cố chống độc quyền Cảng Sài Gòn), Nông Cổ Mín Đàm ngày càng tích cực tỏ ra đối lập với chính sách của chính quyền. Với Sở Liêm phóng, Châu đã nổi tiếng là phần tử chống đối. Trong phúc trình gửi Thống đốc, giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ là Paul Arnoux đã viết như sau:
Kể từ cái chết của chủ nhân Canavaggio, tờ Nông Cổ Mín Đàm đã chuyển sang tay những người thừa kế Việt Nam của ông ta, tất cả đều không có trình độ để điều hành tờ báo cho đàng hoàng. Họ đã cho Lê Thành Tường thuê lại, tình trạng kinh tế sa sút của y khiến y thành con mồi ngon cho những cá nhân thiếu thiện chí tự xưng là ký giả. Dưới danh nghĩa của bà Canavaggio, chính họ đang làm hết sức mình để biến tờ báo này thành một tờ báo chính trị. Họ đã bất kể những lời cảnh báo thường xuyên của nhà chức trách[15].108 (ep.163).
Sự tiến hóa của Nông cổ Mín Đàm từ năm 1916 trở đi cho thấy rõ đội ngũ làm báo lớn tuổi dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chánh Sắt đã dần dà được thay thế bằng một nhóm trẻ hơn và quả quyết hơn về mặt chính trị, tập trung quanh Cao Hải Để và Lâm Hiệp Châu. Tờ báo tạo được sức mạnh cho dù buộc lòng phải tránh né khi phát ngôn chính trị, một đặc điểm chung của các tờ báo quốc ngữ thời đó. Đối tượng độc giả cũng thay đổi. Xét theo cách lựa chọn các đề tài tường thuật và nội dung quảng cáo, tờ này lúc đầu nhắm tới công chúng là giới địa chủ tư sản giàu có ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam. Với ban biên tập mới, đối tượng công chúng lại đa dạng - trẻ hơn, trung lưu hơn, thành thị hơn, và rất có khả năng là đang sống ở Sài Gòn.
Tờ Công Luận Báo
Ra đời vào tháng 8 năm 1916, Công Luận Báo là tờ báo của Lucien Héloury, chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp L’Opinion cũng có nghĩa là “công luận”. Héloury xin được giấy phép của chính quyền ra tờ báo quốc ngữ riêng để bù đắp cho việc ông ta bị chấm dứt hợp đồng thuê lại tờ Nông Cổ Mín Đàm của Canavaggio. Công Luận Báo nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo thành công nhất trong lịch sử ban đầu của báo chí Việt Nam. Ngoài ra, những biến đổi về nội dung và tính chính trị của tờ này lại dẫn đến sự ra đời của hai tờ báo nữa là Đông Pháp Thời Báo Nam Kỳ Kinh Tế Báo.
Từng làm cho tờ Nông Cổ Mín Đàm một thời gian ngắn trong năm 1913, Nguyễn Kim Đính về sau được người đỡ đầu là Héloury giao cho việc điều hành tờ Công Luận Báo. Đính đưa vào ban biên tập một cây bút nổi tiếng tài năng khác, Hồ Văn Trung, người trở thành một chủ bút “giấu mặt” của tờ này cho tới tháng 5/1923[16].109 (ep.164).
Là nhà phiên dịch được đào tạo và là một công chức, Trung thường được biết dưới cái tên Hồ Biểu Chánh là bút danh ông dùng khi viết những tiểu thuyết được xem là hay nhất ở miền nam Việt Nam[17].110 Trong khi cộng tác với các báo quốc ngữ, Trung vẫn tiếp tục làm phiên dịch riêng kiêm cố vấn cho thống đốc Nam Kỳ. Là “viên quan của thống đốc” - như giám đốc Arnoux của Sở Liêm phóng Nam Kỳ từng gọi - Trung bị điều tra vì những chuyện can dự dưới thời Sarraut. Cơ quan an ninh đã chú ý tới tài nghệ viết báo luôn thoát được kiểm duyệt của cây bút này[18].111 Suốt những năm 1920 và sau đó, Trung vẫn tiếp tục hoạt động báo chí và văn chương. Ông còn là hội viên tích cực của Hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d’enseignement mutuel de Cochinchine - SEMC), nơi ông quảng bá việc dùng tiếng Việt thay vì tiếng Pháp trong các cuộc hội họp. Trung nuôi dưỡng một hình thức ái quốc bằng văn hóa chứ không đối đầu, một đặc trưng của thế hệ ông ở miền Nam. Giống như đồng nghiệp Nguyễn Chánh Sắt, chủ nghĩa thực dụng chính trị của Trung sẽ không phương hại đến sự ủng hộ ông dành cho ngôn ngữ và văn hóa Việt. Đương nhiên là ông chỉ viết cho các báo quốc ngữ.
Văn phong báo chí của Trung trái ngược với một cây bút trợ lực khác của tờ Công Luận Báo là Cao Văn Chánh. Tốt nghiệp Collège Mỹ Tho, Chánh gia nhập tờ báo năm 1920 khi 17 tuổi. Công việc đầu tiên này là khởi đầu của một sự nghiệp báo chí phi thường. Thường được biết dưới bút danh Cao Chánh, anh nhanh chóng bị để ý bởi thái độ “xấc láo” chống chính quyền và văn phong chính trị tương đối phóng túng trong các bài báo của mình.
Nổi tiếng nhờ đăng tiểu thuyết dài kỳ và nhiều bài thơ dễ bị suy diễn theo hướng chính trị, tờ Công Luận Báo ngày càng có tính chính trị lộ liễu (ep.165). Là báo khổ lớn, ban đầu có bốn trang, báo ra ba kỳ mỗi tuần. Năm 1921, báo phát hành mỗi kỳ 1.700 tờ khiến tờ này trở thành tờ báo quốc ngữ phổ biến nhất. Công Luận Báo lúc đầu không có chương trình chính trị rõ ràng - giống như tờ Nông Cổ Mín Đàm, nó tự xác định là một tờ báo khai sáng. Nhưng đến năm 1919, ban biên tập tờ này đã chọn thái độ kiên quyết ủng hộ cuộc tẩy chay kinh tế bài Hoa. Nhiều bài viết táo bạo về chính trị bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn những năm sau đó. Năm 1921, Cao Văn Chánh viết một loạt bài khiêu khích dưới tựa đề “Việt Nam Xã Hội”, bài bác thói quen suy nghĩ và sống phục tùng của người Việt. Loạt bài này khiến độc giả sôi nổi phản hồi. Tuy nhiên, nỗi sợ bị kiểm duyệt và lập trường khá ôn hòa của cấp trên đã ngăn cản không cho ký giả trẻ tuổi Cao Văn Chánh viết lách quá lộ liễu như trước. Phong cách bề ngoài có vẻ phi chính trị của Trung lại phù họp hơn với chiến lược thương mại mà Đính và Héloury theo đuổi.
Thiết tha muốn lập tờ báo riêng, Đính không muốn bị chính quyền xem là có tính chất chống đối. Tháng 5/1923, vói sự hậu thuẫn của Héloury, Đính đã thành công trong việc xin phép cho ra t Đông Pháp Thời Báo. Hầu hết nhân sự trong ban biên tập của Công Luận Báo, kể cả Trung, theo Đính về tờ báo mới. Chánh đã ra đi trước từ tháng 1 để điều hành tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo.
Sau khi Đính ra đi, Héloury mời Huỳnh Văn Chính, một thanh niên 25 tuổi quê ở Bạc Liêu, thiết lập ban biên tập mới cho tờ Công Luận Báo. Chính từng là học sinh trường Chasseloup-Laubat trước khi học y khoa ở Đại học Đông Dương tại Hà Nội. Chính bị đuổi học vì lãnh đạo sinh viên bãi khóa năm 1919. Sau một thời gian ngắn về quê làm ký lục cho chính quyền địa phương, anh chuyển lên Sài Gòn bắt đầu nghề báo. Dưói bút danh Tự Do đầy khiêu khích, Chính cộng tác với tờ La Tribune Indigène cùng các báo tiếng Pháp khác[19].112 (ep.166).
Được mời thiết lập ban biên tập mới cho tờ Công Luận Báo, Tự Do tức Huỳnh Văn Chính lập tức chọn ngay Nguyễn Háo Vĩnh, nguyên là một nhà hoạt động chính trị uyên bác, làm chủ bút. Tự xưng là “tờ báo của thanh niên nhiệt huyết”, Công Luận Báo chọn đường lối chính trị công khai chống lại tân thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq. Tình trạng này không được bền lâu. Tháng 11/1923, Héloury bán lại tờ báo này cho Jean-Gabriel Hérisson, một viên chức ủng hộ chính quyền. Tiếp diễn từ những biến động chính trị nội bộ của tờ Công Luận Báo, hai cuộc mạo hiểm bằng báo chí rõ rệt khác đã xuất hiện - tờ Đông Pháp Thời Báo và tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Theo cách riêng của mình, mỗi tờ đều đóng góp vào công cuộc phát triển báo chí tiếng Việt thành một phương tiện đấu tranh chính trị.
Tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo
Tháng 11/1923, Nguyễn Háo Vĩnh (đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo), mua lại một tờ báo có sẵn, tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Ông muốn phát động một chiến dịch chống đối chính quyền thực dân về vụ độc quyền tai tiếng ở Cảng Sài Gòn[20].113 Tờ này trở thành tờ báo quốc ngữ chống thực dân kịch liệt và vẫn giữ chủ trương đó cho đến khi bị chính quyền đóng cửa bốn tháng sau. Chủ trương này được khởi xướng bởi Cao Văn Chánh, người bạn và chủ bút trước của Vĩnh đã rời khỏi tờ Công Luận Báo. Hướng đi chính trị mới của Nam Kỳ Kinh Tế Báo là kết quả từ những bất hòa nội bộ của nhóm Công Luận Báo về đường lối chống lại Cognacq.
Có hình thức hiện đại hơn tờ Nông Cổ Mín Đàm lâu năm, Nam Kỳ Kinh Tế Báo vốn tránh né những vấn đề tranh luận chính trị nghiêm túc (ep.167).
Tờ này do bà Rose Quaintenne sáng lập. Bà là người Công giáo lúc đó đang điều hành tờ báo tiếng Pháp Le Réveil Saigonnais. Ra đời ngày 7/10/1920, Nam Kỳ Kinh Tế Báo lúc đầu là một tuần san khổ nhỏ với chiến lược khai thác sự quan tâm mới nảy sinh trong dân chúng Việt Nam về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là vụ tẩy chay bài Hoa năm 1919. Các bài viết về kinh tế Á-Âu, ngân hàng, và chuyện kinh doanh lúa gạo, cao su, được đăng cạnh tin tức thời sự và tiểu thuyết dài kỳ. Cho dù chủ bút đầu tiên Nguyễn Thành Út có khuynh hướng độc lập riêng, tờ này vẫn duy trì một giọng điệu trung lập và phi chính trị. Nhưng cho đến cuối năm 1921 thì tờ báo ngày càng quả quyết về chính trị hơn. Nhiều bài đả kích các hành động độc quyền kinh tế của Hoa kiều được đăng thường xuyên. Các bài xã luận kêu gọi chính quyền phải có những biện pháp thuận lợi cho người Việt, đặc biệt là giáo dục và thương mại. Chánh và Vĩnh cũng bắt đầu cộng tác viết cho tờ này[21].114
Tháng 1/1923, quyền chủ bút t Nam Kỳ Kinh Tế Báo được giao cho Cao Văn Chánh[22].115 Lần đầu tiên, ký giả 20 tuổi này được một mình chịu trách nhiệm chiến lược nội dung cho cả tờ báo. Chánh lèo lái Nam Kỳ Kinh Tế Báo theo hướng công khai đảm nhận vai trò chính trị, và tờ báo lập tức không còn đơn thuần là một tạp chí chuyên ngành nữa. Lượng độc giả tờ này, dù vẫn giới hạn trong 800 tờ mỗi kỳ, lại cao hơn năm trước gấp ba lần. Ngày 18/4, báo ra khổ lớn. Một khẩu hiệu mới xuất hiện dưới tên tờ báo nghe như một tuyên ngôn chính trị: “Cơ quan giải thoát ách kinh tế và truyền bá lý tưởng thái tây”.
Ngay sau khi Cao Văn Chánh nắm quyền chủ bút, Nam Kỳ Kinh Tế Báo mở mục thường xuyên “Phụ nữ diễn đàn”. Tháng 7/1923, mục này đăng nhiều bài mang tựa đề chung “Các bậc nữ lưu tinh hoa ở Pháp Quốc và Việt Nam”[23].116 Đây là một trong những sáng kiến đầu tiên của Chánh để ủng hộ nữ giới (ep.168) - một trong những chủ điểm chính trị ưu thích của anh. Anh cũng có sáng kiến cho đăng nhiều xã luận về chính trị châu Á. Thu hút chú ý mạnh mẽ nhất đối với anh là Nhật Bản, nước châu Á duy nhất có thể đứng ngang hàng vói các cường quốc Tây phương. Tờ này cũng dành chỗ đăng quảng cáo cho những doanh nghiệp của nhiều cá nhân có hoạt động chính trị như Khánh Ký, chủ hiệu ảnh, hay Trương Văn Bền, nhà sản xuất các chế phẩm từ dầu dừa[24].117 Nguyên là một cây bút của tờ Công Luận Báo, Cao Văn Chánh viết nhiều bài đả kích Hérisson, chủ tờ báo này và quan điểm bảo thủ của ông[25].118 Căng thẳng giữa hai tờ báo ngày càng khốc liệt suốt thời gian xảy ra vụ độc quyền Cảng Sài Gòn, khi Vĩnh cuối cùng cũng bỏ tờ Công Luận Báo ra đi. Tháng 11/1923, Cao Văn Chánh mở chiến dịch khác, lần này là đả kích cựu chủ bút của tờ Nông Cổ Mín Đàm là Lương Khắc Ninh. Ninh vốn là người được Thống đốc Cognacq ưu ái, đã nhận nhiều tài trợ hào phóng của chính quyền để đưa một gánh hát sang Marseille tham gia Hội chợ Thuộc địa năm 1922. Dưới quyền chủ bút của Chánh, Nam Kỳ Kinh Tế Báo biến thành một tờ báo bút chiến công khai và dành nhiều giấy mực cho các đề tài nữ quyền, chính trị quốc tế, chống kiểm duyệt, và đả kích trực tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng.
Tờ Đông Pháp Thời Báo
Ngày 4/4/1923, Nguyễn Kim Đính được phép xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo. Quy trình xin phép chính thức được Hội đồng Tối cao Đông Dương thông qua mặc dù việc cấp phép này lại dựa trên cơ sở cá nhân sau khi thống đốc và giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ lên tiếng ủng hộ (ep.169).
Bất chấp điều kiện ngầm hiểu là chỉ có công dân Pháp mới được quyền thành lập và điều hành một tờ báo, suốt một thời gian dài Đính là “thuộc dân bản xứ” đầu tiên được chính thức cho phép làm chủ một tờ báo quốc ngữ[26].119
Sinh ra trong một gia đình khiêm nhường ở tỉnh Gia Định, Đính chuyển lên Sài Gòn làm nhân viên công chức bậc thấp ở Sở Công chánh. Năm 1913, ông bước vào thế giới báo chí trong cương vị chủ nhiệm và sau đó nhanh chóng làm chủ một tờ báo. Kinh nghiệm làm chủ nhiệm ở các tờ Nông Cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, và sau này là các báo tiếng Pháp như L’Echo AnnamiteLa Tribune Indochinoise đã giúp ông trở thành một trong những nhân vật đằng sau hậu trường có thế lực nhất trong báo giới người Việt những năm 1920. Là một thương gia hơn là ký giả, Đính họp sức với vợ là Thanh Thị Mâu, người làm chủ một nhà in phát đạt[27].120 Được in ở nhà in của Thanh Thị Mâu, Đông Pháp Thời Báo ban đầu ra mỗi tuần ba kỳ, mỗi kỳ 3.000 tờ in khổ lớn bốn trang.
Ra đời từ tháng 5/1923, tờ báo này trong giai đoạn đầu tiên có ban biên tập toàn là những người đã từng làm cho tờ Công Luận Báo[28].121 Dưới quyền chủ bút trên danh nghĩa của Hồ Văn Hiền, đường lối nội dung là do Hồ Văn Trung chỉ đạo. Ngay cả Nguyễn Chánh Sắt thỉnh thoảng cũng xuất hiện như cây bút cộng tác. Tờ này cải tiến bằng cách trông cậy vào một mạng lưới “đặc phái viên” địa phương rộng lớn ở các tỉnh. Các đặc phái viên cùng với một số nữ ký giả chỉ xuất hiện trên báo với bút danh là những người cung cấp phần lớn nội dung cho tờ báo với chi phí thấp hơn là thuê người giữ mục thường xuyên. Với Đính nắm quyền quản lý và Trung nắm quyền biên tập, tờ Đông Pháp Thời Báo trở thành một hoạt động thương mại thông suốt, và ngay cả trong thời kỳ đầu của báo chí Việt Nam đã cho thấy chuyện kinh doanh và các mối quan tâm chính trị có thể hội tụ đến mức nào (ep.170).
Hai bài xã luận chính chiếm hết trang nhất, và một hoặc hai tiểu thuyết dài kỳ được đăng ở các trang hai và ba. Thơ ca cũng được đề cao. Tờ này mở nhiều mục thường xuyên như mục phụ nữ cộng tác và diễn đàn chung. Giống như các báo tiếng Việt khác, ngoại trừ tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo, việc tường thuật thời sự quốc tế và trong nước rất thưa thớt. Và cũng như các báo quốc ngữ khác, giọng điệu giáo huấn thường nổi bật tính chất tự phê phán. Các bài xã luận của Hồ Văn Hiền, Lê Sum và Hồ Văn Trung khai thác các chủ đề như tính kiên nhẫn, tinh thần phê phán, tính khiêm tốn, lòng sợ hãi và lề thói. Bám chặt vào niềm tin tự cải tiến và tự học hỏi vốn có truyền thống từ tư tưởng Nho giáo, xu hướng này rất mạnh trong giới cầm bút miền nam thời đó. Nhiều bài đề cập đến các vấn đề văn hóa-xã hội, một số bài có sức nặng chính trị, như vấn đề thống nhất văn hóa Bắc-Trung-Nam (sự phân chia áp đặt của người Pháp), hành vi nhũng lạm của giới hào phú địa phương đối với thường dân, phát triển nông nghiệp, và ác cảm bài Hoa. Tâm tư chống chính quyền đôi khi cũng bộc lộ mặc dù giọng điệu dân tộc chủ nghĩa vẫn còn giới hạn trong nhũng ngôn từ chung chung. Các tài liệu của Sở Liêm phóng cho thấy rằng trong những giai đoạn xã hội khủng hoảng, Nguyễn Kim Đính đã chơi canh bạc hai mặt đầy nguy hiểm[29].122 Tuy nhiên, những thủ đoạn này lại giúp cho Đông Pháp Thời Báo tránh được kiểm duyệt[30].123 Trong các cơ quan báo chí quốc ngữ, Đông Pháp Thời Báo tự xác định là một tờ báo chất lượng tốt (ep.171).
Sự ra đời của bốn tờ báo tiếng Việt này trong những năm đầu thập niên 1920 cho thấy cái có thể gọi là “làng báo quốc ngữ” ở Sài Gòn.
Nhiều thay đổi có tính nền tảng đã diễn ra đằng sau những giao kèo liên quan đến quyền sở hữu tờ báo, hoạt động của ký giả các báo này và những dịch chuyển có vẻ hỗn loạn trong chủ trương biên tập. Đó là những ý tưởng mới và con người mới thu hút được sự chú ý của công chúng, và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng chính trị của báo chí đã đã hình thành trong tâm tư người đương thời.
Từ giai đoạn ban đầu này của nền báo chí chính trị Việt Nam, nhiều cá nhân đã đóng vai trò quan trọng làm trung gian giữa dân chúng bản xứ và chính quyền. Dưới thế lực của Nguyễn Kim Đính, một phong cách biên tập bắt đầu từ năm 1913 trên tờ Nông Cổ Mín Đàm và tiếp tục ở tờ Công Luận Báo rồi cuối cùng là ở chính tờ báo riêng của Đính là Đông Pháp Thời Báo. Đính rất giỏi thu phục cả đội ngũ ủng hộ làm theo những nước cờ chiến lược khác nhau của mình. Ông có tài phát hiện những cây bút giỏi có sức hấp dẫn với nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Cao Văn Chánh viết cho giới thanh niên, quảng bá ý thức chính trị; trong khi Hồ Văn Trung viết cho nhóm công chúng trưởng thành hơn vốn quan tâm đến tinh thần và tính toàn vẹn văn hóa của Việt Nam. Trung cũng đặt nền tảng nội dung cho những đầu tư ban đầu của Đính vào nghề báo. Một nhân vật quan trọng khác của thời kỳ này là Nguyễn Chánh Sắt. Tuy không có tài kinh doanh như Đính, ông là người đào tạo nên nhiều cây bút trẻ như Cao Hải Để và Lâm Hiệp Châu[31].124
Cho đến năm 1923, các chủ bút thuộc thế hệ ra đời trong khoảng 1869 đến 1885 như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, và Hồ Văn Trung, đã có sức tác động đáng kể đến sự tiến hóa của báo chí quốc ngữ. Thường là cựu thông ngôn hay ký lục của chính quyền có gốc gác ở nông thôn miền Nam, họ có thể viết cả tiểu thuyết và những bài ngắn có sức hấp dẫn với độc giả thời đó (ep.172). Với họ, các vấn đề tự nâng cao tri thức và đạo đức lại quan trọng hơn là ảnh hưởng thực tế của xã hội đương thời. Và do họ không thích đối đầu trực tiếp với chính quyền, rào chắn kiểm duyệt đã tạo ra một ranh giới cho họ ẩn náu đằng sau. Việc giáo dục văn hóa và đạo lý cho dân chúng, cùng những cách tân về kinh tế, được họ coi trọng và xem là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ xã hội và chính trị đích thực. Truyền thống báo chí này tồn tại suốt thập niên 1920 và sau đó trong nhiều tờ báo “phi chính trị” như Lục Tỉnh Tân VănTrung Lập Báo.
Khoảng năm 1922, một thay đổi theo xu hướng tổ chức nội dung rõ ràng hơn bắt đầu diễn ra. Cách tiếp cận mơ hồ đối vói chính quyền thực dân - kiểu Hồ Văn Trung, Nguyễn Chánh Sắt, và Nguyễn Kim Đính - đã mở đường cho một thế hệ trí thức mói với những ý tưởng rõ ràng hơn về những gì báo chí có thể đạt được về mặt chính trị. Cao Văn Chánh, Nguyễn Háo Vĩnh, Cao Hải Để, và Lâm Hiệp Châu - tất cả đều sinh ra trong khoảng 1893 đến 1906 - đã tạo tên tuổi bằng cách chọn một lập trường chính trị táo bạo hơn nhưng đồng thời, theo truyền thống xã hội Việt Nam, họ cũng tránh xung đột trực tiếp vói thế hệ đi trước. Họ chờ đợi thòi cơ để gánh vác toàn bộ trách nhiệm về chủ trương nội dung của một tờ báo, như trong trường hợp của tờ Nông cổ Mín Đàm. Cả bốn người này đều đã được nhiều thành viên của thế hệ đi trước dẫn dắt vào nghề làm báo chính trị.
Các sử gia thường quả quyết rằng những trò thao túng và phá rối của người Pháp, đặc biệt là chuyện kiểm duyệt, là nguyên nhân chính khống chế báo chí quốc ngữ của người Việt trong vai trò giới hạn như một thể loại văn học vô hại. Những sự quả quyết đó có lẽ cần phải được điều chỉnh lại, ít nhất là từ năm 1920 trở đi[32].125 (ep.173).
So sánh với các báo Pháp ngữ đồng nghiệp, báo chí quốc ngữ phải chịu nhiều quy định hạn chế rất lớn vì các báo này buộc phải dùng cách truyền đạt gián tiếp và bóng gió. Tuy nhiên, phong cách văn chương và giáo huấn đặc trưng của báo quốc ngữ, thậm chí ngay trong những bài do các cây bút thuộc thế hệ trẻ viết, cũng không hề thiếu sức mạnh chính trị. Phong cách này cũng phù hợp với một kiểu kết hợp đặc biệt giữa các ẩn dụ cảm xúc văn hoa về sự mất mát và xa lạ văn hóa - do bị chiếm làm thuộc địa - vói khuynh hướng Nho giáo khuyến khích tự lực cá nhân[33].126 Phong cách làm báo kiểu miền Nam này thực tế lại tiêu biểu cho một giai đoạn khi các nhà hoạt động chính trị khám phá ra cách đối lập công khai bằng lý lẽ. Những người kiểm duyệt không có khả năng ngăn chặn những kỹ thuật viết lách do các cây bút tài tình như Hồ Văn Trung nghĩ ra. Đây là một hiện tượng thường được nhắc đến trong các báo cáo của Sở Liêm phóng, nó cho thấy rằng báo chí quốc ngữ cuối cùng cũng có thể là một phương tiện phát ngôn chính trị hữu hiệu. Trong những cơ hội có thể bộc lộ vị thế chính trị rõ ràng, như trong cuộc tẩy chay bài Hoa hay bầu cử địa phương hay vấn đề kiểm duyệt báo chí, các tờ báo này vẫn tự chọn lập trường không chút mơ hồ.
Cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của các tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Sài Gòn phần lớn đều đan kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế và chính trị của người Pháp lẫn sự phát triển của báo chí tiếng Pháp sở tại, như đã được chứng tỏ bằng vai trò quan trọng của một số kiều dân colons đang làm chủ các doanh nghiệp xuất bản. Ngoại trừ tờ Quốc Dân Diễn ĐànĐông Pháp Thời Báo, các tờ báo quốc ngữ này đều do những người Pháp lập ra. Kinh nghiệm làm báo của ngưòi Pháp khiến họ đặc biệt có sức ảnh hưởng với các trí thức trẻ người Việt làm việc cho họ (ep.174). Người sáng lập và điều hành tờ Nông Cổ Mín Đàm, Canavaggio, là hội viên Hội Tam Điểm. Trước sự bực tức của Sở Liêm phóng, tình cảm “ưu ái Việt Nam” của Canavaggio cũng lộ rõ trong cuộc tẩy chay bài Hoa khi ông đóng góp vào phong trào này bằng cách viết vài bài tham gia và cho các cộng sự người Việt trong ban biên tập toàn quyền tổ chức nội dung[34].127 Một nhân vật có khác cũng sức ảnh hưởng lớn nhưng tiếc là không có nhiều thông tin về người này. Đó là bà Rose Quaintenne. Là dân Công giáo, có lẽ được sự hậu thuẫn của Hội Thừa sai (Socíété des Missions Étrangères), Quaintenne lập ra tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo và nhiều tờ khác. Bà bảo thủ về chính trị nhưng lại có nhiều sáng kiến trong nghề báo. Bà là người quyết định tung ra những tờ báo nhắm tới những đối tượng riêng biệt của công luận người Việt đang hình thành: tờ Đèn Nhà Nam dành cho phụ nữ, tờ Nam Việt Tế Gia dành cho các gia đình trung lưu, và Nam Kỳ Kinh Tế Báo dành cho giới chủ kinh doanh đang phát triển ở đô thị. Mặc dù bà đã từng viết một bài gọi chính sách của Sarraut đối với người Việt là “mị dân”[35],128 Quaintenne lại tận dụng chủ trương nới lỏng việc ra báo quốc ngữ dưới thời vị toàn quyền này để đầu tư ồ ạt vào ngành xuất bản báo chí.
Mối quan tâm đến báo chí quốc ngữ của hai ngưòi Pháp Henry Blaquière và Lucien Héloury, chủ nhiệm hai tờ báo tiếng Pháp quan trọng, cho thấy rằng họ cũng hưởng ứng tích cực với môi trường kinh tế và chính trị mới. Là một giáo viên từ Montpellier sang dạy ở Trường Sư phạm Gia Định, Blaquière nhanh chóng học nghề báo và trở thành chủ nhiệm tờ Le Courrier Saigonnais, một tờ báo ra đời năm 1899 do hai indigènophiles “ngưòi ưu ái bản xứ” kiêm hội viên Tam Điểm là Georges Garros và Alfred Schreiner sáng lập. Khuynh hướng tự do của Blaquière lại phù hợp với óc nhạy bén về cơ hội kinh tế (ep.175). Năm 1918, được Toàn quyền Sarraut ủng hộ, ông đã tìm gặp Sương Nguyệt Anh, con gái của thi sĩ kiêm biểu tượng ái quốc chống thực dân Nguyễn Đình Chiểu, để mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung. Nhắm vào giới phụ nữ thành thị và nam giới có học đang hình thành, Blaquière biết rằng lịch sử chống thực dân của gia đình Sương Nguyệt Anh sẽ thu hút được độc giả[36].129 Giống Garros và Canavaggio, Blaquière là hội viên Tam Điểm chi nhánh Réveil de l’Orient (Đánh thức Đông phương) ở Sài Gòn và tham gia Ligue de la République (Liên minh Cộng hòa) - một tổ chức gần giống Hội Tam Điểm có khuynh hướng ủng hộ đồng hóa kiểu cộng hòa và chống giáo hội mạnh mẽ[37].130 Tuy nhiên, chiến lược ủng hộ báo chí tiếng Việt của ông có lẽ mang yếu tố vì kinh tế nhiều hơn là vì chính trị.
Bảo thủ hơn, Lucien Héloury là chủ nhiệm tờ L’Opinion, tờ báo đối địch với tờ Le Courrier Saigonnais của Blaquière[38].131 Năm 1916, Héloury cho ra tờ Công Luận Báo với một chiến lược thương mại đã cân nhắc kỹ. Muốn tờ Công Luận Báo lấp vào khoảng trống của văn chương giải trí, Héloury thuê những nhà văn viết tiểu thuyết nổi tiếng như Lê Hoằng Mưu và Hồ Văn Trung về làm cho tờ báo. Năm năm sau, bất kể chính kiến riêng, Héloury không phản đối việc tuyển mộ những cây bút ngoan cố chính trị như Cao Văn Chánh và Nguyễn Háo Vĩnh. Chỉ đến khi tờ Công Luận Báo trở nên chống chính quyền quá công khai và Héloury lo sợ việc kinh doanh xuất bản của mình sẽ gặp khó khăn với nhà chức trách, ông mới quyết định bán tờ báo này cho ngưòi bạn thân của Thống đốc Cognacq là Hérisson. Ít ra trong chừng mực nào đó, các ký giả - doanh chủ người Pháp này cũng sẵn sàng ủng hộ các cộng sự người Việt bằng cách cho họ tự do phát triển các mục tiêu nội dung và văn phong riêng. Dù là người ưu ái bản xứ hay cơ hội kinh tế, những người Pháp này đều nhận biết rằng số độc giả người Việt ngày càng đông đảo đang đòi hỏi một nền báo chí quốc ngữ sôi động (ep.176).
Các chủ báo người Pháp lẫn Việt điều hành tờ báo với các lợi ích kinh tế và chính trị kết hợp. Cách điều hành này có hệ quả cụ thể tới đặc điểm chính trị của báo chí quốc ngữ. Nền báo chí tự học, nghiệp dư mới nảy sinh hướng tới một cộng đồng độc giả mới xuất hiện ở Sài Gòn thời ấy cũng tương tự như nền báo chí mới đâm chồi và vô số canards (tin vịt) hình thành trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 ở Pháp. Sự kết tinh thành vai trò và trách nhiệm của giới “joumaliste” Pháp chỉ đi trước giới đồng nghiệp “nhà báo” Việt Nam chỉ có một hoặc hai thập niên mà thôi[39].132 Các ký giả - doanh chủ Pháp và Việt hiểu rằng quảng bá một lập trường chống chính quyền có thể sinh lợi về mặt kinh tế. Trong bối cảnh Sài Gòn thuộc địa đầu những năm 1920, sự khác biệt giữa “lợi ích chính trị cá nhân” và “những vấn đề nghiêm trọng” ảnh hưởng đến affaires Indigènes (chính sách bản xứ của thực dân) thường bị xóa nhòa. Báo chí góp phần định hình một cảnh quan tinh thần mới dễ tiếp cận với hàng trăm người Việt, ít nhất là ở Sài Gòn và vùng phụ cận. Khi tiếp cận đông đảo dân chúng bản xứ, các tờ báo này bằng cách phát ngôn tranh luận, phản biện đã giúp xác định những mâu thuẫn cố hữu trong thực trạng ở thành phố thuộc địa này./.


[1] Một mật báo Sở Liêm phóng tháng 3/1922 lưu ý rằng chỉ có sáu tờ báo quốc ngữ hoạt động ở Nam Kỳ, “như đã được cấp phép từ trước” - Goucoch, IIA.45/175(9), NA2. Bất kể những nỗ lực của chính quyền thuộc địa muốn hạn chế báo quốc ngữ, số lượng báo này vẫn cứ tăng. Trong số những tờ được cho phép có Nam Kỳ Kinh Tế Báo (tháng 10/1920) do Rose Quaintenne làm chủ; Nhựt Tân Báo (tháng 4/1922) do Dejean de la Batie đứng tên thay cho Lê Thành Tường; và Đông Pháp Thời Báo (tháng 3/1923) cũng do Dejean đứng tên cho Nguyễn Kim Đính. Xu hướng này vẫn tiếp diễn với Khoa Học Tạp Chí (tháng 10/1923) là một chuyên san khoa học, Trung Lập Báo (tháng 1/1924) là phiên bản quốc ngữ của tờ L'Impartial do De La Chevrotière làm chủ, và tờ Tân Dân Báo ôn hòa (tháng 10/1924) thuộc sở hữu của Trần Văn Minh.

[2] Ở Sài Gòn, người đảo Corse chiếm tới 115% tổng số dân Pháp. Xem Jean-Louis Pretini, “Saigon-Cyrnos: Les Corses à Saigon”, trong Brocheux và Hémery, Saigon 1925-1945, 92-103.
[3] Tờ này có chung ban biên tập với tờ Lục Tỉnh Tân Văn, cũng do Trần Chánh Chiếu làm chủ nhiệm. Lục Tỉnh Tân Văn do Francois- Henri Schneider và Pierre Jeantet lập ra năm 1907 nhưng được gợi ý từ Gilbert Chiếu.
[4] GGI, 7F, 65412, CAOM. Sau khi Chiếu thất thế, Nguyễn Văn Của mua lại tờ Lục Tỉnh Tân Văn, biến nó thành ấn phẩm nếu không ủng hộ chính phủ thì cũng phi chính trị. Nhờ chính quyền thục dân đặt mua dài hạn cho từng thôn làng, tờ này tồn tại cho đến năm 1945.
[5] Năm 1917, Lê Hoằng Mưu trở thành chủ nhiệm của tờ báo ủng hộ chính quyền Lục Tỉnh Tân Văn, ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1941. Trong một lần đoàn kết hiếm thấy vớỉ các đồng nghiệp ở Nông Cổ Mín Đàm, Mưu rồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc tẩy chay bài Hoa năm 1919. Về Mưu, xem Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn-Gia Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”, trong Địa chí văn hóa TPHCM, vol. 2,199-219.

[6] Nguyễn Chánh Sắt thường viết dưới bút danh “Bá Nghiêm”.
[7] Về Nguyễn Chánh sắt, xem La Tribune Indigène, 24/1/1920. Xem thêm Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn - Gia Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”, 199-219. Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne.
[8] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 11/9/1919.
[9] Tháng 1/1922, Nguyễn Chánh Sắt yêu cầu chính quyền thực dân cho tờ Nông Cổ Mín Đàm được hưởng đặc quyền là mọi thôn làng đều bắt buộc phải đặt mua dài hạn, giống như tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Yêu cầu này không được đáp ứng, chắc chắn ỉà do chính quyền giới mật thám Sở Liêm phóng đã nghi ngờ Sắt từ thời vụ tẩy chay bài Hoa. Xem GGI, 7F, 65412, CAOM.

[10] Nông CổMín Đàm, số ngày 28/4/1922.
[11] Quê ở Bà Rịa, Lê Thành Tường đã tốt nghiệp khoa luật Đại học Đông Dương ở Hà Nội trước đó hai năm. Ở Sài Gòn, Tường tham gia hoạt động báo chí bầng cách giữ vai trò chủ nhiệm điều hành cả hai tờ Nhựt Tân Báo với Nguyễn Phan Long và tờ Nông Cổ Mín Đàm. Năm 1924, ông rời bỏ báo giới để gia nhập hàng ngũ công chức thuộc địa, một lựa chọn khá đặc biệt có lẽ có liên quan đến mối quen biết cá nhân với Thống đốc Cognacq từ thời Tường còn học ở Hà Nội. (Xem Le Flambeau, 11/12/1924; xem thêm Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923, 1923-1924, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), CAOM).

[12] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 14/4/1922.
[13] Nông Cổ Mín Đàm, số ngày 6/10/1922.
[14] Vào tháng 5/1923, tài sản của tờ báo này là 4.000 đồng Đông Dương và lượng phát hành 800 tờ mỗi kỳ, tình trạng tài chính rất yếu. Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923; GGI, 7F, 65474(2), CAOM.

[15] Arnoux cũng lưu ý một bài báo đặc biệt ký tên Lâm Hiệp Châu đăng ngày 1/7/1924 có tựa đề “Ai là bạn đường cho thanh niên?”, từ đó Amoux trích ra những câu sau đây:
“Mục đích của tờ báo này là làm cho phát triển kinh thương và kỹ nghệ ngõ hầu giải phóng dân ta khỏi vòng áp bức của bọn công chức bất lương... Hãy để thanh niên, ai cùng quan điểm này, ủng hộ bổn báo. Điều đó sẽ giúp chúng tôi chống lại những kẻ hùng mạnh nhất. Hỡi anh em thanh niên, hãy nhớ Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo của người dân; số phận của nó nằm trong tay các bạn”. (GGI, 7F, 65412, CAOM).

[16] Lê Hoằng Mưu cũng được chiêu mộ, nhưng ông sớm ra đi để làm cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn.
[17] Ông còn dùng các bút danh Tô Văn và Văn Tô.
[18] Giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ Amoux mô tả ông như “người tránh né kiểm duyệt tài tình nhất” (Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923; GGI, 7F, 65474(2), CAOM). Về Hồ Văn Trung, xem Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, và Nguyễn Văn Y, “Văn học quốc ngữ ở Sài Gòn-Gia Định cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Xem thêm Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne, và GGI, Souverains et notabilités d’Indochine
[19] Huỳnh Văn Chính cùng lúc đó làm biên tập cho La Voix Annamite - một tờ báo chết yểu do Lê Thành Tường và Dejean de La Bâtie lập ra vào tháng 1. Chính về sau cộng tác với tờ Saigon Républicain của Nguyễn Phú Khai và La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh. Xem Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923,1923-1924,1925-1926, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), và 65475 (4), CAOM.

[20] Về vụ độc quyền thương cảng Sài Gòn gây phẫn nộ, xem Chương 4.

[21] Từ tháng 4/1922 trở đi, Hamlet của Shakespeare được đăng dài kỳ, bản dịch tiếng Việt là công trình của Nguyễn Háo Vĩnh, lúc đó là chủ bút Công Luận Báo.

[22] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, số ngày 13/1/1923.
[23] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, số ngày 17/7/1923.

[24] Suốt mười năm, Nguyễn Đình Khánh hay Khánh Ký gốc Hà Đông miền Bắc làm nghề chụp ảnh Pháp, nơi ông có liên hệ với các nhà hoạt động ngưòi Việt Paris như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, và Nguyễn Ái Quốc. Ở Sài Gòn, nơi ông định cư năm 1922, Khánh Ký lập ra một doanh nghiệp phát đạt chuyên chụp ảnh chân dung cho người Âu. Tiệm của ông ở Đại lộ Bonnard (đường Lê Lợi hiện nay) nằm kề bên cơ sở của Nguyễn Háo Vĩnh. Cực kỳ kín đáo trong hoạt động chính trị, Khánh Ký bí mật liên lạc với các mạng lưới Vỉệt Nam ở Trung Hoa và Nhật Bản (Hồ sơ Sở Liêm phóng: Khánh Ký, photographe; Goucoch, IIA, 45/274 (3), NA2). Trương Văn Bền là người Minh Hương ở Chợ Lớn. Sinh ra nghèo khó năm 1883, ông đã xây dựng được một cơ nghiệp đa dạng, bao gồm một nhà máy xay gạo, một xưởng dầu dừa, và một đồn điền cao su. Đắc cử ủy viên Hội đồng Quản hạt năm 1918, ông thành viên của Phòng Thương mại Sài Gòn. Gần gũi về chính trị vói các thủ lĩnh nhóm Lập hiến, Bền lại hỗ trợ tài chính cho những nhà hoạt động cấp tiến hơn như Cao Văn Chánh và Nguyễn Háo Vĩnh. (SPCE, carton 350, CAOM; Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1922-1923, 1923-1924, 1925-1926, 1926-1927, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (2), 65474 (3), 65475 (4), và 65475 (5), CAOM; Annuaire du syndicat des planteurs de Caoutchouc de l'indochine 1926; GGI Souverains et notabilités d'indochine.

[25] Nam Kỳ Kinh Tế Báo, 13/6/1923.
[26] Trong Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng tháng 7/1923 - tháng 12/1924, Giám đốc Sở Liêm phóng Nam Kỳ Arnoux lưu ý rằng thành công của Nguyễn Kim Đính là nhờ sự can thiệp với chính quyền của kiều dân bảo thủ cực đoan De la Chevrotìère để hỗ trợ cá nhân Đính. Nếu đúng như vậy thì điều này cho thấy Đính có lẽ đã cam kết trung thành với Parti colonial (Phe cánh thuộc địa) từ trước đó. Xem Dossier 65474 (3), GGI, 7F, CAOM.

[27] Về Nguyễn Kim Đính, xem Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1923-1924, 1925-1926, 1926-1927, GGI, 7F, lần lượt là 65474 (3), 65475 (4), và 65475 (5), CAOM.

[28] Số đầu tiên của Đông Pháp Thời Báo (ĐPTB) được lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp là số ra ngày 4/5/1923.
[29] Để duy trì uy tín với đồng bào, Nguyễn Kim Đính cho phép ký giả của ông viết tự do đề tài này, với nhiều bài chỉ trích chính sách của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, để tránh bị chính quyền trả đũa, Đính cũng bí mật báo cáo với ban kiểm duyệt, cho biết bài nào nên ngăn chặn. Bất kể sự hợp tác ấy, Đính vẫn bị áp lực từ phía nhà chức trách buộc phải giảm nhẹ chuyện đả kích chính quyền trên tờ báo của ông. (Báo cáo thường niên Sở Liêm phóng 1923-1924,7F, 65474 (3), CAOM).

[30] Sở Liêm phóng cũng lưu ý tới một bài đăng ngày 14/5/1924, đề cập tới “đức hạnh chẳng có nghĩa gì nếu không có sức mạnh”. Một bài khác được nhấn mạnh là bài của Nguyễn Chánh Sắt viết rằng “Người có học là người tự do, người ngu dốt dễ rơi vào cảnh nô lệ”. Một phần trong bài viết về thống nhất ba miền đất nước bị cắt bỏ (ĐPTB, 27/8/1924).

[31] Giống như Nguyễn Chánh Sắt, Huỳnh Văn Chính cũng dẫn dắt những tài năng như Nguyễn Háo Vĩnh và Nguyễn Đức Nhuận vào nghề báo chính trị.

[32] Quan điểm quyết đoán này tràn ngập cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam cùa Huỳnh Văn Tòng. Theo tôi, Tòng đã đánh giá thấp năng lực tác động của báo chí quốc ngữ đối với thế giới quan chính trị của độc giả nằm ngoài sự bất lực của báo chí khi không thể đề cập trực tiếp nhiều vấn đề nhạy cảm. Chẳng hạn, việc báo chí cố tìm cách vươn tầm vói bao trùm cả ba miền đất nước Vỉệt Nam cho thấy lập trường chính trị của báo chí như thế nào, cho dù không đề cập trực tiếp đến chủ quyền hay cách người Pháp đối xử với người Việt. Xem Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam.

[33] Về phong cách giáo huấn của văn học miền nam Việt Nam thời ấy, đặc biệt là về phong cách của Hồ Văn Trung - Hồ Biểu Chánh, xem Schafer và Thế Uyên, “Novel Emerges in Cochinchina”.

[34] GGI, F07, 65412, CAOM.

[35] Bài này đăng lần đầu trên Le Courrier Saigonnais và tờ EA đăng lại ngày 21/6/1921. Tôi không tìm thấy thông tin lưu trữ nào về Rose Quaintenne.

[36] Cùng năm đó, Blaquière mời một ký giả khác có quan điểm chính trị mạnh mẽ, Nguyễn Thành Út, lập ra tờ báo khác, Thời Báo. Tìm được rất ít thông tin về tờ báo này.
[37] Xem hồ sơ xin gia nhập chi nhánh Hội Tam Điểm ở Sài Gòn của Blaquière: Le Réveil de l'Orient, file 1736, GOF
[38] Héloury cũng gia nhập chi nhánh Hội Tam Điểm địa phương Le Réveil de l'Orient, file 1736, GOF.

[39] Xem Charle, Le siècle de la presse, 143-49.