Khiemnguyen

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Danh nhân làng báo Việt Nam - Đào Trinh Nhất



ĐÀO TRINH NHẤT(1900-1951)
MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANH
                                                                   
Nguyễn Đình Chú
   Đào Trinh Nhất là nhân vật đã được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển Ba ở mục Truyện ký và lịch sử ký sự mệnh danh là “một tay kỳ cựu trong làng văn làng báo Nam kỳ và Bắc kỳ”. Đặc biệt, ngày ông qua đời (23/02/1951), báo chí trong Nam ngoài Bắc đã tôn vinh, dành cho ông không ít lời tốt đẹp: “Một lão thành trong làng báo”, “Một anh tài”, “Một kiện tướng trong văn giới, báo giới”, “Một ký giả lão thành”, “Một nhà báo kiêm sử gia có tiếng”, “Học vấn uyên thâm và thiên tài về nghề báo”, “Một danh tướng trong làng báo Việt Nam”... điếu văn của chủ nhiệm báo Cải tạo, nơi ông là chủ bút thì viết: “Nhớ anh xưa: khoa bảng nhà dòng, văn chương nếp cũ/ Học nhiều biết nhiều, Tây có Nho có/ đường trường dong vó ngựa, Nam tiến bao phen. Bể rộng vượt cánh hồng, Tây du mấy độ/ Cành câu cơm áo, đường công danh dơ gót mặt đua chen/Ngòi bút sắc đanh, trường ngôn luận thích đóng vai tự chủ”.
Vậy mà thời gian ít nhiều đã lãng quên ông.
Ngay người viết bài này, gần nửa thế kỷ trước đã phục ông khi đọc Nước Nhật Bản 30 năm duy tân và Đông Kinh nghĩa thục nhưng rồi cũng chỉ ngừng ở đấy. May mắn gần đây có ông Đào Duy Mẫn, một người nhiệt tâm với thân tộc, sau khi thành công với tuyển tập Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ mà tôi cũng có tham gia trong việc giới thiệu bài Văn sách thi Đình của cụ Hoàng Giáp cách đây vài năm, nay lại làm tiếp Tuyển tập tác phẩm Đào Trinh Nhất và cũng mời tôi tham gia. Quả thật lần này, nhờ sự hỗ trợ tư liệu của ông Đào Duy Mẫn mà tôi được tiếp cận với tác giả Đào Trinh Nhất tương đối đầy đủ hơn trước nhiều thì lòng cảm phục đã tăng lên gấp bội lần.
Tôi thấy đây là một ngòi bút có tài, có tầm, có tư tưởng không dễ có nhiều ở đương thời, cần được làm sống dậy cho xứng với tác giả đã đành mà còn cần cho đông đảo độc giả, những ai đang tha thiết quan tâm đến việc kho báu văn hoá tinh thần của dân tộc giữa thời buổi hội nhập gấp gáp, sôi động chưa từng có, được nhiều mà mất cũng không ít.
Đào Trinh Nhất xuất thân với nghề làm báo. Ông từng là chủ bút hoặc bỉnh bút của nhiều tờ báo khắp Nam Bắc trong khoảng 30 năm trời. Hữu Thanh tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Trung Hoà nhật báo, Đông Pháp (phụ trương bằng Việt ngữ của tờ France Indochine), Phụ nữ tân văn, Thần trung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Mai, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Sài Gòn mới, Ánh sáng, Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Việt thanh, Cải tạo. Thời gian du học ở Pháp (1926-1928), ông đã viết trên Việt Nam hồn.
Không biết trong làng báo nước ta xưa nay đã có bao nhiêu người có mặt trên nhiều báo chí như Đào Trinh Nhất mà phần lớn lại là báo có thanh thế, nhiều độc giả của đương thời. So với nhiều người làm báo cùng thời, Đào Trinh Nhất có mấy điều lợi thế hẳn hoi.
- Một, ông là con của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, từng là yếu nhân của trường Đông Kinh nghĩa thục. Cái tên trường Đông Kinh nghĩa thục là do cụ đề xuất và được chấp nhận. Cụ lại là người làm báo đầu tiên của miền Bắc: Đốc biện (tức chủ bút) Đại Nam đồng văn nhật báo, chủ bút Đại Việt tân báo là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội một nửa bằng chữ Hán, một nửa bằng chữ quốc ngữ (năm 1905). Năm 1907, đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành Đăng cổ tùng báo có quan hệ gần gũi với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, trong đó phần chữ Hán vẫn do cụ làm chủ bút. Trường Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại được 9 tháng (3/1907-12/1907) thì bị giải tán. Năm 1908, sau vụ Hà thành đầu độc binh lính Pháp, các cụ tham gia Đông Kinh nghĩa thục bị khủng bố. Cụ Đào Nguyên Phổ bị truy lùng ráo riết. Trong cơn nguy nan đó, để tránh phiền toái cho người thân và những người từng cưu mang che chở cho mình, cụ đã quyên sinh. Cuộc sống cao cả của người Cha như vậy chắc hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến người con, mặc dù lúc cha qua đời thì con mới lên 8 tuổi.
Đào Trinh Nhất chịu ảnh hưởng cha trước hết là về nhân cách một con người đã sống chết với chính nghĩa, với lý tưởng ích quốc lợi dân, với nhiệt tình duy tân đất nước. Và dĩ nhiên còn là ảnh hưởng về sở thích, về khả năng làm báo trong đó có ký sự, có sử học. Một đời cầm bút của Đào Trinh Nhất đã để lại rất rõ những ảnh hưởng sâu đậm đó. Đây là hiện tượng cha truyền con nối, cha thế nào, con thế ấy, khá đẹp. Đào Trinh Nhất là người con có hiếu. Có thể chưa làm được một việc lớn như cha, nhưng ít ra cũng không làm việc gì đi chệch hướng của cha.
- Hai, Đào Trinh Nhất cũng có điều này khác với nhiều người làm báo đương thời. Ấy là chỗ, có những nhà báo nổi danh, ngang hoặc hơn cả Đào Trinh Nhất như Tản Đà, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Ngô Tất Tố... nhưng đến với công việc viết báo, chủ yếu vẫn chỉ bằng văn hoá Hán học, dĩ nhiên ít nhiều đã được hiện đại hoá. Ngược lại không ít người làm báo khác cũng nổi tiếng như Hoàng Tích Chu hay như các cây bút của Phong hoá, Ngày nay thì hầu hết lại chỉ có Tây học. Trong khi ở Đào Trinh Nhất là vừa Hán học, vừa Tây học. Về Hán học, với ông, ngày học trường Đông Kinh nghĩa thục đã có được một ít. Sau đó, học thêm và đã dự kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 dù không đỗ. Về Tây học, ông là học sinh trường Quốc tử giám ở Huế mà chương trình học vừa có Hán học vừa có Tây học. Sau đó từ năm 1926 đến 1928, ông lại cùng Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn du học Pháp, chuyên ngành báo chí. Đọc vào báo phẩm, văn phẩm của Đào Trinh Nhất, ta thấy rõ các thế mạnh, chỗ hơn nhiều người khác của ông chính là ở vốn tri thức vừa có Hán, vừa có Tây, vừa có cổ, vừa có kim. Và chính đó đã lộ tư cách học giả của ông ngay trên mặt báo chí.
- Ba, cũng còn một nét khác giữa công việc làm báo của ông so với nhiều người làm báo khác đương thời là ông ít viết theo từng bài lẻ, mà viết theo chủ điểm lớn, viết theo hệ thống, theo chuyên đề... để rồi xâu chuỗi lại là thành một công trình chuyên khảo. Không ít công trình chuyên khảo của ông được in về sau là kết quả của một trạng thái làm báo mang phong cách riêng đó.
                                                                   
Nguyenbuikhiem@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét