Khiemnguyen

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Đông Pháp thời báo



Trong lịch sử báo chí Việt Nam, ở giai đoạn khởi thủy, đã có ít nhất 2 tờ báo cùng mang tên Đông Pháp. Theo những gì chúng tôi có được, thì tờ Đông pháp đầu tiên có từ những năm 1920, còn tờ thứ 2 mãi đến những năm 30 mới ra đời và kết thúc sự nghiệp của mình vào năm 1945.
Lang thang trên mạng, copy bài giới thiệu tờ Đông Pháp thứ nhất về đây, hầu các cụ đọc. Có điểm đáng lưu ý , cần phải tìm hiểu rõ nguồn cơn hơn là vì sao có tài liệu lại cho đây là tờ báo của ông Diệp Văn Cường, trong khi hầu hết lại nói là của ông Diệp Văn Kỳ, ông Kỳ là con của ông Cường. Chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này sau.
Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) là báo có từ 4 đến 8 trang khổ lớn 65 x 40cm, xuất bản 3 kỳ/tuần (thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu), số đầu ra ngày 2/5.1923, số cuối (số 809) ra ngày 22/12/1928.
Ban đầu báo do Nguyễn Kim Đính điều khiển, sau vì thua lỗ nên phải bán lại cho hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá (từ số 635, thứ sáu 14. 10.1927) “Hai ông này đã biến đổi hoàn toàn tờ báo”, biến nó từ chỗ “có khuynh hướng thân chính phủ” trở nên “có khuynh hướng đối lập” và “là tờ báo có rất nhiều người đọc” (theo Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000, tr.185). Chính Diệp Văn Kỳ đã đổi kỳ hạn ra báo sang các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy trong tuần, và cũng chính Diệp Văn Kỳ quyết định các phụ trương ở cả ba kỳ trong tuần: Phụ trương thể thao, Phụ trương phụ nữ và trẻ em, Phụ trương văn chương. Chính Diệp Văn Kỳ đã có sáng kiến mời Tản Đà và Ngô Tất Tố ở Bắc vào Nam, tăng cường cho Ban biên tập tờ báo.
Chủ bút: Trần Huy Liệu (bút danh Nam Kiều), sau là Bùi Thế Mĩ (bút danh Lan Đình) rồi Nguyễn Văn Bá. Báo thể hiện lập trường của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam, có xu hướng cấp tiến. Sau khi ra số 809 (22.12.1928), báo đình bản.
Thông tin thêm về 2 bộ sưu tập Đông Pháp Thời Báo tại VN và nước ngoài.
1) Bản vi phim (microfilm) ở Thư viện đại học California, Berkeley và Thư viện đại học Cornell, Hoa Kỳ, đây đều là bản chụp Đông Pháp thời báo lưu ở Thư viện quốc gia Pháp do ACRPP (Association pour la conservation et la reproduction photographique de la presse, - Hiệp hội bảo quản và tái chế ảnh báo chí) ở số 4, rue de Louvoir, Paris (Pháp) chụp in và phát hành;
2) Bộ sưu tập Đông Pháp thời báo lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
Mỗi bộ sưu tập trên đều có những số thiếu, những trang bị mất hoặc rách nát. Hơn nữa, con mắt người sưu tầm cũng có thể để lọt mất những tư liệu nhất định.
Tiểu sử của Diệp Văn Kỳ.
Diệp Văn Kỳ, con trai của Diệp Văn Cương, đỗ cử nhân, luật sư, cũng là một nhà báo tiền phong rất có tiếng tăm như cha. Mua lại tờ Đông Pháp thời báo (1927) từ ông Nguyễn Kim Đính, sau đổi thành nhật báo Thần Chung, được sự cộng tác đắc lực của nhóm Nguyễn Văn Bá, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Trinh Nhất, Trần Huy Liệu, Phan Khôi, v.v.. Từ khi làm chủ, ông đã chuyển Đông Pháp thời báo theo hướng một tờ báo đối lập và Đông Pháp thời báo trở thành tờ báo có rất đông bạn đọc khắp Nam, Trung, Bắc. Cũng như cha, ông viết nhiều, đôi khi cùng với Phan Khôi (dưới bút hiệu Tân Việt) và rất mê kịch, tuồng (13). Ông là nhà báo dân tộc, lên tiếng bảo vệ sự hợp nhất chữ quốc ngữ ở 3 kỳ chống lại sự chia rẽ trong những tranh luận tách riêng sách giáo khoa quốc ngữ ở trong Nam (14) và là người rất rộng lượng, giúp đở nhiều nhà văn, nhà báo như Mộng Đài, Tản Đà…
Ông giúp đỡ thi sĩ Tản Đà, khi Tản Đà thất bại làm báo “An Nam tạp chí” thiếu nợ phải vào Nam kiếm sống khoảng năm 1926, trong lúc tình cờ gặp Tản Đà đang lang thang trên đường Catinat (đường Đồng Khởi) trước nhà hàng Continental mà ông và một số bạn đang ngồi bên trong. Mến tài Tản Đà, ông cho 2000$ (một số tiền lớn thời đó) để Tản Đà trở ra Bắc trang trải nợ nần và vào Nam viết cho tờ Đông Pháp thời báo. Ông trả rất hậu hĩnh mỗi tháng cho thi sĩ Tản Đà bằng tiền lương quận trưởng (12) và giúp đỡ định cư ở Saigon (Xóm Gà, Gia Định) trong ngôi nhà rộng, tĩnh mịch để thi sĩ có cảm hứng. Tuy vậy thi sĩ Tản Đà cũng có lúc báo sắp lên khuôn mà chưa thấy đưa bài. Ông Kỳ phải kêu tùy phái vào Xóm Gà để hối thúc bài. Tản Đà vẫn thản nhiên thốt một câu lịch sử để đời trong văn học “Làm thơ đâu phải bửa củi mà muốn lúc nào có lúc ấy”.
Nhà thơ thời tiền chiến Mộng Đài cũng là một người thuở còn trẻ khi vào Saigon đã được ông giúp đỡ. Trong dịp cùng với nhà báo Hoa Đường xông đất đầu năm đến nhà Diệp Văn Kỳ thăm, Mộng Đài viết trong hồi ký như sau:
“Sau khi cho phép Hoa Đường múa “Gioọc” (“Giọc” là giọc tẩu, ống hút thuốc phiện) đầu năm, cụ Diệp quay lại nắm lấy tay tôi và bằng giọng thật ấm áp nói:
- “Xừ Mạnh đến với anh, anh chẳng biết chúc gì cho chú em mà chỉ có mỗi bài thơ này tặng nhau ngày Xuân”.
Rồi cụ Diệp cất tiếng cao ngâm bài thơ ứng khẩu ấy như sau:
Cái kiếp trần duyên, kiếp đọa đày
Non Tiên sao khéo lạc loài đây?!
Trớ trêu thu thủy hoa in nguyệt
Đỏng đảnh Xuân Tiêu liễu vẽ mày
Sóng sắc lập lòe con nước động
Gió hương phưởng phất cánh hoa lay.
Trông em khó nổi vô tình được
Mượn bút làm duyên để giải khuây.
Ngâm xong cụ lấy bút viết ngay vào tờ giấy đoạn vào phòng trong bỏ trong phong bì đỏ ra trao tôi:
-“Bài thơ này tặng em. Ý tứ của bài thơ thì em về chiêm nghiệm lấy”.
Đêm hôm ấy tôi về đến nhà, mở ra để đọc lại cho vui. Không ngờ ngoài tờ thơ cụ viết, cụ còn để ngay ngắn tờ “Con Công” năm đồng ngay trong phong bì để lì xì cùng mấy chữ ngoằn ngoèo trong tờ giấy đỏ:
“Cho người em cưng nhất của ta”. Cụ ký vào bên dưới”.
Năm 1945, ông Diệp Văn Kỳ bị ám sát ở Trảng Bàng (Tây Ninh) vì bị coi là thân Nhật, uổng mất một tài năng trong lịch sử báo chí Nam kỳ. Ngoài số bài báo ông viết và viết chung với Phan Khôi, còn có tác phẩm để lại: Thần ái tình (Rabindranath Tagore), Diệp Văn Kỳ dịch, 1929. Biệt thự nhà ông trên đường Trần Hưng Đạo, được quân đội Nhật trưng dụng dùng làm nơi chỉ huy, sau quân đội Anh giải giới giao cho Pháp và trước năm 1975 được dùng làm Bộ Tổng Tham Mưu của chính quyền Sài Gòn.
Nguồn: sachxua.net (muavededay).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét