Khiemnguyen

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Bút chiến và binh chiến



Bút chiến với binh chiến tuy rằng tính chất khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, nhưng đều là sự đấu tranh. Theo cái đạo đức di truyền của lời người, thì không cứ tính chất thế nào, ảnh hưởng thế nào, đã là đấu tranh đều là sự không hay.
Tuy vậy, vẫn không bỏ được luật sinh tồn bắt buộc phải có đấu tranh, đấu tranh để mở mang thế lực, đấu tranh để giữ mình, chẳng qua vì lẽ sinh tồn tốt cả, bút chiến vậy, binh chiến cũng vậy.
Nói về binh chiến.
Để được một người, nuôi cho đến lúc lớn khôn, cơm, áo đã không ít. Nếu chẳng là k đại hung, cực ác, chưa ai đem người vô tội mà giết bao giờ. Thế nhưng đến lúc chiến tranh, thì nào chém nhau, nào bắn nhau, nào đổ thuốc độc cho nhau, mỗi trận chết kể hàng nghìn hàng vạn mạng người, vẫn biết làm vậy trái nhân đạo, một là đt chật, người đông, ít nguyên liệu, thiếu thị trường, không cướp của người thì không sống, một là người cướp của mình, mình không giữ được cũng không sống. Muốn sống thì phải chiến tranh lẽ đó chắc ai cũng biết.
Tình thế báo giới, nhất là báo giới của ta cũng giống như vậy.
Nước ta có báo chưa bao lâu, mà số báo xuất bản chưa bao năm. Nhưng mà không ngày mà không thấy có sự cãi nhau trên báo, hoặc ln hoặc nhỏ. Ông Cao Văn Chánh mới nói trong Phụ nữ Tăn văn rằng: Làng văn An Nam thỉnh thoảng lại có cuộc xung đột, mà hăng nhất là xóm Nam kỳ, đó là cách nói nhã mà thôi, kỳ thực trừ Trung kỳ ra cái xung đột của làng văn Bắc kỳ cũng hăng lắm, có lẽ không kém gì Nam kỳ đâu.
Những cuộc xung đột trên báo, mặt này có thể ví với những cuộc chiến tranh của các nước, mặt khác cũng có thể so với những cuộc cãi lộn của hàng cá hàng tôm. Làng văn An Nam tư cách đê hèn đến đâu đi nữa, nhưng chắc không đến nỗi như hàng tôm hàng cá. Đố ai bắt một ông văn sỹ ra đường tranh luận với hàng cá hàng tôm. Vậy mà đến lúc văn sỹ với văn sỹ cãi lộn thì ít khi họ tiếc lời với nhau, văn của họ chẳng kém gì những miệng hàng tôm hàng cá.
Thấy vậy, độc giả sinh ra chán ghét, cho rằng họ vì thù hắn nhau hoặc túng đầu đề mà sinh sự với nhau.
Phán đoán như vậy, có khi đúng, mà có khi cũng oan cho họ. Những cuộc cãi lộn trên báo chẳng phải hoàn toàn bởi sự thù hằn, hay túng đầu đề mà ra. Nhiều khi cũng vì tình thế bắt buộc...
Nghề báo xứ này là một nghề khó phát đạt hơn hết các nghề khác. Bởi vì, số người đọc báo hãy còn ít lắm. Suốt cả trong Nam ngoài Bắc, từ hồi biến động ngày trước, chưa có báo nào chạy nổi vạn tờ một số. Cái c tại sao mà báo không chạy, ở đây không thể nói ra, điều nên biết là sự không chạy không phải hoàn toàn là lỗi của kẻ viết.     
Thế mà số người đọc báo trong nước chỉ có giới hạn, bao nhiêu báo mặc lòng, cũng vẫn bấy nhiêu người đọc mà thôi. Như vậy, trong báo giới tự nhiên phải có cạnh tranh, mà đã có cạnh tranh thì phải có bút chiến. Bút chiến để tỏ cái hay cái mạnh, bút chiến để che cái dở của mình, bút chiến để bươi cái lỗi của người, đều vì cạnh tranh mà ra tất cả.       
Báo Bắc bút chiến với báo Bắc, báo Nam bút chiến với báo Nam, ít khi báo Nam báo Bắc bút chiến với nhau. Cái đó tỏ rằng những cuộc bút chiến kia phần nhiều vì cạnh tranh mà ra. Cái phạm vi cạnh tranh đến đâu, thì cái phạm vi bút chiến cũng hạn đến đó, sự ấy thật rõ ràng.
Nhiều người thấy trong cuộc bút chiến của các báo hưởng hay có chuyện bới móc đời tư, thì cho làm lạ, và lấy làm tiếc. Tiếc là phải, nhưng nên nhận là sự lạ.
Đã bước vào cuộc đấu tranh, ai cũng muốn cho mình thắng, đã cầu thắng thì phải dùng đến độc kế. Hơi ngại là một vật mà các nước đều ký điều lệ nghiêm cấm, nhưng trong khi đại chiến, người ta cũng vẫn dùng đó; sự bới đời tư ở các cuộc bút chiến, cũng như sự dùng hơi ngạt trong các cuộc bút chiến, có khác gì đâu.
Đời tư của cá nhân, thật không đáng để cho độc giả nghe chi. Nhưng, nếu muốn cho những hạng khốn nạn bớt ngồi giảng đạo đức lên báo, thì tưởng không nên phân biệt quá đời tư với đời công, miễn là đừng lôi những chuyện đầu rau, rế rách lên báo, song đó là vấn đề khác.
Vả cái nguyên nhân của sự bút chiến đã vì cạnh tranh mà ra, thì bút chiến tuy không hoàn toàn là việc hay nhưng cũng không hoàn toàn là việc dở. Có cạnh tranh là có tiến bộ, chẳng nhiều thì ít.
Lắm người không ưa bút chiến trên báo nói rằng tờ báo không phải là chỗ cãi nhau. Vì vậy, ai nói đến mình, mặc họ, hay dở có độc giả biết.
Theo ý tôi, chuyện đó cũng như chuyện bài trừ chiến tranh cho thế giới.
Thôn Dân Thực nghiệp Dân báo, ngày 11/9/1933

Làng báo với cái vé xe lửa



Trong số hôm qua, Dân báo đã trích của báo Công luận bài kỷ thuật cuộc hội nghị của Báo giới Liên đoàn trong Nam.
Điều thứ nhất mà Liên đoàn ấy đã bàn là chuyện vé xe lửa với làng báo.
Trước kia báo chí xứ này ít hơn bây giờ, những người làm báo, nếu có việc phải đi xe lửa, thì các hãng xe lửa vẫn không lấy tiền, về sau làng báo dần dần đông lên, nghĩa là thêm có ít báo viết bằng quốc văn, thì sự biệt đãi kia đã rút hẹp lại: mỗi báo, mỗi tháng, trong mỗi con đường, người ta chỉ biếu có hai cái vé hạng nhì. Ấy là nói riêng về báo quốc văn mà thôi. Rồi đến hồi nay người ta lại rút đi nữa. Người viết báo nếu đi xe lửa mà ngồi hạng nhì hay hạng ba thì phải trả một nửa tiền.
Bởi có sự rút thắt đó, liên đoàn báo giới trong Nam đã yêu cầu các hãng xe lửa đãi người viết báo bằng giá đặc biệt, nhưng họ không nghe, cái giá họ bớt cho người viết báo tính ra còn đắt hơn giá vé khứ hồi.
Thấy cái thái độ như vậy, trong cuộc hội nghị vừa rồi, các ông trong Báo giới Liên đoàn cả báo Tây và báo Nam, đã nhất định rằng từ nay trở đi không đăng những lời thông cáo, của các hãng xe lửa nữa.
Phải! Việc đó rất phải, ai cũng phải nhận là phải.
Ừ, người viết báo phải đi xe lửa cũng như các hãng xe lửa phài đăng lời thông cáo lên báo. Mình không lấy tiền của họ, thì họ không lấy tiền của mình, có thảo gì đâu. Huống chi riêng báo quốc văn, mỗi tháng, mỗi đường, người ta chi biếu mình có hai cái vé, mà mỗi lần họ đổi giờ chạy, thêm chuyến tàu, mình không bỏ sót lần nào mà không đăng, thế thì cái vé tàu của họ đãi mình chỉ là một món trả tiền rất rẻ đó thôi.
Họ đã không thảo với mình, mình cũng không cần phải thảo với họ. Làng báo trong Nam quyết định không đăng những lời thông cáo cho các hãng xe lửa thật là đắc sách.
Còn làng báo ngoài Bắc?
Cái việc đã “phải” ở Nam thì nó cũng “phải” ở Bắc. Nam Bắc có khác gì nhau. Thiết tưởng chúng ta cũng nên làm như anh em trong Nam, không nên tự rẻ mình quá.
Tuy vậy, trách người cũng nên trách ta.
Trước đây làng báo ở Bắc đối với cái vé xe lửa của người ta đã biếu lại mình, thật là cẩu thả hết sức. Vô luận người có viết báo hay không viết báo, là đàn ông hay là đàn bà, hễ có dính với các ông làm báo thì có thể lấy danh nghĩa nhà báo mà đi xin vé xe lửa tất cả. Lắm người viết không được một chữ, nói không thành một câu, mà lúc đi tàu cũng cầm cái nhà báo, trong khi khám vé của những người ấy, không hiểu người soát vé họ coi làng báo của mình ra sao. Như thế trách gì người ta không bạc đãi mình!
Thôn Dân Thực nghiệp Dân báo, ngày 20/8/1933

Còn thiếu cái hơi của đạo đức nữa



Báo Tiếng dân ra ngày 3 Aoũt trong mục chuyện đời, cụ Chuông Mai có cho độc giả hay rằng mình có người bạn “hóa học” biết phân chất văn chương.
Theo lời cụ Chuông Mai thuật lại thì văn chương các báo ngày nay, Hóa học tiên sinh có thể phân ra nhiều chất: hèm rượu Tây, bả mía tàu, son phấn của chị em xóm Bình khang, nước lã, cơm khô, thỉnh thoảng có bài dính chút đinh huyết lương tâm rơi vào, nhưng hiếm lắm, mà nhiều nhất là sức mạnh của men hơi đồng...
Tinh vi vậy thay cái khoa học của tiên sinh ấy.
Tôi xin giở bã mía tàu mà nói thêm rằng cái tài phân chất của tiên sinh này, nếu được kỷ thuật bằng lời văn đậm đà chút nữa thì không thua gì cái mũi ngửi văn của anh mù trong sách Tiếu lâm Quảng ký.
Chuyện kỳ lắm! Anh mù đó chỉ mù mắt mà mũi thì thính hơn người, vô luận sách gì, hễ cho hắn ngửi qua là hắn nói được tên sách. Có thầy đồ nọ đưa hắn ngửi cuốn Tây sương ký, hỏi sao biết, hắn bảo có mùi phấn sáp, thầy đồ lại đưa hắn ngửi cuốn Tam quốc chí, hỏi sao hắn biết, hắn bảo có mùi binh đao, rồi thầy đồ lại đưa hắn ngửi tập Văn minh, thì hắn nối liền là kiệt tác của ngài, hỏi sao biết, hắn bảo cố mùi thum thủm.
Nghề mà đến vậy, thần lắm thay! Tưởng rằng chỉ ở tiếu lâm mới có chuyện ấy, ai ng ông quí hữu của cụ Chuông Mai, cũng có cái tuyệt kỹ đó, khiến cho Chuông Mai lão tiên sinh viết nên bài văn có ý xa xa thật là chuyện đáng mừng cho xã hội quốc gia.
Ông hóa học nói đúng. Văn chương các báo ngày nay quả có pha lộn những men rượu Tây, bã mía Tàu, son phấn xóm Bình khang, nước lã, cơm khô, hơi đồng thật đó. Nhưng làng báo tức là một xã hội nhỏ, xã hội còn có men rượu Tây, bã mía Tàu, son phấn có thể Bình khang... thì làng báo cũng phải có những thứ đó, có lạ gì.       
Tôi không phải kẻ biết hóa học, nhất là không phải kẻ đã sành nghề phân chất văn chương nhưng theo cái mũi của tôi, thì những chất văn chương mà ông hóa học kia đã phân ra đó, còn thiếu một chất trọng yếu hơn hết.
Cái chất đạo đức.
Trong lúc quốc gia vô sự, nghĩa là cái lúc làng báo khủng hoảng đầu đề, hoặc có đầu đề mà bộ óc ký giả khủng hoảng về tài liệu, thì ôi thôi, cái hơi đạo đức đâu, nó đưa lên báo thật nồng nàn.
Đạo làm người phải sao, nghĩa vụ làm dân phải sao, những cách làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con nên như thế nào, trên báo giảng còn kỹ hơn cụ Khổng thầy Mạnh hay ông Ấm Băng nhiều lắm.
Xã hội có phúc mới có lắm người đạo đức, nhưng khổ thay đọc báo mà được ngửi nhiều đạo đức như thế thực cũng là cái mũi vô duyên.
Phải chăng cụ Chuông Mai?
Phó Chi Thực nghiệp Dân báo, ngày 9/8/1933

Hẳn không phải ai xỏ



Đọc lại báo xưa, lúc mà lý luận và những chuẩn mực về hoạt động báo chí nói chung, hoạt động nghiệp vụ báo chí nói riêng chưa thành văn, chúng tôi nhận thấy, các bậc tiền bối đã có những nhận định rất chuẩn mực về nghề, nhất là về đạo đức nghề nghiệp báo chí. Xét thấy những nội dung này vẫn còn nguyên giá trị, từ hôm nay chúng tôi xin lần lượt đăng tải những tác phẩm này, hầu các bạn ngâm cứu và suy nghĩ.
__
Dân quê ghét nhau, họ thường đem cơm rượu hoặc nhựa thuốc phiện chôn vào ruộng hay hồ nhà nhau, rồi mình tự đi báo nhà Đoan về bắt, để làm cho kẻ thù của mình phải tội phải tù. Những chuyện đó vô phúc đến tai nhà báo nào, lệ thường các ông chủ bút, trợ bút hay phóng viên của nhà báo ấy ít nhất cũng phải lên mặt đạo đức mắng cho họ một câu: “Cách báo thù đê mạt”. Nếu lại gặp lúc không có đầu đề thì chưa biết chừng, chuyện đê mạt ấy có khi kéo ra đến mấy cột.
Đáng lắm! Báo thù cách ấy chẳng đê mạt thì sang trọng với ai!
Tưởng rằng chi có những tụi vô lại ở thôn quê vì ít đạo đức mới có sự đê mạt ấy. Chẳng ngờ bây giờ trong đám làng báo là các đám mà hơi đạo đức phun ra phè phè cũng có kẻ làm chuyện như chúng.
Không phải ông báo nọ đem thuốc phiện lậu rượu lậu bỏ vào nhà ông báo kia. Họ phun nhau bằng phép bí truyền của họ.
Cái chuyến ga Văn Điển đổ nồi súp de xẩy ra cho Hà thành Ngọ báo cách đây chưa lâu, chắc ai cũng nhớ.
Nồi xup de ở ga Văn Điển không đổ, vì sao mà Ngọ báo lại nói là đổ?
Cứ lời báo ấy đã đăng thì trong lúc báo sắp lên khuôn, có người đến báo cho biết việc ấy. Hắn nói rõ rằng: chết mất sáu người, nồi xúp de bẹp, chỗ đất lõm xuống hàng thước.
Ngỡ là cánh hẩu báo tin cho mình, ông Bùi Xuân Học cứ y nguyên văn của miệng hắn mà đưa lên báo.
Không ngờ hắn xỏ, làm cho Bùi tiên sinh phải cải chính một mẻ nên thân. Giả sử báo nói câu nào, quỉ thần cứ bôi vôi mà ghi câu ấy, và không cho đổi, thì có khi tiên sinh họ Bùi cũng đau đớn về cái miệng đó ch chẳng chơi.
Miếng đó ai bầy?
Kẻ xỏ ông Bùi Xuân Học là ai?
Ấy là một bạn đồng nghiệp của họ Bùi.
Người ta đồn rằng, họ Bùi đối với bạn đồng nghiệp ấy, ngày xưa có thù riêng, ngày nay là k đối thủ trong cuộc cạnh tranh của hắn. Vì vậy, hắn mới nhận mật phái một người tâm phúc xỏ chơi cho đã hờn. Độc thay, cái thế của hắn. Kén chi những hạng đem thuốc phiện, rượu lậu mà vu cho người! Tuy rằng nhờ được Trời Phật chứng quả cái đức hiền lành, ông Bùi Xuân Học không vì việc đó mà bị tù tội như kẻ bị vu rượu lậu, biết bao giờ độc giả quên cho thuốc phiện lậu, nhưng cái tiếng làm báo mắc lậu.
Trời đất thật khéo quay cái vòng tuần hoàn, việc gì cũng xoay hết chỗ này, các ngài chuyển luôn sang chỗ khác. Chuyện hoang báo của Hà thành Ngọ báo chưa in, tiếp luôn chuyện hoang báo của báo Đông Pháp.
“Trúng số vạn là một viên chức sở pháo binh Đáp Cầu”. Đó là cái tin của báo Đông Pháp mới đăng ngày 20 Juliet, dưới đầu đề ấy tờ báo vẫn khoe mình “tin tức xác thực”. Đó còn cho độc giả biết tên người trúng số ấy là Nguyễn Văn Hòa, 43 có tuổi, 6 con.
Trúng số một vạn, không phải chuyện chơi mà nói liều, huống chi nhà báo lại biết được cả sáu con của người trúng số, thì ai không tưởng là thật! Chú Tiều phu Dân báo đương khuyên ông Hoàng Hữu Huy sang tận Đáp Cầu phỏng vẫn bà Nguyễn Văn Hòa, xem bà ấy sắp có cữ tháng nào hay không, rồi báo cho độc giả biết nốt, ai ngờ số báo Đông Pháp ngày 26 Juillet các ông lại bảo ông Nguyễn Văn Hòa trông lầm té ra số một vạn ai trúng không biết chỉ biết không phải ông Nguyễn Văn Hòa.
Phải chi có ông Hòa trông lầm, chứ báo Đông Pháp không lầm vì cái lầm của ông Hòa mà báo Đông pháp mới lộn một tý đó thôi.
Không biết sau khi đọc 2 tin ấy, sáu con ông Hòa nó nói thế nào? Chắc rồi đây báo Đông Pháp còn sang đó điều tra để đăng lên báo cho quốc dân rõ.
Nếu có thể bắc cân mà cân, thì cái lầm của Đông Pháp cũng gần bằng cái lầm của Ngọ báo đây, khác một điều là Ngọ báo, bị có người xỏ, ch Đông Pháp hẳn không ai xỏ.
Mà ai xỏ được Đông Pháp
Phó Chi Thực nghiệp Dân báo, số 110, 1933

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Từ nhà nho đến nhà văn, nhà báo Việt Nam hiện đại



Khi nghiên cứu những đặc điểm của đời sống báo chí nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cần phải chú ý đến vai trò của các nhà nho, nhất là các “nhà nho tài tử” như một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào sự xuất hiện, hình thành và phát triển của nền báo chí và nền văn học hiện đại Việt Nam
1.Sự cáo chung của nền Hán học ở Việt Nam
Chúng ta biết rằng nền văn học viết Việt Nam bắt đầu định hình và phát triển liên tục từ cuối thế kỷ thứ X với hai bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm (từ thế kỷ XIII). Ngay từ đầu, nó chưa phải là một nền văn học Nho giáo. Điều này có nguyên nhân ở chỗ: sự hình thành và phát triển của bất cứ nền văn học dân tộc nào trước hết cũng đều là sản phẩm tinh thần của chính dân tộc đó để phản ánh tư tưởng và tình cảm của mình. Trước khi diễn ra quá trình vận động đi vào quỹ đạo văn học thế giới, văn học Việt Nam đã vận động gia nhập vào quỹ đạo vùng của văn học Đông - Á.   
Sự cáo chung của nền Hán học là một tất yếu lịch sử. Các trí thức tiến bộ Việt Nam ngay từ cuối thế kỷ XIX đã nhìn nhận chữ quốc ngữ như một công cụ vô cùng hiệu quả của công cuộc đổi mới văn hoá trước một bối cảnh rộng lớn của sự giao lưu giữa phương Đông và phương Tây. Điều này được thể hiện trong ý kiến của Phạm Quỳnh từ năm 1931: “Nước Nam ta đời trước không thể có quốc học bằng chữ Hán được; nước Nam ta sau này cũng không thể có quốc học bằng chữ Pháp được. Muốn cho nước Nam có quốc học thì phải có quốc văn bằng tiếng An Nam” [1] .
Công cuộc La-tinh hoá tiếng Việt đã bắt đầu từ thế kỷ XVI với sự có mặt của các giáo sỹ phương Tây. Từ thế kỷ XVII, XVIII, xã hội Việt Nam đã xuất hiện đội ngũ thương nhân người Việt, người Hoa và sau đó là các thương nhân phương Tây và chính những đối tượng này là những nhân tố báo hiệu cho một nền kinh tế đô thị (và đời sống văn hoá tinh thần đô thị). Tuy còn ít ỏi, nhưng đã bắt đầu hình thành một xã hội thị dân, một môi trường kinh tế - văn hoá phi cổ truyền. Theo TS. Trần Ngọc Vương, đó là những yếu tố quan trọng để hình thành một loại nhà nho mới - nhà nho tài tử bên cạnh hai loại hình nhà nho vốn rất phổ biến trước đó là nhà nho hành đạo nhà nho ẩn dật.
Đặc điểm chung của loại hình nhà nho mới này là: mặc dù cũng đã từng là môn sinh nơi “cửa Khổng sân Trình” nhưng họ không chọn con đường khoa cử để cầu công danh phú quý. Họ coi trọng “tài” và “tình” (chứ không phải đạo đức như Nho giáo vẫn thường quan niệm) và coi văn chương là một trong những phẩm chất để tạo nên con người tài tử...
Ngay từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX,  nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Các tài tử ra đời để thay thế cho các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Các tài tử ấy học đạo thánh hiền, nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều tự xưng là tài tử. Con người tài tử là điển hình mới của thời đại. Con người quân tử bị chế giễu, đạo đức sống khắc kỷ phục lễ bị mạt sát. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong lòng những chàng trai giỏi nhất của thời đại” [2]. Điều cần lưu ý là một bộ phận của loại hình nhà nho tài tử sau này đã tham gia vào một lớp người chưa từng có trước đó là các nhà báo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên, chữ quốc ngữ không nhận được thiện cảm của cả giới trí thức và bình dân ở nước ta vì nó gắn với sự có mặt của “người Tây” và là nguyên nhân làm mất dần vai trò độc tôn hàng nghìn năm của nền Hán học.
Theo tác giả Trần Thị Trâm, chính quyền thuộc địa Pháp cũng có vai trò nâng cao địa vị chữ quốc ngữ. Chúng mở trường dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. “Pháp chính thức đưa ra một đạo luật khuyến khích học quốc ngữ: Kể từ ngày 01-01-1882, nhà nước Pháp sẽ không tuyển dụng bất cứ một người nào nếu không biết chữ quốc ngữ. Nếu một công chức hay binh lính nào biết quốc ngữ được thưởng 100 quan tiền”[3]. Tất nhiên, việc khuyến khích học chữ quốc ngữ như vậy trước hết là để phục vụ công cuộc xâm lược và quá trình truyền bá văn hoá Pháp ở nước ta.
Từ cuối thế kỷ XIX và đặc biệt là sang những năm đầu thế kỷ XX, cùng với phong trào canh tân văn hoá và sự xuất hiện của máy in, của công nghệ sản xuất giấy, chữ quốc ngữ mới thực sự có một vai trò quan trọng và trở thành phương tiện của báo chí và nền văn học mới. Đến lượt nó, chính báo chí và nền văn học hiện đại cùng với nhà in, trường học... đã tác động trở lại khiến cho chữ quốc ngữ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Với sự nhạy bén và với tinh thần canh tân xứ sở, các nhà trí thức nước ta khi đó đã nhanh chóng nhận thấy vai trò quan trọng của chữ quốc ngữ. Trong cuộc tranh luận về quốc học (từ 1924 đến 1939), tuy còn nhiều bất đồng nhưng riêng về chữ quốc ngữ, hầu hết các ý kiến đều nhận thấy những ưu thế vượt trội của nó so với chữ Hán và chữ Nôm. Họ đã hăng hái cổ vũ cho chữ quốc ngữ với tư cách là một công cụ văn hóa có những tác động tích cực và cơ bản đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc. Công cuộc này đã bắt đầu với lớp trí thức cuối thế kỷ XIX như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản... và được nối tiếp một cách mạnh mẽ với những lớp sau như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Triệu Luật, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Tích Chu v.v... Trên báo chí thời kỳ đó có khá nhiều những ý kiến đầy nhiệt tâm như lời kêu gọi của Phan Khôi năm 1929: “Này, hỡi người An Nam ta hãy bắt đầu từ nay học viết chữ quốc ngữ cho đúng đi ! Có như vậy mới xứng đáng là người An Nam” [4]. Chính tinh thần ấy đã tạo ra một cuộc cách mạng về văn hoá ở nước ta trong giai đoạn bản lề quan trọng này.
Ở nước ta, tờ báo tiếng Pháp đầu tiên được xuất bản tại Sài Gòn từ ngày 29-9-1861. Tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ  Gia Định báo ra số đầu ngày 15-4-1865, chủ báo là Ernest Potteau và chủ bút là Trương Vĩnh Ký. Tờ báo này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau đó. Từ thời điểm đó đến năm 1934 khi Nam Phong - tờ báo lớn nhất do Phạm Quỳnh làm chủ bút bị đình bản, đã có tới 186 tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản trên toàn quốc.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, ban đầu các trí thức Việt Nam chưa thực sự có ý thức sáng tạo văn học mà chủ yếu chỉ dịch thuật tác phẩm của nước ngoài. “Những nhà văn lớp đầu, dù thuộc nhóm Đông dương tạp chí, dù thuộc nhóm Nam phong tạp chí, hay dù là những nhà văn độc lập, không viết riêng hẳn cho một cơ quan văn học nào, phần nhiều đều khuynh hướng về biên tập, dịch thuật hay khảo cứu cả”[5]. Phải bước sang những năm đầu thế kỷ XX, công việc sáng tạo các tác phẩm văn học và báo chí mới dần dần trở nên phổ biến. Đó là thời kỳ mà sự phát triển của báo chí cũng đồng thời là sự phát triển của văn học. Sự xuất hiện của nền văn hoá phương Tây đã tạo ra những tác động quan trọng trong việc hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại, gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của nền báo chí chữ quốc ngữ ở nước ta.
Trước khi có các nhà xuất bản, báo chí là phương tiện duy nhất để truyền bá văn học. Sự xuất hiện của các nhà xuất bản như Tân Dân, Hàn Thuyên, Minh Đức, Châu Phương, Nam Ký, công nghệ sản xuất giấy, sự phát triển của mạng lưới bưu điện và các hiệu sách... càng tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển của cả văn học và báo chí. Thời kỳ này nhìn chung không có sự phân biệt giữa “nhà văn” và “nhà báo”. Sự khác biệt có lẽ chỉ là ở chỗ: “Nếu đa phần cánh văn sỹ Nam kỳ là những nhà báo viết văn thì cánh Bắc Hà ngược lại phần đông là nhà văn viết báo”[6]. Tuy nhiên không thể nói rằng loại hình nhà nho tài tử không để lại dấu ấn gì trong đời sống văn học hiện đại và báo chí Việt nam thời kỳ này.
Trong lịch sử văn học và lịch sử báo chí Việt Nam, có thể coi những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là một thời kỳ phát triển đặc biệt - thời kỳ bản lề trong lịch sử văn hoá dân tộc. Để hiểu rõ những nét đặc trưng trong sự phát triển của báo chí Việt Nam ở thời kỳ “văn - báo bất phân” này, cần phải nhìn nhận toàn bộ tiến trình phát triển trước đó của nền văn học, xem xét những thành tựu, làm rõ những vấn đề đa dạng và phức tạp đã xuất hiện trong quá khứ đã tạo nên một truyền thống quy định sự vận động của văn học và sau đó là báo chí.
2.Những nhà nho viết báo tiêu biểu
Theo tác giả Thanh Lãng trong cuốn sách Nhà văn thế hệ 32, có thể chia các nhà văn trước năm 1945 thành ba thế hệ: thế hệ 1858; thế hệ 1913; thế hệ 1932 thì thời kỳ khởi thuỷ, những gương mặt tiên phong trong làng văn làng báo (như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cường…) đều là các nhà Tây học Nam bộ chứ không phải những bậc túc Nho (như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…). Điều này có lý do xuất phát từ những khác biệt quá lớn trong văn chương truyền thống và văn học, báo chí hiện đại. Tuy nhiên, đến “thế hệ 1913”, các nho sỹ Bắc Hà tân tiến sau một thời gian dài nghe ngóng, học tập đã tham gia làm văn, làm báo. Đó là những nhà nho thức thời như: Tản Đà, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tiến Lãng…
Có thể lấy ví dụ bằng trường hợp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông không thuộc lớp những nhà thơ mới mà là “con người của hai thế kỷ”, là người nối tiếp giữa hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại Việt Nam. Ông “đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản một người thời trước”[7]. Trong bối cảnh hỗn độn của Nho học và Tây học thời đó, ông vẫn chịu ảnh hưởng của Nho học nhiều hơn mặc dù ông cũng đã tham gia làm báo (và có lúc còn xoay sang cả nghề thầy tướng) để kiếm sống.
So với hai thế hệ kể trên, các nhà văn, nhà báo thuộc “thế hệ 1932” có những khác biệt. Tuy vẫn thông thạo hoặc ít nhiều có biết về chữ Nho nhưng họ còn là sản phẩm của trường Tây nên biết tiếng Pháp. Đó là một thế hệ hùng hậu mà những anh tài chủ yếu tập trung ở phía Bắc như: Tam Lang, Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Vỹ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam v.v…
Ngô Tất Tố là một trường hợp tiêu biểu. Ông đã trải qua những thập kỷ của thế kỷ XX với hai cuộc chiến tranh thế giới, trong một xã hội thực dân phong kiến với những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Là một nhà Nho, ông lớn lên trong cảnh nền Hán học đang lụi tàn nhưng đã vươn lên để trở thành “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho” (Vũ Trọng Phụng), trở thành một cây bút hàng đầu với những đóng góp xuất sắc không chỉ cho văn học mà cả cho nền báo chí Việt Nam trước cách mạng. Lịch sử văn học tôn vinh ông như một cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực với những tác phẩm viết về nông thôn Việt Nam như Tắt đèn, Lều chõng. Lịch sử báo chí cũng ghi công lao của ông với những tập phóng sự xuất sắc như Việc làng, Tập án cái đình và hàng trăm tiểu phẩm vạch trần bản chất của xã hội thực dân phong kiến tàn bạo.
Xét trên nhiều phương diện, Ngô Tất Tố không chỉ là một nhà văn, nhà báo lớn mà còn là một nhà văn hoá nổi bật của nước ta những năm đầu thế kỷ XX với những công trình dịch thuật, khảo cứu có giá trị. Ông đã thành công xuất sắc ở cả ba loại văn chương: văn chương báo chí, văn chương phóng sự tiểu thuyết và văn chương khảo cứu.
Riêng về “văn chương báo chí”, di sản của Ngô Tất Tố cho thấy ông không chỉ viết mỗi tiểu phẩm, mặc dù tiểu phẩm được coi là xương sống” trong sự nghiệp báo chí của ông. Điều đáng kinh ngạc nhất là ông đã vận dụng cái vốn Nho học của mình để viết báo một cách đặc biệt xuất sắc với văn phong hiện đại, hoàn toàn Việt Nam. Riêng về thể loại tiểu phẩm, ông là người đứng đầu trong đội ngũ những cây bút thời kỳ đó. Trong đó, với cái nhìn hiện thực tỉnh táo, với sự sâu sắc và dũng cảm của một tài năng và nhân cách lớn, ông đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phong kiến và bọn tay sai.
Tuỳ vào từng loại đối tượng cụ thể là kẻ thù của dân tộc hay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà Ngô Tất Tố có lối châm biếm, trào lộng thích hợp với một vốn ngôn ngữ rất quần chúng. Từ những chuyện thời sự như Gôđa sang thăm Đông Dương; chuyện Tôlăngxơ về nước; cuộc tranh cãi để bênh vực thuyết “bảo hộ” hay “trực trị” của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh; chuyện Phạm Huy Lục tranh cử nghị viện... đến rất nhiều điều lố lăng nực cười khác như nạn thầy lang giả, nạn mê tín dị đoan, nạn rượu lậu, thuốc phiện, nạn buôn bán văn chương… đều được tác giả vạch trần bản chất và phê phán một cách mạnh mẽ thông qua ngòi bút châm biếm vô cùng sắc bén. Chính vì thế, cũng giống như đối với tác phẩm của Lỗ Tấn, bọn đế quốc và phong kiến ở nước ta trước đây cũng có thái độ hằn học ra mặt đối với tiểu phẩm của Ngô Tất Tố.
Cũng cần phải khẳng định rằng: Ngô Tất Tố là một hiện tượng tiêu biểu nhất trong số các nhà văn, nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đã góp phần nâng tiểu phẩm lên địa vị ngang hàng với những thể loại khác và mở ra cho nó một chân trời phát triển rộng rãi trong đời sống văn học và báo chí hiện đại ở nước ta.
Nói tóm lại, việc nghiên cứu nền báo chí nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với cuộc chuyển mình của báo chí đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức đến vai trò của các nhà nho, nhất là các “nhà nho tài tử” trong giai đoạn bản lề này. Đó là một đòi hỏi khách quan của công tác nghiên cứu về lịch sử xuất hiện, hình thành và phát triển của nền báo chí (và kể cả nền văn học hiện đại) Việt Nam. Đây là một công việc có tính chất đa ngành, đòi hỏi việc khảo sát không chỉ trong lĩnh vực báo chí, văn học mà còn trong các lĩnh vực gần gũi như lịch sử và kể cả triết học.
Hy vọng trong một tương lai không xa sẽ có những công trình đề cập đến vấn đề lịch sử quan trọng này. Điều đó cần phải được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hội nhập của đất nước, khi chúng ta cần phải khẳng định và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống trước sức ép của quá trình giao thoa văn hóa, dưới tác động của toàn cầu hóa và khu vực hóa.
Tài liệu tham khảo:

(1) Nhiều tác giả- Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2002. Tr.161.
(2) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989. Tr. 345.
(3) Trần Thị Trâm, Văn học và báo chí từ một góc nhìn, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2003.Tr. 213.
(4) Nhiều tác giả-  Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002. Tr. 95.
(5) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (Sđd). Tr. 401.
(6) Trần Thị Trâm, Văn học và báo chí từ một góc nhìn (Sđd).Tr. 225.
(7) Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998. Tr. 12.




Nghệ thuật thể hiện tư tưởng Lão Trang trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (phần 1)



Ngô thị Thu Thủy

Suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc ta đã tiếp thu những tác động không nhỏ từ nền văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là về mặt học thuật. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, người Việt Nam vẫn luôn thể hiện bản lĩnh sáng tạo và bản sắc văn hoá của mình, chỉ giữ lại những gì đúng đắn, phù hợp và hữu ích.
Do những đặc điểm lịch sử và văn hoá quy định, trong lĩnh vực văn học, dân tộc ta đã tiếp thu với một thái độ tích cực đối với thi pháp - mỹ học cổ điển Trung Quốc. Nhà nho Việt Nam khi miêu tả hiện thực một triều đại phong kiến đã không tránh khỏi quan niệm về tính trau chuốt, trang trọng của lời văn câu thơ. Do vậy, những thi liệu cổ điển, ngôn từ bác học, những điển tích điển cố và những hình tượng nghệ thuật có tính chất ước lệ tượng trưng đều đã đi vào văn học trung đại Việt Nam một cách tự nhiên, uyển chuyển. Bên cạnh nguồn từ vựng Nôm bình dị, ngọt ngào, gần gũi tâm hồn người Việt thì ngôn ngữ, thi liệu văn học bác học, cổ điển từ văn học bác học, cổ điển từ văn học Hán có vai trò không nhỏ góp phần tạo nên hiệu quả, sức mạnh cho lời văn lời thơ và biểu đạt những tư tưởng có tầm vóc, chiều kích lớn lao.
Tác giả của “Bạch Vân quốc ngữ thi” được tôn vinh là danh nhân văn hoá, một phần vì ông đã tiếp nối truyền thống làm giàu kho tàng thơ ca dân tộc bằng chính tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc mình, truyền thống đã được ý thức từ “Hồng Đức quôc âm thi tập” và “Quốc âm thi tập”. Nhưng nói như thế không có nghĩa là Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ nhận vai trò và tác dụng của chữ Hán. Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” thể hiện rõ hơn cả qua một hệ thống ngôn ngữ, thi liệu, hình ảnh ít nhiều uyên bác tuy đã được chắt lọc, gạn bớt đi những thành phần huyền bí, cao siêu.
I. Ngôn ngữ thơ “Bạch Vân quốc ngữ thi” .
Dấu ấn Lão Trang để lại trong hệ thống ngôn ngữ biểu đạt của “Bạch Vân quốc ngữ thi” một cách sắc nét. Ở phương diện này, có thể nói Bạch Vân cư sĩ đã thực sự thành công trong việc lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt tư tưởng. Nổi bật ở những bài thơ vịnh cảnh, ngôn chí, hệ thống ngữ liệu trong thơ Bạch Vân đều nhất quán hướng đến thể hiện một quan điểm, lẽ sống tích cực, đó là lánh xa danh lợi để ung dung tự tại sống tiêu dao, nhàn tản cùng cỏ cây, non nước. Với hệ thống từ ngữ này có thể tạm thời phân biệt: hệ thống từ ngữ được sử dụng theo hướng “Lão Trang hoá” và hệ thống từ ngữ miêu tả thiên nhiên.
1. Hệ thống từ ngữ được sử dụng theo hướng “Lão Trang hoá”
Đối với các học thuyết, tư tưởng lớn khởi nguồn từ Trung Quốc, người Việt Nam thường ít có khuynh hướng nghiên cứu với tư cách là học giả uyên bác. Tiếp cận các thánh điển của nhiều trường phái triết học, tôn giáo khác nhau nhưng các nho sĩ Việt Nam không đem những thuật ngữ của kinh sách vào thơ văn của mình để biểu đạt tư tưởng. Trái lại, nhà nho Việt Nam luôn tìm cách diễn đạt uyển chuyển, mềm mại và gần gũi hơn với tâm hồn dân tộc. Đặc biệt với một trường phái triết học thâm viễn, huyền bí như Đạo gia, thi nhân xưa đã khéo léo lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt gần gũi, cụ thể nhất. Trên tinh thần đó, tác giả của “Bạch Vân quốc ngữ thi” đã đưa vào thơ Nôm một hệ thống từ ngữ được “Lão Trang hoá”, tức là hệ thống từ ngữ cùng liên kết nhằm hướng tới thể hiện tư tưởng Lão Trang trong thơ ông.
Khởi nguyên từ vũ trụ luận, những thuật ngữ của Đạo gia ít nhiều có tính huyền bí và tối nghĩa, đó là lý do tại sao có rất nhiều nguồn chú giải khác nhau về thánh điển của Lão Trang. Những thuật ngữ ấy không phải là không có phần nặng nề lý thuyết đối với người làm thơ đời sau. Nhưng trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, tác giả hầu như không hhề nhắc đến một thuật ngữ nào của Đạo gia. Tư tưởng Lão Trang đi vào thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải dưới dạng những hình thức triết thuyết khô khan thuộc phạm trù triết học, chính trị, xã hội hay những phát ngôn khó hiểu mà thông qua những phương thức nghệ thuật, thẩm mỹ riêng không tách rời lý tưởng thẩm mỹ đặc trưng cho thi pháp văn học trung đại. Do vậy, biểu đạt một nhân sinh quan, một tinh thần sống đậm màu sắc Lão Trang mà không một lần nhắc đến”vô vi” “hằng thường”, “vô danh”, “vô kỷ”…. là cả một quá trình tiếp biến văn hoá tích cực của tâm thức dân tộc trong thẳm sâu tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm .
Tuy nhiên trong tập thơ lại xuất hiện một số từ ngữ được sử dụng theo xu hướng “Lão Trang hoá”. Những từ ngữ ấy vốn không phải là những thuật ngữ riêng của Đạo gia. Chúng được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng có hệ thống nhằm hướng đến thể hiện nhân cách sống, phong cách sống của Lão Trang. Tiêu biểu trong hệ thống từ ngữ này phải kể đến những từ : “tự tại”, “nhàn”, “tiêu sái”, “vô sự”, “ẩn dật”, “tiên”… và một số từ có ý nghĩa đối lập : “công danh”, “cửa mận”, “phú quý”…
Những từ ngữ này xuất hiện với tần số cao, mật độ dày đặc trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, rải khắp các bài thơ vịnh cảnh, ngôn chí của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có khi trong cùng một bài thơ, các từ này cùng xuất hiện, tạo thành một liên kết có tính hệ thống và nhất quán:
“Buồn làm biếng thấy cái đao binh
An phận thời lành ở một mình
Nghĩa cả luống quên tôi chưa cũ
Thề xưa nỡ phụ nước non xanh
Rồi nhàn thời nhẫn tiên vô sự
Ngâm ngợi cho nên cảnh hữu tình
Hai chữ mãn doanh này khá gẫm
Mấy người chọn được chữ thân danh
(Bài 15)
Suốt cuộc đời hơn bốn mươi năm ẩn dật của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm có được hơn nghìn bài thơ, không bài nào không tỏ cái chí hiếu trung, ưu thời mẫn thế hoặc cái tâm hướng tới cuộc sống nhàn tản thanh bạch chốn quê. Ta không lấy làm lạ khi thấy trải khắp “Bạch Vân quốc ngữ thi”, những từ ngữ “Lão Trang hoá” nói trên trở đi trở lại như một tín hiệu thẩm mỹ. Và ở mỗi bài thơ, những tín hiệu thẩm mỹ nói trên đều góp phần nói lên nhân cách sống cao đẹp của nhà thơ. Chúng chứng tỏ rằng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng phủ nhận danh lợi không phải là những suy nghĩ thỏang qua; phong cách sống ung dung tự tại gần gũi thiên nhiên không phải là lối sống nhất thời. Chúng là những quan điểm sống đã được quán triệt, có cơ sở nhân sinh bền chặt, có tính chất thường trực trong tâm thức Bạch Vân cư sĩ. Có thể khẳng định rằng, sự trở đi trở lại của lớp từ này tự chúng đã nói lên tính bền chặt, vĩnh viễn của quan điểm sống, phong cách sống Nguyễn Bỉnh Khiêm như là một phạm trù thẩm mỹ. Đó là cái đẹp cuả nhân cách sống trong thơ ông, là cái đẹp của đạo đức, là “phạm trù đạo đức được mỹ hoá”[8;317].
Qua từng bài thơ, có thể thấy, sự phối hợp, liên kết giữa các từ ngữ “Lão Trang hoá” này đã góp phần biểu hiện một khuynh hướng tư tưởng, một cốt cách cao quý của bậc ẩn sĩ Tuyết Giang phu tử:
“Già đã khỏi áng công danh
Tự tại nào âu luỵ đến mình
Nhàn được thú vui hay nấn ná
Nghĩ xem sự thế biếng đua tranh”
(Baì 17)
“Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự
Tuy chửa là tiên ấy ắt tiên
(Bài 22)
Đặc biệt, lớp từ này xuất hiện trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” dưới hình thức các cặp phạm trù đối lập, càng làm nổi bật quan niệm sống tích cực của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là các cặp phạm trù : “Danh lợi - Thanh nhàn”, “giàu - khó”, “khôn ngoan- dại dột”, “đua tranh- an phận”, “áng công danh- nơi ẩn dật”, “xuất- xử”, “cửa mận- am hoa”, “đường thông nhà trúc- cửa mận tường đào”….
- “Thuở áng công danh nhiều phải luỵ
Trong nơi ẩn dật mấy nên mầu”
(Bài 9)
“Để rẻ công danh đổi lấy nhàn
(Bài 13)
Cửa mận người yêu nhiều khách trọng
Am hoa ai ở đến ông nhàn”
(Bài 25)
Nhà thông đường trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào biếng ngại chen”
(Bài 51)
Tính đối lập giữa các cặp phạm trù này bản thân chúng đã tự nói lên một luận đề đạo đức trong thơ Bạch Vân: đó là sự đề cao lối sống thanh bần, trong sạch, phê phán tư tưởng chạy theo danh lợi phú quý giữa thời đại đầy rẫy sự đua tranh giành giật. Sự đối lập đó cũng thể hiện mối xung đột gay gắt giữa các luận đề đạo đức, giữa tư tưởng sống nhàn với thói đời nhiều tục luỵ. Phong cách sống Lão Trang đã trở thành một phạm trù đạo đức, một nét nhân cách đẹp của Bạch Vân cư sĩ.
Ngôn ngữ “Lão Trang hóa” như một biểu hiện nghệ thuật trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” đã góp phần phản ánh tư duy mỹ hoá các phạm trù đạo đức trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông quan niệm cách sống đẹp trong thời đại đảo điên ấy không gì khác chính là lối sống nhàn, vô sự, thái độ tự tại ung dung. Đó phải chăng là cách duy nhất khả dĩ vãn hồi được trật tự phong kiến chính thống đang dần đi vào mục ruỗng?
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không có những phát ngôn đầy tính lý thuyết cho tư tưởng Lão Trang nhưng thừa sắc sảo, sâu lắng để bày tỏ một tư tưởng triết học, một đạo lý sống cao quý ở đời. Vừa đủ rung cảm, tinh tế, lại rất uyển chuyển, gần gũi, ngôn từ trong thơ ông đã bày tỏ những tâm tư, ý chí của người ẩn sĩ biết rời xa vòng lợi danh để vui thú với cuộc sống an nhàn tự tại. Từ lớp ngôn từ “Lão Trang hoá” này đã góp phần tạo nên chủ đề, đề tài thơ xuất thế, thơ ẩn dật đạm vị đời, nhạt màu thế sự trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Có thể nói, màu sắc “ẩn dật”mà “Bạch Vân quốc ngữ thi” có được một phần rất lớn là nhờ hệ thống ngôn từ được sử dụng theo hướng “Lão Trang hoá” này.
2. Ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên.
Là một thi nhân, ẩn sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ rất nhiều về thiên nhiên, qua đó bày tỏ một cuộc sống gần gũi, tôn trọng và hoà hợp với tự nhiên. Tình yêu đối với thiên nhiên đã giúp Bạch Vân vẽ nên những bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc: có phong cảnh tươi tắn sống động, có phong cảnh mỹ lệ, tao nhã vẻ Đường thi, lại có những bức tranh với những gam màu nhạt, đường nét thanh đạm và rất giản dị. Nhưng dẫu có những màu vẻ khác nhau, chúng đều tập trung thể hiện một mối tình giao hoà nồng thắm giữa thi nhân và tạo vật quanh mình.
Có thể dễ dàng nhận thấy trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”, bên cạnh một bộ phận thơ giáo lý có phần nặng nề khô khan, mảng thơ tươi tắn về thiên nhiên đã tạo ra một bầu không khí u nhã, một không gian thanh thoát, tĩnh lặng đến vô vi. Có được điều đó là nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng một cách linh hoạt tinh tế vốn ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên. Trong số vốn từ ấy có thể tạm thời phân loại: những thi liệu, hình ảnh thơ có tính chất ước lệ tượng trưng và ngôn ngữ miêu tả cảnh thôn quê mộc mạc giản dị.
2. 1. Những thi liệu, hình ảnh thơ cổ điển, ước lệ tượng trưng.
Là một nhà nho chính thống được đào tạo theo nền khoa cử Hán học, Nguyễn Bỉnh Khiêm không khỏi chịu ảnh hưởng của những quy ước văn học trung đại. Ông đã tiếp thu một cách tự nhiên những hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ và mẫu mực của thơ văn cổ điển. Những khuôn vàng thước ngọc của thi pháp, mỹ học cổ điển phương Đông đã đem lại cho thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều vẻ thiên nhiên trang nhã cổ kính :
 “Thu êm cửa trúc hồng vân phủ
Xuân tĩnh đường hoa tử cẩm phong”
(Bài 60)
 Thu nguyệt sáng soi thông tư phủ
Xuân hoa đua nở lửa phong quang”
(Bài 97)
Những hình ảnh “trúc mai”, “phong nguyệt”, “yên hà”, “hồng vân”, “tử cẩm”. . từng góp mặt trong Đường thi xưa nay lại xuất hiện trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo nên sự tao nhã của thi liệu. “Phong, hoa, tuyết, nguyệt” trong thơ Bạch Vân do đó hiện lên cũng đầy vẻ trang nhã.
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm có nét gần gũi thơ Nôm Nguyễn Trãi về mặt phong cách. Nhưng trong khi miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không lựa chọn những hình thức biểu đạt kỳ vĩ để nói lên vẻ hùng tráng của thiên nhiên. Nguyễn Bỉnh Khiêm có xu hướng thiên về những hình ảnh gần gũi quen thuộc. Nhưng ngay trong cả vẻ thân thuộc của thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có thể phát hiện ra những nét đẹp riêng lộng lẫy, thanh nhã không kém gì thơ ca cổ điển:
-”Thi nên ngồi đòi vầng đan quế
Rượu chác hoa lầm ngõ hạnh hoa
Lục ỷ tiếng thanh đêm tựa ngọc
Lan châu chèo vỡ nước bằng
(Bài 129 )
-”Chim kêu hoa động ngày xuân muộn
Nguỵêt bạc đêm thanh hứng khách dài”
(Bài21 )
Góp phần tạo nên những vẻ gấm vóc ấy của bức tranh thiên nhiên, phải kể đến khả năng biểu đạt tinh tế của những hình ảnh, thi liệu cổ điển. Đi vào thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, những “vân, phong, hoa, nguyệt. . “ đã bộc lộ tất cả vẻ hữu tình sống động của nó. Phảng phất trong tập thơ là những bức tranh thuỷ mặc đường nét thanh thoát, hài hoà mà tinh tế:
-”Phất phơ gió lay phiến trúc
Thánh thót mưa lọt cửa lan
(Bài 50)
Ngôn ngữ thơ ở đây không những đượm vẻ cổ kính tao nhã của Đường thi mà còn góp phần thể hiện nhân cách thi nhân, biểu trưng cho phẩm chất nhà nho ẩn dật. Hình ảnh “trăng, mai, trúc”. . . xuất hiện và trở đi trở lại nhiều lần trong tập thơ như là biểu tượng cho phẩm chất cao thượng, khí tiết thanh quý của người quân tử, bậc cao nhân Tuyết Giang phu tử.
Sử dụng ngôn từ thi liệu bác học là một phương thức xây dựng hình tượng phổ biến trong thơ văn trung đại. Cái hay cái tài của Bạch Vân là ở chỗ đã lựa chọn sử dụng chúng ở mức độ vừa phải, chắt lọc để vừa bày tỏ mối giao hoà, tương hợp giữa tình người và thiên nhiên như là một lẽ sống cao đẹp, vừa tỏ được cái phẩm chất thanh cao, tịnh khiết của mình. Bởi trong một bầu không khí thiên nhiên tĩnh lặng, trong ngần đến vậy, chỉ có một nhân cách cao đẹp, đáng quý mới có thể thưởng ngoạn, tận hưởng được hết những lạc thú tinh thần mà thiên nhiên mang lại.
2. 2. Ngôn ngữ miêu tả cảnh trí thôn quê bình dị mộc mạc.
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử thường xưng tán những thứ đá quý không đục đẽo. Tư tưởng của ông là không nên tô điểm thiên nhiên bởi vì nghệ thuật hoàn mỹ nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào của nghệ sĩ. Các nhà lý luận mỹ học cổ điển Trung Quốc cũng thường quan niệm nghệ thuật phải tự nhiên như nước chảy, mây trôi, không có vết đục đẽo. Sự dụng công đẽo gọt nhào nặn là can thiệp tự nhiên, phá hỏng sự hồn thuần của tạo vật. Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm thấm nhuần lý thuyết về thuộc tính “phác” của Đạo do vậy mà phần nhiều thiên nhiên trong thơ ông nhẹ nhàng thanh đạm. Tác giả dường như không bao giờ có dụng ý trau chuốt ngôn từ để tô điểm thêm vẻ mỹ lệ cho thiên nhiên. Vì vậy ở mảng thơ này, ngôn ngữ miêu tả được Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn sử dụng đi vào thơ rất tự nhiên, mộc mạc và gần gũi.
Ta không lấy làm lạ khi bắt gặp vô vàn những hình ảnh thơ giản dị mộc mạc miêu tả cảnh trí thôn quê trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Gần trọn cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với mảnh đất quê hương, tháng ngày tiêu dao cùng sông nước, tự tại chốn điền viên. Những cảnh vật của thôn quê đã ăn sâu vào tâm thức thi nhân và đi vào trong những bức tranh quê này, góp phần nói lên nét đẹp trong nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm : đã là quê hương thì cảnh trí nơi đâu chẳng đẹp, chẳng là “chốn xuân phong” :
“Song nhật hãy còn hai rặng quýt
Thất gia chẳng hết một căn lều
Gió cuốn rèm thay chổi quét
Trăng kề cửa kẻo đèn treo”
(Bài 73 )
 “Vô tâm nướcgương soi bạc
Đắc thú kho đầy gió mái thanh
(Bài 91)
Ngôn từ miêu tả được tác giả sử dụng rất mộc mạc, gần gũi, mang phong vị của đời sống hàng ngày. Vì lẽ đó mà cảnh trí thôn quê trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên rất tươi tắn, cụ thể. Ngay cả bóng trúc, ánh trăng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất đỗi gần gũi, giản dị:
Hoa nở luống hay tin gió
Đầm thanh còn thấy triều trăng
(Bài 18)
“Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu chốn nước non”
(Bài 32)
Gắn bó cuộc đời mình nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã miêu tả cảnh sống thanh bần ở làng quê bằng những ngôn từ mang đậm phong vị của đời sống sinh hoạt:
-”Thèm nỡ phụ canh cua rốc
Lạnh đà quen nệm ổ rơm
(Bài 34)
-”Cá tôm hôm chác bên kia bến
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo
(Bài 38)
Nhìn chung, về phương diện ngôn ngữ thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những đóng góp đáng kể cho nguồn thi liệu thuần Việt. Việc đem vào thơ những “rèm, chổi, kho, canh cua, ổ rơm, tôm cá, củi đuốc. . “ và bình dị hoá những hình ảnh thơ vốn biểu trưng cho tính trang nhã trong thơ cổ điển như “trăng, trúc” đã phá vỡ những quy phạm mẫu mực của văn học nghệ thuật phong kiến, tạo nên những môtíp nghệ thuật mới hoàn toàn thuần Việt, đậm đà tính dân tộc. Điều đó thể hiện nhu cầu được biểu hiện chân thực của hình tượng nghệ thuật và cái nhìn tự nhiên chân thực của thi nhân khi đứng trước thiên nhiên .
Có thể nói, cái đẹp giản dị trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một quan điểm nghệ thuật. Đó là tinh thần hướng tới cái đẹp tự nhiên, tôn trọng tính “phác” của sự vật, là lòng yêu mến đối với nghệ thuật không đục đẽo mà Lão Tử từng ca ngợi.
Thiên nhiên trong thơ “Bạch Vân quốc ngữ thi” dẫu cổ kính đường thi hay thanh đạm mộc mạc vẻ quê mùa, đều là chốn tĩnh lặng, thanh u, là nơi di dưỡng tinh thần của “ông nhàn”. Vẻ thanh thoát u nhã ấy của thiên nhiên có được là nhờ Bạch Vân đã thổi vào hồn thiên nhiên ấy một ý vị đầy màu sắc”Đạo”. “Đạo vị” ấy chính là suối nguồn thi ca của Bạch Vân thi sĩ giữa bối cảnh xã hội xô bồ bên ngoài làng Trung Am lúc bấy giờ.
Nguồn: http://marjoriethuy.blogspot.com