Khiemnguyen

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Đi tìm câu trả lời về tính chiến đấu của báo chí đầu thế kỷ XX:

BÁO CHÍ THỜI PHÁP THUỘC (phần 1)



Nguyễn Bùi Khiêm


BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI
Năm 1858, người Pháp đưa quân đội viễn chinh xâm chiếm Việt Nam. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, quyền lực nhà nước phong kiến Việt Nam chuyển sang tay người Pháp. Với bản chất đế quốc của mình, thực dân Pháp đã tạo nên một cơ sở xã hội làm chỗ dựa cho hệ thống cai trị thuộc địa bao gồm giai cấp địa chủ phong kiến và tầng lớp tư sản mại bản. Chúng biến bộ máy cai trị của giai cấp phong kiến thành hệ thống tay sai giúp chúng bóc lột và đàn áp nhân dân. Sự phân hóa sâu sắc trong xã hội đã tạo nên một cơ cấu giai cấp mới, ngoài giai cấp địa chủ và nông dân, bắt đầu xuất hiện các giai cấp khác là công nhân, tư sản, tiểu tư sản thành thị, thậm chí trong giai cấp nông dân còn phân hoá thành phú nông, trung nông và bần nông. Sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa (1897-1913; 1919-1929) nhằm cướp đoạt tài nguyên, bóc lột nguồn nhân công rẻ mạt, phục vụ cho giới tư bản lũng đoạn Pháp. Thực dân Pháp ban hành chính sách cai trị trên mọi lĩnh vực: chuyên chế về chính trị; bóc lột nặng nề về kinh tế và kìm hãm nô dịch về văn hóa. Đồng thời, người Pháp áp dụng chính sách "chia để trị", chia cắt đất nước ta thành 3 kỳ với chế độ và bộ máy cai trị khác nhau. Nam Kỳ là đất thuộc địa, không còn có quan hệ phụ thuộc nào nữa với triều đình nhà Nguyễn. Đứng đầu bộ máy cai trị là một viên đô đốc người Pháp. Đến năm 1879, người Pháp thay đô đốc bằng chức thống đốc. Năm 1880, tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Bắc Kỳ, là đất “bảo hộ”, đặt dưới quyền cai trị của một viên thống sứ người Pháp. Từ năm 1886, chúng bắt triều đình Huế cử một viên kinh lược sứ thay mặt nhà vua thống quyền cai trị. Thực tế, kinh lược sứ cũng là một bù nhìn và phải chịu quyền giám sát chặt chẽ của thống xứ Pháp. Mục đích chính của thực dân Pháp là tách Bắc Kỳ ra khỏi triều đình Huế, sử dụng bọn bù nhìn này để đàn áp các phong trào khởi nghĩa và thu thuế má của người bản xứ. Trung Kỳ là xứ nửa bảo hộ. Ở đây triều đình bù nhìn vẫn còn được duy trì. Giúp việc nhà vua còn có Hội đồng phụ chính và phủ tôn nhân, cùng các viện như Viên Cơ mật, Viện Đô sát. Phủ tôn nhân trông coi những việc của gia đình nhà vua và những tôn thất. Viện cơ mật giúp nhà vua đề ra đường lối lãnh đạo quốc gia. Viện Đô sát kiểm soát hoạt động của các quan lại. Với những chính sách, bộ máy và sự phân chia như đó, người Pháp đã áp dụng chính sách chia để trị, nhanh chóng vô hiệu hóa, bù nhìn hóa bộ máy quan lại người Việt, ổn định tình hình  và tổ chức việc khai thác, bóc lột thuộc địa, thực hiện âm mưu đế quốc thực dân của mình.
Tuy nhiên, sự phản kháng của những người dân Việt Nam yêu nước đã không cho phép người Pháp có thể làm gì thì làm. Phong trào cách mạng nổi lên khắp nới, tuy bị đàn áp khốc liệt, nhưng sự lắng xuống chỉ là tạm thời. Thực dân Pháp thấy rõ không thể nào dẹp yên được hẳn những nổi dậy âm mưu trong tương lai nếu không diệt được tận gốc mầm mống nổi loạn phản kháng là thái độ bất khuất của tầng lớp sĩ phu, cho nên về lâu dài và triệt để, phải đánh đổ tầng lớp sĩ phu lãnh đạo tinh thần và thay thế họ bằng một tầng lớp trí thức tay sai, thông ngôn, thư lại hoàn toàn do Pháp đào tạo theo tinh thần văn hóa Tây phương, chỉ biết tiếng Pháp, làm việc cho Pháp và nhờ được chia sẻ một phần quyền lợi, sẽ phải gắn liền số phận của họ với chế độ bảo hộ. Người Pháp đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải tranh thủ cho được tầng lớp sĩ phu còn thấm nhuần nho học bằng cách lấy quyền lợi vật chất ra nhử họ, đưa họ ra làm quan, cộng tác với Pháp - thực tế, đã có một số đầu hàng và quy thuận - nhưng chủ yếu là phải tranh thủ họ về tinh thần, làm sao cho họ phải chịu phục và chấp nhận bảo hộ, thuyết phục được những nhà Nho yêu nước sẵn sàng chấp nhận chế độ bảo hộ với niềm tin tưởng thành thật rằng đó là một cần thiết, lợi ích cho dân tộc đất nước. Một mặt, thực dân Pháp tìm cách thực hiện những chính sách hành chính, chính sách giáo dục nhằm cắt đứt liên hệ của sĩ phu với văn hóa truyền thống Nho giáo từ Trung Quốc qua, mặt khác đề ra những chính sách về báo chí nhằm giới thiệu phổ biến văn hóa Tây phương, đặc biệt văn hóa Pháp, nền văn hóa, tư tưởng mà tầng lớp sĩ phu đang thèm khát tìm hiểu, nhưng dĩ nhiên phải được giới thiệu theo lăng kính của thực dân có lợi cho việc biện hộ và duy trì chế độ thực dân. Trên mặt trận văn hóa và tư tưởng, song song với những biện pháp khủng bố, đàn áp ngăn cấm tiêu cực, để đối phó với văn chương và tư tưởng cách mạng, người Pháp đưa ra một chính sách mới mà họ gọi là “Chính sách thực dân bằng sách vở” (Politique de colonisation par les livres). Để thực hiện được chính sách này, thực dân Pháp nghĩ đến những biện pháp giáo dục và báo chí. Chuyển từ giáo dục chữ Hán sang chữ quốc ngữ, phát triển báo chí, và trước hết là báo chí… đó là chính sách thực dân bằng sách vở của người Pháp tại Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

BÁO CHÍ CAN DỰ VÀO CHÍNH TRỊ NHƯ MỘT TẤT YẾU
Gia Định báo (嘉定報) là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ), ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng. Ban đầu, Gia Định báo do một người Pháp là Ernest Potteaux làm giám đốc, đến tháng 5/1869, người Pháp giao cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Sau Gia Định báo, nhà cầm quyền cũng cho phép phát hành một số báo khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn… cách trình bày sắp đặt tin tức, bài vở của báo chí hồi ấy rất khôi hài, đơn điệu tuy đã tạo được một hướng đi riêng dù còn giản dị, thô thiển. Khi loan tin trên báo thường xen vào các nhận xét có tính luân lý, câu văn thì mộc mạc viết đúng như lời nói, thường áp đặt lối văn có vần, có điệu trong khi viết tin hoặc tranh luận. Đến năm 1892, thời vua Thành Thái, khi Gia Định báo đã tồn tại gần 30 năm, người ta mới thấy ở xứ Bắc kỳ bảo hộ có tờ báo đầu tiên được phát hành, đó là tờ "Đông Nam đồng văn nhật báo" nhưng lại bằng chữ nho, mãi 13 năm sau (đầu thế kỷ XX) tờ "Đại Việt nhật báo" mới được xuất bản, và chỉ dùng có một nửa là tiếng Việt. Phan Yên báo là báo mang tên cũ của Gia Định. Nội dung Phan Yên báo tương tự như Gia Định báo, với tin địa phương và thư độc giả bằng chữ quốc ngữ, nhưng sau đó có các bài chính trị, nên chỉ sau một thời gian ngắn, báo bị chính quyền thực dân Pháp cho đóng cửa.
 Đông Dương Tạp chí, số 1 ra ngày 15/5/1913 do Schneider làm chủ nhân và Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút dưới sự điều khiển của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Trên phương diện chính trị, đây là tờ báo có bổn phận làm vũ khí tinh thần cho Chính phủ Bảo hộ, chống nước Đức và tuyên truyền về sức mạnh Đại Pháp. Đến tờ Đông Dương Tạp chí ra đời đã mở ra nghề làm tạp chí trong nghề làm báo nói chung. Mặc dù ở giai đoạn đầu nó mang tính chất như một tờ báo tuần nhưng phần nào đã biểu hiện rõ diện mạo của một loại hình báo chí, khởi đầu cho giai đoạn phát triển tạp chí sau này. Cho đến khi hai tờ "Đông Dương tạp chí" và "Nam Phong tạp chí" ra đời, chữ quốc ngữ mới mang một sắc thái riêng, vừa trang trọng vừa kiểu cách. Song, 2 phong cách văn xuôi bằng tiếng Việt ở cả 2 miền không hẳn là có một đặc tính chung nào. Báo chí Nam Kỳ dùng văn nói lối, ở Bắc Kỳ lại viết văn pha vào những vần thơ. Người Tây học thích dùng Pháp văn, lớp sĩ phu còn tiếc thời vàng son của chữ Hán. Do đó, lớp người cổ động dùng chữ quốc ngữ đã gặp khó khăn vất vả trường kỳ bởi bước cản ngăn của cả lớp tân tiến và thủ cựu để bảo vệ và phát triển chữ quốc ngữ trên báo từ đó đến nay. Theo GS Đỗ Quang Hưng (Đại học KHXHNV) phân tích: “Có thể nói rằng báo chí Việt Nam chui ra từ cái ống tay áo của chế độ thuộc địa. Trước đó họ cho ra những tờ báo tiếng Pháp, nhưng về sau ra báo tiếng Việt. Đó là một quy luật, ở Bắc Kỳ cũng vậy. Sự xuất hiện của tờ Đăng cổ tùng báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đánh dấu thời điểm báo chí ra Bắc. Đến lúc đó nghề làm báo mới thực sự xuất hiện trên cả nước”. Về lý do báo chí ra Bắc khá muộn, sau miền Nam khoảng 40 năm, GS Đỗ Quang Hưng cho rằng vì ở miền Bắc trước đó không có nghề in. Tuy nhiên, do sự khác nhau về chế độ chính trị ở 3 miền vào thời điểm đó, Nam Kỳ theo chế độ trực trị, thực dân Pháp sử dụng báo chí để cai trị, tiêu biểu là tờ Gia Định báo. Miền Nam là cái nôi đầu tiên, cái nôi thực sự của báo chí Việt Nam. Còn báo chí miền Bắc ra đời muộn nhưng có bổ sung, phát triển rất nhanh và đã trở thành một trong những trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước, nhất là Hà Nội. Do đó, Hà Nội hiện nay là trung tâm của mấy loại báo: chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, học thuật. Đăng cổ tùng báo là một dấu ấn đáng chú ý của xứ Bắc, về ý nghĩa văn hóa, báo chí và cả ý nghĩa chính trị xã hội vì nó gắn với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. GS Đỗ Quang Hưng nhận xét. “Tên tờ báo có nghĩa là tiếng trống, xét riêng về mặt ngôn ngữ thì đã có bước tiến rất lớn. Tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh đảm nhận phần tiếng Việt, rất tuyệt vời. Tiếc là tờ báo này cũng chỉ sống được một quãng thời gian ngắn vì số phận của nó gắn với Đông Kinh Nghĩa Thục…”. Như vậy, bên cạnh những mục đích khác trong hoạt động, báo chí đã bắt đầu can dự vào hoạt động chính trị như một tất yếu.
Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng 1925 – 1930, thực dân Pháp thiết lập một hệ thống cai trị xã hội khắc nghiệt, đàn áp  không thương tiếc mọi mầm mống cách mạng đe doạ sự thống trị của chúng. Những tổ chức cách mạng ở nước ngoài đã xuất bản một loạt tờ báo như: Thanh niên, Đỏ, Công nông, Đồng thanh… ở trong nước, trong điều kiện vô cùng khó khăn nguy hiểm do sự kiểm duyệt, đàn áp, bắt bớ của chính quyền thực dân và tay sai, nhiều tờ báo của các tổ chức cách mạng vẫn được xuất bản và bí mật lưu hành như: Búa liềm, Cờ Cộng sản, Nhân loại của Đông Dương Cộng sản Đảng, Cờ đỏ của An Nam Cộng sản Đảng, Sao đỏ ở Hải Phòng, Mỏ than ở Hồng Quảng, Tia sáng ở Nam Định, Bôn-sê-vích ở Trung Kỳ. Những tờ báo này không chỉ mang đến cho một bộ phận quần chúng cách mạng những hiểu biết cơ bản nhất về Chủ nghĩa Mác-Lênin, về con đường giải phóng dân tộc, mà nó còn mang đến cho những người dân nô lệ một niềm tin, sự động viên to lớn để lựa chọn, dấn thân vào con đường cách mạng, con đường đấu tranh giải phóng cho mình.
Tờ báo có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong thời kỳ này là Thanh niên do Nguyễn ái Quốc sáng lập, trực tiếp viết bài, biên tập và tổ chức in ấn. Báo Thanh niên trở thành tờ báo đầu tiên của những người cách mạng, xuất bản bằng chữ quốc ngữ, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Báo Thanh niên còn đóng vai trò là một trường học, đào tạo những cán bộ cách mạng để đưa về trong nước vận động quần chúng, giáo dục, chuẩn bị lực lượng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Từ đây trở đi, báo chí cách mạng Việt Nam gắn bó chặt chẽ với những cao trào vận động cách mạng trong thời kỳ này: (1930 – 1931) đỉnh cao là Xô-Viết Nghệ Tĩnh, (1936 – 1939) Mặt trận dân chủ và (1941 – 1945) vận động tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Các sản phẩm báo chí xuất hiện trong cao trào 1930 – 1931 chủ yếu dưới hình thức bí mật; trong cao trào Mặt trận dân chủ, Đảng đã chớp lấy thời cơ, tổ chức ra báo công khai hoặc đưa cán bộ tham gia làm các báo đã có để tranh thủ khả năng mở rộng quy mô tác động vào quần chúng nhân dân, tuyên truyền vận động lực lượng cách mạng. Các tổ chức Đảng ở các địa phương đã trực tiếp tổ chức ra các báo: Travaille, Avant Garde, Peuple, Dân chúng, Tin tức, Đời nay, Dân,  Dân tiến, Ngày mới, Nhành lúa v.v. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, Người là ra tờ báo Việt Nam độc lập là cơ quan tuyên truyền vận động cách mạng. Theo Người, tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo chính trị. Cùng với Việt Nam độc lập còn có Tạp chí Cộng sản, báo Giải phóng, Cờ giải phóng, Cứu quốc, Lao động...
Báo chí từ ngày sơ khởi cho đến cách mạng tháng Tám là một bước tiến dài từ hình thành đến phát triển. Qua từng khúc quành của lịch sử, báo chí có những thăng trầm của nó, song luôn thể hiện là một công cụ chính trị sắc bén, khôn khéo, chèo chống qua những khó khăn và áp bức để nhóm lên ngọn lửa yêu nước, giác ngộ cách mạng và giương cao ngọn cờ tư tưởng, truyền bá những tư tưởng của cách mạng giải phóng, cổ vũ, động viên lòng yêu nước căm thù thực dân đế quốc xâm lược và giai cấp phong kiến bóc lột, góp phần tổ chức quần chúng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi./.
(Hết phần 1)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét