Khiemnguyen

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Đọc thấy hay hay... coppy về cho các bạn tham khảo!

Từ nguyên Hy vọng sau khi đọc những từ nguyên dưới đây các bạn sẽ hiểu rõ hơn những từ trước đây thường hay sử dụng nhưng không hiểu rõ lắm   英雄 Anh hùng: anh là tinh hoa của loài cây, hùng là tinh hoa của loài thú, nên anh hùng dùng chỉ kẻ hơn người. Cũng có lối giải thích Kẻ biết được mình là anh, kẻ thắng được mình là hùng (Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng), tóm lại anh hùng đều chỉ kẻ có tài thức, tố chất hơn người. 影響 Ảnh hưởng: ảnh là cái bóng của vật, hưởng là âm vang của tiếng, chỉ kết quả tất yếu và khách quan của một sự kiện hay quá trình, về sau còn được dùng như động từ, chỉ sự tác động của một hoặc nhiều sự vật tới một hoặc nhiều sự vật khác. 騈偶 Biền ngẫu: biền là hai con ngựa được thắng vào một chiếc xe, ngẫu là số chẵn, biền ngẫu là bằng vai sóng đôi với nhau. Loại văn chương có hai vế đối nhau vì thế được gọi chung là biền văn hoặc văn biền ngẫu. 孤立- 獨立 Cô lập – Độc lập: cô là lẻ loi, độc là một mình, lập là đứng, nghĩa bóng là tồn tại. Cô và lập có ý nghĩa tương đồng nhưng cô lập khác độc lập là vì từ pháp, tức cô trong cô lập là động từ còn độc trong độc lập là tính từ. Động từ cô lập này cũng có hai thể chủ động (làm cho kẻ khác bị lẻ loi) và bị động (bị kẻ khác làm cho thành lẻ loi). 固執- 堅持 Cố chấp – Kiên trì: cố là chắc, chấp là cầm, kiên là bền, trì là giữ, đều có ý nghĩa cầm chắc giữ bền, nhưng qua thực tế sử dụng của người Việt thì chúng đã được gán cho những sắc thái tình cảm – tâm lý khác nhau, ví dụ kiên trì thường được dùng trong trường hợp có thiện cảm còn cố chấp thì trong trường hợp có phản cảm, tương tự cặp từ kiên cường – ngoan cố, ví dụ quân ta thì kiên cường đánh trả chứ quân địch thì nhất định phải là ngoan cố chống cự vân vân. 斟酌 Châm chước: đều là rót chất lỏng như trà rượu, nói chung phải ước lượng vật đựng lớn nhỏ cạn sâu thế nào để không bị đổ bị tràn, nên châm chước chỉ việc đắn đo tính toán kỹ càng trước khi làm. Tuy nhiên từ này còn có một ý nghĩa khác vì châm và chước có những nét nghĩa khác nhau. Châm là rót rượu vào bầu hay rót nước vào bình pha trà, chước là rót rượu từ bầu hay rót trà từ bình ra chén (chữ chước có một biến âm là chuốc tức rót mời, như chuốc trà chuốc rượu), tóm lại càng rót thì lượng rượu trà càng ít đi, nên từ này còn được dùng với nghĩa làm cho bớt đi, ví dụ từ kỷ luật hạ xuống cảnh cáo rồi từ cảnh cáo hạ xuống khiển trách vân vân đều là nhờ châm chước. 猶豫- 狐疑 Do dự: dự là chuẩn bị, do là một loài thú giống khỉ, leo cây rất giỏi nhưng nhút nhát, ở trong núi nghe có tiếng động là sợ người ta tới bắt, vội vàng leo lên cây, hồi lâu mới dám xuống nhưng lại leo lên, cứ thế mấy lần, lúc nào cũng nơm nớp chuẩn bị, nên gọi là do dự. Lại có thuyết nói tục vùng Lũng Tây Trung Quốc gọi chó là do, chó theo chủ ra ngoài thường chạy lên trước rồi dừng lại chờ, nếu lâu không thấy chủ tới lại quay lại đón, cứ thế đi đi lại lại, nên người ta gọi việc ngần ngừ không quyết bề nào là do dự, người Việt Nam thường dùng từ do dự theo nghĩa này. Hồ là con cáo, tính cáo hay nghi ngờ nên người ta gọi kẻ đa nghi là hồ nghi. Tóm lại Do dự hồ nghi là Lo lắng như do (hoặc Phân vân như chó), đa nghi như cáo. 特別 Đặc biệt: đặc là một con bò, trong nghi lễ thời vua Thuấn có một lễ tế chỉ giết một con bò, gọi là lễ Đặc. Biệt là riêng biệt, tách ra. Đặc biệt lúc đầu dùng chỉ những hiện tượng, sự vật đơn nhất, độc đáo không thuộc hệ thống nào, về sau được mở rộng ý nghĩa, dùng để nhấn mạnh một hiện tượng, sự vật nào đó. 嫁娶 Giá thú: giá là gả chồng, thú là cưới vợ. Giá thú được dùng chỉ việc cưới vợ gả chồng nói chung. Trước 1975 chính quyền miền Nam gọi giấy đăng ký kết hôn là giấy giá thú là theo ý nghĩa này. 領袖 Lãnh tụ: lãnh là cổ áo, tụ là ống tay áo. Đây là hai bộ phận đầu tiên mà khi mặc áo người ta phải nắm lấy, nên sau dùng ví với người đứng đầu, người quan trọng nhất của một tổ chức hay phong trào. 潤筆 Nhuận bút: làm ướt ngòi bút. Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, nếu lâu ngày ngòi bút không được thấm ướt lông sẽ khô giòn gãy rụng (câu “Trúc se ngọn thỏ…” trong Truyện Kiều là chĩ chuyện này), nên kẻ xin văn xin chữ người ta rồi thù lao bằng tiền thì nói nhã là tiền nhuận bút. Về sau các nhà xuất bản, tòa báo trả tiền sách tiền bài cho tác giả cũng dùng từ này, dù rằng hàng trăm năm nay đại đa số người viết đã không dùng bút lông nữa. Cái lạ là khi trả tiền cho ảnh đăng báo người ta lại gọi là nhuận ảnh (làm ướt ảnh hay máy ảnh?)… Riêng chữ nhuận này còn biến âm thành từ nhuần trong tiếng Việt như nhuần thấm, nhuần nhã (chỉ dáng vẻ sáng sủa tươi tắn), nhuần nhị (chỉ dáng vẻ mềm mại mịn màng). 宂擾 Nhũng nhiễu: quấy rầy không cho yên, dường như chính từ này đã biến âm thành nhõng nhẽo. 複雜 Phức tạp: phức là áo nhiều lớp, tạp là nhiều sự vật xen lẫn với nhau. Phức tạp dùng chỉ trạng thái hay hiện tượng nhiều sự vật khác nhau trộn lẫn đan xen với nhau, khó nhận dạng và phân biệt rạch ròi./.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Văn báo bất phân

 

Văn chương
và văn chương của nhà báo
(Đáp lại Đuốc nhà Nam)


Đọc Đuốc nhà Nam(*) số 9, thấy có bài xã thuyết đề là Thế nào gọi là văn chương có giá trị? ở trong, Đuốc nhà Nam bàn phiếm về sự làm văn, lại có phô bày lối văn riêng của mình mà phản chứng với các báo khác rằng: "Xin các quý đồng nghiệp biết cho".
Vả chúng tôi chẳng cũng là một bạn đồng nghiệp với quý báo Đuốc nhà Nam. Đã là bạn thì gặp một việc gì, có cái nghĩa phải giảng bàn cùng nhau, mà dầu cho có trách bị nhau chút đỉnh cũng vô hại. Bởi vậy hôm nay chúng tôi dám lấy cái tư cách một người bạn mà đáp lại bằng bài nầy.
Quý báo nói rằng văn chương phải cho rõ ràng, êm ái, đứng đắn, mà không nên cầu kỳ, khổ khắc, nặn nọt quá; quý báo lại tỏ ra rằng không ưa cái lối văn đọc lên như rồng bay phụng múa mà kỳ thiệt là có xác(1) không hồn. Những lời đó chúng tôi xin biểu đồng tình, vì đối với văn chương chúng tôi cũng vẫn nghĩ như vậy.
Song đến về phần riêng quý báo, quý báo nói rằng mình không chuộng ở lời văn, mà chuộng ở tư tưởng; cho nên, về văn không cần phải trang sức, không cần phải điểm tô. Mấy lời đó thì chúng tôi chưa dám tin.
Nhiều người phê bình một cách sâu độc rằng quý báo nói như vậy là để giấu cái vụng của mình đi; song chúng tôi không bao giờ nói thế; chúng tôi chỉ nói rằng quý báo tin mình hơi quá mà thôi.
Muốn cho rõ nghĩa cái câu chúng tôi vừa mới nói đây, chúng tôi xin lại bắt đầu phiếm luận về văn chương.
Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: tín, đạt, mỹ.
Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó.
Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó.
Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó.
Bất kỳ văn nước nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được.
Coi đó thì cái đẹp trong văn chương không phải là cái đáng khinh. Đáng khinh là văn không tín không thông chỉ có cái đẹp mà thôi; còn như đã tín đã thông mà lại còn thêm đẹp nữa, thì cái văn ấy ta rất nên quý chuộng.
Tuy vậy, đó chỉ là phiếm luận về văn chương thôi, chớ đối với sự làm văn của chúng ta là kẻ viết báo quốc ngữ ngày nay, chúng tôi lại có một cái chủ trương khác. Vì vậy chúng tôi lại luận đến văn chương của nhà báo.
Về sự chúng ta viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng "tín" và "thông" đi đã, chớ chưa vội nói đến cái "đẹp". Điều đó ý chúng tôi cũng hơi giống với quý báo, chỉ khác một chút là chúng tôi nói chưa vội, mà quý báo nói không cần ấy thôi.
Chúng tôi nói chưa vội, là vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn,(1) thì bước thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo, cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam vậy.
Thật thế, về sự viết văn, chúng tôi chưa hề khi nào nghĩ đến cái đẹp, mà chỉ cầu cho thông là đủ. Chúng tôi tưởng các nhà làm báo ta bây giờ, ai đã thông rồi mà bước lên đến cái đẹp là càng hay, còn ít ra cũng phải lấy mực thông làm hạn.
Muốn cho thông, thì chúng ta viết văn cốt phải đúng theo văn pháp (tức là sách mẹo) và luận lý học. Tuy sách văn pháp và sách luận lý học của ta bây giờ chưa có, song chúng ta, những người làm báo đây, đều là do Hán học hoặc Tây học mà ra, thì khó gì mà chẳng lấy mẹo luật của văn nước người đem ghép vào văn nước mình? Vì về văn pháp, mỗi nước chỉ khác một ít, còn luận lý học thì đâu cũng giống nhau, hễ đã thông văn nước ngoài, thì cũng có thể suy ra làm thông văn nước mình được vậy.
Nói đến đây, chúng tôi sực nhớ đến một vài chỗ khuyết điểm trong quý báo. Mà cũng vì trong quý báo, số 9, có xin đồng bào chỉ giáo cho những chỗ sai sót về chương trình, bài vở v.v..., cho nên bổn báo đây, không những là đồng bào, mà lại đồng nghiệp, mới dám chỉ ra một vài; tuy vậy, chỉ mà thôi, chớ không dám giáo.
Chẳng nói đâu xa, chỉ một bài "Vì sao tôi lãnh Đ. N. N." trong số 9 Đ. N. N. là đủ cho chúng tôi phàn nàn về lối văn của quý báo.
Cả một bài ấy phần nhiều câu không có chủ thể (sujet). Như, thình lình nổi lên nói rằng: "Nay đem hết tâm chí v.v...", và "Lúc nhỏ theo thầy v.v..." thì chúng tôi chỉ có lấy ý mà hiểu, chớ như cứ theo văn pháp thì chẳng biết ai là kẻ hành động trong những câu nầy. Quý báo đã hô lớn lên rằng văn chương phải cho rõ ràng, mà như vậy thì chẳng biết có rõ ràng không nhỉ?
Cũng trong bài ấy, "Học rồi, hành sự", dứt ngay làm một câu. Chúng tôi chẳng khi nào tin rằng chỉ như vậy mà đứng làm một câu được, vì nó chỉ có mấy tiếng động từ (verbe) không mà thôi.
Có một cách rất tiện cho những người nào thạo chữ Pháp mà muốn viết quốc ngữ là khi nào một câu quốc ngữ mà muốn biết nó có thể đứng được chăng, chỉ cứ nắm đó mà dịch ngay ra chữ Pháp thì biết.
Mà nếu đem câu đó ra dịch từng tiếng một chữ Pháp, thì sợ e không đúng.
ấy là chỉ ra vài chỗ của quý báo không đúng với văn pháp.
Cũng trong bài đó, mở ra nói rằng: "Thấy số báo nầy chắc ai cũng hỏi: Sao Dương Văn Giáo lại lãnh cầm Đuốc Nhà Nam?"
Chúng tôi chẳng hiểu nói như vậy là có ý nghĩa gì. Vả chăng, Dương Văn Giáo lãnh Đuốc Nhà Nam thì cũng như Diệp Văn Kỳ lãnh Đông Pháp thời báo, Dejean de la Bâtie lãnh Echo Annamite, v.v..., chớ có gì lạ đâu mà ai phải hỏi làm chi? Nếu tự mình chắc là ai cũng hỏi thì trước phải tỏ ra cái cớ tại làm sao; nếu không, thì chẳng ai hiểu ý mình làm sao cả.
Trong bài xã thuyết số 10, lại có câu: "Mục đích bổn báo là soi dọi ngọn đuốc mới mẻ trong buổi bình minh", câu này cũng hỏng.
Bình minh là lúc sáng thiệt mặt, đối với lê minh là lúc mờ mờ sáng. Thường người ta dùng đuốc trong lúc trời tối, chớ đã sáng trắng rồi, còn ai cần đuốc làm chi? Vậy thì sao lại nói rằng dọi ngọn đuốc trong lúc bình minh?(*)
ấy là chỉ ra một vài chỗ của quý báo không đúng với luận lý học.
Tự vị chữ ta đã có lâu rồi, bây giờ chúng ta cần nhứt phải viết đúng theo tự vị. Thế mà quý báo coi ý không chăm về chỗ đó, cho nên quảng cáo thì viết ra quản cáo, phô bày thì viết ra phô bài, song quý chủ nhiệm đã có nói rằng: "Tôi vẫn biết ai ai cũng viết "khó khăn" mà tôi muốn viết "khó khăng"; đã tự ý muốn chi thì muốn, thì còn ai nói vào làm chi?
Quý báo một nói ít chú trọng về văn chương, hai nói không chuộng ở lời văn mà chuộng ở tư tưởng; chúng tôi lại còn đem văn chương nói với quý báo, chi cho khỏi lấy làm rầy tai. Song chúng tôi tưởng, sự trung cáo(*) nầy cũng là một cái bổn phận chúng tôi.


T. V.(**)
Đông Pháp thời báo,
Sài Gòn, s. 787 (27.10.1928)

(*) Đuốc nhà Nam, nhật báo, cơ quan của đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, số 1 ra ngày 26.9.1928, số cuối (số 461) ra ngày 6.7.1937.
(1) Theo quý báo nói là "có cốt không hồn" (nguyên chú của tác giả).
(1) Sách mẹ tức là grammaire; các sách thuộc về phép làm văn như sách Luận lý học (Logique) và Tu từ học (Rhétorique). (nguyên chú).
(*) Xem thêm lời bình về hình minh họa tên báo Đuốc nhà Nam trong bài ký Tân Việt ở mục Câu chuyện hằng ngày (Đ.P.T.B.,2.10.1928).
(*) trung cáo: thẳng thắn, khuyến cáo, không sợ mất lòng (theo Đào Duy Anh, Sđd.)
(**) Bài này ký T.V. tức là Tân Việt, bút danh dùng chung của Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ khi viết cho mục "Câu chuyện hằng ngày" của Đ.P.T.B. Theo tôi (NST), bài này là của Phan Khôi.

 

Tự do báo chí thời chiến tranh thế giới lần thứ 2

 

THIÊN ĐƯỜNG CỦA BÁO CHÍ

 

Trong thời kỳ chiến tranh chỉ có báo chí Anh là không mắc tay bà Kiểm duyệt

 

Vừa đây, điện tín Transocéan báo cho ta biết rằng chánh phủ Mỹ dự định thu những bánh ô-tô của tư gia để dùng vào việc quốc phòng. Vẫn theo lời hãng thông tấn trên kia, dư luận Mỹ đối với việc này rất sôi nổi. Họ không những tỏ ý bất mãn về việc này mà thôi, lại còn ra vẻ khó chịu vì trong nước hiện giờ đã thi hành việc dùng đèn phòng thủ rồi. Người dân Mỹ vốn quen sống trong những thành phố đầy ánh sáng, đêm cũng như ngày, ngày cũng như đêm, nay nhất thiết bị lạc vào trong một thứ ánh sáng vàng ửng, rầu rầu tất cũng phải khó chịu, đó là lẽ tất nhiên. Sự đó thực chẳng khác gì việc ở nước Anh, cách đây ít lâu, có tin báo chí sẽ bị qua tay bà lão kiểm duyệt trước khi đưa lên máy. Báo chí Anh, cũng như dân Mỹ, đã cực lực phản đối việc này. Có khác điều dân Mỹ phản đối việc dùng đèn phòng thủ không ăn thua, còn báo chí Anh thì công kích việc kiểm duyệt đã có nhiều kết quả hay: từ đó đến nay, báo chí Anh vẫn xuất bản như thường, không bắt buộc phải theo cái chế độ như của các nước tham chiến ngày nay nghĩa là phải qua một lần kiểm duyệt. Sự đó chẳng có gì là lạ. Báo chí ở Anh, hơn tất cả các nước nào khác trên thế giới, có một thế lực rất lớn đối với chánh phủ và quốc dân. Bởi vậy dù là lúc chiến tranh chánh phủ cũng nể báo chí, mà sở dĩ có sự nể như thế là bởi vì chánh phủ tin ở báo chí, báo chí không bao giờ lại có thể đăng những tin tức hay dư luận có thể làm tổn hại đến quyền lợi của quốc gia xã hội.

Thường thường, như chúng ta đã biết, thái độ của báo giới trong một nước tham chiến là một vấn đề quan hệ. Vấn đề quan hệ ấy, nhiều nước như Đức, Ý giải quyết dễ lắm: báo chí cũng như tất cả các cơ quan khác đều phải tuỳ thuộc chánh phủ, để chánh phủ dùng làm lợi khí giúp cho việc theo đuổi chiến tranh. Chánh phủ dùng báo chí để làm những cơ quan tuyên truyền, chánh phủ bảo gì thì làm thế, không được làm khác những điều chánh phủ đã vạch sẵn. Những tin tức có hại cho tinh thần quốc dân không được đăng, phải giữ kín cho đến khi những tin có hại đó bị bại lộ không giấu quanh được nữa thì mới thôi. Tuy các báo giấu không đăng những tin đó nhưng nếu cứ để cho dân nước vẫn được tự do nghe máy vô tuyến điện vẫn biết hết như thế việc các báo vẫn giấu giếm hoá là vô ích. Bởi vậy ta không lấy làm lạ, trong thời này, nhiều nước cấm những người có máy vô tuyến điện không được nghe tin ngoại quốc, ai trái lệnh sẽ bị phạt nặng và có khi lại bị toà truy tố. [……………..][1]

  Vị tổng trưởng bộ thông tin sẽ trông coi về việc này và sẽ định trước thế nào là tin có hại, thế nào là tin vô hại. Chẳng cứ vậy, những người đã làm báo, đã hiểu nghề một chút, đưa mắt qua cũng hiểu, lựa là phải làm một bảng thống kê những tin nguy hiểm. Những tin tức về thời tiết có thể để cho phi quân bên địch lợi dụng được, từ khi bắt đầu có chiến tranh, đều nhất tề phải bỏ đi. Tình hình quân sự đã đành là phải giữ bí mật, trừ khi nào chánh phủ công bố thì không kể. Những cách phòng thủ cũng phải giữ kín cũng như các kiểu phi cơ mới chế, những kiểu tàu chiến mới làm; những phóng viên nhiếp ảnh cũng không được chụp. Máy bay bên địch tới đánh phá chỗ nào, không được tường thuật. Bởi vì nếu quân địch ném bom trúng, mình nói ra họ sẽ quay lại ném chính những nơi ấy; còn nếu họ ném không trúng mà mình nói, lần sau họ sẽ tìm cách ném trúng hơn.

Bởi vậy ta không nên lấy làm lạ khi thấy chánh phủ Quốc xã Đức luôn luôn khích dân Anh phải yêu cầu chánh phủ Churchill cho biết kết quả rõ ràng của những trận ném bom Đức ra thế nào. Mặc, những báo Anh-cát-lợi đã có quy tắc nhất định để làm việc, không bao giờ đi sai đường cả. Báo nào cũng chỉ đăng những tin xét là chắc chắn mà thôi. Cái thiên chức của báo chí Anh trong thời kỳ khói lửa là thế đó. Họ phải đặt hạnh phúc của quốc gia lên trên hết thảy mọi việc khác, bởi vậy họ không thể đăng bất cứ một tin gì, dù là tin nhỏ, có lợi cho quân địch. Chính ra thì ở Anh ngay chính lúc này đây cũng không có kiểm duyệt. Nhưng trong làng báo thế nào chẳng có một vài người hồ nghi những tin tức hay ý kiến của mình sẽ viết. Những việc về quân sự, những sự lầm lẫn trong khi tường thuật những nạn máy bay thể nào chẳng có? Những người trợ bút, phóng viên thực cẩn thận, nếu sợ xảy ra những chuyện lôi thôi đáng tiếc sau này, có thể hỏi ý kiến một ban riêng đứng coi về báo chí. Ban này không kiểm duyệt nhưng giải quyết dùm người khác những tin nào vô hại, và những tin nào có hại. Những đoạn nào có hại, người ta sẽ xoá đi; những chữ nào dùng lầm, người ta sẽ bảo để cho mình chữa. Như thế, người ta sẽ được yên tâm và chắc chắn là những bài báo ấy sẽ không đưa những người viết ra trước vành móng ngựa.

Những báo hằng ngày Anh-cát-lợi hiện giờ vẫn đưa bài ra hỏi ý kiến như thế trước khi in để cho đỡ lo sợ. Nhưng cũng có nhiều trợ bút phóng viên tự làm lấy kiểm duyệt cho mình.

Ông Wilson Harris, chủ bút báo Britain Today kể chuyện rằng từ khi có chiến tranh đến giờ, tờ báo của ông chủ trương ra có đến hơn trăm số mà từ trước chỉ sau ông chỉ phải đưa một bài ra hỏi ý kiến ban chuyên môn nói trên kia.

Dù sao, ta cũng phải nhận rằng, trong thời kỳ chiến tranh, báo giới Anh có hai cái đặc điểm mà ít báo trong hoàn cầu có. Đó là: 1) Báo chí Anh có thể đăng cả những tin tức có hại cho chánh phủ. Họ tin rằng không có gì hại cho nhân dân bằng cách đánh lừa họ, lúc nào cũng làm cho họ lạc quan không chánh đáng. Dân chúng Anh cần phải biết cả cái xấu cái tốt, bởi vậy họ cần phải rõ mỗi tuần Đức đã đánh đắm mất bao nhiêu tàu buôn của họ. Họ muốn biết rõ tình thế để sửa soạn lòng can đảm đối phó với thời cuộc, dù là thời cuộc ấy không lấy gì làm tốt đẹp. 2) Ở Anh, người ta không kiểm duyệt về dư luận, về tư tưởng. Chánh phủ không hề bắt báo chí phải viết theo ý kiến của mình. Đã đành cũng như ở các nước khác trong thời kỳ chiến tranh, báo giới và chánh phủ luôn luôn trực tiếp với nhau, nhưng báo giới có quyền cứ tỏ bày ý kiến riêng của mỗi người, quan niệm riêng của mỗi báo. Về điều này báo giới Mỹ cũng không khác báo giới Anh mấy chút.

Các bạn thử đọc đoạn này của ông Sheelan viết trong báo Current History xuất bản ngày 20 Octobre 1940:

“Ở Mỹ, chỉ những tin tức là bị kiểm duyệt. Còn về dư luận thì người ta được phép tỏ bày ý kiến một cách rất tự nhiên. Bởi vậy nếu tôi không ưa chính sách của Churchill, Chamberlain, Beaverbook, tôi có quyền công kích họ rất hăng hái và muốn dài bao nhiêu cũng được”.

Trong thời kỳ chiến tranh, nước Anh cũng như tất cả các nước khác trên thế giới đã phải hy sinh nhiều thứ có quan hệ đến đời sống thiết thực của dân chúng. Nhưng điều thiết thực nhất mà họ cho là quan hệ nhất là Tự Do Báo Chí, thì vẫn không bị hạn chế gì cả, thực cũng là đặc biệt.

                                               TIÊU LIÊU

                           

 

Phan Khôi với Tự do báo chí

QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN: NẾU CÓ CHĂNG, SẼ SẢN SINH SAU KHI LẬP HIẾN

Posted on May 6, 2011 in Chính Trị - Xã Hội, Tư tưởng-Văn học, Văn hóa-Lịch sử | No Comments
Phan Khôi, năm 1931

Trong khi quan Tổng trưởng Raynaud còn lưu trú trong cõi Đông Pháp, các báo Tây, Nam ở xứ này đều đã đồn vang lên rằng rồi đây người Việt Nam ngôn luận sẽ được tự do. Sau rõ ra thì cái tin ấy quả không đến nỗi sai lầm. Nhưng kỳ thực thì chỉ có bỏ sở kiểm duyệt đi, các báo được tự do xuất bản mà chịu lấy trách nhiệm; còn như sự lập ra một tờ báo thì cần phải xin phép. Chánh phủ có cho mới được lập.

Như vậy, chưa phải là ngôn luận tự do đâu; chúng ta chưa có được cái quyền ấy đâu. Chớ vội tưởng mà lầm.

Và nếu thi hành luôn một lần hai việc: sở kiểm duyệt đã bỏ, sự lập báo lại không cần xin phép nữa, là chúng ta cũng chưa được quyền ngôn luận tự do đâu vậy.

- Sao thế? Hẳn có người lấy làm lạ mà hỏi. Nếu Chánh phủ tha hồ cho ta ra báo, và muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, không có kiểm duyệt, ấy là Chánh phủ cho ta ngôn luận tự do đó, chớ còn thế nào nữa mới là ngôn luận tự do?

- Phải. Nhưng mà cái quyền tự do ấy không có gốc. Từ đâu sản sinh ra nó? Câu ấy quả thật không có đường trả lời. Bởi vậy biết cái quyền tự do không có gốc nó không vững.

Chớ tưởng rằng sau khi quan Toàn quyền ra một cái nghị định, bãi sở kiểm duyệt, ấy là nhà ngôn luận Việt Nam được quyền tự do, chớ tưởng vậy mà lầm.

Nếu rồi đây quả có cái nghị định ấy của quan Toàn quyền thật nữa là chúng ta cũng chỉ nên kêu nó là cái nghị định bãi sở kiểm duyệt mà thôi, không thể kêu nó là cái nghị định ban quyền tự do cho nhà ngôn luận Việt Nam được.

Quyền ngôn luận tự do không hề bởi một ông quan thủ hiến ban cho mà có được, nó không khi nào sản sinh ra bởi một cái nghị định.



Ở các nước văn minh, quyền ngôn luận tự do cho đến các quyền tự do khác nữa cũng đều sản sinh ra bởi hiến pháp. Hiến pháp nhìn nhận cho nhân dân có quyền ấy thì nhân dân có quyền ấy, chứ không phải bởi một người nào ban cho đâu.

Hiến pháp đã sản sinh ra quyền ngôn luận tự do được rồi, nhưng nếu nó bị giày đạp đi thì sao? Vì lẽ đó nên còn phải có pháp luật để bảo hộ nó nữa.

Tức như hiến pháp Nhật Bản, điều thứ 20, nói rằng: Thần dân Nhật Bản, ở trong phạm vi pháp luật, có quyền tự do được ngôn luận, xuất bản, v.v.

Mà chẳng những Nhật Bản, trong hiến pháp nước nào cũng vậy, cũng có một điều nói riêng về quyền ngôn luận tự do từa tựa như thế. (Xem điều thứ 10 và 11 trong bản tuyên bố nhân quyền của nước Pháp).

Nói thế, nghĩa là: Về quyền ngôn luận tự do, hiến pháp đã nhìn nhận cho nhân dân có quyền ấy rồi; nếu nhân dân ở trong phạm vi pháp luật mà ngôn luận, thì không ai được xâm phạm tới. Như vậy là còn có pháp luật nữa để bảo hộ cho cái quyền mà hiến pháp đã nhận nhìn cho.

Hiện nay xứ ta chưa có hiến pháp, cái quyền tự do ấy không ai nhìn nhận cho, nó đã không từ đâu sản sinh ra được; mà cũng chưa có luật riêng về việc làm báo, thì dầu có quyền ấy chăng nữa, nó cũng chẳng có cái gì bảo hộ cho. Thế thôi, còn nói chuyện gì!

Nếu quả trong ít hôm nữa, quan Toàn quyền ra nghị định bãi sở kiểm duyệt, thì chúng ta cũng chỉ nên coi là một điều quảng đại mà thôi, chứ cái đó chưa phải là có ích lợi gì cho sự bày tỏ ý kiến của nhân dân ta vậy.

Bởi sao? Bởi hiến pháp chưa có, pháp luật chưa phân minh, nhà ngôn luận trên không có chỗ chằng, dưới không có chỗ cột, thì sự khó khăn lại còn hơn là lúc còn cái chế độ kiểm duyệt nữa.

Quả như trong lúc này mà bãi sở kiểm duyệt, thì thật là một cái thời kỳ quá độ của nhà ngôn luận Việt Nam. Mà quá độ một cách hiểm nghèo, khác nào chiếc thuyền không chèo không lái mà thả ra giữa biển khơi?

Ai dám dự đoán rằng sau khi bãi chế độ kiểm duyệt thì báo chí An Nam sẽ mạnh dạn hơn xưa?

Ai dám đoán như vậy, chứ chúng tôi thì không. Trên không chằng, dưới không cột, thì lấy đâu mà mạnh dạn? Nếu vậy, chúng tôi đâu dám nhận là sự lợi ích?

Cái quyền ngôn luận Việt Nam có hay không, không ở trong thời kỳ phế kiểm duyệt này mà ở trong thời kỳ lập hiến sẽ tới.

Đông tây trong một số trước, bài nói về trừ tiệt cái tệ hối lộ, chúng tôi cũng tỏ ý rằng đợi đến ngày lập hiến, quan và dân có quyền hạn phân minh thì cái tệ ấy họa may mới trừ hẳn được. Hôm nay về sự ngôn luận tự do, chúng tôi cũng chỉ tỏ ra cùng một cái ý kiến ấy. Trừ ra chỉ có đến ngày lập hiến, mà trong hiến pháp không nhận nhìn cho dân có một chút quyền nào hết thì chúng ta mới là thất vọng đó thôi!

Song có lẽ nào lại thất vọng đến như thế. Gọi là hiến pháp, chẳng qua là một tờ giao kèo để làm việc với nhau. Nếu dân không có một chút quyền gì, thì sao gọi là hiến pháp?

Nhà ngôn luận chúng ta nếu được quyền tự do nhiều ít là ở vào sau cuộc lập hiến sẽ tới đây. Còn ngày nay, nếu cái chế độ kiểm duyệt mà quả bị phế đi nữa, chúng ta chưa phải đã được tự do đâu, xin các bạn đồng nghiệp hãy chú ý.

Nguồn:  Bài đăng trên Đông Tây, Hà Nội, số 131 (12.12.1931)
Nguyễn Bùi Khiêm

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam

Chuyện phiếm

Hoàng Tích Chu quan niệm về nghề báo và người làm báo

Gốc quê làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn (Tỉnh Bắc Ninh), Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 trong một gia đình quan lại, cha đã có thời làm tri phủ. Lúc nhỏ ông được học chữ nho, sau chuyển sang học tiếng Pháp. Năm 1921, ông được nhận vào giúp viêc cho tòa soạn tờ Nam Phong. Cũng vào năm này, Bạch Thái Bưởi cho ra mắt bạn đọc tờ Khai hóa và mời Hoàng Tích Chu về làm chủ bút. Dưới bút danh Kế Thương, những bài báo của Hoàng Tích Chu đăng trên tờ báo này đã bắt đầu gây chú ý cho báo giới và bạn đọc. Một năm sau Hoàng Tích Chu rời Khai hóa và nung nấu ý định sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, ông vào Nam Kỳ làm phụ bếp trên một con tàu biển, và đã đến được nước Pháp. Năm 1927, Hoàng Tích Chu về nước. Tháng 6 năm ấy, Hà Thành ngọ báo của Bùi Xuân Học ra đời, Hoàng Tích Chu được mời về làm biên tập và Đỗ Văn lo in ấn. Những cách tân trong cách viết và cách trình bày mới lạ đã chưa thuyết phục được bạn đọc. Ngày 15-11-1929, Hoàng Tích Chu cho xuất bản tờ Đông Tây. Bằng ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, trong sáng, mang hơi thở cuộc sống hàng ngày; bằng hàng loạt chuyên mục độc đáo và lối trình bày hiện đại... tờ Đông Tây đã được bạn đọc và báo giới đón nhận nhiệt thành pha nhiều ngỡ ngàng. Cuối năm 1932, Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản. Đấy cũng là lúc tờ Thời báo được xuất bản và Hoàng Tích Chu lại được chọn làm chủ bút. Toàn bộ các chuyên mục của Đông Tây đã được Hoàng Tích Chu chuyển sang tờ Thời báo, nhưng tờ này cũng chỉ ra được 20 số thì bị thu giấy phép. Năm 1933, vào đúng ngày 30 Tết, Hoàng Tích Chu qua đời sau một thời gian bị bệnh, hưởng dương 36 năm.

Đầu thế kỷ XX, chỉ sau hơn ba thập niên tính từ thời điểm tờ Gia Định báo ra đời (1865), báo chí quốc ngữ đã đạt được một sự tăng trưởng đáng kể. Các nhà báo sáng lập và hoạt động trong các tờ báo tiếng Việt đã không ngừng mày mò tìm kiếm những phương cách nhằm nâng cao chất lượng các tờ báo của họ, với mơ ước đạt tới sự bình đẳng nghề nghiệp với những tờ báo tiếng Pháp do chính người Pháp thực hiện tại Đông Dương.

Trong số những nhà báo tên tuổi đó, vào thời điểm 1927, nổi lên một gương mặt đặc biệt Hoàng Tích Chu (1897- 1933). Chỉ có 6 năm hoạt động, ông giống như một vệt sao băng để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông được coi là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người đầu tiên đã táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề làm báo ở nước ta, bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn (ông đã làm chủ bút hoặc giữ vai trò yếu nhân 4 tờ báo nổi tiếng: Khai hóa, Hà Thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo). Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của ông đã làm đảo lộn quan niệm về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc - những người chưa quen với những thông tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính trị...Và ông, như một lẽ đương nhiên của kẻ đi tiên phong, đã hứng chịu rất nhiều búa rìu của dư luận - chủ yếu là từ các đồng nghiệp vẫn “theo lối làm báo cổ hủ ở xứ ta” (Tế Xuyên). Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác nhau về Hoàng Tích Chu, nhưng khi nhắc đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ Đông Tây, người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực của “hiện tượng Hoàng Tích Chu và Đông Tây” đến đời sống báo chí Việt Nam đương thời và mấy thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu “người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam”.

Trở lại thời điểm 1929, thời điểm mà Hoàng Tích Chu, “một khách giang hồ hơn là một du học sinh” đã từ Pháp trở về được hai năm, bắt đầu gây sốc với báo giới nước nhà và bạn đọc bằng việc tung ra tờ Đông Tây. Có thể nói Hoàng Tích Chu và Đông Tây đã thẳng thắn đối diện với số đông các nhà báo và các tờ báo đương thời còn đang quanh quẩn trong một lối làm nghề trì trệ, trước hết bằng những quan niệm rất mới mẻ của một nhà báo chuyên nghiệp cộng với nhiệt huyết của một thanh niên thời đại mới - một trong những đại diện tiêu biểu của trào lưu kết hợp văn hóa Đông - Tây lúc bấy giờ.

Ông đã đánh giá và có quan niệm như thế nào về nghề và người làm báo ở nước ta lúc đó?

Trong bài báo nổi tiếng Nghề làm báo ngày nay (Đông Tây số 2, ra ngày 2-12-1929), một bài báo gây sóng gió trong làng báo đương thời, Hoàng Tích Chu đã nói thẳng: “Nghề làm báo ở nước ta cho đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo nghĩa đúng của nó vì ở nước ta chưa có trường dạy về báo chí. Chúng ta xem đó là một trò tiêu khiển về tinh thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì vậy ký giả làm việc miễn cưỡng”. Ai sẽ trước hết phải chịu trách nhiệm về thực trạng này? Hoàng Tích Chu đã rất có lý: “Người chịu trách nhiệm lớn là các ông chủ báo. Khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý tới bộ biên tập. Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến tòa soạn viết xã luận, dịch tin tức để trám cho đầy cột báo (...) Người chủ báo, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật trình có vai trò gì? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với vài tin tức lượm lặt... Có người xem việc lập một tờ báo như mở một tiệm tạp hóa. Chủ báo ít vốn nên không dám chịu tốn kém để mua hoặc tìm tin tức. Họ chỉ trám vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hay báo Pháp”. Đây là những quy kết xác đáng về trách nhiệm của người chủ bút - những người sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt đến diện mạo và khuynh hướng cho mỗi tờ báo. Nhưng vào thời điểm Hoàng Tích Chu đang đề cập, họ đã phần nhiều chưa làm được việc này. Nên nhớ là từ khá lâu trước đó, vào những năm 1907 - 1908, thông qua Văn minh tân học sách, các nhà yêu nước Việt Nam đã đề xuất một trong hai yêu cầu để báo chí có thể góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào canh tân xứ sở: các chủ bút phải được lựa chọn từ hàng ngũ những trí thức Việt Nam ưu tú nhất. Đó là một đề xuất đúng đắn, nhất là trong bối cảnh báo chí thật sự được coi như một phương tiện văn hóa (cùng với nhà trường) để mở mang dân trí, nâng tầm dân tộc.

Hoàng Tích Chu cũng là người luôn đề cao và nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong nghề làm báo. Trong cách nhìn của ông, mỗi tờ báo cũng đồng thời là một cơ quan văn hóa, bởi vậy những ứng xử nghề nghiệp cũng phải theo tinh thần đó. Nhân một cuộc bút chiến giữa hai tờ Phổ thông và Ngọ báo - cuộc bút chiến có nguy cơ đưa hai cơ quan ngôn luận này rời xa mục đích đi tìm chân lý mà quay ra hạ bệ nhau với những toan tính cá nhân, vị kỷ - Hoàng Tích Chu đã viết bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến giữa hai tờ báo đăng trên Đông Tây số ra ngày 22-10-1930. Sau khi tóm tắt nguyên nhân cuộc bút chiến, trong phần Mối cảm tưởng của tôi, ông viết: “Tờ báo là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta khinh độc giả thì ta mới ăn nói một cách sỗ sàng... Một điều tôi rất phàn nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta thường hay có thói khích bác, bêu riếu nhau”. Hoàng Tích Chu cho rằng nghề làm báo cũng như nhiều nghề khác trong xã hội, phải chịu sức ép của luật cạnh tranh, nhưng - nói theo ngôn ngữ bây giờ - đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bằng chính chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo, “chứ không phải ganh nhau ở cái chỗ khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau ra để hòng giảm giá trị người ta... Bất cứ nghề nào cũng vậy, nói xấu nhau là phạm một điều vô đạo”. Kết thúc bài báo đầy ưu tư này, Hoàng Tích Chu kêu gọi các đồng nghiệp: “Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho ta trước”. Đã hơn 70 năm từ khi bài báo này xuất hiện, nội dung của nó vẫn còn rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà báo hôm nay.

Kiểm duyệt báo chí luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm trong hoạt động của lĩnh vực này. Chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo của nhà cầm quyền Pháp với báo chí đương thời, đặc biệt là với báo chí quốc ngữ, là điều khiến cho những nhà báo tâm huyết như Hoàng Tích Chu thấy sẽ phương hại đến tính năng động tích cực của báo chí, phương hại đến vai trò thật sự của báo chí đối với đời sống xã hội. Dĩ nhiên có rất nhiều nhà báo nhận thức được vấn đề này, nhưng quả cảm như Hoàng Tích Chu thì không phải ai cũng làm được: ông đã cho đăng trên trang nhất Đông Tây ra ngày 12-4-1930 bài Báo quốc ngữ với quyền tự do ngôn luận của tác giả A.E.Babut, đương nhiên cũng là quan điểm của ông và Đông Tây: “Khi nào báo chí được tự do, khi nào báo chí có những người xứng đáng chủ trương, thì bấy giờ báo chí đối với dư luận của mọi người sẽ có ảnh hưởng rất sâu xa... Nhiều người rất mong cho ngôn luận được tự do để nâng cao trình độ luân lý của các hạng người trong xã hội”. Tuy nhiên, Hoàng Tích Chu ý thức được giới hạn của vấn đề để không rơi vào cực đoan. Bài báo còn có đoạn sau: “Có nên cho báo quốc ngữ ngày nay được hưởng quyền tự do như báo bên Pháp không? (...) ý kiến như sau này: nên bỏ cái chế độ (kiểm duyệt) hiện thời và nên cho báo được tự do, nhưng nên đặt luật riêng để cho khỏi có sự tệ lạm (người viết nhấn mạnh)”. Đây không phải là một ý kiến cải lương, nó cho thấy sự mềm mỏng của Đông Tây khi đối thoại với nhà cầm quyền, trong nỗ lực “đòi (tự do) bằng lời” mà Hoàng Tích Chu đã từng đề cập trong cuốn chuyên luận xuất bản từ 1927.

Không chỉ phát ngôn trực tiếp những ý kiến, những nhận xét và những quan niệm như trên về nghề làm báo, thông qua tờ Đông Tây, Hoàng Tích Chu còn muốn mở một cánh cửa để đồng nghiệp và bạn đọc nhìn ra đời sống báo chí thế giới, giúp họ có thêm cơ sở so sánh với báo chí nước nhà và, có lẽ, ông hy vọng những người làm báo Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm có giá trị từ những nền báo chí tiên tiến đương thời. Ông đã từng cho đóng khung và in đậm một câu trích của thi hào Tagore (ấn Độ) trên trang nhất tờ Đông Tây số ra ngày 3-5-1930, như một cách phát biểu quan niệm của ông về vấn đề thu lượm những tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời buổi nền văn minh phương Tây đã tràn vào Việt Nam: “Ta nên nhận rằng thứ văn hóa cổ không hợp với tình thế ngày nay nữa, nó phải biết thu lấy thứ văn hóa mới của thế giới, đó là cái nghĩa chính về sự tiến bộ trong loài người”. Theo tinh thần đó, tờ Đông Tây đã đề cập đến khá nhiều những vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa, và nó chính là tờ báo đã cung cấp cho bạn đọc nhiều nhất - vào thời điểm đó - những thông tin về báo chí nước ngoài. Trên số ra ngày 27-1-1932, Đông Tây có bài Murayama-ông vua báo Nhật nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tờ Asahi, tờ báo lớn nhất của xứ Phù Tang. Chắc chắn những thông tin về tờ báo này sẽ gây sửng sốt cho bạn đọc lúc ấy: “Vốn 6 triệu yên, 3.795 người làm, 40 bộ máy in, 19 chiếc tàu bay, 500 con chim bồ câu để đi thông tin và một đường dây nói riêng từ Tokyo đến Osaka, đó là qui mô vĩ đại của tờ báo Asahi, tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, và đó là công cuộc 50 năm nỗ lực không biết mệt của ông Murayama”. Người ta có thể thấy đằng sau bài báo này một mơ ước của Đông Tây (và Hoàng Tích Chu), dường như nó cũng ngầm đưa ra một thông điệp: con đường mà Murayama và tờ Asahi đã đi - với tính mục đích của một tờ báo trong hoàn cảnh không mấy khác nước ta ở điểm xuất phát - không phải là điều không tưởng đối với báo giới Việt Nam.

Những vấn đề thuộc về kỹ thuật nghề nghiệp cũng được Hoàng Tích Chu quan tâm. Dĩ nhiên, là người được đào tạo bài bản, ông có điều kiện hơn hết khi nói về những “ngón nghề” có thể giúp ích ít nhiều cho những đồng nghiệp của ông phần đông còn đang hoạt động trong tình trạng thiếu chuyên nghiệp ở ta. Trong bài viết Hai góc trời hai hạng phóng sự, Đông Tây (số ra ngày 16-1-1932) đã giới thiệu những điểm khác nhau trong cách làm tin và phóng sự giữa các nhà báo châu Âu và châu Mỹ. Những nhận xét khá thú vị, chẳng hạn: “Bên châu Âu, muốn đương nổi cái chức trách một người đi “nhặt tin chó chết” phải có học, học rộng (...) Trái lại, nhà phóng sự các báo bên Mỹ không thế. Họ chẳng cần phải có học vấn rộng. Mà lại phần nhiều là những người vô học hay ít học mới chịu chạy đi “nhặt tin chó chết” (...) vậy mà các báo bên Mỹ vẫn có đủ tin tức mau chóng một cách lạ thường”. Có điểm khác biệt này là bởi “Nước Mỹ là một nước rất tiến bộ về đường máy móc. Một ly một tí gì cũng làm theo phương pháp khoa học” và vì thế các nhà báo Mỹ cũng “ở trong guồng máy tri thức (...) Một tin vặt trước khi xuất hiện trên mặt báo đã phải qua tay năm bảy người gọt nặn”. Bài báo kết luận: “Các phóng sự Mỹ có giống các phóng sự châu Âu là ở tính lanh lợi, lòng mạo hiểm của họ. ở hai góc trời, châu Âu và châu Mỹ, nghề làm báo cùng tiến bộ mà sao phương pháp làm việc lại khác nhau!”. Đây chỉ là một trong không ít ví dụ cho thấy những nỗ lực của Hoàng Tích Chu trong hoài bão đóng góp sự biết sự học của mình vào việc đưa hoạt động báo chí ở nước ta lên tầm chuyên nghiệp. Hoàng Tích Chu ý thức được một xã hội tiến bộ là một xã hội mà mọi ngành nghề phải có tính chuyên nghiệp cao, mọi công dân đều phải sống với nghề của mình. Quan niệm này đã được ông bộc lộ từ khá sớm trong bài báo Vì sao phải chọn nghề cho con trẻ?: “Bọn thiếu niên phải nhận lấy cái chức trách tìm tia ánh sáng, phải chọn cái nghề nghiệp hợp với tài năng, để đến khi đầu bạc, bước ra khỏi vòng hoạt động, ta có thể nói được cái câu này: “Tôi còn muốn hăng hái ra làm việc nữa! Mà kiếp sau có làm người thì tôi vẫn con đường này tôi đi, tôi vẫn cái nghệ kia tôi làm”. Với nghề làm báo, điều đó lại càng đúng. Nó không chỉ là nghề, mà còn là cái nghiệp.

Những người làm báo trước và cùng thời với Hoàng Tích Chu phần nhiều xuất thân Nho học và một số xuất thân Tây học. Dẫu xuất thân từ nguồn nào thì ở giai đoạn giao thời ấy, họ vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối đào tạo truyền thống, lối đào tạo mà Đông Tây từng chỉ trích là “cái học khoa cử, cái học hư danh”. Những người này đến với báo chí trước hết bằng cả một tinh thần “túy tâm văn hóa”, và sau nữa như một nghề kiếm sống, với không ít bỡ ngỡ trước một hoạt động văn hóa còn rất mới. Tuy nhiên, là sản phẩm của lúc giao thời lại có nhiều ngỡ ngàng, không phải ai trong số họ cũng có được ngay một cái nhìn chân xác về công việc làm báo. Cũng là cầm bút, nhưng họ có xu hướng đề cao các sáng tạo văn chương, học thuật hơn là “viết nhật trình”. Hoàng Tích Chu nhận thấy thực trạng này và ông hiểu rằng muốn cách tân nền báo chí Việt Nam thì phải có những con người xứng đáng phụng sự cho nghề báo - những người nhận thức được sứ mạng của nhà báo và có tính chuyên nghiệp cao, những người toàn tâm toàn ý đóng góp tâm trí mình cho lĩnh vực này.

Trọng nghề, đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng ở người làm nghề, là trung thành với lý tưởng nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn trên đường đời. Trước sau Hoàng Tích Chu đã nhiều lần bày tỏ quan điểm này. Trong bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến của hai tờ báo đã dẫn, ông đã viết những dòng thống thiết trước các đồng nghiệp: “Khi ta đã cùng nhau dấn mình vào tập cái nghề này, tuy không phải tuyên thệ trước tòa án như các luật sư, nhưng trước bàn thờ bà Chúa Báo, chúng ta con một nhà, đã ký kết một bản giao kèo thầm: Tôi xin trọng nghề!”. Thái độ này và những hành xử nghề nghiệp mang tính dấn thân của Hoàng Tích Chu đã có những tác động rất đáng kể đến các nhà báo đương thời, nhất là các nhà báo trẻ. Trong nhiều hồi ký báo chí sau này của các nhà báo thành danh (Phùng Bảo Thạch, Vũ Bằng, Tế Xuyên...), chúng ta thấy họ đều thừa nhận đã chịu ảnh hưởng của Hoàng Tích Chu như thế nào, trong đó có một điều quan trọng: Hoàng Tích Chu đã góp phần giúp họ ý thức được vị thế của nghề báo và của người làm báo.

Là một nhà cách tân, Hoàng Tích Chu dễ dàng nhận thấy tình trạng không rõ ràng giữa Văn và Báo, giữa phương cách hoạt động của Nhà văn và Nhà báo còn tồn tại trong thời buổi báo chí nước ta đang đi những bước ban đầu. Bao lớp trí thức trước và đồng thời với ông đã ôm mộng văn chương bước vào nghề báo. Đó là biểu hiện rõ nhất và kéo dài trong tính thiếu chuyên nghiệp của báo chí nước ta. Ông đã từng khuyên một người như thế - Tế Xuyên - khi thanh niên này bước vào làng báo mà vẫn chưa hiểu rõ công việc: “Anh nên kiếm đề tài sinh hoạt trong dân chúng mà viết những bài phóng sự, còn nếu anh chuyên chú vào tiểu thuyết, anh sẽ khó thành một nhà viết báo được”. Hơn nữa, dưới con mắt chuyên nghiệp, ông đã giúp nhà báo trẻ phân biệt được công việc viết văn và viết báo: “Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ viết báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng con nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà văn mà phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi”. Những nhận xét của Hoàng Tích Chu quả thật là rất mới so với lúc bấy giờ, khi mà ngôn ngữ thông tấn còn là một điều khá xa lạ với bạn đọc và với không ít các nhà báo, khi mà lối viết kiểu văn chương biền ngẫu vẫn tràn ngập trên các trang báo và vẫn tỏ ra hợp khẩu vị với nhiều người.

Tất cả những quan niệm mang tính cách tân của Hoàng Tích Chu về nghề báo, về người làm báo và cách làm báo, đã được ông thực thi khá triệt để trên tờ Đông Tây. Có người đã ví sự xuất hiện của tờ báo này giống như “một quả tạc đạn ném vào làng báo Việt Nam” đương thời. Ông với các cộng sự đồng quan điểm (Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch, Tam Lang, Vũ Bằng, Tế Xuyên, Lãng Nhân và đặc biệt là Đỗ Văn - người lo trình bày in ấn) đã trình làng một tờ báo tiếng Việt được coi là hiện đại bậc nhất lúc ấy, “như một tờ báo bên Tây”. Một cái mới xuất hiện không dễ gì đã được số đông chấp nhận ngay, phải mất một thời gian, tờ Đông Tây mới thật sự khẳng định được vị trí của nó trong làng báo và trong xã hội. Có thể coi đó là một hiện tượng trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Đông Tây và những người chủ trương đã đi tiên phong trong việc không lưỡng lự tiếp nhận và học hỏi những kinh nghiệm từ một nền báo chí hiện đại bên ngoài để làm mới mình và họ đã làm mới một cách thành công, phù hợp với bước đi của thời đại.

Trần Hòa Bình
 

Một, hai, ba...chúng ta cùng thề

Sắc lệnh 41 của Bác Hồ về chế độ báo chí (rất hay các em ạ)

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân ta chưa có tự do báo chí. Nhằm thực hiện chính sách ngu dân phục  vụ cho chế độ cai trị bóc lột đối với xứ sở thuộc địa, thực dân Pháp có đặt ra chế độ kiểm duyệt của báo chí. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ của chúng ta vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và coi trọng vai trò của báo chí. Ngày 29-3-1946, Người đã ký Sắc lệnh số 41 quy định về chế độ báo chí nhằm bảo đảm quyền được thông tin cho mọi người dân Việt Nam sống trong độc lập tự do.
 Hiện nay, Sắc lệnh đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng trong hồ số 02, gồm 2 trang đánh máy, trên khổ giấy 21cm x 27cm. Số Sắc lệnh được viết bằng mực xanh. Cuối Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp. Trải qua năm tháng, dòng chữ trên tờ Sắc lệnh tuy đã bị mờ những vẫn còn đọc được.
Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2008), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xin trân trọng giới thiệu toàn văn Sắc lệnh này:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
       Năm thứ hai
     ---------------- 
BỘ NỘI VỤ     CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Số: 41
Chiểu theo thể lệ báo chí hiện hành,
Chiểu theo lời đề nghị của bộ Nội-vụ và bộ Tư-pháp;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,
RA SẮC LỆNH:
ĐIỀU THỨ I - Trong tình thế hiện thời, chế độ báo chí tạm quy định theo thể lệ sau này:
MỤC THỨ I - THỂ LỆ XUẤT BẢN
ĐIỀU THỨ II - Các báo chí hàng ngày, hoặc ấn hành theo thời hạn nhất định sẽ được xuất bản 48 giờ sau khi đã khai với Uỷ ban hành chính kỳ.
Tờ khai phải dán tem và kê rõ:
a) tên tờ báo và cách thức phát hành,
b) tên, tuổi và chỗ ở của người quản lý và người chủ nhiệm,
c) nhà in và nơi in.
Mỗi khi có sự thay đổi về khoản a, b, phải khai trước 48 giờ, về khoản c phải khai trong hạn 48 giờ.
Mỗi lần nhận khai, Uỷ ban hành chính kỳ sẽ phát biên lai cho người khai và trình ngay cho Bộ Nội vụ biết.
ĐIỀU THỨ III - Mỗi tờ báo phải có một người quản lý phụ trách. Quản lý phải đủ 21 tuổi, không bị can án mất quyền công dân. Tên họ người quản lý, tên và địa chỉ nhà in phải in bên dưới các số báo.
ĐIỀU THỨ IV - Trước khi phát hành, các toà báo phải nộp cho ty Kiểm duyệt, phòng Biện lý ở nơi phát hành, phòng báo chí Bộ Nội vụ hai số báo có chữ ký của người quản lý.
MỤC THỨ II - KIỂM DUYỆT
ĐIỀU THỨ V - Các bài báo chí sẽ được ấn hành sau khi ty Kiểm duyệt cấp kỳ đã duyệt.
ĐIỀU THỨ VI - Nếu có bài báo bị kiểm duyệt và chủ nhiệm hoặc quản lý cho là quá đáng thì chủ nhiệm hoặc quản lý có thể gửi đơn khiếu nại kèm cả bài báo bị ty kiểm duyệt bỏ, lên Hội đồng kiểm duyệt.
ĐIỀU THỨ VII - Hội đồng Kiểm duyệt đặt tại bộ Nội vụ, gồm có năm hội viên, do nghị định Bộ trưởng bộ Nội vụ cử ra:
1 nhân viên bộ Nội vụ
1 nhân viên do bộ Ngoại giao đề cử
1 nhân viên do bộ Quốc phòng đề cử
1 nhân viên do Quốc hội đề cử
1 đại biểu của Quốc hội đề cử
1 đại biểu của báo giới đề cử
ĐIỀU THỨ VIII - Hội đồng Kiểm duyệt có nhiệm vụ:
a) Đề nghị lên Bộ trưởng Nội vụ những chỉ thị về việc kiểm duyệt để các ty kiểm duyệt tuân hành;
b) Xét đơn khiếu nại của các nhà báo.
Những quyết nghị của Hội đồng trong việc xét khiếu nại sẽ thi hành nếu trong hạn 48 giờ sau khi nhận được quyết nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ không trả lời. Quyết nghị của Hội đồng kiểm duyệt chỉ có thể là cho hoặc không cho đăng những bài bị ty Kiểm duyệt xoá bỏ.
MỤC THỨ III - TRỪNG PHẠT
ĐIỀU THỨ IX - Nếu xuất bản và phát hành trái với điều thứ 2 và điều thứ 5, các số báo sẽ bị tịch thu.
Nếu tái phạm, chủ nhiệm, quản lý, chủ nhà in sẽ liên đới bị phạt tiền 5.000 đồng đến 10.000 đồng ngoài sự tịch thu các số báo.
Nhà in báo có thể bị đóng cửa.
ĐIỀU THỨ X - Nếu trái với điều thứ 3 và điều thứ 4, quản lý sẽ bị phạt tiền từ 10 đồng đến 100 đồng.
MỤC THỨ IV -
ĐIỀU THỨ XI - Trong bẩy hôm kể từ ngày ban hành sắc lệnh này, chủ nhiệm các báo xuất bản từ trước phải khai theo thể lệ đã định ở điều thứ 2.
ĐIỀU THỨ XII - Những luật lệ trước trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
ĐIỀU THỨ XIII - Sắc lệnh này sẽ thi hành ngay theo điều thứ 14 sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945.
ĐIỀU THỨ XIV - Bộ trưởng bộ Nội vụ và Bộ trưởng bộ Tư pháp chiểu sắc lệnh thi hành./.
                  
Hà-nội, ngày 29 tháng 3 năm 1946
   CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA,
                                  (đã ký)
                             HỒ CHÍ MINH
Phó thư :
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ,
(đã ký)
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP,
(đã ký)
 
 
 
Nguyễn Lan Phương
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
 

Hiệu quả kép của truyền thông

 
LỜI TRÁCH BỊ MỘT TỜ BÁO KIA

Thiệt các ông làm báo mà các ông cứ giữ cái chủ nghĩa nói thật, trong xã hội có xảy ra việc gì, các ông nói thật việc nấy, không giấu gím giùm hay là không đẽo gọt bớt đi, thì cũng nguy lắm đó các ông!

Sao mà nguy? Nguy vì cái sự thiệt mà các ông đem nói trên báo đó, nếu là tốt, thì chẳng có hại chi; chớ nếu nó là xấu thì chẳng những là vô ích mà còn làm cho cái hột giống xấu ấy gieo tràn lan ra nữa. Tôi nói nguy là vậy đó.

Đừng làm như những gánh hát cải lương hay là diễn kịch, họ đem những trò dâm đãng ra diễn trên sân khấu, kết cuộc họ buộc cho những vai chủ nhân trong tuồng phải quả báo nầy khác, rồi họ nói diễn làm vậy đó để mà răn đời. Song kỳ thiệt có vậy đâu? Người coi hát chẳng hề lấy đó làm răn mà trái lại e khi họ lại thấy đó rồi lộng hứng lên mà chơi cho thả cửa nữa.

Làm báo như bọn mình cũng nên nghĩ đến sự đó, đừng có thiệt thà quá mà rằng việc đã xảy ra làm sao, tôi cứ việc viết ngay làm vậy.

Tôi mới thấy một cái tin đăng ở tờ báo kia mà tôi le lưỡi dám đến hai phút đồng hồ mới thâu lưỡi lộn vào được! Lập tức tôi phải nói hớt hơ hớt hải mà trằm trồ rằng: "Ý cái thằng con nít con nhà ai lỳ gan trong trời đất!"

Cái tin ấy như vầy:

"Một đứa trẻ con trọng yếu trong hội kín, (ấy là cái đề).

Rồi tiếp nói như vầy:

"Hôm các viên chức sở mật thám Vinh đến chùa Phúc Tự làng Đôn Nhượng, huyện Nam Đàn, để bọc bắt Lê Văn Đào, tức Chắt Lũ, có bắt được một đứa trẻ con 13 tuổi tên là Cải, quê ở làng Phong Nẫm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương. Về sở mật thám, tra hỏi thế nào Cải cũng không chịu khai. Lúc giải về Thanh Chương đối chứng rõ ràng Cải mới chịu khai và nhận là y giữ việc giao thông cho Xứ Ủy hội kín".

Đó, ai nay đọc mà coi, có phải cũng bắt le lưỡi như tôi không? Con nít gì mới 13 tuổi mà lỳ lợm đến thế, đến tra mà cũng không chịu nói, thì không biết hồi cha mẹ nó lại gần nhau có dùng phép thuật thế nào mà đẻ ra cái thằng kỳ quái vậy?

Ở Nam kỳ mình đây có thần đồng Nguyễn Văn Xấu, mới 6 tuổi mà đờn được 50 bản và bất kỳ đờn tranh, đờn kìm, đờn cò, đờn bầu, giống gì nó cũng đờn được hết mà lại hay. Các báo trong Nam ta chẳng có tờ nào mà không nói qua chuyện thần đồng Nguyễn Văn Xấu một vài lần rồi.

Cái đó thiệt nên nói, làm báo thiệt nên kiếm những tin như vậy mà đăng. Bởi vì trẻ nhỏ khác đọc tới tờ báo, thấy cậu thần đồng nầy khoái lắm thì cũng muốn làm theo cho được, rồi chúng nó trở nên thần đồng về nghề đờn hết cũng nên. Chớ còn thằng Cải thì tôi xin lạy cái thẳng! Lỳ như con trâu chương vậy mà báu xót gì, chỉ làm cho mình nát đít ra thì có.

Thế nhưng việc ấy mà đem lên báo, bất kỳ trò nhỏ nào đọc tới, thấy hay hay, rồi nó bắt chước: ở trong trường thầy hỏi giống gì nó không nói; về nhà, cha mẹ hỏi giống gì nó cũng không chịu thưa, có phải là khó chịu mà làm cho người ta càng thêm mệt vì nó không?

Tục ta hay nói đàn bà có mang mà ngồi trên đá thì nửa đẻ con ra lỳ lợm. Thằng Cải nầy, có lẽ mẹ nó là thợ giặt, không thì cũng làm nghề câu cá chi đây mới đẻ ra nó thiệt lỳ như vậy. Thôi! tôi dám ghê cho nó hết cớ rồi!

Tôi muốn các ông làm báo đừng đăng những tin như vậy nữa, vì sợ cái lỳ ấy nó lây qua cho con nít khác chớ chẳng chơi.

Xưa có người đương cuốc vườn, đến trưa vào ăn cơm, giấu cái cuốc nơi bụi tre, vì vườn ở gần đường sợ có kẻ ăn cắp. Nhưng khi vừa giấu cuốc xong, lại đứng đó mà nói bô bô lên trả lời cho người trong nhà như vầy: "Kêu gì mà kêu hoài? Để người ta giấu cái cuốc trong bụi tre rồi người ta vô". Thật tôi đã làm cái việc hôm nay giống in như người giấu cuốc đó quá.

Tôi đã muốn các ông đừng nói, sao tôi còn nói lên đây? Bậy thiệt! Nhưng xin biết cho rằng nếu tôi không kể đầu đuôi thì chẳng ra câu chuyện gì hết, làm thế nào cho đạt cái ý tôi được? Vậy thì tôi cũng phải la lên "tôi giấu cuốc trong bụi tre" lấy một lần chớ.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6709 (20. 4. 1932)

 

 

 

Tản văn : Chuột gặm xe hơi - 80 năm đọc lại mà suy ngẫm

CHUỘT GẶM XE HƠI

Cái đời làm sao mà sinh ra nhiều chuyện mị quá. Chuột hết chỗ gặm mà gặm đến xe hơi, thiệt là chướng quá, không có ai dè.

Bên Pháp, thấy nói mùa đông nầy lạnh hơn mọi năm nhiều. Tại Paris mà hàn thử biển xuống tới 45 độ dưới zéro thì cũng đã dễ ghê. Mỗi ngày hai giờ chiều về tối, thì thường có tuyết xuống, cho nên lại càng khó chịu lắm. Phía đông và phía đông nam nước Pháp còn lạnh hơn Paris nữa. Nhiều con sông đều đông đặc; lại nhiều nơi tuyết xuống cả đêm ngày.

Có một tờ báo Tây nói rằng vì sự lạnh quá đó mà có câu chuyện chuột gặm xe hơi. Tại một thành phố, chuột đông cả bầy nọ bầy kia, ở ngoài đồng chịu không nổi lạnh, nó bèn rúc vào trong nhà người ta trong thành phố mà tạm trú. Bởi thấy chúng nó khổ vì lạnh mà kiếm chỗ lánh mình, nghĩ cũng tội nghiệp, cho nên người ta cũng không đập đuổi làm chi.

Không ngờ vì cớ dung dưỡng đó mà dân chuột sanh tâm làm lộng. Trong một hãng chế tạo xe hơi ở thành phố ấy, mấy hôm vẫn cho một bầy chuột chừng vài ngàn con tá túc; một đêm kia, không ngờ chúng nó lại nhè xe hơi của người ta mà phá hết trọi hết trơn. Theo lời báo nói thì chúng gặm những lớp sơn ở ngoài thùng xe, và những bánh bằng cao su cũng bị chúng nó cắn rã mê hết; mấy chục cái xe chỉ trong một đêm mà hư hết; nếu cứ để vậy không còn có thể bán cho ai.

Người ta lấy làm lạ quá chừng. Dầu cho đến các ông bác sĩ, các nhà khoa học cũng không hiểu làm sao! Chuột cắn gì thì cắn, chớ sao lại nhè xe hơi mà cắn? Nếu nói là chúng nó đói, thì ăn những sơn và cao su ấy mà no được hay sao? Hay là để đỡ lạnh? Nếu trong sơn và trong cao su có chất nóng, đủ ngự hàn được, thì lũ chuột nầy gặm nó cũng phải. Song nếu vậy thì cái tri thức về khoa học của loài chuột chẳng là đã rộng rãi hơn loài người?

Người ta ngờ như vậy, song tôi thì tôi lại nghĩ khác. Tôi cho sự đó là một cái điềm. Điềm gì? Tôi cho là cái điềm xe hơi ế, bán không chạy.

Xe hơi của nước Pháp chế tạo ra, trừ sự đủ dùng trong nước mình rồi, còn bán ra nhiều nơi, chớ không phải một mình Đông Pháp mà thôi. Tuy vậy, Đông Pháp mấy năm nay mua xe hơi của Lang Sa nhiều lắm, có lẽ là bạn hàng quen thuộc nhứt. Nói Đông Pháp chớ kỳ thiệt là Nam kỳ. Xứ nầy nhờ có lúa nhiều mà mua xe hơi khá lắm. Thì hai năm nay giá lúa Nam kỳ sụt rẻ mọt; chẳng những sụt mà lại ế, không có ai thèm mua nữa. Trước khi lúa ế đó, có cái nạn chuột xảy ra. Nghĩa là chuột cắn lúa Nam kỳ hai năm nay, mà còn cắn đến bây giờ, thì lúa cũng còn ế tới bây giờ.

Thế thì biết rằng cái giống "ông tý" ấy nó rớ nhằm cái gì là hại cái nấy. Nó ở đây cắn lúa, làm cho lúa ế; thì nó ở bên kia cắn xe hơi, cũng có lẽ làm cho xe hơi ế.

Mà chắc lắm đa! Lúa đã ế, bán không đặng, thì hú chuột! tiền đâu có mà mua xe hơi?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6642 (19. 1. 1932)

 

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Tản văn : Thương mèo ăn nhạt!

Đã ai kêu rằng bạn là người nhạt chưa? Chắc là không phải không? Vì trên giang hồ, kẻ dám chê bạn nhạt, hẳn đó là người sâu sắc, ít nhất cũng phải sâu sắc hơn kẻ bị chê. Mà thực tế, cái gọi là sâu sắc ở đời bây giờ hiếm lắm. Vì hình như người trong thế gian nông nổi quá nhiều, ở đâu cũng gặp nên ta đã không thấy, không cảm và vô tình không biết đâu là cái nông nổi, đâu là cái sâu sắc ở nơi em, điều đó cũng khó khaen như làm sao để cảm nhận được đâu là cái hữu hạn và đâu là cái vô cùng của cuộc đời này vậy.
Chiều đọc cuốn tình ảo, thấy có câu: ai cũng tưởng trăng quê mình sáng nhất! Tự nhiên mới nghĩ, đúng như vậy, cái gì thuộc về mình cũng tưởng là nhất, ngay cả với những cái xa xôi như chị Hằng nga, huyễn hoặc như ánh trăng cũng vơ vào lòng để mà nghĩ rằng trăng quê mình là sáng hơn quê người khác. Nhạt hay mặn biết lấy gì mà đo, xa xôi hay huyền ảo, nhạt nhẽo hay đậm đà thiết nghĩ cũng do tình cảm mà nên vậy thôi.
Cô thủ thư thấy mình mượn cuốn tình ảo mà hỏi rằng anh đã xong việc rồi à mà chuyển sang đọc truyện? Sao em hỏi vậy, em biết tôi chỉ đọc những cuốn không gọi là truyện sao? Vâng, đó là sự lạ nên em để ý, bây giò có mấy người đọc sách đâu, có chăng thì là giải trí thôi, nên em biết anh... Đó là sự lạ trong cách nhìn của một người tưởng như xa lạ nhưng thật ấm áp, ta đúng là kẻ nhạt nhẽo, bao tháng ngày qua đây mà đâu biết có em luôn nhìn nhận mình để ý minh... chợt nghe trong lòng về sự so sánh nhạt nhẽo của ai kia, bất chợt thấy lòng mình mặn chát, cái chát mặn của sự phôi pha về tình cảm.
Đúng là mình nhạt nhẽo quá. 
Cái nhạt vượt ra khỏi bản thân mà mang tính thời cuộc, xung quanh mọi người sống nhạt nhẽo với nhau. Hôm qua đại hội công đoàn cơ quan, đứa em mới về được mời phát biểu nó nói rằng hoạt động công đoàn tốt nhưng mà hình thức quá người ta chỉ đợi ốm đau hiếu hỉ mới đến với nhau còn ngày thường thì ngoài công việc ra sống với nhau như người dưng nước lã... Em phát biểu mấy câu bằng cả đại hội nói cả buổi, rằng sống với nhau như người dưng nước lã là còn nhẹ lắm, cơ mà có ai đâu nói thẳng một câu là sống với nhau nhạt như nước ốc, nhạt hơn cả nước ốc... Ôi sự nhạt nhẽo đến trong lòng ta từ chính sự tự kỷ, sự huyễn hoặc trong lòng mỗi người, hay cao hơn là sưh nhạt nhẽo của thời cả thiên hạ vác trên mình cây thánh giá có khắc dòng chữ cá nhân chủ nghĩa. Ai đó nói một trong những nguy cơ của thời đại là sự thờ ơ, đúng như vậy, vun vén cho cá nhân, chăm chăm lo cho cá nhân thì hẳn là không thể lo nghĩ đến ngừoi khác, thờ ơ là điều đúng rồi...
Tự nhiên thấy lòng mình nhạt như nước ốc, biết vậy mới thấy thương mèo ăn nhạt bấy lâu./.
Nguyenbuikhiem@gmail.com

Một số vấn đề về Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội

*

*     *


Nguyễn Bùi Khiêm


Về phương diện lý thuyết, truyền thông đại chúng là một trong những khái niệm cơ bản, chiếm vị trí trung tâm, nền tảng trong hệ thống lý luận báo chí – truyền thông nói chúng.
Theo PGS TS Nguyễn Văn Dững, truyền thông đại chúng, nhìn từ phương tiện chuyền tải thông điệp , là hệ thống các kênh truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội để thông tin và chia sẻ tư tưởng, tình cảm và kính nghiệm… nhằm lôi kéo, thuyết phục, tập hợp và tổ chức đông đảo dân cư tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra.[1]. Đối tượng tác động của truyền thông đại chúng là đông đảo công chúng. Đó là tính chất công khai.Tính chất này tiềm ẩn một sức mạnh to lớn, kể cả sự bùng nổ xã hội. Công khai là nói cho nhiều người cùng biết, cùng hiểu để thống nhất nhận thức, tiến tới thống nhất hành vi. Những sự kiện và vấn đề được xã hội hóa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến nhiều người, có mối quan hệ xã hội rộng lớn, được nhân dân quan tâm, mong đợi và có khả năng xâm nhập, lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Do đó, có thể nói sự kiện hay thông điệp xã hội hóa thông quan các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm ưu tiên thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu và lợi ích của đông đảo công chúng và vì sự phát triển chung.
Theo PGS. TS Mai Quỳnh Nam, truyền thông là hoạt động chuyển tải và chia sẻ thông tin. Quá trình này diễn ra liên tục, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng liên kết với nhau. Đây là một quá trình phức tạp qua nhiều khâu. Các khâu này chuyển đổi tương đối linh hoạt để hướng tới sự thay đổi nhận thức và hành vi của các cá nhân và các nhóm. Theo Mr Nam, truyền thông là một quá trình liên tục, phức tạp và nhiều khâu, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Ý này hình như có vẻ mới mẻ đúng không ạ.
Theo Mr Dững, truyền thông đại chúng bao gồm báo chí và các kênh truyền thông khác như sách, điện ảnh, các phương tiện nghe nhìn, pano, ap phich…; còn Mr Nam, các kênh thông tin đại chúng như một thiết chế xã hội quan trọng của xã hội hiện đại. Truyền thông đại chúng được hiểu như là toàn bộ những kỹ thuật lan truyền thông tin tới những nhóm xã hội lớn, mà chủ yếu bằng báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, internet hoặc các phương tiện khác như sách, áp phích…
 Vai trò và chức năng của truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội đã được chứng minh từ lâu. Từ phương diện xã hội học, cơ chế tác động qua lại giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hình thànhthể hiện dư luận xã hội.
Dư luận xã hội – theo góc độ xã hội học – là sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn, của công chúng nói chung về các hiện tượng, sự kiện xã hội, đại diện cho lợi ích của các nhóm xã hội mà những lợi ích này có tính cấp thiết trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại. Dư luận xã hội là cầu nối giữa ý thức xã hội và hành động xã hội. Vì vậy, với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông mới có thể làm tốt chức năng “tổ chức tập thể, cổ động tập thể” theo quan điểm của Mr Lenin, từ đó góp phần tạo nên động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh cho các hành động xã hội.
Với truyền thông đại chúng, thông tin từ hệ thống này được truyền đến số đông công chúng một cách nhanh chóng (có khi đồng thời với sự kiện, hiện tượng), đều đặn và gián tiếp. Hệ thống truyền thông đại chúng vừa phải hướng tới các đối tượng công chúng nói chung và các nhóm công chúng cụ thể. Hoạt động hệ thống truyền thông đại chúng luôn chịu sự tác động từ hai phía: Phía thứ nhất: là các thiết chế xã hội mà phương tiện đó là công cụ (như các tờ báo của các tổ chức chính trị, xã hội); thứ hai, là công chúng của báo chí.
Sự tác động của các nhóm công chúng đến các phương tiện truyền thông đại chúng hết sức khác nhau, do những khác biệt về địa vị xã hội, quyền lợi giai cấp, về các nhân tố tâm lý và về cường độ giao tiếp với các phương tiện truyền thông đại chúng. Một người nông dân không thể có cơ hội đọc báo nhiều như một công chức. Một người dân miền núi sẽ khó có điều kiện bắt được nhiều kênh truyền hình như một người ở các thành phố trung tâm. Một học sinh ở nông thôn sẽ khó có cơ hội tiếp cận internet tốt hơn một sinh viên ở thành phố. Nhu cầu nắm bắt thông tin của các nhóm công chúng, các nhóm xã hội khác nhau là rất khác nhau. Và tất nhiên, sự khác biệt ấy xuất phát từ mối quan tâm khác nhau giũa họ – những nhóm công chúng khác nhau. Mối quan hệ giữa báo chí và công chúng trong quá trình hình thành và thể hiện dư luận xã hội mang tính chất biện chứng. Một mặt, các phương tiện truyền thông đại chúng thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của công chúng; mặt khác, bản thân công chúng lại đặt ra các yêu cầu mới đối với hoạt động của hệ thống này. Sự trưởng thành trong mối quan hệ ấy thể hiện tính tích cực chính trị xã hội của bản thân hệ thống báo chí và của công chúng báo chí.  Không có thực tiễn phong phú, đa dạng không có đòi hỏi bức thiết của đời sống thì truyền thông đại chúng khó có sự đổi mới, tìm tòi để tăng cường chất và lượng thông tin. Ngược lại, từ sự nỗ lực của các phương tiện truyền thông đại chúng, cường độ dư luận xã hội, sự định hướng dư luận xã hội được tăng cường và tạo ra những hiệu quả xã hội nhất định.
Giao tiếp là một hoạt động cơ bản của con người để thực hiện nhu cầu liên hệ xã hội. Các quan hệ xã hội được hình thành từ đó. Mối liên hệ này càng được củng cố thì dư luận xã hội càng trở nên chín chắn. Dư luận xã hội được hình thành dưới sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua các kênh thuộc hệ thống này và bằng con đường giao tiếp, bằng hoạt động thảo luận trao đổi về nội dung các thông tin mà công chúng tiếp thu được để hình thành nên dư luận xã hội.

Cơ chế hình thành và thể hiện dư luận xã hội thông qua tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng phụ thuộc vào đặc thù của mỗi phương tiện truyền thông. Bên cạnh yếu tố loại hình báo chí, phạm vi tác động (vật lý) còn có các yếu tố về dân số – xã hội và địa lý được lấy làm cơ sở cho hoạt động xuất bản và phát hành báo chí. Các phương tiện truyền thông đại chúng hướng đến việc hình thành dư luận xã hội về tất cả các vấn đề trong đời sống xã hội vì những mục đích nhất định. Hình thành dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng được hình thành song song, có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Để thực hiện được vai trò đó, hệ thống truyền thông đại chúng cần phải:
 - Tăng cường và phát triển dân chủ hóa trong các mặt của đời sống xã hội. Tổ chức và động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý xã hội.
- Thông tin tới công chúng về tình trạng của dư luận xã hội trên các vấn đề đang tạo nên mối quan tâm chung của toàn thể xã hội, nhất là các vấn đề có tính chất cấp thiết.
- Tác động lên các thiết chế xã hội và đề xuất các phương án hành động.
- Làm hình thành dư luận xã hội về một vấn đề nào đó nhằm thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát
- Xây dựng lòng tin, thế giới quan và ý thức quần chúng.
 - Điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội và làm tăng cường tính tích cực chính trị của quần chúng.
Việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hình thành dư luận xã hội cũng là để thể hiện dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội nhằm tăng cường cường độ, phạm vi, định hướng dư luận xã hội. Báo chí nói riêng, các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua đã có nhiều cách thể hiện dư luận xã hội hết sức sáng tạo. Nhưng nhìn chung, các hình thức thể hiện dư luận xã hội chủ yếu như sau:
 1. Phản ánh trực tiếp: Bằng cách cho đăng phát các ý kiến của người đọc, người nghe, xem hoặc các lời phát biểu của đại diện các tầng lớp công chúng trên truyền thông.
2. Đăng tải các bài phát biểu của đại diện các tầng lớp nhân dân hoặc các tổ chức đoàn thể xã hội về một chủ đề nào đó, kèm theo lời bình luận cơ quan báo chí.
3. Trên cơ sở nghiên cứu, tập hợp, phân tích các ý kiến về một vấn đề nào đó, các nhà báo viết bài rồi cho phát hành.
Việc thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và thể hiện dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói riêng đều dựa trên yêu cầu: Thông tin đưa ra công luận phải dẫn đến sự tranh luận của quần chúng, nghĩa là các thông tin đó trở thành điểm khởi đầu cho sự đánh giá của dư luận xã hội đều có các tính chất sau:
- Nó phản ánh được lợi ích của xã hội.
- Nó có tính cấp bách
- Nó tạo nên sự tranh luận
Quá trình hình thành dư luận xã hội có sự đòi hỏi cao ở tính thống nhất rất phức tạp của các đối tượng công chúng. Các yếu tố quan niệm chung về định hướng giá trị, bề dày của kinh nghiệm chính trị, tính tích cực chính trị xã hội, trình độ học vấn của công chúng là các nhân tố quan trọng để tập hợp các cá nhân vào dòng chảy của các phương tiện truyền thông đại chúng, và qua hệ thống này thể hiện ý kiến của cá nhân họ và của nhóm xã hội mà bản thân họ là một thành viên. Sự trùng khớp càng cao giữa ý kiến của nhóm với ý kiến chung của xã hội là nhân tố quan trọng để tạo nên mối liên kết xã hội nhằm đảm bảo tính chất bền vững của dư luận xã hội.
Các giai đọan của sự hình thành dư luận xã hội dưới tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng diễn ra quan các bước sau.
- Công chúng làm quen với các vấn đề được các phương tiện truyền thông gợi ý hoặc đề xuất.
- Kích thích lợi ích xã hội về vấn đề đó. Hoạt động này thường được làm bằng cách đăng bài của các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó. Việc trình bày các quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá sẽ tạo nên cơ sở cho việc tranh luận.
- Tiến hành tranh luận trên phạm vi đại chúng
Sự hình thành dư luận xã hội diễn ra liên tục và chứa đầy các yếu tố tự phát. Nhưng đây là một quá trình có quy luật. Mặc dù sự phát triển của dư luận xã hội được xác định bởi các quy luật khách quan, song để dư luận xã hội được hình thành có định hướng thì phải có hoạt động điều khiển. Trong một xã hội phát triển có định hướng thì quá trình hình thành dư luận xã hội theo con đường tự phát tất yếu phải chịu tác động bởi sự điều hành có ý thức của hoạt động quản lý và tổ chức xã hội.
Sự hình thành dư luận xã hội thông qua các phưong tiện thông tin đại chúng có phản hồi (feedback). Nghĩa là các phương tiện này không chỉ tạo nên dư luận xã hội, mà đến lượt nó, dư luận xã hội cũng có tác động trở lại đến hoạt động của hệ thống truyền thông đại chúng. Vì trong lĩnh vực thông tin đại chúng sự phân chia giữa những người tham gia truyền thông (nguồn tin – chủ thể tác động) và người nhận (khách thể tác động) là rất tương đối vì cả hai phía của tác động này đều là chủ thể và khách thể của tác động thông tin một các một chiều.
Tài liệu tham khảo:
1.      Báo chí truyền thông hiện đại; Báo chí và dư luận xã hội của Mr Nguyễn Văn Dững.
2.      Xã hội học về truyền thông đại chúng của Mr Trần Hữu Quang
3.      Nghiên cứu của Mr Phan Văn Tú.
4.      Bài học trong chương trình Master.
Mọi vấn đề ai quan tâm, xin vui lòng trao đổi qua: nguyenbuikhiem@gmail.com



[1] Báo chí truyền thông hiện đại, Tr. 5

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Tản văn về nỗi cô đơn

Cá chép về nỗi cô đơn.

Khi cô đơn, người ta thường dễ hoài niệm. Hoài niệm về những điều đã có, đã qua. Hoài niệm về những phút giây mà họ đã không thể và không đủ can đảm để giữ chặt nó trong đời, vì một hay nhiều lý do nào đó mà họ đành phải để cuốn trôi. Những thăng trầm cuộc sống và bộn bề công việc chẳng mấy khi cho họ có thời gian để soi lại tấm gương của quá khứ, nhưng khi cô đơn, dù muốn hay không, vùng kí ức ấy vẫn hiện về, nhưng không bằng niềm vui mà thay vào đó là một nỗi buồn sâu thăm thẳm.

Biết bao người đã chất đống nỗi cô đơn của họ lên thành một lâu đài giá băng không có những điều thân thương ở đó, họ ngột ngạt giữa biển người mênh mông không vòng tay sâu rộng. Tôi cũng từng có những nỗi cô đơn trong đời như thế. 

Hẳn cái triết lý sống rằng cuộc sống của mình là do mình sắp đặt, mình vui hay buồn, cô đơn hay không cô đơn đều do mình tạo nên. Điều đó chẳng sai, nhưng ở đời vẫn luôn có những điều nằm ngoài sự sắp đặt và mong muốn của chúng ta. Đâu phải khi ta muốn vui là có thể vui được đâu, đâu phải khi ta muốn tránh xa nỗi cô đơn là ta có thể tránh xa được đâu. Tôi từng đọc một bài báo nói về nỗi cô đơn của đàn ông, và tôi ước gì tôi giống họ. Đối với phụ nữ, nỗi cô đơn là sự  ảnh trong tâm hồn, nhưng với đàn ông, sự cô đơn chỉ là một cơn gió vô tình. Phụ nữ khi cô đơn cũng tìm đến đám đông, nhưng không phải ai cũng vượt qua được nỗi cô đơn đó đó nhờ đám đông. Đàn ông thì khác, họ luôn tự tin rằng họ thừa sức mạnh để chiến thắng sự cô đơn và không để nó ảnh hưởng đến cuộc sống. Đàn ông không dùng nước mắt để chống lại nỗi cô đơn như phụ nữ mà khi cô đơn, người đàn ông luôn nung nấu một quyết tâm "phục thù" để lấy lại sự thanh thản.

Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ biết đến nỗi cô đơn, kể cả khi lúc đó tôi một mình. Nhưng sau này, khi đã bước vào đời, khi đã đi qua ngưỡng cửa của một tình yêu, lớn lên cùng với những thiệt thòi - được mất, tôi mới thấy nỗi cô đơn sao rộng và dài quá. Nhìn vào đôi mắt, đôi môi tôi ngoài đời thực, có người đã hỏi tôi rằng một người sống hồn nhiên và chẳng bao giờ đánh mất nụ cười trên môi như tôi, hẳn tôi chẳng có khái niệm về nỗi cô đơn. Nhưng ẩn sâu đằng sau ánh mắt biết nói và đôi môi biết cười ấy là cả một khung trời mà không mấy ai có thể nhìn thấy được. Đã có biết bao nhiêu bữa tiệc, bao nhiêu buổi liên hoan, sau những trận cười vang, tôi lặng lẽ bước ra ngoài, nhìn lên bầu trời sâu thăm thẳm và hít thở cái không khí thật sâu, để tự nói với mình lúc đó rằng: "Thôi nào, hãy quẳng những ý nghĩ viển vông đi để mà sống, mà yêu đời thêm đi nữa". Và đó là lúc tôi ghét cái tâm hồn nhạy cảm của tôi nhất, ghét những suy nghĩ phức tạp của tôi nhất. Tôi chưa bao giờ sợ sự cô đơn khi một mình, ngay cả khi tôi cần một ai đó ở bên, nắm lấy bàn tay tôi. Mà tôi chỉ sợ khi tôi ngồi bên người tôi yêu thương mà tôi vẫn phải rùng mình vì một nỗi cô đơn.

Tôi biết nước mắt là điều phụ nữ tìm đến nhiều nhất khi họ đối diện với nỗi cô đơn, vì chỉ có qua màn nước mắt, người ta mới thấy nỗi cô đơn đó đớn đau đến thế nào. Nhưng còn tôi thì khác, tôi đã học cách mỉm cười khi đối diện với nỗi cô đơn. Không phải bởi vì tôi sợ những giọt nước mắt sẽ càng làm tôi yếu đuối hơn, mà tôi chỉ sợ rằng nước mắt tôi sẽ chẳng thể nào rơi được nữa trong những khoảnh khắc kiệt cùng như thế mà thôi. Bởi thế nên bây giờ, trong những phút cô đơn, tôi lại lặng lẽ... cười. Lúc đó tôi vẫn thấy tôi được là mình nhiều nhất, dẫu khóc hay cười thì cũng thế mà thôi.

Tôi mong cho bạn, cho tôi và cho tất cả loài người trên thế giới này có thể đi qua được nỗi cô đơn sâu thẳm phía tâm hồn một cách nhẹ nhàng và bình thản nhất. Khi đi qua cô đơn rồi, bạn sẽ mỉm cười vì đã sống những ngày trọn vẹn và tiếp tục chắp nối chặng yêu./.

Chepkhongbietcuaai@yahoo.com

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Khoa học công nghệ và truyền thông:

                           MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MẠNG XÃ HỘI


Nguyễn Bùi Khiêm


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2011, Việt Nam có 130 mạng xã hội đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ. Trong đó, có một số mạng xã hội đã thu hút hàng triệu người sử dụng như ZingMe với 5,1 triệu người; Facebook 2,9 triệu người; Yume gần 2,9 triệu người… Mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng theo hai hướng chuyên biệt hóa và cung cấp cùng một lúc nhiều dịch vụ.
Khái niệm
Những đổi mới trong công nghệ thông tin đã đưa thế giới đến với một kỷ nguyên của các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó hầu như tất cả mọi người đều được tiếp cận tin tức và thông tin, và trở thành những người sáng tạo và đóng góp cho ngành công nghiệp báo chí. Nhờ đó, ngày nay, tin tức được truyền đi theo những cách thức phi truyền thống với những hệ quả không thể đoán trước được. Một trong những cách thức phi truyền thống đó là mạng xã hội.
Mạng xã hội (social network) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.
Mạng xã hội là hệ quả của sự phát triển của công nghệ thông tin trên nền tảng Internet, truyền thông hội tụ và cá nhân hóa các thiết bị công nghệ thông tin, nhất là các thiết bị đầu cuối. Ước tính, có khoảng 800 triệu điện thoại di động được bán ra mỗi năm trên khắp thế giới và càng ngày, chiếc điện thoại di động càng hiện đại, nó được tích hợp đầy đủ các chức năng nghe, nhìn, truyền tải dữ liệu cả hai chiều. Những công cụ này tạo ra một “thế hệ thông tin toàn cầu” có khả năng chưa từng có để tạo lập, sản xuất, chia sẻ và tham gia vào những gì đang diễn ra của cuộc sống. Mạng lưới toàn cầu cho phép con người đưa tin tức, suy nghĩ, ý tưởng và hình ảnh đi bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào.
Mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán...
Mục tiêu của mạng xã hội
· Tạo ra một hệ thống trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lýthời gian.
· Xây dựng lên một mẫu định danh trực tuyến nhằm phục vụ những yêu cầu công cộng chung và những giá trị của cộng đồng.
· Nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội.

Một số mạng xã hội đầu tiên và nổi tiếng trên thế giới:
Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học, tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu.
Năm 2004, MySpace ra đời với các tính năng như phim ảnh (embedded video) và nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn thành viên mới mỗi ngày, các thành viên cũ của Friendster cũng lũ lượt chuyển qua MySpace và trong vòng một năm, MySpace trở thành mạng xã hội đầu tiên có nhiều lượt xem hơn cả Google và được tập đoàn News Corporation mua lại với giá 580 triệu USD.
Năm 2006, sự ra đời của Facebook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình "Facebook Platform" cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng. Facebook Platform nhanh chóng gặt hái được thành công vược bậc, mang lại hàng trăm tính năng mới cho Facebook và đóng góp không nhỏ cho con số trung bình 19 phút mà các thành viên bỏ ra trên trang này mỗi ngày.


Mối quan hệ mạng xã hội và truyền thông
Biểu hiện quan trọng nhất của We Media là sự tham gia. Tất cả mọi người đều là một phần của câu chuyện. Tất cả mọi người đều có ảnh hưởng. Hành động của một người dân hoặc một nhóm công dân, đóng vai trò trong quá trình thu thập, đưa tin, phân tích và truyền bá tin tức và thông tin sẽ là sự cạnh tranh đối với các tổ chức truyền thông và những nhà báo làm việc cho các tổ chức này. Tuy nhiên, mục đích có thể lại là giống nhau: cung cấp thông tin độc lập, đáng tin cậy, chính xác, trên nhiều lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan mà một nền dân chủ đòi hỏi.
Qua mạng Web các ranh giới giữa các hình thức truyền thông khác nhau, giữa truyền thông chính thức và không chính thức đã trở nên không rõ ràng. Nhưng qua đó các ranh giới giữa truyền thông định lượng và truyền thông đại trà cũng không rõ ràng, có nghĩa là không có ranh giới giữa truyền thông cho riêng từng người và cho tất cả mọi người. Đồng thời trong cả báo in đã xuất hiện những nguồn nghiệp dư, bên cạnh bài viết của giới nhà báo chuyên nghiệp: người vào mạng quan tâm đến những bài viết của „phóng viên độc giả“, những bức ảnh chụp ở khắp nơi bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại di dộng. Như vậy trên nhiều phương diện thì nền báo chí đương đại mang tính chất quy tụ và tương tác. Tuy các sản phẩm báo chí, phát thanh truyền hình truyền thống vẫn đóng vai trò trung tâm trong các nội dung truyền thông với diện mạo mới, nhưng giới trẻ lại cho rằng mạng xã hội, mạng “cộng đồng“ tin cậy hơn và hấp dẫn hơn. Internet phát triển thành một cộng đồng cho phép mọi người có thể tương tác với nhau trên mạng, các tập đoàn truyền thông lớn đang cố gắng kết nối với các trang mạng xã hội để giúp người sử dụng có thể chia sẻ, trao đổi, bình luận một cách dễ dàng hơn với bạn bè.
Hãng tin CNN đã kết nối chuyên mục chính trị “The Forum” với Facebook, trang mạng xã hội lớn thứ hai tại Mỹ, cho phép mọi người trao đổi ý kiến về các cuộc tranh luận tổng thống và giúp họ xem được các bình luận của bạn bè.
Mặc dù tuyệt đại đa số người tham gia nói trên thiếu kỹ năng hoặc không được đào tạo về nghề báo, song chính Internet lại hoạt động như là một cơ chế biên tập. Điểm khác biệt là việc biên tập được thực hiện từ nhiều phía, và thường là sau khi sự việc đã diễn ra chứ không phải là trước đó. Trong hệ thống thông tin này, người dân dựa vào nhau để đưa tin, truyền tải và hiệu chỉnh một câu chuyện khi nó tiếp diễn. Một câu chuyện không còn bị cố định bởi thời hạn hoặc lịch đưa tin, mà nó có cấu trúc và phát triển theo hình xoắn ốc qua nhiều hình thức truyền thông. Nó không còn thuộc về bất kỳ ai nữa ngoại trừ chính khán giả của nó.
Tính linh hoạt của cách tiếp cận này nhấn mạnh vào việc phát hành thông tin hơn là vào việc lọc thông tin. Những cuộc đàm thoại trong cộng đồng diễn ra để tất cả cùng chứng kiến. Ngược lại, những tổ chức truyền thông truyền thống được thành lập là để lọc thông tin trước khi phát hành chúng. Nhà biên tập và phóng viên cộng tác với nhau, song cuộc thảo luận giữa họ không được công khai cho công chúng biết hoặc tham gia.
Điểm khác biệt rõ thấy nhất giữa nền báo chí có sự tham gia của mọi người với nền báo chí truyền thống là cấu trúc và tổ chức tạo ra chúng. Hoạt động truyền thông truyền thống được tạo lập bởi những tổ chức có phân cấp, được thiết lập vì mục đích thương mại. Cách thức kinh doanh của nó tập trung vào lợi nhuận thu được từ quảng cáo. Nó coi trọng cách thức tổ chức công việc chặt chẽ, khả năng sinh lợi và sự vẹn toàn. Những cộng đồng được liên kết qua mạng coi trọng đối thoại, sự cộng tác và chủ nghĩa bình quân về khả năng sinh lời, tạo lập ra nền báo chí có sự tham gia của mọi người. Nền báo chí này không cần đến một nhà báo được đào tạo theo lối cổ điển làm người dàn xếp. Nhiều trang tin, diễn đàn và cộng đồng trực tuyến hoạt động hiệu quả mà không cần đến một người như vậy.
Hiện tại, các cá nhân có được khả năng chưa từng có, đó là cách thức và thời điểm họ tiếp cận thông tin và quyết định việc chia sẻ thông tin với ai. Trong xã hội được kết nối của những người di cư toàn cầu, nguồn vốn xã hội của chúng ta có thể được mở rộng thông qua những mạng lưới cá nhân rộng lớn trải khắp toàn cầu.
Mạng xã hội là một lực lượng phát triển mạnh mẽ, nó gợi ra rằng, tiếng nói - thực, là một biểu hiện văn hóa của cá nhân - lại đang hồi sinh trong hoạt động của các phương tiện truyền thông của chúng ta.
Hệ lụy tiêu cực
Mạng xã hội có tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Mạng xã hội có vai trò quan trọng đối với báo chí trong việc cung cấp thông tin, đề tài, quảng bá và xây dựng giá trị thương hiệu cho cơ quan báo chí và nhà báo. Mạng xã hội cũng là kênh tương tác của báo chí với độc giả góp phần làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống trước đây… Song, mạng xã hội không phải là phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc tiếp nhận, kiểm chứng và “chính thống hoá” thông tin trên mạng xã hội, đòi hỏi các quan báo chí, nhà báo phải thận trọng, cân nhắc khi chọn lọc.
Điều dễ nhận ra là mạng xã hội và truyền thông nói chung đã đem lại nhiều điều bổ ích cho con người, đặc biệt là về thông tin, giải trí, sự liên kết, tương tác giữa các thành viên và các loại hình truyền thông. Dựa trên tiện ích đa dạng mang lại cho người sử dụng, mạng xã hội được ví như ngôi nhà chung của nhiều người mà ở đó, người ta có thể chia sẻ cảm nhận, cảm xúc cá nhân, bất kể khoảng cách về địa lí hay sự chênh lệch tuổi tác. Những diễn đàn được lập ra trên mạng, tập hợp nhóm người cùng sở thích, chung mối quan tâm, có khi dẫn đến hành động tập thể một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, sau những biến cố xã hội như xảy ra lũ lớn, bão to, qua các phương tiện truyền thông hay các diễn đàn trên mạng lan truyền thông tin, hình ảnh về hậu quả thiên tai, nạn nhân, những người không may phải gánh chịu hậu quả và cả lời kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức sẻ chia... Trong những trường hợp ấy, dư luận từ số đông hình thành, góp phần tô đẹp thêm truyền thống "bầu ơi thương lấy bí cùng" giữa người với người trong xã hội hiện đại.
Thế nhưng, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội cũng đã và đang đem lại hệ lụy không mong đợi, một cách hữu ý hoặc vô tình thông qua người sử dụng nó. Một thông tin đăng tải trên báo chí gần đây đã đưa ra số liệu đáng lưu ý, rằng "hơn 50% số người trưởng thành sử dụng các dịch vụ mạng xã hội đã từng đăng tải thông tin cá nhân nhạy cảm và rất nhiều người chưa biết sử dụng chức năng bảo vệ quyền riêng tư". Ở nước ta, đặc biệt là gần đây, trên nhiều trang mạng lớn tràn ngập hình ảnh phản cảm, những chuyện cướp, giết, hiếp được đưa lên với dụng ý lôi kéo số đông.
 Tác động phản cảm có thể gây hiệu ứng tệ hại, mà sự xuất hiện của nhóm trẻ tuổi tự nhận mình thuộc "hội những người hâm mộ sát thủ Lê Văn Luyện" là một ví dụ có tính điển hình. Sự xuất hiện những quan điểm cá nhân tự đánh bóng theo chiều hướng phi chính trị, phi nhân bản, phi lợi ích cộng đồng, thậm chí bệnh hoạn trên mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng, thực sự là mối nguy hại cho xã hội.
Truyền thông có thể đóng vai trò dẫn dắt số đông dù người sử dụng chúng có ý thức được điều đó hay không. Với sự cẩu thả trong việc lựa chọn nội dung thông tin, hình ảnh và dựa trên tốc độ lan truyền khủng khiếp, khả năng tương tác cao thông qua mạng xã hội, những thông điệp không phù hợp với lợi ích xã hội có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người, không loại trừ sự hình thành trào lưu.
Truyền thông, báo chí chính thống không ít lần trở thành cầu nối lan truyền thói hư, hình ảnh xấu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đôi lúc sự thể bắt đầu từ phương pháp tác nghiệp và năng lực phóng viên. Có những người không đi đến nơi cần đến, viết theo tưởng tượng với ý đồ riêng, hoặc cố tình cắt xén để nhằm làm sai lạc sự thật như nó vốn có. Điều đó cho thấy một điều, bên cạnh những giải pháp về quản lý nói chung còn cần giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ làm nghề báo, ngoài sự nhạy bén còn đòi hỏi ý thức và cách xử sự nhân văn.

Vấn đề quản lý mạng xã hội

Tại cuộc hội thảo về tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội (hội thảo tại Huế ngày 28-10/2011) Bà Annelie Ewers, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí FOJO, Thụy Điển, chia sẻ ngay đầu cuộc hội thảo: “Mạng xã hội đang là chủ đề nóng trên thế giới, đang từng ngày thách thức đối với cách truyền thông truyền thống. Vai trò nhà báo cũng đang thay đổi và chúng ta đã đến ngã tư đường: Ai sẽ nắm quyền tác động và vai trò nhà báo trong tương lai sẽ như thế nào?”. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng Internet sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, 100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội. Trong số những người sử dụng dưới 18 tuổi thì 43% có một tài khoản, 25% có hai tài khoản và 13% có bốn tài khoản trở lên. Ông Hải cũng xác nhận thông tin trên các mạng xã hội này là một nguồn đầu vào cực kỳ phong phú cho báo chí, tham gia quảng bá cho các thông tin báo chí lan tỏa, tiếp cận bạn đọc. Trong nhiều vụ việc cụ thể, mạng xã hội còn tác động, tương tác với báo chí, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, giúp báo chí có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tiếp nhận ý kiến. Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý về sự thiếu chính thống, thiếu kiểm chứng của các thông tin trên mạng xã hội. “Nhiều thông tin không có động cơ, mục đích rõ ràng, có một số thông tin có động cơ xấu. Nếu thông tin đầu vào thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng thì trên báo chí có thể xuất hiện thông tin sai sự thật và điều này sẽ khiến cho tờ báo trở nên tầm thường, lá cải”. Ông Lê Hồng Minh, chủ trang mạng Zingme, nói rằng sử dụng mạng xã hội là xu thế không thể cưỡng lại của những người trẻ. Điều này tạo ra những thách thức thực sự với báo chí truyền thống. Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM nhìn vấn đề ở góc độ “phủ sóng” thông tin. Bạn đọc luôn có nhu cầu được biết, nếu báo chí chính thống né tránh thì sẽ mất người đọc và người dân sẽ tìm đến các mạng xã hội. Theo bà Annielie Ewers, nhà báo phải đi đầu sử dụng mạng xã hội chứ không phải cản trở sự phát triển của nó. Đó là cách báo chí cùng tồn tại, kiểm chứng, cũng là bảo vệ sự thật và bảo đảm cân bằng cho người thụ hưởng thông tin. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải e ngại thông tin từ mạng xã hội. Các tòa soạn báo, các nhà báo phải tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển. Ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Nếu nhà báo, cơ quan báo chí lựa chọn thông tin, chủ đề thiếu chọn lọc, thiếu cân nhắc sẽ dẫn đến thông tin “lá cải”, “a dua” chạy theo mạng xã hội. Nếu không kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội. Ông Lưu Vũ Hải lấy dẫn chứng: “Tình trạng các cơ quan báo chí, nhà báo mắc phải sai sót trong việc kiểm chứng và xử lí nguồn tin gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức khác, đang có xu hướng phổ biến ở nhiều báo điện tử trong thời gian gần đây”.
Ngược lại, báo chí cũng có vai trò quan trọng với mạng xã hội. Báo chí đã góp phần “định hướng” thông tin, tiếp nhận, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội. Nếu nhà báo, cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh, nhạy cảm về chính trị, trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội; tuân thủ đúng, chặt chẽ quy trình biên tập, sẽ tận dụng được những ưu điểm của mạng xã hội./.