Khiemnguyen

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Dòng sông một bờ



Có một dòng sông mang tên em,
Dòng sông anh tự đặt
Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền.
Có một dòng sông trôi vào lãng quên,
Nước trong như nước mắt
Điều chưa đến mà sao thấy mất?
 *
Có một dòng sông chỉ có một bờ,
Phía bờ kia quay mặt.
Dòng sông anh không qua được bao giờ...

…Dòng sông đi vào thơ ca thì nhiều, dòng sông được ví với tình yêu trai gái bờ có hai bờ thương, bờ nhớ thì càng nhiều. Còn ví dòng sông chi có một bờ như tình yêu chỉ đến từ một phía thì có lẽ chỉ có duy nhất Nguyễn Khắc Thạch mà thôi. Cấu tứ bài thơ khá lạ và độc đáo.

Bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng cá 3 khổ thơ đều nhắc đến dòng sông. Ở câu thơ đầu tiên, tác giả viết: "Có một dòng sông mang tên em" mới đọc ta cứ ngỡ có một dòng sông thật đang tồn tại đâu đó, nó cũng có bên bồi bên lở, dòng sông bắt nước từ trong đất mẹ và chảy hoài về phía biển, bởi Nguyễn Khắc Thạch giới thiệu đó là dòng sông "mang tên em". Tên em là sông Hương (quê của nhà thơ) hay là đòng sông Linh Giang (quê của vợ Nguyễn Khắc Thạch?) Đúng vậy, có dòng sông nào mà chẳng có tên, có nhiều dòng sông mang trong mình những cái tên đẹp, hiền hòa như miền cổ tích... nếu không phải là người đang yêu, có lẽ tôi cũng nhầm như những người đọc khác...

Nhưng sang câu thơ tiếp theo, tác giá "bật mí” dòng sông "mang tên em" chi có anh biết tên nó mà thôi... Chỉ có trái tim anh biết, bởi đó là dòng sông "anh tự đặt", không phải là sông Hương hay dòng Linh Giang xanh thẳm, mà đây chính là dòng sông trong tâm tưởng, dòng sông trong hoài niệm, dòng sông không có thực trên đời mà chỉ có thực trong tim anh, anh chôn chặt nó trong ký ức... Một miền ký ức không vui. Một miền ký ức buồn... Con thuyền lá mà "anh xin mùa thu” cứ mãi trôi, trôi đến hư vô, và không gặp được bến bờ nào cả...

Đến khổ thơ thứ hai, là quá khứ của một cuộc tình chăng? Đúng vậy, kỷ niệm, tìnhyêu dẫu vui, dẫu buồn rồi cũng dần trôi theo năm tháng, thời gian đi qua, tất cả đi qua, hạnh phúc và niềm đau cũng đi qua... ở đây chàng trai trong bài thơ cũng muốn quên đi lắm chứ, một chuyện tình buồn, một mối tình đơn phương, chỉ có phía "bờ anh" mà không có phía "bờ em"... nên anh đã cố quên đi, cho dù không bao giờ quên được. Dòng sông đó đã trôi vào lãng quên, dẫu đã cố gắng quên đi nhưng anh vẫn nhớ "Nước trong như nước mắt". Có giọt nước nào trong hơn nước mắt, nước mắt khóc cho một cuộc tình có lẽ càng trong hơn bởi nó được "lọc" bằng trái tim đang yêu. Vậy đây là giọt nước mắt của ai, giọt nước mắt của em khóc hay là anh khóc? Anh đã khóc "khóc không phải vì yếu hèn" mà khóc vì yêu em, khóc vì: "Điều chưa đến mà sao thấy mất", khóc vì tình yêu chưa đến mà đã đi xa thật rồi, xa mãi…

Đến khổ thơ thứ ba, một lần nữa, Nguyễn Khắc Thạch lại nhắc "có một dòng sông" nhưng đây không phải là một dòng sông bình thường có tiếng ai í ới gọi đò, mà đây chính là dòng sông chỉ có một bờ, chỉ có bờ bên này mà không có bờ bên kia, vì: "phía bờ kia quay mặt", bờ kia - bờ em quay mặt - em - không - đáp - lại - tình - yêu - của - anh. "Phía bờ kia quay mặt", hay chính là em "quay mặt".

Bài thơ kết thúc giống như "dòng sông" trong lòng anh đã thôi chảy, dẫu biết rằng dòng sông cuộc đời cứ mãi trôi đi. 

  (Gửi entry này MacThanh)

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó….

Ai cũng có một người, một tình yêu để nhớ và để thương. Đường đời này vốn lắm nhiều oan trái, thử hỏi có mấy ai toại ý?
Rốt cục cuộc đời cũng chỉ như một bầu trời đầy áng mây, hết đám này đến đám khác trôi qua. Chẳng thế mà nhạc sỹ Lam Phương có nói "Tình trước,tình sau, tình nào mới bạc đầu?". Tôi dám chắc rằng không ai dám nói mình là người thực sự hạnh phúc. Bạn hạnh phúc ư? Xin đừng trả lời vội. Bạn hãy dừng lại vài giây trước khi trả lời "Có" và tự nhìn lại những gì mình muốn đã được hay chưa? Yêu thương mình cho đã nhận lại hay chưa?
Đảm bảo rằng có nhiều người phản đối và nói với tôi rằng "Tình yêu là sự cho đi mà không nhận lại". Có lẽ tôi cũng sẽ cười và bảo rằng "Ok, tôi đồng ý" nhưng thực sự đó là những lời để khỏa lấp. Chúng ta làm không được, vì thế mới khỏa lấp cho qua đi, cho nỗi lòng bớt dậy sóng.
Có thể tình yêu là không có thật, vì vậy con người mới chịu đựng nhau. Hay nói đúng đúng hơn: tình yêu là sự chịu đựng và chia sẻ. Khổ hay sướng là tùy mỗi người thôi. Gặp nhau, mến nhau, cười với nhau cũng là hạnh phúc rồi. Tôi trao anh nụ cười, anh trao em cái nhìn nồng nàn....đó cũng là yêu.
Tôi có nhớ về một chuyện tình, một chuyện tình nhẹ nhàng của một nhạc sỹ mà chắc nhắc đến tên thì ai cũng biết .Ông chính là Vũ Đức Sao Biển, ngườiđã viết bài "Thu hát cho người" khi mới 20 tuổi.
Tôi thật sự khâm phục ông. Có lẽ ông cũng yêu nhiều lắm, từng gặp nhiều người lắm...nhưng tất cả chỉ đi qua đời ông, cười lặng lẽ rồi bỏ ông lại giữa cõi đời trần tục.
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt...
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mờ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ
Câu hát ngân lên mà lòng tôi nao nao đến da diết. Vâng, em đã đi, dòng sông kia chính là bến đời đã đưa em đi mãi mãi, và dáng em chỉ còn là áng mây đi biền biệt. Bao giờ mới gặp lại đây? "Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa" ư? Không, chỉ có mùa thu trong lòng thôi. Có một sự đồng cảm lạ lùng khi tôi hát lên những ca từ tha thiết ấy.
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó....để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió....sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
Các bạn biết không, Vũ Đức Sao Biển từng tương tư một cô bé Hàn Quốc. Kết quả chắc không nói ai cũng biết. Có lẽ bài hát này ông viết cho cô, cho những người đã từng để lại dấu ấn trên cuộc đời đầy vết khắc thời gian của ông. Khi tôi viết bài này, tôi đã là nhân vật trong ca khúc ấy. Ngày ấy tôi tới Phan Thiết, ghé thăm Lầu Ông Hoàng, nơi từng ghi dấu mối tình của Mộng Cầm và chàng thi sĩ bạc mệnh Hàn Mặc Tử.
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết Phan Thiết!
Đó, Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang, vậy mà khi tôi đến chỉ còn là một cõi xơ xác và hoang vắng . Dòng tâm trạng u sầu của những bậc tiền nhân càng làm cho bản thân tôi thêm u sầu trĩu nặng
Đường lên dốc núi đá lờ theo
Dăm cảnh hoang sơ bước tiêu điều
Dây leo phủ kín màu xưa cũ
Lặng lẽ hoang tàn bụi phủ theo
Ông Hoàng chốn cũ đất phong lưu
Lầu thi, gác nguyệt vang một thời
Nhưng cảnh xưa đâu? Nay vắng tá
Bia tan, lầu vỡ, khách vắng teo!
Là sự xót xa và mông lung trong tâm hồn khi tôi viết bài thơ ấy. Ngày ấy tôi đã gặp cô. Giữa ngọn đồi trốn vắng, giữa chiều tà, và giữa muôn ngàn cảm xúc. Điều gì là thực trong cuộc đời này? Có lẽ không bao giờ con người có thể trả lời nổi, niềm vui và hạnh phúc chỉ có khi mọi việc đang diễn ra. Tất cả là hiện sinh, ai muốn lưu trữ thì lưu trữ, ai muốn thả trôi thì cứ thả trôi.
Người đời có nhiều sự đồng cảm mà tình yêu là một trong số đó. Tình buồn là tình đẹp và cũng là tình xót. Ngày em tới Lầu Trăng, cũng là một ngày cuối thu. Từ ngọn đồi trơ trọi, muôn nghìn đợt sóng biển như chực trào lên. Đó chẳng còn là sóng biển nữa, đó là sóng trong lòng.Thi nhân chẳng phải sinh ra là để buồn giúp thiên hạ sao? Cũng nơi đây, Mặc Tử mê Mộng Cầm. Cũng mùa thu này Vũ Đức Sao Biển mê nàng thu. Còn tôi, tôi mê em.
Em là cô gái Hồng Kông, em du lịch tới Phan Thiết và một mình d ừng gót lên Lầu Ông Hoàng. Chiều ấy, tựa mình bên những viên gạch cũ sờn đỉnh lầu, tôi thả hồn. Ai có tới Phan Thiết mà không ghé Lầu Ông Hoàng quả là một sự thiếu xót.
Chiều ấy, gió miên man đưa hương biển vào lòng, tôi tản mạn với thiên nhiên. Và tôi chợt nhận ra mình không lẻ loi đơn độc khi em đặt những bước chân đầu tiên trên ngọn đồi này. Ở đó có tôi và em, giữa chốn hoang vu này, em nhìn thấy tôi và tôi cũng nhìn thấy em. Không biết vì lý do gì, khi lần đầu tiên nhìn em, tôi đã có sự chấn động đến kỳ lạ. Và tôi đã trở thành hướng dẫn viên tình nguyện cho cô.
Em có đôi mắt long lanh tuyệt đẹp, tuyệt đẹp với một người trần tục như tôi. Suốt buổi chiều hôm ấy tôi thao thao bất tuyệt về lịch sử nơi này, nơi mà trong thâm tâm tôi đã là nơi kỷ niệm. Tối đó tôi đưa em đi dạo Mũi Né, trời trăng, mây gió, cây cỏ, ôi đẹp làm sao? Hạnh phúc với tôi đơn sơ lắm.
Ngày em về, tôi không đưa tiễn được. Nhưng có lẽ hình bóng em mãi không bao giờ phải trong tâm trí tôi. Sau này, tôi có làm một bài thơ tặng em mà cho đến bây giờ mỗi khi đọc lại tôi vẫn không kìm nổi xúc cảm.
Em gái Hồng Kông từ hôm qua
Dạo gót chân sen buổi chiều tà
Chẳng khác người tiên trong cõi mộng
Hình mai, dáng ngọc, điệu thướt tha
Em tới làm chi chốn hoang sơ
Mang theo dáng dấp cung ngọc mơ
Từ dạo chia tay chiều hôm ấy
Ta bỗng hóa thành kẻ mộng mơ
Phải rồi em ơi, ta đã thành chàng lãng tử mộng mơ. Hỏi rằng nơi xa em có còn nhớ gì đến chàng lãng tử đã say đắm em. Em xa ta ....ta cũng xa em... Đường đời này không dài không ngắn, chỉ có hạnh phúc là ngắn ngủi và bất chợt thôi.
Ngày về lại Phan Thiết, Lầu Ông Hoàng càng trở nên xác xơ. Chiều vắng, thu lại, không có em, lòng ta buồn tha thiết. Ta nhớ em, ta tương tư em, và ta hát cho em.........
“Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó…. để hái dâng người một đoá đẫm tương tư”.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Cao nguyên đá



Kìa bát ấu tẩu, nằm trên triền núi,
Dằn lòng một chiều cuối đông
Kìa bát ấu tẩu sưởi ấm con người
Một đời rừng già , núi cao

Mênh mông đá, cao nguyên ơi
Cao nguyên đói, mênh mông đá.
Hạt ngô nảy mầm vượt lên sỏi đá
Bật dậy, bật dậy nghiến răng
Hạt ngô nảy mầm, thương bé H’mông
Đợi một mùa vàng ngóng trông

Mênh mông đá, cao nguyên ơi
Cao nguyên đói, mênh mông đá.
 Biết làm gì, và sẽ làm gì
Ngẩng lên, ngẩng lên chỉ thấy đá
Cúi đầu cắm mặt, đá quê hương
Vẫn vẹn toàn cuộc sống trường tồn


Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

18000

Sau 2 tuần, số lượt truy cập blog của tôi đã đạt con số 18k. Thanks sự quan tâm của các bạn.

Ngàn năm thương hoài một bóng hình ai...



Ở HAY ĐI

dòng người bỏ làng ra đi nhưng lại có dòng người trở về làng với biết bao trăn trở “ở hay đi”.
“Nhưng còn một hạng người nữa, một hạng người khá đông trong xã hội,... ấy là những hưu quan, công chức, nghiệp chủ, thương gia nơi thành thị, hoặc những người hẩm vận lổ thời, lúc vãn niên hoặc vì sinh kế, muốn quay về chốn quê cha đất tổ để an hưởng tuổi già... Nay vì cảnh ngộ phải về chốn quê nhà đất cũ... Họ nhận thấy cái gì cũng chướng tai nghịch mắt... Đã có nhiều người có chí khí hăng hái, quyết đem công tâm nhiệt huyết ra, đem tài năng kiến thức... để bồi bổ cho chốn tử phần thành một cái cảnh tượng “nhật tân nguyệt dị”(l), gây cho dân thôn được sống một cuộc đời thảnh thơi sáng sủa.
Muốn đạt tới cái mục đích ấy thì phải khao vọng, vì chốn hương thôn “vô vọng bất thành quan”(2)...; thế là phải đem tiền của vết theo làn sóng thịt xôi. Muốn giữ lấy chức vụ trong dân phải đem tiền đút lót, ganh địch với những kẻ bò bướu, nhẫn nhục với những kẻ ngu hèn. Nhưng muốn cầu lấy thực sự, thì lại còn một đoạn nữa rất gồ ghề khúc khuỷu là lúc thi thố cái chí hoài bão của mình. Lấy thịt xôi, tiền bạc mà chinh phục lòng dân là một việc dễ, nhưng lấy tài năng lịch duyệt mà chinh phục cái thói nhân tuần cổ hủ, cái tập tục lưu truyền thì rất khó.
Một thân đúng giữa ba luồng lửa, tự thấy mình bơ vơ trống trải, không ai hiểu thấu, không ai hộ vệ.
Bởi cái tình cảnh buồn rầu thất vọng như vậy nên gần đây những người thức giả trong dân đã xu hướng về cái phương kế bưng tai bịt mắt, họ không phấn đấu không hàng phục, nhưng không can thiệp vào nữa. Như thế cũng vị tất đã yên thân, không có của thì họ khinh miệt... Nếu có của ăn của để thì họ tìm cách vay mượn, sách nhiễu, chẳng chịu lun ngọt nhạt thì cái cơ nghiệp của mình chỉ kết liễu bằng mấy chĩnh rượu ngang, hay một chai rượu lậu giấu trong vườn đất nhà mình, bằng không thì chỉ vài mẻ cướp đêm cướp ngày thì cũng hết. Thế thì ở hay đi?
Ấy cái tình cảnh của một hạng người đương bị giam hãm trong cái hoàn cảnh xấu xa nhơ bẩn như vậy... Dân quyền vốn là trọng, nhưng cái trình độ dân quê hiện nay chưa xứng đáng được hưởng cái quyền ấy, vì họ chỉ biết đổi lá thăm lấy bữa rượu, kẻ đã mất cơm rượu để mua chuộc cử tri, lại trông vào túi lũ dân đen mà bù lại, cứ thế mãi không chọn được người hay...


Đạm Hiên
Thời vụ, số 19, 1938

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Tản mạn Hoa






Tôi biết hoa phượng vĩ
Nở trước hoa bằng lăng
Nhưng bằng lăng rụng trước
Màu tím thường khó khăn
Tôi đưa vùng kỷ niệm về tim
Giữ lại đó những bồn chồn, day dứt
Hãy đi đi, đừng bao giờ đánh thức
Đôi mắt của một thời đã nức nở ngủ yên!



Thời gian như bánh xe, sự quay tròn tạo ra chu kỳ lặp lại, nên mỗi năm đến hè lòng lại như man mác buồn như một điều đương nhiên, sự đương nhiên mang tính chu kỳ. Một năm về trước, hình như hắn đã viết một entry về hoa phượng, hình như cũng khoảng này gần 10 năm về trước hắn cũng đã viết về loài hoa ấy.
Bài thơ tím hắn được người ta gửi kèm trên tờ nhắc việc để đâu mãi tìm không thấy, để hôm nay mò mẫm trên mạng mới được đọc nguyên văn cả bài thơ của người ta đã chép tặng hắn, như “đôi mắt của một thời đã nức nở ngủ yên”. 

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Chuyện cũ úp lại...

RẤT CẦN CÓ SỰ TỰ TRỌNG CỦA NGƯỜI LÀM THẦY
Điểm: 0 (0 lượt) | Lượt xem: 107
| Bình chọn:  

Lâu lắm hôm nay mới viết, đành rằng viết đã là một thói quen, nhưng sự không ổn định về mặt tinh thần cũng khiến người ta không viết được. Có lẽ tại đất trời nóng quá.
Một vài người ủng hộ tôi viết các chuyên đề về giáo dục, tôi nghĩ đó là một ý kiến rất hay và cũng đáng mừng. Từ rất lâu tôi đã có quan điểm rằng mọi sự đều do chúng ta, với kiến thức được trang bị làm nên cuộc sống này, tất cả những điều được và chưa được đều do giáo dục mà nên, giáo dục từ trong mỗi gia đình, nhà trường và cả xã hội nữa. Với quan điểm đó, tôi hay có suy nghĩ về vấn đề giáo dục của chúng ta hiện nay.
Xem bản tin Thời sự 19h00 hôm nay, khi nói về ngành giáo dục của nước nào đó ở châu Phi xa xôi, ông anh tôi đã nói nhìn những hình ảnh đấy thấy ghê ghê thế nào, ý anh nói với cảnh trường lớp, học trò với những màu da xa lạ với mình có gì đó vẻ như lạc hậu và hơi man rợ. Tôi đã nói ước gì nước mình có nền giáo dục như họ. Tất cả mọi người nghe tôi nói vậy đều có vẻ ngạc nhiên lắm.
Nhớ cách đây khoảng 15 năm, tôi có dịp vào thăm trường PTCS xã Lâu Thượng... bây giờ. Ấn tượng của tôi về ngôi trường làng đó thật đẹp, không phải vì nét thanh bình của ngôi trường làng núp dưới rặng tre như bao trường lang khác mà chính là sự chuẩn mực về không gian của ngôi trường đó. Bây giờ bạn có thể xem bất cứ một video clip nào về mái trường về tình thầy trò về tình cảm thuở mực tím đều dễ dàng bắt gặp cảnh ngôi trường với những vòm cuốn, cửa sổ xanh và những hành lang dài hun hút, video mượn không gian của những trường như Chu Văn An, Việt Đức ở Hà Nội hay những trường tương tự vậy ở Huế hay thành phố Hồ Chí Minh… Tôi đã bắt gặp hình ảnh đó ở Lâu Thượng. Nó không nhiều phòng học như những trường ở thành phố, chỉ với hai dãy nhà có bốn phòng học nhưng được xây cất rất chuẩn mực, qua gần 100 năm nhưng những đường nét kiến trúc, những dấu vết của vật liệu, trang thiết bị vẫn còn đâu đó… tôi bị ấn tượng bởi sự chuẩn mực của một nền giáo dục của một thời thuộc địa, bảo hộ. Người Pháp bên cạnh việc đô hộ thì một điều không thể phủ nhận được là học đã có công rất lớn khi đưa vào Việt Nam chữ quốc ngữ và một hệ thống giáo dục hoàn hảo từ trung ương đến cơ sở. Tất cả cho đến bây giờ dù phủ nhận hay công nhận, dù còn lưu giữ hay đã mất nhưng đã chứng minh rằng bao thế hệ thời Pháp học đều trưởng thành.
Có lẽ tôi là người trẻ mà hay hoài cổ, nhưng tôi rất yêu những nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán hoặc văn học giai đoạn trước và sau Cách mạng. Tôi yêu từ hình ảnh thầy giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao bần hàn không có một bộ quần áo tử tế để ra đường chứ chưa nói đến lên lớp dạy con trẻ. Không phải họ là người sỹ diện mà thực sự là họ coi đó là một chuẩn mực về ăn mặc của người thầy, là sự tự trọng của người làm thầy. Điều đó rất đáng kính. Năm 1994, tôi đi học và làm lớp trưởng, nhập học được khoảng 2 tuần, một hôm có một cô gái mặc áo dài trắng bước vào lớp, nói với thầy giáo “thưa thầy con xin vào lớp, con chuyển trường từ thành phố Hồ Chí Minh ra, hôm nay là buổi đầu tiên đến nhập học…”. Cả lớp, cả thầy, cả trờ đều ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên từ cách xưng hô, ăn mặc đến sự lễ phép và dịu dàng vô cùng đó. Sau này cô gái đó khá thân thiện với tôi nói rằng cô thích nhất tôi vì tôi có cách xưng hô gần gũi lắm, tôi không mày tao chi tớ, không anh anh em em ngọt nhạt mà đơn giản vì lối xưng hô gọi em xưng tôi của tôi. Tôi chỉ cười. Thực ra đấy là sự sao chép lối xưng hô của văn chương thời tiền chiến, theo tôi là rất đứng đắn, nghiêm túc và cũng gần gũi nhau nữa. Bây giờ chúng ta có điều kiện tiếp cận với phim ảnh nước ngoài nhiều, bạn thử xem phần thoại của phim nước ngoài cho dù đã được dịch, được thuyết minh, nhưng sao nội dung lời thoại lại hay và gần gũi đến thế, trong khi đó xem phim Việt Nam mình, người mình đóng phim mình, nói tiếng mình thì nghe cứ ngô nghê hay giả vờ thế nào đó. Tôi nói vậy bạn cứ so sánh thử xem tôi nhĩ có đúng không nhé. Vấn đề là không có một chuẩn mực nào cho việc dạy dỗ cả, bắt đầu từ những điều rất đơn giản là học ăn học nói thôi.
Chính vì thế, với một tư tưởng hoài cố, tôi mới mong muốn mình có một nền giáo dục như ở nước châu Phi xa xôi kia. Thà là họ lạc hậu, họ nghèo khó, nhưng vì thế mà họ tiếp thu một hệ thống giáo dục chuẩn của thế giới về cho mình còn hơn là sự chắp vá, sự cải cách mà chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi nào thì kết thúc của sự nghiệp giáo dục nước mình.
Tôi kể những câu chuyện trên về một thời đã xa là muốn nói về những chuẩn mực ngay từ trong nhà trường. Trước hết là về cơ sở vật chất, sau đó là người thầy giáo. Lòng tự trọng của người làm thầy phải là yêu cầu đầu tiên. Mỗi người cần phải có lòng tự trọng của riêng mình, nhưng với đạo làm thầy lòng tự trọng đó phải là một đạo lý, cho dù thế nào chăng nữa cũng không thể bao biện bởi lý do này hay lý do khác.
Hôm nghe thầy giáo Hán phát biểu về lý do ứng cử vào Trung ương, thầy cho rằng đầu tư của nhà nước ta cho ngành giáo dục đã là rất lớn, không phải là lớn so với sự đầu tư của nước ngoài cho ngành giáo dục của họ mà là lớn so với sự đầu tư cho cách ngành khác, lĩnh vực khác. Tôi đã rất đồng tình ý kiến của thầy về vấn đề này. Vấn đề là chúng ta chưa quản lý được, thất thoát, lãng phí do người ngoài ngành cũng có mà do người trong ngành là nhiều. Tôi đã nhiều lần viết về chuyện cán bộ công chức coi dự sự nghiệp như những mỏ vàng để tăng thu nhập và cũng đề ra câu hỏi hằng năm đầu tư hàng triệu USD cho việc nghiên cứu sách giáo khoa, cải cách giáo dục… hàng triệu USD tực là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, đó là một con số không nhỏ nếu được đầu tư trực tiếp vào chuyện ăn học của con trẻ. Việc cải cách giáo dục là cần thiết, việc có một bộ sách giáo khoa mới là cần thiết, nhưng nó chỉ là cần thiết nếu được thực hiện một lần, một chu kỳ là đủ, chẳng lẽ qua gần 20 năm cải cách rồi vẫn cứ cải cách mãi. Trên các diễn đàn về giáo dục, nhiều vị giáo sư tiến sỹ vang bóng một thời hay đăng đàn chỉ trích thế này thế kia, tôi chỉ thầm nghĩ, tất cả chúng ta đây, có tôi, có các bạn, có bao người đã và đang bị chỉ trích kia xét đến cùng đều là di sản của các thầy của những năm tháng đã qua. Vậy sao các vị không dám chỉ trích mình, các vị là ai mà đứng ngoài, đứng trên tất cả để mà chỉ trích. Thế mới cần một sự tự trọng, một sự liêm sỉ trước hết là từ người thầy là thế.
Nếu coi đây là sự chỉ trích thì cũng xin phép được nói thật là tôi vì sự tự trọng của mình mà không ở lại trường đại học để làm thầy, tôi không muốn làm thầy vì hai lẽ, một là không thực sự giỏi hơn trò (đơn giản vì tôi được đào tạo chỉ để làm thợ thì làm sao làm thầy được), chỉ với điểm số và hạnh kiểm mà làm thầy thì thực ra rồi cũng chỉ là cơm.com mà thôi; thứ hai là do với vòng xoay của cơ chế này, rất dễ tôi cũng sẽ bị quay vào những rắc rồi, bê bối của chuyện điểm số tiêu cực, đơn giản vì chuyện cơm áo gạo tiền.
Thôi, viết đến đây thôi, chuyện giáo dục còn dài, mai sẽ viết tiếp.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

17.000 lượt truy cập

Hôm nay, ngày 10/5/2013 My Blog cán mốc 17.000 lượt bạn đọc. Cảm ơn về sự quan tâm, tham gia góp ý và đóng góp tài liệu, góp phần làm cho My Blog có ý nghĩa hơn và thiết thực với nhiều người hơn.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Làm gì?


(2009 chép lại)
Hồi còn đi học và sau này đã đi làm, câu hỏi hay tự hỏi nhau và đưa ra trong các câu chuyện bàn trà là câu hỏi “làm gì?”. Đó là câu hỏi của VI Lênin. Từ hơn 100 năm trước Lenin đã đặt ra câu hỏi đó để cho hậu thế luôn trăn trỏ và day dứt tìm câu trả lời.
Làm gì? tại sao phải hỏi vậy. Đơn giản nhiều khi chúng ta chẳng biết làm gì cả. Chúng ta bất lực với chính những gì mình có. Một ngày mới, một tuần mới với đầy những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra phía trước nhưng phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu làm cái gì, làm như thế nào?... bao câu hỏi được đặt ra nhưng khó quá để mà tìm cho mình một câu trả lời phù hợp hoặc khả thi.
Cách đây mấy năm, một ông anh đi Pháp về cho rằng, chẳng phải riêng ở mình, cả Pháp cũng vậy, đời sống công chức cũng quanh quẩn và buồn lắm. Bệnh văn phòng công sở không phải chỉ có đất nước đang phát triển như mình mà là căn bệnh chung của dân Văn phòng. Hình như đã có ai đó cho rằng tồn tại xã hội và ý thức xã hội luôn luôn bất cập với nhau, giả như có sự thống nhất với nhau cũng chỉ là tạm thời, còn cơ bản là bất cập. Bất cập khác với mâu thuẫn, có thể bất cập quá mà không cập được sẽ phát triển thành mâu thuẫn. Bất cập ở được hiểu như sự chậm hơn ở những quyết sách của công quyền so với sự phát triển ngoài xã hội. Bất cập liên quan đến từng con người, từng mối quan hệ trong công việc và bất cập trong chính mỗi người.
Năm năm trước, có người tốt nghiệp loại giỏi ở một trường đại học, được tuyển dụng vào cơ quan để làm công nghệ thông tin. Phải giỏi mới về được, phải giỏi mới làm được những việc mà lâu dài sẽ mang tầm vĩ mô chi phối hoạt động của cả một hệ thống công nghệ. Dĩ nhiên tầm vóc của nó phải cao hơn mấy đứa cũng học trường đấy ra, nhảy việc hết công ty này đến công ty khác mà công việc chủ yếu là đi lắp đặt, cài đặt, giao hàng, bảo trì máy tính. Tuy nhiên bất cập ở chỗ, cái đứa ở ngoài cứ chỗ nào lương cao là nó nhảy đến, thấp hơn thì nó bỏ, bị o ép hoặc khó chịu nó cũng bỏ. Còn anh vào cơ quan oách này thì chẳng có cửa nào, thu nhập thì đã có quy định cụ thể, anh có giỏi đến mấy cũng phải đắt đầu từ khởi điểm, ba năm một lần lên lương với level cho một lần chỉ đủ dăm lần ăn sáng. Lâu nay người ta hay lảng tránh chuyện thu nhập, cho rằng hãy xem lại mày đã làm được cái gì, cống hiến được cái gì rồi mới nghĩ đến chuyện thu được cái gì nhé. Mà cũng chỉ nên nghĩ đến thôi, khoan hãy nói chuyện đòi hỏi hay đề xuất. Quanh đi quanh lại, năm năm trôi qua, sự trì trệ của thu nhập làm hèn đi cái thằng con người lúc nào không biết. Cái đứa làm ngoài nhảy như con cóc hết công ty này đến công ty khác lương đã kha khá, vốn sống đã kha khá, trình độ năng lực cũng được update thường xuyên. Trái lại, cái thằng cơ quan loanh quanh hết đề án này đến đề án khác, toàn đề án trên giấy với biết bao nhiêu tri thức ở tầm bán vĩ mô nhưng thu nhập cũng mới chỉ tăng thêm dăm bát phở bình dân nữa so với mức khởi điểm, đồng hành với điều đó là gần như quên mặt luôn với những trình độ phát triển của công nghệ. Hèn đi từ trình độ đến cả nhân cách. Nhân cách ở đây không bàn nặng về vấn đề đạo đức mà chỉ thuẩn về lối sống. Ông đi đâu, làm gì thì cũng phải gặp anh em chiến hữu, chuyện  chuyên môn làm ăn đã đứng ra một bên rồi, chuyện cốc bia con mực gì thì gì cũng phải bữa anh bữa chú, không lẽ ăn không của chúng nó mãi, mà đem mấy bát phở ra để đãi chúng nó hoặc là thiếu, hoặc là ngày mai mình nhịn…
Bất cập là vậy, nhưng làm gì để giải quyết vấn đề thật là khó. Ai đó nói rằng mày cảm thấy bất cập, cảm thấy không có gì cho mày thì mày nhảy đi, ra ngoài đi. Ôi thôi, sự trì trệ, sự dốt nát đã phủ kín suy nghĩ và chèn kín bước chân của kẻ thut khoa ngày nào rồi. Chưa nói đến mộng khanh hầu, mũ áo đã đè nặng lên hắn. Đi đâu, làm gì? Ai trả lời được nhỉ.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Báo chí trong kỷ nguyên số hóa (phần 1)



Báo chí có hòa tan trong kỷ nguyên số?


Nguyễn Bùi Khiêm

Internet ra đời có làm nên một cuộc đảo chính đối với báo chí? Khó có thể nói đó là một phương tiện có thể vượt lên sự tồn tại lên đài phát thanh, truyền hình và các loại hình báo chí truyền thống. Nhưng có điều chắc chắn là sự tồn tại của nó sẽ chỉ xảy ra với một cuộc cải cách chưa từng có, bởi vì nó không phải là một trang sử mới được mở ra, nhưng là một câu chuyện mới bắt đầu.
Đọc báo không còn là việc “cầu nguyện buổi sáng của người đàn ông hiện đại”, như được giải thích trong một câu nói nổi tiếng của Hegel. Trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, sự khan hiếm các nguồn tài nguyên quảng cáo, đã đẩy báo chí cuốn theo cuộc khủng hoảng về cơ cấu. Tính lỗi thời của mô hình kinh doanh truyền thống không còn là yếu tố chính của sự suy giảm này được đặt ra như một câu hỏi: Tại sao ta phải trả tiền cho thông tin khi mà ta có thể có được nó rất dễ dàng và miễn phí trên Internet?
Các nhà báo bị tước đoạt vị thế độc quyền thông tin và điều đó là một bước ngoặt lớn trong lịch sử  hoạt động của báo chí. Thích ứng hay biến mất? điều đó buộc báo chí phải suy nghĩ lại và tái cấu trúc mình để tồn tại trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Để tìm hiểu vấn đề liên quan đến việc số hóa các nội dung, chúng ta bắt đầu bằng cách phân tích sự chuyển động kép giữa công nghệ và kinh tế, sự mất ổn định và suy yếu của các mô hình kinh tế công nghiệp của các phương tiện truyền thông in ấn. Từ đó, buộc chúng ta phải hướng cái nhìn về những thách thức của báo chí truyền thống của đối với cuộc sống của công chúng với văn hóa web, và “công dân nhà báo”, có thể được hiểu như những người bình thường hoặc chuyên gia phổ biến thông tin không được sản xuất bởi các phương tiện truyền thông đại chúng. Và cuối cùng, chúng tôi cố gắng phác họa một định nghĩa lại vai trò của các nhà báo trong ánh sáng của cơ chế mới và tự do mới được tạo ra trong thời đại số.
Kinh tế và Công nghệ
Để hiểu được nhiều thách thức phải đối mặt với báo chí, cần phải nhận thức được sức ép và tốc độ của cuộc cách mạng kỹ thuật số và tác động của nó trên các mô hình kinh doanh của các công ty truyền thông. Trong vòng chưa đầy mười năm, việc số hóa khối lượng nội dung thông tin có tác động như một trận động đất trong một thế giới mà các phương tiện truyền thông đã dựa trên chiến lược của họ phổ biến các phương tiện truyền thông giấy.
Nhưng 600 năm sau Gutenberg, có ba yếu tố đã làm đảo lộn trật tự vốn có, đó là: truy cập miễn phí các thông tin; sự dịch chuyển của ngân sách quảng cáo Internet và sự bùng nổ về nhu cầu đó đã làm chuyển đổi mô hình tiêu thụ thông tin.
Mô hình kinh tế truyền thông vấp phải sự bất ổn đầu tiên - miễn phí. Điều này đã giáng một đòn nặng vào các phương tiện truyền thông. Có thể thông qua sự xuất hiện của báo chí tự do hoặc cổng thông tin Internet, thông tin đã bị mất giá trị thị trường trực tiếp của nó. Có quá nhiều thông tin miễn phí thay vì bạn phải trả tiền cho thông tin chung. Trong bối cảnh của sự giàu có nội dung, đa số người sử dụng Internet hiện nay muốn chỉ là “nhận thức” và không nhất thiết phải được thông báo với những thông tin cụ thể, điều đó có nghĩa là, với nhiều người khi sử dụng Internet chỉ cần dừng lại ở sự nhận thức và hiểu biết bối cảnh của thông tin.
Số hóa và phát hành nội dung số trên các trang web đã phá vỡ sự phụ thuộc vào quảng cáo trên báo chí truyền thống: khách hàng không còn cần báo giấy và tạp chí để truyền bá thông điệp của họ. Điều đó, đương nhiên làm giảm khối lượng của doanh thu quảng cáo.
Các nguồn lực tài chính của các tờ báo Mỹ giảm hai phần ba giữa cuối những năm 1990 (60 tỷ USD) và 2011 (20 tỷ USD). Một nghiên cứu của dự án của Trung tâm nghiên cứu Pew cho Excellence in Journalism [1] ở 121 tờ báo Mỹ cho thấy, trung bình, mỗi đồng đô la mới của doanh thu quảng cáo thu được của các tờ báo trên internet, họ sẽ mất bảy đô la doanh thu quảng cáo trong của họ trong truyền thông in ấn.
Hậu quả trực tiếp của cạnh tranh trên thị trường quảng cáo, công ty truyền thông đã thay đổi cách chúng ta nhận thức sản xuất thông tin và giá trị của nó. Trong một nghiên cứu dành cho các “báo chí kỹ thuật số” [2] tại các trường đại học Báo chí Lille trong tháng 5/2011, Jean-Marie Charon, nhà truyền thông xã hội học tại CNRS, đã tóm tắt:
Trên mạng Internet, xét đến cùng, nội dung thông tin báo chí chỉ là của một nguồn. Ngay từ đầu, các phương tiện truyền thông đã thấy trong phương tiện truyền thông mới đồng thời là mối đe dọa đối với mô hình kinh doanh của họ và, cùng một lúc, nó là một hình thức của cơ hội.
Trên thực tế, logic của sản xuất “nội dung” đã khiến giới truyền thông cạnh tranh với các công ty có hoạt động tập trung vào việc tiếp thị và dịch vụ theo định hướng giải trí, “giải trí”: Facebook, Google, Yahoo hay Microsoft. Như vậy, theo dự báo khác nhau, đến năm 2015 Facebook có thể nắm bắt được một phần năm của tất cả các quảng cáo trực tuyến. Bên cạnh sự cạnh tranh từ các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội khác và truy cập Internet có ảnh hưởng đến dòng chảy của các nhà cung cấp lưu lượng truy cập.
Một số biên tập viên đã quyết định phản ứng bằng cách đa dạng hóa thông qua các hoạt động mới. Báo chí nghề và kỹ thuật đã mở đường với doanh thu là từ 20 đến thậm chí 30% các hoạt động phụ trợ cho một mô hình khớp nối với công ty dịch vụ hoạt động.
Trong khi đó, hiện tượng của tự do mở cửa vào tình trạng thừa cung có sẵn. Những hình thức mới của sự cạnh tranh đã là một phần của một tảng băng chìm tổng thể cho báo chí hàng ngày mà đồng thời phải đối phó với suy giảm và lão hóa độc giả, khó khăn tài chính và sự tăng giá của giấy in.
(còn nữa)

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Hội tụ đa phương tiện



HỘI TỤ ĐA PHƯƠNG TIỆN


Nguyễn Bùi Khiêm

Đa phương tiện là sự cùng tồn tại và tương tác của một số phương tiện thông tin đai chúng trong cùng một môi trường hoặc bối cảnh thông tin.
Thuật ngữ “đa phương tiện” được đưa ra vào cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990, media xuất phát từ tiếng Latinh là “trung gian”, ở đây được hiểu như một “phương tiện bắc cầu để truyền bá thông tin”. Khi ta kết hợp với từ Multi (nhiều, đa) thì gần như có thể chuyển thành “một loạt các phương tiện”.
Trong những năm qua, thuật ngữ “đa phương tiện” đã có nhiều ý nghĩa. Theo học giả Maragliano, đa phương tiện có thể được hiểu như là sự hợp lưu của ba phương tiện truyền thông và truyền thống văn hóa:
- Báo chí với đặc trưng bởi tính khách quan, phân tích, có hệ thống;
- Hệ thống nghe nhìn (audiovision) với tính chủ quan, tính toàn cầu, mở,
- Cơ chế tương tác, nơi người sử dụng có một chức năng đồng tác giả. 
Mặc dù nghiên cứu tâm lý đã giúp mở rộng ý nghĩa của thuật ngữ, phân biệt giữa hai hình thức đa phương tiện: cách trình bày định dạng mà sử dụng nhiều kênh cảm giác, chẳng hạn như quá trình nhận thức cho phép việc trao đổi các kiến ​​thức và nhận thức mới.
Trong lĩnh vực truyền thông, khi truyền đạt thông tin về một cái gì đó chúng ta sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, có nghĩa là các phương tiện thông tin đại chúng có thể truyền tài hình ảnh chuyển động khác nhau (video), hình ảnh (pictures, photo), âm nhạc (music), văn bản (text) và đồ họa (graphic). Ví dụ, một bách khoa thư truyền thông” (chẳng hạn như Wikipedia), không thể giống như một bài báo hoặc một từ điển bách khoa toàn thư bình thường, vì nó có thể cho phép kết hợp cho từng hạng mục không chỉ giải thích của văn bản, mà còn hình ảnh, bản vẽ giải thích, phim, âm thanh, âm thanh bình luận... Nhờ khả năng biểu cảm và giao tiếp, đa phương tiện đã lan rộng trong mọi lĩnh vực của nền văn hóa và xã hội, từ giáo dục cho các trò chơi, từ tài liệu đến chương trình. Như vậy, nó liên quan đến tất cả các hình thức truyền thông.
Hội tụ đa phương tiện được thực hiện dựa trên những thành tựu của công nghệ kỹ thuật số để tạo ra một công cụ (mới) để cung cấp thông tin. Hội tụ có nghĩa là sử dụng một giao diện duy nhất cho tất cả các dịch vụ thông tin về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: giáo dục, an ninh, dịch vụ, ngân hàng, giải trí…
Nicholas Negroponte là một trong những người sáng tạo của lý thuyết hội tụ, theo đó, công nghệ kỹ thuật số cho phép tạo ra các giao diện được gọi là “tùy biến kỹ thuật số” như một thư ký riêng của mình, những người sẽ có thể tự động phân biệt xử lý các thông tin mà chúng ta quan tâm. Dòng chảy tự do của thông tin phù hợp với nhu cầu thông tin của người sử dụng sẽ đảm bảo rằng bạn đưa ra điểm mạnh và điểm yếu của khu vực này ngay lập tức dựa trên chất lượng cuộc sống trong các phạm vi, khu vực nhất định, mặt khác sẽ mang lại lợi ích lớn mang tính tổng thể kết nối với các sự kiện và các lĩnh vực được quan tâm. Có thể đưa ra năm quy luật chi phối sự hội tụ:
- Tất cả các thông tin có thể được chuyển đổi thành dạng kỹ thuật số và có thể hội tụ;
- Hội tụ là cơ sở đa phương tiện và loại bỏ sự phân biệt giữa các phương tiện thông tin liên lạc.
- Bản chất của hội tụ là làm cho các loại hình truyền thông có trước náo trở nên lỗi thời và thoát ra khỏi những áp đặt của bất kỳ quy tắc riêng có về loại hình truyền thông truyền thống;
- Hội tụ có quy luật tự nhiên của riêng mình;
- Hội tụ không phụ thuộc vào ranh giới của những nguyên tắc có tính chất hành chính./.

Hội tụ truyền thông là gì?



TRUYỀN THÔNG HỘI TỤ


Nguyễn Bùi Khiêm

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã dẫn đến sự thay đổi vai trò cho các nhà báo và những điều kiện cần thiết cho các nhà báo đa kỹ năng hoạt động tạo ra sự đột phá mang tính cách mạng về cách làm tin và đưa tin. Hình thức hoạt động mới của báo chí đặt ra yêu cầu mới về kỹ năng và quy trình sáng tạo các sản phẩm báo chí.
Ngoài nhiệm vụ truyền thống của họ, các phóng viên trở thành phải sử dụng máy camera, ghi âm; vừa là phóng viên, biên tập viên, vừa làm chủ nhiệm, trợ lý sản xuất, sản xuất và có thể phải trực tiếp sử dụng các chương trình biên tập.
Một xu hướng phát triển trong các nhà truyền thông là nhiều nhà báo có thể làm việc cho nhiều hơn một phần quy trình của truyền thông truyền thống. Các nhà báo phát thanh truyền thống hàng ngày phải nộp cả bản tin phát thanh (đương nhiên), bản tin video cho truyền hình và bản text cho báo in và cho các phiên bản trực tuyến của tờ báo của họ. Đó chính là sự hội tụ.
Từ thực tiễn hoạt động đó, khoa học báo chí đang đi theo một đường hướng rõ ràng. Hầu hết các khóa học báo chí ở các cơ sở đào tạo đã và đang phải có bước dịch chuyển về chương trình đào tạo với những nội dung và kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp truyền thông cho các nhà báo đa kỹ năng. Sinh viên được đào tạo để học các kỹ năng không chỉ trong phương tiện truyền thông truyền thống mà còn trên nhiều nền tảng phương tiện truyền thông.
1. Lý thuyết về truyền thông hội tụ 
Hội tụ công nghệ là xu hướng tích hợp vào một hệ thống nhiều công nghệ khác nhau để phát triển theo hướng thực hiện nhiệm vụ tương tự. Hội tụ có thể tham khảo công nghệ riêng biệt đã có từ lâu nay như giọng nói (voice), dữ liệu (data, text, graphic), và hình ảnh (video) thành một nguồn tài nguyên có thể chia sẻ và tương tác với nhau.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số vào cuối thế kỷ 20 đã làm cho nó có thể cho các tổ chức phương tiện truyền thông có thể phát hành, cung cấp văn bản, âm thanh và tài liệu video qua các phương thức truyền tin có dây, kết nối không dây, hoặc cáp quang cùng. Đồng thời, nó lấy cảm hứng từ một số tổ chức phương tiện truyền thông để khám phá giao thức đa phương tiện thông tin (Multimedia). Thuật ngữ hội tụ kỹ thuật số của phương tiện truyền thông (Mediamorphosis) của nhà nghiên cứu Roger Fidler đưa ra trong một cuốn sách của ông từ năm 1997. 
Ngày nay, chúng ta được bao quanh bởi một phương tiện truyền thông hội tụ đa cấp mà tất cả các phương thức truyền thông và thông tin liên tục để thích ứng với nhu cầu lâu dài của công nghệ: “thay đổi cách chúng ta tạo ra, tiêu thụ, tìm hiểu và tương tác với nhau”.
Hội tụ trong trường hợp này được định nghĩa là sự nối kết với nhau các máy tính và công nghệ thông tin khác, nội dung truyền thông, và các mạng lưới thông tin liên lạc đã phát sinh như là kết quả của sự phát triển và phổ biến của Internet cũng như các hoạt động, các sản phẩm và dịch vụ đã xuất hiện trong các không gian phương tiện truyền thông kỹ thuật số. 
2. Hội tụ truyền thông
Hội tụ truyền thông là giao điểm giữa phương tiện truyền thông cũ và mới. Jenkins nói rằng hội tụ truyền thông: “Là dòng chảy của nội dung thông tin trên nhiều nền tảng phương tiện truyền thông, sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp truyền thông và hành vi dịch chuyển (moblie) của công chúng sử dụng  phương tiện truyền thông”.
Phương tiện truyền thông hội tụ không chỉ là một sự thay đổi công nghệ, quy trình công nghệ, nó cũng bao gồm những thay đổi trong mô hình công nghiệp, văn hóa và xã hội khuyến khích người tiêu dùng để tìm kiếm thông tin mới. Hội tụ, chỉ cần đặt, là cách người tiêu dùng cá nhân tương tác với những người khác trên phương diện xã hội và sử dụng nền tảng phương tiện truyền thông khác nhau để tạo ra những trải nghiệm mới, hình thức mới của phương tiện truyền thông và nội dung kết nối xã hội, và không chỉ cho người tiêu dùng khác, nhưng các nhà sản xuất của công ty của phương tiện truyền thông trong những cách mà đã không được như dễ dàng tiếp cận trong quá khứ.
Những tiến bộ trong công nghệ mang lại khả năng hội tụ công nghệ mà Rheingold tin rằng có thể thay đổi “hiệu ứng xã hội” mà bên trong đó “thế giới ảo, xã hội và thể chất được va chạm, kết hợp và phối hợp”.
Nó đã được dự đoán trong những năm 1990 rằng một cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ diễn ra, những phương tiện truyền thông cũ sẽ được đẩy sang một bên bởi phương tiện truyền thông mới. Báo chí nói chung, trong đó có phát thanh, truyền hình ngày càng được thay thế bằng Internet, cho phép người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới được tự do truy cập nội dung phương tiện truyền thông ưa thích của họ dễ dàng hơn và với tốc độ ngày càng hơn.
Trong xã hội ngày nay, ý tưởng của phương tiện truyền thông hội tụ đã một lần nữa nổi lên mang tính cách mạng với mô hình phương tiện truyền thông cũ ngày càng được thay thế bằng phương tiện truyền thông mới. Mô hình hội tụ cho thấy rằng phương tiện truyền thông mới và cũ sẽ tương tác theo những cách phức tạp hơn so với dự đoán trước đây. Sự thay đổi mô hình theo sau cuộc cách mạng kỹ thuật số cho rằng phương tiện truyền thông mới đã được thay đổi ở tất cả mọi khía cạnh khác nhau. 
Phương tiện truyền thông hội tụ, trong thực tế, không chỉ là một sự thay đổi trong công nghệ. Nó làm thay đổi mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp, công nghệ, khán giả, thể loại và thị trường. Phương tiện truyền thông hội tụ về cơ bản là một quá trình chứ không phải là kết quả, vì vậy không có hộp đen kiểm soát dòng chảy của phương tiện truyền thông. Với sự phát triển của các kênh truyền thông khác nhau và tính di động ngày càng tăng của viễn thông mới và các công nghệ máy tính, chúng ta đã bước vào một thời đại mà phương tiện truyền thông liên tục bao quanh chúng ta.
Phương tiện truyền thông hội tụ yêu cầu công ty truyền thông xem xét lại những giả định hiện tại về phương tiện truyền thông từ quan điểm của người tiêu dùng, như những ảnh hưởng tiếp thị và quyết định lập trình. Các nhà sản xuất phương tiện truyền thông phải trả lời cho người tiêu dùng mới được trao quyền.
Ngược lại, có vẻ như phần cứng đó là thay vì phân kỳ trong khi nội dung phương tiện truyền thông đang hội tụ. Phương tiện truyền thông đã phát triển thành thương hiệu có thể cung cấp nội dung trong một số hình thức. Hai ví dụ về điều này là Star Wars  The Matrix. Cả hai đều là những bộ phim, nhưng cũng là những cuốn sách, trò chơi video, phim hoạt hình, và con số hành động. Xây dựng thương hiệu khuyến khích mở rộng của một khái niệm, chứ không phải là việc tạo ra các ý tưởng mới. Trong khi đó, phần cứng đã đa dạng hóa để thích ứng hội tụ truyền thông. Phần cứng phải được cụ thể cho từng chức năng.
3. Sức mạnh và điểm yếu của truyền thông hội tụ
Một tác động tích cực của hội tụ là hiệu quả trong việc tạo ra nội dung và sản phẩm cho phép để thỏa mãn nhu cầu thông tin của người tiêu dùng. Đài truyền hình được phép có sâu hơn báo cáo vì quan hệ đối tác với báo. Báo chí và các đài truyền hình được phép cung cấp các báo cáo đa phương tiện đầy đủ các sự kiện thông qua Internet.
Tuy nhiên, một trong những tác động tiêu cực của báo chí hội tụ là lợi ích ít hơn là kiểm soát các thông tin cung cấp cho khán giả đại chúng. Dường như không có ai đặc biệt quan tâm trong rà soát thông tin trên Web, trên thực tế là không thể kiểm soát được.
Ý tưởng “dân chủ hóa thông tin” là tuyệt vời, tuy nhiên, có vẻ như chúng ta vẫn cần một cái gì đó hoạt động như một người gác cổng.  Cơ cấu báo chí truyền thống với người gác cổng của nó - biên tập viên và nhà xuất bản - chắc chắn là không hoàn hảo, nhưng nó đã cố gắng để sản xuất tin rằng có phần khách quan. Khách quan dường như là một giá trị bị loại bỏ trong xã hội hiện tại của chúng ta.
Tóm lại, sự xuất hiện của hội tụ truyền thông đáp ứng nhu cầu công nghệ kỹ thuật số đã được nâng lên trong vài năm qua. Và điều quan trọng là phải hiểu rằng hội tụ làm sáng tỏ về tương lai của các phương tiện truyền thông và những biến đổi đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Với các chuyên gia và sinh viên báo chí trong sự nghiệp báo chí tương lai của họ, những chuyển biến mới mang tính thời đại đã đặt ra những yêu cầu rất quan trọng để tìm hiểu những gì hội tụ truyền thông nói chung, báo chí nói riêng với những thách thức mà công nghệ đã mang lại.
Trong tương lai, phương tiện truyền thông truyền thống phải nắm lấy phương tiện truyền thông mới. Các nhà báo phải được trang bị kiến ​​thức, kỹ năng nhiều hơn. Và họ sẽ cần phải tham gia với một loạt các công nghệ và phong cách làm việc, cả trong và ngoài kỹ năng nghiệp vụ báo chí truyền thống.


Nguyenbuikhiem@gmail.com