Khiemnguyen

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (2)

II. GIAI ĐOẠN 1930 - 1936


1. Những điểm mới trong chính sách báo chí của người Pháp:

Những luật lệ, sắc lệnh, nghị định của chính quyền thực dân thời kỳ trước năm 1930 như đã trình bày ở trên, vẫn giữ nguyên hiệu lực của nó. Tuy nhiên, từ năm 1930 đến giữa năm 1936, trước ngày Chính phủ L. Blum thành lập, chính quyền thực dân đã ban hành trên 30 văn bản mới về báo chí, hoặc có liên quan đến báo chí.

Trong số những văn bản mới này, phần lớn là quy định về tăng thêm thời hạn bị tù và tiền phạt nếu vi phạm các điều luật, sắc lệnh và nghị định đã quy định từ trước, để kiềm chế báo chí chặt chẽ hơn trong gọng kìm của chính sách thực dân. Đáng chú ý là nghị định của Toàn quyền R.Rôbanh ký ngày 01/1/1935 về bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí quy định từ năm 1898. Nghị định không được công bố trên Công báo (J.O.I.F), các báo chí đương thời cũng không có toàn văn, chỉ được phổ biến ý chính. Một số báo đã đưa tin, bình luận về chủ trương này.

“Vấn đề báo chí không ngừng được theo dõi ở Bắc Kỳ với một lợi ích ham muốn bởi dư luận công cộng. Vấn đề đó đôi khi làm nảy sinh việc cổ động trong ý thức, tôi tưởng cần nhận rõ nguồn gốc của những cuộc vận động lộn xộn về tư tưởng và con người”.

''Không có gì đáng nói về sự việc mới nhận thấy dư luận rất phổ biến trong giới “trẻ'' về báo chí Bắc Kỳ, sau đó nghề làm báo là một nghề đã làm. Nó tồn tại trước hết là phơi bày những dư luận cực đoan và đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào toàn bộ phong trào báo chí hay hoạt động nhằm mục đích làm rối loạn trật tự''.

Chính quyền thực dân chủ trương xóa bỏ chế độ kiểm duyệt không phải nhằm mở rộng quyền tự do hoạt động cho báo chí, mà là để tăng cường việc ra lệnh thu hồi giấy phép đối với những tờ báo nào mà chúng thấy không ưa, có ý công kích chính sách thực dân, phê phán bọn quan trường sâu mọt, tàn nhẫn, thối nát, dù là dưới hình thức sỗ sàng, bốp chát, hay kín đáo, tế nhị, bất kể là báo của ai, bằng tiếng Pháp hay dã man hơn là cắt bỏ một vài đoạn, một bài, cho đến cả một trang báo, nhưng tờ báo vẫn còn sống dù là sống lay lắt.

2. Tình hình báo chí

a) Về báo chí xuất bản công khai, hợp pháp

Dòng báo chí xuất bản công khai, hợp pháp tiếp tục phát triển về số lượng, nhưng nhịp độ không đều, không ổn định. Năm 1931 tăng hơn năm 1930 là 35 tên báo và tạp chí; năm 1932 - 1933, mỗi năm tăng hơn năm trước 25 - 27 tờ; năm 1934 tăng 8 tờ; năm 1935 tăng hơn năm trước 40 tờ (cao nhất); đầu năm 1936 và cả năm 1936 lại sụt xuống.

Hằng năm, trung bình có từ 30 đến 40 tờ đình bản. Như vậy là số lượng của năm sau tăng lên khá cao, vì phải bù lại số đình bản và vượt qua con số của năm trước để con số trội hơn (trừ năm 1936).

Từ năm 1930, tư tưởng xáo động ổn định dần, trật tự xã hội đỡ căng thẳng. Trên báo chí xuất hiện những cuộc trao đổi, tranh luận về văn học nghệ thuật giữa các xu hướng và phương pháp sáng tác khác nhau, đối lập nhau.

Báo Phụ nữ tân văn số 122, ngày 10-3-1932 đăng bài của Phan Khôi đem ''một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ'', và giới thiệu bài ''Tình già” mở ra cuộc tranh luận về thơ mới, kéo dài nhiều năm, lôi cuốn nhiều tờ báo ba miền Trung, Nam, Bắc tham gia như Phong hóa, Tiếng dân, Annam tạp chí, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ bẩy, Hà Nội báo, Công luận, Sài Gòn, Tân thời, Văn học tạp chí...

Văn chương trên báo Phong hóa ngày càng tranh thủ được bạn đọc trong tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, học sinh thành thị. Những bài thơ của Tú Mỡ được đông đảo bạn đọc đón nhận. Nó phản ánh những cảnh ngang tai, trái mắt diễn ra hằng ngày, gần gũi trong cuộc sống.

Hải Triều cùng với Hải Vân, Hỏa Sơn, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang v.v.. viết nhiều bài trình bày quan điểm mỹ học Mác - Lênin, chống lại quan điểm nghệ thuật tư sản đăng trên các báo Ánh sáng, Trung Kỳ, Tiến bộ. Những chiến sĩ cộng sản trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chủ động đấu tranh cho thắng lợi của học thuyết Mác - Lênin, dù chưa nhận được sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Trong các cuộc tranh luận này, Hải Triều là cây bút xuất sắc chống lại quan điểm duy tâm, thần bí và mỹ học tư sản.

b) Báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến giữa năm 1936

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, thông qua nghị quyết về báo chí viết:

“l. Bỏ những tờ báo do Đông Dương Đảng Cộng sản và An Nam Đảng Cộng sản xuất bản trước đây.

''2. Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền''.

''3. Bỏ những tờ báo của các hội quần chúng do Đảng chỉ đạo.

''4. Duy trì tất cả những tờ báo do quần chúng chủ trương''16.

Về tổ chức báo chí, do Đảng thống nhất, nên báo chí của hệ thống các tổ chức cộng sản trước đây đều ngừng xuất bản, để theo một dòng chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản. Về tư tưởng và chính trị của báo chí, theo đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó không những có điểm khác với đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam. Nó cũng không hoàn toàn giống với nội dung chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Căn cứ vào Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc; những điểm khác đó xoay quanh vấn đề quan hệ giữa dân tộc và giai cấp.

Theo tinh thần chỉ đạo của Đảng Cộng sản, có ít nhất 25 tờ báo thuộc hệ thống tổ chức từ Xứ uỷ Trung Kỳ, Nam Kỳ, nhiều tỉnh uỷ, huyện uỷ, đảng uỷ cho đến một số tổ chức quần chúng (học sinh) ra đời ít ngày sau khi Đảng thành lập; trước khi trung ương có báo và tạp chí.

(Mời xem tiếp phần 3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét