Khiemnguyen

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Chả thiết tha gì nữa!

Thời công nghệ tích tụ. Khi tôi lên bảy tuổi, ước mo lớn của tôi là lớn lên được đi làm công nhân. Ước mơ đó được hình thành lên từ những buổi chiều hè, ngồi dưới gốc gạo nơi bến sông nhìn những đoàn sà lan chở đầy máy móc ngược dòng sông quê lên công trường thuỷ điện Hoà Bình. Lúc ấy làng quê còn chưa có điện, nên một chút hơi hướng của công nghiệp, của hiện đại qua làng cũng làm cho ước mơ của những đứa trẻ như tôi bay cao như diều. Khi tôi học đến cấp hai, lần đầu tiên nhìn thấy cái máy tính bỏ túi ( cacualator), bất giác tưởng như không thể tin vào mắt mình, không ngờ là người ta giỏi thế, có thể sáng tạo ra cái thứ thông minh đến vô cùng vô tận thế. Té ra, người ta tài hơn ta tưởng thật. Hình như cũng năm đó, lầm đầu tiên tôi thấy hai thứ kỳ lạ nữa, đó là cái xe honda cub và cái đài cassete Sharp 999. Cái xe kỳ lạ vì nó gần như không có tiếng nổ. Chắc bây giò nhiều người không còn nhớ xe máy ngày trước gọi là xe bình bịch, vì tiếng nổ của nó rất to, cứ bình bịch, bình bịch, hơn nữa hồi đó ít người có xe máy lắm nên nếu ai đi xe máy về làng hẳn là cả làng biết. Thế mà cái xe cub mới tinh, êm ái quá, người ta cứ tưởng nó không nổ máy vẫn chạy được, thế mới tài. Cái đài quay băng cũng của ông này, phải nói là phi thường, cái đài to đùng mà âm thanh cũng to đùng, mấy câu hát của Chế Linh vì sao anh muốn giết người anh yêu, người yêu anh có tội tình chi đâu... Hằn lên trong nỗi u hoài của bao kẻ từ văn minh băng catssete từ hồi đó. Người có hai thứ kỳ lạ ấy là người em họ của tôi, hồi đó là lái xe quá cảnh, không biết người ta có thể làm ăn như thế nào, nhưng tôi biết chắc chắn là tôi có thể lấy bất cứ cái gì tôi muốn trong số hàng hoá mà ông em tôi chuyên chở trên xe. Bờm nhất là tôi khi mà chỉ xin một lần khoảng một cân bút bi BiC, vừa cho, vừa dùng dễ đến mấy năm mới hết. Lâu sau, nghe nói ông em tôi bị cháy xe, giờ đọc tin ông bạn gì trong Quảng Bình đốt xe máy hòng xù nợ 200 triệu của bạn hàng, tự nhiên lại nghĩ đến ông em mình và số bút bi mình đã lấy, chả biết thực hư cháy xe ngày xưa và bây giờ thế nào nữa. Khi tôi làm việc với người Thuỵ Điển ( 25 năm trước), ấn tượng nhất và hình như cũng không tin vào mắt mình, đó là hầu như cái cabin và nhiều chi tiết vỏ của xe tải Scannia làm bằng giấy... Ngạc nhiên quá, không thể tin nổi. Lúc đó ở mình cái gì bằng sắt bằng thép mới là công nghiệp, mới là tốt, cái gì bằng nhựa đã là vớ vẩn lắm nói gì đến bằng giấy. Quãng hai năm sau đó, khi những chiếc xe Dream về Việt Nam, ban đầu người ta thích lắm, nhừn sau đó thì chê chết thôi vì xe gì mà toàn bằng nhựa, ngã một cái thì tan cái xe, của một đống tiền. Lưu ý là đầu những năm 1990, người ta đã gạ tôi dổi cái xe cub lấy nguyên một cái nhà trong ngõ đối diện cổng Đại học Y Hà Nội. Thế mới biết không chỉ có tôi choáng vì những vật liệu và công nghệ mới. ... Thời ấu trĩ rồi cũng qua đi, mông muội rồi cũng qua đi, sau sự xuất hiện của máy tính, cùng với sự hội nhập càng ngày càng sâu và rộng của đất nước, bây giò dường như cái gì cũng có thể, chả có gì làm ta ngạc nhiên nữa. Hôm qua ai nói ta đã vào độ bắt tri hoặc rồi, biết cả rồi, không nghi ngờ gì nữa, không biết điều đó có đúng không, nhưng điều kiện của thời đại đã tích tụ trong các thành tựu khoa học rồi,  Chán nhất là giờ người ta chẳng thấy cái gì lạ lẫm nữa, chả ước mơ gì nhiều nữa, và hình như nhiều người lắm đang cô đơn với những máy móc và công nghệ... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét