Khiemnguyen

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Báo chí Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám



BÁO CHÍ VIỆT NAM TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM1
Con người, từ thưở mới xuất hiện trên quả đất, do nhu cầu giao tế và những nhu cầu khác trong cuộc sống xã hội của mình, đã có hoạt động thông tin bằng ngôn ngữ, bằng cử chỉ, bằng những công cụ, những phương tiện tạo ra trong thực tiễn sản xuất và đấu tranh. Dĩ nhiên là những buổi đầu, suốt thời kỳ hình thái kinh tế - xã hội cộng đồng nguyên thuỷ, các công cụ tạo ra cũng như các hình thức và phương pháp sử dụng đêu còn đơn giản, thô sơ. Những cái mốc của sự đổi mới và phát triển có vẻ không có gì đáng kể đối với cảm giác con người thời đại ngày nay. Thật ra thuở ấy thường cách nhau đến hàng vạn năm, chục vạn năm.
Trải qua hàng triệu năm tiến hoá, loài người đi đến chỗ có chữ viết, rồi chữ in..., cắm một cái mốc rất lớn, rất quan trọng trên con đường phát triển của hoạt động thông tin. Từ cái mốc ấy và đến một bưóc tiến triển nhất định của đấu tranh giai cấp, trong xã hội phân hoá thành những giai cấp khác nhau, có giai cấp đối kháng và đối kháng giai cấp đã hàng nghìn năm, một công cụ thông tin có tính ưu việt nổi bật hẳn so với các công cụ đã có trước kia ra đời và nhanh chóng trở thành một sản phẩm đắt hàng: Công cụ ấy là bản tin, là tờ báo, cuối cùng là báo chí. Ngày nay báo chí không chỉ là có chữ mà còn có cả tiếng, cả hình và cả hình lẫn tiếng.
Nước ta, từ đời Văn Lang đến giữa thế kỷ trước, là chưa có báo chí. Lịch sử báo chí Việt Nam cho đến nay bắt đầu và kéo dài trong khuôn khổ lịch sử nước Việt Nam bị đê quốc xâm lược và chống đế quốíc xâm lược thắng lợi rồi chuyển tiếp sang lịch sử nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng đang phấn đấu trên những bước đi ban đầu của kỷ nguyên mới.
Hơn một trăm năm qua, lịch sử đất nước Việt Nam và lịch sử báo chí Việt Nam bao gồm những giai đoạn và những thời kỳ về cơ bản là khớp với nhau khá rõ. Bỏi vậy, về lịch sử báo chí, sự phân định các giai đoạn và các thời kỳ cũng tương đối thuận tiện. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự phân định các chương mục của một công trình về lịch sử báo chí nói chung và lịch sử một tờ báo cụ thể nào đó nói riêng không cần chú ý thật nhiều đến những đặc trưng cơ bản và hoàn cảnh cụ thể riêng biệt của báo chí nói chung và tờ báo cụ thể ấy nói riêng.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam là một nước thuộc địa, nửa phong kiến rất nghèo nàn và lạc hậu, tư liệu còn lại cho chúng ta đã quá ít ỏi, lại rất tản mạn, không dễ sưu tầm và xác minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, tám, chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp chủ yếu bằng chiến tranh du kích - không sao tránh khỏi làm nảy ra rất nhiều khó khăn về mặt này. Sau đó, đất nước bị chia cắt thành hai miền có hai chế độ khác nhau và trong hoàn cảnh tất cả các lực lượng cứu nước đều lao mình vào những cuộc chiến đấu kéo dài và vô cùng quyết liệt cũng để lại nhiều hậu quả phức tạp về mặt này cho công việc viết sử.
Bởi vậy, một cuốn sử với nội dung như trên cần phải là một công trình tập thể của nhiều người và phải trải qua nhiều bước kiểm tra, hiệu đính và bổ sung, phát triển mới có thể hoàn thành và hoàn chỉnh.
Công trình này chỉ mong được coi là một phác thảo bước đầu.
Chương I
SỰ HÌNH THÀNH VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
CỦA BÁO CHÍ VIỆT NAM
Sau hàng thế kỷ vào nước ta bằng thám hiểm, bằng thương mại, bằng tôn giáo, bằng ngoại giao rồi bằng chiến tranh, từ giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa thực dân Pháp trắng trợn xâm lược nước ta, và từng bước nô dịch dân tộc ta, đặt ách thống trị toàn diện (chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội) của chúng lên khắp Tổ quốc chúng ta.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XIX, Pháp chiếm Nam Kỳ. Do kinh nghiệm sử dụng báo chí để chống thế lực phong kiến trên con đường đi tới cuộc Cách mạng 1789 và để đối phó với cách mạng vô sản và nhũng phong trào công nhân sau khi đã thay thế nhà nước phong kiến bằng nhà nước tư bản chủ nghĩa của mình, giai cấp tư sản Pháp rất coi trọng công cụ và vũ khí báo chí. Đến đâu nó cũng mang theo báo chí đến đó và đẻ ra báo chí phục vụ lợi ích của nó đó. Dĩ nhiên là có báo chí bảo vệ nó thì sớm muộn cũng phải có báo chí chống lại nó. Đó là một sự thật có tính quy luật.
Bọn thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ trước hết, thì cũng ở Nam Kỳ trước hết báo chí xuất hiện trên đất nước ta. Sau đó, tuỳ theo từng bước thực dân Pháp mở rộng địa bàn xâm lược của chúng, địa bàn hoạt động của báo chí cũng mở rộng từng bước dần dần. về đại thể, nhìn lại lịch sử cả giai đoạn từ khi có những tờ báo đầu tiên do bọn thực dân cướp nước đẻ ra cho đến khi có những tờ báo đầu tiên của những chiến sĩ tiên phong cứu nước, chúng ta có thể thấy diễn ra mấy thời kỳ như sau:
1. Thời kỳ đầu mới có báo chí Nam Kỳ
Năm 1962 là năm tên Đô đốc Bonnard dẫn quân lên bộ chiếm lĩnh Sài Gòn, cũng là năm tên đô đốc được Chính phủ Pháp bổ nhiệm làm thống đốc, và cũng là năm ở Sài Gòn có những bản tin đầu tiên là Le Bulletin officiel de Vexpédition de la Cochinchine (Bản tin Công báo của phái bộ viễn chinh Nam Kỳ) và Le Bulletin des Communes (Bản tin hàng xã). Cả hai bản tin đều không in bằng tiếng Việt (chỉ có chữ Pháp hoặc chữ Pháp và chữ Hán), và không đáng gọi là báo chí Việt Nam. Tờ Le Courrier de Sài Gòn (Thư tín Sài Gòn) ra đầu năm 1864 cũng vậy. Thực ra chữ Việt lúc đó chưa có nhiều người đọc. Vả lại, người Pháp đi ra ngoài nước cũng cần có cơ quan thông tin ngôn luận đáp ứng những yêu cầu trong quan hệ nội bộ của họ. Họ cũng đứng trên một lập trường chung của các thế lực thực dân - đế quốc xâm lược nước ta, song về mặt quan hệ nội bộ, trong bọn họ vẫn thường có những phe phái có lợi ích riêng và quan điểm riêng khác nhau.
Tháng 4-1865, tờ báo đầu tiên có một tên gọi Hán - Việt và cũng ra bằng hai thứ chữ Hán, Việt được xuất bản, đó là tờ Gia Định báo. Nhưng đây cũng là một tờ báo ra theo chủ trương của tên Thông đốc Bonnard và do một tên thực dân Pháp quản lý suốt 5 năm đầu. Hai người Việt Nam chịu trách nhiệm chính về việc biên tập và xuất bản là Pe’trus Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của cùng một số người khác làm việc trong cơ quan báo đó đều được chính quyền thực dân Pháp bổ dụng và trả lương theo ngạch bậc công chức báo chí. Rất dễ hiểu rằng nội dung tờ báo là những tin tức và ngôn luận  - ca tụng chính quyền của lũ thực dân Pháp cướp nước. Tiếp theo Gia Định báo, từ 1886 đến những năm 80 có thêm mấy tờ báo nữa ra đời là Phan Yên báo (cũng ở Gia Định), tờ Nhật trình Nam Kỳ ra bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, và tờ Nam Kỳ địa phận bằng tiếng Việt là tờ báo đầu tiên do nhà thờ đạo Thiên chúa xuất bản ở nước ta.
Như vậy, những tờ báo trên đây là những tờ báo đầu tiên ra đời ở Sài Gòn - Gia Định, cũng đồng thời là những tờ báo đầu tiên xuất bản ở nước ta. Trong đó tờ Gia Định báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên. Dù sao, không riêng gì các tờ in bằng chữ Pháp mà cả Gia Định báo cũng là do bọn thực dân Pháp lập ra và nắm rất chặt qua những phần tử trí thức Việt Nam làm việc đắc lực cho chúng. Về chính trị, các tờ báo tiếng Việt kể trên nói chung đều là công cụ của chính quyền và thế lực thực dân. Song, về văn học thì những tin và bài đăng trên các báo ấy không những hình thành thể loại văn học báo chí đầu tiên ở nưóc ta mà đồng thời cũng có thể nói là hình thành thể loại văn xuôi tiếng Việt đầu tiên trên giấy trắng mực đen in ra rõ ràng và đều đặn.
2. Thời kỳ địa bàn kinh doanh và hoạt động báo chí bắt đầu lan ra Bắc Kỳ (1884 -1898)
Sang những năm 80 của thế kỷ XIX, bọn thực dân Pháp ráo riết xúc tiến việc thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa của chúng ở Bắc Kỳ, trước hết là ở Hà Nội và Hải Phòng. Địa bàn kinh doanh và hoạt động báo chí cũng bắt đầu lan ra Bắc Kỳ. Năm 1883, ở Hà Nội bắt đầu có nhà in chữ Pháp và chữ Việt. Ngay từ đó, có những báo chữ Pháp ra đời, như: Le Bulletin du Commité d'Etudes Agrécoles, 'Industrielles et Commercmles de VAnnam et du Tonkin (Bản tin Uỷ ban nghiên cứu Nông nghiệp, Công nghiệp và Thương nghiệp của Trung Kỳ và Bắc Kỳ) do Chính phủ bảo hộ phát hành. UAvenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) của Jules Cousin; Le Courrier de Hải Phòng (Thư tín Hải Phòng)... nhằm riêng vào các tầng lớp cựu học đương thời không biết chữ quốc ngữ, có hai tờ báo xuất bản bằng chữ Hán là tờ Bảo hộ Nam dân (1888) và tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo (1892). Cả hai tờ này cũng đều là sản phẩm của bọn thực dân Pháp. Tờ thứ nhất do Cuers de Cogolin cho ra đòi với mục tiêu nêu rõ là: “dạy cho người An Nam biết kính phục Chính phủ của nước Cộng hoà Pháp và những người đại diện của họ”. Tờ thứ hai thì do F.H.Schneider mà Phạm Quỳnh suy tôn là “ông tổ của báo chí Việt Nam” cho ra đời.
Cho đến thời điểm này trong cả nước, chỉ mới có những tờ Gia Định báo, Phan Yên báo, Nhật trình Nam KỳNam Kỳ địa phận xuất bản ở Nam Kỳ là có những tin và bài bằng tiếng Việt, ở Bắc Kỳ, sau khi có tờ báo đầu tiên gần 15 năm, vẫn chỉ có những tin và bài bằng chữ Pháp hoặc chữ Hán... Tất nhiên tình hình không thể dừng lại ở đây. Số người biết chữ quốc ngữ càng ngày càng tăng.
Thế lực thực dân, cả bọn cầm quyền thống trị, cả bọn kinh doanh đều cần thông tin và tuyên truyền trực tiếp với những tầng lớp người Việt bằng tiếng Việt. Và có những tầng lớp người Việt đang vươn lên theo thời thế cũng muôn kinh doanh và hoạt động bằng báo chí tiếng Việt. Trước xu thế đó, chính quyền thực dân không thể không đề ra biện pháp nắm báo chí chặt hơn. Do đó mà có sắc luật ngày 30/12/1898 của Chính phủ Pháp để ra những hạn chế cụ thể và chặt chẽ đối với báo chí.
3. Thời kỳ đầu thế kỷ XX đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất
Thực ra những hạn chế nêu trong sắc luật 1898 không phải là nghiệt ngã lắm đôí với những lực lượng đang dựa vào sự có mặt của chính quyền Pháp mà xây dựng cơ đồ. Một số báo chí mới ra đời. Xu thế phát triển ở Nam Kỳ vẫn có phần mạnh hơn. Năm 1901, một tờ báo tiếng Việt nữa ra đời là tờ Nông cổ mín đàm do một tên thực dân Pháp trong Hội đồng quản hạt là Canavagie lập ra. Sau đó tờ Nhật báo Tỉnh cũng là của một tên thực dân Pháp khác và là bản dịch của một tờ báo chữ Pháp mà thôi (1905). Tiếp đó có tờ Lục Tỉnh tân văn của F.H.Schneider (1907). Ở Bắc Kỳ, đến năm 1905 mới có những tin và bài báo tiếng Việt đầu tiên trên tờ Đại Việt tân báo xuất bản bằng cả chữ Việt và chữ Hán song lại do một người Pháp là Ernest cầm đầu. Hai năm sau, tức là vào năm 1907, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo đổi thành Đăng cổ tùng báo cũng in bằng hai chữ Hán và Việt. Ngoài ra có tờ Trung Bắc tăn văn và tập tạp chí đầu tiên là tập Đông Dương tạp chí cũng bắt đầu xuất bản vào năm 1913. Tên trùm báo chí thực dân F.H. Schneider cũng là kẻ kinh doanh cả ba tờ báo chí này. Hắn tập hợp những trí thức theo Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, v.v. làm chủ bút hay biên tập viên cho báo chí của hắn. Riêng Nguyễn Văn Vĩnh thì còn xuất bản hai tờ bằng tiếng Pháp nữa, tức là tờ Notre journal (Tờ báo chúng tôi) và tập Notre revue (Tạp chí chúng tôi) năm 1910. Ở Nam Kỳ, báo chữ Pháp cũng ra nhiều hơn. Trong đó, nổi hơn cả và sống lâu hơn cả là tờ L' Opinion (Dư luận) của Lucien Héloury, về sau là Chủ tịch Nghiệp đoàn Báo chí thuộc địa, thành lập năm 1917.
Trong những năm diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, tên thực dân giảo quyệt Albert Sarraut, lúc bấy giờ làm Toàn quyền Đông Dương, ráo riết thúc đẩy hoạt động báo chí nhằm huy động nhân lực, vật lực của Đông Dương vào cuộc chiến tranh của Pháp, và nhằm đấu tranh với chủ nghĩa đế quốc Đức trên mặt trận ngôn luận ở Viễn Đông. Đọc diễn văn khai mạc một cuộc họp của Nghiệp đoàn Báo chí, hắn đã ca ngợi: “Một tờ báo, một cây bút, quả là một sức mạnh phi thường!”. Do sức thúc đẩy của Albert Sarraut, từ năm 1914 đến cuối năm 1918, trong cả nước, báo chí xuất bản nhiều hơn. Nhất là ở Nam Kỳ có tờ báo tiếng Pháp La Tribune indigène (Diễn đàn người bản xứ) ra năm 1917 và một loạt tờ báo tiếng Việt, như: Tân đợi Thời báo, Công luận báo, Nam Trung nhật báo, Đại Việt Tạp chí, Quốc dãn diễn đàn, Thời báo Đèn nhà Nam,tờ Nữ giới chung là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta. Báo này xuất bản năm 1918 do một người Pháp tên là Henri Blaquière quản lý và do nữ thi sĩ Sương Nguyệt Anh, con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu phụ trách việc biên tập. Ở Bắc Kỳ, số báo mới xuất bản đáng chú ý có tờ Nam Phong và tờ Học báo. Tờ sau này là một chuyên san về giáo dục do Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản bằng hai thứ chữ Việt và Pháp. Còn tờ Nam Phong là một tờ tạp chí xuất bản bằng hai thứ chữ Việt và Hán chủ yếu do Phạm Quỳnh (phần chữ Việt) và Nguyễn Bá Trác (phần chữ Hán) trông coi công việc biên tập dưới sự điều khiển và giám sát của bọn giữ địa vị chóp bu trong bộ máy cai trị thuộc địa, như Toàn quyển Albert Sarraut, tên Chánh mật thám Louis Marty, v.v.. Cạnh tranh kịch liệt với nhau, tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh và tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh chiếm địa vị đàn anh trong hàng ngũ báo chí đương thời ở Bắc Kỳ và cũng có nhiều ảnh hưởng đối với các tầng lớp bên trên trong nước. Sống lâu hơn Đông Dương tạp chí (1913-1918), tập Nam Phong (1917-1934) gần như lũng đoạn được thị trường báo chí Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong mấy năm sau cuộc Chiến tranh thê giới thứ nhất.
Cho đến đây, nghĩa là cho đến cuối thời kỳ nói trên (1900-1918), báo chí xuất bản ở nước ta lúc đó đã có những bước phát triển nhất định về thể loại, về hình thức, về tính đại biểu cho giới này giới khác, ngành này ngành khác, v.v.. Dù sao, về tư tưởng và chính trị báo chí nói chung đều là đề cao thanh danh, công đức và quyền lợi của “đại Pháp” đối với triều đình phong kiến, thỉnh thoảng ở nơi này nơi khác, trên một vài tờ báo Nam Kỳ chẳng hạn, đã có những lời phê phán, châm biếm, đả kích ít nhiều. Nhưng lấy hệ tư tưởng và biểu hiện chung mà nói thì báo chí đều là ca ngợi “đại Pháp”, hướng theo “đại Pháp” cả. Nghĩa là không có băn khoăn gì về tình cảnh nước nhà bị xâm lược, dân tộc bị giày xéo, đoạ đày dưới ách bọn đế quốc thực dân.
Một điều đáng chú ý nữa là, trên toàn bộ đất nước chia làm ba kỳ, trong khi Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã có mấy mươi tờ báo và tạp chí ra đời đưa tin và bàn tán nhiều chuyện, thì Trung Kỳ, cả giữa kinh đô Huế, vẫn im lìm, vẫn là một nơi hoang vắng.
4. Thời kỳ có báo chí đối lập với chính quyền
Năm 1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi huy hoàng, mở ra thời đại mới hiện nay, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Quãng một năm sau, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Một thế giới mới, thế giới xã hội chủ nghĩa bắt đầu hình thành và biểu hiện ngày càng rõ tư thế đối lập với thế giới cũ, tư bản chủ nghĩa. Trên hướng tiến của lịch sử, xuất hiện từng bước những dòng thác của cách mạng vô sản đi tới những mục tiêu độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng rạng rỡ của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Ái Quốc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam năm 1911 ra đi tìm đường cứu nước, tới lúc này đã đến với chủ nghĩa Lênin và vô cùng cảm động, vô cùng sung sướng nhìn ra chân lý của thời đại, thấy rõ con đường thắng lợi của công cuộc giải phóng Tổ quốc, giải phóng đồng bào.
Cũng từ nước Pháp, nhưng là nước Pháp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của Marcel Cachin, Vaillant -Couturier, Gaston Mon Mousseau..., người cộng sản Việt Nam đầu tiên tìm đủ mọi cách đưa ánh sáng ấy và con đường thắng lợi ấy về cho đất nước mình, nhân dân mình. Một trong những cách tốt nhất, nhanh nhạy nhất là báo chí. Le Paria (Tiếng Ấn Độ dùng để chỉ đẳng cấp cùng khổ nhất trong xã hội cũ, từ lâu, sách báo ta thường dịch là “người cùng khổ” và gọi báo Le Paria là báo “Người cùng khổ” nhưng trên báo Le Paria thì có tên chữ Hán là “Lao động”), chưa phải là tờ báo Việt Nam của cách mạng Việt Nam, nhưng đó là tiếng nói chung của sự nghiệp đấu tranh chung vì độc lập, tự do của các dân tộc cùng khổ bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, trong đó có dân tộc Việt Nam. Cùng với một số báo chí vô sản và những tài liệu bí mật khác, Le Paria vượt qua bao nhiêu rào luỹ đến với những chiến sĩ tiên phong của nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam cũng đã có những sự thay đổi và những nhân tố mới để đón lấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lý của thời đại, và con đường thắng lợi của cách mạng vô sản. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), hoạt động tăng cường kinh doanh tư bản chủ nghĩa của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam đã đưa nó đến chỗ chính tự nó đẻ ra người đào huyệt chôn nó ở Việt Nam: giai cấp công nhân Việt Nam. Cùng chung đau khổ, căm hờn với các giai cấp cần lao vì nước bị cướp mất, dân tộc bị đoạ đày, những người thanh niên trí thức tiên tiến, dưới sự tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, và của người lãnh tụ đưa đường chỉ lối từ phương trời xa, càng ngày càng tỏ ra thiết tha và nhạy bén với trào lưu và xu thế cách mạng vô sản.
Một nét đáng chú ý nữa của tình hình thời kỳ này là việc hai chí sĩ họ Phan về nước. Phan Bội Châu bị bắt tại Trung Quốc, đưa về xử án tại Hà Nội rồi giam lỏng ở Huế. Phan Chu Trinh được đưa từ Pháp về Sài Gòn. Vụ án Phan Bội Châu và tâm trạng Phan Chu Trinh đều kích động một thời khá mạnh tinh thần yêu nước và tinh thần dân chủ trong một sô tầng lớp xã hội, nhất là trong những thế hệ trẻ.
Mặt khác, trên lĩnh vực kinh tế, một số người đã đi vào những công cuộc kinh doanh và bước đầu đã trở thành những nhà tư sản.
Đương nhiên, bè lũ thực dân cũng khá thính hơi để nhận ra tình thế. Báo chí, một thứ phong vũ biểu chính trị - xã hội, tự giác hoặc không tự giác, không thể không phản ánh ít nhiều những sự thật cơ bản như trên. Và thái độ của chính quyền thuộc địa đối với báo chí cũng không thể không biểu lộ quá rõ lập trường quan điểm của bọn thực dân xâm lược đối với những diễn biến quan trọng của thời cuộc. Nhìn riêng vào báo chí có thể thấy một số động thái mới đáng chú ý.
1. Trong các báo chí đã hoạt động từ trước, không ít đã đình bản hẳn hoặc đã thay đổi bộ mặt. Trong các báo mới ra đời từ năm 1920 đến năm 1930, kể cả báo chữ Việt và báo chữ Pháp, có nhiều tờ, bằng tên gọi của mình, đã tỏ dụng ý thu hút sự quan tâm của xã hội vào những lĩnh vực kinh doanh kinh tế theo hướng đi lên chủ nghĩa tư bản, như Nam Kỳ Kinh tế báo, Điện xa tạp chí, Canh nông luận... ở Nam Kỳ; Thực nghiệp dân báo, Nông công thương báo, Thương báo... Bắc Kỳ.
2. Một số tờ báo, bằng tên gọi của mình, đã tỏ dụng ý nêu ra một lập trường chính trị nào đó không lẫn lộn với những báo khác và cũng không phải là một đạo lý chung chung, như: Trung lập báo, Long giang độc lập...
3. Thái độ tranh thủ lôi kéo thanh niên, phụ nữ biểu hiện rõ hơn trước trên những tờ Việt Nam Thanh niên tạp chí, Thanh niên tăn tiến, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm... Riêng về Việt Nam Thanh niên tạp chí thì cần nói rõ ràng đó là một cơ quan của bọn cầm quyền nhằm đầu độc tuổi trẻ nước ta. Báo đó có những cái “vinh dự” ghê gớm là do tên Thống sứ Bắc Kỳ Monguillot và tên Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải làm chủ tịch, tên chánh mật thám Đông Dương Louis Marty làm chủ tịch danh dự, tên thực dân Paul Monet làm chủ nhiệm và lại được Hoàng đế Khải Định gửi tặng 1000 đồng khi nó ra đời. Gần với dụng ý tranh thủ thanh niên, phụ nữ, người ta nhìn thấy sự đề cao cái trẻ, cái “mới”, cái “sáng” đang lên. Giữa những cái tên biểu thị đạo lý chung chung của những thời kỳ trước, có nhiều tên gọi biểu thị sự đề cao cái trẻ, cái mới và cái sáng, như: Tân dân báo, Tân thê kỷ, Văn minh, Rạng đông tạp chí, Đuốc nhà nam, Jeune Annam (An Nam trẻ).
4. Còn có không ít báo chí mà tên gọi tự nó biểu thị ý thức dân chủ theo một quan niệm nào đó, như Dân báo, Tân dân báo, Dân hiệp, v.v.. Một nhân tố mới cần nói đến ồ đây là “xứ” Trung Kỳ sau nửa thế kỷ mất nước không hề có một tờ báo nào, chỉ có thể đọc báo từ Nam Kỳ ra và từ Bắc Kỳ vào, thì đến thời kỳ này đã có một tờ báo Việt Nam xuất bản đầu tiên ồ Huế: tờ báo của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, tờ Tiếng dân ra số đầu ngày 10/8/1927 thường đăng các bài của Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), của Sào Nam hoặc Việt Điểu (Phan Bội Châu), của Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Nguyễn Quý Hương tức Lạc Nhân, v.v..
5. Sự phân ngành trong báo chí có phần đa dạng hơn các thời kỳ trước. Ngoài những tờ báo và tạp chí thông tin thời sự chung và bàn luận đạo lý chung như Hữu thanh, Khai hoá, Đông Pháp thời báo, An Nam tạp chí, Pháp Việt nhất gia, Hà Thành ngọ báo, Thần kinh tạp chí, Quảng Đạt báo, Thần chung và những báo địa phương - nhất là ở Trung Kỳ, những báo chuyên riêng để phục vụ một ngành, một giới không còn quá lẻ loi nữa. Đáng kể là có những tờ như Trung hoà nhật báo của Hội ái hữu Công giáo ở Nam Kỳ, Vệ nông báo về nông nghiệp, Kịch trường tạp chí về sân khấu, Trung Kỳ vệ sinh chỉ nam về y tế - vệ sinh, Du học báo về vấn đề sang Pháp học tập, Mua và bán về thương mại, Học báo về giáo dục - học tập, Sài Thành nhật báo về đua ngựa, v.v..
6. Về nghiệp vụ, cũng nên chú ý đến một xu hướng cải cách tương đốì mạnh. Thể loại báo chí có tăng phần nào so với trước kia. Lối văn quá nhiều điển tích và thành ngữ chữ Hán cùng với lời văn biền ngẫu không còn được ưa thích lắm nữa, nhất là trong giới “tân học”. Hoàng Tích Chu cùng với Phùng Tất Đắc xuất bản tại Hà Nội từ ngày 15/12/1929 tờ báo Đông Tây vừa đề ra và cổ vũ sự đổi mới, vừa cố gắng làm mẫu cho người khác noi theo. Trên thực tế, mẫu “Đông Tây” cố ý cải cách cái “Đông” cũ kỹ nhưng lại thường ngả sang cái “Tây” quá xa lạ. Dù sao sự cải cách đã có những đóng góp nhất định cho sự thể hiện tính khoa học và tính dân tộc của văn học báo chí nói riêng và cả của văn xuôi tiếng Việt nói chung.
7. Nổi bật lên trên tất cả là sự phân hoá của báo chí về mặt tư tưởng và chính trị. Ở các thời kỳ trước, về mặt này không phải không có những sự khác nhau. Chẳng hạn, báo chí của nhóm Nguyễn Văn Vĩnh và báo chí của nhóm Phạm Quỳnh, hay là tờ Khai hoá nhật báo của nhóm Bạch Thái Bưởi - Đỗ Thận và tờ Thực nghiệp dân báo của nhóm Bùi Huy Tín - Trần Văn Quang thường vẫn đá nhau lộ liễu hoặc ngấm ngầm. Ở Nam Kỳ, báo chí của nhóm Bùi Quang Chiêu và báo chí của nhóm Lê Quang Trinh cũng chống chọi nhau thường xuyên. Cả bên trong bọn thực dân Pháp với nhau cũng có những phe phái dùng báo chí đấu tranh với nhau. Nhưng nói chung, sự chống nhau giữa “trực trị” và “bảo hộ”, giữa “quân chủ” và “quân chủ lập hiến” cũng như sự khác nhau giữa những chính sách thuộc địa của nhóm Doumer và những chính sách thuộc địa của nhóm Outrey, v.v., xét cho cùng đều biểu thị một tư tưởng và một lập trường chính trị giống nhau là đề cao “đại Pháp”, bám chặt vào “Mẫu quốc đại Pháp”. Cho nên tất cả các báo chí đó đều không vượt ra ngoài những sự hạn chế cơ bản do sắc luật ngày 30/12/1898 của Chính phủ Pháp, hay là nói đúng hơn nữa, đều được “ngôn luận tự do”. Riêng cái triều đình Huế, hay là cái Chính phủ Nam triều nếu thỉnh thoảng có bị đả kích và xúc phạm vì quá cổ hủ hoặc quá tham nhũng thì “Nhà nước bảo hộ” cũng chẳng có gì đáng lo nghĩ cho bản thân mình, mà trái lại có thể lợi dụng để tỏ ân uy với vua và cả đức độ với “dân”. Bởi vậy, báo chí các thời kỳ trước kia, nhìn chung lại, dù có những sự khác nhau nào đó trên diễn đàn ngôn luận, chắng qua là thể hiện một cách tương đối đa dạng vai trò làm công cụ và vũ khí của thế lực thông trị, của chủ nghĩa thực dân Pháp mà thôi.
Sang thời kỳ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, hay là, nói cho chính xác tận gốc, sau khi lịch sử loài người đã bắt đầu chuyển sang thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, sự phân hoá của báo chí Việt Nam về tư tưởng và chính trị có ý nghĩa quan trọng hơn, đặc sắc hơn, hiện ra dần dần dấu ấn của thời đại mới.
Có những người viết lịch sử báo chí vận dụng quan điểm và phương pháp kinh điển của các nhà tư tưởng tư sản cũng đã thấy một sự phân hoá mới và coi đây là sự phân hoá về hai loại báo chí “thân” và “chống” đối với chính quyền, hoặc thành báo chí “thân chính quyền” và báo chí “đối lập”. Loại “thân chính quyền” lại có thể chia thành “thân tuyệt đối” và “thân tương đối”. Còn loại “đối lập” thì lại bao gồm “đối lập gay gắt” và “đối lập ôn hoà”. Có thể coi đó là một sự phân định theo quan điểm pháp lý. Trên hiện tượng, chúng ta cũng có thể sử dụng sự phân định ấy trong những chừng mực nhất định. Song đi sâu vào bản chất lập trường tư tưởng và chính trị, chúng ta thấy thực sự không giản đơn.
Theo sự phân định kinh điển và trên hiện tượng, người ta thường xếp vào loại “đối lập” những tờ báo tiếng Việt: Nhật tân báo của Lê Thành Tường rồi đến Cao Hải Để, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 4/1922 đến tháng 7/1929; Tân Thế kỷ của Cao Văn Chánh và Bửu Đình xuất bản từ ngày 1/11/1926 đến ngày 30/4/1927 tại Sài Gòn, Rạng Đông tạp chí do người Pháp Georges Mignon lập ra và do Trần Huy Liệu làm chủ bút, xuất bản tại Sài Gòn năm 1926 (đến tháng 7/1927, chủ bút Trần Huy Liệu bị bắt, thì Tạp chí Rạng Đông thay đổi màu sắc, trở thành “một tạp chí tranh ảnh cho giới thượng lưu trí thức Annam”.); Tiếng dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở Huế ngày 10/8/1927 và tiếp tục xuất bản cho đến năm 1943; Kỳ lân báo của Bùi Ngọc Thự và Vân Trình, xuất bản ở Sài Gòn từ ngày 1/8/1928 đến giữa năm 1929.
Đuốc Nhà Nam của Dương Văn Giáo, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 9/1928 đến năm 1937; Pháp Việt nhất gia của Lê Thành Lư xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 2 đến tháng 5/1927; Thần chung của Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 1/1929 đến tháng 3/1930; và mấy tờ báo chữ Pháp: La Cloche fêlée (Tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 12/1923 đến tháng 5/1926; Annam của Phan Văn Trường, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 5/1926 đến tháng 2/1928; Voix Annamite (Tiếng nói Annam) của Lê Thành Tường và Huỳnh Văn Chính, xuất bản từ tháng 1/1923 đến năm 1925; Progrè Annamite (Tiến bộ Annam) của Lê Quang Trình, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 3/1924 đến năm 1939; Jeune Annam (Annam trẻ) của Lâm Châu Hiệp xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 3/1926; Nhà quê của Nguyễn Khánh Toàn, xuất bản tại Sài Gòn năm 1926; Ère nouvelle (Kỷ nguyên mới) của Cao Hải Để và Vũ Đình Di, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 8/1926 đến tháng 6/1929; La Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương) của Bùi Quang Chiêu, xuất bản tại Sài Gòn từ tháng 8/1926 đến tháng 1/1941...
Ngoài ra, những báo chí xuất bản công khai và phát hành công khai khác nói chung là thuộc loại “thân chính quyền”. Nói cho thật đúng, không phải báo chí nào thuộc loại này cũng đều có lời tuyên bô’ hay là đăng những bài nghị luận rõ ràng ca ngợi chính quyền hoặc ủng hộ các chủ trương chính trị của nó. Nhiều nhà báo tỏ rõ thái độ không nói năng gì về chính trị mà chỉ tuyên truyền về tôn giáo, đưa tin thi cử, tường thuật bóng đá, đua ngựa, nói chuyện “du học” với các bạn trẻ, chuyện nữ công, nữ hạnh với các bà nội trợ, chuyện kinh doanh với các nhà công nghiệp, thương nghiệp, v.v. cũng thường được chính quyền yêu quý và giúp đỡ bằng nhiều cách.
Cái mới trong “làng báo” là việc xuất hiện những báo chí đối lập. Yên tâm với báo chí “thân chính quyền” dưới mọi màu sắc, thế lực thống trị tập trung mũi nhọn chuyên chính phản động vào báo chí “đối lập”. Cánh kéo kiểm duyệt cắt bỏ từ một vài dòng đến cả cột, cả bài, hoặc cả trang và hơn nữa. Các cơ quan tư pháp và hành chính phạt tiền, tịch thu báo chí, và cấm xuất bản, phát hành. Gay gắt hơn nữa là những biện pháp khủng bố con người, cả người ra báo, người viết báo và người đọc báo... Trong những nhà báo đầu tiên cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu... bị chính quyền thực dân bắt bớ, hiện nay đang hoạt động trong hàng ngũ chúng ta có Nguyễn Khánh Toàn của báo Nhà quê, một tờ báo ngay trong số đầu ra ngày 11/12/1926 đã kêu gọi: “... những ai còn sinh lực, bầu máu nóng hãy tranh đấu để bẻ gãy xiềng xích nô lệ, để cho con cháu chúng ta được trở thành công dân của một nước hùng mạnh và tự do...”. Lý do truy tố của toà án là: “xúi giục nổi loạn, nghĩa là dùng những phương tiện có thể phá hoại an ninh công cộng” (theo tường thuật của báo Ère Nouvelle, số ra ngày 18/12/1926).
Tình trạng có sự đối lập giữa chính quyền và báo chí chống chính quyền diễn ra ở Nam Kỳ nhiều hơn không phải chủ yếu là do ở Nam Kỳ có sự đối lập chính trị nói chung chống lại chính quyền nhiều hơn, mà là do ở Nam Kỳ, công việc ra báo dù sao cũng có những điều kiện thuận hơn về các mặt kinh tế, xã hội và thể chế, luật lệ so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. về kinh tế là điều kiện kỹ thuật ấn loát, phát hành... về xã hội và thể chế luật lệ là điều kiện có tương đối nhiều người Pháp khác quan điểm với bọn cầm quyền, sẵn sàng cộng tác với những người trí thức tân học Việt Nam để ra báo. Chính khả năng “lợi dụng lẫn nhau” này đã thu hút nhiều nhà báo từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào Nam Kỳ hoạt động và đã đưa đến hiện tượng báo chí công khai đối lập chiếm tỷ trọng lớn hơn trong các báo chí xuất bản công khai bằng tiếng Pháp ở Nam Kỳ, Song, nói đến báo chí đối lập chống lại chính quyền đương thời lại cần phải thấy tình hình thực tế về hệ tư tưởng và hệ lập trường đấu tranh chính trị là không giản đơn. Giới báo chí không phải là một tổ chức thuần nhất và thống nhất. “Đối lập gay gắt” và “đối lập ôn hoà” là khác nhau. Giữa “đối lập ôn hoà” này và “đôì lập ôn hoà” kia cũng như “đối lập gay gắt” kia với “đối lập gay gắt” nọ, thường có sự khác nhau, thậm chí có cả sự đối lập và đốì lập gay gắt với nhau.
Xét cho cùng, sự phân hoá khách quan quyết định nhất và sự phân biệt thái độ có tính nguyên tắc quan trọng nhất mà thực tiễn đấu tranh chính trị - xã hội của loài người ở thời đại mới đòi hỏi thể hiện đúng đắn là sự đối lập giữa các lực lượng cứu nước và các thế lực cướp nước và bán nước, giữa giai cấp vô sản và đông đảo nhân dân lao động với giai cấp tư sản và các thế lực áp bức bóc lột, giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với các hệ tư tưởng phản động.
Trên toàn thế giới, kỷ nguyên mới, thời đại mới đã toả ánh bình minh. Ba mục tiêu lớn của cách mạng vô sản - độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội - càng ngày càng rõ. Nhằm vào các mục đích lớn đó, ba dòng thác cách mạng, vượt qua bao nhiêu vật chướng ngại, tiến lên không ngừng. Các nhân tố mới ấy tạo nên thế mạnh chung của thế giới mới chiến thắng được sức ỳ và sức cản của thế giới cũ. Và đó là sự đối lập cơ bản nhất, quyết định nhất của thời đại. Do tác động qua lại lẫn nhau giữa tình hình thế giới và hoàn cảnh xã hội nước ta, giữa những nhân tố mới bên ngoài và những nhân tố mới bên trong như đã trình bày trên kia, sự đối lập cơ bản nhất và quyết định nhất trong nước ta ở thời kỳ này cũng tương ứng với sự đối lập lớn nhất, bao quát nhất trên khắp năm châu. Người chiến sĩ tiên phong cứu nưóc trở thành người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền tảng và mở đường lối cho sự gặp nhau, sự kết chặt với nhau giữa các nhân tố mới bên ngoài và các nhân tố mới bên trong đất nước chúng ta, tạo nên một thế mạnh đối lập tất thắng chống lại các thế lực cướp nước và bán nước, các thế lực thực dân, đế quốc, các hệ tư tưởng phản động trong quãng mười năm thứ ba (1920-1930) của thế kỷ XX nói chung là do có chịu những tác động nào đó của sự đối lập cơ bản nhất và quyết định nhất này ở một mức độ nào đó và theo một chiều hướng nào đó mà ra. Nói như vậy không có nghĩa là các báo chí công khai đối lập kể trên lúc bấy giờ đã là đại biểu cho thê mạnh chung của các nhân tố mối trong xã hội chúng ta chống lại chính quyền phản động. Cách mạng Tháng Mười Nga, ba dòng thác cách mạng thế giới và chủ nghĩa Mác - Lênin có cổ vũ người này, nhóm này, kích động người khác, nhóm khác. Do sức hấp dẫn ấy, người ta cảm thấy có một thế vững mạnh và một tính ưu việt nào đó để phát huy trong khi đối địch bằng ngôn luận với chính quyền. Nhưng trên thực tế, những báo chí và những nhà báo công khai đối lập với chính quyền thực dân, phong kiến đương thời đều chưa phải đã đi con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản thế giới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin. Cả trong những người tiến bộ nhất từ nước Pháp trở về, cũng không có ai nhìn thấy điểu kỳ diệu đã làm cho Nguyễn Ái Quốc reo lên một mình: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Cho đến cuối những năm 20, các báo chí công khai đối lập là đối lập trên lập trường dân tộc chủ nghĩa (hồi đó gọi là quốc gia chủ nghĩa), trên lập trường dân chủ thuần tuý (chính là dân chủ Pháp, Anh, Mỹ), hoặc trên lập trường của Quốc tế thứ hai và thứ tư...
Điều mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy là do chính Nguyễn Ái Quốc đưa về, từ Pari, từ Mátxcơva qua Pari, rồi từ Quảng Châu...
Đến đây, lịch sử đấu tranh cứu nước của dần tộc Việt Nam chuyển sang một chương mới, mở đầu bằng sự thành lập Đảng Cộng sản.
Đến đây, lịch sử báo chí Việt Nam cũng sang một chương mới, đánh dấu bằng sự xuất hiện và sự hoạt động của một loại báo chí mới thuộc một phạm trù mới, về cơ bản khác hẳn các loại báo chí đã từng xuất hiện và hoạt động công khai ở những thời kỳ trước. Về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng, đây là báo chí vô sản Việt Nam, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Tổ quốc Việt Nam và nhân dân Việt Nam, vì thắng lợi chung của ba dòng thác cách mạng vô sản và của hoà bình bền vững toàn thế giới.
Về phương thức xuất hiện và hoạt động, đây chủ yếu là báo chí bí mật, dựa vào sức mạnh của nhân dân, sống trong lòng tin yêu của nhân dân, kiên cường chiến đấu từ thời kỳ này sang thời kỳ khác cho đến Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
(Hết phần 1).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét