Khiemnguyen

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Chuyện cũ úp lại...

RẤT CẦN CÓ SỰ TỰ TRỌNG CỦA NGƯỜI LÀM THẦY
Điểm: 0 (0 lượt) | Lượt xem: 107
| Bình chọn:  

Lâu lắm hôm nay mới viết, đành rằng viết đã là một thói quen, nhưng sự không ổn định về mặt tinh thần cũng khiến người ta không viết được. Có lẽ tại đất trời nóng quá.
Một vài người ủng hộ tôi viết các chuyên đề về giáo dục, tôi nghĩ đó là một ý kiến rất hay và cũng đáng mừng. Từ rất lâu tôi đã có quan điểm rằng mọi sự đều do chúng ta, với kiến thức được trang bị làm nên cuộc sống này, tất cả những điều được và chưa được đều do giáo dục mà nên, giáo dục từ trong mỗi gia đình, nhà trường và cả xã hội nữa. Với quan điểm đó, tôi hay có suy nghĩ về vấn đề giáo dục của chúng ta hiện nay.
Xem bản tin Thời sự 19h00 hôm nay, khi nói về ngành giáo dục của nước nào đó ở châu Phi xa xôi, ông anh tôi đã nói nhìn những hình ảnh đấy thấy ghê ghê thế nào, ý anh nói với cảnh trường lớp, học trò với những màu da xa lạ với mình có gì đó vẻ như lạc hậu và hơi man rợ. Tôi đã nói ước gì nước mình có nền giáo dục như họ. Tất cả mọi người nghe tôi nói vậy đều có vẻ ngạc nhiên lắm.
Nhớ cách đây khoảng 15 năm, tôi có dịp vào thăm trường PTCS xã Lâu Thượng... bây giờ. Ấn tượng của tôi về ngôi trường làng đó thật đẹp, không phải vì nét thanh bình của ngôi trường làng núp dưới rặng tre như bao trường lang khác mà chính là sự chuẩn mực về không gian của ngôi trường đó. Bây giờ bạn có thể xem bất cứ một video clip nào về mái trường về tình thầy trò về tình cảm thuở mực tím đều dễ dàng bắt gặp cảnh ngôi trường với những vòm cuốn, cửa sổ xanh và những hành lang dài hun hút, video mượn không gian của những trường như Chu Văn An, Việt Đức ở Hà Nội hay những trường tương tự vậy ở Huế hay thành phố Hồ Chí Minh… Tôi đã bắt gặp hình ảnh đó ở Lâu Thượng. Nó không nhiều phòng học như những trường ở thành phố, chỉ với hai dãy nhà có bốn phòng học nhưng được xây cất rất chuẩn mực, qua gần 100 năm nhưng những đường nét kiến trúc, những dấu vết của vật liệu, trang thiết bị vẫn còn đâu đó… tôi bị ấn tượng bởi sự chuẩn mực của một nền giáo dục của một thời thuộc địa, bảo hộ. Người Pháp bên cạnh việc đô hộ thì một điều không thể phủ nhận được là học đã có công rất lớn khi đưa vào Việt Nam chữ quốc ngữ và một hệ thống giáo dục hoàn hảo từ trung ương đến cơ sở. Tất cả cho đến bây giờ dù phủ nhận hay công nhận, dù còn lưu giữ hay đã mất nhưng đã chứng minh rằng bao thế hệ thời Pháp học đều trưởng thành.
Có lẽ tôi là người trẻ mà hay hoài cổ, nhưng tôi rất yêu những nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán hoặc văn học giai đoạn trước và sau Cách mạng. Tôi yêu từ hình ảnh thầy giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao bần hàn không có một bộ quần áo tử tế để ra đường chứ chưa nói đến lên lớp dạy con trẻ. Không phải họ là người sỹ diện mà thực sự là họ coi đó là một chuẩn mực về ăn mặc của người thầy, là sự tự trọng của người làm thầy. Điều đó rất đáng kính. Năm 1994, tôi đi học và làm lớp trưởng, nhập học được khoảng 2 tuần, một hôm có một cô gái mặc áo dài trắng bước vào lớp, nói với thầy giáo “thưa thầy con xin vào lớp, con chuyển trường từ thành phố Hồ Chí Minh ra, hôm nay là buổi đầu tiên đến nhập học…”. Cả lớp, cả thầy, cả trờ đều ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên từ cách xưng hô, ăn mặc đến sự lễ phép và dịu dàng vô cùng đó. Sau này cô gái đó khá thân thiện với tôi nói rằng cô thích nhất tôi vì tôi có cách xưng hô gần gũi lắm, tôi không mày tao chi tớ, không anh anh em em ngọt nhạt mà đơn giản vì lối xưng hô gọi em xưng tôi của tôi. Tôi chỉ cười. Thực ra đấy là sự sao chép lối xưng hô của văn chương thời tiền chiến, theo tôi là rất đứng đắn, nghiêm túc và cũng gần gũi nhau nữa. Bây giờ chúng ta có điều kiện tiếp cận với phim ảnh nước ngoài nhiều, bạn thử xem phần thoại của phim nước ngoài cho dù đã được dịch, được thuyết minh, nhưng sao nội dung lời thoại lại hay và gần gũi đến thế, trong khi đó xem phim Việt Nam mình, người mình đóng phim mình, nói tiếng mình thì nghe cứ ngô nghê hay giả vờ thế nào đó. Tôi nói vậy bạn cứ so sánh thử xem tôi nhĩ có đúng không nhé. Vấn đề là không có một chuẩn mực nào cho việc dạy dỗ cả, bắt đầu từ những điều rất đơn giản là học ăn học nói thôi.
Chính vì thế, với một tư tưởng hoài cố, tôi mới mong muốn mình có một nền giáo dục như ở nước châu Phi xa xôi kia. Thà là họ lạc hậu, họ nghèo khó, nhưng vì thế mà họ tiếp thu một hệ thống giáo dục chuẩn của thế giới về cho mình còn hơn là sự chắp vá, sự cải cách mà chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi nào thì kết thúc của sự nghiệp giáo dục nước mình.
Tôi kể những câu chuyện trên về một thời đã xa là muốn nói về những chuẩn mực ngay từ trong nhà trường. Trước hết là về cơ sở vật chất, sau đó là người thầy giáo. Lòng tự trọng của người làm thầy phải là yêu cầu đầu tiên. Mỗi người cần phải có lòng tự trọng của riêng mình, nhưng với đạo làm thầy lòng tự trọng đó phải là một đạo lý, cho dù thế nào chăng nữa cũng không thể bao biện bởi lý do này hay lý do khác.
Hôm nghe thầy giáo Hán phát biểu về lý do ứng cử vào Trung ương, thầy cho rằng đầu tư của nhà nước ta cho ngành giáo dục đã là rất lớn, không phải là lớn so với sự đầu tư của nước ngoài cho ngành giáo dục của họ mà là lớn so với sự đầu tư cho cách ngành khác, lĩnh vực khác. Tôi đã rất đồng tình ý kiến của thầy về vấn đề này. Vấn đề là chúng ta chưa quản lý được, thất thoát, lãng phí do người ngoài ngành cũng có mà do người trong ngành là nhiều. Tôi đã nhiều lần viết về chuyện cán bộ công chức coi dự sự nghiệp như những mỏ vàng để tăng thu nhập và cũng đề ra câu hỏi hằng năm đầu tư hàng triệu USD cho việc nghiên cứu sách giáo khoa, cải cách giáo dục… hàng triệu USD tực là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, đó là một con số không nhỏ nếu được đầu tư trực tiếp vào chuyện ăn học của con trẻ. Việc cải cách giáo dục là cần thiết, việc có một bộ sách giáo khoa mới là cần thiết, nhưng nó chỉ là cần thiết nếu được thực hiện một lần, một chu kỳ là đủ, chẳng lẽ qua gần 20 năm cải cách rồi vẫn cứ cải cách mãi. Trên các diễn đàn về giáo dục, nhiều vị giáo sư tiến sỹ vang bóng một thời hay đăng đàn chỉ trích thế này thế kia, tôi chỉ thầm nghĩ, tất cả chúng ta đây, có tôi, có các bạn, có bao người đã và đang bị chỉ trích kia xét đến cùng đều là di sản của các thầy của những năm tháng đã qua. Vậy sao các vị không dám chỉ trích mình, các vị là ai mà đứng ngoài, đứng trên tất cả để mà chỉ trích. Thế mới cần một sự tự trọng, một sự liêm sỉ trước hết là từ người thầy là thế.
Nếu coi đây là sự chỉ trích thì cũng xin phép được nói thật là tôi vì sự tự trọng của mình mà không ở lại trường đại học để làm thầy, tôi không muốn làm thầy vì hai lẽ, một là không thực sự giỏi hơn trò (đơn giản vì tôi được đào tạo chỉ để làm thợ thì làm sao làm thầy được), chỉ với điểm số và hạnh kiểm mà làm thầy thì thực ra rồi cũng chỉ là cơm.com mà thôi; thứ hai là do với vòng xoay của cơ chế này, rất dễ tôi cũng sẽ bị quay vào những rắc rồi, bê bối của chuyện điểm số tiêu cực, đơn giản vì chuyện cơm áo gạo tiền.
Thôi, viết đến đây thôi, chuyện giáo dục còn dài, mai sẽ viết tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét