Khiemnguyen

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Kỹ năng phỏng vấn báo chí (phần cuối)



 
  Phần II :
 BỊ PHỎNG VẤN


Để nắm vững được tâm lý, khả năng và những phản ứng thích hợp trong trường hợp thực hiện một cuộc phỏng vấn. Trong phần II của cuốn tài liệu này, chúng tôi muốn trình bày một số vấn đề về người bị phỏng vấn. Qua đó có thể trang bị thêm một số kiến thức cho người phỏng vấn về đối tượng của mình. Hiểu người, hiểu mình, trăm trận trăm thắng.

Có lẽ bị các phóng viên, những người luôn thực hiện những cuộc phỏng vấn trực tiếp trên màn ảnh truyền hình địa phương thôi miên hay ở trong tình trạng lo lắng bị khám phá phơi bày một điều gì đó qua phỏng vấn mà ta có thể hiểu được vì sao mà người ta rất sợ bị phỏng vấn thậm chí ở ngay trong nhà của mình. Trong nhiều trường hợp như thế, người bị phỏng vấn lo sợ quá mà phó mặc tất cả cho người phỏng vấn. Mặc dù phần trước của cuấn tài liệu này đã nhấn mạnh rằng ý nghĩ khởi đầu nói chung là tuỳ thuộc vào người phỏng vấn, nhưng xét đến cùng lý do để tiến hành một cuộc phỏng vấn và sự thành công của nó hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung và thái độ của người trả lời phỏng vấn.

1. Mục đích và thái độ:
Trước hết, người bị phỏng vấn phải nắm được mục đích của cuộc phỏng vấn là gì, vấn đề chính mà cuộc phỏng vấn quan tâm và những khía cạnh nào nên tránh không đề cập tới. Thái độ nhập cuộc đó như thế nào được còn được gọi là tâm thế.
Chẳng hạn cuộc phỏng vấn không có ý nghĩa đối đầu nhưng mục đích của một cuộc phỏng vấn là phải giành được chiến thắng. Đối với người bị phỏng vấn, người phỏng vấn luôn tìm cơ hội để đánh bại kẻ thù của mình, nhưng điều đó có tác hại không nhỏ từ phía người nghe. Công chúng của báo chí sẽ nhanh chóng phát hiện ra thái độ thù nghịch và họ sẽ có thái độ bênh vực cho bên yếu thế hơn. Vì vậy, người phỏng vấn nào quá tỏ ra đối nghịch hay cố gắng bằng mọi giá để khai thác thông tin hẳn sẽ không có được kết quả như mong muốn.
Mặt khác phỏng vấn cũng không phải là “diễn đàn” đưa ra tất cả các ý kiến của mình một cách tự do. Một lời nói ra là mở ra một thách thức mới nếu như lời nói này không thuộc phạm vi cuộc phỏng vấn. Người bị phỏng vấn cần lưu ý rằng ngay cả không nói ra những điều gì tích cực cũng cần thiết phải gây được ấn tượng đối với người nghe nói chung, người phỏng vấn nói riêng. Trong một cuộc phỏng vấn, người được phỏng vấn không nên lạm dụng cơ hội này để biến cuộc phỏng vấn thành diễn đàn phát ngôn của mình, đó là một sự lố bịch và rất dễ bị công chúng lật tẩy.

2. Người bị phỏng vấn nên biết điều gì:
Phần nhiều cuộc phỏng vấn không thành do sự bất hợp tác của người bị phỏng vấn, cho nên rất đúng khi có giả thuyết rằng: việc phỏng vấn đã được cả hai bên đồng ý. Trước cuộc phỏng vấn bao giờ cũng có cuộc tiếp xúc và trong cuộc tiếp xúc này, những thông tin cơ bản mà hai bên cần trao đổi là :
1. Cuộc phỏng vấn sẽ tập trung vào những vấn đề gì, không nhất thiết cần có ngay câu hỏi chính xác nhưng cần có những giới hạn nhất định trong từng câu hỏi.
2.  Cuộc phỏng vấn sẽ được truyền thẳng hay được ghi lại.
3. Thời gian cho phép của cả cuộc phỏng vấn là bao lâu. Cuộc phỏng vấn này sẽ thuộc về chương trình nào trong cơ cấu chương trình của đài phát.
4. Đây là cuộc phỏng vấn có nội dung độc lập hay nằm chung trong một bối cảnh nào đó, tức là thông tin được đưa ra có ý nghĩa như thế nào trong toàn bộ chương  trình phát sóng.
5. Địa điểm phỏng vấn, trong Studio hay ngoài hiện trường.
7. Khi nào thì cuộc phỏng vấn bắt đầu.
Việc thiết lập những thông tin như trên là cực kỳ cần thiết và  không được bỏ qua, nhất là với người bị phỏng vấn .

3. Tôi có đúng là người  được phỏng vấn không ?
Sau khi đã nắm được về cơ bản những gì về cuộc phỏng vấn. Người bị phỏng vấn phải tự liệu xét mình có đúng là đối tượng cần được phỏng vấn không. Thông thường người phóng viên không thể xét đoán đối tượng chính xác bằng chính đối tượng đó tự xét đoán về mình. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ông chủ tịch HĐQT công ty không hiểu hết đơn vị của mình bằng người giám đốc, hay một người đốc công không thạo việc bằng một người công nhân, chính vì vậy, người bị phỏng vấn nên tự đặt câu hỏi: Tôi có đúng là người được phỏng vấn không ?
Ngoài ra còn có rất nhiều tác động làm cho việc hợp tác trong phỏng vấn không thành công. Với người phỏng vấn thì đặt ra 3 khả năng mở ra là: Đổi đề tài, chọn đối tượng khác và coi sự "chối từ" như chính là một câu trả lời công chúng. Khả năng cuối cùng sẽ không tránh khỏi một lời nhận xét rằng người ta đang cố tình che đậy một điều gì đó, và đó chính là cái nút cần phải tháo gỡ trong nội dung của cuộc phỏng vấn .

5. Sắp đặt thời gian để chuẩn bị:
Liên lạc trước qua điện thoại với người được mời phỏng vấn là cách thức chuẩn bị trước nhanh nhất và đơn giản nhất, nhưng với một số nhân vật ( nhất là nhân vật cấp cao) thì không được phép liên hệ kiểu như vậy. Việc liên lạc qua điện thoại tuy có bất tiện về mặt không gian song người phỏng vấn không được phép quên trao đổi với người đang được mời phỏng vấn 7 thông tin cơ bản cần thiết phải có trước mỗi cuộc phỏng vấn (xem lại phần trên). Qua trao đổi, nếu người được mời đồng ý tham gia phỏng vấn có thể thực hiện ngay trong ngày hoặc một thời gian cụ thể nào đó với máy ghí âm, ghi hình xách tay. Theo một cách khác thì có thể sắp đặt trước vài ngày nếu như phỏng vấn thực hiện tại Studio. Mặt khác người phỏng vấn có thể dùng điện thoại ghi âm để đề nghị phỏng vấn ngay khi đang trao đổi. Tuy nhiên, đây là cách phỏng vấn không phổ biến lắm vì lý do chất lượng kỹ thuật kém.Và một lưu ý nữa là cuộc phỏng vấn kiểu này phải nhận được sự  chấp nhận của người bị phỏng vấn nếu không sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái từ phía pháp luật.
Trong một số sự kiện lớn cần phải tiến hành phỏng vấn tại chỗ và không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào trước thì đòi hỏi người phóng viên phải hoàn toàn chính xác và nhạy bén trong việc lựa chọn đối tượng phỏng vấn. Do không được chuẩn bị, phỏng vấn tại chỗ nên có thể có được những thông tin có gía trị hoặc ngược lại, nhưng đây là những thông tin " nóng hổi " và tự điều đó cũng là những thông tin rất có giá trị.
Tuy nhiên khi phỏng vấn bám sát theo sự kiện mới như vậy, một yêu cầu rất cao ở năng lực xử lý thông tin ở người làm báo, các câu hỏi được đưa ra phải dựa trên cơ sở logic nhất định về sự kiện, tức là người phỏng vấn đã phải nắm được cơ bản về sự kiên, không nên chỉ hoàn toàn khai thác từ người bị phỏng vấn .

6. Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn :
Khi đã nắm được những yêu cầu cơ bản về cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cần làm sáng tỏ từng khía cạnh để xác định xem đâu là những thông tin có ý nghĩa quyết định nhất hoặc "đắt giá nhất". Việc xem xét lại hệ thống giới hạn nội dung của cuộc phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn có thể hình dung trước các câu hỏi và các sự kiện sẽ được khai thác như thế nào và cần được đưa ra theo từng mức độ khác nhau như thế nào.
Người được phỏng vấn phải hiểu được rằng qua cuộc phỏng vấn đó, họ đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh, mà trong đó từng chi tiết nhỏ nhất cũng hàm chứa những thông tin có liên hệ chặt chẽ tới toàn bộ bức tranh, và nhiều khi chỉ cần một nét chấm phá có thể làm tăng gía trị hoặc làm hỏng cả bức tranh đó.
Người phỏng vấn và người bị phỏng vấn trong bất kỳ một trường hợp nào cũng phải tạo ra được một mối quan hệ thống nhất, cho dù chỉ là tạm thời để thực hiện cuộc phỏng vấn sao cho nhanh chóng làm sáng tỏ mục đích cuối cùng đã được thoả thuận từ trước. Bức tranh toàn cảnh về sự kiện chính là thành công từ nỗ lực của cả hai bên tuy nhiên chủ sở hữu phải là người phỏng vấn.

7. Sự lo lắng:
Cách nhẹ nhàng nhất  không phải là bảo ai đó " đừng lo lắng gì cả". Sự lo lắng là phản ứng tình cảm đối với một tình huống không bình thường và và thế đó là sự tất nhiên không thể tránh khỏi.
Với một người chưa từng bị phỏng vấn bao giờ thì tâm lý lo sợ là một điều dễ hiểu. Ngay cả với người có nhiều kinh nghiệm nói trước đám đông khi đứng trước máy ghi âm hay ghi hình cũng "run" bởi có thể anh ta chưa lường trước những bất lợi mà anh ta phải gánh chịu khi nhưng thông tin được đưa ra.
Để giải quyết vấn đề này tốt nhât là nhờ sự  "vấn an" của người phỏng vấn qua cách cư xử, cách hỏi và cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật một cách tinh tế và linh hoạt.

8. Tạo ấn tượng:
Trong giao lưu thông tin, thông tin được truyền tải theo hai kênh là nội dung (Cái gì) và hình thức (Như thế nào). Cả hai yếu tố này luôn phải nằm dưới sự kiểm soát của người thực hiện, nội dung và hình thức có mối quan hệ tác động lẫn nhau và luôn là điều kiện tiên quyết cho nhau. Tuy nhiên do hạn chế về chất giọng, không phải lúc nào nhà báo cũng có thể trình bày nội dung một cách trôi chảy và rõ ràng, ngược lại, nhiều khi vấn đề được nêu ra lại tẻ nhạt, nhàm chán. Như vậy có nghĩa là người làm báo phải luôn trau dồi nghiệp vụ báo chí cũng như nâng cao khả năng thực hiện. Để làm được như  vậy trong những tình huống cụ thể bạn nên tự đặt ra câu hỏi "Ta phải bắt đầu như thế nào đây ? " để tự mình tìm ra câu trả lời tối ưu nhất trước khi bắt tay vào thực hiện chính thức.
Nhìn chung, trong một cuộc phỏng vấn cả hai bên đều có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện của sắc thái tâm lý nhập cuộc, các sắc thái đó được tập hợp trong danh sách sau:
1. Chân thực : Những gì bạn nói được ghi nhận về tính đúng đắn.
2. Thân mật : Sử dụng giọng nói bình thường để có được nụ cười thân mật. Tránh dùng những từ ngữ " đao to búa lớn" hay những biệt ngữ xa lạ.
3. Nhân đức: Nội dung của lờì nói phải chứa đựng tính nhân bản sâu sắc, nếu có phải phê bình hay chỉ trích cũng chỉ nên trên tinh thần xây dựng giúp đỡ nhau...
4. Ân cần : Tạo ra sự quan tâm thực sự, không giả tạo.
5. Sẵn sàng giúp đỡ : Thông qua cả lời nói và việc làm.
6. Tỏ ra có tài: Bằng những tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết...
Sự giao lưu trong báo chí tất nhiên không khác gì nhiều sự giao lưu hàng ngày trong cộng đồng. Sự khác biệt trong giao lưu báo chí - phỏng vấn là sự  căng thẳng trong phỏng vấn có thể làm mất đi yếu tố tự nhiên chỉ còn lại yếu tố nghiệp vụ hay những cơ hội. Chẳng hạn, một quan chức muốn tỏ ra cho công chức thấy năng lực của mình sẽ thiên về việc bộc lộ hết các khả năng có thể có trong cuộc phỏng vấn .
Phẩm chất có giá trị nhất của các đối tượng tham gia phỏng vấn là tính chân thực, nhất là đối với người được phỏng vấn. Phải gây được lòng tin đói với công chúng thì họ mới quan tâm đến những gì mà cuộc phỏng vấn đề cập. Vì lẽ này, vào thời điểm ban đầu, hình thức quan trọng hơn nội dung.

9. Không trả lời:
Sự lảng tránh câu hỏi một cách ngẫu nhiên có thể do người được phỏng vấn thực sự hiểu sai hoặc không hiêủ rõ câu hỏi. Trong cả hai trường hợp này cuộc phỏng vấn sẽ đi sai hướng. Nếu là phỏng vấn truyền thẳng thì đây là vấn đề cực kỳ nan giải bởi người nghe sẽ mất phương hướng và có thể họ sẽ nghĩ rằng người bị phỏng vấn ngu ngốc hoặc người phỏng vấn kém tài. Trong trường hợp này sự  chủ động hoàn toàn thuộc về người phỏng vấn. Nhiều khi, người trả lời phỏng vấn có thủ thuật lảng tránh một cách có chủ ý nhằm đánh lạc hướng câu hỏi để đạt được mục cá nhân.
- Điều đó thực sự đã được đề cập và tôi nghĩ câu hỏi hợp lý trong trường hợp này là...?
Nếu như cuộc phỏng vấn đi đúng theo chiều hướng đã định thì sẽ nhận được chú ý theo dõi của người nghe, nếu như chủ đề của nó đi lệch lạc hoặc triển khai một cách vô hướng sẽ bị chính công chúng tẩy chay. Quyền của công chúng là tối thượng và cần được thực sự tôn trọng.
Có lẽ đó là những lý do cơ bản về việc tại sao "không bình luận" lại là câu  trả lời có thể chấp nhận được. Người phỏng vấn chưa chắc đã biết được lý do tại sao người bị phỏng vấn lại lảng tránh câu trả lời, điều này buộc phóng viên trong quá trình chuẩn bị phỏng vấn phải quan tâm tìm hiểu từng khía cạnh dù là nhỏ nhất liên quan đến đối tượng cần phỏng vấn và  vấn đề mình quan tâm.
Tuy nhiên, người được phỏng vấn cần tỏ ra thành thật và nên đưa ra lý do tại sao không thể trả lời những câu hỏi đó. Ví dụ như:
-Tôi không dám chắc về những con số đó !
-Tôi không thể nói gì chừng nào cuộc thanh tra chưa kết thúc !
-Tôi không khẳng định rằng những chi tiết tôi đưa ra đây đã được thẩm định !
Nếu như một cuộc phỏng vấn đã được chuẩn bị với sự thống nhất chung về các câu hỏi thì khi người bị phỏng vấn không trả lời một câu hỏi nào đó nhất thiết phải có thông báo trước và đưa ra lý do thích đáng.
Trong trường hợp có sự cố tình không trả lời phỏng vấn mà đối tượng bị phỏng vấn không thể có ai khác thay thế thì người phỏng vấn có thể sử dụng chính tình tiết từ chối phỏng vấn ấy  thay cho câu trả lời./.
                                            
                                                    Xin cảm ơn,Chúc các bạn thành công !
                                                    
                                                                          Nguyễn Bùi Khiêm (Hà Nội – 1998)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét