Khiemnguyen

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Ký và Tiểu luận là gì?


KÝ VÀ TIỂU LUẬN
(rút từ tập Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký – Nxb Thanh Niên – 2000)



Nguyễn Bùi Khiêm



                                                                                                

Trong nghiên cứu văn học công nghiệp đương đại, ký là một thuật ngữ được dùng để gọi tên một thể loại văn học bao trùm nhiều “thể” hoặc “tiểu loại”: bút ký, hồi ký, du ký, kỳ chính luận, phóng sự, tùy bút, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm (ét – xe)[1]
I. ĐẶC TRƯNG CỦA THỂ LOẠI KÝ
Có thể dừng lại ở mấy đặc trưng sau đây của ký:
-          Ký là thể loại nằm giữa văn báo chí và văn học.
-          Ký là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu” (Gorki).
-          Ký là “sự nhức nhối của trí tuệ”.
1. Ký gần với văn báo chí, vẫn có thể có những phẩm giá của văn học.
Ký gần với báo chí ở chỗ viết về cuộc đời thực tại, về “người thật”, “việc thật”, thường được viết như sự phản ứng trực tiếp với những biến cố thời sự, trước những vấn đề nóng bỏng đương đặt ra trong cuộc sống. Giống như người biết báo người viết ký đặc biệt quan tâm và tôn trọng những sự kiện của cuộc đời thực tại. Chính tính sự kiện của nội dung ký tạo ra cốt cách “chắc thiệt” và trọng lượng của thể loại này. Về mặt truyền đạt sự kiện, ký đòi hỏi sự trung thực, sự chính xác. Về mặt này, những sự hồ đồ do cẩu thả - dù là rất nhỏ - hoặc những sự “hư cấu”vẽ vời, thêm thắt không đúng chỗ có thể phải trả giá rất đắt: sự mất tin cậy của đọc giả. Sức thuyết phục, lay động của bài ký trước hết là ở tính sự kiện.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng sức mạnh của thể ký trước hết là ở tính sự kiện: “… Cùng với cảm xúc văn học, bút ký còn chứa đựng cái cõi thực vốn là bản gốc của tác phẩm. Sức nặng ấy được di chuyển đi, không giống như một cảm giác mỹ học, mà là một quả táo Newton rơi xuống tâm hồn người đọc”[2]. Văn báo chí khác văn học. Ký gần với báo chí (xem ở phần sau), nhưng không có nghĩa là thể loại này “bất cập” những phẩm giá của văn học có giọng điệu, tính đa nghĩa của văn bản, câu văn, câu văn có hồn, tạo được những bức tranh có không khí, những nhân vật đặc sắc, hưu cấu tài tình (dĩ nhiên là đúng chỗ)… Đọc những bài ký hay có thể thấy rằng mọi phẩm giá văn học đều có trong văn học ký. Nhưng phong sự Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng còn “văn học” hơn nhiều tác phẩm văn học “đích thực” khác.
2. Ký là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu”:
Có lẽ đây là đặc trưng quan trọng nhất của ký. Trong thể loại này vừa có những yếu tố của truyện vừa có sự tham gia trực tiếp của tư duy nghiên cứu. Những yếu tố của truyện tựu trung là những hình ảnh “có hồn” (những truyện sinh động, những nhân vật sống. những bức tranh có không khí…) hoặc những hình ảnh thổi “hồn” vào đối tượng được miêu tả. Còn tư duy nghiên cứu chủ yếu cung cấp những dữ kiện, những tri thức nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức của con người.
Nếu như “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu” là một đặc trưng của thể loại ký thì sự hợp nhất tư duy nghệ thuật và tư duy nghiên cứu có thể xem là một đặc trưng của tư duy viết ký. Ở đây có hai trường hợp giới hạn. Có những bài ký nặng về miêu tả, tường thuật, hầu như không có nỗ lực nghiên cứu. Ngược lại, có những bài ký chính luận từ đầu chí cuối là nghị luận, hầu như không có yếu tố “truyện”. Giữa hai giới hạn này là những mức độ kết hợp rất khác nhau giữa “truyện” và nghiên cứu, giữa những hoạt động của tư duy nghệ thuật và sự tha trực tiếp của tư duy nghiên cứu.
Trong thể loại ký, những yếu tố “truyện có những đặc điểm gì? Có gì khác trong sự trình bày những yếu tố này so với trong truyện “đích thực”?
Ký chủ yếu viết về người thật, việc thật, điều này miễn cho người viết ký khỏi quan tâm đến việc gây ảo giác “thực tại” trong việc xây dựng hình tượng: viết truyện đích thực, tức là truyện hư cấu (fiction) đòi hỏi nhiều công phu hơn để xây dựng những hình tượng hoàn chỉnh. Mặt khác, trong ký, khi cảm hứng chính luận là cốt yếu thì những yếu tố của truyện chỉ có vai trò chức năng, làm căn cứ sự kiện, làm bàn đạp thực tại cho tư tưởng chính luận. Thể loại ký cho phép phác họa những hình tượng nhân vật không hoàn chỉnh.(không nhất thiết phải có số phận, tính cách không nhất thiết phải được triển khai sâu sắc, nhiều mặt), cho phép dừng lại ở những mẩu chuyện (không nhất thiết phải dựng thành cốt chuyện hẳn hoi có hành động thống nhất).
Đọc tập ký Kara Bugaz của Pauxtovxki, Nguyễn Kiên “mường tượng tác giả có cái gì giống như một nhà khoa học”[3]. Đọc một trang sách Sông Đà “trong đó tác giả liệt kê ra cả một đoạn dài tên các ghềnh thác”, Nguyễn Kiên cảm thấy việc làm đó “có vẻ như một công trình khảo cứu”. Nhà văn Nguyễn Kiên cảm nhận một đặc trưng quan trọng cảu cả ký và tư duy viết ký. Thực ra, sáng tác bất kỳ thể loại văn học nào người viết cũng cần làm công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, trong ký những thao tác của tư duy nghiên cứu (phân tích, tổng hợp, phán đoán, lập luận, suy luận…) được trình bày trực tiếp  ngay trong văn bản. Do đặc trưng nói trên của ký, viết ký đòi hỏi một sự chuẩn bị tư liệu nghiêm túc như làm một công trình khoa học.
Tuy chưa bao giờ đặt chân tới đất Cà Mau, nhà văn Nguyễn Tuân nói về vùng đất này với những cán bộ Cà Mau tập kết đã làm cho họ phải kinh ngạc. Và ông giải thích: “Tôi đọc báo hàng này, hàng tháng. Tôi hỏi chuyện các bạn tập kết. Tôi đọc sách ta, sách Tây. Với sự tưởng tượng quen thói của người hành nghề văn xuôi, tôi hình thành trong óc tôi một thế giới Cà Mau”[4]. Ông đã vận dụng vốn văn hóa trong mình để thấy cho bằng được cái sắc thái con người và những sự việc, những vùng mình chưa tới. Viết ký cần tham khảo, sử dụng những tri thức “gián tiếp” nhưng phải có “sự tưởng tượng”, “vốn văn hóa” thì những tri thức này mới trở thành “văn học”.
Sự gần gũi của ký với văn báo chí (còn gọi là văn thông tấn) thể hiện ở sự đòi hỏi ở thông tin chính xác.
Do sự tham gia trực tiếp của tư duy nghiên cứu, ngoài hiệu quả gây khoái cảm mỹ học, thể loại ký còn gây ở người đọc những khoái thú thuần trí tuệ bằng việc cung cấp những tri thức người đọc quan tâm, có khi chỉ là những kiến thức thỏa mãn óc tò mò thông thường của con người.
Dĩ nhiên, có tầm quan trọng bậc nhất đối với những viết ký vẫn là nguồn tri thức trực tiếp từ những quan sát, những trải nghiệm trong cuộc sống thực tại. Chỗ mạnh của ký giả Nguyễn Ái Quốc, tác giả tập Truyện và Ký là ở sự kết hợp cả hai nguồn tri thức: học vấn uyên bác và sự hiểu biết lịch lãm về cuộc sống hàng ngày. Phạm Huy Thông viết: “Người sẵn có một vốn kiến thức cổ kim, Đông Tây uyên bác. Không phải chỉ những kiến thức học vấn cao xa, mà cả những hiểu biết chi li hàng ngày. Truyện và ký vận dụng những khái niệm “dương cửu”, “mệnh trời” trong triết lý phương Đông cổ, nhưng cũng nói đến chế độ đăng bạ của công nhân trong hàng hải, trong giao lưu quốc tế, những mánh khóe câu khách bằng tin vặt giật gân của báo chí trong xã hội tư bản, những thói ăn chơi của hộp đem Pari hoa lệ…”[5].
3. Ký là “sự nhức nhối của trí tuệ”.
Trong những năm gần đây, những bài ký được chú ý phần lớn là những bài viết về “những điều trông thấy” đau lòng: những nạn nhân của chủ nghĩa quan liêu và sự vô trách nhiệm, những điều tàn bạo, nhếch nhác trong sinh hoạt và thế thái nhân tinh, những sự bất công, vô lý do cơ chế. Văn học ký những năm gần đây mạnh dạn phản ánh đầy đủ hơn sự thật đời sống xã hội, các tác gải không ngần ngại phơi bày sự thật mà trước đây lờ đi có khi được xem là biểu hiện của sự chín chắn, sự thận trọng. Ký có thể phản ánh bất kỳ sự thật nào trong xã hội, kể cả những điểu khủng khiếp nhất. Vấn đề là cách nhìn và thái độ tiếp cận. Một thái độ bàng quang, khinh bạc, hằn học hay là một thái độ đau thương có trách nhiệm. Đau thương là quyền lớn nhất của nhà văn để viết về những sự việc tiêu cực. Chính nỗi đau khiến người viết không thể “bằng chân như vại” trước những “đám cháy” hoặc làm ngơ trước “những điều trông thấy đau lòng”.
Người viết ký không thể bằng lòng với việc lên “những điều trông thấy”. Phải có sự hoạt động ráo riết của trí tuệ để tìm hiểu nghiên cứu, phân tích, lý giải do đâu mà sự tình lại như vậy. Hơn nữa, còn phải thuyết phục người đọc: sự đổi mới là tất yếu. Trong tình hình hiện nay, công luận bị nhiễu loạn bởi trăm thứ dư luận, không có sự hoạt động nghiêm chỉnh của trí tuệ, người viết ký khó mà vượt qua được những dư luận tạp nhạp để đưa ra được những suy nghĩ, những ý kiến đích đáng, thường chỉ đạt được ở những người có tâm huyết, có suy nghĩ độc lập, am hiểu công việc, đã nhiều năm qua theo dõi công việc.
Bút ký có thể chỉ viết về những sự việc tiêu cực. Trong trường hợp này, nhân vật tích cực là bản thân tác giả. Điều này đòi hỏi người viết ký phải “nhập cuộc”, có tinh thần chiến đấu cao và tính khuynh hướng rõ ràng. Sau đây là ý kiến của nhà văn lão thành Hạ Diễn (Trung Quốc) về tính chiến đấu của văn học phóng sự, văn học ký: “Để phản ánh thực tế, tác gỉa phải điều tra hết sức tỉ mỉ. Muốn có lập trường đúng, tác giả phải tỏ ra cam đảm và có sức mạnh, giữ vững nguyên tắc và dám đấu tranh, không sợ - nếu cần - đi đến cả hành động trước công lý. Tác giả phóng sự phải dám tố cáo các mâu thuẫn, ca ngợi nồng nhiệt những con người và những sự việc mới làm cho lịch sử tiến lên, phê phán và chí trích những kẻ ngăn trở dòng chảy của cuộc sống”[6].
II. ESSAY – MỘT THỂ KÝ ĐẶC BIỆT[7]
1. Tản văn
Những năm gần đây (2000), trên báo chí xuất hiện những bài ký được gọi bằng tên thể loại là tản văn. Đây là một tiểu loại ký ngắn gọn, hàm xúc theo tùy hứng của tác giả có thể bộc lộ trữ tình, tự sự hoặc nghị luận thường là cả mấy thứ đan quyện nhau. Lối thể hiện đời sống trong tản văn mang tính chất chấm phá, tuy vậy, ngòi bút tản văn chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh cốt yếu và bất ngờ.
Có lẽ đặc trưng quan trọng nhất của tiểu loại ký này là ở chỗ tất cả những gì được thể hiện và biểu hiện trong bài tản văn đều mang đậm dấu ấn cách cảm nhận và cảm nghĩ rất riêng của tác giả. Có thể xem sự khảng định của thể loại tản văn trong văn xuôi đương đại của ta như một hiện tượng đáng chú ý trong lịch sử phát triển của ký.
Cầm bút viết tản văn có nghĩa là người viết có ý thức về sự suy nghĩ độc lập mà mạnh dạn trình bày những suy nghĩ và cảm xúc thật sự riêng của mình. Cảm nhận và cảm nghĩ riêng đó chính là “muối” văn học của thể loại ký, ở hầu hết mọi tiểu loại. Viết “hồi ký cách mạng” mà dừng lại những quan điểm chung chung đánh giá những sự kiện và con người trong cuộc  thì cùng lắm cung cấp được một tư liệu sử học cũng như viết chính luận mà dè dặt trong sự phát biểu những chính kiến và suy nghĩ riêng của mình thì văn chính luận sẽ không khác mấy văn xã luận.
2. Tiểu luận
Gần gũi với tản văn, essay là một tiểu loại của ký quan trọng hơn nhiều nhưng chưa được ý thức đầy đủ ngay cả trong giới văn học. Thể ký này có khi được gọi là tiểu luận, nhưng tốt nhất vẫn giữ tên gọi là essay vì đây là thuật ngữ có tính chất quốc tế (tiếng Pháp là essai; tiếng Anh là essay; tiếng Nga là exxe…).
Chính ở thể essay, những dặc trưng chung của thể loại ký bộc lộ rõ hơn cả. Trước hết là sự kết hợp những quan điểm tiếp cận thực tế, những phương thức nhận thức (hoặc chiếm lĩnh) thực tế rất khác nhau. Trong một bài essay có thể có tất cả triết luận sáng tạo hình tượng nghệ thuật, tìm tòi nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, không loại trừ cảm hứng đạo đức và siêu nghiệm tôn giáo.
Nếu như mỗi thể loại lớn bao hàm một kiểu tư duy đặc thù thì sức mạnh của tư duy essay là ở chỗ mặc dù không chuyên một lĩnh vực nhận thức nào, nó vẫn có thể chọc được những điển hình bất ngờ, thù vị là những phát hiện sâu sắc và xuất sắc, có khi ngay cả chuyên gia trong lĩnh vực đó cũng ngạc nhiên. Hơn nữa, những phát hiện được trình bày bằng lời văn essay dễ trở nên phổ cập, người ngoại đạo có thể thể hiểu được, vậy nên thể loại essay có khả năng tập hợp được những tầng lớp độc giả trình độ rất khác nhau. Trong thế kỷ XX, nhiều nhà văn, nhà triết học cự phách như: Romanh Roland, Becna So, Herber Uelxo, Tomax Mann… đã viết essay để phổ cập những thành tựu của triết học và khoa học nhân văn hiện đại. Essay đã trở thành một thể loại quan trọng trong văn học thế giới hiện đại.
Bố cục tự do là một đặc trưng riêng của thể loại essay. Trong bài essay, những ý tứ được triển khai, dẫn dắt theo cung cách – nói như nhà văn Nguyễn Tuân – ý này nhằng vào ý kia theo hứng của sự “tưởng tượng miên man”. Với cung cách này, mạch lạc trong bài essay không giống như trong một bài ký thông thường hoặc một luận văn khoa học, ở đây nội dung được triển khai ý này nối vào ý kia theo tuyến tính, hoặc nói như Montennho là ý sau nhìn vào gáy ý trước. Với sự tưởng tượng miên man, những ý kiến được đưa ra có thể ngổn ngang, bề bộn, chính sự “liếc nhìn nhau” giữa các ý tạo ra sự thống nhất, sự mạch lạc của bài essay. Đây là sự mạch lạc cao cấp, đòi hỏi người viết cũng như người đọc essay một sự trực giác tốt, bao quát và quán xuyến được nhiều tọa độ tư duy. Bố cục tự do còn được thể hiện ở sự thoải mái – có thể nói sự phóng túng xáo trộn những sự kiện cụ thể với những trừu tượng cao xa hoặc đem dao cắt những bình diện nhận thức rất khác nhau: những sự việc sinh hoạt được xem xét từ khoảng cách triết học và ngược lại những vấn đề triết học được suy ngẫm từ kinh nghiệm đời thường.
Từ tiếng Pháp essai có nghĩa là thử (Đặng Thai Mai đã từng dịch essai là thí luận). Nghị quyết viết essay thử đưa ra những ý kiến riêng của mình, những ý kiến chủ quan của mình về một đề tài nào đó. Người viết essay có ý thức về vai trò của chủ quan mình trong nhận thức, thường có những “thước đo” riêng để nhìn nhận sự vật, nhiều khi “chủ quan” đến mức không ngại đưa ra những ý kiến, kiến giải chủ quan một cách lộ liễu, dám động đến cả những khái niệm, những tư tưởng được công nhận chấp nhận là “chân lý tuyệt đối” là “bất di bất dịch”.
Ý thức được vai trò của chủ quan trong nhận thức, không nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa chủ quan. Nói như Mongtennho, người viết essay “không lấy ý kiến của mình làm thước đo sự vật” mà xem ý kiến của mình chỉ làm sáng tỏ “bằng thước đo nào mình nhìn sự vật”. Một mặt coi trọng vai trò chủ quan trong nhận thức, mặt khác, người viết essay dè dặt với sự chủ quan trong nhận thức. Người viết essay không phát ra những tri thức khẳng định chân lý một cách tuyệt đối. Cái giọng quyết đoán, cao đạo là điều tối kỵ  trong văn essay. Thử đưa ra những lời bàn, sãn sàng đem đối chiếu với những lời bàn khác, đó là biểu hiện của sự dè dặt trong tư duy của người viết essay. Sự dè dặt có khi thể hiện ngay trong văn phong.  Giọng văn essay thường là giọng văn nhấn nhá, thong thả của một người suy ngẫm đương dò dẫm và thấy hết những khó khăn của nhận thức, lời văn essay có sự mềm mại, uyển chuyển của một người biết nhân nhượng, biết tôn trọng ý kiến của người khác nhưng trước sau vẫn cậy vào chủ quan của mình.
III. PHÂN BIỆT KÝ BÁO CHÍ VÀ KÝ VĂN HỌC
Đây là sự phân biệt hết sức ước lệ - chỉ có thể giúp hiểu đúng hơn những đặc trưng của thể loại ký mà thôi.
Ký văn học là ký có tính chất nghệ thuật, gần với tác phẩm nghệ thuật thì một đặc trưng quan trọng của nó là diễn đạt bằng văn bản đa nghĩa. Đa nghĩa ở một số yếu tố: giọng điệu (vừa giận, vừa thương, vừa vui vừa buồn…); chủ đề, tư tưởng hoặc một số hình tượng quan trọng có khả năng ám gợi nhiều ý nghĩa… Nhưng quan trọng nhất là hiện thực hóa bằng tác phẩm văn bản đơn nghĩa. Ấn tượng báo chí về bài ký trước hết liên quan đến tính chất đơn nghĩa của văn bản. Ký báo chí thích hợp với nhiệm vụ tuyên tuyền, cổ động, người đọc dễ dàng hiểu đúng và nhất trí với nhau về những ý lớn cũng như tiểu tiết trong văn bản. Tính chất văn học của một bài ký còn thể hiện ở giọng điệu trần thuật. Một áng văn bao giờ cũng có giọng, và giọng của văn khác với giọng của báo (nếu như bài báo có giọng) là bao giờ cũng rất riêng, thường là phong phú nhiều sắc thái.
Chất lượng văn học của những bài ký chính luận của Nguyễn Ái Quốc trước hết là ở giọng văn của tác giả khi thì dí dỏm, hóm hỉnh, khi thì cợt mỉa, chua chát, có đoạn trang nghiêm dõng dạc, có đoạn thống thiết hào hùng. Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng: “ăn nói hóm hỉnh với những cách ví von bất ngờ mà ác, và những nhận xét, những lời bình luận hết sức thông minh, sắc sảo và có duyên”[8] Và tóm lại, rất khó để mà phân định được đâu là ký văn học – đâu là ký báo chí.



Nguyễn Bùi Khiêm





[1] Đây là cách hiểu của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và một số tác giả khác, xin phép được giữ nguyên. Theo tập quán thông thường, ét xe khi được chuyển sang tiếng Việt gọi là tùy bút, còn kiểu luôn tương đương với chữ estude Chú thích của Nxb Thanh niên)
[2] Một vài suy nghĩ về thể ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông Hương s.1
[3] Nguyễn Kiên, Cái riêng và cái chung của thể ký, báo Văn nghệ số ngày 12/7/1986
[4] Nguyễn Tuân, Ký H.1976 tr 215.
[5] Nguyễn Ái Quốc, Truyện và ký, 1974, tr14
[6] Chuyễn dẫn từ bài “Bàn về văn học” phóng sự của Noen Duytore, Văn nghệ, số ngày 26/5/1990.
[7] Từ trang 236 đến trang 247 (sách đã dẫn)
[8] Vũ Trọng Phung – Kỹ nghệ lấy Tây, 1989, Lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Mạnh, tr.8.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét