Khiemnguyen

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Làm gì?


(2009 chép lại)
Hồi còn đi học và sau này đã đi làm, câu hỏi hay tự hỏi nhau và đưa ra trong các câu chuyện bàn trà là câu hỏi “làm gì?”. Đó là câu hỏi của VI Lênin. Từ hơn 100 năm trước Lenin đã đặt ra câu hỏi đó để cho hậu thế luôn trăn trỏ và day dứt tìm câu trả lời.
Làm gì? tại sao phải hỏi vậy. Đơn giản nhiều khi chúng ta chẳng biết làm gì cả. Chúng ta bất lực với chính những gì mình có. Một ngày mới, một tuần mới với đầy những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra phía trước nhưng phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu làm cái gì, làm như thế nào?... bao câu hỏi được đặt ra nhưng khó quá để mà tìm cho mình một câu trả lời phù hợp hoặc khả thi.
Cách đây mấy năm, một ông anh đi Pháp về cho rằng, chẳng phải riêng ở mình, cả Pháp cũng vậy, đời sống công chức cũng quanh quẩn và buồn lắm. Bệnh văn phòng công sở không phải chỉ có đất nước đang phát triển như mình mà là căn bệnh chung của dân Văn phòng. Hình như đã có ai đó cho rằng tồn tại xã hội và ý thức xã hội luôn luôn bất cập với nhau, giả như có sự thống nhất với nhau cũng chỉ là tạm thời, còn cơ bản là bất cập. Bất cập khác với mâu thuẫn, có thể bất cập quá mà không cập được sẽ phát triển thành mâu thuẫn. Bất cập ở được hiểu như sự chậm hơn ở những quyết sách của công quyền so với sự phát triển ngoài xã hội. Bất cập liên quan đến từng con người, từng mối quan hệ trong công việc và bất cập trong chính mỗi người.
Năm năm trước, có người tốt nghiệp loại giỏi ở một trường đại học, được tuyển dụng vào cơ quan để làm công nghệ thông tin. Phải giỏi mới về được, phải giỏi mới làm được những việc mà lâu dài sẽ mang tầm vĩ mô chi phối hoạt động của cả một hệ thống công nghệ. Dĩ nhiên tầm vóc của nó phải cao hơn mấy đứa cũng học trường đấy ra, nhảy việc hết công ty này đến công ty khác mà công việc chủ yếu là đi lắp đặt, cài đặt, giao hàng, bảo trì máy tính. Tuy nhiên bất cập ở chỗ, cái đứa ở ngoài cứ chỗ nào lương cao là nó nhảy đến, thấp hơn thì nó bỏ, bị o ép hoặc khó chịu nó cũng bỏ. Còn anh vào cơ quan oách này thì chẳng có cửa nào, thu nhập thì đã có quy định cụ thể, anh có giỏi đến mấy cũng phải đắt đầu từ khởi điểm, ba năm một lần lên lương với level cho một lần chỉ đủ dăm lần ăn sáng. Lâu nay người ta hay lảng tránh chuyện thu nhập, cho rằng hãy xem lại mày đã làm được cái gì, cống hiến được cái gì rồi mới nghĩ đến chuyện thu được cái gì nhé. Mà cũng chỉ nên nghĩ đến thôi, khoan hãy nói chuyện đòi hỏi hay đề xuất. Quanh đi quanh lại, năm năm trôi qua, sự trì trệ của thu nhập làm hèn đi cái thằng con người lúc nào không biết. Cái đứa làm ngoài nhảy như con cóc hết công ty này đến công ty khác lương đã kha khá, vốn sống đã kha khá, trình độ năng lực cũng được update thường xuyên. Trái lại, cái thằng cơ quan loanh quanh hết đề án này đến đề án khác, toàn đề án trên giấy với biết bao nhiêu tri thức ở tầm bán vĩ mô nhưng thu nhập cũng mới chỉ tăng thêm dăm bát phở bình dân nữa so với mức khởi điểm, đồng hành với điều đó là gần như quên mặt luôn với những trình độ phát triển của công nghệ. Hèn đi từ trình độ đến cả nhân cách. Nhân cách ở đây không bàn nặng về vấn đề đạo đức mà chỉ thuẩn về lối sống. Ông đi đâu, làm gì thì cũng phải gặp anh em chiến hữu, chuyện  chuyên môn làm ăn đã đứng ra một bên rồi, chuyện cốc bia con mực gì thì gì cũng phải bữa anh bữa chú, không lẽ ăn không của chúng nó mãi, mà đem mấy bát phở ra để đãi chúng nó hoặc là thiếu, hoặc là ngày mai mình nhịn…
Bất cập là vậy, nhưng làm gì để giải quyết vấn đề thật là khó. Ai đó nói rằng mày cảm thấy bất cập, cảm thấy không có gì cho mày thì mày nhảy đi, ra ngoài đi. Ôi thôi, sự trì trệ, sự dốt nát đã phủ kín suy nghĩ và chèn kín bước chân của kẻ thut khoa ngày nào rồi. Chưa nói đến mộng khanh hầu, mũ áo đã đè nặng lên hắn. Đi đâu, làm gì? Ai trả lời được nhỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét