Khiemnguyen

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Tiểu phẩm báo chí Lê Hoàng

Tiểu luận

TIỂU PHẨM BÁO CHÍ CỦA LÊ HOÀNG
HIỆU QỦA CỦA MỘT HƯỚNG ĐI RIÊNG
ĐẶT VẤN ĐỀ

Phỏng vấn là một thể loại báo chí, được sử dụng như là hình thức, phương tiện để chuyển tải thông tin đến cho công chúng. Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở: “Phỏng vấn là một cuộc đối thoại có chủ đích giữa hai hoặc nhiều người, trong đó câu hỏi được đưa ra nhằm thu nhận thông tin từ người trả lời”. Phỏng vấn là cuộc trò chuyện có mục đích rõ ràng và mang tính xã hội sâu sắc. Nó đề cập tới những vấn đề mà một nhóm công chúng hoặc cả xã hội quan tâm; phóng viên đi hỏi không phải cho riêng mình mà cho đông đảo công chúng - ở đây phóng viên chỉ đóng vai trò trung gian nhưng lại rất quan trọng - người đại diện cho công chúng để hỏi, hỏi những điều công chúng quan tâm, công chúng cần biết hay công chúng có quyền được biết, quyền được thông tin. Với hình thức đối thoại, bản thân cuộc phỏng vấn đã tạo sự sinh động nhất định, tuy nhiên, tính hấp dẫn của thể loại phỏng vấn có thể tăng lên nếu như phóng viên đưa ra những câu hỏi bất ngờ, có tính chất ngẫu hứng, câu hỏi khiêu khích hoặc sử dụng cách hỏi gài bẫy với một trật tự câu hỏi hợp lý, liền mạch, gắn bó chặt chẽ với nhau nhằm tạo điều kiện để người trả lời cắt nghĩa bản chất sự kiện và vấn đề đang bàn tới.
Từ nhiều năm nay, trên tờ An ninh thế giới cuối tháng có chuyên mục phỏng vấn giả tưởng, hài hước và châm biếm do Lê Hoàng với bút danh Lê Thị Liên Hoan đảm trách và thực hiện. Với sân chơi này, phỏng vấn giả tưởng đã được biến thể như một tiểu phẩm báo chí chuyển tải nội dung thời sự, thời cuộc nhờ thủ pháp hư cấu. Mỗi thể loại báo chí đều có những đặc điểm của thể loại với những ưu thế và nét độc đáo riêng. Trong khuôn khổ của tiểu luận này, qua khảo sát một số tiểu phẩm phỏng vấn giả tưởng của Lê Hoàng, tác giả mong muốn có thể phân tích được một vài mặt tích cực và hạn chế về hiệu quả thông tin được Lê Hoàng gửi gắm qua tác phẩm báo chí của mình. Xin được đặt tiêu đề cho tiểu luận này là “Tiểu phẩm báo chí của Lê Hoàng - hiệu quả của một hướng đi riêng”
GIÁ TRỊ TÍCH CỰC TRONG TIỂU PHẨM CỦA LÊ HOÀNG
Hoạt động sáng tạo của Lê Hoàng được trình diễn trong nhiều lĩnh vực với sự thành công ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng có thể nói trong lĩnh vực báo chí, với ngòi bút của mình, những tác phẩm báo chí của Lê Hoàng thực sự được rất nhiều độc giả ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 2011, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành tập tiểu phẩm của Lê Hoàng mang tên Phỏng vấn một con bò. Cuốn sách chia thành 3 phần: Phỏng vấn linh tinh, Trò chuyện & suy ngẫm, Chân dung người nổi tiếng. Phần Phỏng vấn linh tinh được hợp tuyển bởi 29 phỏng vấn giả tưởng. Trong đó có 11 cuộc phỏng ván với người; 05 sự vật và còn lại là các con vật như mèo, tê giác, rùa và con bò. Khảo sát các tiểu phẩm này ở cả nội dung, hình thức và những giá trị thông tin, xin phép được đưa ra một số nhận định như sau.
Phỏng vấn giả tưởng tạo ra hiệu ứng cao trong việc phản ánh khách quan hóa sự kiện trên nền tảng cái tôi chủ quan sâu sắc
Một cuộc phỏng vấn báo chí thông thường, có thể hiểu đơn giản là một cuộc trò chuyện giữa nhà báo với một hay một số người về một vấn đề, một sự kiện nào đó. Trong một cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn luôn đóng vai trò người biết rồi nhưng không nói ra, mà chủ ý mượn tiếng nói của người bị phỏng vấn, dẫn dắt câu chuyện để họ nói lên điều biết rồi đó, mỗi câu hỏi và câu trả lời tương ứng như từng mảnh ghép được tìm thấy và cố gắng ghép cho đầy đủ thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Khác với một cuộc phỏng vấn thông thường, trong phỏng vấn giả tưởng người bị hỏi là một hay nhiều nhân vật ảo, không có thực, và có thể gọi là nhân vật giả tưởng. Nếu coi một cuộc phỏng vân là một cuộc đấu trí như chơi một ván cờ, thì phỏng vấn giả tưởng là một người ngồi cả hai vai, một cuộc đấu trí với chính mình, của chính nhà báo. Cái biết rồi về vấn đề hay sự kiện mà nhà báo nêu lên và tìm cách phản ảnh sẽ mượn tiếng nói của nhận vật giả tưởng nói lên. Thực chất đây là một phong cách viết, một phong cách sáng tác tác phẩm báo chí hơn là một thể loại tác phẩm. Như một câu chuyện ngụ ngôn, cái tôi của người viết được biến hóa trong các đối tượng cụ thể, mượn tiếng nói có tính chất ngụ ngôn để truyền đạt chính kiến của mình. Đó là một phong cách rất hấp dẫn, Trong phần Phỏng vấn linh tinh với gần 29 bài, Lê Hoàng không quên nghề đạo diễn của mình nên ông đã Phỏng vấn một đạo diễn đến hai bài; phỏng vấn các danh vị cụ thể như nhà văn, người mẫu, giám khảo, giám đốc tình báo, anh thợ mỏ, khán giả xem kịch… Thế nhưng, Lê Hoàng lại “ưu ái” con bò hơn tất cả khi vị đạo diễn hoạt ngôn này Phỏng vấn con bò đến những bảy bài. Rõ ràng là Lê Hoàng thích “phỏng vấn con bò”, nhưng không vì vậy mà ông xem nhẹ các loài động vật khác, vì ông cũng Phỏng vấn con mèo đến hai bài, rồi Phỏng vấn một con tê giácPhỏng vấn cụ Rùa. Bên cạnh đó, Lê Hoàng, với cách chọn đối tượng giả tưởng rất phong phú và đầy chủ ý đã chọn rất nhiều hình tượng khác nhau làm đối tượng bị phỏng vấn như phỏng vấn tháp rùa, một máy bay, một bông hoa, một cái chảo… Sự nhân cách hóa hay ngụ ngôn hóa đã nâng tầm những con vật, sự vật đó lên, làm chúng có thể cất lên tiếng nói, để có thể trả lời được các câu hỏi “hóc búa” của Lê Hoàng. Vì phỏng vấn giả tưởng, thực chất là một cuộc đấu trí với chính mình, nên Lê Hoàng đã phải đứng ở hai vai một là người hỏi và người trả lời. Để trả lời được câu hỏi do chính mình đặt ra, rồi tự mình đi tìm câu trả lời đó, sao cho đúng, cho trúng với bản chất của vấn đề, sự kiện, đáp ứng được nhu cầu của độc giả… thì hơn ai hết, kinh nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết… phải được tích tụ đến mức sâu sắc. Nhưng sự sâu sắc ấy, nếu phản ánh một cách thông thường sẽ dễ bị hiểu là cái tôi chủ quan hạn hẹp với đầy đủ ý nghĩa của nó, nên mượn chuyện giả tưởng để khách quan hóa cái tôi chủ quan sâu sắc đi là một sáng tạo của Lê Hoàng.
Nội dung phong phú, đa dạng và theo sát hơi thở của đời sống xã hội, phản ánh những vấn đề lớn, những sự kiện quan trọng, nhưng cũng có nhiều vấn đề rất nhỏ bé và bình dị nhưng có thể tạo ra hiệu quả cao về mặt thông tin qua phỏng vấn giả tưởng của Lê Hoàng
Có thể nói, Lê Hoàng là người có bút lực mạnh mẽ, viết nhiều, viết khỏe, nhưng khảo sát các tác phẩm báo chí của cây bút này cho thấy, lĩnh vực mà Lê Hoàng tập trung phản ảnh nhiều nhất là các vấn đề thuộc đời sống văn hóa xã hội với những vấn đề, sự kiện nóng trong các lĩnh vực cụ thể như văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật… Đọc cuốn Phỏng vấn một con bò cho thấy. Trong số 29 tác phẩm được tập hợp, Lê Hoàng đề cập đến những sự kiện lớn như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (phỏng vấn Tháp Rùa). Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là sự kiện lớn của đất nước được nhiều người quan tâm, nhưng bên cạnh những vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn thì có những vấn đề tưởng nho nhưng không hề nhỏ, đó là vấn đề đầu tư tràn lan, về vấn đề quốc phục, quốc hoa, về xây dựng bảo tàng Hà Nội… nó không chỉ là chuyện xây dựng, chuyện đầu tư mà sâu sắc hơn cả là những hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào về mặt văn hóa… Hay với sự kiện Ngô Bảo Châu được giải thưởng lớn nhất về kinh tế, đây có thể nói là một sự kiện lớn và thu hút được sự chú ý của đông đảo nhà báo và công chúng. Nhưng Lê Hoàng đã tiếp cận sự kiện này ở một bình diện khác, tác giả đã đặt lại vấn đề rằng thành tựu khoa học của giáo sư Châu là không thể phủ nhận, nhưng xét về điều kiện Việt Nam thì khoa học cơ bản thiết thực hơn hay khoa học ứng dụng hơn. Để nói lên quan điểm của mình, trong tiểu phẩm Phỏng vấn một giáo sư toán học, trong vai người giáo sư bị phỏng vấn, Lê Hoàng đã thẳng thắn: “Tôi vẫn cho rằng, Việt Nam phải thiên về ứng dụng, nếu không sẽ lãng phí vô cùng. Có một thực tế là giáo sư Châu sẽ dành phần lớn thời gian làm việc ở nước ngoài. Điều đó với giáo sư là hợp lý, nhưng với quốc gia là lãng phí…”.
Lâu nay, có rất nhiều điều đi vào cuộc sống và dần dần được coi đó là việc tất yếu. Vai trò của người phụ nữ chẳng hạn. Sự hy sinh của họ vì gia đình được nhìn nhận như một thiên chức cao đẹp, một phẩm chất của phụ nữ. Lê Hoàng có quan điểm hoàn toàn khác. Trong tiểu phẩm Phỏng vấn một chàng trai đi xem thi hoa hậu, chàng trai đã nói: “Phụ nữ cũng có cuộc đời như đàn ông, đã thế, do giới tính, họ còn gặp khó khăn hơn đàn ông rất nhiều trong mọi mặt. Họ phải có quyền sung sướng, quyền hưởng thụ, quyền vui chơi hơn tất cả chúng ta mới đúng… đã tới lúc không nên lạm dụng mãi điều đó, và càng không nên coi đức hy sinh là một cái gì bất biến, cần phát huy, bảo tồn trong người phụ nữ”.
Bên thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam, một sự kiện chính trị xã hội quan trọng của giới cầm bút, có rất nhiều vấn đề được công chúng quan tâm, một trong những vấn đề đề đó là vấn đề sáng tác, định hướng và công tác quản lý của ban chấp hành Hội Nhà văn đã và sẽ làm gì, làm thế nào. Thông tin đưa ra của Lê Hoàng là cụ thể và sắc bén, đó có thể là phẩm chất cá nhân của nhà báo, nhưng cũng có thể là do hiệu ứng của việc xử lý thông tin qua cách làm phỏng vấn giả tưởng. Dường như chi có cách này mới có thể đưa ra thông tin cụ thể như thế mà thôi. Trong vai một nhà văn bị phỏng vấn, tác giả đã giãi bày: “Cứ theo lý luận của một vài ông bà nhà ta trước đại hội thì họ rất có tài, có tâm huyết, có kiến thức nhưng đã bị ai đó cản trở, khiến cho những tác phẩm của họ không ra đời được. Và Ban chấp hành đương nhiệm sẽ là một trong những thủ phạm chính”. Nói rõ bản chất của vấn đề, đồng thời tác giả cũng đưa ra cách thức giải quyết vấn đề ấy: “Cho nên tôi chỉ xin mọi người bớt ầm ĩ đi, lo sáng tác vào. Bởi chả có gì buồn hơn một nền văn học âm thầm trong hiệu sách nhưng lại sôi động trên diễn đàn, mà sự sôi động thường thiên về những chuyện cá nhân”.
Quan điểm sáng tác của Lê Hoàng thể hiện qua các tiểu phẩm rất nhất quán và có tính liên hệ cao giữa các tiểu phẩm đăng trên các số báo khác nhau, thậm chí đăng trên các chuyên mục khác nhau. Khi có điều kiện đọc một loạt tiểu phẩm, hình như ta bắt gặp phong cách viết truyền kỳ của các nhà viết phóng sự trên báo chí trước năm 1945 vậy. Trong một tiểu phẩm, các mảnh ghép được lắp ghép bởi sự hỏi và trả lời và tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về sự kiện hay vấn đề cụ thể, thì qua một loạt tiểu phẩm, đó không phải là một bức tranh đơn giản nữa, mà là một bức tranh nhiều chiều, vượt qua cả không gian và thời gian, giúp cho độc giả hình dung một cách rõ ràng nhất về những sự kiện hay vấn đề đó trong một chỉnh thể bối cảnh xã hội rộng hơn.
Hài hước, châm biếm là một trong những đặc trưng của tiểu phẩm báo chí nói chung và là  thế mạnh của tiểu phẩm Lê Hoàng
Nhiều người đọc nhận xét, Lê Hoàng là một cây bút có một phong cách với ngôn ngữ sắc bén, thông minh; một tay viết cừ khôi trong việc tung hứng ngôn từ và lối viết dài hơi, đầy ấn tượng thì không ai có thể bắt chước được. Thậm trí, người ta còn cho rằng cái giọng đanh đá, chua ngoa, cái sở thích truy vấn gay gắt, đến tận cùng vấn đề một cách rất khó chịu của Lê Hoàng thì dẫu có trộn vào đâu cũng có thể nhận ra được. Không kể thêm về các hình thức tiểu phẩm khác, chỉ xét riêng về hình thức tiểu phẩm phỏng vấn giả tưởng của Lê Hoàng đã hàm chứa chất hài hước và châm biếm rồi. Giả như thật mà thật như giả, hư hư thực thực từ việc lựa chọn và tổ chức sản phẩm của mình cho đến việc đặt mặt chỉ tên người hay vật được chọn để phỏng vấn đã nâng chất hài hước lên thành một nghệ thuật, một phong cách riêng có của Lê Hoàng. Khi người ta đang tập trung vào việc viết, việc đọc, việc xem hoa hậu… thì Lê Hoàng cũng xem thi hoa hậu nhưng lại đề cập đến việc đâu đâu, chẳng ra to tát mà cũng chẳng ra vụn vặn. Điều mà Lê Hoàng châm biếm về cái ngôn từ sáo rỗng thường được gắn vào cái miệng xinh của các hoa hậu như thích làm từ thiện, sự hy sinh… với nhiều người tưởng chừng như đã quen thuộc lắm, vậy nên khi thấy Lê Hoàng ban đầu là đề cập đến vấn đề chẳng đâu vào đâu, rồi lại mổ xẻ phân tích cái việc đâu đâu ấy mới thấy không thể không phì cười. Để làm nên tiếng cười ấy, không hẳn chỉ là phép hấp dẫn câu khách đơn thuần mà thực ra là việc một phong cách tiếp cận sự kiện, vấn đề và tiếp cận công chúng của Lê Hoàng, tiếp cận được rồi, hấp dẫn công chúng được rồi thì việc truyền tải một thông điệp một cách nghiêm túc, có chiều sâu và tầm nhìn là một thành công của Lê Hoàng.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, hàng ngày người ta đã phải chịu rất nhiều sức ép trong cuộc sống và phải tiếp cận với rất nhiều thông tin ở nhiều chiều, nhiều kênh khác nhau. Đó là sức ép không dễ chịu chút nào với mỗi người. Chính vì thế, người hay tìm đến những gì mà trước tiên nó mang lại những giá trị giải trí tích cực đã. Tính chất hài hước của tiểu phẩm có thể mang lại cho độc giả điều đó. Nhưng khác với tính hài hước đơn thuần của sự giải trí, tiểu phẩm Lê Hoàng còn ẩn chứa sự châm biếm, đả kích sâu sắc. Đó là tính chiến đấu được khoác áo hài hước. Nếu như hoạt động báo chí là hoạt động có tính chất chính trị - xã hội thì dù là tiểu phẩm hài hước đi nữa nó vẫn làm tốt những nhiệm vụ có tính chính trị xã hội được giao phó cho báo chí. Người ta có thể tìm thấy những rất giá trị nhân văn đằng sau sự hài hước, châm biếm, những giá trị ấy ban đầu tưởng như chỉ là tiếng cười sảng khoái, nhưng đó là tiếng cười mà đau, cái đau đớn về những chuyện không đâu, vụn vặt trong đời sống, nhưng khiến người ta phải suy nghĩ và nhìn nhận lại mình. Cách giả tưởng về đối tượng bị phỏng vấn của Lê Hoàng có vẻ như khiên cưỡng và bất nhã khi tác giả buộc các sự vật phải lên tiếng, nhưng hình như nhiều người đọc cảm thấy có mình trong đó, đang day dứt những điều cùng sự vật đó. Đó cũng là thành công của Lê Hoàng.
Phỏng vấn giả tưởng cho phép thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, góp phần khẳng định tiểu phẩm có sức chiến đấu cao đối với những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội
Những tiểu phẩm của Lê Hoàng luôn mang đến cho độc giả những thông tin có tính chất thời sự cao về những sự kiện, những vấn đề được đề cập. Những khác với các thể loại tác phẩm khác, tiểu phẩm của Lê Hoàng không chỉ phản ánh sự kiện, vấn đề đó mà tác giả bằng thủ pháp của mình đã lật đi lật lại vấn đề, đưa người đọc tiếp cận đến những lớp thông tin thuộc về những góc khuất hoặc những góc độ mà không nhiều người viết khác động đến. Không ngại va chạm, đó là phẩm chất thông tin của Lê Hoàng nói riêng, hay là đặc trưng chiến đấu chống tiêu cực, đả phá những thói hư tật xấu trong xã hội của tiểu phẩm báo chí. Trong tiểu phẩm Phỏng vấn một cảnh sát giao thông, Phóng viên (PV) hỏi:
Thưa anh, tình trạng giao thông của chúng ta như thế nào?
Cảnh sát: Như thế nào thì chắc mọi người đã biết.
PV: Có nghĩa là không tốt?
Cảnh sát: Phải
Nếu không sử dụng hình thức phỏng vấn giả tưởng, chắc không nhiều nhà báo có thể đưa ra được ý kiến chủ quan và khẳng định rõ rằng tình trạng giao thông ở Việt Nam là không tốt. Nói trực diện, tấn công trực diện qua sự thẳng thắn của người trả lời, đó là thủ pháp mà chỉ có ở Lê Hoàng. Lối hỏi đưa đẩy và tháo nút của Lê Hoàng cũng rất hay, tác giả lại mượn lời của người cảnh sát để đưa ra giải pháp:
Cảnh sát: … khi có vi phạm thì việc đầu tiên phải nhận lỗi và nhận xử lý kỷ luật, có thế mới làm trong sạch đạo đức, làm cho công bằng trong thi đấu và làm cương quyết tính răn đe
Trong tiểu phẩm Phỏng vẫn một con bò (kỳ 2) :
Bò: … Bất cứ dân tộc nào cũng muốn thể hiện quá trình lịch sử của mình là một quá trình độc lập, cố gắng tránh bị lệ thuộc. Mong mỏi đó rất chính đáng, rất tự nhiên và rất đáng được trân trọng.
P/v: Vâng.
Bò: Rõ ràng phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” không làm được điều đó!, Nó cho người xem cảm giác (mà trong văn hóa, cảm giác quan trọng vô cùng) là chúng ta quá phụ thuộc vào nước ngoài, quá giống họ. Cảm giác ấy không thể chấp nhận được…
 Hay trong tiểu phẩm Phỏng vấn một con bò (kỳ 4), tác giả đã mượn lời của con bò để nói: “Nói một cách khái quát, nếu chỉ xét về cái tâm thì hầu như toàn thể loại người đề thua xa… Bò. … Bò chỉ ăn cổ và cấp bơ, cấp sữa cho con người. Nhưng chưa từng có một dòng chữ nào viết về cái tâm hay ca ngợi cái tâm của Bò. Vì Bò không làm ra phim, không làm ra nhạc, không viết tiểu thuyết…”; “Cái lối phê bình cứ lẫn lộn giữa tác giả và tác phẩm thật quá buồn cười. Nó chỉ chứng tỏ nền nghệ thuật của ta không chuyên nghiệp. Xin phát biểu bằng trí tuệ thấp kém của Bò!”. Nhưng trong tiểu phẩm Phỏng vấn một con tê giác, tác giả lại mượn câu chuyện với Tê giác, lấy sự truy vấn của Tê giác để nêu quan điểm của phóng viên (hay chính quan điểm của Lê Hoàng) về vấn đề người ta làm phim cho ai xem, để phục vụ ai:
Tê giác: … Đâu là chỗ khác nhau giữa các ông đạo diễn lừng danh trong các cuốn sách và vài ông đạo diễn nước nhà?
Phóng viên: Đạo diễn nước nhà, nhiều vị cứ mở mồm là tuyên bố về cộng đồng, về xã hội, về nền này, về tảng kia. Rất ít ông dám tuyên bố vì mình…
Tê giác: Hậu quả là…?
Phóng viên: Những bộ phim của họ lúc hình thành hóa ra chẳng vì ai cả”.
Tiểu phẩm như Lê Hoàng viết, cần cả ở người viết sự dũng cảm để đưa ra những ý kiến mang tính phản biện. Lê Hoàng đã dám nói, bằng một cách thức và giọng điệu riêng, để lan truyền cho người đọc những góc nhìn khác, trực diện hơn. Ở đó, không ngoại trừ cả sự chủ quan từ góc nhìn của người viết. Nhưng dám bộc lộ chính kiến của mình, như khi Lê Hoàng viết về bóng đá, điện ảnh, phim truyền hình… quả thực không nhiều người cầm bút dám nói, hoặc dám chọn lựa một cách nói.
GIÁ TRỊ TIÊU CỰC HAY HẠN CHẾ TRONG TIỂU PHẨM CỦA LÊ HOÀNG
Bên cạnh những giá trị tích cực của tiểu phẩm báo chí Lê Hoàng, qua khảo sát 29 phỏng vấn giả tưởng được tập hợp trong cuốn Phỏng vấn một con bò, đồng thời có liên hệ nghiên cứu thêm một số tác phẩm khác được đăng tải trên các chuyên mục ở một số tờ báo cùng một tác giả này, có thể thấy được một số hạn chế và tiêu cực về mặt thông tin, như sau:
Thế mạnh của hình thức phỏng vấn giả tưởng, như đã phân tích ở phần trên là rõ ràng. Điều đó góp phần tạo nên đặc điểm phong cách của Lê Hoàng và tạo nên sức hấp dẫn độc giả đối với Lê Hoàng nói riêng và tờ báo đăng tải tác phẩm đó nói chung. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt. Cái mặt trái, mặt hạn chế với Lê Hoàng dường như là sự lạm dụng hình thức này. Nhiều vấn đề nghiêm túc, được tác giả đề cập và phản ảnh cũng nghiêm túc, nhưng dưới hình thức phỏng vấn giả tưởng, nhiều khi người đọc có cảm giác tác giả đã đi quá xa. Do hình thức mượn tiếng nói của người bị phỏng vấn giả tưởng để nói lên quan điểm, chính kiến của tác giả nên nhiều khi tác giả đã không nói đúng vai của mình. Ranh giới giữa cái tôi chủ quan và cái khách quan bị xóa nhòa, nên tác phẩm dễ bị sa vào lối chủ quan với những định kiến không hẳn là tốt. Nhất là với những vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều người.
Trong 29 tiểu phẩm được tập hợp thì có đến gần 10 tiểu phẩm  nói về sự nghiệp điện ảnh nước nhà. Lê Hoàng đã mượn chuyện phỏng vấn một con Bò để nói lên điều đó. Đó là nỗi đau của Lê Hoàng khi phải đối mặt với những vấn đề thuộc về điện ảnh mà phải mượn lời của một con Bò để nói ra. Nhưng chắc hẳn những người cùng giới, những đồng nghiệp còn đau hơn nhiều, độc giả cũng đau hơn nhiều. Cái tôi của tác giả trong sáng tạo tác phẩm báo chí rất rõ ràng, tuy nhiên cũng có nhiều định kiến cá nhân được thể hiện qua tác phẩm của tác giả. Ai cũng biết Lê Hoàng có nghề chính là đạo diễn điện ảnh. Trong vai trò của một người viết báo, Lê Hoàng đã không quản ngại dùng ngòi bút của mình để phê phán đồng nghiệp, phe phán cơ quan quản lý điển ảnh, phê phán một số tác phẩm điện ảnh cụ thể. Đó là dám chiến đấu. Nhưng, theo quan điểm chính danh, Lê Hoàng đang ngồi ở vị trí nào để mà phê phán. Bản thân cũng là một đạo diễn, lẽ đời “ăn cây nào rào cây nấy” sao Lê Hoàng là không rào “cây” nhà mình. Điều đó, khiến không ít người đọc cảm thấy thiếu sự tin cậy thậm trí bất mãn đối với những gì Lê Hoàng muốn nói. Người ta sẽ không thấy được những giá trị sâu sắc mà Lê Hoàng nêu ra, trái lại người ta sẽ lại đặ câu hỏi rằng Lê Hoàng đã làm được cái gì, đã đóng góp được những gì cho nền điện ảnh.
Một nghệ sỹ trẻ người Mỹ Seiler Jason đã thực hiện một loạt những bức tranh biếm họa cho các tạp chí tại Mỹ và Châu Âu.  “Môn nghệ thuật này mang tính đặc thù riêng và thật sự là rất khó. Vì khi bạn vẽ được sự thật ở một góc độ mang tính hài hước thì mọi người sẽ cười thỏa thích, say mê. Nhưng một khi bạn vẽ không đúng thì chính những tác phẩm này sẽ giết bạn. Đó là sự thật hai mặt rất rõ ràng của người nghệ sỹ vẽ tranh biếm họa”. Không thể phủ nhận được tính đúng hay sai trong những bức tranh mà Lê Hoàng đã vẽ ra, nhưng ở những bình diện cụ thể, Lê Hoàng chắc hẳn không thể nhìn thấy hết được tính phức tạp nhiều chiều của vấn đề hay sự kiện. Nên sẽ là “thầy bói xem voi” nếu chỉ nhìn hiện tượng mà nói lên bản chất. Có thể về lĩnh vực thuộc về văn hóa xã hội thì Lê Hoàng có thể khắc họa được bản chất của vấn đề, nhưng với những vấn đề lớn hơn hay những vấn đề thuộc về lĩnh vực khác thì điều đó thật khó khăn. Ví dụ như bàn về vấn đề Việt Nam nên lựa chọn khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng, Lê Hoàng đã nêu rằng Việt Nam nên đi theo hướng khoa học ứng dụng. Chắc chắn đó là cách nhìn nhận thuần túy thực dụng. Đành rằng thực tiễn là chân lý của chân lý. Nhưng nếu chỉ lấy ánh sáng thực tiễn để soi xét chân lý thì điều đó không hoàn toàn đúng. Cái gì cũng phải bắt đầu từ những nguyên lý cơ bản, những khoa học cơ bản. Vậy nên, nếu chỉ nhìn nhận vấn đề hay sự kiện một chiều sẽ tạo ra hiệu ứng thông tin một chiều, thậm trí có thể là lệch lạc.
Có một thực tế trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay là giữa mênh mông của các kênh thông tin, người tiếp nhận thông tin sẽ trọn cho mình những kênh thông tin phù hợp. Đó là bản chất của truyền thông chuyên đối tượng. Thường thì ai quan tâm đến loại thông tin nào sẽ tìm đến kênh thông tin đó. Nhưng do người ta quan tâm, người ta có nhiều ảnh hưởng hoặc chịu nhiều ảnh hưởng của kênh thông tin đó, nên nhiều khi họ như người trong cuộc của sự kiện hay vấn đề được thông tin. Do đó, bên cạnh sự hấp dẫn lôi cuốn của hình thức phỏng vấn giả tưởng, nhiều khi hiệu ứng ngược sẽ rất tồi tệ, vì cách chọn đối tượng để phỏng vấn. Không chỉ có nỗi đau về những điều con Bò nói ra, cái Chảo nêu lên hay con Tê giác giãi bày, mà còn có gì đó như sự bất nhã, sự xúc phạm đối với sự quan tâm của công chúng. Nói một lần thì còn có thể chịu đựng được, nhưng lạm dụng điều đó sẽ là phản tác dụng. Đọc một mạch 7 tiểu phẩm phỏng vấn một con Bò khiến cho người ta dễ có cảm giác như vậy.

KẾT LUẬN

Cùng với báo chí, sự thay đổi trong nhận thức của công chúng, qua những đòi hỏi về một nền báo chí với những sản phẩm báo chí vừa đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, vừa góp phần thư giãn, giải trí cho công chúng. Và hơn hết, cả thông tin, cả thư giãn đều nhằm mục đích đạt hiệu quả tác động đến công chúng làm cho họ thay đổi trong nhận thức và hành vi góp phần cải tạo xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chính những yêu cầu cấp thiết đó, trong quá trình hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí của mình, các nhà báo, những người làm báo, đã cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí không những cho công chúng thoả mãn thông tin, cung cấp bức tranh về xã hội đương thời mà còn có cách thể hiện sinh động để qua đó công chúng thấy thoải mái, trong đó có những tiếng cười. Chúng không phải là cười cho xong chuyện hay cười chỉ để cười giải trí đơn thuần mà sau những tiếng cười ấy, những công chúng tích cực của xã hội lại có thể bật khóc cho những sự rối ren, những điều tiêu cực làm cản trở sự phát triển xã hội. Lê Hoàng đã làm được điều đó./.
                                                                                                                      Nguyễn Bùi Khiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét