Khiemnguyen

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Quan điểm của Lỗ Tấn về văn học


          1.1. Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn vĩ đại của Trung Quốc và của thế giới. Lỗ Tấn được xem là “Gorky của Trung Quốc”, là bậc thầy của dòng văn học hiện thực chủ nghĩa thế kỷ XX ở Trung Quốc. Sự nghiệp sáng tác văn học của ông gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chủ tịch Mao Trạch Đông đánh giá: “Lỗ Tấn là vị chủ tướng của phong trào cách mạng văn hoá Trung Quốc, ông không chỉ là nhà văn vĩ đại, mà còn là nhà tư tưởng, nhà cách mạng vĩ đại”. Giáo sư Lương Duy Thứ nhận định: “Thế kỷ văn học này gắn bó chặt chẽ với tư tưởng và tác phẩm của văn hào vĩ đại Lỗ Tấn” [42, 43]. Lỗ Tấn là nhà văn của thời đại Ngũ Tứ, thời đại trăn trở “tìm đường của dân tộc Trung Quốc” dưới ánh sáng của lí luận mác xít. Tác phẩm của ông, đặc biệt là tạp văn đã phản ánh sâu sắc và phong phú về con người và thời đại Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt. Theo nhà văn Hữu Thỉnh, “tại một số bảo tàng văn học trên thế giới, cứ sau một thời gian, người ta lại tiến hành thay đổi vị trí trưng bày, quy mô sắp xếp hiện vật của các nhà văn tuỳ theo kết quả nghiên cứu, đánh giá thăm dò dư luận. Ở bảo tàng văn học đương đại Trung Quốc thì sự thay đổi đánh giá diễn ra càng nhanh hơn. Nhưng cho dù Mao Thuẫn, Lão Xá, Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Tào Ngu… có xê dịch như thế nào thì vị trí của Lỗ Tấn vẫn không thay đổi. Trước sau ông vẫn ung dung một mình một gian trang trọng nhất ở trung tâm của bảo tàng” (Tạp chí Thơ, số 10/2010, tr.23-24). Việc nghiên cứu những sáng tác của nhà văn này đã được tiến hành ở Việt Nam tương đối sớm, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục tìm hiểu.
          1.2. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của Lỗ Tấn, tạp văn có vị trí quan trọng. Tạp văn của Lỗ Tấn có hơn 650 văn bản, được viết trong 30 năm, chiếm hơn hai phần ba số trang trước tác của ông. Tạp văn của Lỗ Tấn rất đặc sắc, Giáo sư Đặng Thai Mai nhận xét: “Tạp văn Lỗ Tấn quả có một ý nghĩa tiêu biểu cho cả một hình thức văn học và cả một thời đại”. Mao Trạch Đông cho rằng: “Nếu Lỗ Tấn còn thì ông sẽ viết tạp văn” [26]. Suốt một đời cầm bút, Lỗ Tấn dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để viết tạp văn. Cho đến ngày cuối cùng, trên bàn làm việc của ông vẫn là những bản thảo tạp văn. Nghiên cứu tạp văn của Lỗ Tấn sẽ có thêm cơ sở lý giải nhiều vấn đề trong sự nghiệp văn chương của văn hào.
          1.3. Tạp văn là nơi Lỗ Tấn trực tiếp bộc lộ quan niệm về cuộc đời, về cách mạng và về văn học. Tìm hiểu quan niệm văn học của Lỗ Tấn trong tạp văn sẽ hiểu thêm tác phẩm của ông và có thêm cơ sở để đánh giá sự nghiệp văn chương của nhà văn.
          2. Lịch sử vấn đề
           Lỗ Tấn là vị chủ t­ướng trên mặt trận văn hoá - t­ư tưởng, người có nhiều thành tựu lớn trong nền văn học hiện đại Trung Quốc. Nói đến sáng tác Lỗ Tấn không thể không nói đến tạp văn. Nhân cách của ông, quan điểm chính trị, xã hội, văn hoá, văn học của ông đều thể hiện rõ trong tạp văn. Có thể nói rằng tạp văn là một loại vũ khí văn học chủ yếu của ông. Chính vì thế, tạp văn của Lỗ Tấn chẳng những được dịch, giới thiệu ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều người làm công tác phê bình, nghiên cứu văn học.
          2.1. Các công trình dịch và giới thiệu tạp văn Lỗ Tấn ở Việt Nam
          Người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm Lỗ Tấn là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động ở Quảng Châu. Những tác phẩm của Lỗ Tấn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí Nguyễn Ái Quốc và không ít lần Người nhắc đến Lỗ Tấn trong những bài nói chuyện của mình.
          Ở Việt Nam, cùng với tiểu thuyết và truyện ngắn, tạp văn của Lỗ Tấn cũng đã từng bước được dịch, giới thiệu đến độc giả. Ngay từ trước cách mạng tháng Tám, giáo sư Đặng Thai Mai đã dịch các tạp văn của Lỗ Tấn, chẳng hạn như: Đêm, Bóng từ giã ng­ười, Khách qua đường... và một số bài tạp văn trong tập Cỏ dại.
          Sau cách mạng tạp văn của Lỗ Tấn ngày càng được giới thiệu đầy đủ hơn. Có thể kể đến Phan Khôi vớiTuyển tập tạp văn Lỗ Tấn, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội năm 1956. Trong lời mở đầu Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn, dịch giả Phan Khôi nhận xét: “Văn Lỗ Tấn không có thể có hiệu lực đến ngày trái đất vỡ, nhưng từ nay cho đến ngày xuất hiện giống người chân chính thì nó cứ tồn tại một cách vẻ vang vì mọi người thiên hạ đều cần có nó, đều hoan nghênh nó” [20, 10].
          Phó giáo sư Trương Chính, người dịch và nghiên cứu tác phẩm của Lỗ Tấn năm từ 1963 đã cho xuất bản ba tập Tuyển tập tạp văn, do Nhà xuất bản văn hóa Hà Nội ấn hành, trong đó chọn 161 bài tiêu biểu trong tạp văn của Lỗ Tấn. Lời giới thiệu đã lí giải vì sao tạp văn của Lỗ Tấn lại có giá trị văn học nghệ thuật lâu dài: “Trước hết phải nói tạp văn Lỗ Tấn là một thứ văn trữ tình, rất lôi cuốn. Ông viết bằng trái tim, bằng tâm hồn. Văn ông thốt ra tự đáy lòng, nhiều bài như chan hòa máu và nước mắt” [47, 15].
          Năm 1998 Tr­ương Chính đã biên tập lại, chọn 144 bài in thành cuốn Lỗ Tấn - Tạp văn - Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, trong đó sắp xếp theo từng chủ đề. Đến năm 2003 sách được tái bản. Lần tái bản này Trương Chính đã chỉnh sửa, bổ sung thêm.
          Giáo sư­ Đặng Thai Mai là nhà nghiên cứu đã giới thiệu và dịch tạp văn Lỗ Tấn ở Việt Nam sớm nhất. Trong những ng­ười kế tục sự nghiệp giáo sư­ Đặng Thai Mai, Tr­ương Chính là người đạt nhiều thành tựu nhất trong việc dịch thuật và giới thiệu tạp văn Lỗ Tấn. Đi kèm với những bản dịch tạp văn là bài giới thiệu khái quát những đặc điểm cơ bản về nội dung và quan niệm văn học của Lỗ Tấn trong tạp văn. Sắp xếp theo ba chủ đề: về xã hội, về văn học và về hồi ký văn học, Trương Chính đã định hướng được những vấn đề cơ bản và chỉ ra những bài biểu lộ quan niệm văn học của Lỗ Tấn.
           Ở miền Nam trước 1975 tác giả Lỗ Tấn và tạp văn của ông cũng đ­ược các nhà nghiên cứu quan tâm, tiêu biểu là học giả Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi. Trong công trình Văn học Trung Quốc hiện đại, Nguyễn Hiến Lê đã dành một số trang nghiên cứu về tạp văn của Lỗ Tấn.
          2.2. Các công trình nghiên cứu về tạp văn Lỗ Tấn và quan niệm văn học của ông thể hiện trong tạp văn
          Năm 1944 GS. Đặng Thai Mai cho xuất bản công trình Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ, do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành trong đó có khái quát về phong cách Lỗ Tấn: “Lỗ Tấn đã cố ý đem cả khối nhiệt tình mà kiến trúc lại, để cho lí trí có thể vận dụng những điều quan sát vào trong sự khái quát của nghệ thuật, để mô tả sự vật thực tế theo những nét bút sâu sắc, bạo dạn rắn rỏi như ngọn dao nhà điêu khắc” [32, 30].
          Hơn mười năm sau, trong Lược sử văn học Trung Quốc hiện đại, ông đã có những nhận xét sâu sắc về tạp văn: “Trong sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn tạp văn không những có một số lượng rất nhiều mà lại có một giá trị tư tưởng và nghệ thuật rất cao... Về số lượng cũng như về phẩm chất, tạp văn của Lỗ Tấn quả có một ý nghĩa tiêu biểu cho cả một hình thức văn học và cả một thời đại” [34, 185].
          Năm 1959 Lê Xuân Vũ xuất bản cuốn Lỗ Tấn - chủ tướng của cách mạng văn hóa Trung Quốc, do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành. Tác giả đã dành một phần nghiên cứu về tạp văn, với những đánh giá xác đáng về nội dung, cũng như về mặt văn học nghệ thuật. Tác giả cho rằng: “Chiến đấu là nguồn sinh mệnh của tạp văn, Lỗ Tấn viết tạp văn cũng vì chiến đấu, cho nên bút pháp của tạp văn Lỗ Tấn trước sau bất nhất mà thay đổi theo nhu cầu của chiến đấu” [73, 145].
          Năm 1960, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội cho in công trình Lỗ Tấn - thân thế - tư t­ưởng - sáng tác của Lý Hà Lâm - giáo sư Trung Quốc. Cuốn sách là tập hợp những bài giảng của giáo sư tại trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đây là công trình nghiên cứu về Lỗ Tấn một cách kỹ lưỡng, hệ thống và có cái nhìn toàn diện về tạp văn Lỗ Tấn như: Tính tư tưởng, tính chính trị biểu hiện trong chủ đề. Bên cạnh đó tác giả có những nhận định về mặt nội dung, mặt nghệ thuật tạp văn Lỗ Tấn như hình tượng hóa cao độ, chất u-mua châm biếm, tính trữ tình, ngôn ngữ cô động hàm súc cao...
          Các nhà nghiên cứu, nhà giáo như PGS. Trương Chính, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS. Lương Duy Thứ... Đã dành tâm huyết và thời gian cho việc nghiên cứu và biên soạn giáo trình văn học Trung Quốc. Lịch sử văn học Trung Quốc, Trương Chính - Bùi Văn Ba - Lương Duy Thứ biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục - năm 1962; cuốn Văn học Trung Quốc (tập 2), Nguyễn Khắc Phi - Lương Duy Thứ biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục năm 1988. Hai công trình này đem lại cho bạn đọc cái nhìn đa diện, sâu sắc về văn học Trung Quốc. Trong đó dành không ít trang nghiên cứu về tạp văn Lỗ Tấn, với những kiến giải về thể loại tạp văn, chỉ ra được nội dung cụ thể, khái quát về mặt nghệ thuật của tạp văn Lỗ Tấn như “tính tư tưởng cao, tính chiến đấu mãnh liệt; nhưng đồng thời cũng là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc” [10, 206].
          Năm 1997, GS. Lương Duy Thứ cho xuất bản công trình Lỗ Tấn - tác phẩm và tư liệu, trong đó có một số tư liệu nghiên cứu về phần tạp văn Lỗ Tấn, tiêu biểu là lời tựa Tuyển tập tạp cảm của Lỗ Tấn của Cù Thu Bạch. Cù Thu Bạch nhận định tạp văn Lỗ Tấn có bốn điểm cơ bản sau: một là “chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo nhất”; hai là “tinh thần chiến đấu dẻo dai”; ba là “chống lại chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa thỏa hiệp”; bốn là “tinh thần chống giả dối. Đây là tinh thần chủ yếu nhất của Lỗ Tấn - nhà văn và nhà tư tưởng”. Là những đánh giá hết sức sâu sắc, tinh tế của một người bạn chiến đấu, đồng thời là người tri âm tri kỷ về tạp văn của Lỗ Tấn.
          Trong cuốn sách này còn có bài Lỗ Tấn và tạp văn của tác giả Trần Áng. Bài viết có cái nhìn khá khái quát về mảng văn học độc đáo và quan trọng này của Lỗ Tấn. Đặc biệt là những đánh giá về quan niệm văn chương và khẳng định giá trị văn học của tạp văn Lỗ Tấn của ông Trần Thấu Du - Viện trưởng viện bảo tàng Lỗ Tấn ở Thượng Hải. Ông viết: “Tạp văn Lỗ Tấn có chất thơ, tràn ngập vẽ đẹp thơ và tình ý thơ. Chất thơ ấy chủ yếu thể hiện trên ba mặt: Một, tính hình tượng của các đoạn văn tự sự và của các luận chứng; hai, ngôn ngữ văn học và ý cảnh thơ; ba, tình cảm mạnh mẽ và sâu sắc thể hiện trong tác phẩm” [63, 326].
Giáo sư Phương Lựu có công trình Lỗ Tấn - nhà lý luận văn học do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1998. Chuyên luận này dành mười một trang nghiên cứu về tạp văn, với những nhận định rất sâu sắc về quan niệm văn học, về vai trò, vị trí của thể loại này trong văn học hiện đại Trung Quốc: “Cũng như trong tiểu thuyết, tạp văn của Lỗ Tấn rất giàu màu sắc trữ tình và châm biếm”. Tác giả cho rằng: “Qua việc tìm hiểu... chúng ta thấy rõ thêm thể loại tạp văn nhờ thực tiễn sáng tác của Lỗ Tấn đã vươn lên vị trí quan trọng trên văn đàn Trung Quốc hiện đại” [30, 281 - 283].
          Năm 2005, Nhà xuất bản văn học cho in cuốn Hiện đại Trung Quốc - nhìn từ Thượng Hải do V­ương Văn Anh chủ biên, (Phạm Công Đạt dịch, Lê Sơn hiệu đính). Tác giả đã nhận xét: “Tạp văn... của Lỗ Tấn có một sức thu hút mạnh về mặt văn học, có một giá trị nghệ thuật độc đáo”. “Cho nên giá trị văn học tạp văn của Lỗ Tấn là không thể nghi ngờ. Tạp văn của Lỗ Tấn là một sự kết hợp hoàn mỹ giữa logic lí luận và logic hình tượng, là sự kết hợp hoàn mỹ giữa thơ ca và chính luận” [1, 253- 257].
Ngoài các cuốn sách đã dẫn còn có một số bài báo nghiên cứu về tạp văn Lỗ Tấn và quan niệm văn học của Lỗ Tấn trong tạp văn.
          Trên Tạp chí văn học số 10 /1969 có bài nhan đề Tạp văn - Vũ khí chiến đấu của Lỗ Tấn của giáo sư L­ương Duy Thứ. Nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận xét xác đáng về đặc sắc của thể tạp văn của Lỗ Tấn: “Viết tạp văn Lỗ Tấn đã khéo léo kết hợp chính luận và văn nghệ, tận dụng tính hình tượng sinh động cụ thể của văn, vốn kiến thức uyên bác về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, cũng như phương pháp tư duy khoa học của mình tạo thành một thể loại văn độc đáo, có sức chiến đấu mạnh mẽ và sức thuyết phục sâu sắc” [59]. Đặc biệt Lương Duy Thứ đã đề cập đến quan niệm của Lỗ Tấn về sứ mệnh của nhà văn thể hiện trong tạp văn: “Có nhà văn nhà thơ lớn nào mà sự nghiệp lại không gắn với những yêu cầu cấp bách của thời đại sự nóng hổi đang chi phối vận mệnh tổ quốc, nhân dân hàng giờ hàng phút”. Lỗ Tấn đã nhắc nhở các nhà văn “phải hòa mình vào dòng thác cách mạng”...Bởi vì, “từ trong suối chảy ra là nước, từ trong huyết quản chảy ra máu”, cho nên nhà văn muốn có tác phẩm cách mạng thì bản thân cũng phải thực là nhà cách mạng”. “Đối với Lỗ Tấn, tắm mình trong suối cách mạng là yếu tố duy nhất tạo nên sức sáng tạo của nhà văn”.
Ở bài viết Âm vang Lỗ Tấn, giáo sư Lương Duy Thứ nhấn mạnh: “Tạp văn - một sáng tạo độc đáo của Lỗ Tấn với đặc trưng “dao găm súng ngắn” ứng chiến kịp thời” [61].
Chân L­ương (Trung Quốc) trong bài Thánh nhân số một của Trung Quốc đăng trên báo Văn nghệ số 4 năm 2008 (Nguyễn Hải Hoành dịch) cho biết trong một cuộc tọa đàm Mao Trạch Đông từng nói: “Tôi khuyên các đồng chí nên đọc tạp văn của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn là đệ nhất thánh nhân của Trung Quốc”. Khi nói đến sức mạnh của tạp văn Mao Trạch Đông cho rằng “Tạp văn ấy có sức mạnh là nhờ có thế giới quan chủ nghĩa Mác” và “Các bài tạp văn thời kỳ cuối của Lỗ Tấn có sức mạnh sâu sắc nhất, không có tính phiến diện; đó là vì khi ấy Lỗ Tấn đã nắm được phép biện chứng” [26].
          Tác giả Nguyễn Vũ có bài Lỗ Tấn, người chiến sĩ tiền phong đã đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng nền văn học vô sản Trung Quốc, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 năm 1961. Tác giả đã mượn ý của Cù Thu Bạch để khẳng định quan niệm của Lỗ Tấn về nhà văn và sáng tác: “Cuộc đấu tranh xã hội vô cùng kịch liệt và cấp bách khiến cho nhà văn không thể ung dung cô đúc tư tưởng và tình cảm của mình vào trong sáng tác và thể hiện thành những hình tượng và điển hình cụ thể”. Để tránh bệnh công thức sơ lược trong sáng tác thì “các nhà văn phải bám sát thực tế đời sống, phải hiểu rõ thực tiễn cách mạng, phải gần gủi với giai cấp công nhân” [74].
Các bài viết khẳng định tính chiến đấu của tạp văn và t­ư t­ưởng, quan niệm văn ch­ương cũng nh­ư phong cách nghệ thuật của Lỗ Tấn trong tạp văn. Trong bài Lỗ Tấn với chúng ta và bài Tạp văn - vũ khí chiến đấu của Lỗ Tấn, L­ương Duy Thứ đã phần nào đề cập đến mối quan hệ biện chứng giữa tính văn nghệ và tính cách mạng của tạp văn Lỗ Tấn. Ở Lỗ Tấn quan niệm văn học và cách mạng gắn kết chặt chẽ. Theo tác giả “đặc điểm xác định giá trị văn học của tạp văn Lỗ Tấn trước hết vẫn là tính hình tượng của nó” [59].
          Các công trình nghiên cứu về tạp văn của Lỗ Tấn đã tìm hiểu một số phương diện của nội dung và hình thức của nó. Lỗ Tấn xem tạp văn là vũ khí xung kích trên mặt trận văn học, phê phán bệnh trạng xã hội, đấu tranh chống bọn bồi bút chó săn. Tạp văn Lỗ Tấn sắc sảo, tinh tế giàu sức truyền cảm, tính hình tượng, tính trữ tình, u- mua châm biếm. Các bài viết cũng khẳng định sức mạnh chiến đấu của tạp văn Lỗ Tấn và­ những đóng góp của tạp văn Lỗ Tấn cho nền văn học mới và cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Trung Hoa. Tuy nhiên vẫn cần tìm hiểu một cách hệ thống quan niệm văn học của Lỗ Tấn trong tạp văn. Công việc này sẽ giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn giá trị tạp văn của Lỗ Tấn và góp phần đánh giá sự nghiệp văn học của ông./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét