Khiemnguyen

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Phóng sự truyền hình

1.1. Sự ra đời và phát triển của phóng sự truyền hình
Phóng sự truyền hình là thể loại quan trọng của báo chí truyền hình. Sự ra đời của nó có thể đã manh nha từ những tác phẩm của điện ảnh từ cuối thế kỹ XIX. Có thể nói, bộ phim “Tầu vào ga Laxiota” của anh em nhà Luymiere, trình chiếu vào năm 1895, không chỉ được coi là dấu mốc ra đời của ngành điện ảnh, mà còn báo hiệu cho sự ra đời của thể loại phóng sự truyền hình một phần tư thế kỷ sau đó. Với cách lựa chọn vị trí cố định để đặt máy quay, ghi lại toàn bộ cảnh đoàn tàu vào ga và các hoạt động trên sân ga Laxiota ở thủ đô Pari - Pháp, không cần sự can thiệp của diễn xuất, dàn dựng đã đem đến những thông tin bất ngờ và thú vị cho người xem. Bởi, trước mắt họ là “cuộc sống như nó vốn có” đang diễn ra, tức là hình ảnh trên phim và hiện thực không có cách biệt. Cùng thời gian đó anh em nhà Skladanowski người Đức và anh em nhà Thomas Alwa Edison và The Brit Robert William Paul, Moreover người Mỹ cũng cho ra đời những bộ phim điện ảnh đầu tiên. Những bộ phim này được sản xuất theo kiểu chĩa ống kính vào cảnh của hiện thực để quay, không có sự căn chỉnh khuôn hình, cỡ cảnh...
ở những bộ phim điện ảnh đầu tiên này, cả nhà sản xuất và người xem đều chưa quan tâm đến kỹ thuật, người ta chỉ chú ý đến nội dung của phim. Mãi tới năm1897, kỹ thuật sản xuất phim có chút ít thay đổi, ống kính máy quay đã chuyển động được từ trái sang phải và ngược lại. Nhờ có kỹ thuật mới, phóng sự báo chí ( journalistic reportage) ra đời và thay thế cho các bộ phim phản ánh sự thật ( film of fact) ở thời kỳ đầu. Một trong những bộ phim đầu tiên được sản xuất theo đúng nghĩa phóng sự báo chí là phim về sự kiện Lễ đăng quang của nữ hoàng Victoria (1897). Toàn bộ sự kiện được ghi hình liên tục, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Sau đó, các thiết bị lưu hình ảnh đã ghi, chỉnh khuôn hình… xuất hiện. Các thiết bị này giúp các nhà làm phim có thể sắp xếp các chi tiết hình ảnh vào trong khuôn hình và cảnh phim, tạo ra kịch tính làm cho phim hấp dẫn hơn. Cách cung cấp thông tin chân thật “như bản thân cuộc sống vốn có” của phim thời kỳ này chính là một trong những đặc tính định dạng của Phóng sự truyền hình. Đó là : Phản ánh hiện thực khách quan trong qúa trình diễn biến phát sinh, phát triển.
Năm 1900, nhiều Phóng sự điện ảnh mang tính báo chí được tái tạo và dàn dựng. Những sự kiện lịch sử trọng đại được tái tạo lại theo đúng sự kiện diễn ra trong hiện thực. Lúc này người ta cũng có thể xây dựng những bộ phim “bán” lịch sử, có cấu trúc riêng theo ý đồ đạo diễn mong muốn.
Đến năm 1929 các phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là camera có nhiều cải tiến. Lúc này máy quay có thể “chộp” tất cả những hình ảnh nhà quay phim mong muốn. Hạn chế của máy quay lúc này là không tua lại băng để kiểm tra hình ảnh vừa quay. Tuy nhiên, ở Mỹ cùng thời gian này đã chế tạo được máy quay tua lại được. Bằng máy quay với ống kính tự do các nhà làm phim đã cho ra đời hàng loạt Phóng sự phản ánh trực tiếp cuộc sống hàng ngày. Tính thời sự của vấn đề, cách lựa chọn chi tiết, những khuôn hình cỡ, cảnh chuẩn mực trong các bộ phim này đã mang lại sự thành công, đánh dấu một thời vàng son của phim Phóng sự điện ảnh.
Từ năm 1932 trở đi, phim có tiếng mới thịnh hành ở nhiều nước như: Đức, Anh, Mỹ, Nga. Đến năm 1935, hầu hết các phim truyền hình đều có tiếng và có diễn biến theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, hình và tiếng còn chưa ăn khớp với nhau. Khi các thiết bị hậu kỳ được cải tiến, đặc biệt là các thiết bị montage thì vấn đề này mới được giải quyết. Phóng sự chỉ thực sự phát triển khi phim có tiếng nói ra đời. Tuy hình ảnh và âm thanh chưa ăn khớp nhưng các phóng sự đã bắt đầu chuyển tải những nội dung chính trị - xã hội sâu sắc.
Năm 1980, máy âm thanh stereo ra đời, các vấn đề tồn tại của âm thanh được giải quyết. Cũng thời kỳ này, máy quay video cũng xuất hiện, Tuy nhiên, băng có kích cỡ lớn và khi tháo băng ra phải tháo trong phòng có ánh sáng mờ. Vì vậy ảnh hưởng nhiều đến tốc độ sản xuất chương trình của truyền hình nó chung và phóng sự truyền hình nói riêng.
Năm 1990 các vấn đề này được khắc phục, camera quay bằng băng từ có kích thước nhỏ, đường hình và đường tiếng riêng, có thể xem được ngay hình ảnh vừa quay... Sự tiến bộ của kỹ thuật, đặc biệt là các thiết bị sản xuất chương trình truyền hình màu đã tạo đem đến cho truyền hình một gương mặt mới. Các chương trình truyền hình trở nên phong phú, đa dạng, nhanh chóng, kịp thời và hấp dẫn hơn. Các thể loại phóng sự, bình luận, phỏng vấn... xuất hiện ngày càng nhiều cùng với tin tức. Thời lượng dành cho phim thời sự tài liệu ít hơn và các phim loại này có nội dung ngắn gọn hơn.
1.2. Sự ra đời và phát triển của Phóng sự truyền hình ở Việt Nam
ở Việt Nam, truyền hình ra đời muộn nên thời kỳ đầu các phim thời sự tài liệu điện ảnh đảm nhiệm vai trò thông tin thời sự và chủ yếu chiếu trong các rạp chiếu phim. Những thước phim thời sự tài liệu “Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về”, “Trận đánh Ô Cầu Dền” (1946), “Dưới mái trường mới”(1960)... được xem là những thước phim thời sự tài liệu quý. Đến năm 1970, Truyền hình Việt Nam ra đời, những Phóng sự truyền hình đầu tiên xuất hiện như: “Hà Nội Năm ngày đọ sức” (1972), “Tiếng trống trường” (1973), “Việt Nam và những chiếc xe đạp” (1975), rồi đến hàng loạt phóng sự về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như phim: “Trên đường qua Huế giải phóng”, “Đà Nẵng giải phóng”... Những bộ phim tài liệu điện ảnh được phát trên sóng truyền hình có giá trị tuyên truyền và sức tác động to lớn tới công chúng vào thời kỳ đó. Chúng trở thành những hình ảnh tư liệu có một không hai, ghi nhận một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc, lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhờ sự tiến bộ của công nghệ  truyền hình, máy quay phim nhựa được thay bằng máy quay băng từ, kỹ thuật dựng xé, dán được thay bằng bàn dựng analog, các thiết bị kỹ thuật sản xuất truyền hình đen trắng đuợc thay bằng kỹ thuật màu và đặc biệt khi công nghệ tin học, viễn thông và kỹ thuật số được áp dụng vào truyền dẫn và sản xuất chương trình truyền hình thì thể loại phóng sự mới thực sự phát huy hết khả năng vốn có của nó là phản ánh hiện thực bằng những dòng hình ảnh, âm thanh liên tục từ chính cuộc sống. Sự phong phú đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện, sự sinh động của ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh đã dưa phóng sự truyền hình lên ngôi, trở thành một trong những thể loại quan trọng, luôn luôn được khán giả mong đợi.
Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, sự phát triển của truyền thông đa phương tiện đã mở ra nhiều hình thức thông tin mới với kỹ thuật hiện đại và tiện lợi cho người sử dụng. Những thay đổi đó đã tác động mạnh mẽ đến nội dung, hình thức thể hiện của các chương trình truyền hình nói chung và phóng sự truyền hình nói riêng. Phóng sự phản ánh trực tiếp các vấn đề của đời sống hiện thực kể cả những vấn đề bức xúc, gay cấn, những ngang trái, bí ẩn, ly kỳ... Số lượng các chương trình truyền hình ngày càng nhiều. Hơn nữa, hàng ngày khán giả truyền hình còn tiếp nhận vô số thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nhịp sống hiện đại cũng lôi kéo người ta vào nhiều công việc khác nên các chương trình truyền hình ngày càng có xu thế ngắn gọn và chất lượng hơn. Phóng sự truyền hình cũng đổi mới để phù hợp với nhu cầu và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí thời hiện đại. Do đó, hiện nay, các Phóng sự có thời lượng ngắn chiếm đa số trên sóng truyền hình.
Song song với sự phát triển của kỹ thuật sản xuất chương trình, kỹ thuật truyền dẫn sóng truyền hình cũng phát triển rất nhanh chóng. Các chương trình truyền hình bây giờ không những mang tính thời sự cao mà còn đến với công chúng bằng rất nhiều hình thức như: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình qua điện thoại, truyền hình Internet... Trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, các loại hình báo chí đang vận dụng tiến bộ khoa hoạc kỹ thuật để tự đổi mới, tăng sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường thông tin. Truyền hình cũng đang từng bước chuyển mình, thay đổi mô hình quản lý, phương pháp sản xuất chương trình và đa dạng hoá các hình thức dịch vụ, đổi mới  trang thiết bi, nâng cao chất lượng chương trình, thời lượng phát sóng... đem đến cho khán giả những chương trình truyền hình đặc sắc và sống động, giữ được vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta hiện nay.
Cùng với sự phát triển của truyền hình, Phóng sự truyền hình cũng không ngừng thay đổi và từng bước hoàn thiện về cả nội dung và hình thức. Với khả năng cung cấp thông tin một cách đầy đủ, cụ thể, hấp dẫn, khách quan, sinh động trong quá trình vận động, phát sinh, phát triển của sự vật, hiện tượng... bằng hình ảnh và âm thanh, Phóng sự truyền hình đã và đang có vị trí, vai trò quan trọng trong các chương trình truyền hình. Sự xuất hiện của Phóng sự không chỉ làm cho thông tin truyền hình thêm hấp dẫn mà còn đem đến cho chương trình “hơi thở cuộc sống”, sự mềm mại, uyển chuyển, thông tin tràn đầy cảm xúc, dễ đi vào lòng người.
1.3.Một số quan niệm về Phóng sự truyền hình
Chính sự phát triển phong phú và đa dạng của Phóng sự truyền hình qua các thời kỳ đã dẫn đến có nhiều quan niệm khác nhau về thể loại này. Tất nhiên mỗi quan niệm thể hiện góc nhìn riêng của một người hoặc một nhóm nhỏ những nguời quan tâm đến về thể loại này.
Trong tác phẩm “Báo chí truyền hình” (NXB Thông tin, 2004, trang 59), các tác giả G.V.Cudonhetxop, X.L. Xvich, A.La. Iuropxki có viết: “Phóng sự là thể loại báo chí thông tin nhanh chóng trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình về một sự kiện nào đó mà phóng viên đã chứng kiến, can dự vào”. Theo quan niệm này thì yếu tố đứng đầu trong phóng sự là khả năng thông tin nhanh chóng về một sự kiện do tác giả bài phóng sự trực tiếp chứng kiến và  thực hiện.
Nhìn nhận phóng sự từ góc độ phương pháp phản ánh, Jean-Luc Martin- Lagardette cho rằng: “Phóng sự là cuộn phim mà người ta truyền đi những hình ảnh đã được xác định nhờ có các bố cục liên tiếp”. ông còn cho rằng: “Phóng sự phải làm cho nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, sờ thấy. Phóng sự sử dụng cách viết trực tiếp, thường ở thì hiện tại, bằng cách tăng các giai thoại cụ thể, những hình ảnh, những chi tiết và những thành ngữ độc đáo” (“Hướng dẫn cách viết báo”, Jean-Luc Martin- Lagardette, NXB Thông Tấn, Hà nội , năm 2003, trang 98).
Từ góc độ phương pháp xây dựng tác phẩm phóng sự, Brigitte Besse DiDier Desormeaux tác giả cuốn “Phóng sự truyền hình”, NXB Thông Tấn, Hà Nội, năm 2003 viết: “Phóng sự là kết quả của những logíc hội tụ dựa trên hình ảnh và âm thanh: sản phẩm phức hợp này phải được tổ chức xung quanh một số cảnh chủ chốt, những cảnh này làm nổi bật ý nghĩa của phóng sự từ lúc xây dựng cho đến khi phát đi và đượ mọi người tiếp nhận”.(trang 104)
ở Việt Nam, các nhà  nghiên cứu báo chí cũng đưa ra nhiều quan niệm về phóng sự truyền hình. Các quan niệm đó cũng xuất phát từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.
Trong bài “Nhà báo nên viết phóng sự”, đăng ngày 25/7/2006, trên “Nghề báo.com”, tác giả Minh Phương có viết: “Phóng sự truyền hình phản ánh sự kiện bằng hình ảnh và tiếng động là chủ yếu, lời dẫn của phóng viên như một chất keo trong suốt” khâu nối các chi tiết và tư liệu báo chí thành một kết cấu thống nhất, gợi cảm”.
Hiện nay, trong lĩnh vực báo chí truyền hình cũng đang tồn tại sự thiếu thống nhất cách gọi tên các dạng phóng sự. Ví dụ: những phóng sự phát trong các bản tin thời sự hàng ngày của Đài Truyền hình Việt Nam đang được gọi theo nhiều cách khác nhau như: Phóng sự tin, Tin phóng sự, Phóng sự thời sự, Phóng sự ngắn…
 Trong cuốn “Phóng sự - tính chuyên nghiệp và đạo đức”, của M.I.Sostak có viết: “Tin phóng sự đã cho thấy mình là một người tiên phong đắc lực của xu thế thời đại” (trang 15).
Trong hội thảo “Đào tạo truyền hình”, tổ chức tháng 11, năm 2005, tại Học viện Báo chí truyên truyền, ông Sebastian Fellmeth chuyên gia, phóng viên truyền hình Đức nói về “Phóng sự tin” như sau: “Phóng sự tin thường có thời lượng từ 1 phút 30 đến 2 phút 30, phóng viên phải có mặt tại nơi xảy ra sự kiện, thu thập thông tin, phỏng vấn, có thái độ rõ ràng trong quá trình trình bày sự kiện. Trong phóng sự có trích phỏng vấn, sử dụng âm thanh nguyên bản của người phát biểu, tham gia, chứng kiến sự kiện và các âm thanh ở hiện trường”. 
Cũng trong cuốn “Phóng sự tính chuyên nghiệp và đạo đức” của M.I.Sostak, NXB Thông Tấn, Hà Nôị, năm 2003, trang 47 có viết: “Các tin thời sự cứng chính là hình thức giới thiệu một tác phẩm phóng sự như một sự định hình đơn giản, một sự phản ánh tài liệu và hiện thực, như “một thông tin thuần tuý” khách quan cao độ. Mặc dù vậy, đó là hình thức văn học hoàn chỉnh với đầy đủ các tiêu chí  cần thiết của thể loại: khả năng tác động đặc biệt, phong cách và tiết tấu đặc biệt, bố cục đặc biệt”; hay: “Người ta chờ đợi ở các tác giả phóng sự tin tức trong thời gian ngắn nhất về các vụ việc, hành vi, các phát biểu mới nhất”.
Như vậy, vấn đề còn lại ở đây là cách gọi tên dạng phóng sự này. Chúng ta có thể gọi “phóng sự tin” hay “Tin phóng sự” hoặc “Phóng sự thời sự” hay “Phóng sự ngắn” đều được.
Chương2
Khái niệm và đặc điểm của
Phóng sự truyền hình
2.1.Khái niệm và đặc điểm Phóng sự truyền hình
2.1.1. Khái niệm:
2.1.1.1.Do ảnh hưởng đặc điểm của báo chí truyền hình là: truyền tải thông tin bằng hình ảnh và âm thanh, có khả năng giao tiếp trực tiếp với khán giả, khán giả tiếp nhận thông tin bằng thị giác và thính giác, hơn nữa truyền hình có khả năng cung cấp thông tin tới khán giả ngay tại thời điểm sự kiện đang diễn ra. Vì vậy, Phóng sự truyền hình vừa mang những đặc điểm của phóng sự báo chí nói chung vừa mang những đặc trưng riêng của loại hình. Do đó,  quan niệm về thể loại Phóng sự truyền hình, có thể bắt đầu từ những quan niệm về Phóng sự trên báo in.
2.1.1.2.Kế thừa những quan niệm về Phóng sự truyền hình của các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí qua nhiều thời kỳ ở Việt Nam và trên thế giới, dựa trên những kết quả nghiên cứu trong các giáo trình, các công trình khoa học ở các trường đại học, những bài giảng về Phóng sự truyền hình ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của các nhà báo giầu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, có thể nêu ra khái niệm chung về phóng sự truyền hình như sau:
Phóng sự truyền hình là thể loại đặc trưng của truyền hình, chuyển tải nội dung thông tin nóng hổi, sinh động đến công chúng ở thời hiện tại, được thể hiện theo trình tự logíc diễn biến của sự kiện, vấn đề... qua dòng hình ảnh và âm thanh của hiện thực mà phóng viên lựa chọn, sắp xếp. Trong quá trình thể hiện phóng sự, chính kiến, thái độ và cảm xúc của phóng viên bộc lộ rõ qua việc phân tích, cắt nghĩa, lý giải sự kiện, vấn đề đó.
2.1.2. Đặc điểm cơ bản của Phóng sự truyền hình
2.1.2.1.Đối tượng của Phóng sự truyền hình là những sự kiện, sự việc, con người, vấn đề điển hình, độc đáo, mang tính thời sự, nóng hổi.
Giống như phóng sự Báo in, Phát thanh đối tượng phản ánh của phóng sự truyền cũng là những sự kiện, hiện tượng, vấn đề, con người... có thật đang hiển hiện trong đời sống xã hội, tại thời điểm cụ thể đối tượng của phóng sự đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều người trong xã hội.
Điều khác biệt của Phóng sự truyền hình so với phóng sự của các loại hình báo chí khác là đối tượng của Phóng sự truyền hình có thể là cả sự kiện như: một cuộc mít tinh, một trận bóng đá, một ngày hoạt động hiến máu nhân đạo... nhưng nó cũng có thể chỉ là một phần của sự kiện.
Cách lựa chọn từng góc độ của sự kiện và phản ánh sự kiện qua nhiều góc độ, ở nhiều phóng sự trong những bản tin, những chương trình khác nhau và phát sóng vào những thời điểm khác nhau rất phù hợp với tâm lý tiếp nhận thông tin của khán giả truyền hình và với nhịp sống của con người trong xã hội hiện đại. Bởi, nó giúp cho người xem có thể nắm được toàn bộ diễn biến của sự kiện mà không phải tập trung quá lâu trong một thời gian.
Tuy nhiên, những Phóng sự truyền hình có thời lượng dài không phải là không có chỗ đứng. Thực tế cho thấy các phóng sự dài trong các chương trình chuyên đề, tạp chí... vẫn đang chiếm được vị trí quan trọng trên sóng và chiếm được tình cảm của không ít khán giả truyền hình.
 Song thực tế cho thấy, so với phóng sự có thời lượng dài thì phóng sự ngắn vẫn chiếm ưu thế và xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình. Sở dĩ có hiện tượng này là vì Phóng sự truyền hình chịu ảnh hưởng từ đặc điểm của báo chí truyền hình. Đó là: phản ánh sự kiện có thật, đã và đang hiển hiện trong cuộc sống, tốc độ thông tin nhanh, thời lượng thông tin bị dồn nén, thông tin cùng một lúc tác động vào cả thị giác và thính giác của người xem làm cho họ khó tập trung, dễ xao nhãng khi tiếp nhận thông tin trong thời gian dài, hơn nữa thông tin chỉ đến với khán giả một lần, không có điều kiện quay trở lại. Vì vậy, thay cho việc làm một phóng sự dài 15 - 20 phút về một sự kiện, vấn đề... phóng viên thường “làm” nhiều phóng sự ngắn từ một phút rưỡi đến ba phút, mỗi phóng sự chỉ lựa chọn một hoặc hai góc độ để phản ánh về sự kiện, vấn đề đó.
    Lựa chọn đối tượng, góc độ phản ánh và xác định thời lượng phù hợp với thể loại phóng sự là việc làm cần thiết và bắt buộc đối với phóng viên truyền hình. Nó cũng là đặc điểm, yêu cầu của Phóng sự truyền hình trong thời báo chí truyền thông đa phương tiên. Đây cũng là đặc điểm mang tính chất riêng biệt của phóng sự truyền hình.
2.1.2.2. Phóng sự truyền hình là câu chuyện có dòng chảy liên tục  bằng hình ảnh và âm thanh.
Đây là đặc trưng rất riêng biệt của phóng sự so với các thể loại báo chí truyền hình và phóng sự của các loại hình báo chí khác. Bởi, các phương tiện diễn đạt và thể hiện của Phóng sự truyền hình là sự hội lưu lắp ghép các cảnh quay được trong dòng hình ảnh liên tục có lồng tiếng.
Các phương tiện diễn đạt và thể hiện của truyền hình được cấu thành bởi: bối cảnh, khuôn hình, cỡ cảnh, những phương pháp bỏ qua, lặp lại, những thủ pháp dựng hình, những động tác máy quay, những thủ pháp xuống đen, mờ chồng, những khoảng lặng, những lời nói, tiếng động, âm nhạc... Trong phóng sự các phương tiện diễn đạt và thể hện này được phóng viên sử dụng tối đa và đầy sáng tạo trong từng cảnh quay.
Khả năng kể chuyện bằng dòng hình ảnh liên tục có lồng tiếng về sự kiện và vấn đề là đặc trưng của phóng sự truyền hình mà không có thể loại nào của truyền hình, cũng như phóng sự của loại hình báo chí nào có được.
Một sự kiện, vấn đề trong đời sống hiện thực thường diễn ra trong một không gian rộng và thời gian dài hơn rất nhiều so với khi nó diễn ra trên truyền hình. Tuy vậy, để phóng sự đạt được nội dung và hình thức thể hiện đầy đủ, chi tiết và hấp dẫn, yêu cầu đặt ra đối với phóng viên là phải rút ngắn khoảng thời gian từ lúc sự kiện xảy ra trong cuộc sống đến khi xảy ra trên màn ảnh nhỏ càng ngắn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu nhưng không gây cho người xem cảm giác sự kiện bị cắt gọt.
Trong thể hiện phóng viên phải làm cho người xem có tâm trạng vui, buồn, sửng sốt, bất ngờ như chính tâm trạng của phóng viên và họ cảm thấy được đến tận nơi và tận mắt chứng kiến sự kiện xảy ra. Các đặc tính chủ yếu như phản ánh logíc phát triển của sự kiện, vấn đề bằng hình ảnh và âm thanh, những đánh giá, bình luận sự kiện phải được phối hợp sử dụng nhịp nhàng trong Phóng sự.
2.1.2.3. Dấu ấn sáng tạo của phóng viên gắn với từng chi tiết hình ảnh của hiện thực khách quan.
Trong Phóng sự truyền hình, việc mô tả sự kiện, hiện tượng, vấn đề là nhờ khả năng miêu tả, thể hiện của camera, phóng viên bám sát sự việc, quan sát, phân tích đánh giá, tổng hợp, kết luận sự kiện. Đồng thời có thể xuất hiện trong các cảnh quay để làm tăng tính trung thực, sức tác động tới công chúng.
 Hình ảnh do Camera ghi lại không chỉ có khả năng mô tả chi tiết toàn bộ sự kiện vấn đề mà còn có thể phân tích, lý giải sự kiện và vấn đề, chuyển tải thái độ, tình cảm của phóng viên đến khán giả. Tuy nhiên, để hình ảnh có thể đảm đương được vai trò đó phóng viên không chỉ ghép nối hình ảnh với nhau một cách đơn giản mà phải nắm vững kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình, biết vận dụng các thủ pháp quay, dựng phim... một cách sáng tạo trong quá trình thể hiện phóng sự.
Phóng sự truyền hình sử dụng phương pháp tả, thuật, bình bằng ngôn ngữ hình ảnh và bổ sung những gì mà hình ảnh chưa diễn đạt được hoặc ẩn chứa đằng sau mỗi hình ảnh đó bằng âm thanh. Cùng với âm thanh, hình ảnh làm cho phóng sự truyền hình phản ánh hiện thực khách quan trung thực, gần gũi, sinh độngvà hấp dẫn hơn phóng sự ở các loại hình báo chí khác. Chính khả năng kể chuyện bằng hình ảnh và âm thanh đã tạo ra “hiệu ứng cùng tham dự” giữa khán giả và phóng viên, làm cho người xem cảm thấy mình đang cùng phóng viên trực tiếp tham gia, chứng kiến sự việc chứ không phải được xem những gì mà phóng viên kể lại.
Phóng sự truyền hình có thể phản ánh đầy đủ hay chỉ một phần đặc điểm của đối tượng. Nhưng sự việc chỉ được thể hiện năng động, ấn tượng, đúng bản chất khi camera và tác giả phóng sự theo sát sự việc đó. Vì vậy, phóng viên truyền hình luôn luôn phải đến tận nơi sự việc xẩy ra và phải đến đúng lúc, kịp thời, ghi lại được hình ảnh và âm thanh của sự việc. Nếu không ghi được hình ảnh thì đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ có được phóng sự truyền hình. Hơn nữa, phóng viên quay phim và phóng viên biên tập luôn phải bám sát sự việc từ đầu đến cuối thì mới có đầy đủ hình ảnh, khai thác được nhiều thông tin để viết lời bình và mới thể hiện hết được cái “sự” của “việc”.
Thực tế cho thấy những phóng viên nào không bám sát sự kiện, đều gặp khó khăn trong thể hiện, bởi thiếu dữ liệu hình ảnh để dựng phim và thông tin viết lời bình.
Sự xuất hiện của phóng viên bằng cả hình ảnh và âm thanh trong phóng sự truyền hình được coi như một phương pháp sáng tạo đặc biệt, chỉ có ở truyền hình. Tuy nhiên, công việc sáng tạo này cũng phải được tính toán tỉ mỉ để những lần xuất hiện của phóng viên đều hợp lý, có ý nghĩa và làm tăng tính trung thực, sự hấp dẫn của phóng sự.
2.1.2.4.Phóng sự truyền hình sử dụng ngôn ngữ đặc biệt: sự cô đọng, cụ     thể, sự phấn chấn tình cảm, sự cân xứng nhịp nhàng của ngôn ngữ lôgíc và cái tôi tác giả để phản ánh sự kiện một cách khách quan. Kết          cấu phóng sự truyền hình cũng rất phong phú và đa dạng.
- Ngôn ngữ
 Phương tiện ngôn ngữ thể hiện đặc biệt trong phóng sự truyền hình chính là sự phối hợp nhịp nhàng cân xứng của hai yếu tố ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh.
Trong cuốn “Phóng sự truyền hình”, của Brigitte Besse Didier Desormeaux, NXB Thông Tấn, Hà Nội, năm 2003, trang 68 có viết: “Rất đơn giản, có thể nói rằng khi người ta xem một cuốn phim bằng tiếng nước ngoài mà không có bản dịch khiến người ta chẳng hiểu gì cả, điều đó chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp chúng ta. Nhưng khi văn bản hoàn toàn có thể hiểu được mà bạn lại không hiểu gì nếu không nhìn màn ảnh, thì cái đó không nghi ngờ gì nữa, chính là điện ảnh”. ý kiến này khẳng định phương tiện diễn đạt của Phóng sự truyền hình là sự kết hợp một cách logíc và biện chứng giữa hai yếu tố hình ảnh và âm thanh. Nếu tách rời hai yếu tố đó ra thì thông tin truyền hình không thể chuyển tải những nội dung đa dạng, phong phú và nhạy cảm của báo chí.
Phương tiện văn học đặc biệt của phóng sự truyền hình thể hiện ở các thành phần của ngôn ngữ Phóng sự. Đó là: ngôn ngữ tác giả, nhân vật và sự kiện.
Ngôn ngữ tác giả thể hiện rõ ở khả năng phản ánh hiện thực qua cái tôi chứng kiến, cái tôi thẩm định và cái tôi cảm xúc của mỗi phóng viên. Chính ngôn ngữ tác giả tạo ra cái riêng, cái độc đáo cho phóng sự. Nó tạo nên sự đa dạng, phong phú trong thể hiện và sự “biến hoá” của ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh trong phóng sự truyền hình.
 Ngôn ngữ nhân vật trong phóng sự là thành phần không thể thiếu trong phóng sự truyền hình. Hình ảnh và tiếng nói của nhân vật, nhân chứng và những người tham gia sự kiện làm cho Phóng sự thêm khách quan, trung thực và hấp dẫn, bởi vì đó là những hình ảnh và tiếng nói đích thực của người trong cuộc.  
Ngôn ngữ sự kiện là ngôn ngữ bám sát sự kiện có thật và nguyên dạng để phản ánh, là ngôn ngữ trực tiếp, cụ thể và khách quan, luôn được nhìn nhận trong quá trình vận động của sự kiện.
Phương tiện ngôn ngữ đặc biệt của phóng sự truyền hình có được còn do khả năng “đến với mọi nhà” của truyền hình mang lại. Nhờ khả năng “đến với mọi nhà”, đồng thời lại có thể đem thông tin đến cho công chúng ngay tại thời điểm sự kiện, vấn đề đang xảy ra nên thông tin truyền hình có tính chất giao tiếp đặc biệt. Đó là giao tiếp trực tiếp, nhanh chóng, thân thiết và chân tình. Tính chất đặc biệt này đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ hình ảnh cũng như lời bình của phóng sự làm cho văn phong của Phóng sự truyền hình chân thật nhưng phóng khoáng đầy ngẫu hứng. Giản dị nhưng không nghèo nàn. Cô đọng, cụ thể nhưng không khô khan. Thái độ rõ ràng nhưng gần gũi, chân tình và giầu sắc thái tình cảm...
Trong Phóng sự lời bình có một đặc trưng là luôn gắn với bút pháp điện ảnh. Không đi sâu vào mô tả sự kiện, khung cảnh con người tham gia sự kiện mà chủ yếu chỉ bình luận những gì đang xẩy ra trên màn ảnh, dẫn người xem vào vòng chuyển động của sự kiện. Lời bình cũng thường đi vào chi tiết quan trọng để tập trung vào sự chú ý của người xem, cung cấp những điều mới mẻ mà không nói những gì hình đã nói” (Trích trong sách “Ngôn ngữ báo chí” của tác giả Nguyễn Tri Niên, NXB Tổng hợp Đồng Nai, năm 2003, trang 73).
Lời bình trong Phóng sự cũng như trong các thể loại báo chí truyền hình khác về cơ bản cũng phải đạt được những chuẩn mực của ngôn ngữ báo chí nói chung. Đó là: ngôn ngữ trực tiếp, ngắn gọn, chính xác, văn phong trong sáng, mượt mà và dễ hiểu.
Tiếng động và âm nhạc cũng có vai trò quan trọng góp phần tạo hiệu quả trong phóng sự truyền hình.
 Có thể nói, ngôn ngữ phóng sự truyền hình được thể hiện ở sự phác hoạ cuộc sống một cách chân thực bằng các phương tiện văn phong đặc biệt. Đó là: sự kết hợp ngôn ngữ điện ảnh và văn học chuẩn mực với yếu tố ngẫu hứng trong xử lý các cảnh quay, những khuôn hình, cỡ cảnh, các thủ pháp quay, dựng và viết lời bình, trích phỏng vấn... Sự phối hợp nhịp nhàng của hình ảnh và âm thanh trong Phóng sự làm cho những hình ảnh của hiện thực được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ ngắn gọn, cụ thể, sâu sắc và lôgíc hơn cả bản thân nó vốn có. Đó cũng là nguyên nhân của những hiệu quả khác biệt giữa Phóng sự truyền hình với phóng sự của các loại hình báo chí khác.
-  Kết cấu
Phóng sự truyền hình có kết cấu phong phú và đa dạng. Lựa chọn kết cấu cho phóng sự chính là tìm hình thức thể hiện phù hợp để chuyển tải nội dung tác phẩm một cách tốt nhất.
Phóng sự truyền hình cũng có các kiểu kết cấu giống Phóng sự báo in.
Nhóm đối tượng phản ánh không có cốt truyện thường có các dạng kết cấu như:
Kết cấu đẳng lập: các chi tiết trong phóng sự có giá trị ngang nhau
 Kết cấu đan xen: gồm đầu đề, nêu vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề.
 Kết cấu theo trật tự thời gian tuyến tính: trình bày sự việc có đầu có đuôi, từ quá khứ đến hiện tại, tương lai hoặc quá trình vận động một chiều từ lượng biến thành chất, từ xấu thành tốt, từ nghèo thành giàu và ngược lại.
Kết cấu theo phương pháp qui nạp: đưa các chứng cứ rồi rút ra kết luận
Kết cấu theo phương pháp diễn dịch: đưa ra một luận đề hoặc lời khẳng định rồi lấy chứng cứ để chứng minh cho luận đề hoặc lời khẳng định đó là đúng.
 Nhóm đối tượng phản ánh có cốt truyện:Trong kết cấu có cốt truyện, các chi tiết tình tiết của câu chuyện được bố trí, sắp xếp để phản ánh số phận một con người, một sự kiện thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng, dựng lên một bức tranh về đời sống, về tính cách của nhân vật, qua đó đặt ra và giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội. Mô hình cụ thể của loại kết cấu này là: đầu đề, thắt nút, diễn biến các biến cố, cao trào, khủng hoảng, gỡ nút. Loại kết cấu này được sử dụng nhiều trong các tác phẩm văn học và điện ảnh. Tuy nhiên, trong phóng sự truyền hình kết cấu này cũng được dùng khá phổ biến. Đặc biệt là trong Phóng sự vấn đề và Phóng sự chân dung.
Thực tế cho thấy với phương tiện diễn đạt là ngôn ngữ hình ảnh kết hợp âm thanh, dưới bàn tay “nhào nặn” đầy sáng tạo, đôi khi mang tính ngẫu hứng và xúc cảm của phóng viên, Phóng sự truyền hình ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Cũng chính sự đa dạng của kết cấu, bố cục, cấu trúc, văn phong...đã tạo ra thế mạnh và sự khác biệt của phóng sự truyền hình so với các thể loại báo chí truyền hình và với phóng sự của các loại hình báo chí khác.
2.2.So sánh Phóng sự truyền hình với một số thể loại báo chí truyền          hình khác
2.2.1.So sánh thể loại Tin và Phóng sự
        Tin truyền hình và Phóng sự truyền hình cùng nằm trong nhóm thể loại thông tấn, chúng cùng mang đặc điểm chung của nhóm thể loại này, đó là:
- Đối tượng phản ánh:
- Phương pháp phản ánh:
- Mục đích phản ánh:
    Sự khác nhau về nội dung và hình thức thể hiện giữa Tin và Phóng sự        truyền hình:
+ Nội dung của tin
Đối tượng của tin là phải là một sự kiện. Tin chủ yếu đi trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Tin trả lời các câu hỏi đó bằng các chi tiết cứng của sự kiện, có nghĩa là các chi tiết ấy rất chính xác có thể kiểm chứng được.
+ Hình thức của tin:
Thường sử dụng cấu trúc mô hình Tháp ngược, tất cả các thông tin quan trọng nhất được đưa lên đầu. Câu văn ngắn gọn, cô đọng, xúc tích.
+ Nội dung của phóng sự:
Đối tượng của phóng sự có thể là trọn vẹn một sự kiện, cũng có thể là một phần của sự kiện. Khi đó sự kiện chỉ là nguyên cớ để đề cập đến một vấn đề khác. Phóng sự cũng trả lời các câu hỏi 5W, 1H, nhưng chú trọng trả lời câu hỏi tại sao? và như thế nào? Trong phóng sự sử dụng cả chi tiết cứng và chi tiết mềm. Chi tiết cứng của phóng sự giống như trong tin, chi tiết mềm là những cảm xúc, nhìn nhận, đánh giá của phóng viên về sự kiện và vấn đề mà anh ta đang chứng kiến. Những chi tiết đó có thể là những cảm giác nhận được từ các giác quan và sự quan sát của phóng viên như: màu sắc, mùi vị, âm thanh... Phóng sự thường được kể trong bối cảnh cụ thể.
+ Hình thức của phóng sự:
Phóng sự thường mở đầu bằng một vài thông tin hấp dẫn có liên quan trực tiếp đến chủ đề, gây sự chú ý cho người xem. Sau đó phát triển những gì xẩy ra theo logíc nhất định. Những thông tin quan trọng nhất thường đưa ra ở cuối. Người xem chỉ biết hết câu chuyện khi xem từ đầu đến cuối phóng sự. Mô hình cấu trúc của phóng sự rất phong phú. Ngôn ngữ hình ảnh âm thanh sinh động, mềm mại uyển chuyển. Trong phóng sự thường sư dụng các thủ pháp tạo hình nhiều hơn trong tin.
2.2.2.So sánh phóng sự truyền hình và ký sự truyền hình
Phóng sự và ký sự cùng nằm trong nhóm thể loại tạo hình, qui trình sáng tạo Phóng sự và ký sự tương đối giống nhau. Tuy nhiên hai thể loại này cũng có những nét riêng biệt.
Trong phóng sự, tác giả thường kể lại sự kiện, vấn đề, các chi tiết là bộ phận của sự kiện, khán giả hiểu được sự kiện là nhờ nghệ thuật sử dụng chi tiết và sắp xếp các chi tiết của sự kiện. Phóng sự thường được bố cục rất đa dạng đôi khi theo logích ngẫu hứng riêng của tác giả. Tuy nhiên mọi sự sáng tạo hầu hết đều dựa trên cơ sở tôn trọng qui trình diễn biến của hiện thực khách quan. Trọng tâm của là các sự kiện, sự việc là con người, Phóng sự thường cung cấp thông tin giúp cho khán giả hiểu rõ bản chất của sự kiện, vấn đề. Phương pháp chủ yếu sử dung trong phóng sự là tả, thuật, bình.
Đối với ký sự thì tác giả không dừng lại ở kể mà còn suy ngẫm về sự kiện, sự việc, các chi tiết trong ký sự luôn hướng tới việc trở thành hình tượng có sức tác động vào khán giả. Bố cục của ký sự luôn tuân theo dòng suy nghĩ, sự liên tưởng và cảm xúc của tác giả.Trọng tâm của ký sự là các nhân vật với đời sống tinh thần đặc thù, ở các dạng điển hình khác nhau.
2.2.3..So sánh Phim tài liệu và Phóng sự
 Phim tài liệu không nằm trong hệ thống thể loại báo chí truyền hình. Nó là tác phẩm đứng giữa điện ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, không ít nhà báo còn đồng nhất Phim tài liệu với Phóng sự. So sánh Phim tài liệu với phóng sự ta thấy chúng có những điểm khác biệt như sau:
- Phóng sự sử dụng ít thủ pháp nghệ thuật, cái tôi tác giả được thể hiện thông qua sự kiện khách quan, đề cập các vấn đề, sự kiện, con người nổi bật, thời sự tại thời điểm phóng sự đề cập, phản ánh, có giá trị tư liệu.
- Phim tài liệu thường điển hình hoá nhân vật và sự kiện bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, thể hiện cái tôi tình cảm, cảm xúc tác giả qua bộ phim một cách rõ nét, phản ánh sự kiện, vấn đề, con người trong một giai đoạn lịch sử nhất định, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao hơn phóng sự. Ví dụ như phim “Đường dây lên sông Đà”, “ Hoa xương rong trên cát”, “ Vết thương không mảnh đạn”, v.v.v

Chương 3
Các dạng Phóng sự truyền hình

3.1. Phân chia theo đối tượng phản ánh
3.1.1. Phóng sự sự kiện
sốngqua những biểu hiện khác nhau của nó”.( tr 68).
Đối tượng của dạng phóng sự này là các sự kiện thời sự nóng hổi, vừa hoặc đang xảy ra,có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị, xã hội đang htu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Ví dụ sự kiệnViệt Nam ra nhập WTO ngày 7 tháng 11 năm 2006 hay sự kiện Hội nghị APEC - Hà Nội , 2006...
Dạng phóng sự này thường phản ánh diễn biến phát triển của sự kiện. Có kết cấu đơn giản. Chủ yếu nhằm làm rõ đối tượng và cung cấp tương đối đầy đủ logíc diễn biến của sự kịên.
Phóng sự sự kiện được thực hiện thường xuyên trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là chương trình Thời sự, nó cung cấp cho khán giả những thông tin nóng hổi, tỉ mỉ về cả không gian, thời gian, bối cảnh và không khí sự kiện. Tác giả phóng sự có đôi chút đánh giá phân tích và bình luận về ảnh hưởng cũng như xu hướng vận động của sự kiện. Cách tốt nhất là bảo đảm tính trung thực, khách quan và để sự kiện tự nói lên vấn đề.
Phóng sự sự kiện thường được sản xuất dưới cả hai dạng: Phóng sự truyền thẳng và phóng sự có hậu kỳ.
3.1.2. Phóng sự vấn đề
Đối tượng của Phóng sự vấn đề trong truyền hình thường là những vấn đề bức xúc, điển hình, tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xã hội. Đó là những vấn đề tại thời điểm đó đang gây xôn xao dư luận, cần được phân tích đánh giá và định hướng thông tin rõ ràng. Tác phẩm Phóng sự vấn đề có thể phản ánh về một sự kiện hoặc một phần của sự kiện. Tất nhiên sự kiện trong dạng phóng sự này chỉ là nguyên cớ để tác giả đề cập đến một vấn đề (hoặc một chủ đề khác). Dạng phóng sự này thường được thực hiện khi sự kiện hoặc một vài sự kiện có cùng tính chất đã kết thúc, dư luận đòi hỏi có sự hiểu biết cặn kẽ, tỷ mỉ về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả và xu hướng vận động tiếp theo của nó.
ý tưởng nội dung Phóng sự là cơ sở đầu tiên, là sự bắt đầu của quá trình sáng tạo, giúp phóng viên lập kế hoạch kịch bản, lựa chọn hình thức thể hiện, khai thác và tổ chức chặt chẽ tư liệu hình ảnh thời sự, xây dựng kế hoạch ước định song song với dự kiến viết lời cho Phóng sự. Kế hoạch kịch bản thực hiện nhiều chức năng, nó đáp ứng cả yêu cầu sáng tạo, cả yêu cầu kỹ thuật của sản xuất truyền hình. Bởi vì, ngoài ý nghĩa cơ bản là dẫn dắt nhóm làm phim nhanh chóng hiểu được nội dung, hình thức thể hiện Phóng sự, kịch bản còn thực hiện một loạt những nhiệm vụ bổ trợ, sản xuất sáng tạo khác như: dự tính sử dụng các phương tiện kỹ thuật, định mức thời gian cho từng đoạn phim...
Khi làm Phóng sự vấn đề, phóng viên phải có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có uy tín nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao để nhìn nhận vấn đề một cách bao quát, toàn diện, đúng bản chất. Trong bài “Nhà báo nên viết Phóng sự”, đăng ngày 25/7/2006, trên “Nghebao.com” cũng khẳng định rằng: “Kiến thức, ngôn ngữ và vốn sống là ba yếu tố quan trọng nhất chi phối nhà báo khi làm phóng sự”.
3.1.3. Phóng sự chân dung
Đối tượng phản ánh của phóng sự chân dung là con người, những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình tốt hoặc xấu về một mặt, một vấn đề, một hành động, một phẩm chất, tính cách nào đó có ý nghĩa giáo dục, nêu gương, cảnh báo với xã hội.
Khi làm Phóng sự chân dung, phóng viên cần đi sâu tìm hiểu về con người mình lựa chọn để phản ánh. Họ phải là những người gắn liền với những sự việc, hành động cụ thể, có thật. Những phẩm chất của họ được bộc lộ qua suy nghĩ, việc làm. Phóng sự chân dung thường sử dụng phương pháp đặc tả để khắc hoạ tính cách, nội tâm, tình cảm của nhân vật.
Người làm Phóng sự phải lựa chọn những đặc điểm, hành động, việc làm tiêu biểu, mới lạ, gây ấn tượng của họ để miêu tả. Việc đánh giá, bình luận của tác giả Phóng sự là rất cần thiết, nhằm làm sáng tỏ động cơ, nguồn gốc dẫn đến những phẩm chất của họ. Phương pháp tốt nhất là phóng viên sử dụng phương pháp khách quan hoá thông tin bằng cách để những người thân, bạn bè động nghiệp phát biểu về họ và để nhân vật tự bộc lộ.
ở phóng sự chân dung cần có sự thể hiện sinh động, nhưng không được sử dụng thủ pháp nhân cách hoá, điển hình hoá, hư cấu hình tượng nhân vật. Khi thực hiện Phóng sự chân dung, tác giả phóng sự có thể dàn cảnh trên cơ sở của sự thật và đặc biệt phải tôn trong sự thật.
3.2.  Phân chia theo phương pháp thực hiện
3.2.1. Phóng sự điều tra
Phóng sự điều tra thường xuất hiện trong những “hoàn cảnh có vấn đề”. Đó là những hoàn cảnh chứa đựng những mâu thuẫn với những câu hỏi chưa được trả lời hoặc có nhiều cách trả lời nhưng chưa có câu trả lời nào thật đáng tin cậy. Như vậy, đối tượng của dạng Phóng sự này là những sự việc, vấn đề đang nẩy sinh những mâu thuẫn gay gắt, gây nhiều tranh cãi, thường để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội và đang đòi hỏi được phân tích, lý giải và đưa ra những phương pháp giải quyết.
Phóng sự điều tra có thể bắt đầu từ một kết quả tốt hoặc xấu. Để làm rõ nguyên nhân của những hành vi, động cơ tốt hoặc xấu, tác giả Phóng sự phải căn cứ vào tài liệu thu tập được từ nhiều nguồn khác nhau, có đủ lý lẽ để phân tích, chứng minh các tài liệu mình đưa ra. Ngoài những thủ pháp nghiệp vụ thường sử dụng ở các dạng Phóng sự khác, phóng sự điều tra còn sử dụng một số thủ pháp như:
- Tiếp cận vấn đề theo sự kiện, theo đơn thư, dư luận quần chúng.
- Khai thác tài liệu, làm giàu và tăng độ tin cậy của tài liệu bằng cách khai thác trực tiếp, gián tiếp, đa chiều qua những nhân vật có liên quan, thẩm định trực tiếp đối tượng chính của vấn đề điều tra.
- Cắt lớp để xem xét, phân tích, lý giải, khái quát chủ đề, giải quyết mâu thuẫn ở từng tuyến nhân vật hoặc từng vấn đề để chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, thái độ của họ đối với vấn đề dặt ra.
- Đưa mâu thuẫn lên đỉnh điểm và tháo gỡ xung đột.
- Các thủ pháp điện ảnh như: ống kính giấu kín, dựng lại hiện trường trên cơ sở tôn trọng hiện thực cũng được xử dụng nhiều trong Phóng sự điều tra.
- Thủ pháp sử dụng ngôn ngữ: hình ảnh mở đầu, các chi tiết hình ảnh gây ấn tượng có tác dụng chứng minh, so sánh... để nhấn mạnh trọng tâm thông điệp. Các thủ pháp khuôn hình, dàn dựng cũng được sử dụng trong qua trình phân tích, lý giải vấn đề.
Khi sản xuất Phóng sự điều tra, phóng viên cần giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có lòng dũng cảm, say mê công việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Phải coi việc làm rõ vấn đề là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của nhà báo, sẵn sàng vượt qua thử thách, trở ngại trong việc “săn lùng” tư liệu, vượt qua rào cản tâm lý, dư luận xã hội, thậm chí cả sự nguy hiểm tính mạng.
 3.2.2. Phóng sự  truyền thẳng (Phóng sự trực tiếp):
Đối tượng của dạng Phóng sự truyền thẳng là những sự kiện, sự việc trọng đại, tại thời điểm đó dang ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người. Ví dụ: Đại hội Đảng toàn Quốc hay sự kiện Việt Nam vào WTO, Hội nghị APEC - Hà Nội, 2006...
Đặc điểm của Phóng sự này là thông tin về sự kiện tới người xem ngay khi sự kiện đang diễn ra ngoài thực tế.
Nguyên tắc thực hiện Phóng sự truyền thẳng là tôn trọng diễn biến khách quan của sự kiện, để sự kiện diễn ra như bản thân nó vốn có. Những thông tin gửi tới người xem không phụ thuộc vào logíc của người làm phóng sự mà phụ thuộc vào thời gian và không gian thực diễn ra trước ống kính camera và các phương tiện kỹ thuật truyền hình.
Ê kíp sản xuất dạng phóng sự này bao gồm một tập thể những người làm phim như: phóng viên quay phim, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, dựng phim, đạo diễn... Trong đó biên tập viên là người đóng vai trò quan trọng, chứng kiến sự kiện, đưa ra những ý tưởng, xây dựng cấu trúc câu chuyện, lựa chọn những chi tiết hình ảnh, âm thanh, những con số, những câu hỏi phỏng vấn... có ý nghĩa để làm sáng tỏ sự kiện và những gì hình ảnh chưa bộc lộ hết.
Một trong những công việc quan trọng nhất khi tiến hành sản xuất phóng sự truyền thẳng là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị tốt góp phần quyết định sự thành công của Phóng sự. Đặc biệt là chuẩn bị kịch bản, dự kiến nội dung và các tình huống sẽ xảy ra và các phương tiện kỹ thuật. Việc sản xuất loại phóng sự này đòi hỏi tất cả các khâu trong qui trình sáng tạo đều diễn ra cùng một lúc, vì vậy, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các thành viên trong đoàn làm phim.
3.2.3. Phóng sự có hậu kỳ:
Dạng phóng sự này xuất hiện rất nhiều trong các chương trình truyền hình trong nước và quốc tế. Bởi, nó phù hợp với phương thức sản xuất chương trình truyền hình hiện nay là thông tin cập nhật, hấp dẫn, sản xuất thuận tiện, ít tốn kém.
Đối tượng của dạng Phóng sự này là các sự kiện, vấn đề thời sự, con người tiêu biểu đang gây sự quan tâm chú ý của nhiều người trong xã hội.
Phóng sự có hậu kỳ thường được phát sóng ngay sau khi sự kiện xảy ra. Qui trình sản xuất Phóng sự cũng giống Phóng sự truyền thẳng, nhưng các bước thực hiện được phân chia rõ ràng thành hai giai đoạn tiền kỳ và hậu kỳ. Người làm Phóng sự phải khẩn trương làm hậu kỳ, chuyển nhanh thông tin đến công chúng ngay sau khi ghi hình.
Người làm Phóng sự giữ vai trò chính trong tất cả các khâu: lựa chọn đề tài, tìm hiểu thực tế, khai thác tài liệu, chọn góc độ tiếp cận, tham gia phỏng vấn... Số người tham gia làm phóng sự nhỏ hơn rất nhiều so với Phóng sự truyền thẳng. Tính hợp lý của Phóng sự tuỳ thuộc vào bản thân sự kiện và cách xử lý của tác giả Phóng sự. Phóng viên quay phim và phóng viên biên tập phải có mặt tại hiện trường, bám sát sự kiện xảy ra để ghi hình.
ở dạng Phóng sự này khâu dựng hình cũng quan trọng như khâu chuẩn bị và ghi hình.
Chương 4
Quy trình sáng tạo tác phẩm
Phóng sự truyền hình
1. Chọn đề tài
Đề tài tác phẩm báo chí có thể được hiểu là một mảng, một bộ phận, một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội được nhà báo lựa chọn để xây dựng thành tác phẩm để đăng trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác.Đây là khâu quan trọng mang tính chất khoanh vùng đối tượng phản ánh và cũng là lúc phóng viên quyết định nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm.
1.1. Nguồn đề tài và cách xử lý
1.1.1. Đề tài do Ban biên tập phân công
Các đề tài này thường là những sự kiện, vấn đề thời sự, quan trọng, tại thời điểm đó đang là những nội dung chủ đạo trong kế hoạch tuyên truyền của Đài. Cũng có thể là các đề tài do các tổ chức, cơ quan, các hãng truyền thông đặt hàng với Ban biên tập. Hiện nay, ở một số nước trên thế giới hình thức Ban biên tập nhận đơn đặt hàng sản xuất phóng sự cho các tổ chức, cá nhân, các hãng điện ảnh tư nhân... là khá phổ biến. Phần lớn đề tài do khách hàng đề xuất, Ban biên tập chọn đề tài và quyết định giao đề tài cho phóng viên nào. Cũng có khi Ban biên tập đề xuất đề tài đặt các hãng tư nhân sản xuất. 
Khi nhận đựơc đề tài do Ban biên tập phân công, phóng viên cần nhanh chóng nghiên cứu thực tế, tìm hiểu và nắm bắt gợi ý của Ban biên tập để xác định chủ đề trúng, đúng và có thể tìm cách thể hiện tốt nhất. Sau đó viết kịch bản, đưa Ban biên tập xem xét, góp ý rồi mới quay phim và thực hiện các công đoạn tiếp theo.
1.1.2.Đề tài do phóng viên phát hiện và lựa chọn
Phóng viên có thể tìm kiếm đề tài qua công văn, chỉ thị, nghị quyết... của chính phủ, qua tài liệu, sách, báo, đài, internet, qua bạn bè, đồng nghiệp...Cũng có thể đề tài đến từ những chuyến dã ngoại, trong quán cà phê, những cuộc trò chuyện trên hè phố...    
1.2. Tiêu chí lựa chọn đề tài Phóng sự
Đề tài Phóng sự cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề tài một tác phẩm báo chí truyền hình. Đó là:
1.2.1.Đề tài có tính thời sự cao, được nhiều người quan tâm
1.2.2.Đề tài trong kế hoạch sản xuất và tuyên truyền của đài
1.2.3.Đề tài có thể ghi hình được
Ngoài những tiêu chí trên, khi lựa chọn đề tài Phóng sự, phóng viên cần quan tâm đến yếu tố khả thi của đề tài, như: có đủ máy móc, trang thiết bị, khả năng tài chính… để thực hiện đề tài? Những đề tài liên quan đến vấn đề tế nhị, nhay cảm, bí mật quốc gia, những quan niệm về đạo đức… cần được cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn. Chú ý lựa chọn những đề tài mà mình hiểu rõ, có thông tin và thông tin nhiều chiều. Đồng thời, là đề tài mà phóng viên tâm huyết để có cảm hứng trong sáng tạo.  
1.3. Một số lưu ý khác khi chọn đề tài
- Nếu chọn hoặc được phân công làm một đề tài cũ, có nhiều người đã làm thì nên tìm ra những thông tin mới, chủ đề mới để phản ánh.
- Nếu đề tài cần sử dụng nhiều tư liệu cũ, quen thuộc với khán giả thì nên tìm ra cách thể hiện mới, có thể tận dụng các thủ pháp điện ảnh để làm mới hình ảnh.
- Khi lựa chọn đề tài Phóng sự nên quan tâm đến qui luật gần gũi của thông tin.
2. Xác định chủ đề, tư tưởng chủ đề phóng sự
2.1.Xác định chủ đề
Chủ đề là đề tài cụ thể được xác định, là nội dung chính, là đường đi, là đích đến của tác phẩm. Để bộc lộ được chủ đề tác phẩm, phóng viên cần đề cập chủ đề dưới một, vài góc độ nhất định
Thực tế cho thấy “Muốn đi từ chủ đề đến câu chuyện tức là từ cái đã biết đến cái chưa biết, phải đi một quãng đường: góc độ của phóng sự. Góc độ là con đường ngắn nhất để đi từ chủ đề đến câu chuyện”. (Phóng sự truyền hình , Brigitte Besse Didier Desormeaux, trang 30).
Một câu chuyện thực sự thu hút khán giả thường có chủ đề gắn liền với xung đột, sự thay đổi, những sự trái ngược qui luật tự nhiên... Nên khi xác định trọng tâm của câu chuyện phải nhận biết một cách chắc chắn nguồn gốc xung đột, sự căng thẳng, những trở ngại phải vượt qua, hành trình phải thực hiện...
Không được nhầm lẫn trọng tâm và chủ đề (đề tài) câu chuyện.
 Chủ đề là nêu tóm tắt câu chuyện bằng những thông tin cốt lõi, bao quát toàn bộ nội dung câu chuyện.
Trọng tâm chỉ là những điểm nhấn của chủ đề. Trọng tâm là công cụ xác định chính xác khía cạnh nào của câu chuyện cần tập trung, có xung đột hay thay đổi nào liên quan, ai là nhân vật chính của câu chuyện. Xác định được trọng tâm câu chuyện sẽ giúp phóng viên giảm được thời gian ghi hình vì họ không phải quay những gì không cần thiết cho câu chuyện và lựa chọn, sắp xếp những tình tiết liên quan đến nhau thành một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc.
Tóm lại:xác định rõ chủ đề có nghĩa là xác định được con đường đi và cái đích đến của phóng sự, tránh được hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột”, trước, sau không nhất quán. Xác định rõ chủ đề, phóng viên nhanh chóng lựa chọn được nội dung thông tin, sắp xếp các chi tiết chính, ưu tiên chi tiết quan trọng giúp tác phẩm có nội dung rõ ràng, mạch lạc. Xác định được chủ đề sẽ dễ dàng hình thành được cấu trúc tác phẩm, một công việc chiếm rất nhiều công sức của phóng viên.
2.2. Xác định tư tưởng chủ đề cho Phóng sự
Chúng ta đã biết, tư tưởng chủ đề là thái độ, tình cảm, chính kiến của người viết gửi gắm qua sự kiện, vấn đề mà họ phản ánh. Tư tưởng chủ đề là yếu tố xác định phẩm chất giá trị tư tưởng và khả năng định hướng thông tin của tác phẩm. 
Đối với Phóng sự truyền hình, xác định chủ đề, tư tưởng chủ đề chính là khâu xác định nội dung, hình thức thể hiện và đối tượng tiếp nhận thông tin. Từ đó xác định được phương pháp khai thác tài liệu, góc độ tác phẩm đề cập, nội dung thông tin được ưu tiên, xây dựng cấu trúc tác phẩm... Muốn vậy, việc đầu tiên phóng viên phải nắm rõ nội dung sự kiện, vấn dề mình định phản ánh.

3. Tiếp xúc với  nhân vật và sự kiện
3.1. Những chuẩn bị cần thiết
Nguồn tài liệu chủ yếu để tra cứu là sách, báo, tạp chí, thông tin trên mạng, các chương trình phát thanh, truyền hình, ở kho lưu trữ của các tổ chức, ban, ngành đoàn thể trong nước và quốc tế. Tài liệu cũng có từ chính Ban biên tập và các bạn đồng nghiệp của phóng viên.
Phóng viên càng hiểu biết nhiều về nhân vật tham gia trong sự kiện, vấn đề trước thì sẽ càng chủ động trong lúc gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với họ.
Phóng viên có thể tìm hiểu khung cảnh sự kiện thông qua các tư liệu. Việc này rất cần thiết đối với người làm phóng sự truyền hình. Bởi nó giúp phóng viên biết được sẽ có hình ảnh gì ở đó và để có những hình ảnh khác cần thiết cho phóng sự thì phải đứng ở đâu để ghi hình...
3.2. Phóng viên tiếp xúc với nhân vật và sự kiện
3.2.1.Yêu cầu chung
Trong truyền hình, việc tiếp xúc với nhân vật và sự kiện là khâu quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của phóng sự. Nó giúp phóng viên xác định tính chân thật của sự kiện, vấn đề và khẳng định sự kiện, vấn đề đó có thể làm được phóng sự truyền hình hay không.
Có hai cách tiếp xúc với nhân vật và sự kiệnlà: tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp.
Đối với Phóng sự truyền thẳng thì việc khảo sát hiện trường là rất cần thiết”. Thời gian bỏ ra để xem kỹ càng địa điểm sẽ xảy ra sự kiện tỷ lệ thuận với sự lưu loát của phóng viên và sự trong sáng của nội dung cần diễn đạt. Vị trí đứng của phóng viên tại nơi xảy ra sự kiện phải được tính trước. Vị trí đặt các máy quay phim và các góc quay thích hợp cũng vậy”. (Phóng sự phát thanh và truyền hình, của Pierre Ganz với sự cộng tác của Jean- Pierre Champiat, năm 1995, trang 11).
Khi tiếp xúc với các nhân vật phóng viên nên hiểu kỹ về nhân vật, có cách tiếp cận phù hợp từng đối tượng. Đặc biệt, phải chuẩn bị chu đáo các câu hỏi phỏng vấn và dự kiến các tình huống có thể xẩy ra để có thể ứng biến linh hoạt.  Để mọi đối tượng đều tự nhiên và trung thực, nhiệt tình khi cung cấp thông tin, phóng viên phải kiên trì thuyết phục, luôn hiểu và đồng cảm với đối tượng mình đang tiếp cận.
3.2.2.Chuẩn bị thực hiện phỏng vấn
Phỏng vấn trong phóng sự truyền hình luôn có mục tiêu báo chí rõ ràng và cụ thể. Phỏng vấn thường nhằm mục đích cung cấp thông tin khách quan về sự kiện, vấn đề mà Phóng sự đang đề cập thông qua lời kể, miêu tả, giới thiệu, phát biểu, những lời phàn nàn, tranh cãi... của những nhân vật, nhân chứng, những người trực tiếp tham gia hoặc liên quan đến sự kiện, vấn đề đó. Phóng viên phải bám sát đề tài để xác định có bao nhiêu phỏng vấn trong phóng sự và lựa chọn đối tượng để phỏng vấn.
Ba dạng phỏng vấn thường được thực hiện khi làm Phóng sự
 Đó là:
+ Phỏng vấn lấy thông tin
+ Phỏng vấn về quan điểm ý kiến
+ Phỏng vấn nhân vật
  • Các bước chuẩn bị cho phỏng vấn:
Trước khi phỏng vấn phóng viên phải xác định rõ câu hỏi nào được thực hiện phỏng vấn ghi hình, câu hỏi nào phỏng vấn để khai thác, thu thập thông tin phục vụ cho việc viết lời bình.
Phóng viên, người trực tiếp phỏng vấn, phải hiểu rõ “lai lịch”, quan điểm của người trả lời phỏng vấn, chuẩn bị câu hỏi, bám sát các câu hỏi để hỏi và dự kiến được câu trả lời có thể có của họ và dự kiến các tình huống có thể xảy ra để luôn giành thế chủ động trong khi phỏng vấn. Cụ thể là:
+ Chuẩn bị kiến thức cơ bản về đề tài phóng sự để có thể tự tin giao tiếp với người trả lời.
+ Xác định rõ mục tiêu của cuộc phỏng vấn, phóng viên phải đặt địa vị của khán giả để hỏi.
+ Tìm hiểu kỹ đối tượng phỏng vấn là người như thế nào. Họ là người nói ít hay nói nhiều... và quan tâm đến tính trung thực và tính đại diện của người trả lời. Tránh đặt câu hỏi mở với những người nói nhiều.
+ Khi thực hiện phỏng vấn, phóng viên phải tỏ ra cứng rắn, sắc sảo, thận trọng, tỏ rõ mình nắm bắt được vấn đề đang hỏi. Trong phỏng vấn lấy ý kiến về vấn đề đang tranh cãi, hoặc vấn đề nhạy cảm...không nên thiên vị, có ý cam kết hoặc tỏ ra xúc động trước những ý kiến của các đối tượng trả lời phỏng vấn. Đặc biệt phải xem xét kỹ trước khi đưa ra những ý kiến, giải pháp... trong Phóng sự.
+ Khi gặp đối tượng có ý lẩn tránh trả lời câu hỏi, phóng viên cần kiên nhẫn hướng câu trả lời về đúng trọng tâm câu hỏi.
+ Khi người trả lời phỏng vấn có những đòi hỏi phi lý như đòi thay đổi từ ngữ cần có cho phỏng vấn hoặc họ bỏ một phần quan trọng của câu hỏi...thì phóng viên phải tỏ rõ cho họ biết rằng “tôi đọc được ý nghĩ của anh” và thuyết phục họ tham gia cuộc phỏng vấn với thái độ hợp tác, cởi mở hơn.
+ Khi người trả lời phỏng vấn có thái độ nóng nẩy, thô lỗ...phóng viên cần phải luôn bình tĩnh, nói năng đúng mực, sử dụng đúng từ ngữ, ngữ điệu, nhấn mạnh đúng chỗ... để thu hút sự chú ý của đối tượng và làm “giảm nhiệt” của họ bằng lời lẽ, cử chỉ lịch sự.
+ Không nên giới thiệu tên người được phỏng vấn trước khi trích phỏng vấn vì tên, chức danh, địa chỉ của họ luôn được “ bắn” trên hình.
+ Nên quay cảnh thiết lập với nhân vật trong khung cảnh thích hợp với chủ đề như: để nhân vật làm một việc gì đó liên quan đến chủ đề hoặc đang có những hoạt động bình thường. Trong cảnh quay phải thể hiện được địa điểm hiện trường nơi diễn ra phỏng vấn. Ví dụ: Một nhà doanh nghiệp đang đọc báo cáo, ký văn bản, xem xét một sản phẩm mới...Một công nhân đang thao tác máy...Khi thiết lập những cảnh này nên tìm cách quay được cảnh nhân vật nhìn thẳng vào ống kính để có thể chuyển cảnh từ chỗ đang làm việc sang trao đổi với người phỏng vấn.
- Chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn
+ Câu hỏi mở: thường là câu hỏi tại sao, như thế nào.
+ Câu hỏi đóng: thường có đuôi “có phải như thế này không”.
+ Câu hỏi lựa chọn: có chứa yếu tố “điều đó như thế này hay như thế nào” trong câu hỏi.
+ Câu hỏi theo cấp độ: có chứa đựng gợi ý để trả lời.
+ Câu hỏi kiểu ban công (hỏi mồi) cài trước thông tin, đặt câu hỏi ngắn, tránh đặt câu hỏi gợi ý, câu hỏi kép.
- Những lỗi thường gặp khi đặt câu hỏi:
+ Đặt câu hỏi dài dòng.
+ Câu hỏi phức tạp
+ Các câu hỏi đơn điệu  
+ Hỏi qúa ít, người trả lời nói quá dài.
+ Tỏ ra thờ ơ khi đặt câu hỏi, người hỏi không chú ý lắng nghe.
+ Không đặt câu hỏi quá mềm.
+ Không đặt các câu hỏi quá gay gắt.
-  Chọn địa điểm quay phỏng vấn:
 Phóng viên nên quan tâm đến địa điểm phỏng vấn. Phần lớn các phỏng vấn mang tính thời sự như trong phóng sự đều được thực hiện ở ngoài trời. ánh sáng và không gian bối cảnh tự nhên bao giờ cũng cho hình ảnh đẹp hơn ánh sáng đèn và không gian trong phòng. Hơn nữa, việc có một kỹ thuật viên ánh sáng đi làm Phóng sự ngày càng hiếm. Nếu quay phỏng vấn mà chỉ dùng một đèn chiếu sáng gắn trên máy quay thì hiệu quả không cao. Địa điểm phỏng vấn có tác dụng bổ sung thêm thông tin cho nội dung cuộc phỏng vấn.
4. kịch bản Phóng sự truyền hình
4.1.Mối quan hệ giữa kịch bản điện ảnh và kịch bản truyền hình
Thực tế cho thấy, kịch bản phim truyền hình không có gì khác so với kịch bản phim điện ảnh. Các nhân tố chính cấu thành nên kịch bản phim truyền hình và điện ảnh là: miêu tả bằng văn xuôi, đối thoại, phụ đề, lời nói sau màn ảnh, âm nhạc và tiếng động. Trong kịch bản sử dụng tối đa các phương tiện của điện ảnh, là: ngôn ngữ kể chuyện bằng hình ảnh, âm thanh và nghệ thuật montage. Kịch bản điện ảnh thường có kết cấu và bố cục theo hình thức: tiểu thuyết (gồm chương, hồi, đoạn), truyện ngắn (gồm các đoạn), Phim (gồm cảnh, đoạn và trường đoạn).
 Trong điện ảnh có nhiều thể loại kịch bản, như: kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu, kịch bản phim khoa học, kịch bản phim hoạt hình..
Trong các loại thể kịch bản điện ảnh, kịch bản phim tài liệu có nhiều điểm giống với kịch bản của tác phẩm báo chí truyền hình. Bởi chất liệu xây dựng phim chính là những hình ảnh từ cuộc sống thật, không hư cấu và ít dàn dựng. Tuy nhiên, so với kịch bản viết cho các tác phẩm thuộc các thể loại báo chí truyền hình như: tin, phóng sự, ký sự... thì có nhiều điểm khác biệt.
4.2.Kịch bản Phóng sự truyền hình
 Kịch bản của Phóng sự truyền hình là mô hình thực tế của xã hội, là sự tiên đoán, là kế hoạch để quay phim.
Kịch bản được xây dựng trước khi quay phải truyền đạt được cho êkíp làm phim một cách rõ ràng và gợi sức tưởng tượng những gì phóng viên biên tập mong muốn.Viết kịch bản chính là hình ảnh hoá đề tài. Một kịch bản tốt là phải làm cho mọi người đọc kịch bản đều nhận thức như nhau về nội dung của đề tài và không hạn chế tài năng sáng tạo của nhóm làm phim.
Còn một loại kịch bản được phóng viên viết sau khi quay phim và trước khi ngồi vào bàn dựng. Đó là kịch bản dựng.
Kịch bản dựng hay còn gọi là kịch bản phân cảnh là bộ phim có hình ảnh và lời bình tương đối hoàn chỉnh được thể hiện trên giấy. Trong kịch bản dựng, nội dung, hình thức thể hiện của tác phẩm được trình bày cụ thể, theo lôgíc nhất định nhằm bộc lộ rõ chủ đề và tư tưởng chủ đề của phóng sự. Thời lượng các cảnh quay đuợc định lượng chính xác.
4.3.Đặc điểm của Kịch bản Phóng sự truyền hình
Kịch bản có các đặc điểm chính như sau:
-Mang tính dự kiến, dự báo.
Chất liệu xây dựng kịch bản là chất liệu có thật ngoài cuộc sống, không dàn dựng, hư cấu.
-Vừa là kịch bản văn học vừa là kịch bản đạo diễn.
- Chỉ sử dụng một lần.
4.4. Các dạng kịch bản Phóng sự truyền hình
 Kịch bản của hầu hết các tác phẩm báo chí truyền hình trong đó có Phóng sự truyền hình thường được viết dưới hai dạng, là:  kịch bản chi tiết và kịch bản đề cương hay còn gọi là kế hoạch kịch bản
-Kịch bản chi tiết thường được viết cho những sự kiện, vấn đề có diễn biến tương đối ổn định. Đối tượng phản ánh xác định khá rõ, ít biến động. Phóng viên có thể xây dựng kịch bản chi tiết tuỳ theo mức độ ổn định của đối tượng, nếu đối tượng phản ánh có độ ổn định cao thì kịch bản có thể chi tiết tới từng cảnh quay.
Kịch bản đề cương là kịch bản được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu thực tế, nắm bắt được cơ bản quá trình diễn biến của sự kiện xẩy ra. Do diễn biến của sự kiện không ổn định nên kịch bản xây dựng theo dự kiến, dự đoán và theo kinh nghiệm của phóng viên là chính.
Phóng viên khi viết kịch bản cho tác phẩm báo chí truyền hình, đặc biệt là Phóng sự thường viết dưới dạng đề cương. Còn hầu hết kịch bản các chương trình truyền hình đều được viết dưới dạng chi tiết. Đặc biệt là chương trình truyền hình trực tiếp.
4.5.Xây dựng kịch bản
4.5.1.Tên tác phẩm
Phóng sự ngắn trong các chương trình thời sự truyền hình thường không “bắn” tên. Các phóng sự dài và các Phóng sự trong chương trình tạp chí, chuyên đề... thì ngược lại. Tên Phóng sự có thể thay đổi khi Phóng sự hoàn thành. Tuy nhiên, trước khi quay Phóng sự, phóng viên cũng nên đặt tên cho tác phẩm. Bởi, nó giúp phóng viên một lần nữa xác định rõ chủ đề của phóng sự, vạch ra đường đi và đích đến của nó.
Tên của phóng sự cần rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, năng động, chính xác, chứa đựng thông tin hoặc nêu được thông tin độc đáo.
       Không nên dặt cho phóng sự những tên quá dài, chung chung, không bộc lộ nội dung, tính chất Phóng sự, quá quen thuộc hoặc không gây ấn tượng...                      Chọn kiểu chữ, phông chữ, phông nền và sử dụng kỹ xảo “bắn’’chữ vào Phóng sự sao cho phù hợp với nội dung tư tưởng của tác phẩm, góp phần tạo ấn tượng và sức hấp dẫn của Phóng sự ngay từ những hình ảnh đầu tiên.  
4.5.2.Thời lượng tác phẩm
Trước khi xác định thời lượng cho phóng sự, chúng ta phải xác định Phóng sự này được phát sóng trong chương trình nào để định lượng thời gian phù hợp. Nếu phát trong chương trình thời sự thì chỉ nên làm phóng sự ngắn có thời lượng vài ba phát, nếu phút trong chương trình chuyên đề hoặc tạp chí có thể làm phóng sự dài hơn.
Xác định thời lượng Phóng sự giúp cho phóng viên lựa chọn vấn đề, góc độ phán ánh, ghi hình, phỏng vấn, xây dựng cấu trúc... cụ thể là tìm nội dung và hình thức thể hiện phù hợp với thời lượng đó.
4.5.3. Chủ đề tác phẩm
Trong phần này, phóng viên trình bày ngắn gọn bao quát toàn bộ nội dung chính của phóng sự. Những chi tiết “đinh” của câu chuyện phải được chú trọng trình bày theo đường dây nhất dịnh. Xác định chủ đề cho phóng sự giống như tạo phần xương của một cơ thể. Từ khung xương đó tác giả đắp “da”, “thịt” tạo thành một cơ thể hoàn chỉnh. Trong quá trình sáng tạo Phóng sự, chúng ta luôn chú trọng thổi “hồn” vào tác phẩm qua từng chi tiết hình ảnh và âm thanh, tạo ra những nét độc đáo và hấp dẫn..
4.5.4.Dự kiến thể hiện tác phẩm
Phóng viên xác định rõ góc độ Phóng sự, dự kiến hình ảnh cốt lõi, chủ chốt của tác phẩm, dự kiến nội dung phỏng vấn, nhân vật tham gia phỏng vấn và lời bình cho Phóng sự. Trong kịch bản nên dự kiến các cảnh quay chủ chốt và sắp xếp theo thứ tự các chi tiết hình ảnh theo một dàn bài nhất định, đảm bảo câu chuyện được kể một cách hấp dẫn, dễ hiểu ngay từ chi tiết đầu tiên.
 Xác định rõ cảnh mở đầu là hình ảnh gì? cỡ cảnh nào? có sử dụng thủ pháp điện ảnh nào không?...các cảnh tiếp theo được dự kiến cụ thể, đặc biệt là các chi tiết hình ảnh có thể tạo cảm xúc, ấn tượng. Dự kiến phỏng vấn và người trả lời. Xác định nơi phóng viên xuất hiện trên hình (nếu có). Chú ý lựa chọn cảnh kết Phóng sự thật hấp dẫn.
4.3.5.Địa điểm ghi hình
Phóng viên cần ghi rõ địa điểm ghi hình, đặc biệt là địa điểm ghi hình các cảnh quay chủ chốt để những thành viên trong êkíp làm phim nắm bắt được công việc và có sự chuẩn bị tốt cho chuyến đi.
4.3.6.Yêu cầu phụ trợ
Phóng viên dự kiến: phương tiện máy móc, xe cộ, thời gian thực hiện, kinh phí, băng tư liệu, nhạc, tiếng động, chọn êkíp làm việc...nhằm tạo thế chủ động trong việc ghi hình và các hoạt động khác ở hiện trường, đồng thời để Ban biên tập biết và duyệt những đề nghị của Phóng viên.
Trình bày kịch bản Phóng sự theo dạng nào là do sự sáng tạo của mỗi phóng viên. Yêu cầu đặt ra là kịch bản đó phải làm rõ những vấn đề cơ bản như: Phóng sự làm về cái gì? Làm như thế nào? Tại sao làm vấn đề đó? Nhân vật chính có gì đặc biệt? Những tình huống, kịch tính, chi tiết nổi bật...

5. Quay phim
5.1.Vai trò của khâu quay phim trong sản xuất Phóng sự truyền    hình
Có thể nói quay phim là khâu sáng tạo quan trọng trong quá trình sản xuất tác phẩm báo chí truyền hình nói chung và Phóng sự truyền hình nói riêng. Eric Fikhteluis, nhà nghiên cứu báo chí nổi tiếng cho rằng: “Trong truyền hình cần những cảnh quay các sự kiện tại chỗ, nếu càng đạt yêu cầu thì càng tốt, các cảnh quay không đạt hoặc buồn tẻ đi kèm một tin quan trọng có thể làm cho nó bị loại ra khỏi sự chú ý bởi một tin kém quan trọng nhưng được minh hoạ bằng những hình ảnh tốt hơn. Điều này lại là thực tế của nghề báo hình”. Ông cũng đánh giá cao về vai trò của khâu ghi hình “Khả năng ghi hình đầy hiệu quả ở tiêu điểm sự kiện đã làm cho truyền hình trở thành phương tiện truyền tải thông tin độc nhất không gì so sánh nổi trên nhiều phương diện”. 
Hình ảnh Phóng sự truyền hình phải đạt tiêu chuẩn chất lượng về nội dung và hình thức tức là phải giàu có về thông tin trong từng khuôn hình, cỡ cảnh và thể hiện được cảm xúc thẩm mỹ cũng như tính nghệ thuật.
Phóng sự truyền hình thông tin về quang cảnh, sự việc và con nguời trong đó con người là nhân vật trung tâm. Vì vậy, so với hình ảnh của các thể loại báo chí truyền hình khác thì ghi hình ảnh cho Phóng sự truyền hình cần có những thủ thuật riêng. Đó là biết tạo ra những hình ảnh “biết nói”, thể hiện nội dung câu chuyện, những hình ảnh ghi lại địa danh, không khí, tâm trạng, tính cách con người và kể đúng câu chuyện mà phóng viên muốn kể. Chú ý những cảnh cận, khuôn mặt, chi tiết, những hình ảnh có hành động...
5.2.Một số thủ pháp thường dùng khi quay Phóng sự
- Khi quay Phóng sự phải chú ý chọn khuôn hình nhiều bối cảnh, bố cục khuôn hình phải thể hiện được thông tin cần thiết.
-  Cảnh quay trong Phóng sự có độ dài lớn hơn trong Tin.
- Quay nhiều cảnh với nhiều cỡ cảnh và góc quay khác nhau
- Có thể sử dụng các loại động tác máy và kỹ xảo: khi làm Tin người ta hạn chế sử dụng nhiều động tác máy, nhưng làm Phóng sự có thể sử dụng tất cả các loại động tác máy khác nhau. Mỗi động tác máy đem lại một hiệu quả hình ảnh nhất định. Có một số động tác máy cơ bản như:
- Càng xa nơi xảy ra sự kiện thì hình ảnh càng ít quan trọng
- Chú ý ghi một vài cảnh mở hay khép lại chủ đề và những cảnh gây chú ý của người xem, giống như những đầu đề nhỏ trong một bài báo.
- Chú ý ghi âm thanh hiện trường: để làm tăng tính trung thực và hấp dẫn của hình ảnh.
- Quay bảng, biểu, đồ thị, mô hình... để chuyển tải các con số bằng hình ảnh.
5.3.Chuẩn bị trước khi quay phim
Trước khi tới hiện trường, phóng viên và quay phim cần kiểm tra một lần nữa những yếu tố cần thiết cho Phóng sự như:
- Âm thanh:
- Hình ảnh:
- ánh sáng:
- Phim tư liệu:
- Đồ hoạ: 
- Hình chụp:
- Phóng viên biên tập, phóng viên quay phim và các thành viên trong êkíp làm Phóng sự phải nắm được đề tài và cấu trúc của đề tài trước khi đến hiện trường.  
5.4.Hoạt động của phóng viên tại hiện trường
5.4.1.Nhanh chóng tiếp cận, bám sát nhân vật và sự kiện từ đầu cho tới cuối, thu thập chính xác từng chi tiết của sự kiện bằng hình ảnh và âm thanh, ghi chép thông tin một cách đầy đủ và khoa học.
5.4.2.Một số lưu ý khi quay phỏng vấn
5.4.2.Phóng viên xuất hiện trong phóng sự
Tóm lại: ở công đoạn quay phim phóng sự, ngoài những kỹ năng sáng tạo cơ bản, phóng viên phải sử dụng tổng hợp nhiều kỹ năng sáng tạo tác phẩm truyền hình. Phóng viên cần có sự quan sát tinh tế để phát hiện ra những chi tiết quan trọng, bất ngờ của sự việc, vấn đề, bám sát diễn biến của sự kiện vấn đề để thu thập thông tin đầy đủ, chi tiết cả về hình ảnh và âm thanh. Tiếp cận đối tượng phỏng vấn, tạo sự thân thiết, gần giũ để có những hình ảnh tự nhiên và những câu trả lời trung thực. Kết hợp ăn ý với cameraman để có thể ghi được những hình ảnh đẹp, nhiều thông tin.
6. Dựng phim (Montage)
6.1.Khái niệm dựng phim
Trong truyền hình dựng phim tức làlựa chọn các chất liệu (các cảnh quay riêng biệt) nối chúng lại với nhau cho liên tục, dựa trên logíc cuộc sống và những nguyên tắc mỹ học, tạo thành một tổng thể trong đó khái quát một vấn đề có tính tư tưởng cụ thể.
6.2.Những thao tác cụ thể khi dựng phim
- Xem lại toàn bộ tư liệu đã ghi hình và những thông tin thu thập được.
-Lên danh sách vá đánh số cho các cảnh quay đã ghi được, các ghi chép và văn bản nháp.
Xác định lại góc độ Phóng sự
- Xây dựng cấu trúc cho tác phẩm.
Độ dài phóng sự cũng là vấn đề phóng viên cần quan tâm. Thực chất, Phóng sự là câu chuyện có thật được nén lại. Quyết định thời lượng cho mỗi cảnh và thời gian cho phóng sự để lựa chọn, sắp xếp thông tin làm sao bảo đảm sự vận động, phát triển hợp lý của chi tiết hành động và của cả sự kiện.
6.3.Viết kịch bản phân cảnh
Viết kịch bản phân cảnh (kịch bản dựng) chính là thiết kế bộ phim trên giấy. Khi phóng viên bắt tay vào dựng kịch bản vẫn còn thay đổi. Tuy nhiên, nếu phóng viên bỏ nhiều công sức viết kịch bản dựng thì sẽ tiết kiệm được thời gian ngồi ở bàn dựng. Viết kịch bản dựng tức là dựa vào cấu trúc đã chọn sắp xếp các cảnh quay theo thứ tự, xác định độ dài từng cảnh và thời lượng cho cả Phóng sự, nhằm bộc lộ rõ chủ đề và chuyển tải nội dung thông tin dưới hình thức phù hợp, mới lạ, hấp dẫn.
Trước khi dựng Phóng sự, phóng viên nên trao đổi bàn bạc với kỹ thuật viên dựng hình. Họ sẽ góp ý, nhận xét phóng sự dưới góc độ chuyên môn, đồng thời họ cũng chính là khán giả đầu tiên xem tác phẩm của phóng viên. Vì vậy, ý kiến của những người này rất cần thiết để phóng viên kịp thời sửa đổi cho phù hợp tâm lý, nhu cầu khán giả và làm cho tác phẩm hoàn hảo hơn trước khi lên sóng.
6.4.Một số thủ pháp dựng Phóng sự
- Cắt cảnh:
- Thời điểm cắt cảnh:
Dựng chuyển động:
Trộn hình:
- Chồng mờ:
- Độ dài của cảnh:
- Ghép nối các cỡ cảnh:             
- Trái trục:
- Âm thanhgiúp Phóng sự có kết cấu chặt chẽ hơn và cảm xúc phong phú hơn.
Đối với truyền hình nói chung, phóng sự nói riêng, dựng là công đoạn quan trọng trong qui trình sáng tạo tác phẩm. Nó có thể làm cho Phóng sự gọn gàng, mạch lạc, dễ hiểu, giàu thông tin và có nghệ thuật hơn. Nhưng nếu không có kỹ năng dựng tốt nó sẽ tạo hiệu ứng ngược. Hơn nữa, nó còn có khả năng làm thay đổi, đảo lộn làm phá sản kế hoạch sáng tạo của phóng viên. Vì vậy, đã là phóng viên truyền hình thì phải luôn luôn rèn luyện kỹ năng montage.
7. Viết lời bình
7.1.Một số yêu cầu khi viết lời bình cho Phóng sự truyền hình:
- Lời bình phải rõ ràng, thể hiện rõ thái độ khen, chê, không lấp lửng, nửa vời, giúp khán giả hiểu được bản chất của sự kiện, vấn đề
- Lời bình phóng sự không phải là bản thống kê thành tích cũng không phải là bản cáo trạng hoặc sơ yếu lý lịch. Phải vận dụng các đặc trưng văn học để làm cho lời bình mềm mại, uyển chuyển, giàu cảm xúc... Bằng sự trong sáng, dễ hiểu, chân thật của văn chương làm cho khán giả tự giác thừa nhận những thông tin mà Phóng sự cung cấp.
- Lời bình nên viết sắc sảo, có phong cách, chặt chẽ về cú pháp, phong phú, linh hoạt trong sử dụng từ. Không dùng từ hoa mỹ, phô trương, kích động, bút pháp cầu kỳ.
7.2.Kỹ năng viết lời bình cho Phóng sự truyền hình
7.2.1.Viết câu mở đầu:
Câu mở đầu có tác dụng lôi kéo sự chú ý của khán giả. Do đó nên suy nghĩ, cân nhắc để viết thế nào cho ấn tượng. Câu đầu tiên phải xác định rõ ngay góc độ phóng sự đề cập, phải chứa đựng những thông tin mới nhất, mạnh nhất và bất ngờ nhất, chú ý mô tả không khí sự kiện.
7.2.2.Câu ngắn
Câu ngắn làm cho người xem dễ hiểu, dễ nhớ. Tất nhiên, cũng có thể viết câu dài xen kẽ câu ngắn nhưng phải viết thế nào để tạo nhịp và chỗ ngắt nghỉ khi đọc. Hơn nữa, đừng quên rằng thế mạnh của truyền hình là sử dụng những câu ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu.
7.2.3.Từ ngữ cụ thể, sinh động
Sử dụng những từ thông dụng, đơn giản, những từ ngữ hàng ngày mà khi nghe khán giả hiểu ngay được. Dùng những từ cụ thể để biểu đạt thái độ, tình cảm về một sự vất, con người... Ví dụ trong Phóng sự “Một người khuyết tật bị đánh cắp ý tưởng”, khi trình bày diễn biến của hành trình tìm lại ý tưởng của nhân vật đã bị đánh cắp tác giả đưa ra các con số thời gian như “ tháng 8 vừa qua, 15 ngày sau, cách đây 5 năm” tạo ra lôgíc diễn biến của câu chuyện rất rõ ràng, cụ thể theo tiến trình thời gian.
7.2.4.Câu kết
Phải trau chuốt, cô đọng, vì nó sẽ là những lời cuối cùng đọng lại trong đầu khán giả. Có thể khép lại một góc độ, mở ra một chủ đề khác...nhưng không nên đưa ra bài học đạo đức.
7.2.5.Trích Phỏng vấn
Một chi tiết ngắn xen vào giữa bài viết, như một lời trích dẫn trong ngoặc kép. Nên để từ 10 đến 20 giây là đủ.
Trích những câu quan trọng nhất của phần trả lời hay những từ gây sốc của nhân chứng.
Trích phỏng vấn làm cho Phóng sự rõ ràng hơn, bổ sung, minh hoạ thêm cho tác phẩm.
7.2.6. Kỹ năng viết lời dẫn
Nói về chức năng của lời dẫn, cuốn “Làm tin Phóng sự truyền hình” viết: “Lời dẫn có vị trí đứng giữa một Phóng sự xuất sắc và nút chuyển kênh trên bàn điều khiển từ xa của ti vi.
Lời dẫn phải thu hút, lôi kéo sự chú ý của người xem, định hình tâm trạng và có thể có thêm chút bối cảnh.
Dĩ nhiên lời dẫn phải tạo sự mong đợi trong đầu người xem rằng: ngồi thên vài phút nữa thật không uổng công”.( trang 36)
Ngôn ngữ viết lời dẫn là ngôn ngữ đơn giản, cô đọng, rõ ràng, gợi mở và bảo đảm logíc với lời bình phía trước và phía sau nó. Lời dẫn gồm: lời dẫn mở đầu Phóng sự, lời dẫn liên kết giữa các chi tiết khác nhau của sự kiện vấn đề (thường ở phần thân của Phóng sự, lời dẫn kết luận vấn đề (thường ở phần cuối của Phóng sự).
  Lời dẫn mở đầu Phóng sự nên gợi sự tò mò, tính hiếu kỳ của người xem. Có thể tạo sự chú ý của ngưòi xen bằng những thông tin “gây sốc”...
Có thể viết lời dẫn dưới hình thức:
+ Tóm tắt câu chuyện qua một số từ nhưng không trùng với những từ đã dùng trong bài. (Summary)
+ Chuẩn bị cho người xem: nói một số chi tiết phóng sự đề cập, mhưng không tiết lộ hết thông tin. (Preparation)
+ Thông tin bối cảnh. (context)
+ Gợi mở khiến người xem muốn biết thêm. (tease)
+ Thuyết phục người xem xem bài xủa mình. (Sell)
7.2.7.Viết các con số:
Không đưa ra quá nhiều con số, còn với những con số dài, lẻ nên làm tròn hoặc viết ở dạng “gần”, “khoảng”. Nên phân tích, so sánh các con số thì thông tin sâu hơn và hiệu quả tác động cao hơn.
- Chú ý những khoảng lặng: không nên viết quá nhiều lời vào phóng sự, hãy tạo ra những khoảng lặng dù ngắn ngủi, vì chúng có thể tạo hiệu qủa cho Phóng sự.
8. Hoà âm( Đọc lời, hoà nhạc và tiếng động)
8.1.Đọc lời
Khi đọc lời cho Phóng sự phải giúp cho người xem có được cảm giác như đang nghe phóng viên nói chuyện, tâm sự. Phải chọn giọng đọc phù hợp với nội dung, tư tưởng và tình cảm của tác phẩm. Đọc tròn vành, rõ tiếng, chú ý nhấn mạnh những thông tin quan trọng bằng cách đánh dấu những đoạn quan trọng trong văn bản và nhấn mạnh vào những đoạn đó. Đọc không chỉ trơn tru mà còn có cảm xúc. Phần lời bình thường kết thúc trước phần hình từ 2 đến 3 giây. Mở đầu Phóng sự nên chờ vài giây hình rồi mới bắt đầu đọc. Phần bình luận và câu đầu tiên của phỏng vấn phải cách nhau từ 1 đến 2 giây. Khi đọc nên lấy hơi và hít thở ở cuối câu.
8.2.Hoà nhạc
Chọn nhạc có nội dung, giai điệu phù hợp với nội dung tư tưởng tác phẩm.
Không lấy nhạc làm nền suốt từ đầu đến cuối phóng sự. Điều chỉnh âm lượng phù hợp cho từng đoạn phim. Không để nhạc át lời bình, tiếng động hiện trường.
8.3.Hoà tiếng động
Trong bất kỳ Phóng sự truyền hình nào cũng phải có tiếng động hiện trường. Khi dựng chú ý không để một cảnh nào bị “thủng” tiếng động hiện trường. Tiếng động sử dụng có chủ y phải được suy nghĩ ngay từ khi viết kịch bản để khi quay phim camera man chủ động ghi âm. Tính đến hiệu quả tác động và sự kết hợp hài hoà của tiếng động với các âm thanh khác trong từng cảnh của phóng sự.
9. Phát sóng
Sau khi hoàn thành các công đoạn sản xuất Phóng sự, phóng viên chú ý đề tên những người thực hiện phóng sự, sau đó xem lại toàn bộ phóng sự trước khi nộp băng cho Ban biên tập. Nếu có yêu cầu sửa chữa phải nhanh chóng hoàn thành và nộp sản phẩm trong thời gian sớm nhất để kịp phát sóng trong chương trình nhất định.
Sau khi phát sóng, phóng viên nên chú ý lắng nghe dư luận và góp ý của đồng nghiệp đề rút kinh ghiệm cho Phóng sự sau. Khi có ý kiến thắc mắc chủ khán giả phóng viên có trách nhiệm trả lời. Nếu đúng phải bảo vệ ý kiến. Nếu sai phải xin lỗi và đính chính trên báo, đài.
Sáng tạo Phóng sự truyện hình là một kỹ năng mà bất kỳ một phóng viên truyền hình nào cũng phải nắm được. Tuy nhiên để có thể trở thành nhà Phóng sự điêu luyện, có tên tuổi trên sóng truyền hình thì chưa nhiều người làm được. Nhưng chúng ta cũng biết bí quyết của sự thành công là “Khổ luyện thành tài”. Không có gì không thể vượt qua nếu chúng ta có tâm huyết và lòng say mê với con đường đã chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét