Khiemnguyen

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Kỹ năng phỏng vấn báo chí (phần 1)


Cách đây gần 15 năm, sau khi dự một khóa đào tạo nghiệp vụ do SIDA (Thụy Điển) tài trợ, người viết bài này đã biên dịch tài liệu học và tổ chức thành bản thảo đầu tiên cho một chuyên đề nghiệp vụ về kỹ năng phỏng vấn báo chí. Thời gian đã qua nhanh, cả lý luận và thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí đã có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, nhưng nghiên cứu lại thấy tài liệu này vẫn ít nhiều còn có giá trị (chí ít cũng là giá trị hoài niệm) nên xin đưa toàn văn và nguyên mẫu lên đây để mọi người cùng đọc.
Bản quyền tài liệu thuộc về cá nhân, các bạn có thể đọc thoải mái nhưng nếu sử dụng cho việc nghiên cứu thì cần nêu rõ nguồn tài liệu hoặc liên hệ qua email:
                                                                                     nguyenbuikhiem@gmail.com  
Sau đây là toàn văn nội dung tài liệu:


PHỎNG VẤN BÁO CHÍ
(Tài liệu biên dịch từ giáo trình báo chí nước ngoài)
Nội dung của cuốn tài liệu này được chia làm hai phần. Phần thứ nhất tập trung vào những kiến thức cơ bản về phỏng vấn, các yếu tố chi phối và có tính quyết định sự thành công của một cuộc phỏng vấn. Nội dung của phần hai là những vấn đề có tính nguyên tắc khi thiết lập quan hệ với đối tượng cần được phỏng vấn thông qua việc tìm hiểu những yếu tố chi phối tới đối tượng bị phỏng vấn.
                                                                                  Nguyễn Bùi Khiêm
                                                                                      Hà Nội 1998

Phần I

 PHỎNG VẤN
Mục đích của một cuộc phỏng vấn là nhằm khai thác và cung cấp thông tin thông qua việc hỏi và trả lời giữa người phỏng vấn và người bị phỏng vấn. Người bị phỏng vấn là người đã chứng kiến, có liên quan trực tiếp hoặc có trách nhiệm quyền hạn cụ thể tới sự kiện hoặc vấn đề mà cuộc phỏng vấn đề cập. Người bị phỏng vấn phải tiếp thu các câu hỏi và đưa ra những tuyên bố về các sự kiện, các khía cạnh khác nhau của sự kiện, và những ý kiến đánh giá của mình về sự kiện đang được người phỏng vấn và công dư luận quan tâm.
1.Tiếp cận vấn đề:

Theo định nghĩa trên mối quan hệ giữa người phỏng vấn và người bị phỏng vấn là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, người phỏng vấn không trực tiếp đưa ra những ý kiến hay quan điểm của mình về sự kiện - vấn đề đang được đề cập mà phải để cho chính đối tượng của mình phát biểu. Như thế có nghĩa là anh ta sẽ không được phép bị lôi cuấn vào việc trả lời các câu hỏi "phản hồi" từ người bị phỏng vấn có thể đưa ra. Một cuộc phỏng vấn không có nghĩa là một cuộc tranh luận. Về vấn đề này chúng ta không tranh luận tới những gì được coi là có liên quan tới "Diễn đàn cá nhân" của người phỏng vấn cũng như của người bị phỏng vấn. Nhưng những ý kiến được bộc lộ thông qua việc phỏng vấn phải có ý nghĩa về mặt thông tin sự kiện, và những thông tin đó được khai thác thông qua một diễn đàn mà người phỏng vấn làm chủ.
Trong phạm vi định nghĩa này những người bị phỏng vấn sẽ phải làm một bài sát hạch của người phỏng vấn với đề tài "cái tôi" mà hoàn toàn không nhận được một sự giúp đỡ nào. Chiều theo ý kiến của người khác là sự không cần thiết và đó là thái độ tự trọng của người bị phỏng vấn cũng như của người phỏng vấn.
Người phỏng vấn không được tranh cãi, không đồng tình và cũng không phản đối. Anh ta cũng không bình luận hay đưa ra bất kỳ một nhận xét gì nội dung của những câu trả lời mà anh ta nhận được. Điều mà người phỏng vấn được và phải được thể hiện ngay đó là thái độ tập trung theo dõi và khích lệ, động viên người trả lời.
Một cuộc phỏng vấn là một cuộc phỏng vấn có những câu hỏi tốt và phù hợp với đối tượng trả lời phỏng vấn. Như vậy việc phỏng vấn phải được chuẩn bị trước và nhất thiết  phải chuẩn bị các từ câu hỏi theo những khía cạnh cần được khai thác.
Một cuộc phỏng vấn bao giờ cũng mang bản chất của các sự kiện tự phát. Bất kỳ một sự gợi ý nào cũng sẽ gây ra sự bất lợi cho người bị phỏng vấn và làm cho người nghe tin rằng mọi thứ đều được sắp đặt trước. Vì lý do này, trong khi các đề tài được đưa ra tranh luận theo một hướng định sẵn thì các câu hỏi "thực sự" không diễn tiến theo chiều hướng thụân lợi. Một cuộc phỏng vấn phải đưa ra được những câu hỏi và thu được những câu trả lời có lợi cho người nghe. Người phỏng vấn là người thay mặt người nghe, hỏi những câu hỏi mà người nghe muốn hỏi, tức là câu trả lời của người bị phỏng vấn phải thoả mãn nhu cầu của người nghe về mặt thông tin.
 Một cuộc phỏng vấn còn là cơ hội cung cấp cho người nghe những điều  không chỉ là họ muốn biết mà còn là cần phải biết. Các câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn (nhất là phỏng vấn các nhà chính trị hay chức sắc) phải nêu ra được các vấn đề theo chiều hướng dân chủ hoá, có nghĩa là các câu hỏi phải phù hợp với số đông người nghe, bởi vì những người có chức vụ phải chịu trách nhiệm về những gì mà họ đưa ra với công chúng tức là với những cử tri của mình. Đó cũng là yếu tố xác định vị thế chính trị của cơ quan báo chí và cần thiết để đảm bảo không bị sai lệch, lạm dụng trong sự đề cao vai trò cá nhân của người phỏng vấn.

2. Các loại phỏng vấn:

Căn cứ theo nội dung và tính chất những thông tin được khai thác qua phỏng vấn có thể khu biệt phỏng vấn theo ba loại chính là: Phỏng vấn thông tấn, Phỏng vấn giải thích và Phỏng vấn cảm xúc.
Phỏng vấn thông tấn có mục đích thông tin sự kiện đến công chúng báo chí. Giao lưu giữa công chúng và báo chí dường như là trực tiếp trực tiếp với cuộc phỏng vấn làm cho các thông tin trở nên dễ hiểu, nhanh chóng và đáng tin cậy. Với thể loại này hầu hết các cuộc phỏng vấn đều có sự chuẩn bị trước để làm rõ các thông tin cần khai thác và để cho người bị phỏng vấn có thời gian chuẩn bị trước. Thông thường chủ đề của loại phỏng vấn này gắn liền với các sự kiện quan trọng, nổi bật đang được dư luận quan tâm như các sự kiện về giao tranh quân sự, các kỳ họp quan trọng của Chính phủ, những chính sách mới...
Với những sự kiện "nóng hổi", cuộc phỏng vấn có thể được tổ chức tại chỗ và đạt được hiệu quả cao về tính thời sự, nhưng do không có sự chuẩn bị trước cho nên với những cuộc phỏng vấn như thế này phải dựa trên  năng lực nghiệp vụ và sự nhạy bén của nhà báo.
Phỏng vấn giải thích là loại phỏng vấn mà người phỏng vấn cung cấp các thông tin về sự kiện qua việc hỏi sau đó là bình luận hoặc giải thích làm sáng tỏ những thông tin vừa được khai thác qua câu trả lời của người bị phỏng vấn. Trong thể loại này người phỏng vấn cần phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, nhạy bén, tỉnh táo trong việc xử lý những thông tin ấy. Ví dụ khi phỏng vấn một nhà lãnh đạo ở địa phương về  chính sách phát triển kinh tế mới thì không cần thiết phải đề cập trực tiếp vào vấn đề mà nên thông qua việc khai thác những thông tin mới có liên quan, ví dụ như về một tuyến giao thông mới đi qua một khu dân cư, về bản đồ quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm hay những văn bản mới về tài chính... để từng bước làm sáng tỏ vấn đề chính. Thông thường những cuộc phỏng vấn loại này cơ hội để chuẩn bị trước rất thấp (nhất là khi phỏng vấn một nhân vật cao cấp) cho nên đòi hỏi người phóng vấn phải phác thảo nhanh, ngắn gọn, chính xác mục đích, nội dung và hình thức biểu đạt câu hỏi mới đảm bảo thực hiện thành công và hiệu quả của cuộc phỏng vấn.
Mục đích của Phỏng vấn cảm xúc là cung cấp  những suy nghĩ, tình cảm của người được phỏng vấn để từ đó người nghe có thể cảm nhận được những thông tin mang tính chiều sâu, ẩn chứa trong tình cảm của người bị phỏng vấn. Ví dụ khi phỏng vấn người nhà của những người thợ mỏ bị sập hầm, phỏng vấn một vận động viên vừa đoạt được thành tích cao trong thi đấu...Những thông tin đưa ra trong một trạng thái tâm lý bị kích thích cao độ có thể là tích cực hoặc ngược lại nhưng nó phản ánh đúng nhất thái độ và tình cảm của đối tượng bị phỏng vấn trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó. Trong trường hợp này người phỏng vấn cần giữ được cảm xúc theo chiều hướng ổn định để có thể đảm bảo quyền chủ động trong suốt cuộc phỏng vấn.
Ngoài ba loại phỏng vấn chính đó còn có các loại phỏng vấn khác, nhưng các loại này thông thường chỉ đưa ra những thông tin có giá trị thấp và không cấp thiết. Ví dụ: Việc chuẩn bị cần thiết cho một bộ phim tài liệu hay một chương trình vũ hội đặc biệt.
Liên quan tới phỏng vấn thông tấn, nhưng ở đây không xem xét đến những chủ đề riêng lẻ, đó chính là loại phỏng vấn đem lại "những tiếng nói lịch sử". Mọi đẳng cấp, dân tộc hay tôn giáo và mỗi cá nhân đều có phần trách nhiệm trong việc bảo vệ các tư liệu lịch sử. Nó không chỉ hấp dẫn cho các chương trình trong tương lai mà còn là những dấu mốc lịch sử rất quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội. Với những sự kiện có tính lịch sử, người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn không những chỉ đem đến cho công chúng những thông tin mới về sự kiện mà thực sự họ đang làm công việc của "người viết sử  thời đại".
Những người già thì thường nói về thời thơ ấu, về tình cảm cha mẹ, nỗi nhớ quê hương...Những người công nhân thì hay nói về công ăn việc làm, về thu nhập, về các chính sách kinh tế và chuyện học hành của con cái...danh sách này sẽ là bất tận nếu như chúng ta liệt kê chúng. Tóm lại là trong cuộc sống đa dạng và phong phú, mỗi con người với những lĩnh vực khác nhau thì họ có những gương mặt, tình cảm, thái độ và những quan điểm khác nhau và cũng rất đa dạng phong phú. Đây chính là vấn đề rất đáng quan tâm của một người làm báo, sự chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện một cuộc phỏng vấn nhất là sự cố gắng tìm hiểu trước đối tượng mà mình sẽ phỏng vấn là người như thế nào, thuộc tầng lớp nào, địa vị nào trong xã hội, tiểu sử cá nhân ?... biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Người phỏng vấn phải tìm hiểu tất cả và không nên để cho người bị phỏng vấn tự bộc lộ vì nói chung mọi người đều thích nói tốt về bản thân mình và như vậy cuộc phỏng vấn rất dễ bị đưa vào thế khoa trương khi người bị phỏng vấn nắm được thế chủ động.

Kỹ năng phỏng vấn báo chí (phần 2)


3. Chuẩn bị trước khi phỏng vấn:

Đây là điều kiện cần thiết và tiên quyết nhất đảm bảo sự thành công của cuộc phỏng vấn.
- Liệu có phải một cuộc phỏng vấn được thiết lập trên cơ sở các sự kiện hay những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận?
- Những điểm nào là  những điểm cần được khái quát hay khai thác?
- Những sự kiện đó có phải là  yếu tố làm hình thành những mâu thuẫn hay không ?
- Những điều đó có đáng làm cơ sở để thực hiện một cuộc phỏng vấn hay không ?
Người phỏng vấn phải tự đặt ra và trả lời những câu hỏi ấy trong thời gian chuẩn bị phỏng vấn. Hoạt động sáng tạo cá nhân của nhà báo trong giai đoạn này được phát huy cao nhất với sự kết hợp chỉ đạo định hướng của cơ quan báo chí.
Những thông tin đầu tiên mà người phỏng vấn buộc phải nắm được và khai thác trước là những số liệu cụ thể, ngày tháng, tên nhân vật hay sự kiện nhất là khi những thông tin này được sử dụng trong câu hỏi.
Những sai lầm của người phỏng vấn dù là nhỏ nhất cũng phải được sửa chữa ngay và phải coi đó là những bài học kinh nghiệm. Những ví dụ sau là những minh chứng về những sai lầm sơ đẳng nhất trong câu hỏi:
- Tại sao mới chỉ sau 3 năm nghiên cứu anh đã hoàn thành hệ thống thiết bị mới này?
- Không, chính xác là sau  5 năm trước đây...
Đây là những câu hỏi có sự can thiệp khá thô bạo về quan điểm hay là sự bộc lộ những hiểu biết nông cạn của nhà báo và như thế sẽ rất là bất lợi nếu như người bị phỏng vấn bất đồng với những quan điểm đó và có phản ứng ngược.
Luôn luôn phải nắm vững tên tuổi cũng như địa vị của người bị phỏng vấn nếu không sẽ dễ bị "hố", ví dụ :
- Với tư cách là người Giám đốc công ty, ông có thể cho biết...?
- Xin lỗi, tôi chỉ là một quản đốc điều hành...?
Những điều đó không ảnh hưởng nhiều đến những giá trị của thông tin được khai thác, song sự bất cẩn sẽ làm giảm đi lòng tin vào người phỏng vấn của người bị phỏng vấn. Và thậm chí làm giảm lòng tin của công chúng với nội dung của cuộc phỏng vấn.
Người phỏng vấn phải tạo ra một chuỗi câu hỏi và những câu hỏi về mặt chuyên môn sẽ được đưa ra sau cùng. Nhưng nên nhớ rằng những câu hỏi này không nhất thiết phải giải thích bằng những chi tiết chính xác. Đó là phương pháp cứng nhắc và nhiều khi người phỏng vấn buộc phải hỏi máy móc theo nội dung trình tự các câu hỏi đã chuẩn bị trước mà không đưa ra được những câu hỏi thích ứng với những thông tin mới nhận được từ người trả lời phỏng vấn. Nhiều khi, điều đó làm cho người trả lời bị cụt hứng và trả lời thiếu logic. Điều đó có nghĩa rằng sự chuẩn bị trước các câu hỏi có tính hệ thống là cần thiết song nên có sự linh hoạt trong việc áp dụng khi vào cuộc thực tế.
Trong trường hợp nhà báo muốn phỏng vấn một vị quan chức về chủ trương mới nào đó, chẳng hạn về chủ trương đóng cửa khai thác một mỏ than làm cho hàng ngàn người thất nghiệp. Nếu câu hỏi đơn giản là: "Tại sao lại có chủ trương...?" thì hẳn câu trả lời nhận được sẽ là "do hiệu quả kinh tế thấp, do mất an toàn...". Như vậy, hầu hết mọi người đều đã biết thông tin này, cuộc phỏng vấn như vậy sẽ đi vào sự vô nghĩa và nhàm chán. Để khai thác được những thông tin "ẩn" người phỏng vấn phải đưa ra những câu hỏi hàm chứa sâu sắc sự am hiểu lĩnh vực mà họ đang quan tâm. Cụ thể trong trường hợp này có thể đưa ra các câu hỏi, ví dụ như hỏi tới các nhu cầu về than, về tiềm năng xuất khẩu, về sự so sánh chi phí cho nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và  khí đốt... cuối cùng mới khép lại bằng câu hỏi ngược là: tại sao lại có thể đóng cửa mỏ than đó được...
Tóm lại các bước mà người phỏng vấn phải chuẩn bị trước là :
1. Tập hợp đầy đủ những chỉ dẫn và thông tin cơ bản về đối tượng và người được phỏng vấn.
2. Tăng cường năng lực nghiệp vụ. Xác định thể loại phỏng vấn.
3. Phải biết điểm then chốt của các câu hỏi này là gì.
4. Phải phán đoán các phương án trả lời để có sự nhạy bén và chính xác trong phản ứng và bổ sung các câu hỏi.
Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi công việc chuẩn bị đã tương đối hoàn tất thì có thể tiến hành phỏng vấn. Thời gian của cuộc phỏng vấn dài hay ngắn hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động xử lý của người phỏng vấn.
Về mặt tâm lý cũng cần thiết phải được chuẩn bị chu đáo. Người phỏng vấn phải thật bình tĩnh tự tin, linh hoạt và tự chủ trong suốt quá trình cuộc phỏng vấn diễn ra. Trong quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn không những chỉ quyết định đưa ra những câu hỏi nào cho phù hợp mà còn phải theo dõi, thu nhận những thông tin mới, xử lý chúng và có thể sẽ dẫn dắt cuộc phỏng vấn đi theo một chiều hướng mới mẻ và thú vị hơn. Người bị phỏng vấn do bị nhiều yếu tố chi phối gây nên sự ức chế tâm lý làm cho cấu trúc ngôn ngữ, giọng nói và cách trình bày thiếu logíc và mất tự nhiên. Trong trạng thái tâm lý căng thẳng, thậm chí anh ta không có khả năng nghe rõ và chính xác câu hỏi. Một người phỏng vấn có kinh nghiệm và chuẩn bị tốt sẽ nhận thấy điều này và sẽ cố gắng làm điều gì đó để giải thoát người bị phỏng vấn ra khỏi tình trạng đó.Trong bất cứ hoàn cảnh nào người phỏng vấn cũng phải giữ thế chủ động và anh ta chỉ có thời gian rất ngắn để phân tích đánh giá, cảm nhận và ra các quyết định.
Người phỏng vấn sẽ trình bày tóm tắt những vấn đề cần được khai thác hoặc đáng quan tâm, và dĩ nhiên anh ta sẽ phải có sự khích lệ đúng mức để cho phép người bị phỏng vấn có thể nói nhiều và nói tập trung nhất. Đây là cơ hội thể hiện sự hợp tác và chấp nhận các yêu cầu của người chủ cuộc phỏng vấn, giúp cho người bị phỏng vấn có cơ hội giãi bày. Những trao đổi ngắn trước khi tiến hành phỏng vấn chính thức làm cho hai bên hiểu nhau hơn và làm cho người bị phỏng vấn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, bên cạnh đó người phỏng vấn có thể thực hiện kiểm tra các thiết bị kỹ thuật để điều chỉnh một vài yếu tố  như  tính mạch lạc, giọng, âm lượng và âm sắc, về độ nhạy và hướng của Micro.
Sẽ là sai lầm lớn nếu như người phỏng vấn bị mất quyền chủ động bởi biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc tranh cãi, đó là điều không tránh khỏi  khi người phỏng vấn bộc lộ những quan điểm mang tính cá nhân đối với người được phỏng vấn. Người làm báo cần nhớ rằng trong một cuộc phỏng vấn  mình không phải là một quan toà, một thày kiện hay một hội thẩm viên, nếu không anh ta sẽ phải chấp nhận sự chống đối hoặc bất hợp tác.
Trách nhiệm của người phỏng vấn là làm rõ những vấn đề mà cuộc phỏng vấn đề cập. Hơn thế cuộc phỏng vấn  tạo ra sự thống nhất giữa các mối quan hệ có tính lôgich giữa các thông tin trong một thời lượng nhất định. Người phỏng vấn phải tạo được sự tin cậy đối với người bị phỏng vấn đồng thời thiết lập ra khả năng điều khiển cuộc phỏng vấn theo ý đồ đã định sẵn. Mọi vấn đề phức tạp hay đơn giản đều phải được đơn giản hoá trong một thời gian khoảng 2,5 phút (đó là thời gian thích hợp cho một cuộc phỏng vấn phát thanh hay truyền hình hiện đại). Một điều tối kị đối với người phỏng vấn là không được lạm dụng các phương tiện kỹ thuật và các biệt ngữ, thuật ngữ, nó sẽ  gây nên tình trạng mất tinh thần của người bị phỏng vấn và tất yếu kết quả cuộc phỏng vấn là rất thấp.
Kỹ thuật hỏi:
Một cuộc phỏng vấn là một cuộc hội thoại có mục đích. Trong một bình diện nào đó người  phỏng vấn  phải nắm chắc mục đích của cuộc phỏng vấn là gì. Sự tìm hiểu trước đối tượng bị phỏng vấn là việc làm cần thiết bởi trong cuộc phỏng vấn người hỏi phải luôn dựa vào câu trả lời để đưa ra các câu hỏi mới.
Sự cân bằng giữa hiểu biết và ngu dốt được coi là "sự hiểu biết ngây thơ" .
Mỗi một loại câu hỏi có một câu trả lời tương ứng và được khái quát bằng công thức:              6W + 1 H
1. Who ? Ai có mặt hoặc liên quan đến sự kiện đó?
2. When ?  Sự kiện đó xảy ra khi nào ?
3. Where ?   Sự kiện đó xảy ra ở đâu ?
4. What ?     Sự kiện đó là gì ?
5. Which ?   Những tình tiết cụ thể nào liên quan đến sự kiện đó ?
6. Why ?      Nguyên nhân xảy ra  sự kiện là gì ?
7. How ?      Toàn bộ diễn biến của sự kiện như thế nào ?
Có những loại câu hỏi dạng "mở" và giữa chúng có một số khác nhau, chẳng hạn:
-Anh cảm thấy như thế nào về...?
-Trong chừng mực cho phép, anh có cho rằng....?
Một câu hỏi có từ để hỏi là một dạng câu hỏi tốt nhất và cũng tương đối đơn giản. Thật vậy sau một  câu trả lời, có thể không cần thiết phải hỏi  thêm một câu  nào khác hơn là "Tại sao lại thế". Câu hỏi "tại sao" là sự biểu lộ của người được phỏng vấn dẫn dắt đến sự giải thích về những hành động, những cách xem xét, đánh giá, những động lực hay những tiêu chuẩn khác nhau.
- Tại sao bạn lại quyết định...?
- Tại sao bạn lại tin rằng điều đó cần thiết để...?
Thật là sai lầm nếu đôi khi chúng ta hỏi những câu hỏi dạng "đóng" có nghĩa là là những câu hỏi dạng "Đảo động từ"
- Có phải bạn là...?
- Có phải điều đó là...?
- Phải chăng họ sẽ không chấp nhận...?
Những gì mà người phỏng vấn hỏi là sự khẳng định hoặc phủ nhận, câu trả lời cho câu hỏi như vậy là Có hoặc Không. Trong trường hợp này người phỏng vấn phải có những câu hỏi thích hợp, nếu đó là nỗ lực để đề cập một đề tài mới thì hy vọng là người bị phỏng vấn  trả lời nhiều, hơn là chỉ trả lời không hoặc có. Điều đó có ý nghĩa quyết định tới sự thành công hay thất bại của cuộc phỏng vấn.
Trong một trường hợp nào đó thì "câu hỏi đảo" chỉ thay thế cho một câu hỏi mà người phỏng vấn muốn biểu đạt theo một chiều hướng mong đợi. Do cấu tạo câu hỏi đảo cho nên chúng chỉ được sử dụng khi câu trả lời có/ không đáp ứng được yêu cầu nào đó:
- Trong năm nay biểu thuế sẽ tăng, phải không thưa ngài ?
- Ông sẽ tham gia tranh cử trong kỳ bầu cử sắp tới chứ?
 Câu hỏi mở rộng:
Sự giới thiệu ở phần trên chỉ là sự khái quát việc người phỏng vấn có thể đưa ra những cơ hội khác nhau cho người trả lời. Rõ ràng sự hiện diện của dạng câu hỏi Có/ Không làm cho người được phỏng vấn  bị ràng buộc và có rất ít cơ hội để thể hiện vì câu hỏi rất hạn chế. Ngược lại, nó là câu hỏi chung chung thì sẽ làm cho người bị phỏng vấn bối rối, ví dụ như ở câu hỏi sau:
­- Bạn vừa trở về sau một chuyến du lịch châu Âu, bạn có thể giới thiệu chuyến đi này không ?
Câu hỏi này không hẳn là câu hỏi, nó chỉ đơn thuần là một yêu cầu. Chỉ những người làm báo ít kinh nghiệm mới hỏi những câu hỏi như thế, họ nghĩ rằng với câu hỏi như thế nó sẽ giúp cho những người bị phỏng vấn không bị quá lo lắng hay hồi hộp. Trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại và người bị phỏng vấn sẽ bị bối rối và sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu.
Loại câu hỏi khác, loại câu hỏi mà về mặt hình thức dường như có ích, đó là câu hỏi  dạng logic "Hoặc":
- Anh giới thiệu đợt sản phẩm mới này là nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chỉ là nhằm chiếm lĩnh thị trường ?
Hạn chế lớn nhất với dạng câu hỏi này là phạm vi câu trả lời đã bị bó hẹp trong một số các khả năng mà câu hỏi đã đưa ra, cho nên người bị phỏng vấn không có cơ hội để trả lời "Cũng không hẳn là như vậy, nỗ lực của chúng tôi chỉ là nhằm...". Trong những trường hợp tương tự như vậy người phỏng vấn không nên đưa ra những gợi ý mà chỉ nên ra những câu hỏi tương tự như :
- Tại sao anh lại giới thiệu loại sản phẩm này...?
Câu hỏi “khích”:
Nếu người bị phỏng vấn được bày tỏ một cách rõ ràng các quan điểm của mình và có thể đưa ra những cách trả lời khác nhau, điều này là cần thiết khi có những quan điểm chống lại anh ta. Chính điều này cũng tạo cho anh ta cơ hội tự làm thoả mãn trong việc bác bỏ những lý lẽ hoặc những sự ép buộc trong các câu hỏi. Vai trò của người phỏng vấn là xác nhận những điều mà anh ta biết phải có "địa chỉ" cụ thể. Những dạng chung của loại câu hỏi "Khích" là:
- Mặt khác, điều đó nói lên rằng...?
- Một vài người đã chỉ trích rằng...?
- Bạn sẽ xử sự như thế nào nếu người ta nói bạn...?
Ví dụ đầu tiên trong ba ví dụ trên như không phải là một câu hỏi nhưng nó vẫn được trình bày và nếu loại bỏ nó thì có thể làm giảm hiệu quả sự thành công của cuộc phỏng vấn một cách đáng kể. Trong cuộc phỏng vấn nó câu hỏi dạng "khích" nhiều khi đóng vai trò một lời khẳng định, một câu bình luận mà thông tin hàm chứa trong câu hỏi này mang tính chủ đạo và chính thống. Nhưng người phỏng vấn phải đảm bảo rằng những quan điểm được đưa ra là một câu hỏi mang tính khách quan. Có thể nói trong trường hợp này nhà báo đang phải " Chơi tốt với một người bạn tồi".
Câu hỏi kép:
Một cách hỏi cho những người làm báo ít kinh nghiệm là hỏi gộp hai câu hỏi thành một.
- Tại sao cuộc họp đó lại lộn xộn, anh sẽ có biện pháp ngăn chặn như thế nào trong cuộc họp lần sau ?
Đối với những câu hỏi tương tự như thế này, người trả lời chỉ có thể trả lời được một trong hai câu hỏi, hoặc là câu trước hoặc là câu sau, những cái "bẫy" đã được gài chính trong câu hỏi và nếu người trả lời không để ý sẽ vô hình mà thừa nhận. Nhưng nhà báo phải thật cẩn thận trong trường hợp người bị phỏng vấn tỉnh táo nhận ra và khôn khéo dẫn dắt câu trả lời sang hướng khác và nhà báo sẽ rất dề bị mất quyền chủ động.
Những câu hỏi phải luôn giữ được mức độ ngắn và giản đơn, những câu hỏi quanh quẩn, dông dài sẽ mang lại những câu trả lời tương tự, điều này chứng tỏ rằng nhưng câu hỏi của người phỏng vấn có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ cuộc phỏng vấn. Người phỏng vấn phải thật sự quan tâm tới các câu hỏi, nếu mục đích của những câu hỏi khổng rõ ràng kể cả trong suy nghĩ của người phỏng vấn thì đối với người được phỏng vấn cũng không được hiểu  rõ ràng. Sự nhầm lẫn của người nghe là khả năng có thể bị thoái hoá trong sự lãnh đạm và sau hết là sự mất hứng từ chính cuộc phỏng vấn gây ra.
Câu hỏi chủ đạo:
Chán nản, thiếu kinh nghiệm hoặc những câu hỏi ác ý sẽ được đưa ra cho người bị phỏng vấn trong một số trường hợp ngoại lệ, như:
- Tại sao ông lại bắt tay vào kinh doanh khi năng lực tài chính của mình đã đi vào sa sút ?
- Anh giải thích như thế nào về hành động cậy quyền cậy thế này...?
Đây là những lời "ác ý" tác động trực tiếp vào người nghe - người bị phỏng vấn. Người bị phỏng vấn như không còn cơ hội để thanh minh hay phủ nhận những quan điểm đó. Thực tế cho thấy công chúng phải tự xác định được và tiếp nhận thông tin từ cuộc phỏng vấn mang lại. Hơn thế, với loại câu hỏi này, những thông tin chứa đựng trong nó được xem như là những thông tin nền cho toàn bộ cuộc phỏng vấn cho cả người bị phỏng vấn và công chúng. Trong loại câu hỏi này người phỏng vấn sẽ đưa ra những quan điểm và những câu hỏi để có thể chấp nhận được là :
- Anh đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình với bao nhiêu vốn?
- Vào lúc này anh coi như đã thoả mãn với những gì anh có phải không ?
- Hiện nay anh nhìn nhận điều đó như thế nào ?
- Anh đã nói gì với mọi người, những người có liên quan tới việc cậy quyền cậy thế của anh ?
Việc hỏi trực tiếp để bộc lộ nhiều ý kiến cá nhân, những câu hỏi hóc búa có thể được chấp nhận bởi sự điềm tĩnh thoải mái của người phỏng vấn và sự chịu đựng của người bị phỏng vấn. Khi người phỏng vấn bị chỉ trích vì nội dung câu hỏi anh ta đưa ra thì đó chính là nội dung cần được khai thác và nó có giá trị hơn bất cứ câu hỏi nào khác. Tất nhiên, trong một số trường hợp việc đưa ra câu hỏi dạng chủ đạo cũng phải thật mềm mỏng và khéo léo:
- Trong trường hợp này thì câu hỏi đặt ra là tại sao ông lại xử sự như thế, thưa ông ?
Câu hỏi "tại sao lại xảy ra" không phải là câu hỏi nhằm mục đích tìm hiểu sự việc đó đã diễn ra như thế nào, nhất là trong trường hợp người trả lời phỏng vấn muốn lẩn tránh câu trả lời. Nếu anh ta chỉ cần ngập ngừng một giây thôi thì công chúng sẽ dễ dàng nhận ra và công sức của ngươì phỏng vấn sẽ trở nên vô ích.
Phỏng vấn không câu hỏi
Một vài người thường thích tạo ra sự dài dòng không cần thiết thông qua cách đặt vấn đề hay xử lý các câu hỏi. Điều nguy hiểm là cuộc phỏng vấn có thể sẽ thành một cuộc tranh luận hay là những thông tin mà công chúng nhận được chủ yếu là từ người phỏng vấn hơn là từ người bị phỏng vấn. Chẳng hạn, người trả lời phỏng vấn có thể bị dẫn dắt theo một số trường hợp :
- Điều này xảy ra là không bình thường !
Thay vì với câu hỏi : Đó là điều bình thường phải không ?
Một ví dụ khác tương tự như:
- Anh không có vẻ như đã đưa ra những bảng thống kê đó.
Thay vì một câu hỏi: Anh đưa ra bản thống kê đó để đánh giá gì vậy ?
Thông thường sự sai lầm ở phỏng vấn không câu hỏi là mục đích của cuộc phỏng vấn không rõ ràng hoặc không được xác định, người bị phỏng vấn có thể trả lời những gì anh ta thích hoặc anh ta hiểu. Và người phỏng vấn sẽ rất  khó khăn trong việc điều khiển đề tài và thời lượng của cuộc phỏng vấn .
Đôi khi người phỏng vấn cũng có thể hỏi các câu hỏi:
- Tôi có thể hỏi bạn nếu...?
- Tôi rất muốn nếu như bạn có thể trả lời tại sao...?
Điều này là không cần thiết trong một cuộc phỏng vấn đã có những thoả thuận từ trước. Đôi khi nó là một biểu hiện của phương pháp tiếp cận đối tượng. Cách diễn đạt này nhằm được dùng để hướng dẫn người phỏng vấn nhận ra những khó khăn không lường trước được của một cuộc phỏng vấn. Đúng hơn là một giải pháp tình thế chi sự thiếu tin cậy giữa hai bên và tạo ra cho cả hai bên có đủ thời gian cần thiết để chuẩn bị và đó cũng là việc giành được thời gian để khiến cho người nghe cảm thấy mức độ căng thẳng của cuộc phỏng vấn .
Sự giao lưu không lời:
Thông thường một cuộc phỏng vấn đã được thiết lập thì nó không được để gián đoạn. Trong cuộc phỏng vấn, mối quan hệ giữa hai bên không chỉ thông qua các câu hỏi và câu trả lời mà thực ra còn được thiết lập qua biểu hiện ở ánh mắt và nét mặt. Sự tập trung phải được duy trì thường xuyên và không thể coi thường.
Mắt của người phỏng vấn phải nói lên được sự đồng điệu với những gì anh ta nói hoặc là thái độ phản ứng đúng với những gì anh ta nhận được. Người phỏng vấn không bao giờ được tỏ ra chán nản hoặc thiếu kiên nhẫn, có thể biểu đạt sự đồng ý hay không đồng ý qua cử chỉ của cánh tay và cử chỉ, nét mặt.
Tuy nhiên cũng cần phải tránh những hành động dễ gây cho người bị phỏng vấn sự nổi giận như gật đầu và nói " aha!" hay "ừ hừ"...
Trao đổi bằng mắt là cách thức thường xuyên nhất và hiệu quả nhất để điều chỉnh thời gian cho một cuộc phỏng vấn. Nó báo hiệu là đã có một câu hỏi khác đã cần phải đưa ra. Những biểu hiện bằng tay cũng rất cần thiết và giữa hai bên cũng cần có sự thống nhất trong việc trao đổi những thông tin này.

Kỹ năng phỏng vấn báo chí (phần 3)


4. Trong quá trình phỏng vấn:

Người phỏng vấn phải chủ động và linh hoạt trong việc điều khiển cuộc phỏng vấn theo 4 chức năng riêng biệt: Kỹ thuật, chiều hướng, câu hỏi và thời gian.
Vấn đề kỹ thuật
Rất  quan trọng vì nó quyết định tới chất lượng nội dung được ghi âm và ghi hình. Vì vậy khi vào cuộc, phải trả lời được các câu hỏi:
- Nền tảng của việc thay đổi tiếng động có phải là do việc thay đổi hướng của Micro hay không?
 - Vị trí của người bị phỏng vấn ảnh hưởng như thế nào đến âm lượng và âm sắc ?
- Trong cuộc phỏng vấn đang được tiến hành, máy ghi âm, máy ghi hình, hệ thống ánh sáng đang hoạt động liên tục thì các phần việc khác có được phép xen kẽ vào hay không ?
- Mục đích cuả một cuộc phỏng vấn phải luôn được xác định rõ đối với người phỏng vấn .
- Vấn đề thời lượng của cả chương trình phỏng vấn  có nhất thiết phải  tính trước hay không ?
- Có những khả năng nào có thể xảy ra và có thể làm thay đổi chiều hướng nội dung của cuộc phỏng vấn ?
Câu hỏi phụ: Điều cần thiết là người phỏng vấn không nên quá bận tâm tới những câu hỏi tiếp theo (đã chuẩn bị trước) vì có thể sẽ không phát hiện ra những thông tin mới khác từ câu trả lời. Rèn luyện khả năng nghe, suy nghĩ và quyết đoán nhanh là một yêu cầu cao đối với người làm báo nói chung và đối với người phỏng vấn nói riêng. Bên cạnh đó những kiến thức cụ thể liên quan tới những lĩnh vực đang được khai thác (như các thuật ngữ, các số liệu ...) có như thế mới chủ động trong việc khai thác thông tin. Khi phát hiện ra những thông tin từ câu trả lời là không cần thiết hoặc không chân thực thì ngươì phỏng vấn phải chủ động điều khiển bằng các câu hỏi phụ.
Vấn đề thời gian một cuộc phỏng vấn rất quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa quyết định tới nội dung của cuộc phỏng vấn mà còn liên quan chặt chẽ tới kết cấu chương trình mà nó được đăng tải. Người thực hiện cuộc phỏng vấn phải tính toán, quyết định và tuân thủ thời gian một cách nghiêm ngặt và chính xác. Trong những cuộc phỏng vấn "sống" tức là thực hiện phát thẳng thì người phỏng vấn phải chắc chắn nắm được quyền chủ động và không được phép sai lầm dù chỉ là  nhỏ nhất.
Sư khiêu khích:
Từ "cuối cùng" chỉ nên được sử dụng một lần, nó có thể đứng trước câu hỏi cuối cùng như là dấu hiệu báo trước cho người bị phỏng vấn  biết thời gian đã hết và cần đưa ra những thông tin khái quát nhất nếu còn. Dấu hiệu của  các câu hỏi loại này là:
- Tóm lại, tại sao ngài đã...?
- Nói một cách ngắn gọn, ông đã quyết định điều đó như thế nào?
- Đơn giản nhất là phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông ?
Đó là cách thức đơn giản nhất để người bị phỏng vấn có thể chấp nhận sức ép về mặt thời gian và có thể đó là cách buộc người bị phỏng vấn chỉ còn có một cơ hội duy nhất để bộc lộ thông tin.
Nếu một cuộc phỏng vấn được sắp xếp theo một thứ tự nào đó thì câu hỏi cuối cùng sẽ là sự khép lại vấn đề hay là sự khẳng định một lần nữa những thông tin đã được đưa ra trong toàn bộ cuộc phỏng vấn. Đôi khi sự thoả thuận trong câu kết chính là sự bày tỏ thiện chí giữa hai bên:
- Ông John, những gì ông đã cho khán giả biết thực sự là bổ ích và thay mặt khán giả của đài, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông.


Sau cuộc phỏng vấn:

Người phỏng vấn nên nhận thức rằng cuộc phỏng vấn đã góp phần nâng cao kinh nghiệm nghiệp vụ cho công việc làm báo. Nếu cuộc phỏng vấn đã được ghi âm hay ghi hình thì nhất thiết cần được kiểm tra lại để phát hiện xem có lõi nào về kỹ thuật hay không, mặt khác nếu có một lỗi nào đó cả về kỹ thuật và nội dung thì có thể còn có cơ hội sửa chữa hoặc làm lại. Tuy nhiên, việc làm lại chỉ là sự bất đắc dĩ vì không dễ gì có thể lặp lại đúng tinh thần nội dung như lần phỏng vấn trước, vả lại nếu có lặp lại nguyên vẹn các câu hỏi như lần đầu sẽ gây cho người bị phỏng vấn sự nhàm chán. Người  bị phỏng vấn dễ bị nhắc lại những lời không cần thiết như: "như tôi đã nói mấy phút trước đây" hay "Tôi có thể khẳng định lại lần nữa rằng..." tất cả những điều đó rất là tai hại bởi người nghe thiếu lòng tin vào tính chân thực của cuộc phỏng vấn.
Sau cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn có thể sẽ đề nghị cho họ xem lại nội dung toàn bộ cuộc phỏng vấn, có thể có những phản ứng có lợi hoặc bất lợi với chính những gì họ đã tuyên bố, trong trường hợp như thế này tốt nhất là người phỏng vấn càng tránh được càng tốt, hoặc cần thiết nên có những cam kết trước về mặt nội dung.
Một lưu ý nữa là sau cuộc phỏng vấn nên cảm ơn người bị phỏng vấn vì sự cộng tác, nếu cuộc phỏng vấn thực hiện tại Studio của Đài thì nên thanh toán cho họ những chi phí đi lại và thù lao theo quy định chung. Trong bất kể trường hợp nào, cho dù nội dung cuộc phỏng vấn có đi tới đâu thì người làm báo cũng nên giữ phép lịch sự và tôn trọng người cộng tác với mình.
Hiện trường phỏng vấn:
Một thương gia trong văn phòng của ông ta, một ngôi sao điện ảnh trong phòng hoá trang, một công nhân bên cạnh cỗ máy...tất cả đều có thể tiếp cận được dễ dàng với máy ghi âm, ghi hình xách tay và sự chuẩn bị trước chu đáo. Tuy nhiên các vấn đề khác như tiếng ồn, sự va chạm hay ánh sáng nhiều khi gây ra những khó khăn lớn khi tiến hành phỏng vấn tại hiện trường.Phỏng vấn tại hiện trường đem lại tính chân thực cao về mặt nội dung nhưng nhiều khi lại đem lại rất nhiều phiền toái (nhất là đối với việc ghi hình) bởi vậy nhất thiết phải chấp nhận những quy định chung có tính nguyên tắc khi thực hiện tại hiện trường là các khu quân sự, các khu cơ mật hoặc các trường học. Đối với trường hợp người bị phỏng vấn là học sinh phổ thông, khi tiến hành phỏng vấn  cần phải có sự chấp thuận của cha mẹ, thầy cô giáo hoặc người giám hộ học sinh dưới 16 tuổi.
Có những trường hợp thông tin được truyền đi từ những hiện trường như thế theo yêu cầu của chính đối tượng được phỏng vấn, nhưng nhà báo phải thật "nhạy cảm" với ranh giới giữa sự dũng cảm và sự phạm pháp.
Nếu thực hiện phỏng vấn trong phòng thì điều đầu tiên cần quan tâm là sự phản âm do cấu trúc không gian của căn phòng đó.
Trong trường hợp này cần phải linh hoạt điều chỉnh (nếu được phép) những chi tiết của căn phòng như cửa sổ, các vách ngăn, rèm, tủ, bàn ghế...Phòng có bồi tường, rèm và thảm sàn là tương đối thoả mãn những yêu cầu cơ bản về phòng thu. Nhưng lưu ý là chủng loại, vị trí và hướng của Micro cũng rất quan trọng, chất lượng âm thanh thu được liên quan trực tiếp tới Micro.
Một số minh hoạ về hiện trường tốt cho việc phỏng vấn
Cơ sở của  âm thanh là  sự khác nhau về âm lượng và âm sắc, đó là về mặt hình thức, còn nội dung của âm thanh được quyết định bởi âm điệu, ngữ và nghĩa.
Tiếng động hiện trường là tiếng có thể cho phép để tăng tính chân thực hoặc là do không thể xử lý được, tuy nhiên không thể chấp nhận được nếu như âm thanh hiện trường lại làm nền cho nội dung cuộc phỏng vấn có nghĩa là tiếng động hiện trường át cả tiếng phỏng vấn. Trong trường hợp mà bất ngờ cuộc phỏng vấn bị cắt ngang do tiếng chuông điện thoại, tàu chạy  hay một ai đó chen ngang câu trả lời thì nhất thiết phải làm lại vì đây không phải là tiếng động nền mà là tiếng động làm gián đoạn lời người trả lời và của cả người nghe.Có những âm thanh mà tai người bình thường không thể nghe thấy nhưng khi ghi âm lại rất ồn, đó là những âm thanh có tần số cao như tiếng gió rít, tiếng quạt điện, điều hoà, cho nên đòi hỏi người làm phỏng vấn phải có kinh nghiệm trong những điều kiện hiện trường như vậy. 
Minh hoạ một số vị trí không nên thực hiện phỏng vấn
Những người có kinh nghiệm luôn luôn chọn Micro lập thể cho một cuộc phỏng vấn, và hơn thế anh ta biết cách cố định nó bằng một cái chân đỡ mà vẫn linh hoạt trong việc đổi hướng. Tuy nhiên, dùng hai Micro cho hai người và nếu có Micro kẹp ve áo là tốt nhất, trong trường hợp này khi xử lý hậu kỳ nên sử dụng bộ trộn (Mixer) sao cho âm thanh có hiệu quả cao nhất về tính liên tục.
Tóm lại: Việc thực hiện một cuộc phỏng vấn tại hiện trường là một công việc thường xuyên của nhà báo và những hiểu biết một cách khoa học về âm thanh, tiếng động cũng như việc sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả cao về mặt kỹ thuật ghi âm.
Đối với một cuộc phỏng vấn tại Studio việc chuẩn bị trước là hướng người bị phỏng vấn tập trung vào công việc của anh ta. Khi làm việc ở ngoài trời, có thể sử dụng máy ghi âm xách tay và các thiết bị phụ trợ cần thiết. Micro, các loại máy móc thiết bị cần phải được lắp đặt, chuẩn bị và kiểm tra chu đáo trước khi cuộc phỏng vấn tiến hành. Cần tránh những tâm lý bất lợi tới người bị phỏng vấn do tác động của các thiết bị kỹ thuật (đặc biệt là ánh sáng trong trường hợp ghi hình). Những thuật ngữ kỹ thuật cũng tránh không nên sử dụng ở đây, nhất là trước mặt người bị phỏng vấn, bởi họ dễ nhầm tưởng mình đang bị hù doạ.
Cách cấm Micro đúng kỹ thuật
Trước khi tiến hành chính thức cuộc phỏng vấn có thể ghi âm thử để điều chỉnh mức thu (Talking Level) và mối liên hệ giữa âm lượng (Mixer) của người phỏng vấn và người bị phỏng vấn .   
Nếu sử dụng Micro cầm tay thì nên thắt lai một vòng trên tay (xem minh hoạ trên), không nên quấn chặt cũng như thả lỏng để làm giảm tiếp xúc giữa dây dẫn và thân Micro. Hơn thể, điều đó tránh được những tiếng động do chính dây dẫn tạo ra trong quá trình di động.
Micro có thể đặt tại một vị trí thích hợp sao cho có thể thu được âm thanh có chất lượng cao nhất, trong trường hợp âm thanh hiện trường không ồn lắm có thể cố định Micro mà không cần thiết phải thay đổi hướng khi một trong hai người nói. Việc áp dụng thành thạo và có hiệu quả các điều kiện kỹ thuật tự động cho phép làm đơn giản hoá rất nhiều thao tác trong khi phỏng vấn.
Một vài nguyên tắc đáng lưu ý khi sử dụng máy ghi âm xách tay:
1. Trong các điều kiện khác nhau của hiện trường nên kiểm tra tình trạng hoạt động của máy cùng như khả năng thích ứng môi trường của nó. Ví dụ như kiểm tra độ ẩm, từ trường, nhiệt độ, áp suất...
2. Bảo quản, kiểm tra thường xuyên hệ thống ghi âm và Micro.
3. Nếu không tin tưởng vào bộ nạp nguồn thì cần phải đem theo acquy dự phòng.
4. Phải sử dụng Micro có lưới chắn gió khi sử dụng ở ngoài trời.
5. Máy ghi âm, ghi hình là vũ khí của nhà báo, không được "ly thân".
6. Sử dụng có chất lượng cao nhất là băng 1/4 inch với máy băng cối (Reel machines) và băng Chrome với máy cassette của phóng viên Phát Thanh và hệ thiết bị Ghi hình chuyên dụng Camera Pro.
7. Phải luôn luôn nạp lại và nạp đủ acquy sau khi sử dụng.
Phỏng vấn qua một người phiên dịch:
Những tin tức trong thực tế có thể được khai thác từ người không cùng ngôn ngữ với bạn. Khi đó bạn không có sự lựa chọn nào khác (nếu bạn không biết ngôn ngữ đó) là phỏng vấn thông qua phiên dịch. Trong trường hợp này tốt nhất là đưa ra những câu hỏi ngắn, đơn giản và dễ hiểu:
- Những người lính đã đi qua đây khi nào ?
- Điều gì đã xảy ra với ngôi nhà của bạn ?
- Tại sao họ lại triệt phá làng đó?
Tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh những câu trả lời với những ngôn ngữ bất đồng sẽ có sức truyền đạt khác nhau. Việc dịch cung cấp nội dung gì sẽ được thể hiện trong chính nội dung câu dịch nhưng trong đó còn hàm chứa nội dung tình cảm thông qua người phiên dịch. Các câu hỏi được đưa ra lần lượt theo thứ tự của các câu dịch, nếu khả năng cho phép, người phỏng vấn lưu ý người phiên dịch về cách biểu đạt giọng điệu, nhất là với những câu hỏi trọng tâm.

Kỹ năng phỏng vấn báo chí (phần cuối)



 
  Phần II :
 BỊ PHỎNG VẤN


Để nắm vững được tâm lý, khả năng và những phản ứng thích hợp trong trường hợp thực hiện một cuộc phỏng vấn. Trong phần II của cuốn tài liệu này, chúng tôi muốn trình bày một số vấn đề về người bị phỏng vấn. Qua đó có thể trang bị thêm một số kiến thức cho người phỏng vấn về đối tượng của mình. Hiểu người, hiểu mình, trăm trận trăm thắng.

Có lẽ bị các phóng viên, những người luôn thực hiện những cuộc phỏng vấn trực tiếp trên màn ảnh truyền hình địa phương thôi miên hay ở trong tình trạng lo lắng bị khám phá phơi bày một điều gì đó qua phỏng vấn mà ta có thể hiểu được vì sao mà người ta rất sợ bị phỏng vấn thậm chí ở ngay trong nhà của mình. Trong nhiều trường hợp như thế, người bị phỏng vấn lo sợ quá mà phó mặc tất cả cho người phỏng vấn. Mặc dù phần trước của cuấn tài liệu này đã nhấn mạnh rằng ý nghĩ khởi đầu nói chung là tuỳ thuộc vào người phỏng vấn, nhưng xét đến cùng lý do để tiến hành một cuộc phỏng vấn và sự thành công của nó hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung và thái độ của người trả lời phỏng vấn.

1. Mục đích và thái độ:
Trước hết, người bị phỏng vấn phải nắm được mục đích của cuộc phỏng vấn là gì, vấn đề chính mà cuộc phỏng vấn quan tâm và những khía cạnh nào nên tránh không đề cập tới. Thái độ nhập cuộc đó như thế nào được còn được gọi là tâm thế.
Chẳng hạn cuộc phỏng vấn không có ý nghĩa đối đầu nhưng mục đích của một cuộc phỏng vấn là phải giành được chiến thắng. Đối với người bị phỏng vấn, người phỏng vấn luôn tìm cơ hội để đánh bại kẻ thù của mình, nhưng điều đó có tác hại không nhỏ từ phía người nghe. Công chúng của báo chí sẽ nhanh chóng phát hiện ra thái độ thù nghịch và họ sẽ có thái độ bênh vực cho bên yếu thế hơn. Vì vậy, người phỏng vấn nào quá tỏ ra đối nghịch hay cố gắng bằng mọi giá để khai thác thông tin hẳn sẽ không có được kết quả như mong muốn.
Mặt khác phỏng vấn cũng không phải là “diễn đàn” đưa ra tất cả các ý kiến của mình một cách tự do. Một lời nói ra là mở ra một thách thức mới nếu như lời nói này không thuộc phạm vi cuộc phỏng vấn. Người bị phỏng vấn cần lưu ý rằng ngay cả không nói ra những điều gì tích cực cũng cần thiết phải gây được ấn tượng đối với người nghe nói chung, người phỏng vấn nói riêng. Trong một cuộc phỏng vấn, người được phỏng vấn không nên lạm dụng cơ hội này để biến cuộc phỏng vấn thành diễn đàn phát ngôn của mình, đó là một sự lố bịch và rất dễ bị công chúng lật tẩy.

2. Người bị phỏng vấn nên biết điều gì:
Phần nhiều cuộc phỏng vấn không thành do sự bất hợp tác của người bị phỏng vấn, cho nên rất đúng khi có giả thuyết rằng: việc phỏng vấn đã được cả hai bên đồng ý. Trước cuộc phỏng vấn bao giờ cũng có cuộc tiếp xúc và trong cuộc tiếp xúc này, những thông tin cơ bản mà hai bên cần trao đổi là :
1. Cuộc phỏng vấn sẽ tập trung vào những vấn đề gì, không nhất thiết cần có ngay câu hỏi chính xác nhưng cần có những giới hạn nhất định trong từng câu hỏi.
2.  Cuộc phỏng vấn sẽ được truyền thẳng hay được ghi lại.
3. Thời gian cho phép của cả cuộc phỏng vấn là bao lâu. Cuộc phỏng vấn này sẽ thuộc về chương trình nào trong cơ cấu chương trình của đài phát.
4. Đây là cuộc phỏng vấn có nội dung độc lập hay nằm chung trong một bối cảnh nào đó, tức là thông tin được đưa ra có ý nghĩa như thế nào trong toàn bộ chương  trình phát sóng.
5. Địa điểm phỏng vấn, trong Studio hay ngoài hiện trường.
7. Khi nào thì cuộc phỏng vấn bắt đầu.
Việc thiết lập những thông tin như trên là cực kỳ cần thiết và  không được bỏ qua, nhất là với người bị phỏng vấn .

3. Tôi có đúng là người  được phỏng vấn không ?
Sau khi đã nắm được về cơ bản những gì về cuộc phỏng vấn. Người bị phỏng vấn phải tự liệu xét mình có đúng là đối tượng cần được phỏng vấn không. Thông thường người phóng viên không thể xét đoán đối tượng chính xác bằng chính đối tượng đó tự xét đoán về mình. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ông chủ tịch HĐQT công ty không hiểu hết đơn vị của mình bằng người giám đốc, hay một người đốc công không thạo việc bằng một người công nhân, chính vì vậy, người bị phỏng vấn nên tự đặt câu hỏi: Tôi có đúng là người được phỏng vấn không ?
Ngoài ra còn có rất nhiều tác động làm cho việc hợp tác trong phỏng vấn không thành công. Với người phỏng vấn thì đặt ra 3 khả năng mở ra là: Đổi đề tài, chọn đối tượng khác và coi sự "chối từ" như chính là một câu trả lời công chúng. Khả năng cuối cùng sẽ không tránh khỏi một lời nhận xét rằng người ta đang cố tình che đậy một điều gì đó, và đó chính là cái nút cần phải tháo gỡ trong nội dung của cuộc phỏng vấn .

5. Sắp đặt thời gian để chuẩn bị:
Liên lạc trước qua điện thoại với người được mời phỏng vấn là cách thức chuẩn bị trước nhanh nhất và đơn giản nhất, nhưng với một số nhân vật ( nhất là nhân vật cấp cao) thì không được phép liên hệ kiểu như vậy. Việc liên lạc qua điện thoại tuy có bất tiện về mặt không gian song người phỏng vấn không được phép quên trao đổi với người đang được mời phỏng vấn 7 thông tin cơ bản cần thiết phải có trước mỗi cuộc phỏng vấn (xem lại phần trên). Qua trao đổi, nếu người được mời đồng ý tham gia phỏng vấn có thể thực hiện ngay trong ngày hoặc một thời gian cụ thể nào đó với máy ghí âm, ghi hình xách tay. Theo một cách khác thì có thể sắp đặt trước vài ngày nếu như phỏng vấn thực hiện tại Studio. Mặt khác người phỏng vấn có thể dùng điện thoại ghi âm để đề nghị phỏng vấn ngay khi đang trao đổi. Tuy nhiên, đây là cách phỏng vấn không phổ biến lắm vì lý do chất lượng kỹ thuật kém.Và một lưu ý nữa là cuộc phỏng vấn kiểu này phải nhận được sự  chấp nhận của người bị phỏng vấn nếu không sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái từ phía pháp luật.
Trong một số sự kiện lớn cần phải tiến hành phỏng vấn tại chỗ và không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào trước thì đòi hỏi người phóng viên phải hoàn toàn chính xác và nhạy bén trong việc lựa chọn đối tượng phỏng vấn. Do không được chuẩn bị, phỏng vấn tại chỗ nên có thể có được những thông tin có gía trị hoặc ngược lại, nhưng đây là những thông tin " nóng hổi " và tự điều đó cũng là những thông tin rất có giá trị.
Tuy nhiên khi phỏng vấn bám sát theo sự kiện mới như vậy, một yêu cầu rất cao ở năng lực xử lý thông tin ở người làm báo, các câu hỏi được đưa ra phải dựa trên cơ sở logic nhất định về sự kiện, tức là người phỏng vấn đã phải nắm được cơ bản về sự kiên, không nên chỉ hoàn toàn khai thác từ người bị phỏng vấn .

6. Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn :
Khi đã nắm được những yêu cầu cơ bản về cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cần làm sáng tỏ từng khía cạnh để xác định xem đâu là những thông tin có ý nghĩa quyết định nhất hoặc "đắt giá nhất". Việc xem xét lại hệ thống giới hạn nội dung của cuộc phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn có thể hình dung trước các câu hỏi và các sự kiện sẽ được khai thác như thế nào và cần được đưa ra theo từng mức độ khác nhau như thế nào.
Người được phỏng vấn phải hiểu được rằng qua cuộc phỏng vấn đó, họ đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh, mà trong đó từng chi tiết nhỏ nhất cũng hàm chứa những thông tin có liên hệ chặt chẽ tới toàn bộ bức tranh, và nhiều khi chỉ cần một nét chấm phá có thể làm tăng gía trị hoặc làm hỏng cả bức tranh đó.
Người phỏng vấn và người bị phỏng vấn trong bất kỳ một trường hợp nào cũng phải tạo ra được một mối quan hệ thống nhất, cho dù chỉ là tạm thời để thực hiện cuộc phỏng vấn sao cho nhanh chóng làm sáng tỏ mục đích cuối cùng đã được thoả thuận từ trước. Bức tranh toàn cảnh về sự kiện chính là thành công từ nỗ lực của cả hai bên tuy nhiên chủ sở hữu phải là người phỏng vấn.

7. Sự lo lắng:
Cách nhẹ nhàng nhất  không phải là bảo ai đó " đừng lo lắng gì cả". Sự lo lắng là phản ứng tình cảm đối với một tình huống không bình thường và và thế đó là sự tất nhiên không thể tránh khỏi.
Với một người chưa từng bị phỏng vấn bao giờ thì tâm lý lo sợ là một điều dễ hiểu. Ngay cả với người có nhiều kinh nghiệm nói trước đám đông khi đứng trước máy ghi âm hay ghi hình cũng "run" bởi có thể anh ta chưa lường trước những bất lợi mà anh ta phải gánh chịu khi nhưng thông tin được đưa ra.
Để giải quyết vấn đề này tốt nhât là nhờ sự  "vấn an" của người phỏng vấn qua cách cư xử, cách hỏi và cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật một cách tinh tế và linh hoạt.

8. Tạo ấn tượng:
Trong giao lưu thông tin, thông tin được truyền tải theo hai kênh là nội dung (Cái gì) và hình thức (Như thế nào). Cả hai yếu tố này luôn phải nằm dưới sự kiểm soát của người thực hiện, nội dung và hình thức có mối quan hệ tác động lẫn nhau và luôn là điều kiện tiên quyết cho nhau. Tuy nhiên do hạn chế về chất giọng, không phải lúc nào nhà báo cũng có thể trình bày nội dung một cách trôi chảy và rõ ràng, ngược lại, nhiều khi vấn đề được nêu ra lại tẻ nhạt, nhàm chán. Như vậy có nghĩa là người làm báo phải luôn trau dồi nghiệp vụ báo chí cũng như nâng cao khả năng thực hiện. Để làm được như  vậy trong những tình huống cụ thể bạn nên tự đặt ra câu hỏi "Ta phải bắt đầu như thế nào đây ? " để tự mình tìm ra câu trả lời tối ưu nhất trước khi bắt tay vào thực hiện chính thức.
Nhìn chung, trong một cuộc phỏng vấn cả hai bên đều có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện của sắc thái tâm lý nhập cuộc, các sắc thái đó được tập hợp trong danh sách sau:
1. Chân thực : Những gì bạn nói được ghi nhận về tính đúng đắn.
2. Thân mật : Sử dụng giọng nói bình thường để có được nụ cười thân mật. Tránh dùng những từ ngữ " đao to búa lớn" hay những biệt ngữ xa lạ.
3. Nhân đức: Nội dung của lờì nói phải chứa đựng tính nhân bản sâu sắc, nếu có phải phê bình hay chỉ trích cũng chỉ nên trên tinh thần xây dựng giúp đỡ nhau...
4. Ân cần : Tạo ra sự quan tâm thực sự, không giả tạo.
5. Sẵn sàng giúp đỡ : Thông qua cả lời nói và việc làm.
6. Tỏ ra có tài: Bằng những tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết...
Sự giao lưu trong báo chí tất nhiên không khác gì nhiều sự giao lưu hàng ngày trong cộng đồng. Sự khác biệt trong giao lưu báo chí - phỏng vấn là sự  căng thẳng trong phỏng vấn có thể làm mất đi yếu tố tự nhiên chỉ còn lại yếu tố nghiệp vụ hay những cơ hội. Chẳng hạn, một quan chức muốn tỏ ra cho công chức thấy năng lực của mình sẽ thiên về việc bộc lộ hết các khả năng có thể có trong cuộc phỏng vấn .
Phẩm chất có giá trị nhất của các đối tượng tham gia phỏng vấn là tính chân thực, nhất là đối với người được phỏng vấn. Phải gây được lòng tin đói với công chúng thì họ mới quan tâm đến những gì mà cuộc phỏng vấn đề cập. Vì lẽ này, vào thời điểm ban đầu, hình thức quan trọng hơn nội dung.

9. Không trả lời:
Sự lảng tránh câu hỏi một cách ngẫu nhiên có thể do người được phỏng vấn thực sự hiểu sai hoặc không hiêủ rõ câu hỏi. Trong cả hai trường hợp này cuộc phỏng vấn sẽ đi sai hướng. Nếu là phỏng vấn truyền thẳng thì đây là vấn đề cực kỳ nan giải bởi người nghe sẽ mất phương hướng và có thể họ sẽ nghĩ rằng người bị phỏng vấn ngu ngốc hoặc người phỏng vấn kém tài. Trong trường hợp này sự  chủ động hoàn toàn thuộc về người phỏng vấn. Nhiều khi, người trả lời phỏng vấn có thủ thuật lảng tránh một cách có chủ ý nhằm đánh lạc hướng câu hỏi để đạt được mục cá nhân.
- Điều đó thực sự đã được đề cập và tôi nghĩ câu hỏi hợp lý trong trường hợp này là...?
Nếu như cuộc phỏng vấn đi đúng theo chiều hướng đã định thì sẽ nhận được chú ý theo dõi của người nghe, nếu như chủ đề của nó đi lệch lạc hoặc triển khai một cách vô hướng sẽ bị chính công chúng tẩy chay. Quyền của công chúng là tối thượng và cần được thực sự tôn trọng.
Có lẽ đó là những lý do cơ bản về việc tại sao "không bình luận" lại là câu  trả lời có thể chấp nhận được. Người phỏng vấn chưa chắc đã biết được lý do tại sao người bị phỏng vấn lại lảng tránh câu trả lời, điều này buộc phóng viên trong quá trình chuẩn bị phỏng vấn phải quan tâm tìm hiểu từng khía cạnh dù là nhỏ nhất liên quan đến đối tượng cần phỏng vấn và  vấn đề mình quan tâm.
Tuy nhiên, người được phỏng vấn cần tỏ ra thành thật và nên đưa ra lý do tại sao không thể trả lời những câu hỏi đó. Ví dụ như:
-Tôi không dám chắc về những con số đó !
-Tôi không thể nói gì chừng nào cuộc thanh tra chưa kết thúc !
-Tôi không khẳng định rằng những chi tiết tôi đưa ra đây đã được thẩm định !
Nếu như một cuộc phỏng vấn đã được chuẩn bị với sự thống nhất chung về các câu hỏi thì khi người bị phỏng vấn không trả lời một câu hỏi nào đó nhất thiết phải có thông báo trước và đưa ra lý do thích đáng.
Trong trường hợp có sự cố tình không trả lời phỏng vấn mà đối tượng bị phỏng vấn không thể có ai khác thay thế thì người phỏng vấn có thể sử dụng chính tình tiết từ chối phỏng vấn ấy  thay cho câu trả lời./.
                                            
                                                    Xin cảm ơn,Chúc các bạn thành công !
                                                    
                                                                          Nguyễn Bùi Khiêm (Hà Nội – 1998)