Khiemnguyen

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Về nhân cách của người Nho sĩ – quan liêu thời Lê – Trịnh



PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ
Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, nho sĩ (sĩ) là giới đứng đầu trong bảng xếp hạng “tứ dân” (sĩ - nông - công - thương), thiên nhiều về mặt danh nghĩa. Trên thực tế, đó là một tầng lớp dọc, có gốc ăn khá sâu trong khối quần chúng bình dân, còn đỉnh thì vươn tới đẳng cấp thượng lưu thống trị. Cùng nằm trong giới đó, có nhiều bộ phận nho sĩ với những thân phận rất khác nhau. Có những nho sinh bình dân đang dùi mài kinh sử, chưa hề đỗ đạt gì hoặc nhiều lần thi hỏng (hàn nho). Có những nho sĩ thành đạt trong khoa bảng và quan tước (hiển nho), đó là bộ phận nho sĩ - quan liêu. Lại cũng có những nho sĩ đã từng làm quan, vì nhiều lý do đã treo ấn từ quan về nhà ở ẩn (ẩn nho).
Ở đây, chúng ta muốn xét đến những nho sĩ - quan liêu (đương tại chức hoặc không còn chức), kể cả một số ít nho sĩ thực thụ nhưng tự nguyện không đi thi hoặc không chịu ra làm quan. Phần lớn họ đều xuất thân từ những gia đinh bình dân ở nông thôn, là những thanh niên có chí học hành, với mộng ước “đi học, đi thi để làm quan”, vì ngày xưa đó là con đường độc đạo để tiến thân. Sau hàng hơn chục năm đèn sách, lên kinh ứng thí, một số khá ít trong họ đã may mắn có tên trên bảng vàng, võng lọng vinh quy và có nhiều cơ may được bổ nhiệm quan chức. Từ đó, họ thực sự đổi đời, chuyển dịch đẳng cấp từ dân thành quan, từ giai tầng bị trị qua giai tầng thống trị.
Trước hết, người nho sĩ quan liêu là một môn đệ, tín đồ của Khổng giáo. Hầu như trong suốt tuổi thanh xuân, họ đã thấm đượm trong lý tưởng, học thuyết và đạo đức Khổng - Mạnh. Trước hết họ được dạy làm người, một nhà nho trí thức mẫn tuệ (thông thiên địa nhân viết nho), có một nhân cách cao quý (nhân - trí - dũng) với phương châm sống “phủ quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Với tri thức và phẩm hạnh đó, khi ra làm quan họ có bổn phận phải phục vụ dân chúng (sự dân), làm tôi tớ của dân chúng (dân chi nô bộc). Mặt khác, họ cũng lại là những người cai trị dân, sai bảo dân (sử dân), chăn dắt dân (mục dân), dạy dỗ nuôi dưỡng dân, là bậc cha mẹ của dân chúng (dân chi phụ mẫu), bản thân điều đó đã là một nghịch lý. Về cách ứng xử, họ được dạy cho lẽ “xuất -xử”, “hành - tàng” theo nguyên tắc trung dung, tuỳ thời của nhà nho.
Ở một bình diện khác, người nho sĩ - quan liêu là người phụng sự, ăn bổng lộc, hưởng nhiều ân sủng khác của triều đình và của cá nhân nhà vua mình tôn thờ. Do đó, với đạo quân - thần đứng đầu tam cương, người quan liêu này phải là một nô thần tuyệt đối trung thành với nhà vua của mình một cách vô điều kiện. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, đó là một nguyên tắc không phân biệt ngoại lệ.
Cùng với nhà vua, người nho sĩ - quan liêu cũng phải luôn luôn thấm nhuần và trung thành với những giáo điều, tín điều được ghi trong các kinh sách thánh hiền, nghĩa là với hệ tư tưởng nho giáo chính thống. Bất kể một tư tưởng nào ngược, khác với những khuôn mẫu, chuẩn mực đã có sẵn đều bị coi như một sự phản bội, lầm lạc.
Tất nhiên, từ tư biện thuần lý đến đời sống còn là một khoảng cách để người nho sĩ - quan liêu có thể tự điều chỉnh, biện hộ cho những hành xử của mình. Bản thân Nho giáo đã là một học thuyết hai mặt, chiết trung mang tính nhị trùng, về bản chất, người nho sĩ - quan liêu đã mang trong mình một nhân cách hai mặt, lưỡng phân nghịch lý, một bộ mặt của Janus. Có thể nói đó là một nhân cách ẩn mờ, che giấu hai con người trí thức khai sáng và quan liêu nô bộc trong cùng một con người. Ở những vương triều thịnh trị có vua sáng tôi hiền, người nho sĩ - quan liêu còn có điều kiện kết hợp, điều hoà được hai mặt lưỡng phân đó. Nhưng trên những quãng đường gập ghềnh, quanh co của lịch sử hoặc trong những vương triều suy thoái vua tối tôi gian, người nho sĩ - quan liêu đã rất khó làm được việc kết hợp, điều hoà nhân cách. Họ bị lâm vào một tình thế lưỡng nan và buộc phải có một quyết định chọn lựa dứt khoát trên một mức độ nào đó.
Thời Lê - Trịnh là một quãng đường lịch sử gập ghềnh, quanh co dẫn đến suy thoái như thế. Đây vừa là những những thế kỷ của suy sụp, đồng thời cũng là những thế kỷ của trỗi dậy. Mô hình thiết chế chính trị quân chủ tập quyền cũ và hệ tư tưởng Nho giáo chính thống bị đem ra thử thách và chao đảo trước thực tế sinh động và khắc nghiệt của cuộc sống với nhiều chuyển biến mới, nhưng vẫn không bị giải thể. Kết quả đã xuất hiện một hình ảnh của một xã hội mờ nhoà, vá víu, trong giai đoạn cuối càng đi đến gần sự suy thoái về chính trị và hệ tư tưởng. Lý tưởng ly khai với cuộc sống, cái danh ngày càng xa rời cái thực. Khuôn vàng thước ngọc và những thần tượng bị sụp đổ trước thế lực của đồng tiền lên ngôi. Nói như Phạm Đình Hổ, lúc này “đời suy thói tệ, danh phận lung tung
Những người nho sĩ - quan liêu đương thời, với vốn tri thức và trải nghiệm, chắc chắn đêu cảm nhận được được điều đó. Có chăng là họ nói ra hay không nói ra. Nhưng trong tâm thức họ, ở những cung bậc khác nhau, đều có những trăn trở, dằn vặt trước thời thế, xã hội và thân phận con người. Đúng như Nguyễn Trãi nói, “cổ kim thức tự đa ưu hoạn”, xưa nay người biết chữ nghĩa thường lắm nỗi ưu phiền. Văn thơ nho sĩ bác học và truyền miệng bình dân đã cất lên nhiều tiếng nói.
Một cuộc đấu tranh tư tưởng, âm thầm hay phát lộ, đã diễn ra trong toàn giới và trong từng con người nho sĩ - quan liêu. Nhiều câu hỏi đặt ra nhưng đâu dễ trả lời. Để mặc cho người quan liêu nô bộc với nhiều danh lợi giết chết người trí thức cương trực, hay quyết gìn giữ khí tiết của nhà nho và chấp nhận thiệt thòi, trả giá?
Liệu có chăng một giải pháp dàn hoà, thoả hiệp để mưu cầu sự an toàn? Lúc này, đã có một sự phân hoá các nhân cách, và những nhân cách bị phân hoá, thể hiện trong tâm tư và hành xử. Nhân cách lưỡng phân của người nho sĩ - quan liêu vôn đã mờ ẩn, nay càng trở nên khó định hình. Vì vậy, mọi sự phân loại, bóc tách rõ ràng những mẫu hình nhân cách ở đây đều là khó khăn và có thể là khiên cưỡng, mặc dù rằng chúng ta vẫn nên cố gắng phác hoạ một bức tranh toàn cảnh nào đó với những sắc màu nhân cách biểu trưng, đậm nhạt khác nhau.
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có nhận xét về sĩ khí vào cuối đời Lê sơ, nhưng có thể hiểu là hàm ý muốn nói tới tinh thần, nhân cách nho sĩ thời ông đang sống:
“Từ đời Đoan Khánh [niên hiệu Lê Uy Mục] trở về sau, lối thanh nghị suy kém quá, thói luồn cúi thịnh dần. Kẻ quyền vị ít có người giữ được lẽ liêm khiết nhún nhường, nơi triều đình ít thấy lời dám can ngăn kích thiết. Gặp chuyện khó thì chịu hèn để khỏi vướng bận, thấy cơ nguy thì bán nước để cầu an. Cả đến những bậc gọi là danh nho cũng yên lòng nhận lấy cái ân sủng bất nghĩa, mà vẫn thơ ca đi lại, khoe hay khoe đẹp với nhau. Phong thái sĩ phu thật hỏng nát không bao giờ bằng. Sự tệ hại của cuộc biến đổi không thể nói xiết được”.
Phạm Đình Hổ đã nhận xét chung về nhân cách khí tiết của các nho sĩ quan liêu thời Lê Trịnh dưới góc độ văn thể trong khoa cử :
“Từ đời Lê Trung Hưng trở về sau, văn thể ngày càng kém... Những kẻ ra ứng dụng cho đời thì phần nhiều là những phường hủ lậu, ít người tài giỏi. Học trò Thanh Nghệ trải qua buổi loạn lạc không được học mấy, khi ra làm quan chiếm được địa vị trọng yếu coi giữ việc công, chỉ làm theo ý đồ riêng của mình... Những kẻ chuộng công danh lúc bấy giờ chỉ theo đòi hóng gió, nhặt lấy những chữ bã mía của tiền nho, tập làm cái lối văn chương hoa hoè, chứ không có căn bản gì cả” (Vũ trung tuỳ bút).
Còn trong dân gian cuối thời Lê - Trịnh thì đã lưu truyền lời cười nhạo:
“Tiến sĩ đời Lê hàm bon vị
Tám chân, tám ngụy, tám chân ngụy.
Nào biết ai phi và ai thị?
Sĩ khí suy kém, thói cầu an xu nịnh tràn lan, thị phi lẫn lộn, chân ngụy khó phân, điều đó đã phản ánh một sự phân hoá sâu sắc về nhân cách trong giới nho sĩ - quan liêu thời Lê - Trịnh.
Trong số những nho sĩ - quan liêu xu thời nịnh thế, đánh tráo thực danh, đánh mất nhân cách (đúng hơn là chưa từng có nhân cách), phải kể đến một gương mặt khá tiêu biểu, đó là vị Tri Quốc tử giám, Tham tụng Quận công, Thái phó Quốc lão Nguyễn Hoãn (1713 - 1791). Ông đã leo lên đến tột đỉnh của bậc thang danh vọng và quyền lực, một đại triều thần kiêm đại trí thức.
Nguyễn Hoãn từng đỗ đầu kỳ thi Hương và thi Hội, nhưng nhiều người đương thời nghi ngờ về tài thực học của ông, cho rằng khoa bảng của ông là dựa vào thế lực bố là quan lớn (cũng là một Tham tụng Quận công, võ tướng lâu năm “mọi người đều sợ hãi”) để biết trước đầu đề và có “đến sáu người làm giúp hộ” (Vũ trung tuỳ bút).
Là vị nho sĩ đại khoa, ngồi ở chiếu trên điều khiển cuộc bình văn trong nhà Giám, mà ông không hề bình “trước sau nín lặng, không nói câu nào, thỉnh thoảng chỉ cười hi hi” (Vũ trung tuỳ bút).
Là quốc lão đại thần, khi ở triều đình phủ chúa, ông cũng “chỉ y a dựa theo ý của vua chúa, mà không có ý kiến riêng gì, cốt để củng cố quyền vị của mình” (Đăng khoa bị khảo).
Gặp buổi chính trị đổi thay, ông sẵn sàng lần lượt bỏ rơi cả chúa Trịnh lẫn vua Lê, môt mình tìm cách lẩn trốn thoát thân, lại còn giả bộ khóc lóc, làm cho Nguyễn Huệ cũng có mặt ở đó phải phá lên cười khinh bỉ (Lê sử toản yếu).
Lúc về già, có lẽ muốn đi tìm sự thanh thản muộn màng của tâm hồn, ông đã ham đọc sách đạo gia và cho mời kẻ hậu sinh Phạm Tấu - con của tiến sĩ Phạm Công Thế mà ta sẽ nói sau đây, và là một nhà Đạo học nổi tiếng khác đời - đến nhà để xin được học phép tu tiên. Phạm Tấu cười nhạt mà rằng: “Ồng là người nổi chìm trong bể hoạn, làm sao mà tôi dạy được?”. Vị quốc lão im lặng rồi mời khách ra về (Tang thương ngẫu lục).
Nhân cách bán đi, tài lộc thu về, Nguyễn Hoãn thọ đến gần 80 tuổi, hưởng vui thú lâu dài, do đó mà người đương thời đã gọi ông là “Trường lạc lão”.
Ở đối cực bên kia, một bộ phận nho sĩ khác đã có một khuôn mẫu hành xử không khoan nhượng. Họ không chịu thoả hiệp, mà rất quyết liệt thậm chí cực đoan để giữ gìn, bảo vệ khí tiết, nhân cách của mình, bộc lộ phẩm chất “dũng” của kẻ sĩ, cho dù tính chất của sự nổi loạn, phản kháng đó có thể được đánh giá cao hoặc bị coi là không hợp lý.
Người nho sĩ Nguyễn Hữu Cầu thực sự là một “con chim dám phá lồng”, dám vượt qua quan niệm trung quân chật hẹp của nho giáo chính thống, tiến tới một chủ nghĩa dân bản đích thực của Mạnh Tử. Chính vì thế mà ông đã không đi theo con đường mòn chính thống như người bạn học thời trẻ của mình là Phạm Đình Trọng, mà lại chọn con đường nổi loạn chông gai, lãnh đạo nông dân khởi nghĩa với danh hiệu “Bảo dân đại tướng quân”.
Có những nét tương tự nhưng ở một hoàn cảnh khác, tiến sĩ Phạm Công Thế - cháu gọi Tham tụng Nguyễn Công Hãng bằng cậu - đã đi theo nghĩa quân Lê Duy Mật, bị bắt, thụ án xử trảm. Nơi pháp trường, trước khi bị hành quyết, triều đình kể tội: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp, làm sao lại đi theo đảng nghịch?”. Ông cười: “Bấy lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch?”. Nói rồi vươn cổ ra chịu hình (Tang thương ngẫu lục). Ở đây, Phạm Công Thế sẵn sàng trả giá bằng sinh mệnh mình để bảo toàn khí tiết, nhân cách người nho sĩ mà không uy vũ nào có thể khuất phục được.
Ở một tuyến khác, cũng có những nho sĩ phái thủ cựu đã kiên quyết bảo vệ nhân cách của mình, dám hy sinh cả đến tính mạng vì lòng trung thành với vị quân vương mà mình thờ phụng. Lý Trần Quán hối hận vì không cứu được chúa Trịnh Khải trên đường lánh nạn, đã sai người đào huyệt đặt quan chôn sống mình để cùng đi theo chúa. Lê Quýnh tháp tùng vua Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc cầu viện, bị triều đình nhà Thanh lừa, đã cương quyết không chịu nhục, thà phải ngồi ngục chứ nhất định không gióc tóc, thay áo, để lại câu nói nổi tiếng: “Đầu có thể chặt, tóc không thể gióc; da có thể lột, áo không thể đổi”.
Có thể nhiều người sẽ phê phán những hành xử như vậy là không thức thời, cực đoan, cố chấp, “ngu trung”, nhưng ai dám nghi ngờ về lòng kiên trung, dũng cảm, về nhân cách, khí tiết của những nho sĩ đó?
Phản kháng mà không nổi loạn, khước từ một cách ôn hoà, nói không với mọi thứ phù phiếm trong cõi đời trần tục như công danh, lợi lộc, quyền vị, tiền tài mà Nguyễn Gia Thiều đã gọi là “mồi phú quý, bả vinh hoa”, bằng lòng với cảnh “an bần lạc đạo”, đó lại là nhân cách được chọn lựa của một số nho sĩ thời Lê - Trịnh, những người chưa từng làm quan hoặc đã từng làm quan nhưng sớm biết giã từ con đường sĩ hoạn. Noi gương Đào Tiềm thuở xưa “không vì năm đấu mà đành còng lưng” (bất năng vị ngũ đẩu chiết yêu), cái dũng của những nhà ẩn nho treo ấn từ quan này không phải là “dám làm” mà là “dám không làm”, dám từ chối trước cám dỗ và uy lực. Ở đây, trong ứng xử, cái mềm nhiều khi còn khó và mạnh hơn cái cứng.
Những nhà ẩn nho này có thể là những con người lánh đời. Nóí như La Sơn phu tử, một khi đạo đã mất, họ tìm đến chốn rừng suối (đạo khuất, lâm tuyền dã như nhân) sống đời ẩn dật. Đó là trường hợp của “ông lười” Lê Hữu Trác, biếng nhác công danh nhưng lại chăm chỉ chữa bệnh cứu người, noi theo phương châm sống “Phàm con người ta đi ở ẩn thì phải giữ gìn được đạo, ra làm quan thì phải cứu giúp cho đời(Thượng kinh kỷ sự). Hay phu tử Nguyễn Thiếp thờ ơ với khoa hoạn, mang tâm sự của một con người giác ngộ sớm biết thoái thân “đã trót lên đèo phải xuống đèo” (Cảm đề), nhưng vẫn đầy tâm huyết với sự nghiệp dạy dỗ, trồng người giúp đời.
Cũng có những nho sĩ chọn con đường “ẩn giữa chốn thị thành”. Họ vẫn sống giữa đời thường, nhưng biết tìm tự do bằng cách tự thoát mình khỏi cái lồng cũi của ý thức hệ và nếp sống lề thói cũ mòn, náu mình trong một góc suy tư, cảm xúc phóng khoáng của riêng mình, đó là những nhà “ẩn sĩ trong tư tưởng”. Đặng Trần Côn tự nguyện giam mình nơi hầm sâu, thắp nến đốt cháy lên những vần thơ khóc than cho nỗi cô đơn của người chinh phụ. Nguyễn Gia Thiều đắm chìm vào những suy tưởng “khổ, nghiệp” của nhà Phật, sống giữa ban ngày mà vẫn cảm thấy cảnh “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oản ngâm khúc). Hay như nhà đạo học cực đoan Phạm Tấu đã nói đến trong một đoạn bên trên, sống khác lạ với người đời, áo rách chân đất, uống rượu thay cơm, nhận tiền của khách hảo tâm nhưng lại vung vãi ném cho đàn trẻ nhỏ.
Đó là loại hình nhân cách của những nho sĩ nhẫn nhưng không hèn, dũng nhưng không bạo, có những phẩm chất khác thường hoà trong cuộc sống bình thường, nhưng không bao giờ chịu để rơi chìm vào vũng lầy của sự tầm thường. Như một ý người xưa mà La Sơn phu tử tâm đắc, con người ta sinh ra trong trời đất, cái vinh chính là đừng sống nhục. (nhân sinh thiên địa gian, sở vinh tại bất nhục)
Loại mẫu hình nhân cách phổ biến thường gặp ở số đông các nho sĩ - quan liêu thành đạt thời Lê - Trịnh là một thế ứng xử mang tính chiết trung thoả hiệp, cố gắng điều hoà những xung đột giữa hai con người nho sĩ trí thức và quan liêu nô thần trong bản thân mình, dàn xếp những mâu thuẫn nghịch lý trong tâm thức khi phải chọn lựa giữa xuất/xử, hành/tàng. Những nho sĩ này cũng trải ra trong một cung bậc có biên độ rộng với những gam màu những cá tính mạnh yếu khác nhau, những cuộc đời may mắn và bất hạnh.
Họ thường bước vào con đường khoa hoạn, sự nghiệp công danh với lòng hăm hở nhiệt thành của tuổi trẻ, đầy ắp ý chí, tham vọng, kể cả những ảo mộng. Nhưng trong quá trình dấn thân và trải nghiệm chốn quan trường, ngoài dân chúng cũng như trong cung vua phủ chúa, họ ngày càng chín chắn già giặn thêm, minh triết và tỉnh táo hơn. Với túi khôn ngày càng đầy, chứa đựng lẫn lộn những nỗi lòng chân thực cùng với những xảo thuật giả trá, họ học được cách sống khéo léo, khôn ngoan “trong thẳng ngoài cong” (nội trực ngoại khúc). Có những nho sĩ - quan liêu với lối sống thuận thời, lựa theo chiều gió, đã may mắn được hưởng phúc lộc dài lâu. Nhưng cũng có những vị quan, chỉ vì một lỗi lầm sai sót, hay bởi trong một nỗi bức xúc không kìm nén nổi đã thốt lên những lời nói thẳng can ngăn vua chúa không đúng lúc, đã phải trả giá, gánh chịu những tai hoạ, từ chuyện bị giáng chức, cách chức đuổi về quê đến bị tống giam trong tù ngục, thậm chí nguy hại đến tính mạng.
Phùng Khắc Khoan - người nho sĩ ngay từ thời trẻ đã nuôi chí công danh, ôm mộng công hầu - là một người may mắn. Là bậc lương đống của triều đình trong buổi đầu thời Lê - Trịnh còn nhiều âm hưởng của khí thế trung hưng và chưa có nhiều tì vết, ông có điều kiện thi thố tài năng, phò vua giúp nước, giúp dân. Tuy cũng đã nếm mùi tân khổ trên quãng đường đời khi vì trái ý vua bị đầy lên vùng sơn cước Tương Dương (Con Cuông, Nghệ An) heo hút, nhưng ông không hề nản chí, chùn bước trong sự nghiệp. Nhìn chung, người nho sĩ -  quan liêu chính thống Phùng Khắc Khoan đã sống một cuộc đời toại nguyện, tâm hồn thanh thản.
Thượng thư Lê Hy lại là một gương mặt nho - sĩ quan liêu khác. Có tài ngay từ thời trẻ, đạt đỉnh cao trong nấc thang danh vọng quyền lực được triều đình sủng ái và giao nhiều trọng trách, nhưng ông lại mang nhiều tai tiếng là con người nghi ngờ giảo quyệt kèn cựa hại bạn bè đồng sự, cầu cạnh để con là Lê Thuyên gian lận trong thi cử. Dân chúng phê phán ông về tư cách, đặt vè chế giễu: ”Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi.
Và dư luận người đời cũng rất công bằng. Ngay trong câu vè chê trách Lê Hy, họ đã lại ca ngợi người đồng sự kế nhiệm ông là Nguyễn Quán Nho (quê làng Vân Hà): “Tham tụng Vân Hà, bách tính âu ca”. Quán Nho được đánh giá là con người “an hoà, nhân hậu, dân được ơn nhờ”, giống như hai nho sĩ - quan liêu khác sống gần đồng thời với ông là các tham tụng Phạm Công Trứ và Nguyễn Quý Đức. Nhưng không phải thời nào cũng có người hành xử được êm đẹp như các ông, quan lộ hanh thông, trên dưới đều trọng nể, yêu mến.
Không may cho những nho sĩ - quan liêu sống đúng vào thời buổi rối loạn nhiễu nhương như những năm 30, 40 của thế kỷ XVIII với những âm mưu biến động trong giới cầm quyền thống trị cùng với những cuộc bạo loạn nông dân ngoài xã hội.
Tấn bi kịch điển hình nhất đã xảy ra với cặp nho sĩ - quan liêu đồng sự thân thiết là hai tham tụng Lê Anh Tuấn và Nguyễn Công Hãng. Cùng là người có thực tài, khí phách, cùng đồng thời giữ chức quan đầu triều, hai ông khi nắm quyền bính đã cho thi hành nhiều biện pháp chấn chỉnh, cải cách về chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục. Hai ông cũng đã được chúa Trịnh Cương thăng thưởng nhiều lần, Nguyễn Công Hãng lại được chúa tín nhiệm giao cho viêc dạy dỗ thế tử. Nhưng có lẽ chính sự nổi tiếng quá mức đó lại là nguyên nhân gây ra tai hoạ. Có thể là hai ông quá tự tin mình, dám can thiệp sâu vào nội tình phủ chúa khi can ngăn việc Trịnh Giang lên kế nghiệp chúa. Cũng có thể là do hậu quả của những bê bối, tì vết trong đời tư của hai người như vụ Lê Anh Tuấn đã dùng uy thế cá nhân tác động cho con mình thi đỗ, để sau đó phải thi lại rồi bị đánh trượt. Nguyễn Công Hãng thì bị cho là có âm mưu chính trị trong vụ để mồ mả tổ tiên mình vào nơi đắc địa đế vương. Nhân những chuyện đó, có nhiều lời đồn đại cho là Lê Anh Tuấn lộng quyền, Nguyễn Công Hãng độc đoán ác nghiệt. Trịnh Giang sau khi lên làm chúa, đã quyết định trả thù, cách chức và điều các ông lên miền núi (Lạng Sơn, Tuyên Quang) rồi tìm cách giết hại cả hai vị đệ nhất công thần, trong đó Nguyễn Công Hãng chính là thày học của mình. Từ bi kịch này, có thể rút ra những bài học, trong đó có lời khuyên thấm thìa nhưng cũng đáng buồn cho các nho sĩ đương thời là phải biết dừng, biết đủ (tri chỉ, tri túc), luôn luôn phải biết tự kiềm chế.
Cũng ngay trước vụ thảm sát đó chừng một năm, một nho sĩ - quan liêu khác là Bùi Sĩ Tiêm “tính tình khẳng khái, cứng cổ” (lời Phan Huy Chú), với tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”, đã dâng lên chúa Trịnh Giang một tờ khải rất dài gồm 10 điều, mang tính chất một bức tâm thư thỉnh nguyện. Trong đó, một phần là đề nghị, phần lớn là những lời phê phán gay gắt chính sự đương thời. Chúa Trịnh xem xong, thấy toàn nhưng điều trái ý mình, nổi cơn giận dữ. May mà chúa lúc đó có thể còn cho là vị nho sĩ bướng bỉnh này không có âm mưu chính trị, nên không bắt chết mà chỉ “tước đoạt hết quan chức, đuổi thẳng về quê”.
Người nho sĩ - quan liêu, nhà học giả uyên thâm và vị tham tụng danh tiếng Lê Quý Đôn là một trường hợp đặc biệt, không phải vì ông là một nhà bác học với số tác phẩm nhiều nhất và đa dạng nhất trong lịch sử văn hoá Việt Nam, cũng không hẳn là vì ông đã kết hợp tài tình gia tài văn hoá kinh điển truyền thống phương Đông với những tri thức khoa học cập nhật, mới mẻ nhất của nhân loại lúc đó mà ông tiếp cận được qua ngả đường du nhập từ phương Tây vào Trung Quốc.
Cá nhân con người Lê Quý Đôn cũng không tránh khỏi những tì vết. Có những điều tiếng không hay chung quanh việc ông để con trai mình là Lê Quý Kiệt gian lận trong thi cử, cũng như vụ ông đưa hai cháu gái mình gả làm vợ lẽ cho hai vị tiến sĩ tân khoa Võ Tôn Diễm và Nguyễn Bá Tôn, gây nên những cảnh gia đình bất hoà, bất hạnh. Nhưng những bê bối đó không làm lu mờ được công lao to lớn và sự nghiệp sáng lạn của ông trong lĩnh vực văn hoá cũng như trong hành trạng chính trị quan trường.
Cái tài đặc biệt của Lê Quý Đôn là bằng trí thông minh, nghệ thuật ứng xử mềm dẻo uyển chuyển trong một thời tao loạn đầy nghịch lý, ông đã kết hợp được một cách tương đối hoàn hảo nhân cách của hai con người trí thức uyên bác có tư tưởng khai phóng và một vị quan chức chính thống cấp cao đòi hỏi phải hành xử trong khuôn phép, đạt tới đỉnh cao mà không vấp váp, được trên yêu dưới kính, cuộc đời viên mãn theo đúng đạo Trung dung. Không biết trong tâm tư, Lê Quý Đôn có lúc nào cảm thấy tự mâu thuẫn, trăn trở dằn vặt không, và nếu có, thì ông đã dùng bí quyết, biện pháp nào để vượt qua.
Một gương mặt độc đáo trong giới nho sĩ - quan liêu sống gần cuối thời Lê - Trịnh là Ngô Thì Sĩ, một con người của thể chế, nhưng đã gắng tìm ra một lối thoát cho riêng mình theo phương châm ứng xử “hoà nhi bất đồng, biệt nhi vô dị”. Ông là một con người có cá tính mạnh, luôn luôn gìn giữ một nhân cách độc lâp, tự do, “rất ghét ăn cắp áo mặc của thiên hạ mà thích làm một khung cửi dệt riêng cho một nhà” (Độc bạch tập ngũ thập tứ vận).
Ông đã từng nếm trải đủ mùi cay đắng trong thuở hàn vi: nặng gánh gia đình, “ma nghèo” hành hạ, bị các quan trường - những vị “giết người đâu há phải cầm dao” (Ngẫu thành thất ngôn cổ phong) - đố kỵ cố tình đánh trượt, sau do một sự cố rủi ro lại “chẳng may mà đỗ đạt”. Ông cũng đã từng bị vấp ngã trên đường hoạn lộ, bị vu oan rồi bị cách chức đuổi về làm dân thường chịu sai dịch (hoàn dân thụ dịch). Nhưng có lẽ những thử thách đó trong cuộc sống lại chính là một vốn quý cho sự nghiệp của ông.
Ngô Thì Sĩ đã làm tròn trách nhiệm xuất sắc của một quan liêu mẫn cán cho đến những ngày cuối đời, trong triều đình cũng như ngoài biên ải. Nét độc đáo của ông ở chỗ tuy vẫn trung thành với thể chế và hệ tư tưởng chính thống, nhưng đã biết vượt rào một cách an toàn, có được tự do tự tại trong nhân cách cũng như trong cuộc sống, mà vẫn gắn bó với đời thường.
Ông tự cho mình là một con người “nét mặt nhà nho, mặc áo đạo sĩ” (nho diện đạo phục). Nhưng có lẽ bản chất phóng khoáng, không chịu câu thúc trói buộc mới chính là con người thực của ông. Ông tự hoạ ông là một người “bình sinh mắc bệnh đa tình, càng đa tình càng hay phiền muộn”. Ông là một thi nhân lãng mạn, đồng thời là một nhà tư tưởng khai mở, khoan dung, cổ vũ cho tinh thần “Nho - Phật - Đạo tịnh tồn”, chủ trương tôn trọng sự khác biệt tư tưởng, phủ nhận độc quyền chân lý khi thường viện dẫn câu nói nổi tiếng của Trang Tử “Thị vô cùng, phi diệc vô cùng” (Nói phải là vô cùng, mà cho rằng không phải cũng vô cùng - Tề vật luận, Nam Hoa kinh).
Nhưng tìm cho được một chỗ đứng dưới mặt trời, có một sự yên ổn trong cõi “ánh sáng hoà cùng bụi bậm” (hoà quang đồng trần - Đạo đức kinh), giữ cho được nhân cách vững vàng với một tâm hồn thanh thản như ông trong cõi thế gian này đâu phải là chuyện dễ?
Quá khứ luôn nhắn nhủ hiện tại. Thời thế đổi thay, nhưng trong những bước thăng trầm của lịch sử, xưa cũng như nay, con người trí thức thường dễ bộc lộ bản chất của mình, hoặc là một khí phách cao thượng hoặc là một tính cách yếu hèn. Người trí thức chân chính thường hay thao thức, mẫn cảm trước những thân phận, cuộc đời ở bên ngoài bản thân họ. Họ có một tài sản và một quyền lực vốn ở dạng ảo, nhưng lại có thể biến thành tài sản và quyền lực thực. Dùng vào mục đích tốt hay xấu những tài sản, quyền lực đó là do cái tâm và cách sử dụng của từng người.
Không có gì lạ nếu ngày nay vẫn còn một số trí thức - không biết là ít hay nhiều - vẫn đang lừa mình dối người, tự giam hãm và trói buộc, tự giết nhân cách và bản lĩnh của mình để mun cầu một sự an vinh nhở mọn. Đó là những con người mà nói như Đào Tiềm, đã “vị ngũ đấu chiết yêu” (vì năm đấu gạo mà đành khom lưng). Đúng như người xưa nói “ai mạc đại ư tâm tử”, không gì đáng thương bằng tấm lòng đã chết ở ngay những người còn đang sống.
Nhưng chắc chắn rằng trong khúc quanh của lịch sử Việt Nam ngày nay, vẫn còn nhiều, rất nhiều những con người trí thức chân chính, kế thừa phẩm chất trí - dũng của nhà nho, giác ngộ bản lĩnh vô uý của nhà Phật, đã và đang tự nguyện dấn thân vào cuộc sống, với tinh thần trách nhiệm xã hội và ý thức công dân cao của kẻ sĩ phu trước xã tắc. Trong những điều kiện khác nhau, ở những mức độ khác nhau và bằng những con đường khác nhau, họ đang vượt qua những trói buộc của tư duy thủ cựu, tự giải phóng mình khỏi thói dối trá, sự vô cảm và nỗi sợ hãi để tiếp cận đến những chân trời chân, thiện, mỹ.
Thời Lê - Trịnh, những người tâm huyết như Bùi Sĩ Tiêm và Ngô Thì Sĩ từng phản đối lối học hình thức sáo rỗng, đề nghị phải quay về với chính cái cốt lõi của nho giáo nguyên thuỷ nhằm chấn chỉnh lại nhân cách giới nho sĩ. Mà phẩm chất kẻ sĩ, theo như Tăng Tử đã khái quát nêu lên trong sách Luận ngữ (chương Lý nhân) là: “Đạo của Thầy chỉ tóm gọn lại trong chữ trungthứ” (Phu tử chi đao, trung thứ nhi dĩ hỹ). Nó có giá trị như một thông điệp nhắn nhủ cho giới trí thức trong mọi thời đại: “Hãy trung thực với mình, thành thực với chính lòng mình, và nên khoan thứ với người khác, khoan dung với những ý kiến, tư tưởng khác biệt với mình” vẫn biết rằng đối với người trí thức, mang trên vai gánh nặng mà đường thì còn xa (nhậm trọng nhi đạo viễn). Nhưng có đi thì ắt đến. Thời gian và cuộc sống bao giờ cũng là những vị quan toà công minh, là phép thử nhiệm màu sẽ phủ định đồng thời khẳng định toàn diện và triệt để nhất mọi điều tồn hữu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét